Nghệ Thường thấy trước nhất là hai cái chân mang giày ống. Nó là đôi ủng bằng da rất tốt.
Bước chân không gấp nhưng dài, chắc chắn.
Sau đó, nàng thấy vạt áo vàng. Thanh kiếm lủng lẳng. Chòm râu lưa thưa.
Cuối cùng là cặp mắt, đôi mắt nhỏ, dài, láo liêng, sáng chói.
Lão già đứng sững, lão ta không nhìn Nghệ Thường, không nhìn Lệ Tam Tuyệt, nhưng chắc chắn là lão ta thấy hết.
Lệ Tam Tuyệt đứng lên, cúi mình cung cung kính kính :
- Chủ nhân.
Lão già có râu làm như ngạc nhiên :
- Tam Tuyệt, sao đó?
Lệ Tam Tuyệt đáp :
- Bẩm chủ nhân, thuộc hạ gặp nàng hôn mê trên đường trong thành Trường An, vì thế... mang nàng theo.
Lão già có râu hỏi :
- Còn gã tiểu tử họ Bạch?
Lệ Tam Tuyệt đáp :
- Thuộc hạ chỉ thấy một mình nàng, không biết hắn đi đâu.
Bấy giờ tia mắt trầm trầm của lão có râu mới dời qua mặt Nghệ Thường, lão cười hề hề :
- Tam tuyệt, ngươi thật là diễm phúc.
Lão bước chậm về phía Lệ Tam Tuyệt và ngồi xuống.
Lệ Tam Tuyệt lui lại một bước đứng cúi đầu.
Từ trước đến sau, hắn vẫn trong dáng sắc hết sức cung kính, có lẽ đó là thái độ luôn có trước mặt chủ nhân.
Lão có râu ngó Nghệ Thường :
- Cô bé, gã tiểu tử họ Bạch đâu?
Sự xuất hiện thình lình của lão có râu làm cho Nghệ Thường hồi hộp, nhưng bây giờ thì nàng đã bình tĩnh lại, nàng nói nhỏ nhưng rõ :
- Tôi không biết, chính tôi cũng đang đi kiếm hắn.
Lão già có râu “à” nho nhỏ :
- Thế tại sao hắn lại bỏ cô mà đi?
Không muốn đem chuyện riêng nói với người khác, Nghệ Thường làm thinh.
Lão già có râu nhướng mắt :
- Sao, hai cô cậu gây nhau à? Hay là tại cô giận hắn? Hà, hà... không, hai cô cậu như keo sơn mà? Đang lúc quấn quít như thế thì làm gì có chuyện gây gỗ, hắn hiện tại như một con cá trong mảnh lưới tình của cô, hắn là tù binh đang bị đạo quân “Tình” của cô bắt giữ, nếu không có biến cố trọng đại, nhứt định hắn không xảy ra được. Cô bé, chuyện như thế nào vậy?
Nghệ Thường không nói.
Nàng cảm thấy lão có râu này hung ác hơn Lệ Tam Tuyệt thập bội, lão gian hiểm hơn Lệ Tam Tuyệt rất nhiều, tia mắt của hắn đã làm cho nàng thấy bất an, nàng nhắm mắt lại làm thinh.
Lão có râu cười nhẹ :
- Cô bé, cô không nói cũng không cần lắm, dầu thế nào thì cô cũng đã trong tay ta, không tìm được gã họ Bạch thì ta sẽ tuông cái giận lên mình cô vậy.
Lão quay lại hỏi Lệ Tam Tuyệt :
- Có làm gì chưa?
Tướng mạo của lão có râu, giá như lão không nói gì thì người ta cũng chỉ cho lão là người gian giảo hiểm ác là cùng, vì tướng lão xem cũng đường hoàng lắm, nhưng khi lão nói ra, nhứt là chuyện trước mắt một cô gái, người ta mới thấy cái lỗ mãng, cái lưu manh của lão.
Lệ Tam Tuyệt vội đáp :
- Không, bẩm không, chủ nhân.
Ánh mắt của lão có râu lóe lên, lão cười :
- Tốt quá... tốt lắm.
Lão ngó Nghệ Thường, đôi mắt lão càng lồng lên một cách dễ sợ, lão khoát tay nói với Lệ Tam Tuyệt :
- Ngươi hãy tạm thời lui ra bao giờ ta gọi thì vào.
Nghệ Thường vụt mở bừng đôi mắt.
Lệ Tam Tuyệt vâng dạ nho nhỏ trong miệng, nhưng chân hắn vẫn y một chỗ, hắn nói :
- Chủ nhân chắc cần...
Lão có râu nhíu mày :
- Ngu quá, còn phải hỏi.
Lệ Tam Tuyệt hơi sửng sốt :
- Thuộc hạ... nhớ rằng chủ nhân có nói không hay... gần nữ sắc.
Lão có râu lắc đầu :
- Bây giờ thì khác, đó là câu nói hôm trước, hôm trước với hôm nay là hai ngày khác nhau. Đi ra.
Lệ Tam Tuyệt ấp úng :
- Chủ nhân... nàng là... của thuộc hạ...
Lão có râu quay phắt lại, môi lão nhếch cười, cái cười của lão không ra tiếng và nhìn vào phát rùng mình :
- Nàng là của ngươi, còn ngươi là của ai? Lệ Tam Tuyệt, ngươi học bao giờ được câu nói hay như thế?
Lệ Tam Tuyệt cùi đầu :
- Thuộc hạ không dám...
Lão có râu nói :
- Đúng như vậy. Không dám thì đi ra. Đứa con gái này đang trong tay ngươi, nhưng lòng ả vẫn ở trong lòng gã họ Bạch. Đối với người con gái như thế, không thể nói chuyện tình nghe chưa? Vả lại con người của chúng ta không bao giờ nói đến chuyện tình. Đi ra.
Lệ Tam Tuyệt có nhúc nhích chân mình nhưng hắn vẫn chôn chân một chỗ.
Nụ cười trên bờ môi thâm xì của lão có râu vụt tắt, lão nói :
- Sao thế? Lệ Tam Tuyệt, ngươi đừng quên qui cũ của chúng ta, đó là “phục tùng”, nhớ chưa? Chủ nhân bảo chết thuộc hạ không hề do dự, biết chưa?
Da mặt của Lệ Tam Tuyệt nhợt nhạt :
- Chủ nhân, thuộc hạ là một trong [Thập đại kiếm sĩ” như chủ nhân...
Lão có râu bật cười thành tiếng :
- Lệ Tam Tuyệt, ngươi học được những câu nói ấy bao giờ thế? Đúng, ngươi là trong “Thập đại kiếm sĩ” như ta, nhưng từ ngày theo về với Sấm Vương thì ngươi là thuộc hạ, còn ta là chủ nhân. Ta dưới Sấm Vương, ngươi lại dưới ta, chủ tớ mãi mãi chưa thay đổi phải không?
Lệ Tam Tuyệt đáp :
- Quả như thế, chủ nhân.
Lão có râu xòe ngửa hai bàn tay :
- Quả thế thì... đi ra.
Những đường gân trên trán của Lệ Tam Tuyệt nổi lên, tròng mắt hắn đỏ ngầu :
- Xin chủ nhân lượng thứ, chuyện này thuộc hạ không thể tòng mạng. Nàng là của thuộc hạ, thuộc hạ không thể để vào tay bất cứ người nào.
Tia mắt của lão có râu dựng đứng trên mặt Lệ Tam Tuyệt :
- Như vậy ngươi đã động tình, ngươi định phản?
Lệ Tam Tuyệt nói nhỏ, thật chậm, thật rõ :
- Thuộc hạ vẫn tuân theo lời sai khiến của chủ nhân, không hề có một chút chi miễn cưỡng, riêng chuyện này, bất luận ra sao, cũng dám xin chủ nhân chấp nhận cho.
Lão có râu cười, lão cười rung đến tận chân, lão ngó chầm chập vào Lệ Tam Tuyệt, lão nói :
- Được, ta sẽ chấp nhận cho.
Câu nói vừa dứt thì thanh kiếm bên hông của lão đã thoát ra khỏi vỏ, mũi kiếm đã sát vào tới ngực Lệ Tam Tuyệt.
Thủ pháp của lão thật khinh người.
Nói nhanh không chưa đủ, phải nói là nhanh không thấy kịp.
Chỉ một chút nữa thôi, là lão đã thực hiện hai tiếng “chấp nhận” đầy hậu ý vừa rồi, nhưng không hiểu tại sao, lão bỗng ngẩng mặt lên nhìn trần nhà, nhìn lên cây sà ngang của ngôi miếu, thế kiếm vì đó mà hơi ngưng lại...
Lệ Tam Tuyệt không cần biết tại sao, hắn chỉ biết đó là một cơ hội ngàn năm không thể để mất, tay trái hắn vừa động thì thanh kiếm của hắn đã lút sâu vào giữa bụng chủ nhân của hắn.
Thanh trường kiếm lút hơn nửa phân.
Lão có râu rống lên một tiếng, thân hình lão nhảy dựng lên, thanh kiếm trong tay lão loáng tới.
Lệ Tam Tuyệt rú lên, hắn loạng xoạng thối lui.
Một vòi máu từ nơi bụng lão có râu phụt ra, xối ướt lên nền miếu, hai mắt lão trợn trừng nhìn Lệ Tam Tuyệt, miệng lão ngậm cứng, tiếng lão phát nghẹt trong cổ khò khè... khò khè...
Tay chân lão rung bần bật và cuối cùng là ngã xuống.
Lệ Tam Tuyệt chống thanh kiếm đứng sững nãy giờ, bỗng như cái bong bóng xẹp hơi, hắn từ từ sụn xuống ngồi dựa vào tường, máu từ bên hông hắn đổ ra nhuộm thân áo vàng đỏ ghế.
Nghệ Thường như chết điếng, nàng đứng sững một chỗ như trồng.
Lệ Tam Tuyệt run rẩy :
- Cô nương... tôi đã giết lão... họa lớn bằng trời... họa đến trên đầu tôi...
Nghệ Thường lại nói chuyện lương tâm :
- Không, vì cứu người nên ông tự vệ... tôi thấy lão rút kiếm ra trước.
Lệ Tam Tuyệt cười như khóc :
- Bọn của chúng tôi không phải hạng người nói chuyện về phải quấy. Giết đồng bọn là phản. Phản là đi vào tử lộ...
Nghệ Thường hỏi :
- Ông... ông là thuộc hạ của Lý Tự Thành?
Lệ Tam Tuyệt rắng sức gật đầu :
- Phải, tôi là một trong “Thập đại kiếm sĩ” của Sấm Vương phái đi với lão già đó đến Trường An thu lượm tin tức và hành động cấp bực lão cao hơn, lão là chủ nhân, tôi là thuộc hạ... bây giờ lão chết, không chết vì địch nhân mà chết bởi tay tôi... tôi làm sao về phúc bẩm.
- Tôi không hiểu... thật không hiểu, tại sao? Kiếm pháp hắn cao hơn tôi nhiều lắm nhưng tại sao hắn lại chết dưới kiếm của tôi.
Nghệ Thường nói :
- Cũng có thể lão tưởng ông không dám ra tay.
Lệ Tam Tuyệt cười nhăn nhó :
- Có thể... từ trước đến nay, công việc dầu lớn dầu nhỏ, dầu phải dầu trái, tôi không hề cãi hắn, hắn không thể ngờ tôi lại có thể ra tay... không hiểu... thật không hiểu tại sao tôi lại có đủ dũng khí để làm như thế...
Nghệ Thường nói :
- Tôi biết, ông vì để cứu tôi.
Lệ Tam Tuyệt lắc đầu :
- Chuyện đã đến mức này không còn thì giờ đâu để nói về chuyện đó. Cô nương, cô có biết võ công chớ?
Nghệ Thường hỏi :
- Chi vậy?
Lệ Tam Tuyệt nói :
- Cần phải giải khai huyệt đạo cho cô và nhờ cô dìu giùm tôi vào góc tường trong kia ngồi nghĩ tạm, tôi không thể gắng gượng nữa rồi.
Nghệ Thường ngạc nhiên :
- Ông không sợ tôi chạy trốn hay sao?
Lệ Tam Tuyệt nói :
- Chuyện đó bây giờ thì ở nơi cô, vết thương của tôi nếu không khéo băng bó thì e khó sống qua khỏi hai tiếng đồng hồ nữa, tôi cũng phải làm một chuyện tốt sau cùng và duy nhất trong đời chớ. Cô hãy vận đủ ba thành công lực, bóp thật mạnh vào “Kỳ Môn huyệt” ở hai chân đi, huyệt đạo sẽ giải khai ngay.
Người sắp chết quả có những lời nói thiện lương trong đời chắc ít có người hiểm ác mãi cho đến khi nhắm mắt.
Nghệ Thường nghe theo lời hắn, quả nhiên nàng cử động mạnh mẽ được y như trước.
Nàng đứng lên và không một chút do dự, nàng đỡ xốc Lệ Tam Tuyệt ngồi xê vào góc tường trong và nói :
- Ông để tôi xem vết thương và tìm cách băng lại.
Bây giờ thì đến phiên Lệ Tam Tuyệt sững sờ :
- Cô không đi sao?
Nghệ Thường nói :
- Dầu gì, tôi cũng không thể bỏ ông chết nơi đây vì vết thương này, tôi phải cố ráng hết sức của tôi. Ông đã cứu tôi thì tôi cũng phải cứu ông.
Lệ Tam Tuyệt tròn xoe hai mắt, hắn quên cả cơn đau của vết thương trầm trọng.
Có lẽ hắn không ngờ người đời lại thiện lương đến thế!
Nghệ Thường nói tiếp :
- Ông hãy để tôi xem xét vết thương.
Nàng ngồi xuống vén áo hắn lên...
Lệ Tam Tuyệt đưa tay cản lại :
- Không, nếu tôi đoán không lầm thì bọn Kiếm sĩ của tụi tôi sẽ đến đây bây giờ, muốn cứu tôi, cô nương cần phải dìu giùm tôi rời khỏi chỗ này, vết thương tự tôi lo liệu được, bằng không, cô nương phải cấp tốc đi đi, đùng ở đây nguy hiểm.
Nghệ Thường hỏi :
- Giữa dêm khuya như thế này, biết đi đâu?
Lệ Tam Tuyệt nói :
- Cô khỏi cần phải lo việc đó, chỉ cần tránh mặt bọn kiếm sĩ là tôi sẽ có chỗ đi.
Nghệ Thường gật đầu :
- Được rồi, tôi sẽ dìu ông đi khỏi nơi đây.
Lệ Tam Tuyệt vịn vai nàng để bước đi, giọng hắn run run :
- Cô nương... quả thật cô nương muốn cứu tôi sao?
Nghệ Thường đáp :
- Ông tuy phường tà đạo, nhưng hiện tại ông là người mang thương nặng, vả lại theo tôi thì bản tánh của ông cũng không đến mức xấu ác quá, chính ông đã vì cứu tôi mà giết người, chính vì cứu tôi mà phải mang thương.
Lệ Tam Tuyệt nói :
- Cô nương cần nên biết rằng phải nắm lấy cơ hội tốt, trừ phi tôi chết, nhứt định cô nương không còn có cơ hội tốt nữa đâu.
Nghệ Thường đáp :
- Tôi chưa suy nghĩ đến chuyện đó, tôi chỉ biết bây giờ ông mang trọng thương và tôi cần phải cứu thế thôi.
Lệ Tam Tuyệt quên cả chuyện tắt ngọn đèn đang cháy dở, đó quả là nguy hiểm. Vì ban đêm, chỉ cần một chút sáng đó, cũng đủ tạo dầu vết đẫm người ta tìm đến.
Ngôi miếu hoang lại trở về im tịnh.
Dưới nền có một người, nhưng người ấy bây giờ không nói nữa vì không còn thở nữa, không động nữa.
Mùi máu đã nghe tanh trong gió.
Bốn phía lặng trang.
Thấy người trơ trọi một mình, cái chết càng đậm màu thê thảm.
Thế nhưng giữa ngôi miếu vắng hoe vẫn có người... sống.
Người đó ẩn mình trên cây sà ngang, không biết tự bao giờ.
Bây giờ thì bắt đầu phóng xuống chân chưa chấm sát mặt đất thì bóng ấy lại vọt trở lên.
Bây giờ lại ẩn y vào chỗ cũ, vào cây sà ngang trên nóc miếu.
Vì có một bóng người đi tới.
Đi thật nhanh. Phi thân.
Đó là người áo trắng: Lý Đức Uy.
Hắn bước vào đảo nhanh bốn phía, sau cùng ngừng lại trên thây của lão có râu.
Hắn bước tới gần cúi xuống nhìn vết thương và buột miệng kêu lên :
- Đường kiếm thật hiểm.
Hắn nhìn đống máu chỗ Lệ Tam Tuyệt ngồi khi nãy, hắn bước tới và vụt quay mình.
Hai tay hắn chắp ra sau đít, hắn nói :
- Giết kẻ tà ác, phải là nhân vật chính phái, tôi không dám xúc phạm vậy xin thỉnh xuống.
Một giọng nói phát ra từ trên cây sà ngang :
- Giỏi, thính giác bén nhạy lắm.
Bóng đen bay xuống theo tiếng nói.
Đó là một lão già đầu đội nón rộng vành rách chóp, tóc hoa râm lòi cả ra ngoài, quần áo vá dùm và chụp: “lão già áo rách” Mông Bất Danh!
Không ngờ người ẩn trên sà ngang lại là lão Cùng Thần, Lý Đức Uy hơi ngơ ngác :
- À... thì ra Mông lão.
Cặp mắt thổ lộ của Mông Bất Danh nhảy lên nhảy xuống :
- Người bạn trẻ, trên đời thật nhiều chuyện lạ quá chừng. Và quả đất này lại nhỏ quá chừng chừng!
Lý Đức Uy cười :
- Quả có không lớn đó, nhưng Mông lão, ông với tôi nên gọi là hữu duyên hay oan gia trong ngõ hẹp thế hở?
Mông Bất Danh lạnh lùng :
- Oan gia thì đúng hơn.
Hắn nhìn xuống thây lão có râu vànói :
- Cứ theo tôi biết thì Mông lão từ trước không dùng binh khí, nhưng không biết bắt đầu xử kiếm từ bao giờ thế?
Là một “Niểu hùng” hùng cứ nhứt phương. Cùng Thần đâu lại không biết được ẩn ý trong câu nói của Lý Đức Uy nhưng ông ta “chơi” lại :
- Người bạn trẻ, thính giác khá lắm, nhưng nhãn quang hơi kém đó.
Lý Đức Uy cười :
- Sao? Người này không phải giết bởi đường kiếm sao?
Mông Bất Danh đáp :
- Chết vì kiếm thì phải rồi, nhưng không phải kiếm của ta. Người bạn đến cửa quan làm chứng kiểu đó thì ta chết rồi.
Lý Đức Uy nhướng mắt :
- Ủa, vậy thì hắn chết bởi kiếm của ai cà?
Mông Bất Danh gặn lại :
- Người bạn, bộ muốn biết thật sao?
Lý Đức Uy đáp :
- Chỉ tùy tiện hỏi, hỏi thế thôi, nói hay không nói là tùy Mông lão. Nhưng nếu có phải đến cửa quan làm chứng thì tôi chắc cũng phải nói như đã thấy.
- Giỡn hoài, đừng hù mà bạn. Muốn nói thì nói chớ, nhưng ta hỏi trước, giữa đêm tăm tối, người bạn đi đâu đây?
Lý Đức Uy cười :
- Đâu phải mình tôi, Mông lão đã chẳng có mặt đây sao?
Mông Bất Danh lắc đầu :
- Không, khác xa chứ. Lão là tên nghèo sơ, linh dinh trôi nổi, chỗ nào cũng tới, chỗ nào cũng nằm. Không có tiền thuê khách điếm, nếu không đến chùa vắng miếu hoang thì người bạn bảo đến đâu. Lạng quạng người ta bảo trộm à?
Lý Đức Uy cười :
- Mông lão hà tiện quá!
Mông Bất Danh háy mắt trắng dã :
- Thôi đừng có nói lòng vòng, muốn biết người này bị ai giết thì nói cho ta biết nửa đêm đi đâu đây, rồi ta nói cho nghe. Đối như vậy đi.
Trầm ngâm một chút. Lý Đức Uy nói :
- Đây là lần diện kiến thứ hai, bất luận Mông lão nhận tôi là oan gia hay gì gì cũng được, riêng tôi, tôi vẫn xem Mông lão là bằng hữu, vẫn kính Mông lão là trưởng bối...
Mông Bất Danh cười khà khà :
- Thôi mà, bạn. Đưa lão lên cao làm chi? Đói rách thấy mẹ mà ai dám nhận câu nói đó. Dạo này người ta chê nghèo chớ không chê gian, có tiền là tiên không tiền là trộm, trên đời chắc chỉ có mỗi một mình bạn xem ta là bằng hữu mà thôi.
Lý Đức Uy cười :
- Mông lão là hạng người nghèo mà cứng, chớ không phải như hạng có tiền mà mềm như bún, vì thế tôi phải xem khác chớ sao?
Mông Bất Danh nói :
- Người bạn nói chuyện tổn thọ cho người quá, chắc sư phụ của bạn khoái được một người đệ tử như thế lắm. Nín đi, đi đâu đây?
Lý Đức Uy nói :
- Tự nhiên là nói chớ sao không, vì tôi đã xem Mông lão là bằng hữu, đã kính Mông lão là trửơng bối, nói ra không chừng Mông lão còn giúp tôi nữa là khác...
Mông Bất Danh nhún vai :
- Chuyện đó cũng chưa biết chừng, trong đời ta, khi nào thấy trước mắt có hai chữ “giúp giùm” là ta quay đầu đi hướng khác. Suốt một đời người rồi, ta chưa hề làm cái chuyện trung thực, chưa hề bảo đảm cho ai, ta nghèo rớt mồng tơi đây, có ai bảo đảm cho ta, có ai trung thực với ta đâu.
Làm bộ như không nghe Lý Đức Uy hỏi :
- Mông lão có nhớ chuyện cái hầm trong cung Hoàng cung hôm nọ không?
Mông Bất Danh nói :
- Ta ít hay lẫn lắm, chuyện đó thì lại càng nhớ kỹ hơn. Sao? Có sao không?
Lý Đức Uy đáp :
- Người bị nạn đó là hậu nhân của “Tử Kim Đao” Bạch Trường Không.
Mông Bất Danh sửng sốt, nhưng rồi lão lại cười ngay :
- Dưới suối vàng nếu Bạch Trường Không mà biết chắc hắn cũng ngậm cười... thỏa mãn.
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Mông lão nói oan cho hắn rồi, đâu phải hắn cùng bọn với đám yêu đồ Bạch lão đệ...
Hắn không giấu một chút nào cả, hắn thuật hết đầu đuôi câu chuyện về La Hán cho lão nghe...
Mông Bất Danh lắng nghe và gụt gật đầu :
- Như vậy thì có chỗ châm chế được, nhưng mà có can hệ gì đế chuyện nửa đêm gà gáy bạn mò đến đây, chẳng lẽ bạn đi kiếm cái tên tiểu tử họ Bạch ấy à?
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Không phải tìm hắn mà là tìm một người khác...
Mông Bất Danh nhướng mắt :
- Tìm người khác? Ai?
Lý Đức Uy đáp :
- Tìm một cô gái, cô gái đó là người yêu của hắn. Hắn đối với nàng tình sâu nghĩa nặng, nàng đối với hắn một lòng chung thuỷ, chỉ có nàng mới có thể kéo hắn lên khỏi vùng trầm luân.
Mông Bất Danh gật gật :
- Như vậy là phải..
Rồi ông ta vụt hỏi :
- Bạn bảo tên tiểu tử đó la hậu nhân của “Tử Kim Đao” Bạch Trường Không?
Lý Đức Uy gật đầu :
- Đúng thế.
Mông Bất Danh lầm bầm :
- Hậu nhân của Bạch Trường Không thì cũng là họ Bạch...
Lý Đức Uy đáp :
- Đương nhiên, bây giờ đâu còn chế độ mẫu hệ? Con thì nối họ cha.
Mông Bất Danh vụt hỏi :
- Bạn nè, tại sao bạn lại không giữ gìn? Tại sao bạn dám nói huỵch tẹt với ta như thế?
Lý Đức Uy nói :
- Tôi đã nói rồi, tôi xem Mông lão là bằng hữu, kính Mông lão là trưởng bối, chắc Mông lão phải giúp chớ đâu lại hại mà phải giấu?
Mông Bất Danh hỏi :
- BAan nè, bạn biết mục dích của ta đến Trường An rồi mà?
Lý Đức Uy gật đầu :
- Biết rất rõ.
Mông Bất Danh nói :
- Dương Tông Luân là rường cột nhà Minh, hậu nhân của Bạch Trường Không có thể sẽ là tay đắc lực của Dương Tông Luân, họ sẽ là cường địch của ta, thế thì ta lại giúp họ sao?
Lý Đức Uy nói :
- Tôi đã nói rồi, Mông lão là hạng cứng chớ không phải hạng cúi đầu...
Mông Bất Danh trợn mắt trắng dã :
- Cứng thì cứng chớ bộ không biết tham danh háo lợi hay sao? Thằng già giàu sụ như Tổ Tài Thần còn mê chức tước bạc vàng, thằng Hải Hoàng đúng là ông hoàng ngoài Cúc Hoa đảo mà cũng thấy vàng là híp mắt, thằng ăn cướp chúa Nam Cung Nguyệt, vàng ngọc chất đầy nhà mà nghe đến vàng ngọc là mắt nổ đom đóm huống chi thằng già không có cái áo lành này? Giỡn hoài, bộ Phật sao? Mà phật cũng còn mê sự “cúng đường” nữa kia mà!
Lý Đức Uy gật gật :
- Chẳng hay Mông lão có nghe cái câu này không cà?
Mông Bất Danh nhướng nhướng :
- Câu nào?
- Lý Đức Uy cất giọng cao cao :
- “Đói cơm ruột thẳng, lòng thường thanh khiết, áo rộng mũ cao, lưng cứ hay khom”. Chí khí chỉ sanh trưởng trong đạm bạc, tiết tháo thường tiêu mất trong cửa ngọc nhà vàng.
Mông Bất Danh hơi đổi sắc, lão kêu lên như đỉa đụng vôi :
- Mẹ họ, chí khí có làm ra áo đâu? Tiết tháo có kiếm được cơm đâu? Mẹ họ, nghèo sát ván suốt cả đời rồi, cứ vinh hoa phú quý cho đã rồi có bị mắng tràn thiên cổ cũng được mà, hổng sợ.
Lý Đức Uy cười :
- Vây thì giúp hay không giúp cứ tùy nơi Mông lão. Tôi đã đem cái phương pháp duy nhứt có thể cứu Bạch La Hán nói cho Mông lão nghe rồi. Vậy thì nếu có thấy một vị cô nương như tôi nói, Mông lão cứ theo chế ngự nàng đi, chỉ cần chế ngự được nàng thì lo gì không tiến công La Hán cho Mãn Châu, đại công đó mà thành, thì lo gì không có nhà cao vàng ngọc.
Mông Bất Danh vụt bật cười, lão gật gật :
- Đúng quá, đúng quá... người bạn trẻ, cám ơn, cám ơn chuyện dễ ăn như thế mà nếu bạn không chắc là ta đã nghĩ không ra... cám ơn, cám...
Ngưng một chút, lão lại nói :
- May không quên, đúng rồi, cái thằng già bị giết này là chết bởi thanh kiếm của một thằng trẻ có tên là Lệ Tam Tuyệt... thằng có tên Lệ Tam Tuyệt dùng thanh kiếm dẹp mỏng mà dài, vết thương này cũng nhỏ thì đúng rồi... chỉ có điều lạ là thằng Lệ Tam Tuyệt đó dùng kiếm tay trái, vết thương của lão này đáng lý bên tay phải nhưng không hiêu sao lại cũng bên tay trái...
Lão nói bô bô, lão kể hết đầu đuôi câu chuyện khi nãy trên cây sà ngang cho Lý Đức Uy nghe, lão kể không thêm bớt, chỉ có điều là lão nói rất lòng vòng.
Lý Đức Uy chăm chú nghe và gật đầu :
- Như vậy thì nếu lão già này không nghe tiếng động phát ra trên cây sà ngang nếu lão không bị phân tâm thì bây giờ thây nằm dưới đất không phải lão mà là Lệ Tam Tuyệt.
Lẽ tự nhiên, trong câu chuyện kể, lão Mông Bất Danh giấu bặt chuyện có Nghệ Thường trong đó.
Lý Đức Uy ngẫm nghĩ hồi lâu, hắn nói :
- Nhưng đã trốn trước trên này thì làm sao lúc ấy lại có tiếng động? Nếu không phải là dụng ý? Có phải Mông lão muốn cứu Lệ Tam Tuyệt không?
Tròng mắt của Mông Bất Danh lại nhảy lên nhảy xuống.
- Ma mà cứu nó. Ai cứu nó chi? Bộ nó là ông bà ông vãi ta sao.
Lý Đức Uy cau mày :
- Nhưng khi không sao chủ tớ họ lại sanh chuyện giết nhau như thế ấy?
Mông Bất Danh nhún nhún vai :
- Ma mà biết. Mà cũng nào có lạ gì. Cái bọn đó là thế, ngày hôm nay anh anh em em, ngày hôm sau vẫn mần thịt nhau không một chút thương xót, lạ gì.
Lý Đức Uy làm thinh.
Hồi lâu, hình như lão Mông Bất Danh không chịu được cái làm thinh đó, lão dợm lên tiếng, nhưng Lý Đức Uy vụt ngẩng đầu lên :
- Cứ theo cách kể của Mông lão thì Lệ Tam Tuyệt cũng mang thương và thương không nhẹ phải không?
Mông Bất Danh gật gật :
- Đúng rồi, đống máu còn đó không thấy sao, chính khí trúng kiếm hắn tụt lui và té ngồi nơi đó đó...
Lý Đức Uy hỏi :
- Bây giờ Lệ Tam Tuyệt đâu?
Mông Bất Danh lại nhún vai :
- Ma mà biết. Ai biết hắn đi đâu? Cũng có thể hắn sợ đồng bọn tới nữa nên đã vội lánh mình.