Chỗ nào cũng đã lên đèn, chỉ có một chỗ là không có.
Không phải nói là chỗ đó ánh đèn không đợi ra ngoài, chớ bên trong sáng lắm.
Chỗ đó, vừa nhìn thoáng qua, tưởng chừng như một đại trang viện, một tòa nhà lớn, một phú hộ gia, bên ngoài có vòng tường thấp, có cổng “tam quan”, bên trong có sân rộng, có vườn hoa, có mái dài với hành lang hung húc...
Nhưng nhìn kỹ lại thì đó là một ngôi nhà thờ, vì dưới mái ngói ngoài cánh cổng, khuất trong bóng tối có tấm khuôn biển đề bốn chữ “thang thị từ dường” thật lớn.
Lâu đời lắm, vì thế cho nên màu sơn bây giờ đã bầm đen, dấu thếp vàng cũng không còn chói lọi, nó đã lỳ xuống xạm màu. Chung quanh tấm hoành phi lô đổ tróc sơn.
Mái ngói của cổng cẩn men xanh đồng hoà đen thẫm, rêu phong phủ đầy.
Xế xế ngoài đường xa xa, có một xe mì, nói xe vì thùng nấu mì có bốn cái bánh, chớ thật sự bánh xe không còn sử dụng, lâu ngày dính khắn xuống đất; nó đã trở thành một “gian hàng” có mái, có bàn xung quanh, có lẽ từ khi được “thiết trì” nơi đây cho đến bây giờ cái “xe mì” này chưa bao giờ di động đúng với bản thân xe của nó.
Xe mì này phải nói là khá lớn, bán đủ thứ mì, bán cả rượu.
Thực khách, ẩm khách khá động, tấp nập.
Phải chia ra phần “ẩm khách” vì có nhiều người đến không phải để ăn mì mà là uống rượu. Uống khơi khơi đôi ba hồ, nhai lai rai ba miếng “xí quách”, khề khà, khề khà tán hươu tán vượn có nhiều người đãthành khách quen, cứ hể ngồi vào thì “ông chủ” đã vội cho phổ kỵ mang tới chớ không phải kêu.
Bữa nay họ vắng, chỗ xe mì chỉ có một người khách, người này cũng không phải khách quen.
Trên bàn gồm có một bầu rượu, một tô mì lớn, thêm một tô xí quách.
Hình như ông khách này cần no chớ không cần ngon, xe mì vốn đã “lai cãng” vì ngoài mì ra còn có nhiều món nhậu khác nữa, khá hấp dẫn, thế nhưng ông ta không gọi là mà lại kêu “xí quách” thêm vào đó, ông ta lại ăn thứ mì rời.
Không phải mì “vắt”, thứ rời vốn là thứ vụn, bán tô lớn không thịt dành cho những kẻ ít tiền cần ăn no.
Ngay lúc đó, có một gã áo đen, thấy cách ăn vận biết ngay là kỵ sĩ đi ngang qua, bằng vào cách phục sức khá sang của người kỵ sĩ, biết chắc, dầu có đang đói xe mì này cũng không phải là chỗ dễ dàng cho hắn để ý.
Người kỵ sĩ đi ngang qua, vị thực khách ngẩng lên rồi vội cúi gầm mặt xuống hình như họ có biết nhau.
Sau đó có năm người nữa, cũng lướt qua xem ý, theo hướng người kỵ sĩ bước chân của họ chắc mạnh, hùng vĩ.
Dẫn đầu năm người là một gã trung niên đại hán, khoảng bốn mươi, vóc cao vai rộng, mắt tròn mày rậm, râu bó hàm uy dũng hiên ngang.
Người đại hán ăn mặc sang trọng, nhưng gọn gàng. Bên ngoài choàng chiếc áo nhung đen, cổ và tay đều viền thứ lông thú thật nhuyễn, thật mịn, bên trong bộ áo chót cũng màu đen, thắt sợi dây đai to bảng, đầu đội có nạm nhiều viên ngọc to bằng ngón tay cái, chiếu ngời.
Cũng là hạng võ biên, nhưng nhìn qua người ta biết ngay đó là một con người hay chưng diện, biết cách chưng diện.
Bên hông, một thanh đoản đao, thanh đao giắt xéo sau hông, cán đưa xéo ra ngoài, nơi cán đao, cũng y như những thanh đao có tuôi khác, chùm tuôi đỏ đong đưa theo nhịp chân đi, chỉ có khác ở chỗ là chùm tuôi dính nhiều viên ngọc lớn, lung linh.
Chỉ bằng vào sợi dây đai, bằng vào chùm tuôi của thanh đao, một gia đình có thể sống thong thả suốt đời, không cần người rành giá, bất cứ ai nhìn qua cũng đều biết đó là những thứ ngọc khó tìm.
Dưới chân là đôi giày cao, da đen bóng, da thật thẳng, nhưng là thứ thật mềm. Tay hắn cầm roi ngựa, roi da, đen ngời, làm nổi bật chiếc cà rá ở ngón tay với viên ngọc lấp la lấp lánh.
Toàn thân của con người ấy, trừ những viên ngọc và tuôi đao, còn tất cả đều đen, tăng thêm uy mãnh trong vóc người.
Bốn tên đại hán theo sau, chỉ không có dây đai cẩn ngọc, không có cà rá nơi tay, không có roi ngựa, còn thì tất cả đều ăn vận giống hệt như nhau. Toàn thân đen ngòm.
Bây giờ nhìn kỹ, người ta mới nhận ra người kỵ sĩ đi đầu khi nãy, đi qua xe mì khi nãy, là một trong bốn người theo sau gã mặc áo choàng lông, không biết hắn quay lại bao giờ? Có lẽ hắn đi mở đường và nếu thế thì người đeo đại cẩn ngọc đó là chủ nhân.
Người mặc áo choàng bước qua khỏi xe mì bỗng quay nhanh lại, y như cái máy, bốn tên đại hán lập tức bước mau tới và cũng quay lại và như thế, họ cũng vẫn đứng sau lưng gã mặc áo choàng.
Bằng cung cách đó, ai cũng có thể biết gã mặc áo choàng, có dây đai cẩn ngọc đó đúng là chủ nhân rồi.
Nhìn chầm vào vị thực khách đang cố ý cấm đầu ăn mì, tia mắt gã áo choàng chớp ngời như điện, hắn nhếch môi cười và khoát vạt áo ngồi xuống nơi bàn đó, đối diện với kẻ đang ăn.
Bốn tên đại hán đứng sau lưng gã, dáng cách cực kỳ cung kính.
Ông chủ xe mì hoảng hốt.
Người ta thường nói: “một giang hồ, hai bán quán” nói câu đó muốn nói rằng họ là hạng lịch lắm, rành đời. Thường thường những lão già bán quán, phần đông là “thối thân” của khách giang hồ tứ chiến, nhưng nếu không phải thế, nếu họ xuất thân “thế tập” từ đời ông đến đời cha chuyên nghề bán quán, thì họ cũng là hạng thân cận giang hồ, có thể nói việc làm ăn của họ có phát đạt hay không đều nhờ nhiều vào thực khách giang hồ, tứ chiến.
Chính vì gần gũi nên họ đánh hơi, thật nhạy.
Chính ví thế mà lão chủ xe mì thấy có thêm khách, đã không mừng mà lại đâm lo.
Bằng vào “kinh nghiệm bán quán” lão thấy ngay người khách áo choàng ngồi lại, không phải vì rượu hay mì của lão, mà là vì vị thực khách đang ngồi ăn tô mì lớn.
Chính ví thế mà cái đon đã hỏi “khách dùng chi” cố hữu của lão chưa dám mang ra.
Lão đứng yên, mắt tròn, miệng ngậm, lo âu.
Người mặc áo choàng lên tiếng trước, hắn nói giọng miền nam :
- Lâu quá, Mông lão vẫn còn sõi ghê he? Sao? Vẫn hà tiện dữ vậy à, cả một tô mì có thịt cũng không dám ăn nữa sao?
Vị thực khách ngẩng đầu, ông ta - Mông Bất Danh cười nụ cười không thật lắm :
- Đúng là “Đạo sư”, nè ông bạn họ Nam, cái lũ cướp con cướp cháu của bạn giỏi lắm, không uổng cơm chút nào cả đó nghe, giỏi lắm, đánh hơi còn giỏi hơn ruồi.
Tên đại hán “kỵ sĩ” đi qua trước hết khi này có hơi đổi sắc, thế nhưng hắn không dám nói, mà cũng không dám tỏ thái độ gì, mặc dầu hán rất biết là Cùng Thần này đang chửi tạt vào mặt hắn.
Như không để ý đến cái lối kỳ cục “cố hữu” của lão Mông, “Đạo sư” Nam Cung Nguyệt cười sang sảng :
- Cái tật lớn của Mông lão có lẽ đến chết cũng không chừa, cái miệng của ông mở ra là tổn đức! Sao? Mấy năm nay vẫn giàu thêm ra chớ?
Nhún nhún vai theo thói quen, Mông Bất Danh đáp :
- Có thấy viên ngọc nào trong mình ta không mà hỏi cái giọng móc họng thế, nghèo thấy mẹ.
Nam Cung Nguyệt bỗng nghiêng mặt :
- Mông lão nè, có một chuyện mà bao nhiêu năm nay thật tình tôi nghĩ hoài vẫn không ra lẽ...
Tròng mắt của Mông Bất Danh nhảy lên nhảy xuống :
- Gì? Chuyện gì phải suy nghĩ lâu thế?
Giọng của họ Nam thấp xuống làm như vấn đề quan trọng :
- Mông lão nè, tôi không biết cái gia tài như núi thái sơn của ông để dành lại cho ai hưởng thế?
Y như một con bò cạp chích trúng vô đít, Mông Bất Danh thiếu điều nhảy dựng lên :
- Ai nói? Ai nói vậy? Thằng nào thui?mồm thúi miệng vậy, không có một cái áo lành đây không thấy sao? Thằng nào nói cái chuyện tổn đức như thế chớ?...
Nhưng rồi lão vụt hạ giọng ngay :
- Mà nè, đừng có lo, để lại cho ai thây kệ cha ta, miễn không để lại cho con cháu tên cướp khét tiếng miền Nam là được!
Nam Cung Nguyệt cười hề hề :
- Giỏi, nhưng mà nè Mông lão, nói thật nghe, đừng có ló cái chỗ chôn giấu ra nghe, bạn bè thì bạn bè, nhưng nghề nghiệp vẫn là nghề nghiệp, lương tâm chức nghiệp của tôi cao lắm đó, tôi mà biết chỗ là “khuân” ngay đó nghe.
Mông Bất Danh lại nhún nhún vai :
- Cứ tự nhiên, tự nhiên, có bản lãnh làm thử coi? Cứ tìm cho được chỗ chôn cái quan tài của ta thì coi như của bạn đó. Làm đi.
Nam Cung Nguyệt cười :
- Nói thật nghe, có nhiều kẻ giấu vàng ngọc bằng cách nhét vào cục gạch khi còn ướt, đun khô xây chân nền nhà cầu tắm thế mà tôi vẫn kiếm ra, chỉ có ông là tôi chịu thua. Ông không vợ không con, không một tên đồ đệ, chỗ chôn giấu chỉ mỗi một mình không biết, khó đánh hơi lắm, chịu thua luôn.
Mông Bất Danh nói :
- Đã biết như thế thì tốt hơn hết đừng có phí công, để sức lực làm ăn nơi khác.
Nam Cung Nguyệt mỉm cười :
- Thôi, bỏ chuyện ấy đi, bây giờ hỏi chuyện này nghe, từ phương bắc xa xôi yên ổn, sao chẳng lo an hưởng tuổi già, còn đến đây làm chi vậy? Ông bạn già?
Mông Bất Danh đáp :
- Hỏi chi? Bao tử ai nấy biết mà.
Nam Cung Nguyệt cười ha hả :
- Mông lão là bậc trưởng bối, giỏi nói giỏi nghề nhưng nghe nói bọn mình vẫn bị... đi sau, có thế không hè?
Mông Bất Danh gật gật :
- Cái đó có thể tin được, thằng già giàu nức vách họ Tổ đã đem con gái mình ra bán, thằng cha vua biển “Cúc Hoa đảo” cũng đã chen riết vô rồi, nếu bọn chúng hoàn thành thì cái ghế của bọn mình sẽ ở hàng ba hàng tư đó.
Nam Cung Nguyệt lắc đầu :
- Không cần, danh vị nào cũng không bằng “Đạo sư”, tôi không màng thứ đó, tôi chỉ cần tiền...
Mông Bất Danh nháy nháy mắt :
- Và gái nữa chớ, quên sao?
Nam Cung Nguyệt lắc đầu :
- Nói gái không chưa đủ, thứ đó thiếu gì? Phải nói là “mỹ nhân”, phải nói là “đệ nhứt mỹ nhân”. Tiền bạc, gái đẹp, bao nhiêu đó đủ rồi, trong trường hợp không được cả hai, họ Nam này tình nguyện uổng tay vàng bạc để nắm chặt tay người đẹp. Đời mà, Mông lão, con người, đâu có bao năm, hưởng tận bình sanh rồi chết, ta đã nguyền gom hết mỹ nhân trong thiên hạ vào tay, đó là tâm nguyện.
Mông Bất Danh lắc đầu :
- Sao không sửa “Đạo sư” thành “sắc sư” mẹ nó cái cho rồi, đúng là thứ thấy gái đi không nổi, bao nhiêu năm rồi cũng vậy.
Nam Cung Nguyệt lắc đầu :
- Không, đã đành là háo sắc, điều đó không phủ nhận, nhưng không phải bạ đâu quơ đó đâu, thứ tầm thưởng, họ Nam này đâu có thèm, phải là hạng tuyệt sắc giai nhân và đến bây giờ, thú thật nghe, Cung lão, vẫn chưa có người vừa ý.
Mông Bất Danh cười :
- Nếu gặp người vừa ý, người hùng phương nam rất sẵn sàng nâng gót chân nàng.
Nam Cung Nguyệt cười ha hả :
- Mông lão kể như là tri kỷ của ta rồi đó, Mông lão hiểu hết ruột gan ta. Bây giờ thì không phải một hai người mà phải là một đội binh hồng phấn chỉ có điều chưa có người nào là “hồng phấn tri âm” đối với họ Nam Cung này.
Mông Bất Danh gật gật đầu :
- Đó là sự thực tuy chưa thấy nhưng cũng đã có nghe, chuyến đi này cũng mang họ theo cả chớ?
Nam Cung Nguyệt lắc đầu :
- Đã bảo họ chỉ là hạng tầm thường, mang theo làm gì cho mệt, vả lại, chuyến đi này cũng chẳng phải là du ngoạn?
Rồi như để chuyển câu chuyện sang hướng khác, Nam Cung Nguyệt hỏii :
- Mông lão nè, một mình đến ăn mì nơi đây đề làm gì thế?
Mông Bất Danh lại nhún nhún vai :
- Lạ không, sao lại hỏi một câu không có chỗ để như thế, đến xe mì làm gì? Đến để ăn, để làm cho bao tử khỏi trống, chẳng lẽ ta đến đây để... xem hát sao?
Nam Cung Nguyệt nheo nheo mắt như đang “đi guốc” trong bụng lão :
- “Phượng hoàng bất lạc vô hữu chi địa”, Mông lão là Phượng hoàng, nếu đến đây thì nhứt định nơi ấy phải có “báu vật”. Bọn mình biết nhau quá rồi mà.
Như để làm “loãng” câu chuyện, Mông Bất Danh chỉ vào số ngọc trong mình của Nam Cung Nguyệt :
- Đó, “báu vật” đó, coi chừng nghen.
Nam Cung Nguyệt cười :
- Thấy được là tầm thường, không thấy mới đúng là quý báu. Nhìn vào cách ăn vận, ai cũng có thể nói được họ Nam này giàu có, còn Mông lão thì nghèo xơ, thế nhưng có ai biết đâu rằng gia tài của tôi không bằng một nắm của Mông lão!
Mông Bất Danh nhún nhún vai :
- Thôi mà, chơi nhau chi...
Rồi khum xuống lùa mì và nói tiếp :
- Hứ, mì này khá quá. Hứ, ngon! Ngon!
Nam Cung Nguyệt cười :
- Đừng có làm lãng chuyện mà, Mông lão, thấy mặt chia hai đó là quy cũ, sớm muộn gì rồi ta cũng có phần mà.
Đôi tròng mắt của Mông Bất Danh lại nhảy lên nhảy xuống.
- Họ Nam kia, ăn nói thì phải coi chừng với chớ! Nói gì mà tổn đức thế? Ta đây họ Mông này đây vốn là bản tánh thiện lương, lương thiện, một đồng tiền của ta xải ra đều là bằng... mồ hôi nước mắt làm ra đó nghe! Đừng có làm cho từng cái tuổi này mà ta còn bị chiếm cái hơi ăn cướp, đừng có bắt thằng già này tóc bạc còn phải đến cửa toà nghe phán tội đó nghe không?
Nam Cung Nguyệt cười chúm chím :
- Mông lão, bọn mình biết nhau quá mà, đâu phải mới đây, lâu rồi mà. Chúng mình là bạn lâu năm, tuy không văn tự chia ranh, nhưng mảnh đất hùng cứ cũng đã rành rành. Cái đáng nói là bao nhiêu năm nay, giữa chúng ta chưa hề đụng chạm. Nhưng quy củ là quy củ, đừng có làm mất cái “ý nghĩa” quý báu ấy. Ông bạn già không biết tánh tình của họ Nam này sao? Ta mà không nắm được thì không một ai nắm được đâu nghe. Nguyên tắc là chưa phải là của riêng ai thì không được nắm riêng trong tay mà, Mông lão.
Mông Bất Danh xô chén rượu, trầm giọng :
- Sao? Bây giờ làm khó dễ sao đây? Nhớ rằng thằng già họ Mông này chưa hề có ai bắt ép được đó nghe...
Lão đứng lên vá nói tiếp :
- No rồi, đủ rồi. Xin lỗi nghe, kiếu đây.
Lão xô ghế quay ra.
Bốn tên đại hán đứng sau lưng Nam Cung Nguyệt vội vàng tràn tới.
Nam Cung Nguyệt vung ngọn roi ngựa thét lớn :
- Khốn kiếp, lui ra. Không biết Cùng Thần Mông lão hay sao? Vô lễ, dang ra.
Vừa thét thuộc hạ, Nam Cung Nguyệt vừa đứng dậy cười cười :
- Bậy quá, cái đám chết bầm...
Mông Bất Danh trừng trừng, tròng mắt nháy lia :
- Nói một lần nữa nghe, cái đám cướp con cướp cháu của bạn khá lắm, thật nuôi hổng uổng cơm chút nào cả.
Nam Cung Nguyệt cười khà khà :
- Thôi, quân tử bất chấp tiểu nhân ngồi đây uống với nhau vài chén nữa mà, lâu gặp mà, tất cả nãy giờ cho kẻ này đãi một chuyến đi.
Đúng là “lão bằng hữu”, Nam Cung Nguyệt gãi thật đúng chỗ.
Cái lão Mông Bất Danh này có cái tật rất lớn là khoái “quơ” của thiên hạ những cái nho nhỏ như thế, lão nhún nhún vai và hầm hầm... ngồi xuống.
Rượu và món ăn được mang ra là lão nói ngay, giọng lão như chỗ này chưa từng xảy ra bất cứ chuyện gì :
- Hổng giận, hổng giận... bậy quá.
Nhưng rồi lão lại hỏi luôn :
- Có gì đâu, có đáng gì đâu he?
Nam Cung Nguyệt không nói, cứ hối lão chủ quán đem thứ nhắm và rượu lên thêm.
Hắn tự tay châm rượu cho Mông Bất Danh, tự tay gắp thức ăn vào chén lão, chờ cho lão uống cạn chén, vét sạch đĩa rồi hắn mới cười cười :
- Mông lão nè, vải thưa che không qua mắt cướp, họ Nam này lại không phải một thằng mù chỉ vậy mà, bạn lâu năm mà, chiếu cố cho nhau chớ, không lẽ để người ngoài rinh hết hay sao?
Mông Bất Danh nhướng nhướng :
- Hay, nhưng chẳng hay “Đạo sư” miền Nam có chiếu cố họ Mông này lần nào chưa vậy he.
Nam Cung Nguyệt cười :
- Xa xôi mà, đâu có gặp nhau thường? Vả lại, cũng phải có chuyện lớn kìa chớ, những cái đám nho nhỏ “gắp” làm chi cho vây đũa, phải không? Sau này thiếu gì cơ hội.
Trầm ngâm một chút, Mông Bất Danh gật gù :
- Được, cứ cho là cái “nước ngọt” của bạn làm cho ta mê đi, ta cũng “chiếu cố” bạn một chuyến này. Đúng là gặp bạn kể như xui tận mạng...
Nam Cung Nguyệt cười cười :
- Nói chi chuyện khó nghe vậy không biết, anh em mà.
Đôi tròng mắt của Mông Bất Danh nhảy lên nhảy xuống :
- Còn không xui thì hên à? Không gặp bạn thì đã nuốt trọn rồi, gặp bạn là phải chia phân nửa, tối hôm qua thấy sao chổi, gặp quạ rượt, bây giờ thì gặp bạn.
Nam Cung Nguyệt cười :
- Thôi chớ, mắng người ta hoài vậy sao? Được rồi, cứ kể như ông xui đi, nhưng mà đã hết vốn đâu.
Mông Bất Danh trầm ngâm rồi hỏi :
- Nè, hỏi cái này nghe, mấy cái nường của bạn không mang theo mấy ngày nay bạn chịu nổi sao?
Nam Cung Nguyệt cau mặt :
- Nói làm chi cái chuyện tầm phào đó không biết, vô đề đi mà.
Mông Bất Danh nói :
- “Đề” đó chớ, sở dĩ ta hỏi thế là có cái lý của ta chớ, trả lời đi.
Mặt lão không có vẻ đùa, lão hỏi thật.
Nam Cung Nguyệt không làm sao được nên phải đáp thật tình :
- Đang chọn đây, được chưa?
Mông Bất Danh hỏi :
- Vừa rồi bạn có nói, vàng ngọc cũng khoái mà mỹ nhân cũng khoái, nhưng nếu không được cả hai thì chọn một: mỹ nhân, phải không?
Nam Cung Nguyệt gật đầu :
- Quả có như thế.
Mông Bất Danh cũng gật đầu :
- Như vậy thì dễ tính rồi, hiện tại có mỹ nhân mà cũng có một món của không lớn lắm, vậy ta chọn của, còn bạn rước mỹ nhân nghe.
Như đụng phải chỗ ngứa, Nam Cung Nguyệt nhóng mình lên :
- Đâu? Ở đâu?
Mông Bất Danh đưa tay?
- Đừng có nóng, sao cứ nghe người đẹp là nhảy dựng lên thế? Hãy cho biết đã, có làm hay không?
Nam Cung Nguyệt gật gật?
- Sao lại không? Nhưng nói trước nghe, phải vừa mắt mới được đã!
Mông Bất Danh khoát tay :
- Yên chí, nếu không vừa mắt thì món kia ta giao bạn luôn không thèm lấy một tên.
Nam Cung Nguyệt gật liền :
- Nhưng đã có thấy mặt chưa hay chỉ nghe nói bóng nói gió đó cha nội?
Mông Bất Danh háy mắt :
- Sao lại không thấy? Không thấy làm sao biết được là “mỹ nhân” đêm rồi chính mắt ta đã dòm cô nàng suốt mấy tiếng đồng hồ đây mà.
Nam Cung Nguyệt cười :
- Già địch sao? Khá lắm phải không?
Mông Bất Danh hừ hừ :
- Sao lại khá? Đẹp chết người đi chớ chỉ “khá” không thì ai chỉ làm chi?
Làm thấp giọng bằng tất cả sự bí mật :
- Nói nghe, bạn có lẽ không tin lắm, người này nếu đem về dặt đứng chung trong cái “đội nữ binh” của bạn thì ta tin rằng tất cả cái gì của bạn từ trước tới nay phải... đen thui. Lúc đó, nếu đất mà có chỗ nẻ, nhứt định bạn sẽ chui xuống mà trốn sạch đó nghe.
Như bị châm vào Mông Nam Cung Nguyệt đứng phắt lên :
- Nói một câu thôi Mông lão, ông lấy vật, tôi lấy người, nhứt ngôn ví định. Không ai rớ tới của ai.
Hắn gấp, nhưng Mông Bất Danh lại càng gấp, lão lắc đầu :
- Đừng vội, đừng vội, ta da94 chẳng nói rồi sao, gấp quá nó nghẹn, nuốt không trôi, đâu phải chưa thấy con gái, gấp gì mà gấp dữ vậy.
Nam Cung Nguyệt toét miệng cười :
- Mông lão không biết, đi chuyến này ta không có mang theo mống nào cả, mà Trường An bây giờ bết quá, hình như là cái thứ bèo nhèo không, khắp các kỷ viện không có một ma nào coi cho được, cái thứ buồn ngủ quơ chiếu manh là ta không thích, vì thế nên bây giờ.
- Gấp là chuyện của bạn, mà giỡn là chuyện của ta, ta nói trước, vô một lượt, ta không dại gì đưa cổ vô cho chúng nó đánh, chỗ này không phải tầm thường, phải có kế sách đàng hoàng mới được.
Không còn cách nào hơn Nam Cung Nguyệt gật gật đầu :
- Được rồi, ở đâu? Làm sao?
Mông Bất Danh liếc ngang bốn tên đại hán và hỏi :
- Đến Trường An mà chỉ mang theo có bấy nhiêu sao?
Nam Cung Nguyệt nhướng mắt :
- Sao? Bấy nhiêu đây không đủ à?
Mông Bất Danh bĩu môi :
- Nhằm nhè gì? Một cái chỗ vừa có vàng ngọc, vừa có mỹ nhân thì đâu phải như cái xe mì này? Người ta phải cửa trong cửa ngoài phải từng lớp “đầu trâu mặt ngựa”, phải cửa đóng then gài, bộ tưởng với tay là chớp được hay sao?
Lão nói đúng, không chỉ tay cướp khét tiếng như Nam Cung Nguyệt mới thông, mà cứ ai nghe cũng phải.
“Đạo sư” gật đầu :
- Có lý, vậy theo ý ông thì sao?
Mông Bất Danh nói :
- Cho một người về chỗ trú, chọn hai mươi tên, ít nhứt cũng phải thứ một chống được mười đó nghe, chớ đừng có đưa cái bọn cà chớn đến là hỏng việc dó, bảo chúng kiếm năm ba con chó đen, cắt cổ lấy huyết mang cả đến đây. Tốt nhứt là chọn những tên ngon lành mà khó lộ mặt.
Nam Cung Nguyệt hỏi :
- Lấy huyết chó đen làm gì?
Mông Bất Danh đáp :
- Bọn này có tà thuật, cỡ như hai đứa mình thì tà thuật đó là đồ bỏ nhưng bọn thuộc hạ thì khó ăn, vả lại cũng cần phải đề phòng chúng dùng tà thuật để thoát thân nữa chớ.
Nam Cung Nguyệt cau mày :
- Bọn Bạch Liên giáo phải không?
Mông Bất Danh gật đầu :
- Đúng rồi, Bạch Liên giáo.
Nam Cung Nguyệt cau mày :
- Mông lão nè, sao thiếu gì chỗ không kiếm lại nhè Bạch Liên giáo làm chi cho phiền thế?
Mông Bất Danh nhướng mắt :
- Bạn là bạn, tôi là tôi, nếu bạn sợ Bạch Liên giáo thì thôi, chia tay mạnh ai nấy kiếm...
Ngẫm nghĩ một hổi, lão “quất” thêm câu nữa :
- Kể ra thì bạn cũng thông minh, Bạch Liên giáo khó ghẹo lắm, không khéo chúng sẽ dám làm mất “hiệu” của bạn lắm đó, rút đi.
Nam Cung Nguyệt nhướng mắt :
- Mông lão, khích ta đấy phải không?
Mông Bất Danh nhún nhún vai :
- Chi, khích chi? Ta đâu có mời bạn? Bạn buộc ta phải chia đó chớ. Nhưng đó là cái hay, sợ thì bây giờ rút cẳng ra đi, để cho người ta liệu sức mà mần ăn, chớ đừng chơi cái mững đem con bỏ chợ là thấy mẹ người ta đó.
Nam Cung Nguyệt hừ hừ luôn hai tiếng rồi cười nói :
- Lão Mông nè, họ Nam này từ trước đến nay hể một là một, hai là hai, đã nói hợp tác là hợp tác, không có sợ chó gì cả. Cho dầu có đem dao kề ngay cổ, ta cũng chẳng có ngán chút nào. Nhưng ta hỏi trước, Bạch Liên giáo mà lại có mỹ nhân nào thế?
Mông Bất Danh nói :
- Con mắt của bạn cao lắm, điều đó ta đã biết, nếu chỉ hơi thấp một chút là bạn bất mãn ngay, vì thế, ta không khi nào dám đưa cái thứ tầm bậy ra trước mắt bạn như vậy, bạn cứ yên tâm, ta đã giao rồi, đến lúc đó, nếu thấy không vừa ý thì cái món của ta, ta sẽ nhường hết về cho bạn.
Nam Cung Nguyệt gật đầu :
- Tốt, một câu thôi.
Hắn vẫy tay, tên đại hán đứng gần bên cúi đầu rồi tung mình đi thẳng.