Tránh không bị ai chú ý đối với một nạn nhân bỏng lúc thường đã là rất khó khăn, nhưng nó còn trở nên khó khăn gấp bội khi anh ta phải ở trong cửa hàng vải vóc cùng một phụ nữ tóc tai rối bù cứ giơ những mảnh vải trắng ra trước ngực anh ta, đo đạc sao cho đủ để may cho anh ta bộ áo choàng thiên thần.
Khi đến lúc trả tiền, tôi bước tới giữa Marianne Engel và cô thu ngân, chìa thẻ tín dụng của mình ra. Cái cảm giác độc lập về tài chính nó mang lại mới buồn cười làm sao, vì đằng nào tiền trong thẻ cũng lấy từ tài khoản của cô. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể sống trong ảo giác một chút.
Sau khi mua sắm xong các đồ hóa trang cần thiết, chúng tôi đến một nhà băng địa phương để làm một việc kỳ lạ. Marianne Engel muốn ghi tên tôi vào danh sách những người có thể sử dụng tài khoản két sắt ngân hàng của cô, và nhà băng cần mẫu chữ ký của tôi để hoàn tất thủ tục. Khi tôi hỏi tại sao cô lại muốn làm thế, cô chỉ trả lời rằng chuẩn bị trước thì tốt, vì có Chúa mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tôi lại hỏi là cô có định đưa chìa khóa két sắt cho tôi hay không. Không, cô trả lời, chưa đến lúc. Thế còn ai trong danh sách nữa? Chẳng ai cả.
Chúng tôi đến một quán cà phê để uống cà phê sữa không bọt, ngồi tại một cái bàn ngoài cửa trong khi Marianne Engel dạy tôi đọc phiên bản Địa ngục của Iceland. Hiển nhiên đó không phải một nơi đầy lửa mà là đầy băng: trong khi người Anh nói rằng "nóng như địa ngục", người Iceland sẽ nói là helkuldi, "lạnh như địa ngục". Điều này cũng dễ hiểu thôi: dành cả đời mình vật lộn trong cái khí hậu băng giá khắc nghiệt ấy, làm sao họ có thể sợ cái gì hơn một phiên bản vĩnh hằng của thứ tương tự? Đối với người bị bỏng, tôi xin nói thêm, thật thú vị khi biết rằng ý tưởng này đã đánh đổ quan niệm của cả người Do Thái lẫn Thiên Chúa cho rằng phương tiện tra tấn vĩnh cửu phải là lửa.
Việc coi địa ngục được cấu tạo riêng biệt cho từng đối tượng cũng không hẳn là một ý tưởng mới. Trên thực tế, đó là một trong những sáng tạo nghệ thuật thành công nhất trong tác phẩm Địa ngục của Dante: việc những kẻ tội đồ bị trừng phạt xứng với những gì hắn đã gây ra. Linh hồn của những kẻ dâm đãng, những kẻ cả đời để bản thân bị những trận cuồng phong của ham muốn xác thịt cuốn đi, khi chết sẽ không ngừng bị vùi dập bởi những ngọn gió dữ dội. Linh hồn của những kẻ báng bổ thần thánh, những kẻ cả đời xúc phạm Chúa bằng việc lạm dụng chức vụ tôn nghiêm của mình để tư lợi cá nhân, sẽ bị treo ngược lên thiêu đốt trong lửa để rửa hết tội lỗi. Linh hồn của những kẻ xu nịnh sẽ bị chôn đời đời kiếp kiếp trong phân, cách thức để chúng nhớ tới những lời lẽ thô bỉ chúng nói khi còn sống.
Chuyện này làm tôi băn khoăn không biết phiên bản địa ngục của tôi - nếu tôi tin vào cái thứ như thế, chỉ là nếu thôi - sẽ là gì. Liệu tôi có bị kẹt trong chiếc xe của mình, cứ thế bị thiêu mãi không? Hay địa ngục của tôi sẽ là cái bàn cắt lọc? Hay nhận ra cuối cùng mình cũng có thể yêu thì đã quá muộn?
Khi đang nghĩ về chuyện này, tôi thoáng thấy bóng dáng một người bạn của mình đang đi về cuối phố. Đó là một cảm giác kỳ lạ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một nạn nhân bỏng khác ở nơi công cộng, và chính là một người tôi biết: Lance Whitmore, người đàn ông đã có một bài phát biểu đầy cảm hứng tại bệnh viện. Anh đi thẳng đến chỗ chúng tôi và hỏi xem có phải anh và tôi từng gặp nhau hay không. Tôi không thể trách anh không nhận ra tôi được, vì không chỉ nét mặt tôi thay đổi trong đợt điều trị, chúng còn bị giấu sau lớp mặt nạ nhựa đặc biệt nữa.
"Thật tuyệt khi nhìn thấy một trong số chúng ta ra ngoài vào ban ngày," anh nói. "Không phải chúng ta là những bóng ma, chỉ là chúng ta giỏi giấu mình thôi."
Chúng tôi nói chuyện phiếm trong độ chục phút và có vẻ Lance chẳng thấy phiền gì khi chúng tôi thu hút những ánh nhìn tò mò của hầu hết mọi người đi ngang qua. Tôi chắc Lance cũng thấy, nhưng tôi rất ngưỡng mộ khả năng vờ như không thấy gì của anh.
Tôi mặc áo chùng màu trắng và đeo một đôi cánh làm từ tất giấy căng trên mắc áo, phủ đầy kim tuyến bạc. Marianne Engel chỉnh lại vầng hào quang trên đầu tôi (cái que rửa ống nước, sơn màu vàng) trước khi xắn ống tay áo thiên thần của tôi lên để tiêm một liều morphine, nó chảy vào trong huyết quản tôi như những giọt sữa vón cục của lòng nhân đạo. Bougatsa chạy quanh cắn vào gót chân chúng tôi, và tôi băn khoăn không hiểu sao cái đầu óc bé tí của con chó có thể nghĩ ra một trò như thế.
Cô cũng mặc áo chùng - hay chính xác hơn, một chiếc váy suông thắt eo lỏng đến nỗi trông y như cái áo chùng. Tóc cô hơi rối hơn bình thường, dù đã được buộc gọn lại trước trán bằng một dải ruy băng lớn trùm cả lên thái dương của cô. Một dải vải không bị vướng vào mấy lọn tóc tuột xuống lưng cô. Cô luồn chỗ vải thừa này vào khuỷu tay, để nó phủ lên cẳng tay cô như cách người hầu bàn phục vụ khăn ăn cho khách. Tay còn lại của cô cầm một chiếc đèn lồng kiểu cổ, không có dầu bên trong, và quanh mắt cá chân cô - bên mắt cá chân có hình xăm chuỗi tràng hạt - là một vòng lá. Cô giải thích rằng cái này tượng trưng cho vòng nguyệt quế lẽ ra phải được buộc vào chân cô rồi cứ thế để loẹt quoẹt dưới đất, nhưng nếu làm thế thật thì cô sẽ không di chuyển thoải mái trên sàn nhảy được. Tôi hỏi cô đang hóa trang thành ai.
"Một trong những Trinh nữ Ngốc nghếch," cô trả lời.
Bữa tiệc diễn ra tại một trong những khách sạn cổ và sang trọng nhất thành phố. Một người gác cửa đội mũ chóp cao mở cửa xe taxi và cầm tay Marianne Engel dắt ra. Anh ta gập người chào, trước khi bối rối nhìn tôi như thể đang cố gắng tìm hiểu tại sao những vết bỏng hóa trang của tôi trông lại thật đến thế. "Ngài là Lucifer có phải không ạ?"
"Cái gì cơ?"
"Thiên thần sa đọa duy nhất mà tôi biết, thưa ngài." Anh ta lại lịch sự cúi đầu. "Hóa trang tuyệt quá. Tôi xin phép nói thêm rằng giọng của ngài cũng rất ấn tượng nữa!"