(*) Ở đây dùng từ ‘haizi’ (đứa bé) để chỉ con chó nhỏ chưa sinh
Hôm sau, tôi đến nhà khách hàng trước.
Khách hàng trùng tu nhà lần này của tôi là một phụ nữ trung niên mới
ly hôn, họ Lâm, khoảng hơn bốn mươi tuổi, gương mặt chị thoạt nhìn trẻ
hơn tuổi nhưng trông có vẻ tiều tụy, mệt mỏi. Nhà chị là một biệt thự
nhỏ ở vùng ngoại ô, ngôi nhà đã mua được gần mười năm nhưng trong nhà có những phòng trông như chưa từng sử dụng.
Căn nhà này chị được chia khi ly hôn. Vợ chồng chị kết hôn gần hai
mươi năm, không con cái, chị Lâm nói chồng chị công việc bận rộn, thường xuyên vắng nhà, chị cứ như góa phụ lủi thủi một mình trong căn nhà
trống trải, cuối cùng chịu không nổi bèn đưa đơn ly hôn. Chị muốn trùng
tu toàn bộ ngôi nhà vì mỗi đồ vật, mỗi góc nhà đều gợi nhớ đến người
chồng, chị sửa nhà vì muốn bỏ hết quá khứ lại đằng sau.
Vấn đề phiền phức của đơn hàng này chính là ở chỗ toàn bộ các phòng
trong nhà đều phải sửa lại hết, thay gạch lát sàn, thay giấy dán tường,
so với việc sửa chữa bình thường nhiều hơn một công đoạn là đập bỏ, hơn
nữa lượng công việc cũng rất lớn…
Nhưng công việc đã nhận rồi thì phải cố gắng hoàn thành cho tốt.
Lúc dỡ nhà, chị Lâm có vẻ rất xúc động, cuối cùng nhịn không được chị bỏ ra ngoài. Có thể thấy, căn biệt thự được trang trí cẩn thận tỉ mỉ,
có thể thấy chủ nhân của nó trước khi vào ở đã từng có bao nhiêu ước
vọng, chờ mong, nhưng bây giờ…
Đến chiều, xe của công ty thu gom đồ gia dụng đến chở đồ đi, chị Lâm
nhìn từng món đồ được gói gọn chất lên xe nói với tôi: “Mấy món này đều
do tôi và chồng tôi đích thân chọn lựa, lúc đó anh ấy không thích cái tủ này đâu, nhưng tôi kiên quyết lựa nó nên anh ấy cũng chiều ý tôi”
Chị Lâm cũng cười: “Anh ấy yêu tôi, lúc ký tên ly hôn tôi còn thấy
anh ấy lén lau nước mắt mấy lần.” Nghe xong câu này tôi hơi sửng sốt,
chị nói tiếp: “Tôi cũng yêu anh ấy.”
“Đã vậy…” Vì sao còn ly hôn chứ…
Tôi cắn môi, cuối cùng vẫn nhịn không dám hỏi câu đó, sợ vô tình khoét sâu vào nỗi đau của chị.
Buổi tối về nhà, đang ăn cơm rang trứng thì Trình Thần lại gọi đến,
thông báo rằng chị mới nhặt được một con cún con màu trắng xinh ơi là
xinh ở bên đường, định mang về nhà nuôi nhưng không ngờ Thẩm Hi Nhiên
lại dị ứng với lông chó. “Thật vô dụng!” Trình Thần đã mắng anh ta như
vậy.
Tôi nghe thấy tiếng phản bác yếu ớt của Thẩm Hi Nhiên ở đầu dây: “Anh cũng đâu có muốn vậy.”
Tôi thở dài: “Rồi sao?”
“Nè, không phải cô bé ở tiệm bánh ngọt lần trước nói thích nuôi động
vật sao? Em cho chị số điện thoại của cô bé đó để chị nhờ giúp đỡ, chứ
sao có thể ném bạn chó này ra đường được chứ, trời lạnh lắm đấy.”
Tôi suy nghĩ một chút: “Người ta mắc gì phải vô duyên vô cớ nuôi chó dùm chị.”
“Thì chị mới phải tìm cô bé thương lượng nè, không phải cô bé cũng
đang đi làm thêm sao, nuôi chó giúp chị cũng là làm thêm, chị sẽ trả
tiền công, còn nếu đúng là không được thì đành thôi vậy.”
Tôi cho Trình Thần số điện thoại của Phương Dĩnh kèm theo lời dặn dò không được ép buộc con nhà người ta.
Sau đó tôi biết Phương Dĩnh rất vui sướng nhận công việc này, ngoan
ngoãn ôm chó về nhà. Nhưng đây mới chỉ là khởi nguồn của câu chuyện…
Ba ngày sau, sáng thứ Bảy, khi tôi còn đang nằm ườn trên giường thì
Phương Dĩnh gọi điện đến, khóc lóc nói con chó đã có thai, ông anh
Phương Thả nhất quyết không cho nuôi, nên đem chó đến tìm tôi.
Tôi ngẩn người ra, chó không phải của tôi, làm chó mang thai cũng
không phải tôi, Phương Thả mang chó đến tìm tôi làm gì chứ, cuối cùng
Phương Dĩnh mới lúng búng giải thích, Phương Thả không thích chó nên cô
bé định mượn uy tôi để giữ con chó lại, không ngờ cái uy của tôi không
là đinh gỉ gì cả, vừa nghe nói chó có bầu là Phương Thả kiên quyết muốn quăng nó đi. Nên sau cùng là ôm chó đến chỗ tôi.
Tôi còn đang tính toán, dù sao Phương Thả cũng không biết tôi ở toà nhà nào, muốn tới cứ tới, tôi anh hùng núp là được.
“Hà Tịch!” dưới lầu có tiếng ai đó hét tên tôi, hoảng hồn tôi khoác
vội áo chạy đến cửa sổ nhìn xuống thì thấy Phương Thả đang đứng dưới lầu trước tòa nhà bên cạnh, trên tay đang ôm con chó nhỏ đáng thương gào to tên tôi, trông điệu bộ anh ta nếu như tôi mà không ló mặt ra thì chắc
chắn anh ta sẽ đi từng tòa nhà để kêu gào. Tôi ôm trán thở dài, đúng là
đã xem thường độ dày da mặt anh ta rồi…
Vội vàng thay đồ, tôi chạy ào xuống lầu gọi anh ta lại.
Anh ta lập tức ném con chó vào lòng tôi, lạnh lùng nói: “Đồ của mình
thì tự ôm về đi, tôi với cô không quen không thân, mắc gì phải nuôi chó
dùm cô.” (Bạn rất phủi)
Tôi bất đắc dĩ phải vác nợ dùm Trình Thần nên cố gắng khuyên nhủ:
“Không phải Phương Dĩnh rất thích chó con sao? Anh cứ để nó nuôi một con cũng có sao đâu”
Phương Thả khoanh tay trước ngực: “Một con thì được, nhưng giờ nó
đang mang bầu, mai mốt sinh ra một đống chó con thì phải làm sao? Với
tính tình của Phương Dĩnh chắc chắn sẽ không bán hay vứt bỏ, nhà tôi cô
cũng thấy rồi đấy, không thể nuôi nhiều chó như vậy được.”
Tôi bình tĩnh nói: “Vậy bỏ con chó con đi là được.”
Anh ta xoay người bước đi: “Đây là chuyện của cô.”
Tôi vội vàng kéo hắn lại: “Đợi đợi đợi đợi! Được rồi, tôi nói thật
vậy, đây là chó của bạn tôi, để tôi gọi cho cô ấy đã, nếu cô ấy đồng ý
bỏ con chó nhỏ thì chúng ta cùng đến bệnh viện, giải quyết xong thì anh
mang nó về. Sau này đỡ phải đi thêm một lần nữa.”
Anh ta nghĩ nghĩ rồi gật đầu đồng ý.
Lúc này tôi mới từ tốn gọi điện thoại cho Trình Thần, ai dè vừa nghe
đến bốn chữ ‘bỏ con chó con’ chị đã nổi sung: “Tại sao chứ! Tại sao chứ! Không được, nói gì thì gì cũng không được bỏ nó! Phải giữ nó lại, nhất
định phải giữ lại! Chị đến liền đây, Hà Tịch em dám cùng thằng cha kia
đến bệnh viện thì biết tay chị!”
Nói xong liền cúp điện thoại cái cụp.
Tôi cầm điện thoại miễn cưỡng nhìn nhìn một hồi, rồi ngẩng đầu nhìn
Phương Thả, mặt anh ta không chút thay đổi nói: “Bạn cô cũng khí thế
bừng bừng nhỉ, tôi nghe thấy hết rồi.” Nói xong lại quay người định đi.
Con chó trắng trong lòng tôi lại rên ư ử thật đáng thương, tôi không
đành lòng bèn kéo anh ta lại: “Việc này, việc này… hay là chúng ta bàn
lại xem, đợi nó sinh xong rồi đem bán được không?”
Quả không hổ danh là luật sư, Phương Thả mặc kệ con chó đang rên rỉ, lạnh lùng buông một câu: “Bỏ tay ra”.
Thái độ của anh ta khiến tôi có chút bực bội, chỉ muốn phẩy tay nói anh không nuôi thì thôi, tôi nuôi là được chứ gì, nhưng rồi nghĩ lại, công việc của tôi sang sớm đã ra khỏi nhà, tối thì
không biết khi nào mới về, nếu vậy con chó mang bầu này chắc hỏi đói
chết mất…
Đang lúc rối rắm, thì Phương Dĩnh mắt đỏ hoe chạy tới, nhìn con chó
tội nghiệp trong tay tôi, rồi lại nhìn bộ mặt lạnh lùng trước sau như
một của Phương Thả nước mắt cứ thế ào ào rơi xuống, vừa khóc vừa lên án
anh trai lòng dạ sắt đá.
Phương Thả bị em gái yêu quý nói như vậy, trán nổi đầy gân xanh, xông tới, kéo cô bé quay về. Phương Dĩnh nhất quyết không chịu, không có chó thì không về.
Kết quả là, anh em nhà họ mặt mày đỏ tưng bừng, ồn ồn ào ào dưới lầu nhà tôi hồi lâu.
Tôi cũng ráng khuyên vài câu nhưng không xi nhê, liền bế chó ngồi một bên xem hai người anh một câu em một câu. Con chó trắng nhỏ rúc vào
lòng tôi run rẩy, đôi mắt đen ầng ậc nước như muốn khóc.
Tôi vuốt vuốt đầu nó an ủi, bỗng nhiên nghĩ vận mệnh bị giao phó cho
người khác, quả thật là bi thương, nói vứt bỏ là vứt bỏ, nói bán là bán, nói để làm thức ăn liền bị xẻ thịt phanh thây…
Trong lúc tôi còn đang suy nghĩ miên man, thì con chó tự dưng lên cơn, quay đầu ngoạm một phát vào tay tôi rồi vùng thoát chạy.
Đợi tôi hoàn hồn thì nó đã chạy khá xa, máu trên tay tôi cũng từng giọt, từng giọt nhỏ xuống.
Phương Dĩnh thấy chó chạy mất liền đuổi theo. Tôi sợ quá nên cũng vội vàng lo đi chích ngừa chó dại, còn Phương Thả thì tức tới mức chỉ biết
nhắm mắt xoa xoa thái dương, đến khi mở mắt thì xung quanh đã chẳng còn
ai, quay lại nhìn theo hướng Phương Dĩnh chối chết chạy theo con chó,
hoảng hồn vừa rượt theo vừa la: “Anh không cần chó chứ không phải không
cần em!”
Tôi vừa chạy ra đến đường thì một chiếc xe việt dã quen thuộc thắng
cái “két” trước mặt, tôi còn đang ngây người, thì thấy Tần Mạch hầm hầm
bước xuống xe, đóng cửa cái rầm, không thèm nhìn tôi một cái, đi thẳng
đến chỗ Phương Thả.
Tôi ngơ ngác nhìn theo bóng dáng đầy sát khí của anh, Tần Mạch tiến
tới túm chặt lấy cổ áo Phương Thả, vị luật sư kia còn đang vội đuổi theo Phương Dĩnh nên xô anh ra hét to: “Anh làm gì…” Phương Thả còn chưa hết câu, trước mặt bàn dân thiên hạ, Tần Mạch đã tung một đấm thẳng vào mặt Phương Thả, tôi kinh hãi trợn tròn mắt, dường như nghe thấy tiếng người va chạm bịch bịch lẫn trong tiếng ồn ào của xe cộ…
Phương Thả choáng váng nằm trên mặt đất cả một lúc lâu, máu văng đỏ cả miệng. (đã thấy bạn Tần Mạch bạo lực chưa? Đấy tớ nói có sai đâu, nồi nào úp vung đó!)
Tôi há hốc miệng, định vội vàng chạy qua đỡ Phương Thả dậy, Tần Mạch
liền quay người kéo tôi lại, tôi nổi giận: “Anh bị thần kinh à! Uống
nhầm thuốc rồi phải không!”
Tần Mạch quay đầu nhìn, lúc này tôi mới thấy mắt anh vằn đỏ y như
muốn giết tôi đến nơi. Tôi bị dọa, sợ sệt lui từng bước, anh gần như
nghiến răng nghiến lợi nói: “Hà Tịch, em là của anh, mỗi tấc da tấc thịt đều là của anh, không ai có quyền lấy bất cứ thứ gì thuộc về anh.”
Trong lòng chợt thấy căng thẳng, cảm giác tê dại bỗng từ đâu truyền tới, giống như một làn sóng vỗ nhẹ vào trái tim.
Tôi ngốc nghếch nhìn anh sững sờ.
Bỗng nhiên, Phương Thả đang nằm kia đứng bật dậy, hoàn toàn không để ý tôi và Tần Mạch, cắm đầu tiếp tục đuổi theo Phương Dĩnh. Tôi cũng đột
nhiên tỉnh lại, cuống cuồng níu chặt tay áo Tần Mạch, khiến một vệt máu
dính lên bộ đồ vest mắc tiền của anh, gấp gáp kéo anh lên xe, miệng run
run nói: “Đi bệnh viện, đi bệnh viện!”
Không nghĩ Tần Mạch mất tập trung đến vậy, không để ý đến bàn tay
đang chảy máu của tôi, không để ý đến việc Phương Thả đã chạy mất, vòng
tay ôm chặt tôi vào lòng, hơi thở ầm ướt phả vào gáy tôi: “Không đi, Hà
Tịch, anh không cho em đi.” Vòng tay đang ôm tôi khẽ run rẩy: “Anh nuôi
em, anh nuôi.”
Tôi nghe xong câu này tức đến run cả người, đưa tay vỗ bộp lên đầu
anh hét: “Chị bị chó cắn! Bị chó cắn! Mẹ kiếp, sao không cho tôi bị bệnh viện chích ngừa hả?”
Tần Mạch ngơ ngác nhìn, trong mắt anh hiện rõ hình ảnh cuồng nộ của tôi.
Tôi giơ cánh tay đang chảy máu từng giọt lên trước mặt anh: “Nuôi?
Nuôi người bị dại sao? Đi bệnh viện! Khốn nạn! Đi bệnh viện ngay!”