“Người đại diện của Evan Duffield nói là anh ta sẽ không trả lời thêm bất kỳ một câu hỏi nào về Lula Landry nữa,” Robin báo với Strike ngay sáng hôm sau.
“Tôi có nói rõ là anh không phải là nhà báo, nhưng ông ta rất kiên quyết. Còn nhân viên của Guy Somé thì thô lỗ còn hơn cả đám tay chân của Freddie Bestigui. Cứ như tôi đang xin gặp Giáo hoàng không bằng.”
“Được rồi” Strike đáp. “Để tôi coi có nhờ được Bristow không.”
Hôm đó cũng là lần đầu tiên Robin thấy Strike mặc complet. Cô thấy hắn không khác gì một vận động viên bóng bầu dục đang trên đường đi lưu đấu quốc tế: to con bệ vệ, áo khoác và cà vạt sẫm màu khá bảnh tỏng. Strike đang quỳ xuống lục tung một cái thùng giấy mà hắn mang về từ nhà Charlotte. Robin quay mặt đi, cố tránh nhìn đống đồ đạc của hắn. Hai người vẫn tránh nhắc chuyện Strike đã dọn vô ở luôn trong văn phòng.
“À ha” hắn reo lên, sau khi tìm ra một cái bì thư màu xanh giữa đám thư từ riêng. Đó là thiệp mời dự sinh nhật thằng cháu của Strike. “Khỉ thật,” hắn buột miệng khi mở thư.
“Có chuyện gì vậy?”
“Trong này không ghi nó mấy tuổi cả,” Strike đáp, rồi giải thích “thiệp mời sinh nhật thằng cháu tôi.”
Robin khá tò mò về gia đình của Strike. Hắn chưa bao giờ nói gì với Robin về đám anh chị em rối rắm, người cha nổi tiếng và người mẹ có phần tai tiếng của mình. Vậy nên cô không dám hỏi thêm gì cả mà tiếp tục mở đám thư từ vớ vẩn.
Strike đứng dậy, đẩy cái thùng giấy vào một góc phòng và đi tới bàn Robin.
“Cái gì vậy?” hắn hỏi, chỉ tay vào bản photo một bài báo đặt trên bàn.
“Tôi giữ lại cho anh,” Robin rụt rè trả lời. “Anh tỏ ra quan tâm khi đọc được bài báo về Evan Duffield... Tôi nghĩ có khi anh cũng muốn đọc bài này, nếu anh chưa đọc.”
Tờ photo được cắt rất gọn gàng. Bài báo viết về nhà sản xuất phim Freddie Bestigui, từ tờ Evening Standard hôm qua.
“Tuyệt vời; tôi sẽ mang theo đọc trên đường tới chỗ ăn trưa với vợ ông ta.”
“Sắp li dị rồi,” Robin nói thêm. “Trong bài báo có nói hết. Ông này có vẻ không may mắn trong tình cảm lắm.”
“Theo như Wardle thì ông ta cũng không phải là người dễ ưa gì.” Strike đáp.
“Làm sao mà anh nói chuyện được với bên cảnh sát?” Robin hỏi, không nhịn được nữa. Cô rất nóng lòng muốn biết cách thức và diễn biến điều tra.
“Qua một người bạn,” Strike đáp. “Tôi quen hồi ở Afghanistan, anh đó làm cảnh sát London kiêm lính dự bị.”
“Anh từng ở Afghanistan hả?”
“Ờ” Strike mặc áo khoác, răng cắn bài báo về Freddie Bestigui và thiệp mời sinh nhật thằng Jack vì bận tay.
“Anh làm gì ở Afghanistan vậy?”
“Đi điều tra một trường hợp Bị giết trong khi làm nhiệm vụ,” Strike đáp. “Tôi làm bên quân cảnh.”
“Ồ,” Robin buột miệng. Chuyện Strike làm lính quân cảnh không hề khớp với ấn tượng của Matthew về một tên bịp bợm vô dụng.
“Sao anh không làm nữa?”
“Bị thương,” Strike trả lời.
Hắn từng nói về vụ bị thương với Wilson rất trần trụi, nhưng hắn không thể nói thẳng như vậy với Robin. Hắn có thể tưởng tượng ra vẻ kinh ngạc trên gương mặt cô, mà hắn đang không cần thêm sự thương hại nào từ cô cả.
“Đừng quên gọi cho Peter Gillespie,” Robin nhắc với theo, khi Strike vừa bước ra khỏi cửa.
Strike đọc bài báo khi ngồi trên tàu điện đến ga Broad Street. Theo đó, Freddie Bestigui thừa kế tài sản từ người cha là ông trùm ngành vận tải. Rồi ông ta lại kiếm được thêm rất nhiều tiền bằng cách sản xuất những bộ phim có tính thương mại cao nhưng giới phê bình thì khinh ra mặt. Ông ta đang kiện hai tờ báo đưa tin rằng ông ta quấy rối một nhân viên nữ còn trẻ và sau đó bịt miệng cô ta bằng tiền. Những cáo buộc trên báo đều được rào trước đón sau với những từ như “được cho là”, “theo đó thì”, nhưng đều xoáy vào hành vi quấy rối tình dục có tính bạo lực, có khống chế bằng vũ lực. Nội dung các cáo buộc xuất phát từ “một nguồn rất gần gũi với người được cho là nạn nhân,” trong khi cô nhân viên thì đã từ chối kiện tụng hay phát biểu gì với báo chí. Chuyện Freddie đang làm thủ tục ly dị Tansy được nhắc đến ở đoạn cuối cùng. Trước khi kết thúc, bài báo nhắc lại rằng cặp vợ chồng không hạnh phúc này ở cùng một tòa nhà với Lula Landry trong đêm cô ta tự tử. Bài báo gợi cho người đọc một ấn tượng kỳ lạ, như thể chuyện nhà Bestigui hình như đã ảnh hưởng đến quyết định nhảy lầu của cô Landry.
Strike chưa bao giờ giao du với giới hay lui tới nhà hàng Cipriani. Khi đi trên phố Davies, trong ánh nắng ấm áp rọi trên lưng và thấp thoáng quanh những tòa nhà gạch đỏ, Strike tự dưng nghĩ rằng sẽ thật kỳ quặc nếu hắn tình cơ gặp con riêng của cha hắn ở Cipriani. Khả năng đó không hề nhỏ. Những nhà hàng như Cipriani là nơi đám con cái chính thức của Jonny Rokeby thường lui tới. Lần cuối cùng Strike có liên lạc với ba người trong số đó là lúc ở bệnh viện Selly Oak để tập vật lý trị liệu. Gabi và Danni cùng gửi hoa đến, Al có tới thăm một lần, cười rất to nhưng sợ không dám nhìn xuống chân hắn. Khi Al về rồi, Charlotte nhại lại giọng nói và vẻ mặt rúm ró của anh ta. Charlotte đúng là có tài bắt chước. Cô ta quá xinh, nên không ai nghĩ rằng cô ta còn có thể rất hài hước nữa. Nhưng Charlotte đúng là vui tính.
Nội thất của nhà hàng gợi phong vị rất Art Deco, với quầy bar và ghế gỗ bóng loáng mềm mại, khăn vải màu vàng nhạt phủ lên bàn tròn, bồi bàn cả nam lẫn nữ đều mặc áo jacket trắng, cổ đeo nơ. Strike nhận ra ngay thân chủ của mình giữa đám đông đang dùng bữa, tiếng trò chuyện xen tiếng dao nĩa chạm nhau lanh canh. Anh ta ngồi ở một bàn dành cho bốn người và đang nói chuyện với hai người đàn bà, thay vì chỉ một như Strike nghĩ. Cả hai đều có mái tóc nâu dài, bóng mượt. Trông bộ mặt thỏ của Bristow rất sốt sắng, như thể chỉ chực chiều chuộng hay mua vui cho hai người kia.
Ông luật sư đứng bật dậy chào Strike khi thấy hắn rồi giới thiệu ngay Tansy Bestigui. Bà ta chìa ra bàn tay gầy guộc, lạnh lùng, không cười. Ông ta giới thiệu tiếp em gái của Tansy là Ursula May, bà này còn không thèm đưa tay ra. Sau màn gọi đồ uống và chuyển thực đơn (Bristow tỏ ra rất hồi hộp, nói hơi nhiều) hai chị em quay qua nhìn Strike. Cái nhìn chằm chằm soi mói, dường như chỉ những người thuộc một tầng lớp nhất định mới có quyền nhìn như vậy.
Cả hai đều tinh tươm, đẹp đẽ như búp bê cỡ người thật vừa mới được lấy ra từ hộp xốp. Đúng y kiểu gái nhà giàu mảnh khảnh, mặc quần jeans bó sát nhìn như không có mông, gương mặt rám nắng hoàn hảo, trán sáng bóng. Mái tóc của cả hai đều sẫm màu, óng mượt, rẽ ngôi giữa. Đuôi tóc tỉa gọn sắc như có thước đo.
Khi Strike vừa ngẩng mặt lên khỏi tờ thực đơn, Tansy nói ngay, không rào đón:
“Anh có đúng là (bà ta kéo dài giọng) con trai của Jonny Rokeby không?”
“Kết quả xét nghiệm ADN nói vậy.” Hắn trả lời.
Bà ta có vẻ như không chắc là hắn đang đùa hay vô lễ thật. Hai con mắt màu sẫm kéo gần lại nhau, lớp Botox và mỡ độn vẫn không thể che giấu hết vẻ dằn dỗi trên gương mặt.
“Anh nghe đây, tôi đã nói với John rồi,” Bà ta lạnh lùng nói. “Tôi sẽ không công khai phát biểu gì nữa, anh rõ chưa? Tôi sẽ nói cho anh biết hôm đó tôi nghe thấy gì, vì tôi muốn anh chứng minh là tôi nói đúng, nhưng anh không được nói với ai chuyện tôi gặp anh.”
Cổ chiếc áo lụa mỏng manh của bà không cài nút, để lộ một lớp da phẳng màu kẹo sữa phủ quanh chỗ xương ức trồi lên, trông không gợi cảm mà lại hơi kỳ quái. Nhưng ngay dưới đó lại là cặp vú tròn căng nhô ra từ lồng ngực hẹp, như thể hôm đó bà ta mượn tạm hàng họ của một người bạn đầy đặn hơn. “Vậy thì chúng ta nên gặp ở chỗ kín đáo hơn,” Strike bình luận.
“Không, ở đây cũng được, vì ở đây không ai biết anh cả. Anh chẳng giống cha chút nào cả, phải không? Tôi có gặp ông ta ở nhà Elton hồi hè năm ngoái. Freddie cũng có biết ông ta. Anh có hay gặp Jonny không?”
“Có gặp hai lần.” Strike đáp.
“Ồ,” Tansy buột miệng.
m thanh cụt ngủn đó chứa cả sự ngạc nhiên lẫn khinh bỉ.
Bạn bè của Charlotte khá giống hai người này: tỉa tót, học trường xịn, mặc đồ hiệu, tất cả đều tỏ ra kinh hãi trước chuyện Charlotte cặp bồ với một gã dềnh dàng luộm thuộm như Strike. Hắn từng phải tiếp xúc với những người như vậy hàng mấy năm trời, cả trên điện thoại lẫn trong những cuộc gặp gỡ ở ngoài. Hắn còn nhớ cái kiểu ăn nói cảnh vẻ hay nuốt nguyên âm, những câu chuyện về mấy ông chồng làm môi giới chứng khoán, rồi cả cái điệu bộ cứng rắn nóng nảy mà Charlotte không bao giờ bắt chước được.
“Tôi thấy chị tôi không nên nói chuyện với anh chút nào,” Ursula đột ngột lên tiếng. Cứ như thể Strike là tên bồi bàn vừa tháo tạp dề tới ngồi cùng với họ. “Em nghĩ chị đang mắc sai lầm lớn, Tanz à.”
Bristow lên tiếng: “Ursula, Tansy chỉ...”
“Làm gì là quyền của tôi,” Tansy gằn giọng với em gái, như thể Bristow chưa hề lên tiếng hay chỗ ngồi của ông chỉ có không khí vậy. “Tôi chỉ nói những gì tôi nghe thấy, có vậy thôi. Không được ghi vào hồ sơ vụ án; John đồng ý rồi.”
Rõ là bà ta chỉ coi Strike như hạng tôi tới. Hắn thấy bực không chỉ vì giọng điệu của hai người, mà còn vì Bristow đã hứa hẹn trước chuyện không ghi chép.
Lời khai của Tansy liệu có ích gì nếu không được lưu lại làm chứng cứ trong hồ sơ?
Ngay sau đó, cả bốn người im lặng đọc thực đơn. Ursula là người đầu tiên đặt thực đơn xuống. Bà ta đã kịp uống hết một ly rượu, rót tiếp một ly nữa và liếc mắt nhìn quanh nhà hàng, vẻ bồn chồn. Bà thoáng dừng mắt ở một nhân vật hoàng tộc trẻ tuổi, tóc vàng óng rồi lảng mắt đi chỗ khác.
“Chỗ này hồi trước toàn là những nhân vật hay ho; kể cả vào buổi trưa. Cyprian thì chỉ muốn tới Wiltons, mà ở đó toàn mấy tay đóng bộ cứng nhắc...”
“Cyprian là chồng của bà à?” Strike hỏi.
Strike biết chắc hỏi như vậy không khác gì kim châm vào bà ta, vì hắn vừa vượt qua ranh giới vô hình giữa hai người. Rõ là bà ta nghĩ hắn đang tự cho mình quyền nói xen vào, chỉ vì hắn ngồi cùng bàn với họ. Bà ta khẽ cau mày. Bristow nhanh nhảu lên tiếng để lấp đi sự im lặng khó chịu.
“Đúng rồi, Ursula là vợ của Cyprian May, một trong những thành viên cấp cao của công ty.”
“Vậy nên tôi được giảm giá khi làm thủ tục ly dị,” Tansy nói thêm, khẽ cười chua chát.
“Và ông chồng cũ sẽ nổi điên lên nếu báo chí lại nhảy vào,” Ursula lên tiếng, đôi mắt sẫm màu nhìn chằm chằm vào mắt Strike. “Bên công ty vẫn còn đang cố dàn xếp điều khoản ly dị. Nếu ồn ào trở lại thì phần của Tansy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh nên kín tiếng là hơn.”
Strike cười nhạt, quay lại phía Tansy:
“Như vậy bà cũng có quen biết Lula Landry, đúng không bà Bestigui? Em rể của bà là đồng nghiệp của John mà?”
“Nhưng không ai nhắc tới chuyện đó cả,” bà ta đáp, trông có vẻ bắt đầu phát chán.
Bồi bàn trở lại để ghi các món ăn. Sau khi anh ta đi khỏi, Strike rút cuốn sổ và cây viết ra.
“Anh làm gì vậy?” Tansy lớn giọng hỏi, vẻ hốt hoảng “Không được viết gì lại hết! John?” Bà ta quay qua phía Bristow, ông ta nhìn Strike vừa bối rối vừa có vẻ xin lỗi.
“Anh nghe mà khỏi ghi có được không hả Cormoran?”
“Không sao cả,” Strike nhẹ nhàng đáp, rút điện thoại ra đặt thế vào chỗ cuốn sổ và cây viết. “Bà Bestigui...”
“Anh gọi tôi là Tansy cũng được,” bà ta đáp, có ý đấu dịu sau khi phản đối cuốn sổ.
“Cảm ơn bà rất nhiều,” Strike nói tiếp, thoáng chút mỉa mai. “Bà quen biết Lula thế nào?”
“Không quen gì cả. Cô ta chỉ ở đó có ba tháng. Gặp nhau thì chào vậy thôi. Cô ta không ưa gì tụi tôi hết, vì tụi tôi không đủ sành điệu. Nói thật ở chung tòa nhà với cô ta rất là chán. Phóng viên ngày nào cũng chầu chực ngay trước cửa. Tôi đi tập thể dục cũng phải trang điểm.”
“Tôi tưởng trong tòa nhà có phòng gym?” Strike hỏi.
“Nhưng tôi tập Pilates với Lindsey Parr,” Tansy đáp, có vẻ bực tức. “Anh nói y hệt Freddie; lúc nào cũng càm ràm là tôi không dùng mấy thứ có sẵn trong nhà.”
“Freddie có thân với Lula không?”
“Gần như không quen biết, nhưng không phải là do lão ấy muốn vậy. Lão từng dụ Lula đóng phim; rất nhiều lần mời cô ta xuống nhà chơi. Cô ta không bao giờ nhận lời cả. Lão còn đi theo chân Lula tới tận nhà của Dickie Carbury dịp cuối tuần trước khi cô ta chết. Hôm đó tôi đi chơi với Ursula.”
“Tôi không hề biết chuyện đó,” Bristow lên tiếng, hơi hoảng hốt.
Strike để ý thấy Ursula nhếch mép cười với chị. Hắn có cảm giác như bà ta nãy giờ vẫn đang tìm cách nhìn Tansy đầy ẩn ý nhưng Tansy lờ hẳn đi.
“Thực ra sau đó tôi mới biết,” Tansy nói với Bristow. “Freddie cậy cục có được một vé mời dự tiệc từ Dickie. Hôm đó đủ mặt hết; Lula, Evan Duffield, Ciara Porter – nguyên một băng nghiệp ngập chuyên chường mặt lên báo ra vẻ sành điệu nọ kia. Freddie chắc hẳn lạc lõng lắm. Tuổi lão ta cũng không già hơn Dickie bao nhiêu, nhưng trông cứ như ông cụ,” bà ta hằn học nói thêm.
“Chồng bà có kể gì thêm về dịp cuối tuần đó không?”
“Không kể gì hết. Ba tuần sau đó tôi mới biết, do Dickie lỡ miệng nói ra. Tôi chắc là lão Freddie đi chỉ để o bế Lula.”
“Ý bà là,” Strike hỏi tiếp, “ông Bestigui quan tâm tới cô Lula theo kiểu kia, hay…?”
“À, tôi biết lão thích Lula quá đi chứ. Lão ta lúc nào cũng khoái gái da đen hơn gái tóc vàng. Nhưng có một thứ lão ta còn mê hơn nữa, là làm sao lôi kéo mấy đứa đang nổi đình nổi đám vào phim. Lão ta làm mấy tay đạo diễn tức điên vì suốt ngày cố chèo kéo cho được bọn này để báo chí chú ý. Tôi cá là lúc đó lão đang hi vọng nài được Lula ký hợp đồng với lão.” Tansy nói thêm, tỏ ra khôn ngoan bất ngờ, “Tôi chẳng lạ nếu lão đã sắp đặt sẵn cho cô ta với Deeby Macc. Cứ tưởng tượng bọn nhà báo sẽ phản ứng ra sao, hai người này trước giờ đã quá rùm beng rồi mà. Freddie rất có tài mấy chuyện đó. Lão ta ghét báo chí dòm ngó đời tư bao nhiêu thì thích báo chí chú ý vào phim của lão bấy nhiêu.”
“Ông nhà có quen Deeby Macc không?”
“Không, trừ khi có làm quen được sau khi tụi tôi chia tay. Trước khi Lula chết lão còn chưa gặp Macc bao giờ. Trời đất, lão nhắng cả lên khi nghe tin Macc chuẩn bị dọn vô ở đó. Chưa gì đã nói chuyện mời anh ta thử vai.”
“Thử vai gì?”
“Tôi không biết,” bà ta cấm cảu. “Bất kỳ vai gì. Macc có sức hút rất lớn; Freddie dễ gì bỏ qua cơ hội như vậy. Có khi lão ta còn viết sẵn một vai dành riêng cho Macc nếu anh ta quan tâm. Rồi lão sẽ chạy theo o bế anh ta. Rồi kiểu gì cũng khoe là có bà ngoại người da đen.” Giọng Tansy đầy khinh bỉ. “Khi gặp người nổi tiếng da đen lão ta luôn giở trò đó, cứ khoe khoang là có bà ngoại người Malay. Làm như kinh lắm.”
“Có đúng bà ngoại ông ta là người Malay thật không?” Strike hỏi.
Bà ta bật cười khẽ.
“Tôi không biết. Tôi đã bao giờ gặp ông bà của Freddie đâu? Lão Freddie già khú đế rồi. Tôi chỉ biết nếu có hơi tiền thì lão ta nói gì cũng được.”
“Vụ làm phim với cả Lula và Macc có đi đến đâu không?”
“À, chắc chắn là Lula rất khoái chí khi lão mời; hầu hết đám gái người mẫu đều thèm một cơ hội để chứng tỏ mình làm được gì đó hơn là chỉ nhìn vô camera mà. Nhưng cô ta chưa ký cọt gì cả, đúng không John?”
“Theo tôi biết thì chưa,” Bristow đáp. “Mặc dù… nhưng đó lại là chuyện khác,” ông ta hạ giọng lẩm bẩm, mấy nốt hồng đỏ lại lấm tấm trên mặt. Bristow ngập ngừng. Thấy Strike vẫn nhìn chăm chú ông ta liền nói tiếp:
“Vài tuần trước ông Bestigui có tới thăm mẹ tôi, không báo trước gì cả. Mẹ tôi đang rất ốm, và… tôi không muốn…”
Bristow nhìn Tansy, hết sức bối rối.
“Anh cứ nói, tôi không quan tâm,” bà ta nói, có vẻ không quan tâm thực sự.
“Chuyện là, ông ta muốn nói chuyện với mẹ tôi để làm một bộ phim về cuộc đời của Lula. Ông ta cố tỏ ra tế nhị, chu đáo nọ kia. Muốn được gia đình tôi ủng hộ, muốn có được sự đồng ý chính thức, anh biết đó. Lula mới mất có ba tháng… Mẹ tôi đau khổ không tưởng được. Không may là lúc ông ta tới tôi không có ở nhà,” Bristow nói, ý là thường thì ông ta luôn ở bên canh chừng bà mẹ. “Thực ra tôi ước gì mình có mặt lúc đó. Tôi cũng muốn nghe ông ta trình bày thử. Ý tôi là, tôi chẳng thiết gì chuyện phim phiếc, nhưng nếu ông ta có thuê người tìm hiểu về cuộc đời Lula thì biết đâu ông ta lại biết thêm điều gì khác?”
“Điều gì kia?” Strike hỏi
“Tôi không biết. Chuyện về Lula khi còn nhỏ chẳng hạn? Trước khi nó về với nhà tôi.”
Bồi bàn mang món khai vị đặt trước mặt cả bốn người. Strike đợi cho anh ta đi hẳn, rồi hỏi Bristow tiếp:
“Ông có bao giờ nói chuyện với ông Bestigui chưa? Có bao giờ hỏi xem ông ta biết gì khác về Lula mà gia đình không biết chưa?”
“Việc đó rất khó,” Bristow trả lời. “Khi cậu Tony nghe tin, cậu gọi ngay cho ông Bestigui để phản đối việc ông ta quấy rầy mẹ tôi, theo như tôi biết hai người cãi nhau kịch liệt. Tôi nghĩ ông Bestigui không muốn gặp thêm người nào nữa trong gia đình tôi đâu. Tất nhiên ở đây cũng có cái mắc míu là công ty của tôi đang làm thủ tục ly dị cho Tansy. Thực ra cũng không có gì, vì công ty chỗ tôi là công ty hàng đầu về luật hôn nhân gia đình, Ursula lại là vợ của Cyprian, nên chuyện Tansy thuê tụi tôi cũng là tất nhiên… Nhưng tôi chắc ông Bestigui sẽ không niềm nở gì với gia đình tôi.”
Mặc dù tập trung vào ông luật sư nhưng Strike vẫn giữ tầm nhìn bao quát rất tốt. Ursula vừa nhếch mép cười với bà chị. Hắn tự hỏi không biết bà ta cười chuyện gì. Uống tới ly rượu thứ tư rồi thì tâm trạng vui vẻ lên cũng là phải thôi.
Strike ăn xong món khai vị, quay sang Tansy. Bà ta vẫn đang khều qua đẩy lại mớ đồ ăn còn y nguyên trên đĩa.
“Bà với ông nhà ở đó bao lâu thì Lula dọn vào?”
“Khoảng một năm.”
“Lúc cô ấy dọn vào có ai ở căn hộ tầng giữa không?”
“Có,” Tansy trả lời. “Hai vợ chồng người Mỹ và đứa con trai nhỏ ở đó được khoảng sáu tháng, nhưng không lâu sau khi Lula dọn tới thì họ về Mỹ. Sau đó bên công ty quản lý không tìm được ai muốn thuê cả. Khủng hoảng kinh tế mà, anh biết rồi đó. Nhà ở đó giá cắt cổ. Vậy là để trống cho tới khi hãng đĩa thuê cho Deeby Macc.”
Cả hai chị em chợt nhãng đi khi một người đàn bà đi ngang qua. Người này mặc áo khoác bằng len móc mà theo quan điểm thẩm mỹ của Strike là vô cùng dị hợm.
“Áo khoác Daumier-Cross,” Ursula lên tiếng, hai mắt nhíu lại trên ly rượu. “Nghe đâu đặt hàng phải đợi chừng sáu tháng kia…”
“Không phải, áo Pansy Marks-Dillon chứ,” Tansy nói. “Mặc vào là được xếp vào nhóm biết ăn mặc đẹp nhất ngay, nếu ông chồng có gia tài khoảng năm chục triệu bảng. Freddie giàu mà bần tiện nhất thế giới; tôi mua đồ mới toàn phải giấu giếm, hoặc giả bộ là đồ nhái. Nhiều khi lão ta chán không chịu được.”
“Trông cô lúc nào cũng xinh đẹp mà,” Bristow lên tiếng, mặt ửng hồng.
“Còn anh thật tử tế,” Tansy đáp, giọng chán nản.
Người bồi bàn trở lại để dọn đĩa.
“Anh đang nói gì ấy nhỉ?” Bà ta hỏi Strike “À, vụ mấy căn hộ. Deeby Macc dọn vô… chỉ có điều chưa kịp tới nơi thì đã dọn ra lại. Freddie tức điên lên khi biết tin. Vì lão ta đã lỡ mua hoa hồng để sẵn trong đó. Khéo vẽ trò rẻ tiền.”
“Bà có quen biết gì với Derrick Wilson không?” Strike hỏi tiếp.
Bà ta chớp mắt.
“Ông ta làm bảo vệ; tôi quen kiểu gì? Thấy cũng được. Freddie hay nói là khá nhất trong đám đó.”
“Thật sao? Tại sao vậy?”
Bà ta nhún vai.
“Tôi không biết, anh đi mà hỏi Freddie. Chúc may mắn,” Bà ta nói thêm, cười khẩy. “Có mà trời sập thì lão mới chịu nói chuyện với anh,”
“Tansy,” Bristow lên tiếng, hơi nghiêng về phía bà ta. “Sao cô không kể lại cho Cormoran nghe là hôm đó cô nghe thấy gì?”
Strike ước gì Bristow đừng can thiệp.
“À,” Tansy đáp. “Lúc đó khoảng hai giờ sáng, tôi khát nước.”
Giọng bà ta không hề có cảm xúc. Strike để ý bà ta đã sửa lại câu chuyện, không còn giống với lời khai bên cảnh sát.
“Tôi đi vào nhà tắm. Khi tôi đi ra phòng khách, ngay trước phòng ngủ, tôi nghe có tiếng la hét. Cô ta nói ‘Muộn rồi. Đã xong hết rồi,’ và một người đàn ông nói, ‘Mày là con láo toét khốn nạn,’ rồi ông ta ném Lula xuống. Rồi tôi thấy cô ta rơi xuống.”
Tansy đưa tay ra hai bên, làm động tác giật giật, diễn tả lại tư thế rơi xuống của Lula.
Bristow đặt ly rượu xuống bàn, trông ông ta như sắp nôn. Món chính được mang ra. Ursula lại uống rượu. Tansy và Bristow đều không động đũa. Strike cầm nĩa lên bắt đầu ăn, cố không ngấu nghiến món rong biển puntarelle và cá cơm.
“Tôi la lên,” Tansy thầm thì. “Tôi không thể nhịn được, cứ la lên. Tôi chạy khỏi căn hộ, Freddie đang ngồi đó, tôi chạy xuống cầu thang. Tôi chỉ muốn nói với bảo vệ là trên lầu có người lạ, kêu họ lên bắt người đó đi.
“Wilson từ phòng sau chạy ào ra. Tôi kể hết với ông ta, ông ta chạy ngay ra đường để xem cô Lula, thay vì chạy lên cầu thang. Ngu quá sức. Biết đâu lúc đó ông ta chạy liền lên cầu thang thì đã bắt được tên đó rồi! Sau đó Freddie đi xuống và cố đưa tôi lên nhà lại, vì khi đó tôi mặc đồ sơ sài.
“Wilson quay trở vào nói là cô ta đã chết, rồi nhờ Freddie gọi cho cảnh sát. Freddie gần như kéo tôi lên lầu… lúc đó tôi bị kích động mạnh… rồi lão gọi 999 từ phòng khách nhà tôi. Rồi cảnh sát đến. Và không ai tin lời tôi cả.”
Bà ta nhấp một ngụm rượu, đặt ly xuống và khẽ nói:
“Nếu Freddie biết chuyện tôi đi gặp anh, lão sẽ nổi đóa.”
“Nhưng cô chắc chắn mà, phải không Tansy,” Bristow lại chen ngang, “chắc chắn là cô nghe thấy tiếng người đàn ông trên đó?”
“Đương nhiên rồi,” Tansy đáp. “Tôi vừa mới nói còn gì? Chắc chắn là trên đó có người.”
Điện thoại di động của Bristow đổ chuông.
“Xin phép,” ông ta lẩm bẩm. “Alison… hả?” ông ta trả lời điện thoại.
Strike nghe thấy giọng trầm của bà thư ký, nhưng không nghe rõ từng từ.
“Xin phép tôi đi ra ngoài một lát,” Bristow nói, trông có vẻ bối rối, rồi đứng dậy đi ra khỏi bàn.
Gương mặt mịn màng của cả hai chị em lộ vẻ thích thú đầy ác ý. Họ liếc nhìn nhau. Ursula đột ngột quay sang hỏi Strike:
“Anh gặp Alison chưa?”
“Chỉ gặp thoáng qua.”
“Anh có biết hai người đó cặp nhau không?”
“Có biết.”
“Thật tội nghiệp,” Tansy nói. “Cô ta cặp với John, nhưng lại thích mê Tony. Anh gặp Tony chưa?”
“Chưa.” Strike trả lời.
“Tony là một trong những thành viên cấp cao trong công ty, cũng là cậu của John, anh biết không?”
“Biết.”
“Rất phong độ. Đâu có thèm để mắt tới Alison. Nên chắc cô ta xài đỡ John vậy.”
Vụ thất tình đơn phương của Alison dường như khiến hai chị em rất thỏa mãn.
“Mấy người trong văn phòng có biết vụ này không?”
“Biết chứ,” Ursula hào hứng. “Cyprian nói cô ta thật không biết xấu hổ, cứ bám lấy Tony như con chó con.”
Có vẻ như Ursula không còn ác cảm với Strike nữa. Hắn chẳng ngạc nhiên gì. Hắn đã gặp nhiều người như vậy. Dường như ai cũng thích nói; rất ít ngoại lệ; vấn đề là làm sao để người ta nói. Một vài người, chẳng hạn như Ursula thì cứ rượu vào lời ra; có người thì thích được chú ý; cũng có người chỉ cần đứng gần người khác là nói. Một số người sẽ mở máy liên tục nếu rà trúng đài: chẳng hạn nói về sự vô tội của mình, hay tội lỗi của người khác; hay bộ sưu tập hộp bánh quy tiền chiến của mình; hay như quý bà Ursula May này là chuyện tình đơn phương của cô thư ký kém sắc.
Ursula nhìn Bristow ngoài cửa sổ. Ông ta đứng trên vỉa hè, nói rất nhiều vào điện thoại, thỉnh thoảng đi qua đi lại. Ursula có vẻ đã bắt đầu nóng máy, bà ta nói tiếp:
“Tôi biết thừ ông ta đang nói gì. Mấy người thừa kế của Conway Oates đang càm ràm vụ công ty xử lý di chúc. Conway Oates là tay tài phiệt người Mỹ, anh biết không? Cyprian và Tony đang đau đầu vụ đó, bắt John chạy đứ đừ để o bế họ. John lúc nào cũng nhận phần thiệt.”
Giọng bà ta nghe có vẻ cay độc hơn là thông cảm.
Bristow trở lại bàn, trông rất bối rối.
“Xin lỗi, Alison phải chuyển cho tôi vài tin nhắn,” ông ta phân trần.
Bồi bàn trở lại dọn đĩa. Strike là người duy nhất ăn sạch sẽ. Khi người bồi bàn đi xa, Strike lên tiếng:
“Bà Tansy, bên cảnh sát loại lời khai của bà vì họ nghĩ là bà không thể nghe được gì cả.”
“Nhưng họ sai, phải không?” bà ta sầm mặt ngắt lời Strike. “Tôi có nghe rõ ràng.”
“Mặc dù cửa sổ đã đóng chặt?”
“Cửa sổ mở,” bà ta nói, không nhìn thẳng vào mắt ai cả. “Hôm đó rất bí. Tôi mở cửa sổ khi đi rót nước.”
Strike chắc chắn nếu tiếp tục ép, bà ta sẽ không chịu trả lời gì nữa.
“Bên cảnh sát cũng có nói là bà dùng cocaine.”
Tansy hừ giọng, vẻ thiếu kiên nhẫn.
“Thôi được,” bà ta nói. “Lúc ăn tối tôi có xài một chút, được chưa? Cảnh sát phát hiện ra chỗ còn dư trong buồng tắm khi họ khám nhà. Tối hôm đó tụi tôi phải tiếp hai vợ chồng nhà Dunnes. Phát ngấy lên được. Ai nghe họ nói chuyện cũng phải làm vài tép mới sống nổi. Nhưng tôi không hề tưởng tượng ra tiếng nói trên lầu. Sự thật là có một người đàn ông trên đó, ông ta giết Lula. Chính ông ta giết Lula,” Tansy lặp lại, trừng mắt nhìn Strike.
“Bà nghĩ là sau đó ông ta đi đâu?”
“Làm sao tôi biết được? John trả tiền cho anh để anh điều tra kia mà. Ông ta lẻn ra bằng cách nào đó. Có thể là leo qua cửa sổ đằng sau. Có thể trốn trong thang máy. Cũng có thể đi ra từ dưới hầm đậu xe. Tôi làm sao biết ông ta trốn ra bằng cách nào, tôi chỉ biết ông ta có ở đó.”
“Tụi tôi tin cô mà,” Bristow vội vã đỡ lời. “Tụi tôi tin cô, Tansy à. Cormoran phải hỏi những câu như vậy để mà… hình dung hết sự việc hôm đó.”
“Cảnh sát cố chứng minh là tôi nói dối,” Tansy nói tiếp, lơ Bristow và nhìn thẳng vào Strike. “Họ tới quá trễ, thủ phạm đã đi mất rồi, nên đương nhiên là họ phải tìm cách bao che. Nếu không ở trong hoàn cảnh của tôi, suốt ngày phải đối mặt với báo chí, anh không thể nào hiểu được. Như sống trong địa ngục vậy. Tôi phải đi an dưỡng để tránh xa hết. Tôi không tin nổi là báo chí được phép làm những việc như vậy ở cái đất nước này; tất cả chỉ vì tôi nói thật, nực cười là ở chỗ đó. Đáng ra tôi ngậm miệng quách cho xong. Nếu biết trước vậy, tôi đã không nói gì hết.”
Bà ta xoay chiếc nhẫn kim cương quanh ngón tay.
“Khi Lula rớt xuống thì Freddie vẫn còn ngủ đúng không?” Strike hỏi tiếp.
“Đúng rồi.” bà ta trả lời.
Tansy đưa tay lên trán, làm như đang vuốt tóc. Người bồi bàn quay lại đem theo thực đơn tráng miệng. Strike không thể hỏi thêm gì cho tới khi tất cả đều đã gọi món. Cũng chỉ có Strike dùng món tráng miệng; bà người còn lại đều chỉ gọi cà phê.
“Vậy Freddie ra khỏi giường lúc nào?” hắn hỏi Tansy ngay khi người bồi bàn vừa đi khỏi.
“Ý anh là sao?”
“Bà nói ông ta còn nằm trong giường khi Lula rơi xuống, vậy ông ta tỉnh dậy khi nào?”
“Khi nghe tiếng tôi la hét,” bà ta trả lời, như thể câu hỏi quá thừa. “Tôi làm lão thức dậy còn gì?”
“Vậy ông ta phải di chuyển rất nhanh.”
“Tại sao?”
“Bà nói là: ‘Tôi chạy khỏi căn hộ, Freddie đang ngồi đó, tôi chạy xuống cầu thang.’ Vậy là Freddie đã có mặt trong phòng khách trước khi bà chạy xuống báo với Derrick?”
Tansy sựng lại vài giây.
“Đúng rồi,” bà ta nói, vuốt mái tóc hoàn hảo, tay che ngang mặt.
“Vậy là ông ta đang ngủ mà chỉ mất có mấy giây để ra ngồi tỉnh táo trong phòng khách? Bởi vì lúc nãy bà kể là bà bắt đầu la lên và chạy xuống ngay sau đó?”
Lại một thoáng lặng ngắt.
“À,” bà ta nói tiếp. “À… tôi không biết. Tôi nghĩ lúc đó tôi hét lên… có thể hét trong lúc bất động… có lẽ tôi đứng im một lúc… tôi quá sốc mà… rồi Freddie chạy ào ra từ phòng ngủ, rồi tôi mới chạy qua mặt lão.”
“Bà không dừng lại để kể vừa mới thấy gì à?”
“Tôi không nhớ.”
Bristow lại nhấp nhổm muốn nói chen. Strike đưa tay lên cản; nhưng Tansy đã kịp đổi đề tài, Strike đoán là bà ta đang tránh nói đến ông chồng.
“Tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện làm sao sát thủ lẻn vô được, chắc hẳn là hắn đã đi theo Lula ngay buổi sáng hôm đó, vì Derrick Wilson hay bỏ bàn trực để đi vệ sinh. Tôi nghĩ sau vụ này đáng ra phải đuổi thẳng Wilson. Tôi biết chắc ông ta hay chuồn ra phòng sau để ngủ. Tôi không biết làm cách nào sát thủ lại biết mật mã khóa, nhưng tôi chắc hắn đi theo đường đó.”
“Bây giờ bà có thể nhận ra giọng của người đó không? Giọng người la hét tối hôm đó ấy?”
“Chắc không,” bà ta nói. “Chỉ là giọng đàn ông thôi. Có thể là bất kỳ ai. Chẳng có gì đặc biệt. Sau đó tôi có nghĩ, Phải chăng là Duffield?” bà ta nói, vẫn nhìn chăm chú vào Strike, “bởi vì trước đó tôi từng nghe Duffield la hét trên lầu. Lần đó Wilson phải tống cổ nó ra còn nó thì cứ cố đá vào cửa nhà Lula. Tôi chẳng hiểu sao một cô gái xinh như vậy mà lại theo một thằng như Duffield,” bà ta bổ sung.
“Nhiều người thấy anh ta sexy mà,” Ursula thêm vào, tay rót nốt chỗ rượu trong chai vào ly, “nhưng tôi chẳng thấy hấp dẫn chỗ nào. Trông lôi thôi gớm ghiếc thì có.”
“Mà lại,” Tansy tiếp, vừa nói vừa xoay tròn chiếc nhẫn kim cương, “chẳng có tiền bạc gì.”
“Nhưng bà không nghĩ đó là giọng của Duffield?”
“À, như tôi nói đó, cũng có thể,” bà ta đáp, nhún nhẹ vai vẻ thiếu kiên nhẫn. “Nhưng anh ta có chứng cứ ngoại phạm còn gì? Nhiều người nói không hề thấy anh ta ở Kentigern Gardens đêm đó. Rồi cả chuyện anh ta ở nhà Ciara Porter còn gì? Con đĩ.” Tansy nói thêm, cười khẩy. “Bồ của bạn thân cũng chơi.”
“Họ ngủ với nhau à?” Strike hỏi
“Ơ, thế anh nghĩ gì?” Ursula bật cười, cứ như câu hỏi quá ngây thơ. “Tôi quá biết Ciara Porter, nó biểu diễn trong một chương trình từ thiện tôi làm. Vừa lầy vừa dốt.”
Cà phê và món tráng miệng kẹo bơ của Strike được mang ra.
“Xin lỗi anh, John, nhưng rõ là Lula không biết chọn bạn,” Tansy nói, nhấp cà phê espresso. “Ciara, rồi cả Bryony Radford. Mặc dù con đó chẳng phải bạn bè gì, nhưng nếu là tôi thì tôi không đời nào đi tin một đứa như vậy.”
“Bryony là ai vậy?” Strike giả vờ hỏi (hắn vẫn còn nhớ người này).
“Chuyên viên trang điểm, chém rất đẹp. Cũng là một đứa chẳng ra gì,” Ursula nói. “Tôi có thuê nó một lần, hồi đi dự tiệc của Tổ chức Gorbachev và sau đó gặp ai nó cũng nói…”
Ursula tự nhiên dừng bặt, đặt ly rượu xuống và cầm tách cà phê lên. Strike mặc dù thấy không có liên quan nhưng vẫn khá tò mò không biết Bryony đã nói gì. Hắn vừa định mở miệng thì Tansy cắt ngang.
“À rồi còn cái đứa gớm ghiếc mà Lula hay đưa về nhà nữa, John, anh nhớ không?”
Tansy nhìn Bristow, nhưng ông này có vẻ ngơ ngác.
“Anh nhớ không, cái con… da đen gớm ghiếc mà thỉnh thoảng Lula lại kéo về. Hình như là dân lang thang. Nó… hôi rình. Nó mà vừa từ thang máy ra là biết ngay. Lula còn cho nó xài bể bơi nữa. Tôi cứ tưởng bọn đen không biết bơi chứ?”
Bristow hấp háy mắt liên tục, mặt đỏ lựng.
“Chẳng biết Lula chơi gì với con đó,” Tansy nói. “Chắc anh phải nhớ chứ John. Nó mập ú. Rất lôi thôi. Trông hơi khùng khùng.”
“Tôi không…” Bristow lẩm bẩm.
“Có phải là Rochelle không?” Strike hỏi.
“À đúng rồi, chắc nó đó. Hôm đám tang nó cũng đi,” Tansy nói. “Tôi để ý thấy. Nó ngồi ngay đằng sau.”
“Bây giờ anh nghe đây,” bà ta giương cặp mắt sẫm màu nhìn thẳng vào Strike, “việc hôm nay không có gì chính thức cả. Không thể để Freddie biết tôi có gặp anh. Tôi sẽ không đụng chạm gì tới bọn báo chí nữa. Làm ơn tính tiền,” Bà ta nói như sủa vào người bồi bàn.
Khi hóa đơn được đem ra, bà ta đưa luôn cho Bristow mà không nói gì thêm.
Hai chị em Tansy chuẩn bị ra về. Cả hai hất mái tóc nâu bóng mượt ra sau, bắt đầu mặc những chiếc áo khoác đắt đỏ. Vừa lúc đó cánh cửa nhà hàng mở ra. Một người đàn ông cao gầy mặc comlet, khoảng chừng sáu mươi tuổi bước vào và đi thẳng tới bàn của bốn người. Tóc ông ta ngả bạc, trông rất quý phái, áo quần không chê vào đâu được. Đôi mắt xanh tái của ông ta toát lên một vẻ lạnh lùng khó tả. Ông ta bước đi nhanh nhẹn, dứt khoát.
“Thật là ngạc nhiên,” ông ta nhẹ nhàng cất tiếng khi tiến tới ngay giữa hai người đàn bà. Chỉ Strike nhìn thấy ông ta bước vào, cả ba người kia đều sốc và xem ra chẳng vui vẻ gì khi thấy ông ta. Tansy và Ursula sững sờ giây lát, Ursula vẫn đang rút chiếc kính râm ra khỏi túi.
Tansy hoàn hồn trước.
“Cyprian,” bà ta nói, đưa má cho ông ta hôn. “Ngạc nhiên vậy!”
“Cứ tưởng em đang đi mua sắm chứ Ursula?” ông ta nói, nhìn bà vợ trong khi hôn nhẹ xã giao lên má Tansy.
“Tụi em đi ăn trưa luôn, Cyps à,” bà ta nói ngay nhưng mặt bắt đầu tái. Strike cảm thấy không khí chung quanh ám đặc lại.
Người đàn ông lớn tuổi liếc mắt về phía Strike rồi đảo sang Bristow.
“Tôi cứ tưởng Tony làm vụ li dị cho chị, đúng không Tansy?” ông ta hỏi.
“Đúng vậy,” Tansy đáp. “Hôm nay không có dính gì tới công việc cả, Cyps. Chỉ là ăn uống xã giao thôi.”
Ông ta mỉm cười lạnh lùng.
“Vậy để tôi đưa hai quý cô về,” ông ta nói.
Hai người nhanh chóng chào Bristow, không đá động gì đến Strike và đi theo chồng Ursula ra cửa. Khi cánh cửa đóng lại, Strike quay sang hỏi Bristow:
“Chuyện gì vậy?”
“Người đó là Cyprian,” Bristow đáp. Ông ta lập cập rút thẻ tín dụng ra đặt trên hóa đơn. “Cyprian May. Chồng của Ursula. Thành viên cấp cao bên công ty. Ông ta sẽ không hài lòng nếu biết Tansy đi gặp anh. Tôi không biết làm sao ông ta biết được mình ở đây. Chắc là hỏi Alison.”
“Tại sao ông ta không muốn Tansy nói chuyện với tôi?”
“Tansy là chị vợ của ông ấy,” Bristow vừa nói vừa mặc áo khoác. “Ông ta sợ Tansy lại nói gì bậy bạ lần nữa. Kiểu gì tôi cũng sẽ bị rủa một trận cái tội năn nỉ Tansy gặp anh. Chắc giờ này ông ta đang gọi cho ông cậu tôi để càm ràm.”
Strike để ý thấy tay Bristow vẫn còn run.
Bristow ra về trong chiếc taxi do nhà hàng gọi giúp. Strike đi bộ ra khỏi Cipriani, vừa đi vừa tháo lỏng cà vạt, mải suy nghĩ đến suýt chút nữa thì bị một chiếc xe đằng sau đâm vào khi băng qua phố Grosvenor. Chiếc xe bấm còi inh tai, làm hắn giật cả mình.
Sau cú lay tỉnh kịp thời đó, Strike đi thẳng tới bức tường phai màu cạnh hiệu làm đẹp Elizabeth Arden Red Door Spa. Hắn tựa lưng vào tường, châm thuốc và rút điện thoại di động ra. Vừa nghe vừa tua nhanh đoạn ghi âm, hắn canh tới đoạn Tansy mô tả những việc xảy ra trước khi Lula rơi xuống.
… ngay trước phòng ngủ, tôi nghe có tiếng la hét. Cô ta nói “Muộn rồi. Đã xong hết rồi,” và một người đàn ông nói, “Mày là con láo toét khốn nạn,” rồi ông ta ném Lula xuống. Rồi tôi thấy cô ta rơi xuống.
Strike nghe được cả tiếng ly rượu của Bristow đặt xuống mặt bàn. Hắn tua ngược và nghe lại.
… nói “Muộn rồi. Đã xong hết rồi,” và một người đàn ông nói, “Mày là con láo toét khốn nạn,” rồi ông ta ném Lula xuống. Rồi tôi thấy cô ta rơi xuống.
Hắn nhớ lại điệu bộ của Tansy diễn tả cánh tay Landry buông xuống và vẻ kinh hoàng trên gương mặt lạnh như băng của bà ta. Bỏ điện thoại vào túi, hắn rút sổ ra ghi chép.
Strike đã gặp rất nhiều người nói dối. Hắn có thể ngửi ra ngay. Hắn biết rõ Tansy là một trong số đó. Rõ ràng bà ta không thể nghe thấy gì từ trong căn hộ. Từ đó cảnh sát kết luận hôm đó bà ta không nghe được gì cả. Thế nhưng, ngược hẳn với suy nghĩ trước đó của Strike và mặc cho tất cả bằng chứng đến lúc này đều cho thấy Lula Landry tự tử, hắn lại có cảm giác Tansy thực sự tin là bà ta có nghe tiếng cãi nhau trước khi Landry rơi xuống. Đó là phần nói thật duy nhất trong câu chuyện của bà ta, chút sự thật ít ỏi le lói giữa những lời bịa đặt.
Strike đứng thẳng người dậy, tiếp tục đi về phía đông dọc theo phố Grosvenor, lần này để ý xe cộ hơn, nhưng trong đầu vẫn nghĩ tới vẻ mặt, giọng nói và kiểu cách của Tansy khi mô tả những giây cuối cùng của Lula Landry.
Tại sao bà ta nói thật chỗ quan trọng nhất, nhưng tại bao quanh đó bằng những lời dối trá? Tại sao bà ta nói dối chuyện đang làm gì khi nghe thấy tiếng hét? Strike nhớ đến câu nói của nhà tâm lý học Alfred Alder: “Không có lý do gì để nói dối, trừ khi sự thật cũng đáng sợ không kém.” Hôm nay Tansy chịu đến Cipriani, coi như nỗ lực cuối cùng để tìm một người chịu tin lời bà ta, nhưng cùng lúc phải tin luôn những sự dối trá đi kèm.
Hắn đi nhanh, không để ý đến chân phải đang nhức nhối. Cuối cùng hắn nhận ra mình vừa mới đi dọc hết phố Maddox và tới phố Regent. Mái hiên màu đỏ của cửa hàng đồ chơi Hamleys vẫy gọi từ xa. Strike sực nhớ hắn định mua quà sinh nhật cho cháu trên đường về.
Strike bước vào, lơ đãng lướt qua cái thế giới sặc sỡ, đầy tiếng cót két và đèn chớp nháy liên tục chung quanh. Cứ vậy hắn đi từ tầng này đến tầng khác, không để ý cả những tiếng rì rì, vo ve của mấy chiếc máy bay đồ chơi đang lơ lửng và những con lợn máy liên tục ụt ịt chạy qua dưới chân. Cuối cùng, sau hai mươi phút, hắn tới gian hàng búp bê quân đội Hoàng gia. Hắn đứng đó, lặng yên, nhìn chăm chăm vào hàng ngũ lính hải quân và lính nhảy dù, nhưng hình như chỉ nhìn mà không thấy gì cả. Hắn còn không nghe cả tiếng thì thầm của mấy vị phụ huynh đứng gần đó. Họ đang cố đẩy mấy đứa trẻ con đi vòng qua người đàn ông to lớn đang mải nhìn vào hư vô, không dám lên tiếng nhờ hắn đứng nhích qua một bên.
Phần Ba
Forsan et haec olim meminise invabit.
Một mai giông bão tan rồi
Chuyện xưa nhắc lại bồi hồi có khi.
- Virgil, Aeneid, Quyển 1
1
Thứ Tư trời bắt đầu đổ mưa. Thời tiết đúng kiểu London, ẩm ướt và xám xịt. Thành phố lạnh lùng, đầy những gương mặt nhợt nhạt dưới bóng dù đen, mùi áo quần mãi không khô và cả tiếng mưa rơi đều đều đập vào cửa sổ văn phòng của Strike mỗi đêm.
Mưa ở Cornwall rất khác. Strike còn nhớ những cơn mưa quất vào ô cửa phòng hắn ở nhà mợ Joan cậu Ted. Hắn từng ở với cậu mợ mấy tháng, học trường làng ở St Mawes. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng thơm mùi hoa và bánh nướng. Những kỷ niệm thời thơ ấu tự dưng ùa về khi hắn sắp đi thăm Lucy.
Chiều thứ Sáu. Mưa vẫn rơi rộn ràng trên bệ cửa sổ. Robin đang gói con búp bê lính nhảy dù cho thằng Jack. Ở góc bàn đối diện Strike viết một tấm séc, điền vào số tiền bằng lương tuần của Robin trừ đi khoản hoa hồng của Giải pháp Tạm thời. Lát nữa Robin sẽ đi dự phỏng vấn xin việc “nghiêm túc” (cuộc phỏng vấn thứ ba trong tuần đó). Hôm nay cô mặc complet đen, tóc búi cao, trông rất gọn gàng chỉnh tề.
“Xong rồi,” cả hai cùng lên tiếng. Robin đẩy món quà xinh xắn gói giấy in hình những chiếc tàu vũ trụ bé tí về bên kia bàn. Strike chìa tấm séc ra.
“Cảm ơn cô,” Strike nói, cầm lấy món quá. “Tôi không biết gói quà.”
“Hi vọng nó sẽ thích,” Robin vừa nói vừa nhét tấm séc vào túi xách.
“Vâng, chúc cô đi phỏng vấn may mắn. Cô có thích việc đó không?”
“Việc khá tốt. Bộ phận nhân sự của một công ty tư vấn truyền thông bên phía Tây thành phố,” cô đáp, chẳng có vẻ gì là nhiệt tình. “Anh đi ăn tiệc vui nhé. Hẹn thứ Hai gặp lại.”
Trời vẫn mưa dai dẳng, chuyện đi bộ hành xác ra phố Denmark chỉ để hút thuốc cũng trở nên khó nhọc hơn. Strike đứng dưới mái hiên nhô ra chỉ vừa đủ che mưa. Hắn ngẫm nghĩ có nên bỏ thuốc và tập luyện trở lại. Sức khỏe của hắn hình như cũng đang đội nón ra đi, theo chân tiền nong và nơi ăn chốn ở ấm cúng. Điện thoại bỗng đổ chuông.
“Báo cho anh biết là vụ anh cho manh mối có kết quả ngon lành,” Giọng Eric Wardle hể hả. Strike nghe cả tiếng máy xe và người nói chuyện ở đầu dây bên kia.
“Nhanh nhẹn đấy,” Strike bình luận.
“Ừ, tụi tôi nói là làm liền.”
“Vậy việc của tôi cũng xong luôn chứ?”
“Thì tôi gọi cũng là vì chuyện đó. Hôm nay thì hơi trễ. Thứ Hai tôi sẽ đem qua cho anh vậy.”
“Sớm hơn được không? Tôi sẽ nán lại đợi.”
Wardle cười, hơi móc máy.
“Anh tính công theo giờ mà đúng không? Sao không dây ra cho nhiều?”
“Tối nay đem qua thì tốt hơn. Nếu anh đem qua tối nay, lần sau có vụ gì anh sẽ được biết trước hết.”
Wardle im lặng trong giây lát, Strike nghe tiếng đàn ông trong xe Wardle rủa:
“Cái mặt thằng Fearney chết tiệt…”
“Được rồi,” Wardle trả lời. “Lát nữa tôi sẽ đem qua. Có khi bảy giờ mới qua được. Anh chờ được không?”
“Chắc chắn được,” Strike đáp.
Ba tiếng sau hồ sơ được mang đến, khi hắn vừa ăn cá tẩm bột và khoai tây chiên trong hộp xốp để trên đùi vừa xem tin tức London buổi tối trên TV. Người chuyển phát bấm chuông, Strike ký nhận một bưu kiện khá to gởi từ Sở cảnh sát London. Hắn mở ra, bên trong là một kẹp hồ sơ dày màu xám đựng đầy các bản sao. Strike mang hết về bàn của Robin vùi đầu nghiền ngẫm.
Hồ sơ gồm có lời khai của những người gặp Lula vào đêm cuối cùng trong đời cô, kết quả AND thu được trong căn hộ, bản sao sổ trực bảo vệ ở tòa nhà số 18, Kentigern Gardens; đơn thuốc rối loạn lưỡng cực của Lula, báo cáo khám nghiệm tử thi, y bạ của năm trước đó, danh sách các cuộc gọi vào máy di động và cố định và bản tóm tắt các nội dung tìm thấy trên máy tính xách tay của cô người mẫu. Ngoài ra có thêm một đĩa DVD, trên mặt đĩa Wardle ghi nguệch ngoạc Camera an ninh – 2 người bỏ chạy.
Ổ đĩa DVD trên chiếc máy tính cũ mèm của Strike đã bị hỏng từ khi mới mua. Hắn thảy cái đĩa vào túi áo khoác treo trên cửa gương rồi trở về bàn tiếp tục nghiền ngẫm hồ sơ, bên cạnh để sẵn cuốn sổ ghi chép.
Màn đêm buông xuống bên ngoài, ánh sáng vàng óng từ chiếc đèn để bàn đổ tràn lên mỗi trang giấy. Strike miệt mài đọc từ đầu đến kết luận cuối cùng. Giữa những lời khai đã được chuốt gọn, các mốc thời gian tỉ mỉ và mớ bản sao nhãn lọ thuốc trong tủ nhà Landry, Strike tìm kiếm sự thật hắn ngửi thấy sau những lời nói dối của Tansy Bestigui.
Khám nghiệm tử thi cho thấy Lula chết do va chạm với mặt đường, bị gãy cổ và xuất huyết nội. Phần trên cánh tay bị bầm. Khi ngã xuống cô chỉ mang một chiếc giày. Ảnh chụp tử thi cho thấy đúng như trang LulaNguồnCảmHứngBấtTận.com đã nhận xét, Lula có thay áo sau khi về nhà. Tử thi mặc áo đính kim sa và quần âu chứ không phải bộ đầm trong hình chụp cô ta lúc mới về đến nhà.
Strike đọc đến mấy bản lời khai không nhất quán của Tansy; lời khai đầu tiên chỉ nói chuyện đi từ phòng ngủ vào nhà vệ sinh; lời khai thứ hai thêm vào chuyện mở cửa sổ. Trong cả hai lần khai bà ta đều nói Freddie nằm trên giường. Cảnh sát có tìm thấy nửa tép cocaine trên thành bồn tắm và một túi xốp đựng cocaine giấu bên trong hộp băng vệ sinh trong tủ đồ ngay trên bồn rửa mặt.
Freddie khai là khi Landry ngã xuống thì ông ta đang ngủ, sau đó bị tiếng la hét của bà vợ đánh thức bèn chạy ngay vào phòng khách. Ông ta chỉ kịp thấy Tansy chạy qua, trên người mặc mỗi đồ lót. Bình hoa hồng dành cho Macc mà viên cảnh sát hậu đậu đã vô ý đánh vỡ đúng là quà của ông ta mừng Macc mới đến, cũng là để tự giới thiệu. Ông ta đúng là có muốn làm quen với nghệ sĩ nhạc rap này, có nghĩ tới chuyện mời Macc vào một vai trong bộ phim hành động gay cấn sắp tới. Ông ta phản ứng hơi quá về vụ bình hoa chẳng qua cũng là vì quá sốc trước cái chết của Landry. Ban đầu ông ta tin lời bà vợ khi bà ta nói có nghe thấy tiếng cãi nhau trên lầu. Sau đó, mặc dầu có phần lưỡng lự, ông ta cũng chấp nhận quan điểm của cảnh sát là lời khai của Tansy chịu ảnh hưởng bởi cocaine. Thói chơi thuốc của bà vợ làm cho cuộc sống của hai người rất căng thẳng. Ông ta thừa nhận với cảnh sát là ông có biết việc bà vợ thường xuyên dùng chất kích thích, nhưng không biết trong nhà sẵn có thứ đó.
Sau đó Bestigui nói thêm rằng ông ta và Landry chưa bao giờ vào thăm nhà nhau, ngay cả lần gặp ở nhà của Dickie Carbury (hình như sau đó cảnh sát mới biết vụ này vì Freddie được lấy lời khai tới hai lần) cũng không làm hai bên thân thiết gì hơn. “Cô ấy chủ yếu nói chuyện với những người khách trẻ tuổi, còn tôi thì phần lớn thời gian nói chuyện với Dickie, ngang tuổi tôi.” Lời khai của Bestigui trơn tuồn tuột, không có chỗ nào khúc mắc.
Strike đọc tiếp phần mô tả sự việc bên trong căn hộ nhà Bestigui rồi viết thêm mấy câu vào sổ. Hắn đặc biệt quan tâm tới nửa tép cocaine trên thành bồn tắm, và khoảng thời gian mấy giây sau khi Tansy thấy Lula ngã xuống bên ngoài cửa sổ. Ở đây cái cần có là sơ đồ căn hộ của Bestigui (không có sơ đồ hay bản vẽ gì đính kèm hồ sơ), nhưng Strike cứ nghĩ mãi về một chi tiết không thay đổi trong cả hai lời khai của Tansy: bà ta luôn khẳng định lúc sự việc xảy ra ông chồng vẫn còn đang ngủ. Hắn nhớ lại cách Tansy lấy tay vờ vuốt tóc để che mặt khi hắn cố hỏi chi tiết này. Xét một cách toàn diện, mặc cho cảnh sát đã kết luận, Strike cho rằng vị trí chính xác của hai vợ chồng nhà Bestigui khi Lula Landry ngã xuống vẫn chưa thể xác định rõ.
Hắn đọc tiếp hồ sơ. Lời khai của Evan Duffield gần khớp với những gì Wardle kể lại. Duffield thừa nhận là có ghì cánh tay bạn gái để giữ cô ở lại Uzi. Nhưng Lula vùng ra được và bỏ về; ngay sau đó hắn có đuổi theo. Chỉ có một câu nhắc tới mặt nạ chó sói, viết theo đúng ngôn ngữ khách quan không cảm xúc của viên cảnh sát phỏng vấn Duffield: “Tôi có thói quen mang mặt nạ đầu chó sói khi muốn tránh sự chú ý của giới săn ảnh.” Lời khai ngắn gọn của tài xế cũng khớp với diễn tiến Duffield kể. Ban đầu anh lái xe chở hắn tới Kentigern Gardens, rồi sau về phố d’Arblay, thả hắn xuống đó và đánh xe đi. Rõ là cảnh sát viết sẵn lời khai cho anh ta ký nên rất ngắn gọn, chỉ tường thuật sự việc mà không thể hiện thái độ căm ghét Duffield như Wardle có kể.
Thêm một vài lời khai khác làm chứng cho Duffield: từ người đàn bà nói có thấy hắn đi lên lầu để gặp tay buôn thuốc và từ chính Whycliff, tay buôn thuốc. Strike nhớ lại đoạn Wardle nói là cũng có khả năng Whycliff bao che cho Duffield. Nếu vậy, biết đâu bà ở dưới lầu cũng bị mua chuộc theo? Những người khai có thấy Duffield đi lang thang trên phố London đêm hôm đó thực ra chỉ có thể khẳng định là có trông thấy một người đàn ông đội mũ hóa trang chó sói.
Strike châm điếu thuốc rồi đọc lại lời khai của Duffield. Hắn ta vốn nổi tiếng nóng nảy và có thừa nhận là đã cố dùng vũ lực để ép Lula ở lại. Chỗ bầm tím trên cánh tay Lula chắc hẳn từ đây mà ra. Tuy nhiên, nếu đúng là tay này có chơi thuốc ở nhà Whycliff thì rất ít khả năng hắn đủ tỉnh táo để đột nhập vào tòa nhà số 18 Kentigern Gardens rồi nổi điên lên tới mức giết người. Strike biết quá rõ hành vi của những con nghiện heroin; hắn đã thấy khá nhiều hồi ở nhà hoang với mẹ. Khi dùng heroin người ta trở nên thụ động, dễ bị sai khiến, hoàn toàn trái ngược với màn hung hăng la hét thường thấy ở người nghiện rượu hoặc trạng thái hoang tưởng giậm giật khi vừa chơi cocaine. Strike biết hết thảy các thể loại nghiệp ngập, trong quân đội cũng có mà ngoài đời cũng có. Hắn thấy kinh tởm khi báo chí mạnh tay tô vẽ thói nghiện ngập của Duffield. Heroin không có gì hay ho cả. Mẹ hắn chết thảm trên tấm nệm dơ dáy ở góc phòng sau khi chơi thuốc, mãi sáu tiếng đồng hồ sau mới có người phát hiện ra.
Hắn đứng dậy, bước tới mở cửa sổ lấm tấm mưa tạt, bên ngoài tối đen. Tiếng bass từ dưới quán bar vọng lên to hơn nữa. Vẫn hút thuốc, hắn nhìn về phố Charing Cross lấp lánh ánh đèn xe và những vũng nước đọng. Nơi đó người ta đi chơi tối thứ Sáu, lảo đảo băng qua cuối phố Denmark, tay cầm dù nghiêng ngả, cười nói rộn ràng trong tiếng xe cộ. Strike tự hỏi không biết đến bao giờ hắn mới lại đi uống bia tối thứ Sáu với bạn? Khái niệm đó giờ đây thuộc về một thế giới khác, một phần đời đã lùi hẳn về sau. Giai đoạn dở dở ương ương mà hắn đang sống, gần như chỉ giao thiệp với mỗi Robin, rõ ràng không thể kéo dài mãi được. Nhưng hắn vẫn chưa sẵn sàng để bắt đầu lại. Hắn đã mất đi cuộc sống trong quân đội, mất cả Charlotte và một nửa cái chân. Hắn thấy mình cần phải tự làm quen với chính con người mới này, trước khi sẵn sàng đón nhận thái độ ngạc nhiên và thương hại của người khác. Đầu lọc thuốc lá màu cam rơi xuống con phố tối om, tắt ngúm trong rãnh nước đọng. Strike kéo cửa sổ xuống, trở về bàn và kéo tập hồ sơ về phía mình.
Lời khai của Derrick Wilson không có gì mới lạ. Hồ sơ không hề nhắc tới Kieran Kolovas-Jones hay mảnh giấy màu xanh mà anh ta có nói tới. Strike giở tiếp đến phần lời khai của hai cô gái ở cùng Lula trong buổi chiều cuối cùng, Ciara Porter và Bryony Radford.
Chuyên viên trang điểm nhớ lại là Lula rất vui vẻ và phấn khích về chuyện Deeby Macc sắp dọn đến. Nhưng Porter lại nói rằng hôm đó trông Landry “không giống cô ta thường ngày”, có vẻ “buồn và lo lắng”, nhưng khi hỏi thì không nói gì. Lời khai của Porter có một chi tiết lạ, chưa có ai nhắc đến. Người mẫu này nói rằng chiều hôm đó Landry tự dưng nói rất cụ thể về ý định “để lại hết” cho anh trai. Ciara không khai rõ Lula nói vậy trong hoàn cảnh nào; nhưng đọc qua thì có cảm giác như hôm đó Lula đang nghĩ quẩn.
Strike tự hỏi tại sao Bristow lại không nhắc đến chuyện Lula để lại hết tài sản cho anh ta. Đương nhiên Bristow đã có sẵn một mớ tài sản từ ông già. Có lẽ vì vậy mà một đống tiền nữa với anh ta cũng không có gì đáng nói, khác hẳn với Strike, trước nay chưa từng được thừa kế một xu teng.
Strike bắt đầu ngáp, hắn đốt một điếu thuốc nữa cho tỉnh ngủ và đọc lời khai của mẹ Lula. Theo như lời phu nhân Yvette Bristow, hôm đó bà vẫn còn khá mệt và chưa tỉnh táo hẳn vì mới vừa phẫu thuật, nhưng khẳng định rằng cô con gái “hoàn toàn vui vẻ” khi ghé thăm bà buổi sáng hôm đó. Lula không có biểu hiện gì khác thường, chỉ lo lắng cho tình trạng sức khỏe và khả năng hồi phục của bà. Strike đọc thấy trong lời khai của phu nhân Bristow một thái độ kiên quyết phủ nhận sự thật, nhưng cũng có thể là do cách viết cụt ngủn, không có cảm giác gì của viên cảnh sát lấy lời khai. Chỉ có một mình phu nhân Bristow cho là Lula chết do tai nạn, chắc sơ ý trượt chân ngã từ ban công xuống mặt đường đóng băng đêm đó.
Strike đọc lướt qua lời khai của Bristow, hoàn toàn khớp với những gì ông ta đã kể. Sau đó là lời khai của Tony Landry, cậu của Lula và John. Ông ta khai có đến thăm phu nhân Yvette Bristow sáng hôm đó, có gặp Lula và thấy Lula có vẻ “bình thường”. Sau đó ông ta lái xe xuống Oxford để dự hội nghị quốc tế về luật gia đình, đêm đó ở lại khách sạn Malmaison. Lời khai của Tony đi kèm với mấy dòng bình luận không rõ ràng về những cuộc điện thoại nào đó. Strike mở phần bản sao danh sách cuộc gọi xem có giải thích gì không.
Trong một tuần ngay trước khi sự việc xảy ra, Lula hầu như không hề đụng tới điện thoại để bàn. Ngày hôm trước khi cô ta chết thì hoàn toàn không dùng. Tuy nhiên hôm đó cô ta lại gọi hơn sáu mươi cuộc bằng điện thoại di động. Cuộc gọi đầu tiên lúc 9 giờ 15 phút sáng là gọi cho Evan Duffield; cuộc thứ hai lúc 9 giờ 35 phút cho Ciara Porter. Mấy tiếng sau đó không gọi cho ai cả, rồi từ 1 giờ 21 phút buổi chiều cô ta liên tục gọi cho hai số, cứ hết số này đến số kia. Số thứ nhất là Duffield, số thứ hai, theo như mấy chữ nguệch ngoạc bên cạnh dòng ghi lại cuộc gọi đầu tiên, là Tony Landry. Cô ta liên tục gọi cho hai người này. Thỉnh thoảng nghỉ hai mươi phút, rồi gọi trở lại, chắc chỉ bấm nút “redial” trên điện thoại. Lula hẳn đã gọi điện khi ở trong căn hộ có mặt cả Bryony Radford và Ciara Porter, mặc dù lời khai của cả hai đều không nhắc gì đến chuyện Lula liên tục dùng điện thoại.
Strike quay ngược lại phần lời khai của Tony Landry, trong đó không hề giải thích tại sao cháu gái lại muốn liên lạc với ông ta đến vậy. Ông ta khai là đã tắt điện thoại khi dự hội nghị, mãi sau đó mới thấy những cuộc gọi nhỡ buổi chiều. Ông ta không biết tại sao Lula gọi, và cũng không gọi lại vì khi ông ta thấy cuộc gọi nhỡ thì Lula cũng đã thôi không gọi nữa. Ông ta đoán (đúng y) là khi đó Lula đang ở hộp đêm.
Strike ngáp liên tục; hắn nghĩ tới chuyện đi pha cà phê nhưng không đứng dậy nổi. Đã rất muốn ngủ nhưng theo thói quen hắn vẫn muốn làm cho xong việc. Hắn lật đến phần bản sao sổ trực, ghi lại những người ra vào tòa nhà số 18 ngay hôm trước khi Lula Landry chết. Cuốn sổ cho thấy Wilson cũng không ghi chép kỹ lưỡng gì. Như Wilson đã nói với Strike, sổ không ghi lại những lần ra vào của chủ nhân các căn hộ, vậy nên trong sổ không nhắc gì đến Landry và hai vợ chồng Bestigui. Dòng đầu tiên là nhân viên bưu chính, tới lúc 9 giờ 10 phút sáng; sau đó lúc 9 giờ 22 phút là Giao bình hoa, nhà số 2, và cuối cùng lúc 9 giờ 50 phút là nhân viên bảo trì từ Securibell. Wilson không hề ghi nhân viên bảo trì đi khỏi lúc mấy giờ.
Ngoài những người đó ra thì đúng như Wilson nói, hôm đó khá yên tĩnh. Ciara Porter đến lúc 12 giờ 50; Bryony Radford lúc 1 giờ 20. Radford ra về lúc 4 giờ 40, có ký trong sổ khi ra về. Sau đó là mấy người mang đồ ăn cho nhà Bestigui lúc 7 giờ. Ciara đi ra cùng với Lula lúc 7 giờ 15 và người mang đồ ăn ra về lúc 9 giờ 15.
Strike khá bực mình vì cảnh sát chỉ photocopy lại mỗi một trang trong sổ, trang của ngày trước khi Landry chết. Vậy mà hắn đã hi vọng là biết đâu tìm ra được tên họ đầy đủ của Rochelle ở đó.
Gần nửa đêm, Strike đọc tới phần báo cáo các nội dung tìm thấy trên máy tính xách tay của Landry. Có vẻ như cảnh sát muốn tìm những email cho thấy tâm trạng trầm cảm hay manh mối về ý định tự tử, nhưng không tìm thấy gì cả. Strike đọc tất cả những email Landry gửi và nhận trong hai tuần trước khi cô ta chết.
Nghe có vẻ vô lý nhưng chính vô số hình ảnh lưu giữ sắc đẹp lạ thường của Lula khiến Strie có cảm giác cô người mẫu dường như không phải là người thật. Cô ta xuất hiện ở khắp mọi nơi, những đường nét dần trở nên trừu tượng và chung chung, cho dù gương mặt ấy vẫn đẹp không lẫn vào đâu được.
Giờ đây, giữa giấy trắng mực đen, giữa những dòng chữ thỉnh thoảng mắc lỗi chính tả, giữa những chuyện đùa và biệt danh mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, bóng ma Lula dường như dần dần hiện ra trước mắt Strike, ngay trong văn phòng tối om. Email của Lula cho thấy điều mà những bức ảnh không thể nào làm được: Strike nhận ra, bằng cảm xúc chứ không phải lý trí, rằng trong đêm hôm đó, trên đường phố London phủ tuyết, đã có một con người thật sự, sống động, từng khóc từng cười; cô ngã xuống mặt đường và chết đi, cơ thể bầm dập tan nát. Hắn hi vọng sẽ thấy được bóng dáng thấp thoáng của tên sát nhân trong hồ sơ, nhưng thay vào đó, hắn chỉ thấy Lula hiện ra, nhìn hắn chằm chằm, như kiểu nhìn của những nạn nhân bị bạo hành, giữa đống tàn tích của một cuộc đời dang dở.
Hắn cũng hiểu được tại sao John Bristow khăng khăng là em gái ông ta không hề nghĩ đến cái chết. Người con gái từng gõ những dòng này hẳn là một người bạn nhiệt tình, quảng giao. Cô ta hơi bốc đồng, bận rộn nhưng lạc quan; say mê công việc và như Bristow có nói, rất phấn khích về chuyến công tác đến Morocco.
Phần lớn email gởi cho nhà thiết ké Guy Somé. Không có gì đáng lưu tâm, ngoại trừ giọng điệu gần gũi, vui vẻ nhẹ nhàng và một lần nhắc đến người bạn đặc biệt:
Geegee ơi, làm cho Rochelle một kiểu gì đó nha? Gần sinh nhật nó rồi. Tốn bao nhiêu em chịu hết. Làm cái gì dễ thương chút (đừng chơi ác nha). Ngày 21 tháng Hai được hông? Iu cưng nhiều. Cuckoo.
Strike nhớ trang LulaNguồnCảmHứngBấtTận.com có viết rằng Lula yêu mến Guy Somé như “một người anh trai”. Lời khai của Guy Somé trong hồ sơ cảnh sát cũng là lời khai ngắn nhất. Tuần trước ông ta ở Nhật Bản, vừa mới bay về ngay trong đêm Lula chết, Strike biết rằng nhà Somé rất gần Kentigern Gardens, nhưng có vẻ như cảnh sát không có nghi vấn gì khi ông ta khai là đi ngủ ngay khi vừa từ sân bay về. Strike để ý thấy nếu đi từ phố Charles đến Kentigern Gardens thì ngược chiều hẳn với camera an ninh đặt trên phố Alderbrook.
Strike đóng tập hồ sơ. Hắn đi lại trong văn phòng, nhọc nhằn cởi quần áo ngoài, tháo chân giả và mở giường xếp ra. Giờ hắn chẳng thể nghĩ gì hơn, chỉ thấy mệt mỏi kiệt sức. Hắn chìm ngay vào giấc ngủ, giữa tiếng xe cộ rì rào, tiếng mưa lộp độp bên ngoài và hơi thở không ngừng nghỉ của thành phố.
2
Ngay phía trước nhà Lucy có một cây mộc lan rất lớn. Cuối mùa xuân hoa sẽ rụng khắp bãi cỏ, như những mẩu khăn giấy bị vò nát. Bây giờ mới tháng Tư, cây mộc lan đội một đám mây trắng bồng bềnh đầy những cánh hoa màu cơm dừa. Strike chỉ mới đến đây có vài lần. Hắn rất ít khi tới nhà Lucy vì ở nhà lúc nào em gái hắn cũng luôn tay luôn chân, và cũng vì muốn tránh mặt ông em rể hắn không ưa gì.
Bóng bay cột đầy cổng, nhấp nhô trong cơn gió nhẹ. Strike đi trên lối vào hơi dốc trước cửa, gói quà kẹp dưới tay, tự nhủ rằng cuộc thăm viếng sẽ chóng xong thôi.
“Charlotte đâu?” Lucy hỏi ngay khi vừa mở cửa. Cô hơi thấp người, tóc vàng, mặt tròn.
Trong phòng khách có rất nhiều bong bóng to bằng giấy kiếng vàng, toàn là hình số bảy. Lâu lâu lại có tiếng trẻ con la hét không biết từ góc nào trong nhà, không rõ là đang phấn khích hay bị đau, làm náo động cả khu ngoại ô bình lặng.
“Cuối tuần này cổ phải về Ayr,” Strike nói dối.
“Sao vậy?” Lucy hỏi tiếp, bước lùi lại nhường lối đi cho hắn.
“Chị gái cổ có chuyện gì đó. Thằng Jack đâu rồi?”
“Tụi nó ở ngoài đó hết. Lạy Trời, vừa kịp tạnh mưa, không thì phải để tụi nó ở hết trong nhà,” Lucy nói, dẫn hắn ra vườn sau.
Ba thằng cháu của Strike đang chạy trên bãi cỏ đằng sau nhà, cùng với khoảng hai mươi đứa nhỏ khác, tất cả xúng xính áo quần. Chúng đang chơi trò gì đó, đua nhau chạy về mấy cái cột bóng cricket có dán hình trái cây, vừa chạy vừa la hét inh tai. Đám phụ huynh trợ giúp đứng chung quanh trong ánh nắng nhạt, tay cầm cốc nhựa đựng rượu. Greg, chồng của Lucy đang đứng chỉnh chiếc iPod đặt trên bàn xếp. Lucy mang ra cho Strike một ly bia lạnh, rồi lại chạy ào ra dỗ thằng con nhỏ nhất vừa ngã oạch một cú, vẫn còn gào ăn vạ.
Strike chẳng muốn con cái gì. Charlotte cũng đồng ý với hắn. Đây cũng là lý do tại sao những mối tình khác của Strike đều không đi tới đâu. Lucy hay xót xa chuyện này và cả những lý do đằng sau đó. Lucy dễ phật ý mỗi khi Strike nói về những thứ hắn muốn trong đời, vì khác hẳn với cô em gái. Những lúc đó, Lucy phản ứng như thể hắn đang lên án những quyết định và lựa chọn riêng của mình vậy.
“Khỏe không, Corm?” Greg lên tiếng. Ông em rể vừa nhường vị trí chỉnh nhạc cho một ông bố khác. Greg là một kỹ sư khối lượng công trình, luôn lúng túng không biết phải nói chuyện với Strike ra sao, cuối cùng thành ra kiểu xởi lởi đãi bôi. Greg hồ hởi: “Charlotte xinh đẹp đâu rồi? Không lẽ mới chia tay chia chân nữa hả? Ha ha ha. Thiệt bắt tin hai người muốn không kịp luôn.”
Một cô bé vừa bị xô ngã, Greg vội chạy đến giúp bà mẹ đang đỡ nó dậy, lại khóc mếu và cỏ ướt vấy đầy người. Trò chơi của bọn trẻ con càng lúc càng ồn ào, hỗn loạn. Cuối cùng người thắng cuộc được công bố. Đứa về nhì òa lên khóc, phải dỗ nó bằng một phần quà an ủi vừa lấy ra từ túi ni lông đen đằng sau bụi hoa tú cầu. Trò chơi bắt đầu lại lần nữa.
“Chào anh!” Một bà đứng tuổi rụt rè đi tới chỗ Strike đứng. “Hẳn anh là anh trai Lucy!”
“Vâng” hắn đáp.
“Tụi tôi có nghe vụ chân cẳng của anh, khổ thân,” bà ta nói tiếp, nhìn xuống chân hắn. “Lucy có kể hết. Hay thiệt hả? Lúc anh mới đi vô tôi chẳng thấy anh cà nhắc tí nào. Đúng là y học ngày nay tiến bộ ghê? Có khi bây giờ anh còn chạy nhanh hơn cả hồi xưa!”
Chắc bà ta tưởng hắn cũng mang một cái chân giả hình lưỡi liềm bằng sợi carbon như các vận động viên Paralympic. Hắn uống một hớp bia, gượng gạo mỉm cười.
“Có đúng vậy không?” bà ta vừa hỏi vừa liếc mắt điệu đà, tò mò lộ liễu. “Anh là con của Jonny Rokeby thiệt hả?”
Sự nhẫn nại của Strike đứt phựt một phát như mấy sợi chỉ mỏng manh bị kéo căng.
“Tôi cóc biết,” hắn đáp. “Sao chị không đi mà hỏi ông ta?”
Bà ta sửng sốt. Sau vài giây bà lẳng lặng bỏ đi. Hắn thấy bà ta đến nói gì đó với một bà khác, bà này ngay lập tức liếc về phía hắn. Lại một đứa trẻ con chạy ngã, đập đầu vào cột bóng cricket có gắn hình một quả dâu khổng lồ rồi hét lên một tiếng muốn rách cả màng nhĩ. Tranh thủ lúc đám đông đang xúm vào xuýt xoa nạn nhân mới, Strike bỏ vào nhà.
Phòng khách đơn giản, tiện nghi với ba chiếc ghế nệm màu xám. Trong phòng có bản in một bức tranh trường phái Ấn tượng treo trên bệ lò sưởi và mấy khung hình ba đứa cháu trai mặc đồng phục học sinh màu xanh đặt rải rác trên kệ. Strike đóng cửa phòng khách lại cho khỏi ồn rồi lấy đĩa DVD trong túi ra, bỏ vào đầu máy và bật TV lên.
Trên đầu TV có đặt một tấm ảnh chụp Lucy hồi sinh nhật ba mươi tuổi. Rick, bố của Lucy đang đứng với người vợ thứ hai, Strike đứng đằng sau, cũng là vị trí quen thuộc trong tất cả những bức ảnh có mặt hắn kể từ khi 5 tuổi. Lúc đó hắn còn đủ cả hai chân. Đứng cạnh Strike là Tracey, đồng nghiệp cũ của hắn ở SIB và cũng là chị dâu hụt của Lucy. Tracey sau đó làm đám cưới với một người bạn chung của cả hai và gần đây vừa sinh con gái. Strike định gởi hoa chúc mừng mà loay hoay mãi thế nào vẫn chưa gởi.
Hắn nhìn lên màn hình, rồi bấm nút “play”.
Đoạn băng trắng đen lấm tấm bắt đầu chạy. Một con phố phủ trắng tuyết, những bông tuyết dày rơi đều đều trước máy quay. Góc máy 180 độ cho thấy chỗ giao nhau giữa phố Bellamy và phố Alderbrook.
Một người đàn ông đi bộ một mình xuất hiện từ phía góc phải màn hình, tay đút trong túi quần. Ông ta mặc nhiều lớp áo, mũ áo chụp lên đầu. Phim trắng đen làm gương mặt ông ta thoáng nhìn qua rất lạ; rất dễ đánh lừa con mắt người xem. Ban đầu Strike tưởng là hắn thấy một gương mặt trắng bệch đeo băng bịt mắt màu đen, mãi một lúc sau mới nhận ra đó là một gương mặt người da đen quàng khăn trắng bịt hết cả mũi, miệng và cằm. Trên áo của người này có một hình gì đó, trông giống logo; ngoài ra không thể nhìn rõ gì khác.
Khi đến gần camera ông ta cúi đầu xuống, có vẻ như đang xem một vật gì vừa rút từ trong túi ra. Vài giây sau, ông ta đi về phía phố Bellamy và ra khỏi khung hình. Đồng hồ điện tử dưới góc phải màn hình cho thấy lúc đó là 1 giờ 39 phút.
Đoạn phim tắt phụt, chuyển cảnh. Sau đó là hình ảnh mờ mờ, cũng đoạn đường đó nhưng vắng tanh. Tuyết vẫn rơi dày cản tầm nhìn, đồng hồ ghi 2 giờ 12 phút. Hai người đàn ông xuất hiện. Người thứ nhất là người mang khăn quàng cổ trắng trong đoạn băng lúc nãy; chân dài và trông rất khỏe. Ông ta chạy thục mạng, hai cánh tay vung mạnh, thẳng xuống phía phố Alderbrook. Người thứ hai nhỏ con hơn, mặc áo thun có mũ và đội mũ rời; Strike để ý thấy bàn tay tối màu đang nắm chặt khi ông ta chạy hết tốc lực sau người thứ nhất, càng lúc càng bị bỏ xa. Dưới ánh đèn đường, chữ in trên lưng áo của ông ta ánh lên trong thoáng chốc. Đến giữa phố Alderbrook ông ta đột ngột rẽ trái theo đường nhỏ.
Strike xem lại đoạn băng thứ hai, rồi thêm một lần nữa. Hắn không thấy hai người này có liên lạc gì với nhau cả; không có dấu hiệu có gọi hay nhìn nhau, khi cả hai chạy khỏi màn hình. Cứ như mạnh ai nấy chạy.
Hắn xem đoạn băng lần thứ tư, rồi loay hoay bấm dừng hình ngay ở chỗ lưng áo của người thứ hai ánh lên. Hắn ghé sát mắt vào TV, nhìn thật kỹ hình ảnh mờ nhạt. Sau khoảng một phút nhìn chăm chú, hắn gần như chắc chắn từ đầu tiên trên áo kết thúc bằng chữ “ck”, nhưng từ thứ hai mà hắn nghĩ là bắt đầu bằng chữ “J” thì không thể đọc nổi.
Hắn bấm “play”, tiếp tục đoạn phim và cố xem người thứ hai đi về con phố nào. Sau ba lần xem thì hắn chắc chắn ông này đã rẽ vào phố Halliwell đúng như Wardle nói, dù bảng tên phố trên màn hình rất mờ.
Cảnh sát suy luận rằng nếu sau đó người thứ nhất gặp ngay người bạn ở quanh đó – mặc dù camera không ghi lại được, thì ít có khả năng anh ta là sát thủ. Nhưng nói vậy cũng có nghĩa là giả định hai người trong đoạn băng có quen biết. Strike phải thừa nhận rằng chuyện cả hai người cùng xuất hiện tại một nơi, trong điều kiện thời tiết như vậy, vào cùng một thời điểm và hành động gần như giống nhau thì rất có khả năng là đồng phạm trộm xe.
Đoạn băng tiếp tục, chuyển đến cảnh bên trong một chiếc xe buýt. Một cô gái vừa lên xe. Máy quay hẳn đặt ở vị trí ngay phía trên đầu lái xe. Gương mặt cô gái như bị kéo gần lại và bị phủ bóng nhưng vẫn thấy rõ cô có tóc vàng, buộc đuôi ngựa. Người đàn ông đi lên xe ngay sau đó rất giống với người đi ở phố Bellamy về phía Kentigern Gardens. Ông này trông cao lớn, mũ áo trùm đầu, choàng khăn trắng bịt mặt, phần mặt trên bị khuất ánh sáng không nhìn thấy được, nhìn kỹ trên ngực áo có chữ GS.
Hình ảnh lại nhảy đến cảnh phố Theobalds. Nếu người đang đi rất nhanh trên phim là người lên xe buýt thì đến lúc này chiếc khăn quàng cổ trắng đã được tháo ra, mặc dù vóc dáng và tướng đi rất giống. Strike thấy như ông này có vẻ đang cố cúi đầu xuống.
Phim đã chạy hết, trên màn hình chỉ còn màu đen. Strike vẫn ngồi đó, mắt nhìn màn hình, tiếp tục suy nghĩ. Một lát sau sực tỉnh, hắn hơi ngạc nhiên khi nhìn lại những thức có nhiều màu sắc và nắng rọi chung quanh.
Hắn lấy điện thoại ra gọi ngay cho John Bristow, nhưng không ai nghe máy. Hắn để lại lời nhắn, báo là đã xem hết các đoạn băng ghi hình và đọc hồ sơ của cảnh sát, hắn muốn hỏi Bristow thêm vài câu, liệu có gặp nhau tuần tới được không.
Sau đó hắn gọi cho Derrick Wilson, lại bị chuyển cuộc gọi vào hộp thư thoại. Hắn nhắc ông ta chuyện cho hắn vào xem bên trong số 18 Kentigern Gardens.
Strike vừa dập máy thì cánh cửa phòng khách mở ra, Jack, thằng cháu thứ hai rụt rè bước vào. Mặt mũi thằng bé đỏ gay, kiểu vừa chạy nhảy tưng bừng xong.
“Con nghe có tiếng cậu,” Jack nói. Thằng đó đóng cửa, cẩn thận y như ông cậu lúc nãy.
“Con không chơi ngoài vườn nữa à Jack?”
“Con vô nhà đi tè,” thằng bé trả lời. “Cậu Cormoran có quà cho con không?”
Strike vẫn còn cầm gói quà từ lúc mới đến. Hắn đưa cho thằng bé, ngắm những ngón tay bé xíu của nó xé toạc lớp giấy Robin đã cẩn thận gói ghém.
“A hay quá,” Jack reo lên. “Một chú lính.”
“Đúng rồi,” Strike đáp.
“Có súng đàng hoàng, đủ hết nè.”
“Ờ có hết.”
“Hồi trước cậu có súng không?” Jack hỏi, lật cái hộp lại để xem hình.
“Có hai khẩu lận.” Strike đáp.
“Cậu còn giữ không?”
“Không, cậu đem trả hết rồi.”
“Chán vậy.” thằng bé nói thản nhiên như không.
“Con không ra ngoài chơi à?” Strike hỏi, vừa lúc có tiếng la hét vọng vào từ ngoài vườn.
“Con không thích,” Jack trả lời. “Cho con mở hộp ra nghe cậu?”
“Ừ con mở đi,” Strike nói.
Trong lúc thằng Jack hào hứng xé luôn cái hộp, Strike rút đĩa DVD ra khỏi đầu máy và bỏ vào túi. Rồi hắn giúp thằng bé tháo chú lính nhảy dù ra khỏi tấm bìa cứng đính kèm và lắp súng cho chú.
Mười phút sau Lucy bước vào, thấy hai cậu cháu vẫn đang ngồi đó. Thằng Jack cầm chú lính, giả vờ bắn súng từ sau ghế sofa còn Strike thì ôm bụng giả vờ bị trúng đạn.
“Trời ơi, Corm, hôm nay là sinh nhật nó, nó phải ra chơi với mấy đứa kia! Jack, mẹ đã dặn là con vẫn chưa được mở quà kia mà… nhặt lên ngay… không, để đó, không được mang ra ngoài… không được, Jack, để hôm sau chơi tiếp… gần dọn thức ăn rồi còn gì…”
Lucy bực bội, vừa nhanh tay lùa ông con còn chần chừ ra khỏi phòng vừa quay lại liếc Strike một cái. Lucy mím môi lại, trông y hệt mợ Joan, mặc dù hai người chẳng máu mủ gì.
Gương mặt thoáng gợi nhớ mợ Joan ấy khiến Strike tự động hợp tác. Đúng ý Lucy, hắn không gây rắc rối thêm gì trong suốt buổi sau đó. Phần lớn thời gian hắn phân xử mấy vụ cãi nhau ỏm tỏi của đám trẻ con phấn khích, rồi hắn lánh sau cái bàn xếp chất đầy sương sa và kem, tránh mặt mấy bà mẹ nhiều chuyện lảng vảng xung quanh.
3
Sáng sớm Chủ nhật Strike còn đang ngủ thì điện thoại đổ chuông. Chiếc điện thoại vẫn còn đang cắm sạc ngay bên cạnh giường. Bristow gọi. Giọng ông ta nghe có vẻ căng thẳng.
“Tôi nhận được tin nhắn của anh từ hôm qua, nhưng mẹ tôi đang mệt mà chiều hôm nay lại không có y tá. Lát nữa Alison sẽ đến ở cùng tôi. Nếu anh rảnh ngày mai tôi gặp anh vào giờ nghỉ trưa nhé? Đã có gì mới chưa?” Ông ta hỏi, có vẻ hi vọng.
“Có vài thứ,” Strike đáp cẩn trọng. “À này, máy tính xách tay của em gái anh giờ ở đâu rồi?”
“Ở đây, ngay nhà mẹ tôi. Sao vậy?”
“Anh cho tôi mượn coi được không?”
“Được thôi,” Bristow đáp. “Ngày mai tôi sẽ mang theo.”
Strike đồng ý gặp ngày mai. Bristow đưa tên và địa chỉ chỗ ăn trưa yêu thích của ông ta ở gần văn phòng rồi dập máy. Strike với tay lấy điếu thuốc, nằm trên giường vừa hút thuốc vừa ngắm nghía mấy vệt ngang dọc trên trần do ánh nắng chiếu qua mành cửa. Hắn tận hưởng sự im lặng một mình, không có tiếng trẻ con gào thét, không có Lucy cố vặn vẹo hỏi chuyện hắn trong khi thằng con nhỏ nhất vẫn la hét inh tai. Strike tự nhiên thấy cái văn phòng này thật bình yên dễ chịu. Hắn dụi tắt điếu thuốc, ngồi dậy và chuẩn bị đi tắm ở trường Đại học như thường lệ.
Cuối cùng mãi đến khuya Chủ nhật hắn cũng liên lạc được với Derrick Wilson, sau vài cuộc gọi nhỡ khác.
“Tuần này chưa được,” Wilson nói. “Bà Bestigui dạo này hay qua đây lắm. Tui còn phải lo công chuyện của tui, anh hiểu chớ? Khi nào tiện tui sẽ gọi ngay cho anh, được không?”
Đầu dây bên kia có tiếng chuông cửa.
“Anh đang trực hả?” Strike hỏi, trước khi Wilson kịp dập máy.
Hắn nghe người bảo vệ nói với người mới vào:
“(Ký vô sổ giùm cái). Ờ, sao?” Wilson lớn giọng hỏi hắn.
“Nếu anh đang ở ngay đó, anh tìm luôn trong sổ trực tên họ của một người bạn của Lula được không? Khi trước thỉnh thoảng cô này có ghé qua.”
“Bạn nào kia?” Wilson hỏi. “(Dà, chào ha.)”
“Người mà Kieran có nhắc tới; bạn quen hồi đi trị bệnh, tên là Rochelle. Tôi muốn biết họ của cô ta là gì.”
“À cái cô đó hả,” Wilson đáp. “Được rồi để đó tui sẽ tìm rồi tôi sẽ g…”
“Anh tìm luôn giờ được không?”
Hắn nghe tiếng Wilson thở dài.
“Thôi được rồi. Đợi đó.”
Có tiếng bước chân qua lại, tiếng đồ đạc va vào nhau, tiếng lạo xạo rồi sau đó là tiếng mấy trang giấy sột soạt. Trong khi chờ đợi, Strike dạo mắt qua các mẫu thời trang do Guy Somé thiết kế trên màn hình máy tính.
“À đây rồi,” giọng Wilson vang lên. “Tên cổ là Rochelle… đọc không ra… hình như là Onifade.”
“Viết sao?”
Wilson đánh vần từng chữ, Strike ghi lại.
“Lần cuối cùng cổ ghé qua là khi nào vậy hả Derrick?”
“Hồi đầu tháng Mười Một,” Wilson đáp. “(Dà, xin chào.)” Tôi phải đi đây.”
Ông ta dập máy lúc Strike cảm ơn. Hắn quay trở lại với lon bia Tennent’s, xem tiếp mấy mẫu thời trang mặc ban ngày của Guy Somé, cụ thể là một cái áo khoác có khóa kéo và mũ, có gắn chữ GS hoa hòe mạ vàng bên ngực trái. Logo đó hầu như có ở tất cả các mẫu trang phục nam ở mục “đồ may sẵn” trên trang web. Strike không hiểu còn bày đặt nói tránh là “đồ may sẵn” để làm gì, nghe rõ rành rành ý là “đồ rẻ tiền hơn”. Mục thứ hai của trang web, được gọi đơn giản là “Guy Somé”, gồm toàn những mẫu áo quần lên tới vài ngàn bảng. Mặc cho Robin đã rất cố gắng, tác giả của những bộ complet màu hạt dẻ, các thể loại cà vạt len bản mỏng, những chiếc đầm mini gắn mảnh thủy tinh và các kiểu mũ phớt bằng da này vẫn tiếp tục giả điếc trước tất cả những lời yêu cầu phỏng vấn liên quan đến cái chết của cô người mẫu mà ông ta từng cưng nhất.
4
Mày tưởng tao không dám làm gì mày nhưng mày xai rồi thằng mặt lờ kia tao xẽ cho mày biết tay. Tao tin mày mà mày dám làm vầy với tao. Tao sẽ bẻ quách cái của nợ của máy rồi tộng xuống họng mày. Khi người ta tìm ra xác mày họ xẽ thấy mày nghẹn của nợ mà chết. Xong rồi bà già mày cũng xẽ không nhìn ra mày tao xẽ diết chếch mày thằng Strike thúi tha kia.
“Trời đẹp thật.”
“Anh làm ơn đọc cái này được không? Đọc giùm tôi một lần đi.”
Hôm đó là sáng thứ Hai. Strike vừa mới đi hút thuốc dưới phố về. Trời nắng tưng bừng, hắn vừa nói chuyện được một lúc với cô gái ở cửa hiệu đĩa nhạc đối diện. Robin thả tóc xuống; rõ là hôm nay cô không phải đi phỏng vấn. Suy luận nhỏ nhoi đó, cùng với ánh nắng sau những ngày mưa làm Strike thấy vui vui. Nhưng Robin trông có vẻ căng thẳng. Cô đứng sau bàn, đưa cho hắn tờ giấy màu hồng in chi chít hình mèo con.
“Được rồi, nhưng không chỉ có mỗi chuyện đó,” Robin nói tiếp, rõ là bực mình với thái độ của hắn. “Bên Giải pháp Tạm thời vừa gọi tới.”
“Vậy sao? Họ muốn gì?”
“Họ hỏi tôi có đây không,” Robin đáp. “Rõ là họ nghi ngờ tôi vẫn còn làm ở đây.”
“Rồi cô nói sao?”
“Tôi giả bộ làm người khác.”
“Thật nhanh trí. Cô giả ai vậy?”
“Tôi nói tên tôi là Annabel.”
“Cô biết không, người ta hay nói ra tên bắt đầu bằng chữ A khi bất thình lình phải bịa ra một cái tên.”
“Nhưng nếu họ cho người tới kiểm tra thì sao?”
“Thì sao?”
“Họ sẽ đòi tiền anh, không phải tôi! Họ sẽ bắt anh phải trả phí tuyển dụng!”
Strike mỉm cười trước nỗi lo hết sức thật lòng của Robin về chuyện hắn không có tiền để trả. Hắn đang định nhờ cô gọi điện cho văn phòng của Freddie Bestigui một lần nữa và tìm trên danh bạ số điện thoại bà dì ở Kilburn của Rochelle Onifade. Thay vào đó, hắn nói:
“Thôi được rồi, hôm nay mình sẽ đóng cửa đi ra ngoài vậy. Sáng nay tôi định đi tới Vashti rồi mới đi gặp Bristow. Có khi cô đi cùng tôi thì trông tự nhiên hơn.”
“Vashti? Boutique thời trang?” Robin nói ngay.
“Ừ, có có biết hả?”
Lần này đến lượt Robin mỉm cười. Cô từng đọc về Vashti trong các tạp chí. Với Robin, Vashti là nơi quyến rũ nhất ở London; nơi các biên tập viên thời trang tìm thấy những món đồ tuyệt vời để giới thiệu cho độc giả, toàn những món giá xấp xỉ sáu tháng lương của Robin.
“Tôi có nghe nói,” cô trả lời.
Strike với tay lấy áo khoác của Robin đưa cho cô.
“Mình sẽ giả bộ như cô là em gái Annabel của tôi. Cô sẽ giúp tôi chọn quà cho vợ.”
“Cái ông dọa giết anh đó bị làm sao vậy?” Robin hỏi, lúc hai người đang ngồi trong tàu điện ngầm. “Ông ta là ai?”
Cô đã kiềm chế sự tò mò về Jonny Rokeby và người đẹp tóc đen chạy khỏi văn phòng của Strike hôm đầu tiên cô đến làm, cũng không nhắc gì đến cái giường xếp. Nhưng rõ là cô có quyền hỏi vụ này. Vì chính cô chứ không ai khác mở hết cả ba cái bì thư màu hồng và phải đọc những dòng chữ bạo lực gớm ghiếc viết nguệch ngoạc trên nền đám mèo con đang đùa giỡn đó. Strike thì chẳng bao giờ thèm ngó tới.
“Ông đó là Brian Mathers,” Strike đáp. “Ổng tới gặp tôi hồi tháng Sáu năm ngoái, nghi ngờ là bà vợ đi ngủ nghê lung tung. Ổng muốn tôi theo dõi bà ta, vậy là tôi theo dõi trong một tháng. Bà ta rất bình thường: không xinh không xấu, ăn mặc lôi thôi, tóc uốn xồm xoàm; làm kế toán trong một nhà kho phân phối thảm lót. Ngày thường đi làm bả ngồi chung một văn phòng nhỏ với ba nữ đồng nghiệp khác, thứ Năm thì đi chơi bingo, thứ Sáu thì đi siêu thị Tesco mua đồ ăn cả tuần, còn thứ Bảy thì đi sinh hoạt câu lạc bộ Rotary với ổng.”
“Vậy còn giờ nào mà ngủ nghê lung tung?” Robin hỏi.
Trong tấm cửa sổ đen mờ đục đối diện, bóng của cả hai in trên đó cũng đang nghiêng ngả theo nhịp tàu, nhợt nhạt dưới ánh đèn sáng chói trên đầu. Gương mặt Robin trông cứng tuổi hơn nhưng thoáng vẻ mơ màng, còn Strike trông càng thô ráp và xấu xí hơn nữa.
“Tối thứ Năm.”
“Bà ta làm vậy thật hả?”
“Không, bà ta đúng là chỉ đi chơi bingo với một bà bạn tên là Maggie, nhưng trong suốt bốn ngày thứ Năm tôi theo dõi, bà ta luôn luôn cố tình về nhà trễ. Bà ta lái xe vòng vèo một hồi sau khi tạm biệt bà Maggie. Có hôm bà ta đi vô quán bia, ngồi một mình tuốt trong góc quán, có vẻ khép nép lắm, uống mỗi nước ép cà chua. Hôm khác thì bà ta ngồi trong xe ở cuối đường ngay gần nhà suốt bốn mươi lăm phút rồi mới lái xe về nhà.”
“Vì sao vậy?” Robin hỏi, con tàu rung lắc rầm rầm qua một đường hầm dài.
“Vấn đề là ở chỗ đó còn gì? Để chứng tỏ gì đó? Để ổng phải nghi ngờ? Chọc tức ổng? Trừng phạt ổng? Cố làm thêm chút gia vị vào cuộc hôn nhân tẻ nhạt? Tối thứ Năm nào bà ta cũng ráng về trễ.”
“Ổng rất đa nghi, nên cắn câu ngay. Ổng quay quắt muốn điên luôn. Ổng tin chắc là bà này đi gặp bồ mỗi tuần một lần, được bà bạn Maggie bao che cho. Ổng cũng có tự theo dõi rồi nhưng ổng nghĩ là bà ta biết trước nên hôm nào ổng đi theo thì bà ta chỉ đi chơi bingo thôi.”
“Rồi anh nói sự thật với ổng?”
“Ừ, nói hết. Ổng không tin lời tôi. Ổng rất tức tối, la hét om sòm rằng ai cũng mưu mô hại ổng. Không chịu trả tiền công điều tra luôn.
“Tôi sợ ổng làm gì bà vợ. Sai lầm ở chỗ đó. Vậy là tôi điện cho bà ta và kể là ông chồng trả tiền để tôi theo dõi nhưng tôi biết bà ta không có gì hết. Tôi nói luôn là ông chồng tức gần đứt dây thần kinh rồi. Tôi có khuyên là bà ta nên cẩn thận, đừng khích ổng quá. Bả không nói một tiếng, dập máy luôn.
“Ổng thường xuyên kiểm tra điện thoại của bà vợ. Ổng thấy có số của tôi, vậy là tự rút ra kết luận hiển nhiên.”
“Rằng anh đi kể với bà vợ vụ ổng thuê anh theo dõi?”
“Không, là tôi bị sắc đẹp của bả quyến rũ và trở thành bồ mới của bả.”
Robin lấy tay bịt miệng. Strike cười phá ra.
“Khách của anh toàn dân khùng khùng vậy hả?” Robin hỏi, sau khi bỏ tay xuống.
“Ông đó thì khùng thiệt, nhưng thường họ chỉ bị căng thẳng thôi.”
“Tôi đang nghĩ tới John Bristow,” Robin ngập ngừng nói. “Bà bồ ổng nghĩ là ổng tự lừa dối mình. Còn anh nghĩ là ổng có thể hơi… anh biết rồi đó, phải vậy không?” Cô hỏi. “Lúc anh với ổng ở trong phòng tụi tôi có nghe,” Robin nói thêm, hơi ngượng ngùng. “Ổng có nói gì mà ‘nhà tâm lý học tự phong’ đó.”
“Ra vậy,” Strike đáp. “Có thể… tôi đã đổi ý.”
“Ý anh là sao?” Robin hỏi, đôi mắt xanh xám trong veo mở to. Tàu đột ngột dừng lại; bóng người bên kia cửa sổ liên tục lướt qua, mỗi lúc một rõ nét hơn. “Vậy… ý anh là… có khi ổng nói đúng… là thật sự có người…?”
“Tới nơi rồi.”
Boutique màu trắng nằm ở lô đất đắt đỏ nhất ở London, trên phố Conduit, gần ngay chỗ giao nhau với phố New Bond. Với Strike những ô cửa đầy màu sắc ở đây trưng bày một đống hổ lốn những thứ không hề cần thiết chút nào. Nào là gối đính cườm, nến thơm đựng trong hũ bạc, rồi vải the phủ điệu đàng, áo thụng kaftan lòe loẹt trên người những mannequin không có gương mặt, túi xách tay kềnh càng, vừa xấu xí vừa phô trương… Tất cả được đặt trên một phông nền kiểu pop-art. Một màn tán dương chủ nghĩa tiêu thụ khiến Strike vừa ngứa mắt vừa bực mình. Hắn có thể tưởng tượng ra Tansy Bestigui và Ursula May ở đây, ngó nghiêng nhãn giá với con mắt sành sỏi, lựa túi xách bằng da cá sấu giá hàng ngàn bảng, hí hửng tiêu xài để bù lại những cuộc hôn nhân không tình yêu.
Robin đi bên cạnh, cũng ngắm nghía ô cửa trưng bày nhưng đầu mải nghĩ đâu đâu. Sáng hôm đó cô vừa nhận được lời mời đi làm chỗ mới ngay trước lúc Giải pháp Tạm thời gọi, khi Strike còn đang hút thuốc dưới nhà. Mỗi lần nghĩ đến chuyện phải quyết định nhận lời hay từ chối trong vòng hai ngày tới, Robin lại thấy nhói lòng. Cô thấy như đang cố tự thuyết phục rằng mình rất vui, trong khi thực ra lại vô cùng đau khổ.
Nhưng chắc là cô phải nhận lời thôi. Công việc mới có quá nhiều ưu điểm. Lương đúng y mức mà cô và Matthew mong muốn. Văn phòng tươm tất, vị trí thuận lợi ở phía Tây thành phố. Cô có thể đi ăn trưa với Matthew mỗi ngày. Thị trường lao động hiện giờ rất trì trệ. Đáng ra cô phải mừng mới đúng.
“Vụ phỏng vấn hôm thứ Sáu ổn không?” Strike hỏi, nhíu mắt nhìn một mẫu áo khoác đính kim sa mà hắn thấy xấu kinh hồn.
“Cũng được,” Robin trả lời mơ hồ.
Cô nhớ lại cảm giác phấn khích chỉ vài phút trước đó khi Strike ám chỉ về tên sát thủ. Không biết hắn ta đùa hay thật? Robin để ý thấy hắn đang nhìn chằm chằm vào đám đồ trang trí màu mè, rõ là hắn đang (trong giây lát Robin nhìn hắn với đôi mắt của Matthew và suy nghĩ bằng giọng điệu của Matthew) làm bộ nghiêm trọng. Matthew liên tục bóng gió rằng Strike là một tên bịp bợm. Dường như chồng sắp cưới của Robin nghĩ rằng thám tử tư là một công việc viển vông, hệt như phi hành gia hay chuyên gia huấn luyện sư tử vậy, tức là công việc mà người thường chẳng ai làm cả.
Robin nghĩ nếu cô nhận lời công việc nhân sự này, cô có lẽ không bao giờ biết (trừ khi một ngày kia báo chí đưa tin) cuộc điều tra sẽ đi tới đâu. Chứng minh sự thật, tìm ra lời giải, truy bắt tội phạm, bảo vệ kẻ yếu đuối: toàn là những việc đáng làm, vừa quan trọng vừa thú vị. Robin biết rằng nếu biết cô đang nghĩ vậy, Matthew sẽ cho là cô thật trẻ con và ngây thơ, nhưng cô không sao kiềm lòng được.
Strike đứng quay lưng về phía Vashti, nhìn thứ gì đó bên phía phố New Bond. Robin nhận ra hắn đang dán mắt vào chiếc thùng thư màu đỏ ngay bên ngoài cửa hàng Russell và Bromley, khe bỏ thư hình chữ nhật tối om như đang liếc nhìn lại cả hai người.
“Được rồi, đi vào thôi,” Strike quay về phía cô dặn dò. “Đừng quên cô là em gái tôi và tụi mình đang đi mua quà cho vợ tôi.”
“Nhưng thực ra mình tới đây để làm gì?”
“Tìm hiểu xem Lula Landry và cô bạn Rochelle Onifade làm gì ở đây hôm Landry chết. Hôm đó họ gặp nhau ở đây chỉ mười lăm phút rồi đi về. Tôi cũng không hi vọng gì lắm; đã ba tháng rồi, mà có khi lúc đó cũng chẳng ai để ý. Nhưng mà cứ thử xem sao.”
Tầng trệt của Vashti dành trọn cho áo quần. Một tấm biển chỉ dẫn với mũi tên chỉ lên phía cầu thang gỗ ở trên, dẫn tới một quán café và khu bày các món điểm tô cho “phong cách sống”. Có vài khách hàng nữ đang lựa đồ treo trên giá bằng thép sáng loáng. Họ đều gầy, da rám nắng, tóc dài gọn gàng trông như vừa mới đi sấy gội về. Nhân viên cửa hàng không ai giống ai; áo quần lập dị, tóc tai kỳ khôi. Một người trong số đó mặc cả váy ballet và mang tất lưới đang đứng sắp xếp lại chỗ trưng bày mũ.
Strike ngạc nhiên khi thấy Robin mạnh dạn đi thẳng về phía cô này.
“Chào cô,” Robin vui vẻ nói. “Cửa sổ ở giữa có một cái áo khoác đính kim sa đẹp quá. Tôi thử được không?”
Tóc cô nhân viên trắng xóa, bồng bềnh như kẹo bông, mắt kẻ màu mè và không hề có chân mày.
“Được thôi, không thành vấn đề,” Cô ta trả lời.
Nhưng rõ là cô ta nói dối: lấy cái áo ra khỏi cửa sổ trưng bày là cả một vấn đề. Đầu tiên là phải lấy xuống từ mannequin đang mặc, rồi phải gỡ hết mấy cái thẻ điện tử ra. Mười phút sau cái áo vẫn chưa được đem tới, cô nhân viên đầu tiên phải gọi thêm hai đồng nghiệp đến giúp một tay. Trong khi đó, Robin đi quanh cửa hàng, không nói gì với Strike, lựa ra vài bộ đầm và dây thắt lưng. Tới khi chiếc áo khoác kim sa được mang đến, cả ba nhân viên tham gia tháo gỡ đều tỏ ra hết sức hăng hái nhiệt tình. Cả ba đi theo Robin về phía phòng thay đồ, một người giúp Robin mang hết đám áo cô mới lựa thêm, hai người còn lại khiêng chiếc áo khoác.
Buồng thử đồ có rèm kéo là một khung sắt phủ lụa dày màu kem, trông như một cái lều. Strike tiến lại gần vừa đủ để nghe tiếng người nói bên trong. Hắn thấy tới lúc này đây, hắn mới nhận ra cô thư ký tạm thời tài giỏi tới mức nào.
Robin mang mớ áo quần trị giá cũng phải hơn mười ngàn bảng vào buồng thử đồ, riêng chiếc áo khoác kim sa cũng phải đến năm ngàn. Bình thường cô không có gan làm chuyện này nhưng sáng nay Robin thấy khác hẳn: cô trở nên liều lĩnh và bạo dạn. Cô đang chứng minh một điều gì đó với chính bản thân mình, với Matthew và thậm chí là với cả Strike. Ba nhân viên cửa hàng chộn rộn quanh Robin, thay nhau treo áo và vuốt thẳng mấy nếp gấp trên áo khoác. Robin không hề thấy xấu hổ rằng cô còn không thể mua chiếc thắt lưng rẻ nhất đang vắt trên cánh tay xăm trổ của cô nhân viên tóc đỏ. Cô cũng chẳng ngại gì khi nghĩ đến cả ba nhân viên cửa hàng sau một hồi đua nhau phục vụ sẽ không nhận được một đồng hoa hồng nào cả. Robin còn nhở cả cô nhân viên tóc hồng đi tìm chiếc áo khoác ngắn mạ vàng mà cô này cứ nói là rất hợp với Robin và sẽ rất đẹp nếu mặc chung với chiếc áo đầm xanh lá cây mà Robin đã lựa.
Robin cao hơn cả ba cô nhân viên. Khi cô đổi chiếc áo khoác thắt eo bằng chiếc áo khoác đính kim sa, cả ba cô gái trầm trồ xuýt xoa.
“Tôi phải đi ra cho ông anh xem,” Cô nói với ba người, sau khi soi gương kỹ càng. “Cái này không phải mua cho tôi, mấy cô biết đó, mà mua cho vợ của ảnh.”
Nói rồi Robin đi ra khỏi phỏng thử đồ, ba cô nhân viên vẫn lượn lờ theo sau. Mấy khách hàng giàu có đang lựa đồ bên giá quay lại liếc mắt nhìn Robin. Cô tỉnh bơ hỏi:
“Anh thấy sao?”
Strike phải thừa nhận rằng chiếc áo mà lúc nãy hắn thấy xấu kinh hồn trông khá hơn hẳn khi Robin mặc vào. Cô xoay một vòng, chiếc áo lấp lánh như da rắn.
“Cũng được,” hắn nói, ra vẻ cẩn trọng rất đàn ông. Mấy cô nhân viên mỉm cười lấy lòng. “Ừ, cũng khá xinh. Bao nhiêu vậy?”
“Với anh thì không đáng gì,” Robin nói, tinh nghịch liếc nhìn mấy cô nhân viên. “Chị Sandra sẽ rất thích cái này,” cô quả quyết với Strike. Bất ngờ, hắn nhe răng cười. “Với lại sinh nhật bốn mươi tuổi thì phải thế chứ.”
“Chị ấy có thể mặc kèm với đồ gì cũng được,” cô gái tóc kẹo bông hăm hở nói với Strike. “Áo này dễ phối lắm.”
“OK, tôi sẽ thử tiếp bộ đầm Cavalli,” Robin vui vẻ nói rồi quay lại phòng thử đồ.
“Chị Sandra có dặn tôi phải đi với ảnh,” cô kể với ba cô nhân viên khi họ giúp cô cởi áo khoác và kéo dây khóa chiếc đầm cô vừa chỉ. “Để chắc chắn là ảnh không có mua gì tầm bậy. Anh tôi tặng chỉ đôi bông tai xấu nhất thế giới hồi sinh nhật ba mươi tuổi, giá tiền cắt cổ mà chỉ chưa bao giờ đeo nổi.”
Robin không biết làm sao mình lại bịa ra câu chuyện đó; cô chỉ thấy thật hứng thú. Cởi xong áo len và váy, cô chui vào chiếc đầm ôm sát màu rắn lục. Càng bịa, Robin càng thấy Sandra trở nên thật hơn: một bà chị dâu được cưng chiều quá đâm phát chán, bèn đi than phiền với cô em chồng rằng ông chồng mình (một chuyên viên ngân hàng, mặc dù Robin thấy Strike trông chẳng giống chuyên viên ngân hàng chút nào) là người không hề có mắt thẩm mỹ.
“Vậy là chị dặn tôi dắt ảnh tới Vashti rồi bắt ảnh mở ví ra. Ôi, cái này xinh quá.”
Chiếc đầm còn hơn là xinh nữa. Robin nhìn mình trong gương; cô chưa bao giờ mặc thứ gì đẹp như vậy trong đời. Chiếc đầm màu lục được cắt rất khéo, khiến vòng eo của cô trở nên nhỏ xíu, tạo dáng đường cong uyển chuyển trên cơ thể và làm cho chiếc cổ trắng muốt của cô như dài ra. Robin giờ đây là nữ thần rắn, lấp lánh xiêm y màu xanh. Ba cung nữ đứng quanh thì thầm xuýt xoa ngưỡng mộ.
“Không là gì với ảnh hết,” Robin đáp như không, bước ra khỏi phòng thử đồ để cho Strike xem. Strike đang mân mê mấy chiếc găng tay bày trên bàn tròn.
Bình luận duy nhất của hắn khi thấy chiếc đầm xanh là “Ừa.” Hắn gần như không nhìn cô luôn.
“Để coi, có lẽ Sandra không hợp màu này,” Robin nói, tự dưng thấy ngượng ngùng. Strike đâu phải anh trai hay bồ bịch gì của cô, có lẽ cô đã đẩy trò này đi quá xa… mặc đầm bó sát lượn qua lượn lại trước mặt hắn. Cô quay trở lại phòng thay đồ.
Robin vừa cởi đồ vừa nói:
“Lần cuối cùng Sandra tới đây có thấy Lula Landry ở trên quán café. Sandra có nói là ở ngoài trông Lula rất đẹp. Hơn trong hình nhiều.”
“Ồ vâng, đúng vậy,” cô gái tóc màu hồng đồng ý, tay ôm chiếc áo khoác ngắn mạ vàng trước ngực. “Hồi đó Lula tới đây hoài, tuần nào tụi tôi cũng thấy cổ. Chị muốn thử cái này không?”
“Hôm trước khi Lula chết cổ cũng có tới đây,” cô gái tóc kẹo bông vừa nói vừa giúp Robin mặc chiếc áo khoác vàng. “Ngay trong buồng thay đồ này nè, đúng y chỗ này luôn.”
“Thật vậy hả?” Robin trả lời.
“Cái này không kéo khóa lên hết ngực được, nhưng mở ra vậy trông rất đẹp,” cô tóc đỏ bình luận.
“Không, vậy không được rồi. Sandra to hơn tôi một chút,” Robin nói, không thương tiếc gì bà chị dâu tưởng tượng. “Tôi sẽ thử cái đầm đen kia. Cô mới nói là Lula Landry có tới đây ngay hôm cô ta chết?”
“Đúng vậy,” cô gái tóc hồng trả lời. “Buồn thật, quá buồn luôn. Chị có nghe tiếng cổ nói chuyện, đúng không Mel?”
Cô gái tóc đỏ xăm mình đang cầm một chiếc đầm đen có ren ậm ừ cho qua. Nhìn vẻ cô ta trong gương Robin thấy dường như cô ta không muốn nói ra là đã nghe thấy gì, cho dù cố ý hay vô tình.
“Hôm đó cổ nói chuyện với Duffield, đúng không hả Mel?” cô tóc hồng xởi lởi lại gợi chuyện.
Robin thấy Mel hơi cau mặt. Mặc dù Mel xăm trổ đầy mình, Robin có cảm giác cô ta mới là cấp trên của hai cô kia. Mel có vẻ rất ý thức giữ kín những chuyện sau tấm rèm lụa màu kem, như một yêu cầu công việc, trong khi hai cô gái kia có vẻ thích hóng hớt buôn chuyện, nhất là với một vị khách hàng sẵn lòng tiêu tiền của ông anh trai giàu có.
“Làm sao nghe được gì trong mấy cái lều này…” Robin bình luận, nín thở kéo chiếc đầm đen có đính ren lên, với sự giúp đỡ của cả ba cô nhân viên.
Mel hơi ngẩng lên.
“Nghe được hết. Người ta cứ vô đây rồi muốn gì nói đó. Làm ở đây không muốn nghe cũng không được,” cô trả lời, chỉ tay về phía tấm rèm lụa thô.
Bị bó chặt trong chiếc áo bằng da và ren, Robin thở hắt ra:
“Cứ tưởng Lula Landry phải rất cẩn thận, vì đi đâu cũng có cả đám phóng viên chạy theo.”
“Vâng,” cô gái tóc đỏ nói. “Vậy đó. Thực ra tôi không bao giờ đi nói lại những chuyện nghe ở đây cả, nhưng cũng có người làm vậy.”
Bỏ qua chuyện cô ta rõ ràng đã kể lại với đồng nghiệp, Robin tỏ ra cảm kích trước ý thức hiếm có của cô gái.
“Dù vậy tôi nghĩ cô cũng nên nói lại với cảnh sát nhỉ? Robin nói, kéo thẳng vạt áo, chuẩn bị cho đoạn kéo dây khóa.
“Cảnh sát chưa bao giờ tới đây,” cô gái tóc kẹo bông nói, có ý tiếc rẻ. “Tôi có nói là Mel nên đi gặp họ và kể lại hết nhưng chị ấy không muốn vậy.”
“Đâu có chuyện gì ghê gớm,” Mel nhanh chóng đáp. “Cũng sẽ không thay đổi được gì. Rõ ràng anh ta không có ở đó còn gì? Người ta có chứng cứ cả rồi.”
Strike tiến về chiếc rèm lụa ở mức gần nhất có thể mà không làm mấy vị khách khác hay đám nhân viên còn lại nghi ngờ.
Bên trong buồng thử đồ, cô gái tóc hồng đang cố kéo khóa áo lên. Lồng ngực Robin từ từ được ép vào một chiếc corset khung xương may chìm trong áo. Strike hơi ái ngại khi nghe tiếng Robin hỏi, nghèn nghẹn vì khó thở.
“Ý cô là Evan Duffield không có ở nhà của Lula khi cô ta chết?”
“Vâng,” Mel trả lời. “Nên chuyện Lula nói gì với anh ta trước đó đâu có quan trọng phải không? Anh ta không có ở đó kia mà.”
Cả bốn người cùng nhìn vào Robin trong gương.
“Tôi không nghĩ…,” Robin nói, nhìn hai phần ba bầu ngực bị ép phẳng dưới mặt vải cứng, trong khi phần còn lại ở phía trên đổ dồn ra cổ áo, “chị Sandra sẽ mặc vừa bộ này. Nhưng cô không thấy là,” Robin nói tiếp, thở dễ hơn một chút vì cô gái tóc kẹo bông vừa kéo dây khóa áo xuống, “cô nên kể lại với cảnh sát là Lula đã nói gì, rồi để họ xem có quan trọng hay không?”
“Tôi đã nói vậy rồi mà, đúng không hả Mel?” Cô gái tóc hồng lên tiếng. “Tôi cũng khuyên vậy còn gì.”
Mel lập tức tự vệ.
“Nhưng anh ta không có ở đó! Anh ta không hề tới nhà Lula! Anh ta chắc hẳn đã nói là bận gì đó, không muốn tới nhà cổ, vì cổ cứ nói là ‘Vậy thì tới sau cũng được, em sẽ đợi, không sao cả. Đằng nào chắc đến một giờ em mới về nhà. Tới đi mà, đi mà.’ Cứ như là nài nỉ anh ta vậy. Với nữa, lúc đó có bạn cổ ngay trong phòng thử đồ. Cô bạn đó cũng nghe hết; nên chắc có kể lại với cảnh sát rồi còn gì?”
Robin thử chiếc áo khoác lấp lánh một lần nữa để có cớ nán lại. Cô xoay người trước gương, nói như vừa nghĩ ra thêm điều gì:
“Có đúng là Lula nói chuyện điện thoại với Duffield không?”
“Tất nhiên rồi,” Mel nói, như thể Robin vừa chê cô ta không được thông minh lắm. “Không lẽ Lula còn muốn gặp ai khác lúc khuya như vậy? Lula có vẻ rất tha thiết.”
“Trời ơi, đôi mắt của ảnh,” cô gái tóc kẹo bông xen vào. “Duffield mới tuyệt vời làm sao. Lại nói chuyện rất có duyên nữa. Anh ấy có đến đây một lần với Lula. Trời ơi là sexy!”
Mười phút sau, Robin đã kịp thử thêm hai bộ nữa cho Strike ngắm. Hai người đồng ý trước mặt mấy cô nhân viên rằng chiếc áo khoác đính kim sa có lẽ là ổn nhất. Hai người nhất trí (mấy cô nhân viên cũng đồng ý) rằng ngày mai Robin sẽ dẫn Sandra đến xem trước khi quyết định mua. Strike ký tên Andrew Atkinson để giữ chỗ mua chiếc áo trị giá năm ngàn bảng, viết thêm một số điện thoại vừa bịa ra. Hai người chào tạm biệt mấy cô nhân viên rối rít niềm nở rồi ra về, cứ như thể vừa tiêu một đống tiền ở đó xong.
Họ đi bộ hơn bốn mươi mét trong im lặng, Strike châm lửa đốt một điếu thuốc, rồi nói:
“Thật xuất sắc.”
Robin đỏ mặt tự hào.
5
Strike và Robin chia tay ở ga New Bond Street. Robin lên tàu về lại văn phòng để gọi điện cho hãng BestFilms và tìm địa chỉ bà cô của Rochelle Onifade trong danh bạ trên mạng, cùng lúc cố tránh mặt Giải pháp Tạm thời (“Cứ khóa quách cửa lại”, Strike khuyên cô).
Strike mua một tờ báo rồi lên tàu tới Knightsbridge. Sau đó vì vẫn còn khá nhiều thời gian, hắn đi bộ đến nhà hàng Serpentine, nơi Bristow hẹn gặp ăn trưa.
Hắn đi qua công viên Hyde Park, dọc theo những lối đi bộ rợp bóng mát và cắt ngang con đường đất Rotten Row dành cho người đi ngựa. Hắn đã kịp ghi lại phần lời khai của cô gái tên Mel trên tàu điện. Giờ đây trong khung cảnh xanh tươi ngập nắng, tự dưng hắn lại nghĩ đến hình ảnh Robin mặc đầm xanh ôm sát lúc nãy.
Phản ứng của hắn làm cô hơi hẫng, hắn có biết điều đó; nhưng trong khoảnh khắc đó tự dưng hắn cảm thấy một sự gần gũi kỳ lạ, một sự thân mật mà hắn không hề muốn lúc này, đặc biệt là đối với Robin, mặc cho cô có thông minh, chuyên nghiệp và chu đáo đến đâu nữa. Hắn thích làm việc cùng cô và rất cảm kích chuyện cô tôn trọng sự riêng tư của hắn, không hề tò mò. Có trời mới biết, Strike vừa nghĩ vừa né một chiếc xe đạp vừa băng qua, hắn hiếm khi gặp người có tính cách như vậy trong đời, phụ nữ càng hiếm. Nhưng hắn thích sự có mặt của cô lúc này một phần cũng vì hắn sắp tạm biệt cô. Việc Robin sẽ sớm rời văn phòng cũng như chiếc nhẫn đính hôn trên tay cô vậy – chúng tạo ra một thứ ranh giới yên vui. Hắn thích Robin; hắn rất biết ơn cô, thậm chí (sau buổi sáng hôm nay) hắn còn rất ấn tượng với cô. Nhưng hắn vẫn còn thị giác bình thường và ham muốn chưa hề suy giảm, cứ mỗi ngày nhìn Robin cúi người trên màn hình máy tính là hắn lại được nhắc nhở rằng cô rất gợi cảm. Không hẳn là đẹp, không như Charlotte; nhưng vẫn hết sức hấp dẫn. Sự thật đó đập ngay vào mắt hắn khi Robin bước ra khỏi buồng thử đồ trong bộ đầm bó sát màu xanh, làm hắn ngay lập tức phải nhìn ra chỗ khác. Hắn nghĩ cô không cố ý khiêu khích gì, nhưng hắn cũng rất thực tế. Hắn hiểu rõ sự thăng bằng mong manh ở thời điểm hiện tại, hắn phải hết sức cẩn thận, nếu không muốn lại trượt chân. Robin là người duy nhất thường xuyên nói chuyện với hắn lúc này. Hắn không thể chủ quan về sức đề kháng của mình. Hắn còn đoán được, từ mấy lần cô tỏ ra né tránh hay do dự, rằng vị hôn phu của Robin không ưa gì chuyện cô thôi cộng tác với trung tâm môi giới để đi làm tạm bợ cho hắn. Tốt nhất là nên kiềm lại tình bạn đang nảy nở giữa hai người; đặc biệt là không nên ngây mặt ra mỗi khi hắn thấy cô mặc chiếc áo len bó.
Strike chưa bao giờ đến Serpentine. Nhà hàng này nằm trên mặt hồ, nơi người ta tới bơi thuyền. Một tòa nhà ấn tượng, trông như một kiểu chùa chiền viễn tưởng, khác xa với những gì Strike từng thấy. Mái nhà dày nặng, màu trắng, tựa như một cuốn sách khổng lồ đang mở và đặt úp xuống, bên dưới đỡ bằng những khung cửa kính xếp theo hình zigzag. Một cây liễu rủ khổng lồ phủ bóng bên cạnh nhà hàng, cành lá quét xuống mặt nước.
Mặc dù trời dịu mát, gió nhè nhẹ, khung cảnh quanh hồ vẫn rực rỡ dưới ánh nắng. Strike chọn một bàn ở ngoài trời sát mép nước, gọi một vại Doom Bar và đọc báo.
Mười phút sau giờ hẹn mà Bristow vẫn chưa tới. Nhưng một người đàn ông cao lớn, mặc complet đắt tiền, tóc hung đỏ dừng lại bên cạnh bàn của Strike.
“Anh Strike?”
Ông này khoảng gần sáu mươi tuổi, hàm bạnh, xương gò má cao, trông giống một diễn viên suýt có cơ nổi tiếng chuyên đóng các vai doanh nhân giàu có trong phim bộ. Với trí nhớ hình ảnh đã được tôi luyện, Strike ngay lập tức nhận ra ông ta từ những tấm ảnh mà Robin tìm thấy trên mạng. Chính là người đàn ông cao lớn trông như đang khinh khỉnh mọi thứ xung quanh trong đám tang của Lula Landry.
“Tony Landry. Cậu của John và Lula. Tôi ngồi đây được không?”
Nụ cười của ông ta có lẽ là ví dụ hoàn hảo nhất của một cái nhăn mặt xã giao giả dối mà Strike từng thấy; chỉ vừa kịp để lộ hàm răng trắng trong giây lát. Landry cởi áo khoác, phủ lên lưng ghế đối diện với Strike rồi ngồi xuống.
“John bận việc ở văn phòng,” ông ta nói. Gió làm tóc ông ta xộc xệch, lộ ra chỗ hói tóc hai bên thái dương. “Nó có nhờ Alison gọi báo anh biết. Tôi tình cờ đi ngang qua nghe được, nên tôi muốn tới đây nói trực tiếp luôn. Cũng là có dịp gặp riêng anh. Tôi vẫn đang chờ anh liên lạc; tôi biết là anh đang dần dần gặp hết những người có liên quan tới cháu gái tôi.”
Ông ta rút từ trong túi áo vét ra một cặp kính gọng thép, đeo vào và đọc tờ thực đơn. Strike uống bia, chờ đợi.
“Tôi nghe nói anh đã nói chuyện với bà Bestigui?” Landry hỏi, đặt tờ thực đơn xuống, mở mắt kính ra và bỏ vào túi trở lại.
“Đúng vậy,” Strike đáp.
“Được rồi. Tansy chắc chắn là có ý tốt, nhưng cô ta đang phí công vô ích khi lặp lại một câu chuyện mà cảnh sát đã chứng minh dứt khoát là không thể có thật. Không ích lợi gì cả,” Landry lặp lại, ra vẻ kẻ cả. “Tôi cũng nói vậy với John rồi. Nó phải ưu tiên hàng đầu lợi ích của thân chủ và những gì tốt nhất cho cô ta.”
“Tôi dùng món giò muối nấu đông,” ông ta nói với cô phục vụ bàn vừa đi ngang qua, “và nước lọc. Loại đóng chai. Thôi thì,” ông ta tiếp tục câu chuyện với Strike, “tốt nhất là cứ nói thẳng nhé, anh Strike.
“Vì nhiều lý do thiện ý, tôi không ủng hộ chuyện đào bới những chuyện quanh cái chết của Lula. Tôi cũng không mong anh đồng ý với tôi. Anh kiếm tiền bằng cách đào xới bi kịch gia đình của người khác mà.”
Ông ta lại nhếch mép lần nữa, trông vẫn hung hăng chứ chẳng vui vẻ gì.
“Không phải là tôi tuyệt đối không thông cảm với anh. Ai cũng phải kiếm sống, và chắc hẳn nhiều người nói rằng nghề của tôi cũng ăn bám không kém gì nghề của anh. Mặc dù vậy, sẽ có lợi cho cả hai chúng ta nếu hôm nay tôi nói rõ một số chuyện mà tôi nghĩ là John đã không kể với anh.”
“Trước khi ông bắt đầu,” Strike đáp, “cho tôi hỏi John bận gì vậy? Nếu anh ấy không đến được thì tôi sẽ sắp xếp một cuộc hẹn khác; chiều hôm nay tôi phải đi gặp vài người. John vẫn còn vương vụ Conway Oates à?”
Hắn chỉ biết rằng Conway Oates là một nhà tài phiệt người Mỹ, theo như lời Ursula. Nhưng tên tuổi của vị khách hàng quả có tác dụng như hắn muốn. Thái độ trịch thượng, luôn muốn làm chủ tình huống và vẻ tự tin của kẻ bề trên biến sạch. Landry giờ giận dữ và sốc.
“John không… chẳng lẽ nó lại có thể…? Chuyện đó tuyệt mật trong công ty!”
“Không phải John,” Strike đáp. “Bà Ursula May có nhắc đến chút trục trặc quanh vụ đất đai của ông Oates.”
Landry hắng giọng, lắp bắp. “Tôi rất ngạc nhiên… Tôi không nghĩ Ursula… bà May lại…”
“Vậy hôm nay John có tới không? Hay ông đã kịp giao cho anh ấy việc gì làm trong suốt buổi trưa?”
Hắn thích thú nhìn Landry vật lộn với cơn nóng giận, cố gắng kiềm chế bản thân và làm chủ tình hình.
“John sẽ tới sau,” cuối cùng ông ta nói. “Tôi hi vọng, như tôi đã nói, sẽ làm rõ được một số chuyện riêng với anh.”
“Được rồi, như vậy thì tôi cần dùng mấy thứ này,” Strike đáp, rút từ trong túi ra cuốn sổ và cây viết.
Landry cũng hốt hoảng như Tansy khi nhìn thấy những vật đó.
“Không cần ghi chép gì cả,” ông ta nói. “Những việc tôi sắp nói đây không liên quan gì… hoặc ít ra, không liên quan trực tiếp gì… đến cái chết của Lula. Tức là,” ông ta giải thích cặn kẽ, “sẽ không thay đổi gì kết luận tự tử cả.”
“Sao cũng được,” Strike đáp. “Tôi cần phải ghi lại kẻo quên.”
Landry trông như sắp phản đối nữa, nhưng rồi đổi ý.
“Được rồi. Đầu tiên anh phải hiểu là cháu trai của tôi John bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cái chết của em gái nó.”
“Cũng dễ hiểu mà,” Strike bình luận, nghiêng cuốn sổ để ông luật sư không thể đọc được, rồi viết mấy chữ ảnh hưởng sâu sắc, chỉ để chọc tức ông ta.
“Vâng, dễ hiểu. Tôi không định nói là người làm thám tử tư như anh nên từ chối một thân chủ chỉ vì người ta bị căng thẳng, hay trầm cảm… vì như tôi đã nói, ai cũng phải kiếm sống… nhưng trong trường hợp này…”
“Ông nghĩ John tưởng tượng ra hết?”
“Tôi không định nói như vậy, nhưng nói vậy cũng chẳng sai. John phải chịu quá nhiều đau khổ trong đời hơn nhiều người khác. Có lẽ anh không biết chuyện nó từng mất đi một đứa em trai…”
“Tôi có biết. Charlie là bạn học cũ của tôi. Vì vậy mà John thuê tôi.”
“Chỉ một thời gian thôi. Trước khi mẹ tôi nhớ ra là không có đủ tiền trả học phí.”
“Tôi hiểu rồi. Tôi không biết chuyện đó. Nhưng dù vậy có lẽ anh cũng không biết hết được… John luôn là đứa… nói như từ của chị tôi là… dễ bị kích động. Bố mẹ nó phải thuê cả bác sĩ tâm lý sau khi Charlie chết, anh biết đó. Tôi không phải là chuyên gia tâm thần gì, nhưng tôi thấy cái chết của Lula như là một cú đẩy cuối cùng…”
“Nói vậy hơi kỳ, nhưng tôi hiểu ý ông,” Strike đáp, viết vào sổ Bristow chập mạch. “Nói chính xác thì John bị đẩy cú cuối cùng này ra làm sao?”
“Nhiều người cho rằng vụ điều tra của anh vừa vô lý vừa vô ích,” Landry đáp.
Strike vẫn giữ cây viết ngay trên cuốn sổ. Hàm của Landry cử động như đang nhai gì đó, rồi ông ta dứt khoát nói ra:
“Lula là một đứa bị rối loạn lưỡng cực, cãi nhau với thằng bồ không ra gì xong thì nhảy lầu tự tử. Không có gì bí hiểm hết. Một chuyện vô cùng tệ hại với cả gia đình tôi, đặc biệt là người mẹ tội nghiệp của nó, nhưng chẳng có gì hay ho cả. Tôi buộc phải kết luận rằng John đang bị suy sụp, và nếu anh không ngại tôi nói thẳng thì…”
“Ông cứ nói.”
“…sự tham gia của anh chỉ kéo dài chuyện nó không thể chấp nhận sự thật.”
“Là Lula tự tử?”
“Đó cũng là kết luận chung của cảnh sát, chuyên gia y tế và điều tra viên. John lại quyết tâm đi chứng minh có án mạng, để làm gì tôi hoàn toàn không biết. Tôi không hiểu nổi làm vậy thì sẽ có lợi cho ai.”
“Những người trầm cảm thường hay thấy tội lỗi. Họ hay nghĩ rằng đáng ra họ có thể làm điều gì đó để cứu vãn tình thế. Tất nhiên nghĩ vậy rất vô lý. Nhưng kết luận có án mạng sẽ làm cả gia đình thấy nhẹ lòng hơn, so với kết luận tự tử, không phải vậy sao?”
“Không ai trong gia đình tôi phải hối tiếc chuyện gì cả,” Landry nói, giọng đanh thép. “Lula được chăm sóc y tế ở mức tốt nhất, từ khi vừa mới phát bệnh. Nó muốn gì cha mẹ nuôi đều chu cấp. Nó đúng nghĩa là được chiều quá hóa hư. Mẹ nó sẵn sàng chết vì nó, mặc dù bà chẳng được đền đáp lại gì cả.”
“Ý ông là Lula vô ơn?”
“Cần quái gì phải ghi lại chỗ đó. Hay anh định bán lại cho đám báo chí giẻ rách?”
Strike nhận thấy Landry đã hoàn toàn vứt bỏ vẻ khôn khéo ban đầu khi mới đến. Cô bồi bàn mang thức ăn đến. Ông ta không hề cảm ơn, chỉ trừng mắt nhìn Strike cho tới khi cô ta đi khỏi. Rồi ông ta nói:
“Anh đang bới móc vào những chỗ không nên bới, chỉ có làm hại người khác thôi. Nói thẳng là tôi quá choáng, khi tôi biết John đang bày trò gì. Quá choáng.”
“John chưa bao giờ nói với ông chuyện anh ta nghi ngờ kết luận tự tử à?”
“Nó rất sốc, đương nhiên rồi, cả nhà tôi ai chẳng thế, nhưng tôi nhớ rõ là nó không nói gì đến án mạng cả.”
“Ông có thân với John không, ông Landry?”
“Chuyện đó thì liên quan gì?”
“Giúp lý giải vì sao John không nói với ông.”
“John với tôi có quan hệ công việc hoàn toàn hòa thuận.”
““Quan hệ công việc”?”
“Đúng vậy, anh Strike. Chúng tôi là đồng nghiệp. Chúng tôi có cặp kè như hình với bóng ngoài giờ làm không? Không có. Nhưng cả tôi và John đều đang chăm sóc chị gái tôi – phu nhân Bristow, cũng là mẹ của John, hiện giờ đang bệnh rất nặng. Ngoài công việc chúng tôi chỉ nói chuyện bà ấy.”
“Tôi thấy John rất hiếu thảo.”
“Nó chỉ còn mỗi bà mẹ mà, giờ tới lượt bà ấy sắp qua đời, tình hình tâm thần của nó cũng chẳng làm sao khá hơn được.”
“John đâu chỉ có mỗi phu nhân Bristow. Còn có cả Alison nữa, đúng không?”
“Tôi không biết vụ đó nghiêm túc tới đâu.”
“Có lẽ một trong những mục đích của John khi thuê tôi là tìm ra sự thật, cho mẹ anh ấy an lòng nhắm mắt?”
“Sự thật sẽ không giúp gì được cho chị tôi cả. Không ai thích thú chuyện mình phải trả giá cho quá khứ.”
Strike không hỏi gì. Đúng y như hắn đoán, ông luật sư không kiềm được, tiếp tục giải thích ngay:
“Yvette thích làm mẹ một cách kỳ cục. Chị ấy rất mê trẻ con.” Ông ta nói như thể đó là một điều gì kỳ khôi, bệnh hoạn. “Giả mà kiếm được ông chồng đủ sức chắn hẳn chị ấy cũng không biết xấu hổ mà đẻ sòn sòn cả hai chục đứa con đấy. Lạy trời Alec bị vô sinh… John nói chuyện đó chưa?”
“Anh ấy có nói Ngài Alec Bristow không phải là cha đẻ, nếu ý ông là vậy.”
Vừa mới thất vọng vì không phải là người đầu tiên nói ra cái tin đó, Landry chộp ngay lấy cơ hội thứ hai.
“Yvette và Alec nhận nuôi hai đứa con trai, nhưng lại không hề biết dạy dỗ chúng. Nói toạc ra, chị ấy là một bà mẹ tồi tệ. Không kiểm soát, không kỷ luật; chiều chuộng tuyệt đối và không bao giờ nhìn thẳng vào sự thật. Tôi không có ý đổ lỗi hết cho Yvette… ai biết dòng giống chúng thế nào… nhưng John là một đứa rên rỉ, hay làm quá và lúc nào cũng bám mẹ nhằng nhẵng. Còn Charlie vô cùng nghịch ngợm… kết quả là…”
Landry đột ngột dừng lại, má ông ta lốm đốm đỏ.
“Kết quả là rớt xuống mỏ đá?” Strike gợi ý.
Hắn nói vậy để xem Landry phản ứng ra sao. Hắn không phải thất vọng. Vẻ mặt ông ta làm hắn nghĩ đến một đường hầm thu nhỏ dần, một cánh cửa xa xôi đóng sầm lại: chấm dứt hoàn toàn.
“Nói thẳng ra là vậy. Làm gì thì cũng đã quá muộn. Yvette la hét bấu víu vào Alec, ngất xỉu ngay trên sàn nhà. Nếu chị ấy biết trị nó một chút thôi, thằng nhỏ đã không cố ý cãi lời. Tôi có mặt lúc đó.” Landry nói, lạnh lùng. “Cuối tuần đó tôi có đi thăm anh chị. Hôm đó là ngày Chủ nhật Lễ Phục Sinh. Tôi đi bộ ra ngoài làng, khi trở về thì thấy cả nhà đang đi tìm nó. Tôi chạy thẳng ra mỏ đá. Tôi biết quá rồi, anh hiểu không. Thằng bé đã bị cấm tới mỏ đá… nên đương nhiên là nó ở đó.”
“Ông tìm thấy Charlie đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Cảnh tượng đó hẳn là vô cùng đau đớn.”
“Vâng.” Landry nói, hầu như không mở miệng. “Đúng thế.”
“Và sau khi Charlie chết thì chị gái ông và Ngài Alec nhận nuôi Lula?”
“Đó cũng chính là việc ngu ngốc nhất mà Alec Bristow từng đồng ý làm,” Landry nói. “Yvette rõ ràng là một bà mẹ tồi; làm sao mà khá hơn được khi đang đau khổ vì mất con? Tất nhiên chị ấy lúc nào cũng muốn có một đứa con gái, để tha hồ mặc đồ màu hồng cho nó. Còn Alec thì nghĩ rằng có đứa con gái sẽ khiến chị ấy vui. Yvette muốn gì ông ta cũng chiều hết. Ông ta mụ cả người khi Yvette đến làm thư ký ở công ty, ông ta đúng kiểu dân phía Đông thành phố, rất là thô. Còn Yvette thì lúc nào cũng thích người hơi thô tháp một chút như vậy.”
Strike tự hỏi thật ra khúc mắc trong lòng ông Landry là gì.
“Ông không thân với chị gái lắm à, ông Landry?” Strike hỏi.
“Chúng tôi hoàn toàn hòa thuận; chỉ có điều tôi không mù quáng trước con người của Yvette, anh Strike à, những đau khổ của chị ấy cũng không phải tự dưng mà có.”
“Sau khi Charlie chết chắc họ khó xin con nuôi lắm?” Strike hỏi.
“Rất khó, nếu Alec không phải là triệu phú,” Landry cười nhạt. “Tôi biết nhà chức trách có đặt vấn đề về sức khỏe tâm thần của Yvette, vả lại cả hai lúc đó đều đã lớn tuổi. Đáng tiếc là họ không từ chối thẳng thừng. Nhưng Alec chạy chuyện gì cũng lọt, lại quen biết nhiều chỗ lạ đời từ hồi còn chạy chợ kia. Tôi không biết chi tiết, nhưng chắc chắn là phải có bôi trơn. Nhưng cũng không xin được một đứa da trắng. Ông ấy lại mang về nhà một đứa trẻ con không rõ gốc gác, để bà vợ trầm cảm, hay bị kích động và không hề biết suy xét nuôi dạy. Tôi chẳng ngạc nhiên gì với những chuyện sau đó. Lula vừa yếu đuối như John lại vừa hoang dại như Charlie, và Yvette thì vẫn không biết phải trị nó ra sao.”
Vừa hí hoáy viết để chọc tức Landry, Strike vừa nghĩ không biết liệu niềm tin vào chủng tộc của ông ta có liên quan gì đến chuyện Bristow bị ám ảnh về những người bà con da đen của Lula. Hẳn là Bristow từng tiếp xúc với quan điểm của ông cậu qua nhiều năm. Trẻ con hấp thụ cách nhìn của người thân ở mức sâu sắc, khó xoay chuyển. Bản thân Strike, thẳm sâu trong tâm trí, trước cả khi người ta nói với hắn, đã biết rằng mẹ hắn không như những người mẹ khác, rằng (nếu hắn tin vào những thứ quy ước ngầm chi phối thế giới người lớn) mẹ hắn đã làm chuyện gì đó rất đáng xấu hổ.
“Ông có gặp Lula hôm cô ta chết, đúng không?” Strike hỏi.
Lông mi của Landry nhợt nhạt, trông gần như trắng.
“Xin lỗi?”
“Vâng…” Strike cố ý lật lại mấy trang giấy, dừng ngay ở một trang trống không. “…ông có gặp cô ấy ở nhà chị của ông, đúng không? Lúc Lula ghé thăm phu nhân Bristow?”
“Ai nói với anh như vậy? John à?”
“Có hết trong hồ sơ cảnh sát. Không đúng vậy sao?”
“Đúng vậy, nhưng tôi không hiểu việc đó thì liên quan gì đến những việc tôi đang nói.”
“Xin lỗi, lúc mới đến ông có nói rằng ông đang đợi tôi liên lạc. Vậy nên tôi cứ tưởng ông sẽ đồng ý trả lời vài câu hỏi.”
Thái độ của Landry như một người vừa bất ngờ bị chọc tức.
“Tôi không có gì để thêm vào lời khai bên cảnh sát cả,” cuối cùng ông ta lên tiếng.
“Tức là,” Strike nói, tiếp tục lật cuốn sổ trống trơn, “ông có ghé qua thăm chị buổi sáng hôm đó, có gặp Lula, rồi lái xe xuống Oxford dự hội nghị luật gia đình?”
Landry lại nghiến hàm.
“Đúng vậy,” ông ta đáp.
“Ông tới nhà phu nhân Bristow lúc mấy giờ?”
“Chắc khoảng mười giờ,” Landry đáp, sau khi im lặng vài giây.
“Rồi ông ở lại đó bao lâu?”
“Chừng khoảng nửa tiếng. Có thể lâu hơn một chút. Tôi không nhớ.”
“Rồi ông lái xe thẳng từ đó tới Oxford?”
Đằng sau vai Landry, Strike trông thấy John Bristow đang hỏi một cô phục vụ; trông ông ta hơi nhếch nhác, thở không ra hơi, như vừa chạy đến. Ông ta cầm theo một cái túi da hình chữ nhật. Ông ta nhìn quanh, vẫn còn thở hổn hển, và khi nhìn thấy Landry từ đằng sau, Strike thấy ông ta thật sự hoảng sợ.
6
“John,” Strike lên tiếng, lúc vị thân chủ của hắn xuất hiện.
“Chào anh Cormoran.”
Landry không nhìn ông cháu trai, cầm nĩa và dao lên xắn miếng thịt đông đầu tiên. Strike đứng dậy, xích ra một chút để Bristow có thể ngồi xuống đối diện ông cậu.
“Anh đã nói chuyện với Reuben chưa?” Landry lạnh lùng hỏi Bristow, sau khi nuốt xong miếng thịt đông.
“Rồi. Cháu có nói là chiều nay sẽ qua đó giải thích hết mấy chỗ tiền đặt cọc và bản vẽ.”
“Nãy giờ tôi hỏi cậu của anh về buổi sáng trước khi Lula chết. Lúc ông Landry đây ghé thăm mẹ anh.” Strike nói.
Bristow liếc nhìn Landry.
“Tôi muốn biết cụ thể khi đó ai nói gì làm gì,” Strike nói tiếp, “vì theo như lời tài xế đón Lula sau đó, cô ấy có vẻ rất đau khổ.”
“Đương nhiên là nó đau khổ rồi,” Landry lên tiếng cắt ngang. “Mẹ nó bị ung thư.”
“Tôi tưởng phẩu thuật là để chữa cho hết?”
“Yvette phải cắt hết tử cung. Rất là đau đớn. Chắc hẳn Lula rất đau khổ khi nhìn thấy mẹ như vậy.”
“Hôm đó ông có nói chuyện gì nhiều với cô ấy không?”
Ông Landry ngập ngừng trong tích tắc.
“Chỉ hỏi thăm thôi.”
“Còn hai người có nói chuyện với nhau không?”
Bristow và Landry không nhìn nhau. Một vài giây sau, Bristow lên tiếng:
“Tôi đang làm việc trong thư phòng. Tôi nghe tiếng Tony bước vào, có nghe cậu nói chuyện với mẹ và Lula.”
“Ông không ghé vào thư phòng chào anh John à?” Hắn quay sang hỏi Landry.
Landry nhìn Strike, cặp mắt nhạt màu hơi long lên giữa hai hàng lông mi trắng.
“Anh Strike, thực ra không ai ở đây có nghĩa vụ trả lời anh cả,” Landry đáp.
“Đương nhiên là không,” Strike đồng ý, hí hoáy viết thêm mấy dòng không rõ ràng trong sổ. Bristow nhìn ông cậu. Landry có vẻ nghĩ lại.
“Tôi nhìn qua cửa thư phòng thì thấy John đang tập trung làm việc, nên tôi không muốn quấy rầy nó. Tôi ngồi xuống với Yvette một lúc nhưng chị còn rất mệt sau khi dùng thuốc giảm đau, nên tôi ra về, để Lula ngồi với chị. Tôi biết,” Landry đáp, giọng hơi ai oán, “Yvette thích Lula ở bên hơn bất kỳ ai.”
“Danh sách cuộc gọi của Lula cho thấy cô ấy gọi vào máy di động của ông liên tục sau khi ra khỏi nhà phu nhân Bristow.”
Landry giật mình.
“Ông có nói chuyện với cô ấy trên điện thoại không?”
“Không. Hôm đó tôi tắt chuông, tôi bị trễ giờ.”
“Tắt chuông thì máy vẫn rung chứ?”
Hắn tự hỏi phải như thế nào đây thì Landry mới chịu rời đi. Hắn thấy ông ta sắp chịu hết nổi rồi.
“Tôi có liếc qua điện thoại, thấy Lula gọi nhưng quyết định cứ để đó đã,” Ông ta nói ngay sau đó.
“Ông không gọi lại cho cô ấy à?”
“Không.”
“Cô ấy không để lại lời nhắn gì à, để giải thích vì sao lại gọi?”
“Không.”
“Vậy thì kỳ lạ quá nhỉ? Ông vừa gặp cô ấy ở nhà mẹ, hai người không nói chuyện gì quan trong, vậy mà nguyên buổi chiều hôm đó cô ấy liên tục gọi cho ông. Không lẽ cô ấy không có chuyện gì khẩn cấp cần nói? Hay muốn tiếp tục câu chuyện với ông ở nhà mẹ chẳng hạn?”
“Lula là loại con gái có thể gọi cho người khác liên tục ba mươi lần chỉ với một cái cớ nhỏ nhất. Nó rất được cưng chiều. Nó cứ nghĩ người ta nghe tên nó là phải nhao hết cả lên.”
Strike liếc về phía Bristow.
“Nó… đôi khi… hơi bị như vậy,” ông anh Lula lẩm bẩm.
“Anh nghĩ em gái anh hôm đó buồn, hoàn toàn chỉ vì mẹ mới mổ xong còn yếu à?” Strike hỏi Bristow. “Tài xế riêng của Lula, Kieran Kolovas-Jones lại khăng khăng rằng sau khi ra khỏi nhà phu nhân Bristow, tâm trạng cô ấy thay đổi hoàn toàn.”
Trước khi Bristow kịp trả lời, Landry bỏ thức ăn lại, đứng dậy và mặc áo khoát.
“Kolovas-Jones có phải là thằng nhóc da màu trông hơi lạ lạ đó không?” Ông ta hỏi, nhìn cả Strike và Bristow. “Cái thằng hay nhờ Lula xin việc người mẫu và đóng phim phải không?”
“Đúng là anh ta có đóng phim.” Strike đáp.
“Được rồi. Hôm đó sinh nhật Yvette – sinh nhật cuối cùng trước khi bệnh tái phát, xe của tôi bị hư. Lula và thằng đó đến đón tôi đi ăn sinh nhật. Gần hết cả chuyến đi, Kolovas-Jones cứ nhằng nhẵng nhờ Lula đánh tiếng với Freddie Bestigui để xin cho nó thử vai. Đúng là thứ được đằng chân… Lại còn suồng sã. Đương nhiên,” ông ta nói thêm, “tôi càng ít biết về đời tư tình cảm của cô cháu nuôi thì càng tốt.”
Landry vứt một tờ mười bảng xuống bàn.
“Liệu về văn phòng sớm đấy, John.”
Ông ta chưa đi, rõ là đang đợi Bristow trả lời. Nhưng Bristow không chú ý. Anh ta mở to mắt nhìn chằm chằm vào bức hình trên trang báo Strike đọc dở khi Landry xuất hiện. Trang báo có hình một người lính da đen còn trẻ mặc đồng phục Tiểu đoàn 2, Trung đoàn lính hỏa mai Hoàng gia.
“Gì ạ? Vâng. Cháu sẽ về ngay,” ông ta trả lời ông cậu đang lạnh lùng nhìn chằm chằm, vẫn chưa định thần. “Xin lỗi,” Bristow quay sang nói với Strike, khi Landry vừa đi khỏi. “Là Wilson… Derrick Wilson, anh biết đó, người bảo vệ… ông ấy cũng có một đứa cháu đang ở Afghanistan. Tôi cứ tưởng… lạy Chúa… nhưng mà không phải nó. Tên khác. Cuộc chiến tranh này thật là tồi tệ. Có đáng phí mạng người như vậy không?”
Strike nghiêng người, sức nặng cơ thể nhấc khỏi cái chân giả. Cuộc đi bộ qua công viên lúc nãy không làm chân hắn đỡ đau hơn chút nào. Hắn ậm ừ cho qua chuyện.
“Đi bộ về nhé,” Bristow nói, sau khi cả hai đã ăn xong. “Đi một lát cho thoáng.”
Bristow lựa lối đi gần nhất, qua những bãi cỏ mà thông thường Strike sẽ tránh nếu đi một mình, vì đi bằng chân giả trên cỏ tốn sức hơn nhiều so với trên mặt đường nhựa. Hai người đi ngang qua đài phun nước tưởng niệm Diana, Công nương xứ Wales. Dòng nước có chỗ rì rầm, có chỗ chảy róc rách, có chỗ lại phun ào ạt dọc theo rãnh dài bằng đá granite xứ Cornwall. Bristow đột ngột lên tiếng, như thể Strike vừa hỏi vậy:
“Tony không thích tôi lắm. Ông ấy thích Charlie hơn. Người ta nói là Charlie trông y hệt Tony lúc còn bé.”
“Tôi thấy ông ta nói chuyện về Charlie không được tình cảm lắm trước khi anh đến, và dường như ông ta cũng chẳng ưa gì Lula.”
“Ông ta không thể hiện chính kiến về vụ di truyền à?”
“Có nhưng không trực tiếp.”
Thực ra, thông thường ông ta chẳng ngại nói thẳng. Chính điều đó làm tôi với Lula càng gắn bó, vì cậu Tony cho rằng hai đứa tụi tôi gốc gác chẳng ra gì. Với Lula còn tệ hơn nữa; ít ra bố mẹ đẻ của tôi ắt hẳn là người da trắng. Tony không phải là người không có thành kiến. Năm ngoái công ty nhận một thực tập sinh người Pakistan, một trong những thực tập sinh giỏi nhất mà tụi tôi từng có, vậy mà Tony làm cô ta phải bỏ đi.”
“Vì sao anh lại làm việc cho ông ta?”
“Công việc khá tốt. Lại là công ty gia đình; ông ngoại tôi sáng lập ra, nhưng thật ra điều đó không ích lợi gì. Không ai muốn mang tiếng con ông cháu cha cả. Nhưng chúng tôi là một trong những công ty hàng đầu về luật gia đình ở London. Với lại mẹ tôi rất vui khi thấy tôi đang theo bước của ông ngoại. Ông ta có đụng chạm gì tới bố tôi không?”
“Không hẳn. Ông ta có bóng gió là Ngài Alec chắc phải chạy chọt gì mới xin được Lula.”
“Vậy à?” Bristow tỏ vẻ ngạc nhiên. “Tôi không nghĩ vậy. Lula lúc đó đang ở bên bảo trợ xã hội. Tôi chắc chắn bố tôi làm theo đúng thủ tục.”
Hai người im lặng một lát. Bristow lên tiếng, hơi rụt rè.
“Anh… không giống bố anh lắm.”
Đây là lần đầu tiên Bristow công khai thừa nhận rằng ông ta có dùng Wikipedia khi đi tìm thám tử tư.
“Không giống gì cả,” Strike đồng ý. “Thực ra tôi giống y như ông cậu Ted.”
“Tôi đoán là anh và bố anh không… ý tôi là, anh không theo họ của ông ấy?”
Strike không thấy bực mình trước sự tò mò của một người có gia đình cũng không bình thường và đầy thương tích như gia đình của hắn.
“Tôi chẳng bao giờ dùng họ đó cả,” hắn trả lời, “Tôi chỉ là một sự cố ngoại tình ngoài ý muốn, làm Jonny mất một bà vợ và mấy triệu bảng đền bù ly dị. Tôi với ông ấy không hề thân thiết gì.”
“Tôi phục anh,” Bristow nói, “anh thật tự lập. Không dựa gì vào ông ta.” Strike không trả lời. Bristow nói thêm, có vẻ áy náy, “Tôi hy vọng anh không phiền chuyện tôi nói với Tansy bố anh là ai? Thực ra… nhờ vậy mà cô ta mới chịu nói chuyện với anh. Cô ta thích người nổi tiếng.”
“Không sao, miễn có được lời khai của nhân chứng.” Strike đáp. “Anh nói là Lula không thích Tony, vậy tại sao cô ấy lại lấy họ của ông ta để làm nghệ danh?”
“À không phải vậy, nó chọn Landry vì đó là họ của mẹ tôi trước khi lấy chồng; không dính dáng gì đến Tony cả. Mẹ tôi rất vui. Với cả tôi nghĩ hình như đã có một người mẫu tên Bristow rồi, nên Lula muốn đổi cho khác đi.”
Cả hai đi qua những người đi xe đạp, những người ngồi ghế đá ăn uống, những người dắt chó đi dạo và mấy tay trượt patin. Strike cố đi bình thường, mặc dù chân phải hắn càng lúc càng đau.
“Tôi không nghĩ Tony từng yêu ai trong đời cả, anh biết không,” Bristow đột ngột nói, khi cả hai dừng lại để nhường đường cho một đứa bé đội mũ bảo hiểm đang loạng choạng lướt qua trên ván trượt. “Trong khi đó mẹ tôi lại là người rất tình cảm. Mẹ tôi yêu thương cả ba đứa con, và đôi khi tôi nghĩ điều đó làm phiền lòng Tony. Tôi không biết tại sao. Tính ông ta vậy.”
“Sau khi Charlie chết, bố mẹ tôi tuyệt giao với Tony. Đáng ra tôi không được biết gì cả, nhưng tôi cũng có nghe được vài chuyện. Ông ta nói với mẹ tôi rằng mẹ tôi có lỗi trong vụ Charlie, rằng Charlie là đứa bất trị. Bố tôi đuổi ông ta ra khỏi nhà. Mẹ và Tony chỉ mới làm lành khi bố tôi qua đời.”
Strike thấy nhẹ cả người khi đến phố Exhibition, cái chân khập khiễng của hắn ít ra cũng đỡ lộ liễu hơn.
“Anh nghĩ giữa Lula với Kieran Kokovas-Jones có chuyện gì không?” hắn hỏi khi cả hai băng qua đường.
“Không, đó là do Tony tự động suy luận theo hướng xấu nhất đó thôi. Ông ta luôn nghĩ tới những điều tồi tệ nhất về Lula. Tôi chắc Kieran có xoắn xuýt con bé thật, nhưng Lula mê mệt thằng Duffield… buồn là ở chỗ đó.”
Họ đi dọc theo phố Kensington, bên trái là công viên xanh mướt, rồi đi vào địa phận những dinh thự hoành tráng của các lãnh sự quán và cơ sở đại học Hoàng gia.
“Tại sao anh nghĩ là cậu anh không vào chào anh một tiếng khi ông ta đến thăm mẹ anh vừa xuất viện?”
Bristow trông rất khó chịu.
“Hai người có cãi nhau chuyện gì à?”
“Không… không hẳn vậy,” Bristow đáp. “Công việc đang rất căng thẳng… tôi không thể nói ra. Phải bảo mật cho khách hàng.”
“Có phải vụ đất đai của Conway Oates không?”
“Làm sao anh biết?” Bristow hỏi ngay lập tức. “Ursula nói à?”
“Bà ta có nhắc tới.”
“Trời đất, Không giữ kín được cái gì hết. Gì cũng nói.”
“Ông cậu của anh cũng không tin được là bà May lại hớ hênh vậy.”
“Hẳn rồi.” Bristow nói, cười khinh miệt. “Chuyện là… tôi biết là tôi có thể tin tưởng anh. Mấy công ty như tụi tôi rất ngại những chuyện như vậy, vì khách hàng của tụi tôi toàn những người cực kỳ giàu có… nên bất kỳ dấu hiệu tài chính lệch lạc nào cũng vô cùng nguy hiểm. Tài sản của ông Oates vẫn còn đó, đúng hết; nhưng đám người thừa kế rất tham lam, nên suốt ngày nói là tài sản bị thất thoát. Thực ra với thị trường bất ổn như vừa rồi, cộng thêm những quyết định thiếu sáng suốt của Conway cuối đời, đáng ra họ phải mừng là vẫn còn chút gì mới phải. Tony rất bực về vụ này…ông ta thích đổ lỗi cho nhiều người. Cãi cọ cũng khá nhiều rồi. Tôi cũng đã chịu trận. Với Tony thì tôi chỉ đành vậy thôi.”
Strike đoán là đã gần đến văn phòng của Bristow, trông ông ta càng lúc càng u ám.
“Tôi vẫn chưa liên lạc được với một số nhân chứng quan trọng, John à. Anh có thể giúp tôi gặp Guy Somé được không? Nhân viên của ông ta không để ai lại gần cả.”
“Để tôi thử xem. Chiều nay tôi sẽ gọi cho Somé. Anh ta rất cưng Lula, chắc chắn sẽ muốn giúp.”
“Và cả mẹ ruột của Lula nữa.”
“À,” Bristow thở dài. “Tôi có địa chỉ bà ta ở đâu đó. Một người đàn bà ghê gớm.”
“Anh gặp bà ta rồi à?”
“Không, Lula có kể với tôi, rồi cả mấy thứ báo đăng nữa. Lula quyết tâm tìm cho được gốc gác, tôi nghĩ là Duffield xúi nó… Tôi nghi rằng chính Duffield tiết lộ chuyện này với báo chí, mặc dù Lula không tin vậy… Chuyện là, nó tìm được bà mẹ, một bà Higson nào đó. Bà ta kể rằng bố ruột của Lula là một sinh viên châu Phi. Tôi không biết chuyện có thật không. Nhưng rõ là đúng thứ Lula muốn nghe. Trí tưởng tượng của nó tha hồ bay bổng: hình như nó tin rằng mình là con gái bị thất lạc của một chính khách cao cấp, hay là công chúa của một bộ lạc nào đó.”
“Nhưng cô ấy không truy ra được ông bố à?”
“Tôi không rõ, nhưng,” Bristow đáp, thể hiện sự hào hứng thường thấy với bất kỳ hướng điều tra nào dính đến người da đen bỏ chạy trong đoạn phim. “Nếu có thì nó cũng sẽ không nói với tôi.”
“Tại sao?”
“Vì tụi tôi cãi nhau rất dữ dội vì chuyện đó. Mẹ tôi vừa có chẩn đoán ung thư tử cung thì Lula lại đi tìm Marlene Higson. Tôi nói với nó lúc đó mà đi tìm gốc gác thì không tế nhị chút nào, nhưng… một khi đã muốn gì thì nó chỉ nghĩ đến điều đó. Anh em tụi tôi rất thương nhau,” Bristow nói, bàn tay nhọc nhằn đưa lên vuốt mặt, “nhưng mà tuổi tác cách xa nhau quá, nên khó hòa thuận. Dù vậy, tôi cũng chắc rằng nó đã đi tìm bố, vì nó muốn làm vậy hơn bất cứ điều gì: đi tìm cho ra gốc gác da đen, để biết mình là ai mà.”
“Lula có giữ liên lạc với Marlene Higson cho tới khi cô ấy chết không?”
“Thỉnh thoảng. Tôi có cảm giác là Lula đang cố cắt đứt với bà ta. Higson là một người ghê tởm, làm tiền không biết xấu hổ. Bà ta bán chuyện đó cho bất kỳ ai muốn mua, không may là trên đời không thiếu cái thể loại háo chuyện. Mẹ tôi rất đau lòng.”
“Tôi muốn hỏi anh thêm vài điều.”
Ông luật sư cố ý bước chậm lại.
“Khi anh ghé qua nhà Lula sáng hôm đó để đưa hợp đồng, anh có thấy người nào trông như nhân viên công ty bảo trì không? Đến để kiểm tra hệ thống báo động?”
“Giống như thợ sửa chữa à?”
“Hay thợ điện. Có khi mặc đồ bảo hộ?”
Mỗi khi Bristow nhăn mặt suy nghĩ, hàm răng thỏ nhô ra hơn bao giờ hết.
“Tôi không nhớ… để xem… Khi tôi đi ngang qua căn hộ tầng hai, à… có một người đang đứng sửa gì đó trên tường… Có thể là người đó chăng?”
“Có thể. Trông anh ta ra sao?”
“Thực ra anh ta đứng quay lưng về phía tôi. Tôi không thấy được.”
“Wilson có đó không?”
Bristow dừng lại trên vỉa hè, trông hơi lung túng.
Một nhóm ba người cả nam lẫn nữ mặc complet hối hả bước qua, tay cầm hồ sơ.
“Tôi nghĩ,” ông ta ngắc ngứ, “Tôi nghĩ là cả hai đều ở đó, quay lưng về phía tôi khi tôi đi xuống cầu thang. Sao thế? Chuyện đó có liên quan gì?”
“Có thể là không liên quan,” Strike nói. “Nhưng anh có nhớ được gì không? Màu tóc, màu da chẳng hạn?”
Bristow càng bối rối hơn. Ông ta đáp.
“E là tôi không nhớ gì cả. Tôi nghĩ…” Ông ta lại nhăn mặt tập trung. “Tôi nghĩ anh ta mặc đồ màu xanh. Cùng lắm thì tôi nghĩ anh ta là người da trắng. Nhưng tôi không cam đoan gì được.”
“Anh không cần cam đoan gì đâu,” Strike đáp, “như vậy cũng rất có ích rồi.”
Hắn rút cuốn sổ ra, rà lại mấy câu hỏi mà hắn định hỏi Bristow.
“À còn nữa. Trong lời khai bên cảnh sát, Ciara Porter nói rằng Lula kể với cô ta là sẽ để lại hết cho anh.”
“À,” Bristow nói, không hồ hởi gì. “Vụ đó.”
Ông ta bắt đầu bước đi, Strike đi theo.
“Một trong những điều tra viên vụ án có kể với tôi rằng Ciara có nói như vậy. Một anh trung sĩ điều tra tên Carver. Ngay từ đầu anh ta đã tin rằng đây là vụ tự tử, anh ta nghĩ khi nói với Ciara như vậy hẳn Lula đã có ý tự tử. Một kiểu lý luận lạ đời. Mấy người tự tử có hay nghĩ tới di chúc không?”
“Vậy anh nghĩ Ciara Porter bịa chuyện à?”
“Không bịa,” Bristow, “có thể là nói quá. Tôi nghĩ rất có thể là Lula nói tốt gì đó cho tôi, vì hai tụi tôi vừa mới làm hòa khi sáng. Còn Ciara, sau khi đã tin rằng Lula định tự tử thì suy diễn đó thành di chúc nọ kia. Con bé đó… hơi mơ mộng.”
“Cảnh sát có đi tìm di chúc, đúng không?”
“À đúng vậy, cảnh sát tìm rất kỹ. Người nhà chúng tôi không nghĩ Lula có lập di chúc; luật sư của nó cũng không biết gì cả, nhưng họ vẫn tìm. Không thấy gì, mặc dù họ lục lọi khắp nơi.”
“Cứ tạm cho là Ciara Porter không nhớ sai những lời em gái anh nói, thì…”
“Nhưng Lula sẽ không bao giờ để hết lại cho tôi. Không bao giờ.”
“Tại sao không?”
“Bởi vì viết như vậy có nghĩa là không tính gì đến mẹ tôi, sẽ làm cho mẹ tôi vô cùng đau đớn,” Bristow tha thiết nói. “Chuyện không phải là tiền bạc… vì bố tôi để lại cho mẹ tôi rất nhiều rồi… mà là ý nghĩa của việc cắt đứt với mẹ tôi như vậy. Di chúc có thể làm cho người ta đau khổ đủ đường. Tôi từng thấy nhiều lần rồi.”
“Đều có liên quan hết, John à. Mười triệu bảng là một số tiền không hề nhỏ.”
Bristow dường như đang nghĩ xem Strike có ý xúc phạm hay chỉ thiếu tế nhị. Cuối cùng ông ta nói:
“Vì không còn ai thân thích gì, tôi nghĩ chắc hẳn tôi và Tony là người thừa kế chính. Có thể là một vài tổ chức từ thiện nào đó, mẹ tôi rất hào phóng với các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, tôi chắc anh cũng hiểu,” cổ Bristow lại nổi lên những chấm đỏ hồng. “Tôi không vội gì muốn biết những chuyện này, không muốn nghĩ tới chuyện phải xảy ra trước đó.”
“Đương nhiên rồi.” Strike đáp.
Họ vừa đến văn phòng của Bristow, một tòa nhà tám tầng nghiêm nghị, phía trước có cổng vòm tối đen. Bristow dừng lại ngay lối vào, nhìn Strike.
“Anh vẫn còn nghĩ là tôi tự dối mình không?” Ông ta hỏi, vừa lúc có hai người phụ nữ mặc complet đen đi ngang qua.
Vẻ mặt không có gì nổi bật của Bristow tươi lên một chút.
“Tôi sẽ gọi cho anh về Somé và Marlene Higson. À… chút nữa thì tôi quên. Máy tính xách tay của Lula. Tôi đã sạc điện luôn rồi, nhưng mà có mật khẩu. Mấy người bên cảnh sát tìm ra được mật khẩu, có nói với mẹ tôi nhưng mẹ tôi không nhớ là gì cả, còn tôi thì không biết. Biết đâu có ghi lại trong hồ sơ cảnh sát?” Ông ta hỏi, tỏ vẻ hy vọng.
“Tôi không nghĩ vậy,” Strike đáp, “nhưng cũng không thành vấn đề. Từ khi Lula chết thì máy tính để ở đâu?”
“Cảnh sát giữ, và sau đó là ở nhà mẹ tôi. Gần như hết thảy đồ đạc của Lula đều còn ở nhà mẹ tôi. Mẹ tôi vẫn chưa thể nghĩ đến giải quyết kiểu gì.”
Bristow đưa cho Strike chiếc túi da đựng máy tính và chào tạm biệt; rồi, gồng nhẹ hai vai, ông ta bước lên bậc thang và biến mất sau những cánh cửa của hãng luật gia đình.
7
Mỏm chân cụt của Strike càng lúc càng đau đớn khi hắn đi về phía khu Kensington Gore. Mồ hôi rịn ra dưới lớp áo khoác dày. Xa xa, cây cối trong công viên lung linh trong nắng chiều yếu ớt. Strike tự hỏi phải chăng hắn đang đuổi theo một cái bóng dưới lòng hồ sâu đầy bùn đất, hay biết đâu đó chỉ là một trò nghịch của ánh sáng, hay chút ảo ảnh trên mặt hồ gió đùa. Phải chăng hắn đang nhìn thấy những vết bùn li li bám lại sau cú quẩy đuôi? Hay cảm giác xao động trong lòng của hắn lúc này chỉ là cơn ậm ạch sau bữa ăn quá nhiều rong biển hôm trước? Liệu quả thật có gì đó đang nấp kỹ, ngụy trang bằng lớp bùn đất dưới đáy hồ, khéo đến nỗi những chiếc lưới đã giăng đều bất lực?
Strike đi ngang qua cổng Queen’s Gate ở công viên Hyde Park trên đường về trạm tàu Kensington. Chiếc cổng trang trí có màu đỏ như sắt gỉ, chạm trổ đủ loại biểu tượng Hoàng gia. Vốn rất tinh ý, hắn nhận ra một bên cột chạm hình hươu mẹ và hươu con, trong khi bên kia lại là hươu đực. Mắt người thường tự động ghi nhận tính đối xứng và cân bằng ở cả những nơi không hề có. Giống đó, mà khác một trời một vực… Máy tính xách tay của Lula Landry liên tục đập vào chân mỗi khi hắn lê bước, càng lúc càng nặng nhọc.
Strike về đến văn phòng lúc năm giờ kém mười phút. Lúc này hắn vừa thấy đau chân vừa thấy hoang mang bất lực. Robin đều đều báo cáo những chuyện chẳng có gì bất ngờ. Cô vẫn chưa thuyết phục được nhân viên trực điện thoại ở hãng phim của Bestigui để đặt hẹn và không tìm ra thuê bao nào của Viễn thông Anh quốc ở khu vực Kilburn đăng ký tên là Onifade.
“Đương nhiên, bà cô của Rochelle có thể mang họ khác, đúng không?” Robin vừa phân tích vừa cài nút áo khoác chuẩn bị ra về.
Strike gật đầu đồng ý, trông hắn rã rời. Hắn ngồi phịch xuống chiếc sofa đã sờn cũ ngay khi vừa bước qua cửa văn phòng. Robin chưa bao giờ thấy hắn như thế. Mặt hắn nhăn nhó khổ sở.
“Anh có ổn không?”
“Ổn. Lúc chiều Bên Giải pháp Tạm thời có gọi nữa không?”
“Không,” Robin trả lời, kéo thắt lưng áo khoác. “Chắc họ tin lời tôi lúc tôi nói tôi là Annabel? Lúc đó tôi có cố giả giọng Úc.”
Strike nhe răng cười. Robin đóng tập báo cáo lấy đọc trong lúc chờ Strike về, đặt gọn gàng lên kệ. Cô chào tạm biệt Strike rồi ra về. Hắn vẫn ngồi tại chỗ, bên cạnh là máy tính xách tay của Lula đặt trên mấy chiếc gối tựa xác xơ.
Khi không còn nghe tiếng bước chân của Robin nữa, Strike với tay khóa cửa gương lại, tạm lờ đi cái quy định tự đặt là không hút thuốc trong văn phòng ngày thường. Miệng ngậm thuốc, hắn xắn quần lên rồi tháo đai giữ khúc chân giả vào đùi. Hắn tháo tiếp miếng lót, kiểm tra vết thương cũ.
Đáng ra mỗi ngày hắn đều phải kiểm tra xem da mỏm chân có bị tấy không. Lớp sẹo đã sưng lên từ khi nào, nóng ran. Hắn có đủ loại kem thoa và phấn đặc trị để sẵn trên kệ trong nhà tắm ở chỗ Charlotte, chuyên dùng cho phần da dẻ mấy hôm nay chịu áp lực quá sức. Biết đâu Charlotte đã quẳng lọ phấn ngô và kem Oilatum vào một trong những chiếc thùng vẫn chưa được mở? Nhưng hắn không đủ sức để lục lọi tìm kiếm, mà cũng chưa muốn gắn chân giả vào lại. Vậy là hắn cứ ngồi nguyên trên ghế sofa hút thuốc, chân ống quần rỗng thả xuống nền nhà, trầm tư một hồi lâu.
Tâm trí hắn lan man từ chuyện này sang chuyện khác. Hắn nghĩ về gia đình, về những cái tên, cả về tuổi thơ của hắn và Bristow, bề ngoài thì vô cùng khác, nhưng thực ra lại có nhiều điểm giống nhau. Gia đình của Strike cũng có những bóng ma, chẳng hạn như người chồng thứ nhất của mẹ hắn. Bà Leda Strike hầu như không bao giờ nhắc tới ông này, trừ lúc kể lể rằng chính ông ta làm bà không muốn cưới kiếc ai nữa. Trái lại, mợ Joan luôn nhớ rõ những chuyện mà mẹ hắn chỉ láng máng mơ hồ. Mợ nói rằng khi đó Leda mới có mười tám tuổi, lấy chồng được hai tuần thì bỏ đi. Mợ kể thêm rằng ông Strike, người chồng đầu tiên của mẹ hắn là dân kiếm sống theo các hội chợ lưu động. Ông gặp mẹ hắn khi hội chợ đến St Mawes, khi ấy bà đồng ý lấy ông ta chỉ vì muốn có một chiếc đầm và cái họ mới. Sau đó Leda trung thành với họ Strike, không đổi nữa, mặc dù vẫn dan díu với nhiều người khác. Strike ra đời, mang họ của một người không hề ruột thịt, chưa từng biết mặt và đã biệt tăm từ lâu.
Strike vừa hút thuốc vừa nghĩ ngợi, cho tới khi ánh sáng ban ngày trong văn phòng dịu lại, mờ hẳn. Cuối cùng hắn gắng gượng đứng dậy trên một chân, vịn tay vào nắm đấm cửa và đường gờ trang trí trên tường. Strike lò cò đến lục lọi trong đám thùng giấy chồng lên nhau trước văn phòng. Moi ra được mấy hộp kem phấn đặc trị dưới đáy thùng, hắn xoa kem, cố làm dịu vết thương tấy lên từ cái đêm vác túi trên vai đi bộ gần hết London.
Ngày đã bắt đầu dài ra. Tám giờ tối mà trời vẫn còn sáng, chẳng bù với hai tuần trước. Strike đi ăn tối ở nhà hàng Wong Kei, lần thứ hai trong mười ngày qua. Nhà hàng này chuyên các món Trung Hoa, có mặt tiền sơn trắng và khung cửa sổ nhìn thẳng ra tiệm “Chơi là thắng” bên kia đường. Hắn thấy đau kinh khủng khi lắp chân giả trở lại, càng khổ sở hơn khi đi bộ xuống phố Charing Cross sau đó. Nhưng Strike chẳng muốn động đến cặp nạng thép màu xám – kỷ vật từ hồi mới ra viện mà hắn cũng vừa mới tìm thấy dưới đáy thùng.
Strike một tay gắp mì xào Singapore ăn, tay kia vẫn mân mê máy tính của Lula đặt trên bàn ngay cạnh ly bia. Vỏ máy tính màu hồng đậm, có in hình hoa anh đào. Strike không nhận ra rằng ngay lúc này đây trông hắn thật kỳ cục: Một gã to lớn, đầu tóc bù xù, chúi đầu vào chiếc máy tính màu hồng cực kỳ nữ tính, nho nhỏ xinh xinh. Hai nhân viên phục vụ áo đen trông thấy, tủm tỉm cười.
“Sao rồi, Federico?” một thanh niên xanh xao, đầu tóc bù xù cất tiếng hỏi hắn lúc tám giờ rưỡi. Người mới đến ngồi ngay ghế đối diện với Strike. Anh ta mặc quần Jeans, áo thun màu mè, mang giày Converse và đeo túi chéo trước ngực.
Strike gọi đồ uống cho vị khách mới đến. Hắn quen gọi anh chàng này là Khỉ Con, không nhớ là vì sao. Khỉ Con có bằng hạng Ưu ngành khoa học máy tính, nhìn bộ dạng bề ngoài không ai biết được gã kiếm được rất nhiều tiền.
“Không đói lắm, mới ăn burger hồi làm ra.” Khỉ Con vừa nói vừa nhìn xuống thực đơn. “Thôi ăn xúp cũng được. Cho một chén hoành thánh,” anh ta quay sang nói với người hầu bàn. “Laptop ngộ vậy, Fed.”
“Không phải của tao,” Strike đáp.
“Công việc hả?”
“Ờ.”
Strike đẩy chiếc máy tính về phía Khỉ Con. Anh chàng ngó nghiêng, vừa tò mò, vừa coi thường, đúng kiểu dân sành công nghệ.
“Thứ cùi bắp,” Khỉ Con tươi tỉnh phán. “Anh trốn đâu mất biệt vậy Fed? Bà con rất lo lắng.”
“Bà con tử tế quá,” Strike đáp, miệng đầy mì xào. “Khỏi lo đi.”
“Mấy hôm trước em có tới nhà Nick và Ilsa, nói toàn chuyện anh. Bà con đồn là anh rút vào hoạt động ngầm sao đó. Ồ cảm ơn,” anh chàng nói với người chạy bàn khi chén hoành thánh được mang ra. “Gọi tới nhà anh suốt, không ai bốc máy hết. Ilsa đoán chắc là chuyện dính tới đàn bà.”
Strike chợt nhận ra cách tốt nhất để thông báo vụ hủy hôn với Charlotte là thông qua anh chàng vô tư này. Khỉ Con là em một người bạn lâu năm của Strike. Anh chàng hầu như không biết gì và cũng không quan tâm mấy đến tình sử dài dòng đau khổ giữa hắn và Charlotte. Thực tình Strike tránh mặt đám bạn chỉ vì ngại những màn an ủi và phân tích mổ xẻ. Hắn hoàn toàn không muốn giả vờ vẫn đang sống với Charlotte. Strike nói với Khỉ Con rằng Ilsa đã đoán đúng, rồi nhờ nhắn lại cho đám bạn từ nay về sau đừng điện đến nhà Charlotte nữa.
“Chán nhỉ,” Khỉ Con đáp bàng quan. Anh chàng này luôn quan tâm đến máy móc nhiều hơn các thể loại tâm sự đau khổ. Khỉ Con chỉ tay vào chiếc máy tính Dell, hỏi liền: “Anh muốn em làm gì giờ?”
“Cảnh sát có coi qua rồi,” Strike đáp, nhỏ giọng lại mặc dù trong nhà hàng chỉ có mỗi hắn và Khỉ Con là không nói tiếng Quảng Đông. “Nhưng tao muốn nhờ mày coi lần nữa.”
“Bên cảnh sát nhiều người giỏi lắm. Chắc em không tìm ra cái gì khác đâu.”
“Có thể họ không biết phải tìm cái gì,” Strike nói, “hoặc tìm được nhưng không nhận ra. Họ chỉ quan tâm đến mấy cái email gần nhất, mà tao xem hết chỗ đó rồi.”
“Vậy em còn tìm gì nữa?”
“Tất cả mọi hoạt động trên máy trước và trong ngày Tám tháng Giêng. Những từ khóa tìm kiếm được dùng gần nhất, mấy thứ đại loại vậy. Tao không có mật khẩu nhưng không muốn hỏi cảnh sát, trừ khi hết cách thôi.”
“Chuyện đó không thành vấn đề,” Khỉ Con đáp. Anh chàng gõ lại những yêu cầu của Strike vào điện thoại di động, thay vì chép tay. Khỉ Con nhỏ hơn Strike mười tuổi, gần như không bao giờ dùng tới cây viết. “Máy của ai vậy?”
Strike trả lời. Khỉ Con cảm thán ngắn gọn:
“Cô người mẫu hả? Oa chà.”
Con người, dù đã chết hay nổi tiếng đến mấy thì cũng chỉ gây ấn tượng đến vậy với Khỉ Con. Không thể nào sánh được với các bộ truyện tranh hiếm, những món đồ công nghệ và những ban nhạc mà Strike chưa bao giờ nghe tên. Sau khi nuốt liền mấy muỗng hoành thánh, Khỉ Con hớn hở hỏi ngay chuyện công xá.
Sau khi Khỉ Con đã ra về với chiếc máy tính hồng kẹp dưới cánh tay, Strike cũng lê bước trở lại văn phòng. Tối hôm đó hắn lau rửa chân phải cẩn thận, thoa kem vào vết sẹo đang tấy đỏ và rát buốt. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, hắn uống thuốc giảm đau trước khi chui vào túi ngủ. Hắn nằm trên giường, chờ cơn đau lịm dần đi và suy nghĩ có nên đi khám lại ở khoa phục hồi chức năng không. Hắn từng được giải thích rất nhiều lần về hai triệu chứng của hội chứng co thắt, kẻ thù số một của bệnh nhân khuyết chi: da mưng mủ và sưng tấy. Hắn ngờ mình đang chớm bệnh nhưng cứ nghĩ tới hành lang bệnh viện đầy mùi thuốc sát trùng là rùng mình, lại thêm mấy vị bác sĩ cứ chăm chắm vô cái phần cơ thể không còn nguyên vẹn của hắn. Hắn thấy ngại vô số cuộc hẹn tái khám sau đó, mỗi lần chỉ để điều chỉnh chiếc chân giả một chút xíu. Vậy mà hắn từng hy vọng sẽ không bao giờ phải trở lại cái chỗ ngột ngạt trắng toát đó. Hắn còn sợ họ sẽ khuyên hắn nên để cái chân nghỉ ngơi, nên hạn chế vận động, thậm chí buộc hắn phải dùng nạng trở lại. Strike rùng mình nghĩ đến ánh mắt người qua đường hiếu kỳ nhìn ống quần buộc túm của hắn, rồi cả giọng lanh lảnh của đám trẻ con tò mò hỏi han.
Điện thoại di động trên sàn nhà (đang cắm sạc ngay gần giường) rung lên, báo có tin nhắn.
Vui lòng gọi cho tôi lúc nào tiện, nói nhanh thôi. Charlotte.
Strike không tin vào thần giao cách cảm, vậy mà khi nhìn thấy tin nhắn đó, không biết cơn cớ vì sao mà hắn nghĩ ngay là hẳn Charlotte đã biết được hắn vừa thông báo vụ chia tay với Khỉ Con. Cứ như thể hắn vừa giật mạnh sợi dây vô hình vẫn nối giữa hai người.
Hắn nhìn chằm chằm vào tin nhắn như thể hy vọng đọc được vẻ mặt Charlotte qua màn hình màu xám nhỏ xíu.
Vui lòng. (Tôi biết anh không cần phải gọi: nhưng lần này tôi xuống nước đề nghị anh). Nói nhanh thôi (Tôi có lý do chính đáng để nói chuyện với anh, ta có thể bàn chuyện nhanh chóng và suôn sẻ, không cãi vã gì đâu.) Khi nào tiện. (Tôi tử tế đấy chứ, ra ý không có tôi thì anh vẫn có chuyện khác để lo.)
Hoặc, có lẽ là: Vui lòng (Anh mà từ chối tôi thì anh khốn kiếp lắm nha Strike, anh xúc phạm tôi như vậy chưa đủ hả?) Nói nhanh thôi. (Tôi biết anh nghĩ tôi sẽ làm ầm lên; nhưng, đừng lo, lần gặp cuối anh quá khốn nạn mà, tôi chẳng thiết nữa) Khi nào tiện. (Bởi vì nói thẳng ra, lúc nào mà anh chẳng xếp tôi tít sau quân đội và mấy trò nhăng nhố khác của anh.)
Bây giờ thì có tiện không? Hắn bâng khuâng tự hỏi, vẫn đau đớn vì thuốc chưa ngấm. Hắn nhìn đồng hồ: mười một giờ mười phút. Rõ là cô ta vẫn còn thức.
Strike để điện thoại xuống sàn nhà. Chiếc điện thoại nằm yên lặng, tiếp tục sạc pin. Hắn gác cánh tay lông lá che mắt để khỏi nhìn những vệt sáng trên trần nhà do đèn đường chiếu qua mành cửa. Tự dưng, mặc dù không hề muốn, hắn mường tượng Charlotte ngay trước mắt, như lần đầu tiên hắn thấy cô ta ngồi một mình trên bệ cửa sổ trong một buổi tiệc tùng thời sinh viên ở Oxford. Trong đời hắn chưa bao giờ thấy gì đẹp đẽ hơn vậy. Đám con trai chung quanh dường như cũng giống hắn, không ngớt liếc mắt, vờ vĩnh nói cười to tiếng và diễu qua diễu lại trước cô gái đang ngồi im lặng.
Khi nhìn thấy Charlotte lần đầu tiên, Strike - mới mười chín tuổi, thấy lòng rộn ràng hệt như những ngày thơ ấu, khi hắn vừa thức dậy và nhận ra tuyết đã rơi trắng vườn nhà cậu Ted và mợ Joan. Hắn muốn đặt những bước chân đầu tiên lún sâu vào lớp tuyết trắng mịn màng, khiêu khích và quậy tung bề mặt tĩnh lặng đó.
“Mày say rồi,” một đứa bạn lên tiếng cảnh báo sau khi Strike tuyên bố ý định sẽ đến bắt chuyện với Charlotte.
Strike gục gặc đồng ý, nốc cạn vại bia thứ bảy và khệnh khạng đi đến khung cửa sổ nơi Charlotte đang ngồi. Hắn mơ hồ nhận ra đám đông chung quanh đang dõi theo, dường như đang chờ đợi một chuyện buồn cười sắp xảy ra vì Strike khi ấy đã rất to con, đầu tóc như Beethoven, thân hình như dân đấm bốc còn áo thun dính đầy nước cà ri.
Cô ta ngước lên nhìn hắn. Hai mắt mở to, tóc đen dài, khe ngực mềm mại, trắng trẻo lộ ra sau làn áo sơ mi.
Nhờ tuổi thơ lăn lóc rày đây mai đó, kết bạn với đủ loại người, Strike có kỹ năng xã giao cực kỳ tốt. Hắn biết cách hòa vào đám đông, biết làm người khác cười, biết cả cách làm người ta chấp nhận mình. Vậy mà đêm đó, lưỡi hắn tê dại, thừa thãi. Hắn còn nhớ khi đó hắn đi đứng hơi loạng choạng.
“Anh cần gì hả?” cô ta hỏi.
“Vâng,” hắn đáp. Rồi hắn lấy tay kéo áo thun ra, cho Charlotte thấy chỗ dính nước cà ri. “Cô biết làm sao tẩy hết cái này không?”
Cô ta không nhịn được (dù rõ là rất cố), bật cười khúc khích.
Một lúc sau, một anh chàng tên Jago Ross đẹp trai, chải chuốt, dân có số má (Strike từng thấy mặt và nghe tiếng ông kễnh này) chạy vào phòng cùng với đám bạn con nhà quý tộc. Đập vào mắt họ là Strike và Charlotte ngồi cạnh nhau trên bệ cửa, say sưa chuyện trò.
“Sao mà đi nhầm phòng vậy Char cưng,” Ross nói, thể hiện quyền sở hữu qua giọng điệu vừa kiêu căng vừa mơn trớn. “Tiệc của Ritchie ở trên lầu kia.”
“Tôi không đi đâu cả,” cô ta đáp, mỉm cười nhìn gã nhà giàu. “Tôi phải giúp anh Cormoran giặt áo đã.”
Vậy là cô ta đá cậu bạn trai dân trường Harrow[1] ngay giữa bàn dân thiên hạ để theo Cormoran Strike. Đó cũng là khoảnh khắc vinh quang nhất trong cuộc đời mười chín năm của Strike. Trước mặt đám đông, hắn đã bế bổng được Helen thành Troy ngay trước mũi vua Menelaus. Hắn sửng sốt lẫn vui sướng tột độ, không thèm băn khoăn chút nào về phép màu vừa xảy ra mà chỉ đơn giản chấp nhận nó.
[1. Một trong bốn trường tư nội trú cho nam sinh rất nổi tiếng ở Anh, đa phần học sinh là con nhà giàu có, quý tộc - ND]
Sau này Strike mới biết được rằng mối duyên nợ tình cờ, tưởng như số phận an bài đó lại hoàn toàn do Charlotte sắp đặt. Mấy tháng sau cô thú nhận rằng chuyện cố ý đi nhầm phòng chỉ vì muốn trừng phạt một tội lỗi vớ vẩn của Ross. Cô ta quyết ngồi đó, đợi một người đàn ông bất kỳ đến làm quen. Với Charlotte, Strike chỉ là vũ khí để tra tấn Ross. Cô ta đã lên giường với hắn ngay sau đó, chỉ để thỏa sự cay cú và giận dữ, chứ chẳng phải vì cuồng nhiệt yêu đương như hắn lầm tưởng.
Trong đêm đó Charlotte đã bộc lộ tất cả những uẩn khúc trong con người cô ta, cũng chính là những điều liên tục giằng xé rồi lại níu kéo hai người về sau. Charlotte là kiểu người luôn tự làm tổn thương chính mình, bất cần và cũng sẵn sàng làm tổn thương người khác. Cô ta không ngờ lại bị Strike lôi cuốn đến vậy. Nhưng Charlotte cũng luôn ý thức được vị trí cố hữu an toàn của mình trong một thế giới kín cổng cao tường, hoàn toàn xa lạ với Strike, nơi có những giá trị mà cô ta vừa khinh bỉ vừa không bao giờ chối bỏ.
Rồi bắt đầu mối duyên lẫn nợ và mười lăm năm sau, Strike nằm trên chiếc giường xếp, đau đớn đủ đường, chỉ ước gì có thể xóa sạch Charlotte khỏi trí nhớ.
8
Khi Robin đến văn phòng sáng hôm sau, cánh cửa gương vẫn còn khóa. Đây là lần thứ hai Robin gặp tình huống này. Cô dùng chìa khóa dự phòng (Strike đã để cô giữ luôn chìa khóa) mở cửa bước vào. Cô tiến lại gần cánh cửa phòng bên trong, đứng im nghe ngóng. Sau vài giây, cô nghe rõ tiếng ngáy ngủ, dù nghèn nghẹn nhưng không lẫn vào đâu được.
Tình huống trước mắt thật khó xử. Một mặt, giữa Robin và Strike dường như đã có một thỏa thuận ngầm rằng không ai nhắc đến chiếc giường xếp hay bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Strike ăn ở luôn trong văn phòng. Mặt khác, Robin đang có chuyện rất gấp, cần phải nói ngay với ông sếp tạm. Cô ngập ngừng, suy tính tới lui. Dễ nhất là cứ đá thúng đụng nia ở phòng ngoài để gián tiếp đánh thức Strike. Như vậy hắn sẽ có thời gian mặc áo quần và dọn dẹp phòng trong. Nhưng làm vậy sẽ mất một lúc khá lâu, việc mà cô sắp báo không chờ được. Vậy là cô hít một hơi thật sâu và gõ rầm rầm vào cánh cửa.
Strike mở mắt ngay lập tức. Trong giây lát còn mơ màng hắn ê chề nhận ra ánh sáng ban ngày đang chiếu vào từ cửa sổ. Rồi hắn nhớ đã đặt điện thoại xuống sàn nhà sau khi đọc tin nhắn của Charlotte và sau đó quên không đặt giờ báo thức.
“Đừng vào!” Hắn rống lên.
“Anh uống trà không?” Robin gọi qua cánh cửa.
“Ừ, à… cảm ơn. Tôi sẽ ra ngay,” Strike nói to, thầm ước giá như cánh cửa phòng trong có khóa. Cái chân giả vẫn đang dựa vào tường còn trên người hắn chỉ độc mỗi cái quần đùi.
Robin vội vàng chạy ra ngoài văn phòng đổ nước vào ấm đun trong khi Strike loay hoay chui ra khỏi túi ngủ. Hắn nhanh chóng mặc áo quần, luống cuống đeo chân giả, xếp giường vào trong góc và đẩy bàn làm việc về chỗ cũ. Mười phút sau khi Robin gõ cửa, hắn bước ra phòng ngoài, người ngợm sực nức thuốc khử trùng. Robin đang ngồi đó, mặt mày hớn hở.
“Trà của anh nè,” cô nói, chỉ tay về phía tách trà bốc khói.
“Tuyệt vời, cảm ơn cô. Đợi tôi một lát,” Hắn đáp, ra hành lang đến phòng vệ sinh đi tè. Lúc kéo khóa quần lên, hắn nhìn thấy mặt mình trong gương, đầu bù tóc rối, lại còn chưa cạo râu. Như thường lệ, hắn tự an ủi rằng tóc tai hắn có chải hay không thì cũng vậy.
“Có tin mới,” Robin lên tiếng, khi hắn vừa mở cánh cửa gương vào lại văn phòng, cảm ơn cô lần nữa và cầm tách trà lên.
“Gì kia?”
“Tôi tìm ra Rochelle Onifade rồi.”
Hắn hạ cái tách xuống.
“Cô đùa. Làm sao mà…”
“Tôi thấy anh có ghi lại trong hồ sơ là cô ta có đi điều trị ngoại trú ở bệnh viện St Thomas,” Robin hào hứng kể, mặt đỏ bừng nói gấp gáp, “vậy là tối hôm qua tôi gọi cho bệnh viện, giả vờ là cô ta, rồi nói là tôi quên mất giờ hẹn. Họ nói mười giờ rưỡi sáng thứ Năm. Như vậy anh có khoảng,” cô nhìn vào màn hình máy tính, “năm mươi lăm phút để đến đó.”
Tại sao hắn không nghĩ ra chuyện nhờ Robin làm việc này?
“Cô đúng là thiên tài, thiên tài thiệt mà…”
Hắn loay hoay đánh đổ trà nóng ra bàn tay, rồi sốt ruột bỏ luôn cái tách xuống bàn Robin.
“Cô có biết chính xác…?”
“Khoa tâm thần, ngay phía sau tòa nhà chính,” Robin vui vẻ trả lời, “Anh thấy không, anh đi thẳng vào từ phố Grantley, qua bãi đậu xe thứ hai…”
Cô quay màn hình máy tính lại để hắn xem bản đồ của bệnh viện St Thomas. Strike nhìn xuống cổ tay, sực nhớ ra là đồng hồ vẫn còn ở trong phòng.
“Nếu anh đi ngay bây giờ thì vẫn kịp.” Robin giục hắn.
“Được rồi… để tôi lấy mấy thứ.”
Strikie nhanh chóng lấy đồng hồ, ví tiền, bao thuốc lá và điện thoại. Hắn vừa ra đến cửa gương, luống cuống nhét ví vào túi quần sau thì Robin lên tiếng:
“Ừm… anh Cormoran…”
Robin chưa bao giờ gọi tên hắn thân mật như vậy. Chắc vì thế mà nghe giọng cô rất rụt rè. Nhưng hắn ngay lập tức nhận ra Robin đang chỉ tay vào bụng hắn, đầy ý nhị. Strike cúi xuống, thấy nút áo cài xộc xệch. Một khoanh bụng lông lá chường ra, trông như thảm xơ dừa đen.
“À… ra vậy… cảm ơn cô…”
Robin lịch sự quay mặt vào màn hình máy tính khi hắn mở nút áo ra cài lại.
“Tạm biệt cô.”
“Chào anh,” Robin đáp, mỉm cười khi hắn chạy ào ra ngoài, nhưng chỉ vài giây sau hắn quay trở lại, thở hổn hển.
“Tôi cần cô xem thêm giùm một chuyện.”
Robin đã cầm sẵn cây viết trong tay.
“Hội thảo Luật ngày bảy tháng Giêng ở Oxford. Ông Tony Landry, cậu của Lula có tham dự. Nội dung về luật gia đình quốc tế. Tìm hết mọi thứ có thể, đặc biệt là những gì liên quan tới ông này ở đó.”
“Rõ rồi.” Robin vừa nói vừa viết.
“Cảm ơn, cô đúng là thiên tài.”
Strike quay trở ra, đi cà nhắc xuống cầu thang.
Robin ngồi xuống bàn làm việc, ngâm nga một mình. Nhưng chút hào hứng vừa nãy nhanh chóng trôi xuống theo ngụm trà. Vậy mà Robin cứ nghĩ là Strike sẽ rủ cô đi cùng đến gặp Rochelle Onifade sau hai tuần cô bỏ công tìm kiếm.
Sau giờ cao điểm, tàu điện ngầm vãn khách hẳn. Strike tìm ngay được chỗ ngồi, thấy nhẹ cả người. Mỏm chân hắn vẫn còn buốt. Hắn đã kịp mua một gói kẹo the bạc hà cực mạnh trước khi lên tàu. Hắn ngậm bốn viên cùng một lúc, cố lấp liếm vụ chưa kịp đánh răng. Hắn vẫn cất bàn chải và kem đánh răng trong túi thể thao, mặc dù sẽ tiện hơn nhiều nếu cứ để luôn trên chậu rửa mặt trong phòng vệ sinh. Strike thấy bóng mình trên cửa sổ tàu tối đen, tóc tai bù xù, trông lôi thôi lếch thếch. Mà tại sao cứ phải giả vờ có nhà riêng trong khi Robin thừa biết chuyện hắn ngủ luôn trong văn phòng chứ.
Với trí nhớ và khả năng đọc bản đồ khá tốt, Strike dễ dàng tìm thấy lối vào khoa tâm thần ở bệnh viện St Thomas. Hắn đến nơi lúc mười giờ hơn, không hề bị lạc. Hắn bỏ ra năm phút, đi loanh quanh xem ngoài hai cánh cửa tự động còn có lối vào nào khác từ phố Grantley không. Rồi hắn đứng dựa vào bức tường đá ở bãi đậu xe cách đó khoảng chừng mười tám mét. Đứng đó hắn có thể thấy rõ người ra kẻ vào.
Cô gái mà hắn đang tìm kiếm có lẽ là người vô gia cư, chắc chắn là dân da đen. Lúc ở trên tàu hắn suy nghĩ xem làm sao để nhận ra cô ta và thấy chỉ có một cách duy nhất. Khoảng mười giờ hai mươi, một cô gái da đen, cao, gầy, vội vã bước vào. Hắn gọi to (mặc dù cô này trông có vẻ chải chuốt, ăn mặc rất gọn gàng):
“Rochelle!”
Cô ta ngẩng lên xem ai vừa gọi, nhưng vẫn tiếp tục đi, như thể cái tên đó không có liên quan gì tới mình rồi biến mất sau cánh cửa. Sau đó là một cặp, cả hai đều da trắng, rồi một nhóm người đủ độ tuổi và chủng tộc mà Strike đoán là nhân viên bệnh viện. Nhưng để cho chắc ăn hắn lại gọi tiếp:
“Rochelle!”
Vài người trong số đó liếc nhìn hắn, nhưng ngay lập tức quay lại câu chuyện đang nói dở. Strike tự an ủi rằng chắc họ đã quá quen với những hành vi có phần lập dị của những người hay lui tới đây. Hắn đốt thuốc, tiếp tục chờ đợi.
Mười giờ rưỡi, vẫn không có thêm cô gái da đen nào đi vào. Hoặc là cô ta bỏ lỡ cuộc hẹn, hoặc đã vào bằng cửa khác. Một cơn gió nhẹ thổi qua gáy Strike khi hắn ngồi đó, hút thuốc, theo dõi và chờ đợi. Tòa nhà bệnh viện to sừng sững, trông như hộp bê tông khổng lồ với những ô cửa sổ hình chữ nhật, hẳn có nhiều lối vào ở mỗi mặt tiền.
Strike duỗi thẳng chân phải vẫn còn đau đớn và nghĩ tới việc đi khám bệnh trở lại. Nội chuyện đứng gần bệnh viện lúc này cũng làm hắn thấy rầu rĩ. Bụng hắn sôi rột roạt. Trên đường đến đây có một hàng McDonald. Nếu đến giữa trưa mà vẫn chưa tìm ra cô ta, hắn sẽ đi đến đó làm một bữa.
Hắn gọi “Rochelle!” thêm hai lần nữa khi thấy phụ nữ da đen ra vào tòa nhà. Cả hai cô đều quay lại nhưng chỉ xem ai vừa gọi, một người còn liếc hắn khinh khỉnh.
Mười một giờ hơn, một cô gái da đen thấp, đậm người đi ra khỏi bệnh viện. Cô này đi chân chữ bát, trông vụng về, lấc cấc. Hắn biết chắc là cô ta đã không đi vào từ cửa này, không phải chỉ vì dáng đi dễ nhận ra mà còn vì cô ta mặc một chiếc áo lông giả màu hồng đỏ rất nổi nhưng không ăn nhập gì với chiều cao và cân nặng cả.
“Rochelle!”
Cô gái dừng lại, quay đầu nhìn chung quanh, vẻ cau có, không biết ai vừa gọi mình. Strike đi cà nhắc tới trước cô gái. Cô ta nhìn hắn trừng trừng, nghi ngại.
“Rochelle? Rochelle Onifade? Chào cô. Tôi tên là Cormoran Strike. Tôi nói chuyện với cô một lúc có được không?”
“Tui luôn đi vô từ đường Redbourne,” cô ta nói năm phút sau đó, sau khi Strike giả vờ kể lể rối rắm vụ hắn tìm cô ta như thế nào. “Tui đi ra hướng này, định chút nữa ăn McDonald.”
Vậy là cả hai đến tiệm hamburger. Strike mua hai cốc cà phê và hai cái cookie cỡ lớn rồi mang về phía bàn cạnh cửa sổ, nơi Rochelle đang ngồi đợi. Vẻ mặt cô ta vừa tò mò vừa nghi ngờ.
Rochelle trông rất thô kệch. Da mặt nhờ nhờn màu đất nung đầy mụn mủ và sẹo rỗ. Đôi mắt nhỏ sâu hoắm. Hàm răng mọc chen chúc, vàng khè. Mái tóc duỗi lộ ra mười phân tóc màu đen ở gốc, tiếp theo là khoảng mười lăm phân màu đồng đỏ chói gắt. Cô ta mặc quần jean bó chặt ngắn quá cỡ, mang túi xách tay màu xám bóng và giày thể thao trắng toát, trông rất rẻ tiền. Tuy nhiên, Strike nhận thấy chiếc áo lông giả mềm mại, mặc dù cực kỳ chói mắt và không hề hợp với Rochelle, lại dường như thuộc một đẳng cấp khác. Bên trong áo có một lớp lót bằng lụa in hoa văn (Strike thấy khi cô ta cởi áo khoác ra). Chiếc áo đính một nhãn hiệu của Ý mà Strike nghe đến bao giờ, không phải là hàng Guy Somé như hắn đoán từ email của Lula Landry.
“Anh không phải nhà báo thiệt hở?” Cô ta hỏi, giọng trầm, khàn khàn. Lúc còn ở bên ngoài bệnh viện Strike đã phải giải thích khá lâu là hắn không dính gì đến báo chí cả.
“Tôi không phải là nhà báo. Như tôi đã nói, tôi quen anh trai của Lula.”
“Anh là bạn của ổng hở?”
“Ừ. Cũng không hẳn là bạn. Ông ấy thuê tôi. Tôi là thám tử tư.”
Ngay lập tức cô ta tỏ ra sợ hãi.
“Anh muốn gì?”
“Không có gì phải lo lắng cả…”
“Sao muốn gặp tui?”
“Không có gì rắc rối hết. John chỉ không chắc là Lula tự tử thật, chỉ có vậy thôi.”
Lúc này Strike chắc chắn rằng cô ta còn ngồi lại chỉ vì sợ nếu bỏ đi giữa chừng hắn sẽ ra tay giữ cô lại. Cô ta sợ rúm ró cả người, mặc dù cử chỉ và lời nói của Strike không hề tỏ ra đe dọa.
“Cô không phải lo lắng gì cả,” hắn động viên Rochelle. “John chỉ muốn tôi xem lại sự việc, tức là…”
“Ý ổng là tui có dính gì tới chuyện cổ chết hở?”
“Không, tất nhiên là không rồi. Tôi chỉ mong là cô có thể kể tôi nghe tâm trạng Lula ra sao trước khi cô ấy chết, hôm đó cô ấy làm gì. Cô hay gặp Lula mà, đúng không? Tôi nghĩ chắc cô biết nhiều về Lula.”
Rochelle vừa chớm định nói gì đó, rồi đổi ý và cầm cốc cà phê nóng hổi lên, nhấp thử.
“Vậy ra ông anh cổ muốn chứng tỏ cổ không tự tử? Giống như có đứa nào đẩy xuống?”
“Ông ấy nghĩ có khả năng là như vậy.”
Rochelle ngẩn mặt ra, như đang suy nghĩ gì đó.
“Mà mắc gì tui phải nói với anh. Anh đâu phải là cảnh sát thiệt.”
“Đúng rồi. Nhưng chắc hẳn cô cũng muốn tìm ra…”
“Cổ nhảy lầu,” Rochelle Onifade đanh giọng.
“Tại sao cô chắc chắn vậy?”Strike hỏi.
“Tui chỉ biết vậy thôi.”
“Vậy mà ai biết Lula cũng rất bất ngờ.”
“Cổ bị chầm cảm. Cổ uống thuốc chữa bịnh đó. Giống tui vậy. Nhiều khi bịnh làm mình vậy. Bịnh mờ.” Rochelle đáp, hai chữ cuối nghe như “mịt mờ.”
Mịt mờ, Strike thoáng nghĩ. Mấy hôm nay hắn rất khó ngủ. Mịt mờ, nơi chốn cuối cùng của Lula Landry, cũng là nơi tất cả, kể cả hắn lẫn Rochelle đều đang đi đến. Có người đang chầm chậm đi đến đó, như mẹ của Bristow… Cũng có khi cõi mịt mờ mở ra bất ngờ, chẳng hạn như khi người ta rơi xuống mặt đường bê tông, vỡ sọ tại chỗ.
Strike chắc rằng nếu hắn lấy cuốn sổ ra lúc này thì cô ta sẽ ngậm chặt miệng lại hay đứng dậy bỏ về ngay lập tức. Vậy là hắn tiếp tục hỏi han, cố tỏ ra tự nhiên. Hắn hỏi cô ta vì sao đến khoa này, rồi gặp Lula lần đầu tiên ra sao.
Rochelle vẫn hết sức nghi ngại, ban đầu cô ta trả lời nhát gừng, nhưng dần dần cô ta nói nhiều hơn. Chuyện đời Rochelle thật đáng thương. Bị lạm dụng từ nhỏ, được nhà nước nhận bảo trợ, rồi phát bệnh tâm thần nặng, qua nhiều gia đình nhận nuôi tạm bợ, gây gổ đánh nhau và cuối cùng trở thành vô gia cư năm mười sáu tuổi. Rochelle chỉ được điều trị bệnh tâm thần hẳn hoi sau khi bị tai nạn xe hơi. Cô ta được đưa vào bệnh viện sau tai nạn nhưng không làm chủ được hành vi, khiến việc chữa trị vô cùng khó khăn. Cuối cùng người ta đành phải mời bác sĩ chuyên khoa tâm thần đến. Bây giờ Rochelle đang dùng thuốc, nếu uống đều thì triệu chứng cải thiện đáng kể. Strike thấy mủi lòng: với Rochelle, lớp trị liệu ở bệnh viện St Thomas, nơi cô ta từng gặp Lula, lại là một sự kiện quan trọng mỗi tuần. Cách cô ta nói về anh bác sĩ tâm thần trẻ tuổi phụ trách nhóm bệnh nhân của khu ngoại trú khá trìu mến.
“Vậy là cô gặp Lula ở đó?”
“Ông anh cổ không kể chiện đó hở?”
“Ông ấy không nhớ chi tiết.”
“Ờ, Lula vô nhóm tui. Cổ được giới thiệu tới.”
“Rồi hai người nói chuyện với nhau.”
“Ờ.”
“Rồi thành bạn bè?”
“Ờ.”
“Cô có hay ghé nhà Lula chơi không? Tắm hồ bơi?”
“Bộ tui tới đó không được hở?”
“Không phải. Tôi chỉ hỏi vậy thôi.”
Cô ta hơi dịu xuống.
“Tui không thích bơi lắm. Vui gì chuyện nhúng ngập mặt dưới nước. Tui đi tắm bồn mát-xa. Rồi tụi tui đi mua sắm này nọ.”
“Lula có hay nói chuyện với cô về mấy người hàng xóm không, mấy người ở cùng tòa nhà đó?”
“Mấy người Bestigui đó hả? Cũng có. Cổ không ưa gì họ. Con mẹ đó là đồ chó cái.” Rochelle nói, tự dưng đổi giọng giang hồ.
“Tại sao cô nói vậy?”
“Anh gặp bả chưa? Bả nhìn tui bộ như con này là rác rưởi.”
“Lula thấy bà ta ra sao?”
“Cổ cũng không ưa gì bả hay lão chồng. Cha đó tởm lắm.”
“Tởm sao?”
“Tởm là tởm thôi chớ sao,” Rochelle đáp, có phần mất kiên nhẫn, nhưng rồi thấy Strike im lặng, cô ta nói tiếp. “Chả cứ kè kè đi theo mời cổ xuống nhà dưới chơi mỗi khi bà vợ đi khỏi.”
“Lula có xuống không?”
“Không đời nào,” Rochelle đáp.
“Chắc cô hay nói chuyện với Lula lắm?”
“Ừ, nói hoài, mà ban… Ừ, vậy đó.”
Cô ta nhìn ra cửa sổ. Trời chợt đổ mưa, người đi đường luống cuống. Những giọt mưa trong suốt rắc lấm tấm lên tấm kính cửa cạnh chỗ họ ngồi.
“Ban đầu?” Strike hỏi. “Sau đó thì không nói chuyện nhiều nữa hả?”
“Tui sắp phải đi đây.” Rochelle trịnh trọng thông báo. “Tui có công chuyện.”
“Những người như Lula,” Strike nói, dò dẫm, “hay chướng. Có nhiều lúc không được tử tế. Vì họ muốn cái gì là được…”
“Tui không phải là người hầu,” Rochelle giận dữ nói.
“Có lẽ vì vậy mà Lula thích cô? Vì Lula thấy cô cư xử ngang hàng, chứ không như mấy người bám đuôi…”
“Đúng rồi, y vậy đó.” Rochelle đáp, có vẻ xuôi xuôi. “Tui thấy cổ cũng chẳng ghê gớm gì.”
“Cô cũng thấy tại sao Lula muốn kết bạn với cô đó, tại cô thẳng thắn…”
“Đúng rồi.”
“Rồi hai người có điểm chung là cùng có bệnh, đúng không? Vậy nên cô hiểu Lula hơn mấy người khác.”
“Tui da đen nữa,” Rochelle nói, “cổ muốn thấy như người da đen thiệt sự.”
“Lula có nói gì với cô về chuyện đó không?”
“Có chứ.” Rochelle đáp. “Cổ muốn biết cổ ở đâu ra, thuộc về chỗ nào.”
“Cô ấy có nói chuyện đi tìm gia đình ruột thịt không?”
“Ờ, có chứ. Rồi cổ… ừm…”
Rochelle đột ngột dừng lại.
“Cô ấy có tìm ra ai không? Người cha chẳng hạn?”
“Không. Không tìm ra. Kiểu gì mà tìm được.”
“Vậy sao?”
“Ờ, vậy đó.”
Cô ta bắt đầu ăn rất nhanh. Strike sợ là ăn xong cô ta sẽ đứng dậy bỏ đi mất.
“Hôm cô gặp Lula ở Vashti, Lula có buồn phiền gì không?”
“Có, cổ buồn lắm.”
“Có nói cho cô biết tại sao không?”
“Chả cần lý do gì hết. Bịnh mờ.”
“Nhưng cổ có nói là đang buồn, đúng không?”
“Ờ,” Rochelle trả lời, sau một thoáng ngập ngừng.
“Hai người hôm đó hẹn đi ăn trưa đúng không?” Strike hỏi tiếp. “Kieran kể với tôi là có lái xe chở Lula tới gặp cô. Cô biết Kieran chứ? Kieran Kolovas-Jones?”
Gương mặt Rochelle dịu lại, khóe miệng hơi nhếch lên.
“Ờ, tui có biết tay đó. Ờ, cổ tới Vashti gặp tui.”
“Nhưng không ở lại ăn trưa?”
“Không. Cổ mắc đi đâu đó.” Rochelle đáp.
Cô ta cúi đầu uống cà phê, cốc giấy che ngang mặt.
“Vậy tại sao Lula không gọi điện trước cho cô? Cô có điện thoại mà, đúng không?”
“Ờ, tui có điện thoại.” Cô ta gằn giọng giận dữ, rút trong túi áo khoác ra một con Nokia đời đầu, đính đầy hạt cườm hồng màu mè.
“Vậy tại sao Lula lại không gọi điện báo, để cô khỏi phải đi tới Vashti cho mất công?”
Rochelle gầm gừ.
“Vì cổ không muốn dùng điện thoại, sợ mấy người đó nghe trộm.”
“Nhà báo à?”
“Ờ”
Cô ta đã ăn gần hết bánh.
“Nhưng nhà báo chắc không quan tâm lắm tới chuyện hôm đó Lula không tới Vashti được, nhỉ?”
“Ai mà biết.”
“Lúc đó cô không thấy có gì kỳ lạ hả, Lula đi một đoạn dài như vậy chỉ để tới nói rằng cô ấy không ở lại ăn trưa được?”
“Ờ.” Rochelle đáp. Rồi cô ta tuôn nguyên một tràng:
“Nếu có tài xế riêng thì mắc mớ gì? Thích đi đâu thì kêu họ chở đi, khỏi tốn thêm tiền, chớ gì? Cổ đi ngang qua, sẵn chạy vô nói với tui là không ở lại được vì mắc về nhà gặp con khốn Ciara Porter.”
Rochelle có vẻ ân hận vì lỡ dùng từ “con khốn”. Cô ta mím môi lại, như thể ngăn không cho mình nói thêm những thứ như vậy nữa.
“Vậy hôm đó Lula chỉ làm có chừng đó thôi? Cô ấy đi vào trong cửa hàng, nói với cô là ‘Tôi không ở lại được. Tôi phải về nhà để gặp Ciara’ rồi đi về?”
“Ờ, đại loại,” Rochelle đáp.
“Kieran nói hay chở cô về tận nhà mỗi khi cô đi chơi chung với Lula.”
“Ờ,” cô ta đáp. “Nhưng hôm đó cổ bận, được chưa?”
Rochelle rõ là không biết cách che giấu vẻ ấm ức ganh tị.
“Kể lúc trong cửa hàng đi. Hôm đó hai người có thử áo quần gì không?”
“Có” Rochelle đáp, sau khi im lặng một lúc. “Cổ có thử đồ.” Lại ngập ngừng. “Áo đầm dài hiệu Alexander McQueen. Ông đó cũng tự tử heng.” Cô ta nói thêm, vẻ xa xăm.
“Cô có đi vào phòng thử đồ với Lula không?”
“Có.”
“Lúc trong phòng thử đồ thì sao?” Strike hỏi dò.
Cặp mắt của Rochelle làm Strike nhớ đến cặp mắt một con bò đực hắn từng phải đối mặt lúc còn nhỏ xíu: sâu hoắm, nhìn thoáng qua thấy lạnh lùng, khó hiểu.
“Cổ mặc cái đầm vô.” Rochelle trả lời.
“Cô ấy không làm gì khác hả? Không gọi cho ai hả?”
“Không. À mà có. Hình như có gọi.”
“Cô có biết cổ gọi cho ai không?”
“Tui không nhớ.”
Cô ta lại uống cà phê, nâng chiếc cốc giấy lên che hết mặt.
“Phải gọi cho Evan Duffield không?”
“Cũng có thể.”
“Cô cố nhớ xem Lula nói gì?”
“Không nhớ.”
“Một nhân viên cửa hàng có nghe thấy Lula có nói chuyện điện thoại. Hình như Lula hẹn gặp ai tại nhà tối khuya hôm đó. Cô nhân viên nghe là hình như hẹn lúc một hai giờ sáng.”
“Vậy hả?”
“Như vậy thì chắc không phải là Duffield rồi, vì Lula đã hẹn gặp anh ta trước đó ở Uzi mà?”
“Anh biết nhiều quá hả?” Rochelle mỉa.
“Ai cũng biết hôm đó hai người gặp nhau ở Uzi,” Strike đáp. “Báo đăng vậy mà.”
Rất khó nhận ra đồng tử Rochelle giản nở ra sao, vì hai mống mắt cũng có màu đen thẫm.
“Ờ ha.” Rochelle đấu dịu.
“Có phải Lula gọi cho Deeby Macc không?”
“Không có!” Cô ta ré lên, bật cười. “Cổ không có số của ông đó.”
“Mấy người nổi tiếng chắc dễ xin số lẫn nhau.” Strike đáp.
Vẻ mặt Rochelle đanh lại. Cô ta nhìn xuống màn hình trống trơn trên chiếc điện thoại hồng lòe loẹt.
“Tui nghĩ cổ không có,” cô ta nói.
“Nhưng cô có nghe thấy Lula hẹn gặp ai tối khuya hôm đó không?”
“Không,” Rochelle đáp, không nhìn vào mắt Strike, lắc cặn cà phê quanh cốc. “Tui không nhớ gì như vậy hết.”
“Cô có biết việc này quan trọng ra sao không?” Strike nói, cố không làm Rochelle sợ. “Nếu Lula quả thật có hẹn gặp ai vào đêm cô ấy chết? Cảnh sát không hề biết chuyện này, đúng không? Cô vẫn chưa nói gì với cảnh sát hết?”
“Tui phải đi,” cô ta nói, nuốt trọn miếng bánh cookie cuối cùng, nắm lấy dây đeo túi xách và trừng mắt nhìn Strike.
Strike cố gạn:
“Gần tới trưa rồi. Để tôi mời cô thêm món gì nhé?”
“Không cần.”
Nhưng cô ta vẫn đứng yên tại chỗ. Strike tự hỏi không biết Rochelle túng thiếu ra sao, có được ăn uống thường xuyên không. Ở Rochelle có một điều gì đó làm cho người ta cảm động, trái với vẻ cáu kỉnh bề ngoài: vừa kiêu hãnh dữ dội vừa dễ tổn thương.
“Thôi được rồi,” cô ta đáp, thả túi xách ra rồi ngồi phịch trở lại xuống ghế cứng. “Cho tui một cái Big Mac.”
Strike sợ rằng cô ta sẽ bỏ đi khi hắn đến quầy mua bánh, nhưng khi hắn mang hai khay thức ăn quay lại, Rochelle vẫn ngồi đó. Cô ta còn miễn cưỡng nói cảm ơn.
Strike thử cách khác.
“Cô thân với Kieran lắm hả?” hắn hỏi, lần theo chút tươi tỉnh trên gương mặt cô ta khi nhắc đến tên anh chàng lái xe.
“Ờ,” cô ta đáp, hơi lung túng. “Tui gặp ảnh hoài. Ảnh hay lái xe cho Lula.”
“Anh ta nói là Lula có viết gì đó khi ngồi sau xe trên đường tới Vashti. Cô ấy có đưa cho cô xem không?”
“Không,” cô ta trả lời, ăn ngấu nghiến khoai tây chiên, rồi lại nói tiếp. “Tui không thấy cái gì như vậy hết. Mà sao anh hỏi, cổ viết gì vậy?”
“Tôi không biết.”
“Chắc là viết ra mấy món cần mua hở?”
“Cảnh sát cũng nghĩ vậy. Cô có chắc là hôm đó cô không thấy Lula mang theo một mẫu giấy, giấy viết thư chẳng hạn, hay một phong bì gì đó?”
“Ờ. Tui chắc mà. Kieran có biết chuyện anh đi gặp tui không?” Rochelle thắc mắc.
“Có, tôi có nói là sẽ đi gặp cô. Anh ta nói hồi trước cô ở St Elmo.”
Rochelle trông có vẻ hài lòng.
“Giờ cô ở đâu vậy?”
“Mắc gì tới anh?” cô ta đốp chát, giận dữ xù lông trở lại.
“Không mắc gì tới tôi hết. Tôi chỉ hỏi thăm vậy thôi.”
Rochelle hừ mũi một tiếng.
“Giờ tui có chỗ riêng ở Hammersmith rồi.”
Cô ta nhai nhóp nhép một lúc, rồi tự dưng nói thêm mà không đợi Strike hỏi gì cả.
“Tụi tui hay nghe nhạc Deeby Macc trong xe. Tui, Kieran với Lula.”
Rồi cô ta bắt đầu đọc rap:
Khỏi cần hydroquinone, đen từ trong ra ngoài
Dám coi thường Deeby, thì lo đi mua quan tài
Tao cứ lái Ferrari – kệ mẹ Johari – tao không có điên à
Có tiền là có tất
Mít-tờ Jake, biết không, biết không hả.
Gương mặt Rochelle đầy hãnh diện, như thể cô ta vừa làm cho Strike cứng họng, hết đường hỏi tiếp.
“Bài Hydroquinone,” cô ta nói tiếp. “Trong album Jake on My Jack.”
“Hydroquinone là gì vậy?” Strike hỏi.
“Kem trắng da. Hồi đó tụi tui hay bật cửa sổ xe xuống rồi cùng rap.” Rochelle nói. Nụ cười ấm áp khi nhớ lại chuyện cũ khiến gương mặt thô kệch của Rochelle sáng hẳn lên.
“Hẳn là Lula rất háo hức muốn gặp Deeby Macc?”
“Ờ, cổ rất háo hức,” Rochelle trả lời. “Cổ biết ổng thích cổ, cổ vui lắm. Kieran cũng rất nóng ruột, cứ nhờ Lula giới thiệu hoài. Ảnh cũng muốn gặp Deeby.”
Nụ cười của Rochelle tan dần, cô ta rầu rĩ vọc cái hamburger, rồi nói:
“Anh hỏi đủ chưa? Tôi phải đi giờ.”
Cô ta bắt đầu ăn vội chỗ còn lại, nhồm nhoàm.
“Lula có hay dẫn cô đi chỗ này chỗ kia không?”
“Có,” Rochelle vừa nhai vừa nói.
“Cô có hay đi Uzi với Lula không?”
“Có đi. Một lần.”
Cô ta nuốt thức ăn rồi bắt đầu kể những nơi cô ta từng đến khi mới kết bạn với Lula. Mặc cho Rochelle cố tỏ ra là không hề bị choáng ngợp trước lối sống của cô bạn người mẫu triệu phú, câu chuyện cô ta kể nghe lãng mạn như cổ tích. Cứ như thể Lula kéo Rochelle ra khỏi thế giới ảm đạm của nhà trọ St Elmo và những buổi trị liệu, mỗi tuần một lần lại đưa cô ta đến những nơi vui vẻ xa xỉ. Strike để ý thấy Rochelle hầu như không đề cập đến cá tính của Lula, mà chủ yếu kể về cô như là chủ nhân tấm thẻ nhựa thần kỳ, có thể mua được mọi loại túi xách, áo khoác, đồ trang sức, và cả anh chàng Kieran thường xuyên xuất hiện như ông thần đèn, sẳn sàng đem Rochelle đi khỏi St Elmo. Cô ta mô tả kỹ càng, rất tha thiết những món quà Lula đã mua tặng, các cửa hàng hai người thường đến, nhà hàng rồi quầy bar, những nơi toàn người nổi tiếng. Vậy mà dường như không có điều gì gây ấn tượng với Rochelle cả, vì mỗi khi thốt ra một cái tên cô ta lại kèm theo một câu chê bai.
“Thằng đó đểu.” “Con đó giả tạo thấy ớn.” “Mấy người đó chẳng có gì ghê gớm.”
“Cô có gặp Evan Duffield không?” Strike hỏi.
“Nó?” Giọng nhát gừng của Rochelle đầy khinh bỉ. “Nó là thằng khốn nạn.”
“Vậy sao?”
“Ờ, vậy đó. Hỏi Kieran thì biết.”
Dường như Rochelle và Kieran đứng về một phía, hai người duy nhất tỉnh táo nhận ra đám bạn bè khốn nạn dở hơi của Lula.
“Khốn nạn ra sao?”
“Đối xử với Lula chẳng ra quái gì.”
“Như thế nào kia?”
“Bán chuyện của cổ cho báo,” Rochelle nói, với tay bốc chỗ khoai tây chiên còn lại. “Có lần cổ thử hết mọi người. Kể mỗi người nghe một chuyện, để xem chuyện nào bị lộ ra báo. Tui là người duy nhất ngậm miệng lại, còn ai cũng bán cổ hết.”
“Cô ấy thử những ai?”
“Ciara Porter. Thằng Duffield. Rồi cái ông Guy Summy nữa.” Rochelle phát âm chữ “Guy” giống như Strike từng nhầm. “Nhưng rồi cổ nghĩ không phải ổng. Nói là ổng bị gài sao đó. Nhưng mà ổng lợi dụng cổ cũng thua gì ai.”
“Lợi dụng ra sao?”
“Ổng không muốn cổ làm cho ai khác. Muốn cổ chỉ làm cho công ty ổng, để mình ổng nổi tiếng.”
“Vậy là sau khi Lula biết cô ấy có thể tin cô…”
“Ờ, cổ mua điện thoại cho tui.”
Rochelle sựng lại một giây, rồi nói tiếp.
“Để mà khi nào muốn là nói chuyện được liền.”
Cô ta với tay chụp cái Nokia màu hồng, kéo nó một đường trên bàn rồi nhét sâu vào túi áo khoác.
“Vậy thì giờ cô phải tự trả tiền điện thoại nhỉ?” Strike hỏi.
Hắn cứ nghĩ kiểu gì cô ta cũng sẽ đốp chát, chửi hắn nhiều chuyện, nhưng không. Rochelle đáp:
“Nhà cổ không biết họ vẫn đang trả tiền.”
Dường như chuyện này khiến cô ta khá đắc chí, theo kiểu hơi gian manh.
“Áo khoác cũng của Lula tặng à?” Strike hỏi.
“Không,” cô ta gằn giọng, tức tối tự ái. “Tui tự mua. Tui đang đi làm.”
“Vậy hả? Cô làm ở đâu vậy?”
“Mắc gì tới anh?” Cô ta hỏi lại.
“Tôi chỉ hỏi lịch sự vậy thôi.”
Khuôn miệng rộng của Rochelle thoáng nở một nụ cười mong manh, ngắn ngủi. Cô ta dịu lại.
“Tui làm ca chiều trong tiệm gần nhà.”
“Cô đang ở nhà trọ mới hả?”
“Không,” cô ta nói. Strike cảm thấy khó mà dò thêm được. Hắn đổi hướng.
“Chắc cô sốc lắm lúc nghe tin Lula chết?”
“Ờ, sốc,” cô ta nói, dường như không suy nghĩ, rồi sau đó mới nhận ra mình vừa nói gì, vội vã thêm vào. “Tui biết cổ bị chầm cảm, nhưng mà không nghĩ cổ làm vậy.”
“Vậy cô thấy hôm đó Lula không có vẻ gì là sắp tự tử cả?”
“Đâu biết. Tui gặp cổ có chút xíu mà.”
“Lúc cô nghe tin Lula chết, cô đang ở đâu vậy?”
“Trong nhà trọ. Nhiều người biết tôi quen với Lula, Janine đánh thức tui dậy để báo tin.”
“Và ngay lập tức cô nghĩ là Lula tự tử?”
“Ờ. Tui phải đi giờ. Tui đi đây.”
Rochelle dứt dạt, trước khi Strike kịp nghĩ ra thêm cớ để níu cô ta lại. Cô ta loay hoay mặc chiếc áo lông kệch cỡm rồi khoác túi xách qua vai.
“Cho tui gởi lời thăm Kieran.”
“Được rồi. Tôi sẽ nhắn.”
“Bái bai.”
Rochelle lạch bạch đi ra khỏi tiệm ăn, không hề ngoáy nhìn lại.
Strike nhìn theo Rochelle đi ngoài cửa sổ, đầu cô ta cúi xuống, hàng chân mày nhíu lại. Hắn cứ nhìn vậy cho tới khi Rochelle đi khỏi tầm mắt. Trời đã tạnh mưa. Vẻ lơ đãng, hắn kéo khay thức ăn của Rochelle về phía mình và ăn hết mấy miếng khoai tây chiên còn sót lại.
Rồi hắn đứng bật dậy, nhanh đến nỗi cô nhân viên đội mũ lưỡi trai vừa tiến đến dọn bàn giật bắn cả người, nhảy lui lại một bước và khẽ kêu lên. Strike vội vã ra khỏi McDonald, ngược lên phố Grantley.
Rochelle đứng ở góc đường, nổi bật với chiếc áo lông màu hồng đỏ trong đám người đi bộ đang chờ đèn tín hiệu đổi màu. Cô ta nói liên tục vào chiếc điện thoại màu hồng. Strike đuổi kịp Rochelle, hòa vào đám người đằng sau cô ta. Khi Strike khệnh khạng chen vào, người ta liền xích ra để tránh hắn.
“…muốn biết hôm đó cổ hẹn gặp ai… à, với lại…”
Rochelle quay đầu lại nhìn xe cộ và nhận ra Strike đang ở ngay sau lưng. Cô ta thôi áp điện thoại vào tai, bấm nút tắt cuộc gọi ngay lập tức.
“Gì nữa?” Cô ta hỏi, giọng hung hăng.
“Cô gọi ai vậy?”
“Anh lo thân anh đi!” Cô ta giận dữ nói. Những người đang đứng đợi cũng ngoái lại nhìn. “Anh theo dõi tôi hả?”
“Ờ.” Strike đáp. “Nghe này.”
Đèn tín hiệu đổi màu, chỉ có mỗi Strike và Rochelle là không bắt đầu bước đi. Đám người chung quanh chen lên, hối hả sang đường.
“Cho tôi xin số điện thoại của cô được không?”
Đôi mắt bò tót trừng trừng nhìn Strike, vẫn vô hồn, lạnh nhạt và bí hiểm.
“Để làm gì?”
“Kieran nhờ tôi xin số cô.” Hắn nói dối. “Lúc nãy tôi quên mất. Anh ta nói là hình như cô để quên kính râm trong xe.”
Strike không nghĩ là Rochelle tin lời hắn hoàn toàn, nhưng một lúc sau cô cũng đọc số điện thoại, hắn viết lại vào mặt sau tấm danh thiếp.
“Có vậy thôi hả?” Cô ta lại hung hăng. Cô ta đi băng băng đến giữa đường, nơi có chỗ đứng chờ sang đường cho người đi bộ. Đèn tín hiệu lại đổi màu. Strike đi cà nhắc theo sau Rochelle. Cô ta tỏ vẻ giận dữ và bực mình vì hắn cứ bám theo.
“Gì?”
“Tôi nghĩ là cô biết điều gì đó mà không nói với tôi, Rochelle à.”
Cô ta trừng mắt nhìn hắn.
“Cầm lấy cái này,” Strike nói, rút ra thêm một tấm danh thiếp từ túi áo khoác. “Nếu cô muốn kể thêm cho tôi gì nữa thì cứ gọi, được không? Gọi vào số di động đó.”
Cô ta không trả lời.
“Nếu Lula bị giết thật,” Strike lên tiếng, một chiếc xe vừa chạy ngang qua, nước mưa lấp lánh trong rãnh thoát ngay dưới chân hai người, “mà cô biết điều gì đó, cô cũng có thể bị nguy hiểm, thủ phạm có thể quay sang hại cô.”
Câu nói của Strike làm Rochelle thoáng nhếch mép cười, có vẻ tự đắc và coi thường. Rõ là Rochelle không nghĩ cô ta đang gặp nguy hiểm. Cô ta nghĩ mình an toàn tuyệt đối.
Hai người đi bộ khi đèn tín hiệu chuyển màu xanh. Rochelle hất mái tóc khô cứng, gấp gáp qua đường. Cô ta đi đứng lạch bạch, thô kệch, điện thoại nắm bằng một tay còn tay kia giữ chặt tờ danh thiếp. Strike đứng một mình giữa đường, nhìn theo Rochelle, cảm thấy vừa bất lực vừa bất an. Có thể cô ta chưa bao giờ bán câu chuyện của Lula cho báo chí. Nhưng Strike không tin là cô ta mua nổi chiếc áo khoác hàng hiệu trông có vẻ đắt đỏ (mặc dù hắn thấy vô cùng xấu xí) chỉ bằng tiền lương phụ việc bán hàng.
9
Ngã tư phố Tottenham Court và Charing Cross vẫn còn ngổn ngang. Lòng đường đầy những rãnh đào rộng, các lối đi dựng bằng tấm nhựa trắng và đám công nhân đội mũ bảo hộ. Strike vừa đi vừa hút thuốc, len giữa hai hàng rào thép, ngang qua đám máy đào ầm ĩ đầy gạch đá, rồi mấy người thợ làm đường la hét gọi nhau và sau cùng là những cái máy khoan ồn ào.
Strike thấy rã rời, đau đớn. Chân phải đau buốt, người ngợm vẫn chưa tắm rửa, lại vừa ăn những thứ dầu mỡ nặng bụng. Hắn đột ngột rẽ ngang phố Sutton Row, tránh xa tiếng ồn đào xới trên đường để gọi cho Rochelle. Cuộc gọi vào thẳng hộp thư thoại, có thu sẵn giọng khàn khàn của cô ta: Rochelle đã cho số thật. Strike không để lại lời nhắn nào, hắn đã nói hết những gì cần nói, vậy mà hắn vẫn không thấy yên tâm. Hắn nghĩ biết đâu lúc nãy nên kín đáo đi theo, xem thử cô ta sống ở đâu.
Strike quay lại phố Charing Cross, mệt mỏi lê bước về văn phòng qua những lối đi tạm có che tấm nhựa. Hắn nhớ lại cái cách Robin đánh thức hắn buổi sáng hôm nay: cú gõ cửa tế nhị, tách trà nóng, cố ý tránh không nhìn cái gường xếp. Đáng ra hắn không được sơ suất đến vậy. Quay mặt chỗ khác khi Robin mặc đầm bó sát vẫn chưa đủ. Từ xã giao đến gần gũi vẫn còn nhiều con đường khác. Lúc sáng hắn không hề muốn giải thích chuyện vì sao hắn ngủ luôn trong văn phòng, hắn rất sợ những câu hỏi riêng tư. Vậy mà hắn lại hớ hênh, Robin đã gọi hắn là Cormoran, rồi lại nhắc hắn cài nút áo. Đáng ra hắn không được ngủ quên.
Strike leo lên cầu thang sắt, ngang qua cánh cửa đóng chặt của Crowdy Graphis. Hắn quyết định ngày hôm đó hắn sẽ tỏ ra hơi lạnh lùng một chút với Robin, để bù lại vụ hở bụng lông lá hồi sáng.
Vừa nghĩ xong hắn nghe thấy tiếng cười lảnh lót. Hai giọng nữ đang trò chuyện vọng ra từ văn phòng.
Strike đứng im, dỏng tai nghe và bắt đầu hoang mang. Hắn vẫn chưa gọi lại cho Charlotte. Hắn cố nghe thử có phải giọng cô ta không. Hắn chẳng ngạc nhiên gì nếu Charlotte đến thẳng văn phòng, niềm nở với cô nhân viên tạm thời, vừa tìm kiếm đồng minh vừa kể lể mọi chuyện theo ý cô ta. Hai giọng phụ nữ lại cười rộ lên lần nữa, hắn vẫn không nhận ra được là ai.
“Ê Stick,” giọng nói vui vẻ cất lên khi hắn mở cánh cửa gương.
Lucy em gái hắn đang ngồi trên chiếc sofa cũ kỹ, tay cầm tách cà phê, dưới chân chất đống những túi mua hàng từ Marks and Spencer và John Lewis.
Strike chưa kịp thở dài nhẹ nhõm vì người khách không phải là Charlotte, thì lại bắt đầu lo lắng không hiểu Lucy và Robin vừa nói những chuyện gì và hai người đã biết gì về những chuyện riêng tư của hắn. Hắn choàng tay ôm Lucy, để ý thấy Robin đã đóng cánh cửa phòng riêng của hắn lại.
“Robin nói sáng nay anh bận đi do thám,” Lucy luôn có vẻ hào hứng mỗi khi được đi mua sắm một mình, không phải kèm theo Greg và mấy thằng nhóc.
“Thám tử thì phải đi do thám chứ.” Strike đáp. “Mới đi shopping hả?”
“Đúng rồi, Sherlock.”
“Đi uống cà phê không?”
“Có sẵn đây rồi nè, Stick,” cô em gái trả lời, giơ tách cà phê lên. “Hôm nay anh không có tinh ý gì cả. Chân đau hả?”
“Không.”
“Anh có gặp Chakrabati chưa?”
“Mới gặp,” Strike nói dối.
“Nếu không có gì,” Robin nói, vừa mặc áo khoác. “Tôi đi ra ngoài ăn trưa chút nhé. Tôi vẫn chưa nghỉ trưa.”
Vụ cố tỏ thái độ lạnh lùng với Robin mà hắn vừa định bụng mấy phút trước, bây giờ rõ là vừa không cần thiết vừa nhẫn tâm. Cô tế nhị hơn bất kỳ người phụ nữ nào Strike từng gặp.
“Được rồi, Robin, cô cứ đi.” Hắn đáp.
“Rất vui được biết chị, Lucy,” Robin nói, rồi vẫy tay và biến mất sau cánh cửa gương đóng lại.
“Em rất thích cổ,” Lucy nhiệt tình nhận xét, ngay khi tiếng bước chân của Robin nghe đã xa. “Cổ rất hay. Anh nên giữ cổ lại làm cố định luôn.”
“Ừ, cổ làm rất tốt.” Strike trả lời. “Hai người cười chuyện gì vậy?”
“Ả, chuyện chồng chưa cưới của cổ… nghe rất giống Greg. Robin nói anh đang làm một vụ quan trọng lắm. Không sao. Cổ rất kín đáo. Cổ chỉ nói là một vụ tự tử nhiều nghi vấn. Vậy thì chắc tệ lắm.”
“Không phải vụ đầu tiên. Hồi tại ngũ anh cũng có làm mấy vụ như vậy rồi.”
Nhưng hắn đoán là Lucy không thèm nghe gì nữa. Em gái hắn hít một hơi sâu. Hắn biết cô sắp nói chuyện gì.
“Stick, anh với Charlotte chia tay rồi hả?”
Đằng nào cũng phải nói.
“Ừ, chia tay rồi.”
“Stick!”
“Không có sao hết, Luce à. Anh ổn mà.”
Vẻ háo hức lúc nãy của Lucy biến mất hoàn toàn, thay vào đó là sự giận dữ và thất vọng. Strike kiên nhẫn chờ đợi, vừa mệt mỏi vừa đau đớn, trong khi Lucy tuôn nguyên một tràng: nào là cô rảnh quá mà, thể nào Charlotte kiểu gì cũng sẽ diễn lại trò đó; cô ta lôi kéo hắn khỏi Tracey, làm hắn phải dở dang sự nghiệp trong quân đội, cô ta làm hắn khổ sở, thuyết phục hắn vào ở chung rồi bây giờ đá hắn như vậy…
“Là anh bỏ đi, Luce à,” hắn đáp. “Còn anh với Tracey đã chấm dứt từ lâu trước khi…” nhưng nói gì cũng vô ích, như thể cố làm dung nham núi lửa đang trào ra phải chảy ngược vào trong: tại sao hắn lại không nhận ra rằng Charlotte sẽ không bao giờ thay đổi, rằng cô ta chỉ quay lại vì bốc đồng nông nổi, vì khi đó hắn bị thương và được tặng huy chương? Con đàn bà phản trắc đó chỉ giả vờ đóng vai thiên thần hộ mệnh rồi lại chán ngay; đúng là loại người nguy hiểm thâm độc, chỉ muốn phá hoại đời người khác, làm cho người ta đau đớn thì mới thấy sung sướng được…
“Anh bỏ đi mà, là quyết định của anh…”
“Từ đó đến giờ anh ở đâu? Chuyện xảy ra khi nào? Con đĩ đó… không, em xin lỗi, Stick… nhưng em sẽ không giả vờ nữa… nó gây cho anh đủ chuyện qua chừng đó năm… Trời ơi, Stick, tại sao anh không cưới Tracey?”
“Luce, làm ơn, đừng nói chuyện đó nữa.”
Hắn dẹp mấy túi đồ John Lewis qua một bên, trong túi có mấy cái quần đùi và bít tất con trai. Hắn ngồi xuống bên cạnh Lucy. Hắn biết trông hắn lúc này rất nhếch nhác luộm thuộm. Lucy sắp bật khóc, được ngày đi shopping đang vui thì lại nghe chuyện này.
“Chắc anh không muốn nói với em vì anh nghĩ là em sẽ phản ứng như vậy?” Cuối cùng Lucy nghẹn ngào lên tiếng.
“Cũng có nghĩ tới.”
“Được rồi, em xin lỗi.” Lucy nói, giận dữ. Đôi mắt vẫn ngân ngấn nước. “Nhưng mà cái con đĩ đó… Trời ạ, anh phải nói với em là anh sẽ không bao giờ quay lại với nó nữa. Làm ơn hứa vậy đi.”
“Anh sẽ không quay lại với cô ta nữa.”
“Giờ anh ở đâu? Chỗ Nick và Ilsa hả?”
“Không. Anh thuê một chỗ ở Hammersmith.” (nơi đầu tiên hắn nghĩ đến, giờ đây luôn làm hắn liên tưởng đến người vô gia cư) “Một phòng ngủ.”
“Ôi Stick… tới ở nhà em đi!”
Hắn nghĩ ngay đến căn phòng dành riêng cho khách sơn tuyền một màu xanh và nụ cười gượng gạo của Greg.
“Luce, anh hài lòng với chỗ ở mới. Anh chỉ muốn tập trung làm việc và ở một mình một thời gian.”
Mất nữa tiếng sau hắn mới tiễn được Lucy ra khỏi văn phòng. Ban đầu Lucy ân hận vì đã nổi nóng, rối rít xin lỗi, nhưng ngay sau đó lại cố thanh minh, vậy là thêm một bài công kích Charlotte nữa. Cuối cùng khi Lucy cũng chịu đi về, hắn tiễn em gái xuống cầu thang, xách giùm mấy túi đồ và luôn tiện cố tránh không cho Lucy nhìn thấy đám thùng đựng đồ vẫn còn ngoài hành lang, rồi tống tiễn cô em gái vào một chiếc taxi đen ở cuối phố Denmark.
Lucy nhìn hắn qua cửa sổ xe, gương mặt tròn trịa lem nhem mascara. Hắn cố nhe răng cười, vẫy tay chào rồi đốt thêm một điếu thuốc nữa, thầm nghĩ những kỹ thuật tra tấn tù nhân ở Guantanamo so với màn cảm thông chia sẻ của Lucy xem ra hãy còn nhẹ chán.
10
Mỗi khi mua bánh mì ăn trưa Robin thường mua luôn cho Strike, nếu trưa hôm đó hắn cũng có trong văn phòng, rồi tự thanh toán lại bằng tiền chi vặt trong hộp.
Hôm nay cô không vội quay trở lại. Cô để ý thấy rằng, mặc dù Lucy có vẻ không nhận ra, nhưng trông Strike rất buồn khi nhìn thấy cô và Lucy đang nói chuyện. Gương mặt của hắn khi mới về lại văn phòng trông rầu rĩ như lần đầu tiên cô gặp hắn.
Robin hi vọng là cô đã không nói với Lucy những điều Strike không muốn cô nói. Lucy không hẳn là cố ý dò hỏi, nhưng hỏi nhiều câu rất khó trả lời.
“Cô đã gặp Charlotte chưa?”
Robin đoán đây ắt hẳn là cô vợ cũ hay người yêu xinh đẹp, người chạy ào ra khỏi văn phòng hôm đầu tiên cô đến làm việc. Hai người suýt tí nữa va vào nhau, nhưng như thế không đủ tính là “đã gặp”. Cô trả lời:
“Tôi vẫn chưa.”
“Lạ thật.” Lucy khẽ cười gượng gạo. “Tôi cứ nghĩ ắt hẳn cô ta muốn gặp cô.”
Tự dưng lúc đó Robin thấy cần trả lời:
“Tôi chỉ là nhân viên tạm thời thôi.”
“Vậy thì đã sao.” Lucy nói, có vẻ hiểu ý câu đó hơn cả Robin.
Chỉ tới lúc này đây, khi đi thẩn thơ giữa những kệ hàng đầy những gói khoai giòn, không tập trung chọn lựa, Robin mới lờ mờ nhận ra Lucy định nói gì. Robin đoán ắt hẳn Lucy có ý khen cô xinh đẹp, chỉ có điều cứ nghĩ đến khả năng Strike đang tán tỉnh mình là cô cảm thấy thật khó chịu.
(“Matt, nói thật, anh mà thấy anh ta… anh ta to như gấu, mặt mày như mấy tay đấm bốc mới bị ăn đòn. Không hề quyến rũ một chút nào cả, kiểu gì cũng phải trên bốn mươi tuổi, rồi…” cô cố gắng tiếp tục tấn công ngoại hình của Strike, “anh ta còn có mái tóc như tổ chim nữa.” Matt chỉ nguôi ngoai chuyện Robin vẫn còn đi làm cho Strike sau khi cô đã chính thức chấp nhận chỗ mới ở công ty tư vấn truyền thông.)
Robin lấy bừa hai gói khoai giòn vị muối và giấm rồi tiến thẳng đến quầy tính tiền. Cô vẫn chưa nói với Strike rằng cô sẽ nghỉ việc sau hai tuần rưỡi nữa.
Nói xong chuyện Charlotte, Lucy chuyển sang dò hỏi tình hình làm ăn của văn phòng thám tử quèn của ông anh. Robin cố nói hết sức mơ hồ, cô suy luận rằng nếu Lucy không biết gì về tình hình tiền nong của Strike, ắt hẳn hắn đã có ý giấu em gái. Robin nghĩ rằng Strike chắc muốn cô em gái nghĩ công việc của hắn đang rất tốt, nên cô kể rằng vị thân chủ mới nhất là người rất giàu có.
“Ly dị à?” Lucy hỏi.
“Không,” Robin nói. “Là một vụ… nhưng mà tôi có ký cam kết bảo mật rồi… thực ra là điều tra lại một vụ tự tử.”
“Ảnh chưa nói gì với cô hả? Thực ra nhiều người biết. Mẹ của tụi tôi cũng nổi tiếng, mẹ tôi là… như người ta hay nói, fan nữ cuồng, có phải gọi vậy không?” Nụ cười của Lucy trở nên gượng gạo, giọng nói của cô ta mặc dù cố tỏ ra bình thản, nhưng vẫn trở nên chua chát. “Trên internet có hết. Giờ cái gì cũng có trên đó nhỉ? Mẹ tôi chết vì chơi thuốc quá liều, người ta nói là tự tử, nhưng Stick luôn nghĩ là có tay ông chồng cũ nhúng vào. Nhưng chẳng chứng minh được gì cả. Stick rất giận. Chuyện đó kinh khủng, tồi tệ lắm. Có vẻ vì vậy mà vị thân chủ đó chọn Stick – Tôi đoán lại là một vụ chơi thuốc nữa hả?”
Robin không trả lời, Lucy vẫn nói tiếp:
“Lúc đó Stick bỏ ngang đại học rồi xin vào quân cảnh. Gia đình rất là thất vọng. Ảnh rất thông minh, cô biết đó, chưa có ai trong nhà tôi vô được trường Oxford, trừ ảnh ra. Vậy mà ảnh dứt khoát nhập ngũ. Nhưng như vậy cũng hợp với Stick. Ảnh làm việc trong đó cũng rất tốt. Tôi cứ nghĩ phải chi ảnh đừng có giải ngũ. Ảnh mà cứ ở trong đó, ngay cả với cái chân bị thương vậy vẫn…”
Robin vẫn cố tỏ ra dửng dưng, không hề chớp mắt.
Lucy nhấp trà.
“Cô ở Yorkshire mà cụ thể là khu nào?”
Câu chuyện sau đó nhẹ nhàng hơn hẳn, cho tới khi Strike bước vào. Lúc đó, hai người vẫn còn đang cười chuyện Matthew ra tay sửa sang đồ đạc trong nhà, qua sự mô tả của Robin.
Nhưng giờ đây khi Robin quay trở lại văn phòng, mang theo bánh mì và hai túi khoai giòn, cô thấy mình càng tội nghiệp Strike hơn nữa. Cô đã biết chuyện hắn vừa chia tay với vợ (hay cô bồ khá lâu năm), phải ngủ ngay trong văn phòng, và bị thương khi tại ngũ. Hôm nay cô biết thêm mẹ hắn chết không minh bạch trong hoàn cảnh rất bi đát.
Robin thừa biết mặc dù thấy tội Strike, cô vẫn không kiềm được sự tò mò. Một lúc nào đó, cô sẽ lên mạng tìm kiếm những thông tin xoay quanh cái chết của Leda Strike. Nhưng cùng lúc, cô lại cảm thấy tội lỗi vì đã vô tình biết thêm được một phần đời của Strike mà hắn không muốn cô biết, như khi nhìn thấy chỗ bụng lông lá lúc sáng. Cô biết hắn là một người rất kiêu hãnh và tự chủ. Đó cũng là những cá tính mà cô rất thích và ngưỡng mộ ở Strike, mặc cho Matthew chế nhạo chuyện hắn ta ngủ giường xếp, đồ đạc thì đóng thùng để ở ngoài hành lang, rồi ăn uống tạm bợ. Matthew cho rằng sống như vậy thì chỉ có loại trác táng hoặc vô tích sự.
Robin ngờ ngợ nhận ra không khí trong văn phòng có chút gì khác thường. Strike đang ngồi trước máy tính của cô, gõ phím liên tục. Hắn cảm ơn khi cô đưa bánh mì nhưng không nghỉ giải lao mười phút để nói chuyện như thường lệ.
“Tôi cần máy tính khoảng vài phút nữa, cô ngồi đợi ở sofa được không?” Hắn hỏi, tay vẫn gõ phím.
Robin không biết Lucy có kể lại với Strike những chuyện hai người vừa nói. Cô hi vọng là Lucy không nói gì cả. Rồi tự dưng cô thấy tức tối vì đã có cảm giác tội lỗi, suy cho cùng cô có làm gì sai. Sự bực bội đó khiến cô kiềm lại, không hỏi Strike xem hắn đã gặp được Rochelle Onifade chưa, mặc dù cô rất muốn biết.
“A ha,” Strike lên tiếng.
Hắn vừa tìm thấy chiếc áo khoác gắn lông màu hồng mà Rochelle mặc sáng nay trên trang web của hãng thời trang Ý. Chiếc áo mới được tung ra chỉ có hai tuần, bán giá một ngàn năm trăm bảng.
Robin đợi Strike giải thích tiếng cảm thán vừa rồi. Nhưng hắn vẫn im lặng.
“Anh có tìm ra cô ấy không?” Robin hỏi khi hắn quay ra, tháo lớp giấy gói bánh mì.
Hắn kể lại chuyện đi gặp Rochelle nhưng không còn vẻ nhiệt tình và cảm kích như lúc sáng, khi hắn liên tục gọi cô là “thiên tài”. Giọng Robin khi cô báo cáo kết quả mấy cuộc điện thoại cũng lạnh lùng không kém.
“Tôi gọi cho Hiệp hội Luật gia hỏi về hội thảo ở Oxford ngày bảy tháng Giêng.” Cô nói. “Tony Landry có tới dự. Tôi giả vờ là một người gặp Tony trong hội thảo nhưng sau đó đánh mất danh thiếp của ông ấy.”
Trông hắn chẳng có vẻ gì quan tâm đến những thông tin đó, cũng không thèm khen ngợi sự nhanh trí của Robin. Cuộc nói chuyện vãn dần trong sự bất mãn của cả hai.
Màn đối đầu với Lucy khiến Strike thực sự mệt mỏi, hắn chỉ muốn ngồi một mình. Hắn cũng ngờ rằng Lucy đã kể cho Robin nghe về Leda. Lucy rất xót xa người mẹ chịu tai tiếng từ khi còn sống tới lúc chết đi, nhưng thỉnh thoảng lại hành động rất vô lý, đụng ai cũng muốn kể cho bằng hết, đặc biệt là những người không hề quen biết. Có lẽ là một kiểu xả hơi tâm lý, bởi Lucy vốn rất kín tiếng với đám bạn bè trung lưu về quá khứ của mình. Cũng có thể là một cách tự vệ, vì em gái hắn luôn lo lắng vì không biết người ta biết gì về mình rồi, nên cứ phải nói hết ra những chuyện không hay ho, trước khi đối phương kịp dò đến. Nhưng hắn không muốn Robin biết gì về bà Leda, về cái chân cụt, hay về Charlotte, hay bất cứ mọi chủ đề đau đớn nào mà Lucy luôn sẵn sàng tra hỏi mỗi khi gặp hắn.
Trong lúc mệt mỏi chán chường, Strike đánh đồng Robin với đám đàn bà nhiều chuyện cứ không để cho hắn yên. Hắn đâm ra cau có với cô một cách vô lý. Hắn định đem hồ sơ ra quán Tottenham ngồi làm việc hết buổi chiều, để tha hồ ngồi một mình suy nghĩ mà không bị ai cắt ngang hay tra hỏi gì cả.
Robin cảm nhận rõ sự thay đổi đó. Nhìn cách Strike im lặng nhai bánh mì, cô phủi sạch vụn bánh trên áo rồi nghiêm nghị và nhanh chóng báo cáo lại những tin nhắn khi sáng.
“John Bristow có có gọi đến, để lại số di động của Marlene Higson. Ông ấy cũng đã liên lạc được với Guy Somé, có thể gặp anh mười giờ sáng thứ Năm tại studio trên phố Blunkett nếu tiện. Chỗ đó ở Chiswwick, gần Strand-on-the-Green.”
“Tốt lắm. Cảm ơn.”
Sau đó hai người hầu như không nói gì nữa. Strike ngồi lì quán Tottenham gần hết buổi chiều, quay lại văn phòng lúc đã năm giờ kém mười. Đến lúc đó cả hai vẫn chưa hết bối rối. Hôm đó cũng là lần đầu tiên hắn thấy nhẹ người khi Robin đứng dậy ra về.
Phần Bốn
Optimumgue est, ut volgv dixere, aliena insania frui.
Sự đời đã tỏ xưa nay
Người khôn phải biết dùng tay kẻ khờ.
- Pliny the Elder, Historia Naturalis
1
Sáng sớm thứ Năm Strike đến Hội sinh viên Đại học London để tắm rửa và mặc quần áo tươm tất hơn thường lệ trước khi đi gặp Guy Somé tại studio riêng. Từ trang web của Guy Somé, hắn biết tay này rất khoái mấy thứ như quần áo cao bồi mặc ngoài bằng da đã sờn, cà vạt bằng lưới thép và băng quấn đầu màu đen trông như cắt ra từ những chiếc mũ quả dưa cũ. Biết vậy và cũng hơi muốn trêu ngươi, hắn cố tình ăn mặc thật chỉn chu. Hắn chọn bộ complet màu xanh đậm mặc hôm đến nhà hàng Cipriani.
Studio của Guy Somé là một nhà kho cũ từ thế kỷ mười chín, nằm bên bờ bắc sông Thames. Mặt nước sông lấp lánh làm Strike chói mắt khi hắn đi tìm lối vào vì không có biển chỉ dẫn gì cả. Bên ngoài nhà kho không hề có lấy một cái bảng hiệu.
Cuối cùng hắn tìm ra một cái chuông cửa lắp kín đáo, cũng không có tên tuổi dán kèm. Hắn bấm chuông, cửa mở tự động từ bên trong. Hành lang trống trải, thông thoáng, có điều hòa mát lạnh. Có tiếng leng keng lách cách. Trước mắt hắn hiện ra một cô gái tóc đỏ như cà chua, mặc đồ đen từ đầu đến chân, tay đeo rất nhiều vòng bạc xủng xoảng.
“Ô,” Cô ta thốt lên khi thấy Strike.
“Tôi có hẹn với ông Somé lúc mười giờ,” hắn nói, “Cormoran Strike.”
“Ô,” cô ta thốt lên lần nữa. “Ô kê.”
Cô ta biến mất, cũng với âm thanh leng keng đó. Trong khi chờ đợi Strike gọi cho Rochelle Onifade. Kể từ hôm gặp Rochelle mỗi ngày hắn đều gọi khoảng mười lần. Vẫn không ai nghe máy.
Một phút sau, một người đàn ông da đen nhỏ bé đột ngột xuất hiện, bước về phía Strike. Ông ta mang giày lót cao su, đi đứng nhẹ nhàng như mèo. Khi đi ông ta lắc hông hơi quá, phần thân trên lẫn hai cánh tay gần như bất động, trừ hai bờ vai đung đưa.
Guy Somé thấp hơn Strike dễ cũng đến ba tấc và chừng như chỉ có khoảng một phần trăm mỡ của hắn. Ông ta mặc áo thun ôm sát màu đen, phía trước ngực áo có hàng trăm cái khuy bạc nhỏ xíu tạo thành gương mặt Elvis Presley kiểu ba chiều, trông như một món đồ chơi tạo hình từ bản đinh. Lạ lùng hơn nữa, dưới lớp áo Lycra bó sát đó là sáu múi bụng rõ rệt. Somé mặc quần jean bó màu xám, có sọc nhỏ màu sẫm mờ mờ, mang giày thể thao màu đen hình như làm từ da bóng lẫn da lộn.
Gương mặt Guy Somé tương phản lạ lùng với thân hình gọn gàng chắc nịch. Mặt ông ta đầy những đường cong có phần thái quá: hai mắt lồi ra như mắt cá ở hai bên đầu. Hai gò má như cặp táo tròn, căng bóng và khuôn miệng rộng hình thoi với cặp môi rất dày. Đầu của Somé gần như một quả cầu nhỏ tròn trịa. Trông ông ta giống một bức tượng gỗ mun, tác phẩm của một anh nghệ nhân lành nghề, một hôm đâm chán nên buồn tay đục gõ thành biếm họa.
Ông ta đưa bàn tay ra, cổ tay hơi uốn lại.
“À, cũng có chút giống Jonny đó chứ,” ông ta lên tiếng, nhìn thẳng vào mặt Strike. Ông ta nói eo éo, có âm hưởng giọng người phía Đông thành phố. “Nhưng dữ dằn hơn.”
Strike bắt tay ông ta. Ngón tay ông ta coi vậy mà siết rất chặt. Cô gái tóc đỏ cũng vừa leng keng quay lại.
“Một tiếng tới tôi bận rồi, không nhận cuộc gọi nào cả nhé Trudie,” Somé dặn dò cô ta. “Đem ít trà bánh lên luôn cưng.”
Ông ta quay người điệu đàng, mời Strike đi theo.
Hai người đi dọc theo hành lang sơn trắng, qua một cánh cửa mở sẵn. Một người đàn bà châu Á mũi tẹt khoảng cỡ tuổi trung niên đang khoát tấm vải mỏng dát vàng lên người hình nộm. Bà ta nhìn Strike chằm chằm qua lớp vải. Căn phòng quanh chỗ bà ta đứng bật đèn sáng trưng như phòng phẫu thuật, đầy những chiếc bàn cắt vải với vô số vải vóc chồng lên nhau. Trên tường dán rất nhiều các bản vẽ nháp, ảnh chụp và ghi chú. Một người đàn bà tóc vàng nhỏ nhắn xuất hiện. Strike thấy y như bà ta đang mặc trên người một đoạn gạc băng vết thương khổng lồ màu đen. Bà ta nhìn Strike, cũng kiểu lạnh lùng, ngây ngô như cô Trudie tóc đỏ lúc nãy. Strike thấy trong không gian này mình thật to lớn và lông lá, cứ như thể hắn là con voi ma mút xù xì đang tìm cách trà trộn vào bầy khỉ mũ nhỏ nhắn.
Hắn theo chân nhà thiết kế đang oai vệ đi về phía cuối hành lang, lên cầu thang xoắn ốc bằng thép và cao su. Trên đó là một khu văn phòng rộng lớn, sơn trắng, hình chữ nhật. Tường bên phải là cửa gương lớn chạy từ trần đến sàn, nhìn ra sông Thames và bờ nam rất hoành tráng. Những bức tường trắng còn lại đều có treo ảnh. Strike để ý đến ngay tấm ảnh dài chừng ba mét phóng lớn từ tác phẩm “Thiên thần mắc đọa” tai tiếng, treo trên bức tường đối diện bàn làm việc của Somé. Nhìn kỹ hơn hắn nhận ra kiểu ảnh hơi khác so với tấm hình đã được đăng khắp thế giới. Trong tấm ảnh này, Lula cười rũ rượi, hất đầu về phía sau. Cần cổ thẳng tắp nổi bật trên mớ tóc dài xộc xệch vì cười, để lộ nhũ hoa sẫm màu. Ciara Porter vẫn ngước nhìn Lula, gương mặt vẻ như sắp cười, dường như chỉ vừa kịp hiểu vì sao Lula cười. Cũng như trong tấm hình đã quá nổi tiếng, người xem lập tức bị Lula cuốn hút.
Lula có ở khắp nơi trong căn phòng. Ở bên trái, cô ta đứng chung với một nhóm người mẫu khác, mặc áo lót trong suốt bảy màu cầu vồng. Xa hơn một chút là một tấm chụp nghiêng, trên môi và mí mắt dán vàng lá. Phải chăng Lula luôn biết điều khiển gương mặt mình trước ống kính, để cảm xúc luôn được thể hiện một cách tuyệt mỹ? Hay gương mặt đó chỉ là một bề mặt trong veo, phản chiếu tự nhiên những cảm xúc của cô?
“Kê đít xuống đâu cũng được.” Somé lên tiếng, ngồi phịch xuống chiếc ghế đằng sau bàn làm việc bằng gỗ sẫm màu và thép, trên mặt bàn đầy những bản vẽ. Strike kéo ra một chiếc ghế làm bằng một dải nhựa dẻo trong uốn éo. Trên bàn còn có một áo thun in hình Công nương Diana, màu mè như kiểu thánh mẫu Mexico. Chiếc áo đính đầy thủy tinh và hạt cườm, thêm một trái tim đỏ chót bằng vải satin bóng có thêu hình vương miện đặt lệch.
“Anh thích không?” Somé hỏi khi thấy Strike đang nhìn chiếc áo.
“Ồ thích chứ.” Strike nói dối.
“Bán sạch hết, dân Công giáo gửi thư chửi rủa nào là bất kính với lại khiếm nhã, Joe Mancura mặc một cái như vậy trong show Jools Holland. Tôi đang nghĩ làm thêm một mẫu tay dài mặc mủa đông với hình Hoàng tử William kiểu Chúa Jeus. Hay là làm Hoàng tử Harry, cho ở truồng cầm khẩu AK47 che chỗ súng ống? Anh thấy sao?”
Strike mỉm cười cho phải phép. Somé bắt chéo chân, chỉnh tư thế điệu hơn mức cần thiết rồi lại lên tiếng, giọng màu mè kẻ cả:
“Vậy ra ông Kế toán nghĩ là Cuckoo bị giết? Tôi luôn gọi Lula là ‘Cuckoo’ ấy mà,” ông ta giải thích không cần thiết.
“Đúng vậy, nhưng John Bristow là luật sư.”
“Tôi biết, nhưng Cuckoo và tôi luôn gọi ông ta là ông Kế toán. Thực ra là tôi gọi, thỉ thoảng Cuckoo mới hùa theo, nếu đang bực ổng. Ông ta suốt ngày xía mũi vào phần trăm lời lãi của Cuckoo, làm gì với ai cũng bòn tới từng xu. Chắc lão trả thù lao cho anh cũng bèo lắm?”
“Thực ra ông ấy trả gấp đôi.”
“Ồ vậy sao. Chắc giờ có tiền của Cuckoo nữa nên hào phóng hơn được một chút.”
Somé cắn móng tay, nhìn ông ta Strike tự nhưng nhớ đến Kieran Kolovas-Jones. Hai người này có vóc dáng khá giống nhau, nhỏ con nhưng cân đối.
“Thôi được, nói vậy cũng hơi ác mồm,” Somé lên tiếng, bỏ tay ra khỏi miệng. “Tôi chưa bao giờ ưa nổi John Bristow. Ông ta lúc nào cũng kè kè đi theo Cuckoo. Người đâu chán bỏ mẹ. Giống như bóng kín vậy đó, làm bộ hoài. Anh nghe ông ta ca nguyên bài về bà mẹ chưa? Đã gặp bà bạn gái của ổng chưa? Nói không ngoa, đàn bà gì mà như đeo nguyên bộ râu.”
Somé bức xúc tuôn ra một tràng miệt thị rồi tạm tốp lại để mở ngăn kéo thiết kế ẩn dưới bàn, rút ra một gói thuốc lá bạc hà. Strike để ý thấy Somé cắn móng tay còn cụt ngủn.
“Gia đình vậy đó hỏi sao Cuckoo khỏi khùng khùng như vậy được. Tôi hay nói với nó, ‘Bỏ quách họ đi, cưng ơi, bỏ đi rồi mới sống tiếp được.’ Nhưng nó không bỏ. Cuckoo là vậy đó, cứ lo mấy chuyện phí công vô ích.”
Ông ta mời Strike một điếu thuốc trắng muốt, tay thám tử từ chối. Somé bật quẹt Zippo có khắc hình để đốt thuốc, rồi vừa đóng bập nắp lại, vừa nói:
“Phải chi lúc đó tôi nghĩ ra chuyện đi thuê thám tử tư. Trước giờ chưa hề mảy may nghĩ tới nữa mà. Tôi mừng là có người đứng ra thuê. Kkhông thể tin con bé tự tử. Bác sĩ tâm lý nói là tôi vẫn đang tự dối mình. Hiện giờ tôi phải làm tâm lý trị liệu một tuần hai lần, chẳng ăn thua nước mẹ gì. Nếu uống Valium mà vẫn làm việc được, chắc tôi cũng chơi cả đống như phu nhân Bristow. Một tuần sau vụ của Cuckoo tôi có thử qua nhưng nốc vô là dật dờ cả buổi. Nhưng chắc nhờ vậy mới chịu được hết đám tang.”
Lại tiếng leng keng lách cách báo hiệu Trudie đang tới gần. Cô ta đi lên cầu thang, dần dần ló ra trước mắt hai người. Trudie đặt lên bàn một cái khay bằng gỗ sơn mài đen đựng hai ly uống trà kiểu Nga có viền chạm bạc. Trong ly là một thứ nước màu xanh tái bốc khói với vài lá bạc hà héo thả nổi. Trên khay còn có một đĩa bánh quy mỏng dính, trông như làm bằng than đá. Strike rầu rĩ nhớ lại món bánh nhân thịt, khoai tây nghiền và tách trà sữa màu gỗ gụ ở quán Phoenix.
“Đi đi,” Somé cằn nhằn. “Ở đây tôi là sếp, nếu muốn tôi đốt hết cái nhà này cho coi. Tháo cục pin ra khỏi mấy cái máy báo động đi. Nhưng mà đem gạt tàn lên đây trước đã.”
“Tuần trước máy báo cháy kêu ầm ĩ, rồi vòi nước tự động mở tứ tung dưới nhà.” Somé giải thích. “Vậy nên bây giờ mấy tay tài trợ cấm tụi tôi hút thuốc trong nhà. Cấm cái đít.”
Ông ta rít một hơi sâu rồi phả khói thuốc ra đằng mũi.
“Anh không hỏi han gì hả? Hay anh chỉ ngồi đó làm mặt ngầu tới khi nào có người chịu nhận tội?”
“Thì hỏi vậy.” Strike nói, rút ra cây sổ và cây viết. “Khi Lula chết anh còn đang ở nước ngoài phải không?”
“Tôi mới vừa về nước vài tiếng trước đó.” Ngón tay của Somé đặt trên điếu thuốc khẽ giật nhẹ. “Trước đó tôi ở Tokyo, suốt tám ngày hầu như không ngủ chút nào. Về tới phi trường Heathrow lúc mười rưỡi tối, bị lệch múi giờ, oải thấy ông bà ông vãi. Tôi không ngủ trên máy bay được. Lỡ máy bay có rơi thì còn biết.”
“Anh đi từ sân bay về bằng xe gì?”
“Taxi tại chỗ. Elsa quên không thuê xe riêng cho tôi. Đáng ra phải có tài xế chờ sẵn để đón chớ.”
“Elsa là ai vậy?”
“Là con bé thư ký sau đó bị tôi đuổi thẳng vì tội quên thuê xe. Tôi rất ghét phải đi tìm taxi vào giờ đó.”
“Anh sống một mình hả?
“Không. Tới nửa đêm tôi đã nằm trong chăn với Viktor và Rolf rồi. Hai đứa đó là mèo tôi nuôi,” Ông ta nói thêm, nhếch mép cười. “Tôi uống một viên Ambien, ngủ vài tiếng rồi tỉnh dậy khoảng hồi năm giờ sáng. Tôi bật kênh Sky News lên, một cha đội mũ lông cừu gớm ghiếc, đứng giữa tuyết ngay trước nhà Cuckoo nói là nó đã chết. Dòng tin chạy trên màn hình cũng ghi vậy.”
Somé rít thêm một hơi thuốc sâu, làn khói trắng bay ra khi ông ta mở miệng.
“Tôi sốc muốn chết theo luôn. Tôi tưởng mình vẫn còn ngủ, hay thức dậy ở một chiều không gian khác hay gì đó… Tôi bắt đầu gọi điện lung tung… Ciara, Bryony… máy ai cũng bận. Vừa gọi tôi vừa nhìn màn hình, hi vọng là họ sẽ báo tin có sự nhầm lẫn nào đó, rằng người vừa chết không phải là Cuckoo. Tôi thầm cầu nguyện người đó là cái con nhỏ bụi đời. Rochelle.”
Ông ta dừng lại, như thể đợi Strike bình luận. Hắn vừa cắm cúi ghi chép, vừa hỏi:
“Anh biết Rochelle à?”
“Có biết. Cuckoo mang nó vào đây một lần. Cái thứ la liếm.”
“Tại sao anh nói vậy?”
“Nó hận Cuckoo. Ganh ghét muốn nổ mắt mà. Tôi biết rõ, dù Cuckoo không nhận ra. Nó chơi với Cuckoo để kiếm chác chứ quan tâm gì chuyện Cuckoo còn sống hay đã chết. Cũng may cho nó, vì hóa ra…
"Vậy là tôi cứ ngồi đó coi tin tức, càng coi thì càng biết chắc không có sự nhầm lẫn nào cả. Tôi muốn quỵ ngã.”
Mấy ngón tay của ông ta run nhè nhẹ trên điếu thuốc trắng như tuyết đang hút dở.
“Họ nói là hàng xóm có nghe tiếng cãi nhau, nên ngay lập tức tôi nghĩ là Duffield. Tôi nghĩ hẳn Duffield đã xô Cuckoo qua cửa sổ. Lúc đó tôi sẵn sàng nói toạc cho đám lợn háo tin biết Duffield là thằng khốn như thế nào. Tôi sẵn sàng ra tòa làm chứng bản chất khốn nạn của nó. Và nếu bây giờ tàn thuốc rơi xuống đây,” ông ta nói tiếp, giọng điệu vẫn y chang không đổi. “Tôi sẽ đuổi thẳng cổ con đĩ con kia.”
Cứ như thể vừa nghe thấy ông ta nói gì, ngay lúc đó, tiếng bước chân dồn dập của Trudie mỗi lúc một lớn hơn. Cô ta bước vào phòng, thở hổn hển, tay nắm chặt cái gạt tàn thủy tinh nặng trịch.
“Cảm ơn cưng,” Somé nói, khẽ vẫy tàn thuốc khi cô ta vừa đặt gạt tàn xuống bàn rồi gấp gáp đi xuống cầu thang.
“Tại sao anh nghĩ là Duffield?” Strike hỏi khi đã chắc Trudie không thể nghe được.
“Cuckoo còn có thể mở cửa cho ai khác vào nhà lúc hai giờ sáng được?”
“Anh có biết rõ Duffield không?”
“Kha khá, một thằng vô tích sự.” Somé cầm ly trà bạc hà lên. “Tại sao đàn bà cứ đâm đầu vào những thằng như vậy? Cuckoo cũng vậy… nó không hề ngu ngốc chút nào, trái lại nó rất sắc sảo – vậy nó thấy gì ở cái thằng Evan Duffield đó? Để tôi nói anh nghe,” ông ta nói tiếp, không cần Strike trả lời. “Ba cái thứ thi sĩ quèn đau khổ nhảm nhí, nỗi đau tâm hồn cứt khô gì đó, rồi mấy trò thiên-tài-khổ-tâm-không-buồn-tắm-rửa. Thằng ranh, súc miệng cho sạch rồi hẵng mở ra. Cứ làm như mình là thi hào Byron cái quái gì.”
Ông ta đặt ly trà xuống, bàn tay trái đỡ lấy khuỷu tay phải, giữ vững cánh tay và tiếp tục rít thuốc thật sâu.
“Không thằng nào chịu nổi cái thứ như Duffield. Chỉ có bọn đàn bà. Một kiểu bản năng làm mẹ méo mó gì đó.”
“Anh nghĩ Duffield có thể ra tay giết Lula hay sao?”
“Tất nhiên là tôi nghĩ vậy,” Somé nói, thờ ơ. “Tất nhiên là nó ra tay được. Ai cũng có phần con, ai cũng sẵn chút máu giết người, thì tại sao Duffield lại là ngoại lệ? Thằng đó đầu óc như một đứa mười hai tuổi hỗn xược. Tôi có thể tưởng tượng ra hắn giận dữ, làm um sùm và rồi…”
Somé làm động tác xô một cú thật lực bằng cánh tay không cầm thuốc.
“Có lần tôi thấy nó chửi mắng con bé. Ngay tại tiệc sau show của tôi hồi năm ngoái. Tôi tới giữa hai người, nói có có ngon thì chơi thằng này. Tôi chỉ là một thằng bóng quèn,” Somé nói, hai gò má tròn trĩnh đanh lại, “nhưng lúc nào tôi cũng sẵn sàng tẩn cho thằng chó đó một trận. Hôm đi đám tang nó cũng khốn kiếp lắm.”
“Thật vậy sao?”
“Ừ. Lảo đảo đi quanh, phê thuốc trắng mắt. Không biết phép tắc cái quái gì. Hôm đó tôi cũng phải uống thuốc an thần, nếu không tôi đã tới nói hết vào mặt hắn. Còn giả vờ đau khổ nữa, cái thứ đạo đức giả.”
“Anh không bao giờ nghĩ là Lula tự tử?”
Cặp mắt lồi lạ lùng của Somé nhìn xoáy vào Strike.
“Không bao giờ. Duffield nói khi đó hắn đang đi mua thuốc, có đội mũ hóa trang chó sói. Bằng chứng ngoại phạm cái quỷ quái gì vậy? Mong là anh có kiểm tra kỹ lại cái thằng này. Đừng bị choáng ngợp trước nó, như đám cảnh sát.”
Strike nhớ lại nhận xét của Wardle về Duffield.
“Tôi nghĩ cảnh sát cũng không thấy Duffield choáng ngợp gì.”
“Hóa ra gu của họ cũng không đến nỗi tệ như tôi tưởng.” Somé đáp.
“Tại sao anh lại chắc chắn Lula không thể tự tử? Chẳng phải cô ấy từng bị bệnh tâm thần sao?”
“Đúng vậy, nhưng tụi tôi có hứa với nhau một chuyện, giống như Marilyn Monroe và Montgomery Clift. Tụi tôi thề là nếu đứa nào nghĩ tới chuyện tự tử thì phải gọi cho đứa kia. Nên chắc chắn nó đã gọi tôi, nếu nó định tự tử thật.”
“Lần cuối cùng anh nói chuyện với Lula là khi nào?”
“Nó gọi cho tôi hôm thứ Tư, khi tôi còn ở Tokyo,” Somé đáp. “Con nhỏ ngớ ngẩn, không nhớ đó với đây lệch nhau tới tám giờ. Tôi đã tắt chuông điện thoại nên lúc nó gọi hồi hai giờ sáng tôi không cầm máy, nhưng nó để lại tin nhắn, hoàn toàn không có vẻ gì là sắp nhảy lầu cả. Anh nghe này.”
Ông ta lại mở ngăn kéo bàn, lấy điện thoại ra, nhấn vài nút rồi đưa cho Strike.
Giọng Lula Landry vang lên thật gần, sống động, hơi khàn khàn ngay bên tai Strike. Cô ta cố tình giả giọng đân phía Đông thành phố để trêu Somé.
“Phẻ hông cưng ơi? Có chuyện này muốn nói, không chắc là cưng nghe xong sẽ thích nhưng mà là chuyện lớn thiệt. Em vui quá, chỉ muốn nói cho ai đó nghe. Khi nào được thì gọi ngay cho em. Ô kê, gọi liền nha,” cô ta kết thúc tin nhắn, giả vờ hôn vào điện thoại “muah muah”.
Strike trả điện thoại lại cho Somé.
“Vậy anh có gọi lại cho cô ấy không? Anh có biết chuyện lớn đó là chuyện gì không?”
“Không,” Somé dụi điếu thuốc, ngay lập tức rút ra thêm một điếu nữa. “Bọn Nhật xếp lịch họp liên tiếp, cứ mỗi khi tôi vừa định gọi thì lại kẹt vụ giờ giấc. Dù sao thì… nói thực với anh, có lẽ tôi biết nó sắp nói gì, tôi chẳng vui vẻ gì cả. Chắc nó có bầu.”
Somé gục gặc, điếu thuốc cắn trong miệng. Rồi ông ta lấy điếu thuốc ra và nói:
“Ừ đó, tôi nghĩ chắc Lula có bầu mẹ nó rồi.”
“Của Duffield?”
“Khi đó tôi vẫn mong là không phải vậy. Tôi chẳng biết vụ hai đứa nó quay lại với nhau. Cuckoo không dám quay lại với thằng đó nếu tôi vẫn còn ở Anh, vậy là nó đợi tôi đi Nhật, con nhỏ láo toét. Nó biết tôi ghét thằng kia nên không muốn làm phật ý tôi. Tụi tui như người trong nhà vậy.”
“Tại sao anh nghĩ là Lula có thai?”
“Nghe giọng nó. Anh nghe rồi đó – nó có vả rất phấn khích… Tôi ngờ ngợ vậy. Cuckoo hay làm những việc như vậy, rồi nghĩ là tôi cũng sẽ vui như nó, mặc kệ công việc, mặc kệ tôi với dòng hàng phụ kiện mới…”
“Có phải là hợp đồng năm triệu bảng mà anh cô ấy nói với tôi không?”
“Đúng vậy, tôi đoán lão Kế toán bắt nó phải đòi càng nhiều càng tốt,” Somé đáp, vẻ rất giận dữ. “Cuckoo không phải là người thích bòn tôi từng xu như vậy. Nó thừa biết vụ này sẽ rất hoành tráng, sẽ đưa nó lên một đẳng cấp mới nếu nó làm cho tôi. Đâu phải chuyện tiền bạc không. Hình ảnh của nó luôn đi liền với mấy thứ tôi làm. Nó chỉ thực sự nổi tiếng sau khi chụp cho Vogue một kiểu mặc áo đầm Jagged của tôi. Cuckoo mê đồ của tôi. Nó cũng khoái tôi. Nhưng đời là vậy. Cứ leo lên được một chút thì thiên hạ bắt đầu xúm vào tâng bốc, vậy là quên luôn ai đưa mình lên. Rồi tự dưng chỉ có tiền và tiền.”
“Nhưng ắt hẳn anh nghĩ cô ấy xứng đáng, mới chấp nhận trả năm triệu bảng?”
“Ừ thì vậy, nhưng tôi thiết kế nguyên loạt đó cho riêng nó, nên chẳng có gì hay ho nếu phải tranh thủ chụp ảnh để né vụ bầu bí. Và tôi cũng có thể tưởng tượng ra sau đó Cuckoo sẽ hành xử ngớ ngẩn ra sao. Nó sẽ bỏ hết vì không muốn xa con. Nó là kiểu người vậy đó, luôn đi tìm người khác để thương, luôn muốn có một gia đình riêng. Mấy người nhà Bristow phá đời nó hoàn toàn. Họ xin nó về như mua món đồ chơi mới cho Yvette, mụ đàn bà đáng sợ nhất thế gian.”
“Đáng sợ như thế nào?”
“Ích kỷ. Bịnh hoạn. Không muốn Cuckoo đi khỏi tầm mắt, sợ nó chết như cái đứa trước đó. Phu nhân Bristow thường đến dự tất cả các show, rất vướng chân vướng cẳng, cho tới khi phát bịnh mới chịu thôi. Rồi thêm ông cậu coi Lula như rác, cho tới khi nó kiếm được bộn tiền mới bày đặt nể nang. Đám người nhà Bristow chỉ biết có tiền.”
“Gia đình đó vốn giàu có, không phải vậy sao?”
“Alec Bristow chẳng để lại bao nhiêu, theo nghĩa đen. Thực tình chẳng có của cải gì ghê gớm. Không như ông già của anh đâu. Nhưng tại sao,” Somé tự nhiên đổi hướng câu chuyện, “con trai của Jonny Rokeby lại đi làm thám tử tư?”
“Việc ai người đó làm,” Strike đáp. “Nói tiếp về nhà Bristow đi.”
Somé không có vẻ gì là bực bội với cách nói chuyện không hề nhún nhường của Strike, dường như còn thích là đằng khác, có lẽ vì hiếm ai dám nói vậy với ông ta.
“Tôi chỉ nhớ Cuckoo kể là gia sản của Alec Bristow chủ yếu là cổ phiếu trong công ty cũ, mà công ty Albris thì từ hồi khủng hoảng đã te tua xơ mướp. Công ty quèn, có phải như Apple apiếc gì. Hồi chưa đầy hai mươi tuổi Cuckoo đã kiếm được nhiều tiền hơn cả đám đó.”
“Tấm kia,” Strike lên tiếng, chỉ tay về phía tấm hình “Thiên thần mắc đọa” khổng lồ ngay sau lưng Somé, “nằm trong hợp đồng năm triệu bảng phải không?”
“Đúng vậy,” Somé đáp. “Bốn cái túi xách đó mở đầu cho chiến dịch quảng cáo. Cái Cuckoo đang cầm trong tay là “Cashile”. Tôi đặt tên châu Phi cho tất cả mấy cái túi đó, cũng vì Cuckoo. Nó rất mê châu Phi. Nó đào đâu ra được một bà mẹ đĩ điếm, nói rằng cha nó là người châu Phi. Vậy là Cuckoo mê mệt luôn, chưa gì đã nói chuyện đi học ở đó, rồi đi làm tình nguyện… mà không hề nghĩ là con đĩ già kia có khi từng ngủ với khoảng năm mươi thằng đen Caribe cũng có. Châu Phi gì. Con mụ đó chỉ nói cho Cuckoo sướng tai.”
“Vậy anh quyết định vẫn tiếp tục dùng tấm hình đó trong chiến dịch quảng cáo sắp tới, ngay cả khi Lula vừa mới…”
“Báo biếc khốn nạn. Tấm hình đó là để tưởng niệm nó!” Somé lớn tiếng. “Đó là tấm hình đẹp nhất của nó từ trước đến giờ. Tôi dùng tấm hình để tưởng nhớ Cuckoo, để nhớ đến hai đứa tụi tôi. Cuckoo là nàng thơ của tôi. Nếu mấy thằng khốn đó không hiểu nổi thì kệ chúng nó, vậy thôi. Báo chí ở cái xứ này chẳng ra cái quái gì. Cứ tưởng ai cũng rác rưởi như mình.”
“Hôm trước khi Lula chết có người gởi cho cô ấy mấy cái túi xách…”
“Đúng rồi, là của tôi đó. Tôi gởi mỗi kiểu một cái.” Somé vừa nói vừa chỉ về phía tấm hình bằng đầu thuốc lá. “Tôi cũng luôn tiện gởi cho Deeby Macc vài thứ.”
“Ông ta đặt hàng hả, hay…?”
“Của chùa, cưng à.” Somé dài giọng. “Làm ăn phải vậy. Vài cái áo thun dày liền mũ thiết kế riêng và mấy thứ phụ kiện. Cứ cho sao siếc khoác vào thì không trật được.”
“Ông ta có mặc mấy thứ đó không?”
“Tôi không biết,” giọng Somé trầm xuống. “Ngay hôm sau đã phải nghĩ nhiều chuyện khác.”
“Tôi có xem một đoạn phim của Deeby Macc trên YouTube. Ông ta mặc một cái áo có đính khuy như cái này,” Strike nói, chỉ tay vào ngực Somé. “Có hình nắm đấm.”
“Đúng rồi, tôi có gởi cái áo đó với vài thứ khác. Chắc người ta chuyển lại. Một cái có hình nắm đấm, một cái có hình súng ngắn, đằng sau lưng in lời bài hát.”
“Lula có nói với anh chuyện Deeby Macc sắp dọn vào đó không?”
“Có chứ. Nó cũng rất vui, nhưng đáng ra phải vui hơn nữa kia. Tôi cứ nói với nó, cưng à, nếu mà ông ta viết đến ba bài hát về tôi, thì tôi sẽ lột sạch đồ đứng chờ sẵn trong nhà.” Somé phả ra hai vệt khói dài từ lỗ mũi, liếc ngang qua Strike. “Tôi khoái mấy tay to con, dữ dằn vậy,” ông ta nói. “Nhưng Cuckoo thì không. Thì cứ nhìn cái thằng bồ của nó đó. Tôi cứ nói, cưng suốt ngày đi tìm gốc gác, thôi thì kiếm quách một anh đen tử tế cho xong. Deeby chẳng hạn, quá hợp, không phải vậy sao?”
“Show mùa rồi của tôi cho nó đi trên nền nhạc bài Butterface Girl của Deeby. ‘Con kia có là gì / Liệu mà tìm gương soi / Kiếm cái nào nói thiệt / Cưng bớt xoắn đi ha / Cưng cóc phải Lula.’ Duffield rất ghét chuyện đó.”
Somé im lặng một lát, tiếp tục hút thuốc, mắt vẫn dán vào tấm hình trên tường. Strike hỏi:
“Nhà anh ở đâu? Gần đây không?” mặc dù hắn đã biết trước câu trả lời.
“Không, tôi ở phố Charles, Kensington,” Somé đáp. “Dọn qua đó hồi năm ngoái. Rất xa Hackney nhưng mà phải dọn thôi. Ồn ào quá. Tôi lớn lên ở Hackney,” ông ta giải thích, “hồi đó tên thiệt khi chưa tiếng tăm gì là Kevin Owusu. Tôi đổi tên khi bỏ nhà đi. Giống anh vậy.”
“Tôi chưa bao giờ mang họ Rokeby cả,” Strike vừa nói vừa lật một trang sổ. “Bố mẹ tôi không cưới xin gì.”
“Vụ đó ai cũng biết cưng à,” Somé nói, nhìn đểu một cái. “Năm ngoái tôi soạn đồ cho ông già anh chụp một tấm cho tạp chí Rolling Stone: complet bó sát và mũ quả dưa vỡ. Anh có hay gặp ông ta không?”
“Không,” Strike ngắn gọn.
“Không à, chắc vì hai người mà đứng chung thì Jonny trông còn già ác nữa?” Somé nói, cười khanh khách. Ông ta loay hoay xoay trở trên chiếc ghế, đốt thêm một điếu nữa, ngậm giữa môi và nheo mắt nhìn Strike qua làn khói thuốc bạc hà.
“Tại sao lại nói chuyện đời tôi nhỉ? Người ta có hay kể lể chuyện đời họ mỗi khi anh rút cuốn sổ đó ra không?”
“Thi thoảng.”
“Anh không muốn uống trà hả? Tôi chẳng trách gì anh. Tôi chẳng biết tại sao lại uống cái thứ dở hơi này. Ông già tôi chắc lên cơn đau tim nếu hỏi xin một tách trà mà bị đưa thứ này.”
“Gia đình anh còn ở Hackney không?”
“Không biết,” Somé nói. “Tôi không nói chuyện với họ. Tôi dạy Lula cái gì thì thực hành y như vậy, thấy chưa?”
“Anh nghĩ vì sao mà Lula đổi họ vậy?”
“Vì nó rất ghét gia đình nó, cũng như tôi vậy. Nó chẳng muốn dính gì tới họ nữa.”
“Vậy tại sao lại đi lấy họ của ông cậu Tony?”
“Ông đó không nổi tiếng. Lula Landry nghe cũng hay. Deeby làm sao viết được bài Double L U B Mine[1] nếu nó vẫn tên Lula Bristow?”
[1. Hai chữ L, em thuộc về tôi.]
“Phố Charles cũng khá gần Kentigern Gardens nhỉ?”
“Đi bộ hai mươi phút. Tôi muốn Cuckoo dọn vô ở chung với tôi khi nó nói không chịu được chỗ cũ nữa, nhưng nó không đồng ý, mà chọn cái nhà tù năm sao đó, chỉ để trốn đám báo chí. Chính tụi nó đẩy Cuckoo vào cái nhà đó. Tụi nó cũng có trách nhiệm trong vụ này.”
Strike nhớ lại lời Deeby Macc: Chính báo giới chết giẫm đã xô cô ta ra cửa sổ.
“Nó có dẫn tôi đến xem nhà. Khu Mayfair, toàn là dân Nga và dân Ả Rập giàu sụ với cả mấy thằng chó đẻ như Freddie Bestigui. Tôi có nói, cưng ơi, không sống ở đây được đâu, nhìn đâu cũng thấy đá cẩm thạch, ở xứ này mà xài đá thì quê lắm… còn sống mà chui vô lăng làm gì…”
Ông ta ngập ngừng một lúc, rồi nói tiếp:
“Mấy tháng trước đó Cuckoo gặp nhiều chuyện rất đau đầu. Một thằng rình mò cứ tới ba giờ sáng là bỏ thư vào nhà nó, mỗi lần có tiếng động thùng thư là Cuckoo lại tỉnh dậy. Thằng đó hăm dọa đủ điều, làm Cuckoo rất sợ hãi. Rồi nó chia tay thằng Duffield, vậy là bọn nhà báo suốt ngày chờ chực quanh đó. Cuckoo phát hiện ra đến điện thoại của nó cũng bị nghe lén. Rồi tới chuyện đi tìm con đĩ già mẹ ruột đó. Nhiều thứ cùng lúc quá. Nó muốn tránh xa hết, muốn được yên ổn. Tôi đã bảo nó dọn vô ở với tôi, vậy mà nó đi mua cái lăng chết tiệt đó.”
“Nó mua chỗ đó vì thấy giống như cái pháo đài, giờ nào cũng có bảo vệ. Nó cứ tưởng là sẽ được an toàn, không ai đụng tới nó nữa.”
“Nhưng ngay từ đầu nó đã không ưa gì chỗ mới. Tôi biết mà. Nó bị cô lập, ở xa những thứ nó yêu thích. Cuckoo mê màu sắc, tiếng ồn. Nó thích phố xá, thích đi bộ, thích cảm giác tự do.”
“Một trong những lý do khiến cảnh sát loại trừ có sát nhân là cửa sổ lúc đó mở toang. Cuckoo đã tự mở cửa sổ, dấu vân tay còn trên đó. Nhưng tôi biết vì sao nó mở cửa. Cuckoo luôn mở cửa sổ, mặc dù bên ngoài lạnh tê tái, vì nó không chịu nổi sự yên lặng. Nó thích nghe được cả London.”
Somé không còn chút gì mỉa mai đểu giả nữa. Ông ta hắng giọng rồi nói tiếp.
“Nó luôn cố kết nối với những thứ có thật, sống động. Hai đứa tụi tôi rất hay nói về chuyện đó. Tụi tôi thực sự đồng cảm với nhau. Cuckoo qua lại với con khốn Rochelle cũng từ chỗ đó. Kiểu ‘trông người mà ngẫm tới ta’. Cuckoo nghĩ nếu nó không xinh đẹp, nếu nhà Bristow không xin nó về làm đồ chơi cho Yvette thì có khi đời nó cũng như Rochelle mà thôi.”
“Anh nói thêm về cái tay rình mò Lula ở nhà cũ đi.”
“Thằng điên. Hoang tưởng Lula là vợ hắn hay đại loại gì đó. Sau đó thì bị quản thúc và bắt điều trị tâm thần bắt buộc.”
“Có biết giờ tay đó ở đâu không?”
“Tôi nhớ hình như bị tống cổ về Liverpool,” Somé trả lời. “Nhưng bên cảnh sát có kiểm tra rồi, họ nói đêm đó hắn ta vẫn ở trong nhà thương điên có canh gác cẩn thận.”
“Anh có biết ông bà Bestigui không?”
“Chỉ biết qua lời Lula thôi, cha đó tởm lợm còn mụ vợ thì giả từ đầu tới chân như tượng sáp. Tôi không cần gặp cũng biết. Tôi biết cái thể loại đó. Gái nhà giàu chuyên xài tiền chồng. Show nào của tôi cũng có mặt. Xắng xít làm quen. Nói thật, thà chơi với đĩ còn hơn.”
“Freddie Bestigui có gặp Lula tại một bữa tiệc cuối tuần trước khi cô ấy chết.”
“Ừ, tôi cũng có biết. Lão thèm Lula chảy dãi,” Somé nói như không. “Nó cũng biết chứ, có phải chuyện lạ đời gì với nó đâu, anh biết đó. Nhưng lão ta không làm gì được nó, cùng lắm chỉ đứng chung trong thang máy thôi, theo như lời Lula kể.”
“Anh không nói chuyện với Lula sau khi cô ấy đến dự tiệc cuối tuần ở nhà Dickie Carbury, đúng không?”
“Đúng vậy. Lão ta làm gì ở đó hả? Anh không nghĩ là lão ta đó chứ?”
Somé ngồi thẳng dậy, nhìn chằm chằm vào Strike.
“Khốn nạn… Freddie Bestigui? Lão mất dạy, tôi biết mà. Tôi có quen con nhỏ này… đúng ra là bạn của một người bạn… nó làm cho công ty sản xuất phim của lão, sém bị hiếp. Không, tôi chẳng nói quá chút nào đâu,” Somé đáp. “Sự thật là vậy. Hiếp. Hết giờ làm lão chuốc rượu cho nó rồi đè ra sàn, vừa lúc có một đứa nhân viên quên điện thoại quay lại văn phòng lấy, bắt gặp cảnh đó. Bestigui bịt miệng cả hai bằng tiền. Ai cũng xúi con nhỏ kiện lão, nhưng nó cầm tiền rồi bỏ đi luôn. Họ cũng nói là hồi xưa lão hay có trò xử phạt bà vợ thứ hai cũng bệnh hoạn lắm, vì vậy mà hồi li dị bà ta mới cuỗm được ba triệu, sau khi hù là sẽ tung ra hết với báo chí. Nhưng không bao giờ có chuyện Cuckoo mở cửa cho lão vào nhà lúc hai giờ sáng. Tôi nói rồi, Cuckoo không phải là đứa ngu.”
“Anh biết gì về Derrick Wilson?”
“Thằng nào vậy?”
“Bảo vệ trực đêm đó.”
“Không biết gì cả.”
“Ông này to con, nói giọng Jamaica.”
“Nói nghe đừng sốc, dân da đen ở London này không phải ai cũng biết nhau đâu.”
“Tôi chỉ muốn hỏi liệu anh có bao giờ nói chuyện với ông ta không, hay Lula có nói gì về ông ta không?”
“Không, tụi tôi nói nhiều chuyện khác hay ho hơn chuyện ông bảo vệ.”
“Cũng không nhắc tới anh lái xe Kieran Kolovas-Jones?”
“À, tay đó thì biết,” Somé đáp, nhếch mép. “Cứ xớn xác tạo dáng mỗi khi tưởng tôi đang nhìn ra cửa sổ. Đáng tội là thiếu khoảng thước rưỡi mới đủ làm người mẫu.”
“Lula có bao giờ nói về anh ta không?”
“Không, tại sao chứ?” Somé sốt ruột hỏi. “Nó chỉ là thằng lái xe.”
“Anh ta nói là anh ta rất gần gũi với Lula. Anh ta còn kể là được Lula tặng áo khoác do anh thiết kế. Giá chín trăm bảng.”
“Bở gớm nhỉ,” Somé nói, khinh ra mặt. “Mấy món đàng hoàng của tôi thì tệ cũng phải ba ngàn một cái. Tôi đắp phứa logo lên mấy cái áo khoác chống thấm vậy mà bán chạy kinh khủng, nên tội gì không làm.”
“À, tôi sắp hỏi cũng chuyện đó,” Strike bói. “Áo như vậy thuộc dòng hàng đồ-may-sẵn, đúng không?”
Somé tỏ vẻ buồn cười.
“Đúng rồi. Tức là không phải đồ-may-đo-riêng, hiểu không? Có thể mua thẳng từ cửa hàng.”
“Hiểu rồi. Mấy thứ đó có bán rộng rãi không?”
“Ở đâu cũng có. Lần gần đây nhất anh đi mua sắm đó là khi nào vậy?” Somé hỏi, cặp mắt lồi kì dị của ông ta soi một vòng trên bộ complet màu xanh đậm của Strike. “Đồ kiểu gì vậy, áo quần phục viên hả?”
“Anh nói ‘ở đâu cũng có là sao?”’
“Trung tâm mua sắm, hiệu áo quần nhỏ, trên mạng,” Somé nói một mạch. “Tại sao anh hỏi vậy?”
“Một trong hai người đàn ông lọt vào camera an ninh hôm đó mặc một cái áo có logo của anh."
Somé khẽ lắc đầu, tỏ ý bất bình, khó chịu.
“Thì có cả triệu người mặc mà.”
“Anh không thấy...”
“Tôi không xem cái quái gì cả,” Somé giận dữ đáp. “Tất cả mọi thứ... báo biếc đài điếc. Tôi không muốn đọc gì hết, không muốn suy nghĩ về chuyện đó nữa. Tôi bắt tụi nó phải dẹp hết, không được để tôi thấy,” ông ta đáp, huơ tay về phía cầu thang và đám nhân viên của mình. “Tôi chỉ biết là Cuckoo đã chết rồi còn Duffield thì hành động như người có chuyện gì cần phải giấu diếm. Tôi chỉ biết có vậy. Vậy là đủ rồi.”
“Thôi được. Nói chuyện áo quần, trong tấm hình cuối cùng của Lula, lúc mới về nhà cô ấy mặc đầm và áo khoác...”
“Đúng vậy, nó mặc Maribelle và Faye,” Somé đáp. “Mẫu đầm tên là Maribelle...”
“Hiểu rồi,” Strike đáp, “Nhưng khi chết thì lại mặc đồ khác.”
Somé có vẻ ngạc nhiên.
“Vậy sao?”
“Vâng. Trong hồ sơ cảnh sát, thi thể...”
Nhưng Somé đưa cánh tay ra, như muốn xua đuổi hay tự vệ. Rồi ông ta đứng dậy, thở mạnh và đi tới bức tường, nơi có những tấm ảnh của Lula mỉm cười, nụ cười lúc đăm chiêu, lúc bình thản. Khi tay thiết kế quay lại nhìn Strike, đôi mắt lồi của ông ta ngân ngấn nước.
“Khốn nạn,” ông ta nói, giọng thầm thì. “Đừng nói về Lula như vậy chứ. Thi thể. Khốn nạn. Anh là một thằng con hoang máu lạnh, phải vậy không? Chẳng trách Jonny không thiết gì anh.”
“Tôi không có ý bất nhã,” Strike bình tĩnh đáp. “Tôi chỉ muốn biết liệu anh có nghĩ ra được lý do vì sao cô ấy mặc quần dài và áo đính kim sa.”
“Tôi làm quái gì mà biết được vì sao nó lại thay đồ?” Somé hỏi, giận dữ. “Có thể nó thấy lạnh. Có thể... Thật là nực cười. Anh nghĩ làm sao tôi biết được?”
“Tôi chỉ hỏi thôi,” Strike đáp. “Tôi đọc đâu đó anh nói với báo chí rằng khi chết Lula mặc đồ do anh thiết kế.”
“Không phải tôi, tôi không có phát biểu gì sất. Một đứa làm báo lá cải gọi điện cho văn phòng công ty và hỏi tên của mẫu đồ đó. Một đứa thợ may trả lời, vậy là tụi nó phong con nhỏ thành phát ngôn viên của tôi. Rồi suy luận là tôi dây máu ăn phần, bọn khốn nạn. Chó chết.”
“Anh có thể giúp tôi gặp Ciara Porter và Bryony Radford được không?”
Somé có vẻ mất bình tĩnh, bối rối.
“Gì kia? Được thôi...”
Nhưng ông ta đã bắt đầu khóc, không nấc từng tiếng như Bristow, chỉ có nước mắt chảy dài trên hai gò má sẫm màu trơn mịn, nhỏ giọt xuống chiếc áo đang mặc. Ông ta nuốt khan, nhắm mắt lại, quay lưng về phía Strike, úp trán vào tường, hai vai rung lên.
Strike im lặng, chờ đợi. Somé đã lau nước mắt vài lần, rồi quay lại nhìn hắn. Ông ta không nói gì đến chuyện khóc lóc, chỉ đi thẳng về ghế, ngồi xuống và đốt một điếu thuốc nữa. Rít thêm khoảng hai ba hơi thuốc thật sâu, ông ta lên tiếng giọng thản nhiên như không:
“Nếu nó thay quần áo thì có lẽ là đang chờ ai đó đến. Cuckoo lúc nào cũng ăn mặc rất hợp hoàn cảnh. Chắc hẳn nó đang chờ ai đó.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,” Strike nói. “Nhưng tôi không rành phụ nữ và áo quần lắm.”
“Rõ là không,” Somé đáp, lai thoáng cười ranh mãnh, “anh cũng không có vẻ gì là rành rõi cả. Vậy anh muốn nói chuyện với cả Ciara và Bryony hả?”
“Được vậy sẽ rất có ích.”
“Tụi nó có buổi chụp hình vào thứ Tư tới. Số một phố Arlington ở Islingdon. Nếu anh tới khoảng chừng năm giờ, tụi nó sẽ rảnh tay nói chuyện được với anh.”
“Anh thật tử tế. Cảm ơn nhiều.”
“Tôi chẳng tử tế gì cả,” Somé nói nhỏ. “Tôi chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Khi nào thì anh mới gặp Duffield?”
“Ngay khi có thể.”
“Nó cứ nghĩ là nó thoát rồi, thằng chết giẫm. Ắt hẳn Cuckoo thay đồ vì biết nó sẽ tới. Ngay cả khi tụi nó vừa cãi nhau, Cuckoo vẫn biết là thế nào nó cũng đi theo về. Nhưng thằng Duffield sẽ không nói năng gì với anh đâu.”
“Anh ta sẽ nói,” Strike bình thản đáp, cất cuốn sổ và xem giờ. “Hôm nay tôi làm mất nhiều thời gian của anh quá. Một lần nữa, cảm ơn anh.”
Somé tiễn Strike xuống cầu thang, dọc theo hành lang sơn trắng. Phong thái nghênh ngang của ông ta dần dần trở lại. Tới khi hai người bắt tay tạm biệt ở sảnh, Somé không còn dấu hiệu đau khổ nào nữa.
“Giảm cân đi,” ông ta nói với Strike, thọc cú cuối cùng, “rồi tôi sẽ gởi vài thứ size XXL.”
Khi cánh cửa khu nhà kho đóng sầm sau lưng Strike, hắn nghe tiếng Somé hét lên với cô Trudie tóc màu cà chua đang đứng ở bàn, “Biết cưng nghĩ gì rồi nhé, Trudie. Cưng đang mơ mộng được cha đó đứng đằng sau làm cho một phát, đúng không? Không phải vậy sao cưng? Sướng chưa, dân lính tráng to con dữ dằn ha!” và tiếng Trudie cười ré lên kinh ngạc.
2
Xưa nay Charlotte chưa bao giờ chấp nhận sự im lặng của Strike như vậy. Cô ta không gọi điện hay nhắn tin gì thêm, cứ như thể trận cãi vã nảy lửa tồi tệ cuối cùng đã thay đổi cô ta hoàn toàn, khiến cô ta không còn yêu thương hay giận dữ gì hắn nữa. Tuy nhiên Strike biết rõ Charlotte như một thứ vi trùng đã ăn vào máu mình mười lăm năm qua. Hắn biết rằng khi bị tổn thương Charlotte chỉ có duy nhất một phản ứng là liên tục tấn công đối phương bằng bất cứ giá nào. Điều gì sẽ xảy ra nếu hắn làm ngơ, rồi cứ tiếp tục từ chối trả lời cô như vậy? Đó là cách duy nhất Strike chưa từng thử trước đó, cũng là tất cả những gì hắn có thể làm lúc này.
Thi thoảng, khi hắn thấy yếu đuối (nhất là lúc đêm khuya nằm chèo queo trên chiếc giường xếp) vết thương lòng lại trỗi dậy: hắn thấy hối tiếc và nhung nhớ, hắn thấy Charlote hiện ra ngay sát bên mình, đẹp đẽ, trần truồng, thì thào những lời yêu thương; hay lặng lẽ khóc, nói với hắn ràng cô ta biết mình là kẻ hư hỏng đốn mạt, vô phương cứu chữa nhưng hắn vẫn là điều tốt đẹp và chân thật nhất mà cô ta từng biết. Giờ đây với hắn, chuyện chỉ cần nhấc máy là sẽ nghe giọng Charlotte như một thứ rào cản cám dỗ quá mong manh. Thỉnh thoảng hắn lại phải chui ra khỏi túi ngủ, lò cò trong bóng tối đến bàn của Robin. Hắn ngồi xuống, bật đèn lên và nghiền ngẫm hàng tiếng đồng hồ các báo cáo trong hồ sơ. Hắn bấm máy gọi Rochelle Onifade vài lần lúc sáng sớm, nhưng cô ta không bao giờ nhận cuộc gọi.
Sáng thứ Năm, Strike quay lại chỗ bức tường bên ngoài bệnh viện St Thomas, đứng đợi ba tiếng đồng hồ, hi vọng gặp lại Rochelle. Nhưng cô ta không đến. Hắn nhờ Robin gọi cho bệnh viện nhưng lần này họ không đưa ra bất kì bình luận nào về chuyện Rochelle không đi đến điều trị nữa và tuyệt đối không cung cấp địa chỉ của cô ta, mặc cho Robin thử đủ cách hỏi.
Sáng thứ Sáu, Strike đi ra quán Starbucks mua cà phê. Khi hắn về đến văn phòng, Khỉ Con đang ở đó, không phải ngồi ghế sofa bên cạnh mà vắt vẻo ngay trên bàn của Robin. Khỉ Con ngậm điếu thuốc chưa châm trong miệng, nghiêng người về phía Robin, dường như đang nói chuyện gì hài hước lắm vì Robin đang cười. Rõ là cô đang rất muốn phá ra cười nhưng vẫn muốn tỏ ra chừng mực.
“Ê Khỉ Con,” Strike lên tiếng, nhưng giọng điệu có phần nghiêm nghị của hắn dường như không hề tác động gì đến điệu bộ hăng hái hay vẻ mặt tươi cười của cậu chàng.
“Ngon lành hả Fed? Em đem con Dell lại cho anh đây.”
“Tuyệt vời. Latte ly đúp không caffeine của cô đây.” Strike nói với Robin, đặt đồ uống xuống ngay bên cạnh cô. “Không tính,” hắn nói thêm khi Robin với tay lấy ví tiền.
Cô rất ngại chuyện tính những món ăn uống nho nhỏ vào tiền tiêu vặt của văn phòng. Trước mặt người khách lạ, cô không phản đối gì, chỉ cảm ơn Strike và trở lại làm việc. Cô xoay ghế theo chiều kim đồng hồ, quay lưng về phía hai người đàn ông.
Khỉ Con bật diêm đốt thuốc, Strike bỏ cốc espresso đúp của hắn xuống.
“Văn phòng không hút thuốc, Khỉ Con.”
“Cái gì? Anh hút như tẩu mà?”
“Nhưng không hút ở đây. Theo tao.”
Strike dẫn Khỉ Con vào văn phòng bên trong, đóng cửa lại.
“Ý anh là em đang phí nước bọt hả? Thôi vậy. Nếu vụ đính hôn mà bể thì anh nói vài câu hay ho dùm cho thằng em nhé; cổ đúng kiểu em thích.”
“Nhưng tao không nghĩ mày đúng kiểu cổ thích.”
Khỉ Con nhe răng cười, ra vẻ đã biết.
“Anh cũng xếp hàng sẵn rồi hả?”
“Không,” Strike đáp. “Tao chỉ biết chồng chưa cưới của cổ là kế toán kiêm vận động viên bóng bầu dục. Dân Yorkshire, cằm bạnh, mặt mày sáng sủa.”
Hắn bất ngờ vẽ ra chân dung Matthew rõ ràng từ tâm trí, mặc dù chưa thấy một bức hình nào cả.
“Biết đâu được, có khi sau cha đó cổ lại thích loại hơi... cá tính một chút,” Spanner nói, đặt máy tính của Lula Landry lên bàn và ngồi xuống đối diện với Strike. Anh chàng mặc áo len hơi sờn cũ, mang dép xỏ ngón, hôm đó cũng là ngày nóng nhất trong năm. “Em coi kỹ cái của nợ này rồi. Anh cần nghe chi tiết về kỹ thuật tới đâu?”
“Không cần cái đó; nhưng tao cần biết chắc là mày có thể giải thích rõ ràng trước tòa.”
Lần đầu tiên trông Khỉ Con có vẻ ngạc nhiên thực sự.
“Anh nói nghiêm túc hả?”
“Rất nghiêm túc. Mày có thể đối chất với luật sư bên bị không?”
“Đương nhiển ồi.”
“Vậy chỉ cần nói cho tao mấy chỗ quan trọng.”
Khỉ Con ngập ngừng trong giây lát, cố đọc biểu cảm trên gương mặt của Strike. Cuối cùng anh chàng lên tiếng:
“Mật khẩu là Agyeman, được đặt lại năm ngày trước khi cô ta chết.”
“Viết sao?”
Khỉ Con đọc từng chữ cái, bất ngờ nói thêm. “Agyeman là một họ của người Ghana. Cô ấy đánh dấu trang nhà của SOAS – Viện nghiên cứu Đông phương và Châu Phi. Từ Agyeman có ngay trên trang đó. Anh coi đây.”
Khỉ Con vừa nói vừa lách cách gõ phím; mở ngay trang web của SOAS. Trang web được chạy viền màu xanh tươi, có các phần về trường học, tin tức, giảng viên, sinh viên, thư viện...
“Nhưng lúc cô ta chết rồi thì như thế này.”
Khỉ Con nhấp chuột liên tục, mở ra một trang gần như giống y nhưng có thêm đường dẫn đến Cáo phó của Giáo sư J.P.Agyeman, Giáo sư danh dự ngành Chính trị Châu Phi.
“Cô ấy đánh dấu trang này,” Khỉ Con nói. “Trong một tháng trước khi chết cô ấy hay tìm sách của ông này trên Amazon. Lúc đó cô ấy cũng tìm rất nhiều sách về lịch sử và chính trị Châu Phi.”
“Có gì cho thấy cô ấy nộp đơn xin học ở trường SOAS không?”
“Trên máy này thì không có?”
“Còn gì nữa không?”
“Chỉ có chuyện nữa đó là một file hình ảnh lớn bị xóa ngày mười bảy tháng Ba.”
“Làm sao biết được?”
“Có phần mềm phục hồi những thứ đã bị xóa khỏi ổ cứng.” Khỉ Con đáp. “Chứ anh nghĩ làm sao mà cảnh sát bắt được mấy tên ấu dâm?”
“Mày có phục hồi lại được hết không?”
“Được. Em cho hết vào đây.” Khỉ Con đưa cho Strike một thẻ nhớ USB. “Em không nghĩ anh muốn em lưu trở lại vào máy.”
“Đúng rồi, vậy những cái hình đó là...?”
“Chẳng có gì đặc biệt. Chỉ bị xóa vậy thôi. Như em nói, người ta thường không biết là nếu muốn giấu thứ gì đó thì phải làm nhiều hơn là bấm nút delete”.
“Ngày mười bảy tháng Ba,” Strike nói.
“Vâng. Lễ Thánh Patrick.”
“Mười tuần sau khi cô ấy chết.”
“Có thể là bên cảnh sát,” Khỉ Con gợi ý.
“Không phải cảnh sát,” Strike nói.
Sau khi Khỉ Con ra về, hắn ra văn phòng ngoài, ngồi vào chỗ của Robin để xem mấy tấm hình đã bị xóa khỏi chiếc laptop. Robin có vẻ hồi hộp khi hắn giải thích những việc Khỉ Con đã làm và cắm thẻ nhớ vào máy.
Trong giây lát khi tấm hình đầu tiên dần hiện ra trên máy, Robin thấy lo sợ, như thể cả hai sắp nhìn thấy một điều gì thật kinh khủng; bằng chứng tội phạm hay một thứ gì đó thật bệnh hoạn. Trước đây cô chỉ nghe nói đến chuyện giấu hình ảnh trong những vụ án lạm dụng tồi tệ. Sau vài phút, Strike lên tiếng, như thể biết được cô vừa nghĩ gì.
“Chỉ là ảnh chụp tiệc tùng thôi.”
Nghe giọng hắn không có vẻ gì là thất vọng như cô tưởng, tự dưng Robin thấy xấu hổ; chẳng lẽ cô lại muốn nhìn thấy điều gì đó thật kinh khủng sao? Strike kéo màn hình xuống, toàn hình ảnh các cô gái chơi đùa, những người mẫu đồng nghiệp, thỉnh thoảng thấy có thêm vài người nổi tiếng. Có một số bức chụp Lula và Evan Duffield, vài tấm trong đó rõ là do một trong hai người tự chụp, tay cầm máy vươn hết cỡ. Trông cả hai có vẻ như đang phê thuốc hay say rượu. Somé cũng xuất hiện vài lần. Bên cạnh ông ta Lula trông có vẻ chừng mực, e dè hơn. Có nhiều ảnh Ciara Porter và Lula ôm nhau ở quầy bar, nhảy nhót trong hộp đêm hay cười đùa trên ghế sofa trong một căn hộ có đông người.
“Rochelle đó,” Strike đột ngột nói, chỉ vào một gương mặt sưng sỉa nhỏ bé khuất dưới cánh tay của Ciara trong hình chụp nhóm. Kieran Kolovas-Jones cũng có trong hình, đứng ngay cuối hàng cười tươi rói.
“Cô làm giúp tôi một chuyện,” Strike nói, sau khi xem hết hai trăm mười hai tấm hình. “Cô xem từng tấm, nhận diện hết những người trong đó, ít nhất là những người nổi tiếng rồi ta bắt đầu nghĩ xem ai muốn xóa hết đám hình này.”
“Nhưng mấy tấm hình này không có vẻ gì là mờ ám cả,” Robin nói.
“Phải có gì đó,” Strike đáp.
Hắn đi vào văn phòng bên trong. Rồi hắn gọi điện cho John Bristow (đang bận họp, không thể nghe máy, hắn để lại tin nhắn cho thư kí “Làm ơn nhắn anh ấy gọi lại cho tôi ngay khi có thể”), gọi tiếp cho Eric Wardle (để lại lời nhắn: “Tôi có một câu hỏi liên quan đến laptop của Lula”) và cuối cùng là cho Rochelle Onifade (xem cô ta có cầm máy không; vẫn không ai trả lời, và không thể lưu lời nhắn nào cả: “Hộp thư thoại đã đầy”.)
“Tôi vẫn không làm gì được với ông Bestigui,” Robin nói với Strike, khi hắn quay ra văn phòng ngoài. Cô đang tìm kiếm một nhân vật tóc nâu chụp hình với Lula trên bãi biển. “Sáng nay tôi có gọi lần nữa, nhưng ông ta quyết không gọi lại. Tôi thử đủ mọi cách; giả vờ làm đủ thứ người, còn nói là việc gấp nữa... có gì buồn cười hả?”
“À không, tôi chỉ thấy ngạc nhiên tại sao mấy người phỏng vấn chưa chịu nhận cô vào làm,” Strike đáp.
“À, Robin đáp, mặt hơi ửng đỏ. “Thực ra là có. Mấy chỗ phỏng vấn tôi đều nhận hết. Tôi đã nhận lời bên chỗ công việc nhân sự rồi.”
“Xin lỗi, tôi cứ nhớ là đã báo với anh rồi,” Robin nói dối.
“Vậy chừng nào... cô nghỉ việc ở đây?”
“Hai tuần nữa.”
“À. Chắc Mathew vui lắm hả?”
“Vâng,” Robin đáp, hơi bất ngờ, “anh ấy cũng mừng.”
Cứ như thể Strike biết rõ Matthew không hề thích chuyện cô đi làm cho hắn, nhưng cô tự hỏi làm sao hắn biết. Cô đã rất cẩn thận, không kể gì về sự căng thẳng ở nhà cả.
Điện thoại văn phòng đổ chuông, Robin nhấc máy.
“Văn phòng Cormoran Strike?... Vâng, ai gọi đấy ạ?... Là Derrick Wilson,” Cô đưa thẳng ống nghe cho hắn.
“Chào anh.”
“Ông Bestigui vừa đi khỏi vài ngày,” Wilson nói. “Nếu anh muốn tới coi nhà cửa...”
“Tôi sẽ có mặt trong vòng nửa tiếng,” Strike trả lời.
Hắn loay hoay kiểm tra ví tiền và chìa hóa, rồi chợt nhận ra vẻ hơi thất vọng trên gương mặt Robin, mặc dù cô vẫn tiếp tục xem xét mấy tấm hình chẳng có gì mờ ám.
“Cô có muốn đi không?”
“Có!” Cô tươi tỉnh đáp, chụp lấy túi xách và tắt máy tính.
3
Cánh cửa đen nặng nề của tòa nhà số 18 Kentigern Gardens dẫn vào một sảnh lót đá cẩm thạch. Một cái bàn gỗ gụ hoàng tráng được lắp cố định ở sảnh, trực diện với lối vào, bên tay phải là cầu thang đi lên, khuất tầm nhìn (bậc thang cũng bằng cẩm thạch, tay vịn bằng gỗ và đồng thau). Kế bên đó là cửa thang máy dát vàng bóng loáng và một cánh cửa gỗ sẫm màu trên nền tường trắng. Giữa cánh cửa này và hai cánh cửa chính đằng trước là một kệ trưng bày đặt trong góc nhà, với những chiếc bình hoa trụ cao, cắm đầy hoa loa kèn màu hồng đậm. Mùi hương nồng tỏa khắp không khí ấm áp trong nhà. Bức tường bên trái ốp kín gương, tạo cảm giác sảnh rộng gấp đôi. Gương phản chiếu Robin và Strike đang mải ngó nghiêng, cánh cửa thang máy và bộ đèn chùm kiểu hiện đại gồm những khối pha lê vuông treo trên trần. Bức tường gương cũng khiến cho quầy trực bảo vệ bằng gỗ bóng loáng trông như dài hơn thực tế.
Strike nhớ lại lời của Wardle: “Trong căn hộ thì lát đá hoa nọ kia... mẹ kiếp, nhà ở mà cứ như khách sạn năm sao.” Robin đứng ngay bên cạnh hắn, cố tỏ ra không hề bị ngợp. Hóa ra giới triệu phú ở nơi như thế này. Matthew và cô đang thuê tầng dưới của một ngôi nhà cùng vách với hàng xóm ở Clapham. Phòng khách của cô rộng đúng bằng phòng nghỉ giải lao của nhân viên bảo vệ, cũng là chỗ Wilson chỉ cho hai người xem đầu tiên. Trong phòng có một cái bàn và hai cái ghế, một chiếc hộp treo trên tường đựng tất cả các chìa khóa chủ và một cánh cửa mở vào nhà vệ sinh nhỏ xíu.
Wilson mặc đồng phục màu đen, thiết kế giống trang phục của cảnh sát, áo sơ mi trắng, cà vạt đen, nút áo bằng đồng.
“Màn hình theo dõi,” ông ta chỉ cho Strike khi họ ra khỏi phòng sau, đến chỗ bàn trực, nơi có bốn màn hình trắng đen, khuất tầm nhìn của khách ra vào. Các màn hình lần lượt chiếu một đoạn đường trước tòa nhà, rồi hầm đỗ xe vắng ngắt, đến bãi cỏ trong khu vườn cũng không bóng người của tòa nhà số 18, vài thứ cây cảnh kiểu cọ và bức tường sau khá cao mà Strike từng leo lên; và cuối cùng là bên trong buồng thang máy đang đứng yên. Bên cạnh dãy màn hình là hai bảng điều khiển các thiết bị báo động chung của tòa nhà và báo động lắp ở cửa vào hồ bơi và bãi đậu xe. Cuối cùng là hai điện thoại để bàn, một gần với đường dây bên ngoài, một nối trực tiếp với ba căn hộ.
“Cánh cửa đó,” Wilson nói, chỉ vào cánh cửa gỗ nguyên khối, “dẫn ra phòng tập thể dục, hồ bơi với lại bãi đậu xe.” Ông ta dẫn cả hai đi vào theo yêu cầu của Strike.
Phòng tập thể dục khá nhỏ nhưng lắp gương khắp tường như ở sảnh, tạo cảm giác rộng gấp đôi. Trong đó chỉ có một cửa sổ nhìn ra đường, một máy chạy bộ tại chỗ, vài chiếc máy tập đua thuyền, tập bước chân và một bộ tạ.
Cánh cửa gỗ gụ thứ hai mở ra một cầu thang cẩm thạch hơi hẹp, trên tường gắn đèn khối vuông. Cầu thang dẫn xuống tầng hầm, đến một cánh cửa sơn trông rất bình thường mở ra bãi đậu xe. Wilson mở cửa bằng hai chìa khóa, một Chubb một Yale, rồi bật công tắc đèn. Khu vực vừa được thắp sáng dài gần bằng con phố trước nhà, đầy những chiếc xe hiệu Ferrari, Audi, Bentley, Jaguar và BMW, tổng trị giá cũng dễ đến hàng triệu bảng. Cách bức tường phía sau khoảng mười tám mét là những cánh cửa như cánh cửa cuối cùng họ vừa bước qua, thông thẳng vào mỗi tòa nhà ở Kentigern Gardens. Cửa tự động vào bãi đỗ xe từ Ngõ Nông Nô gần với tòa nhà số 18, hắt vào ánh sáng bàng bạc ban ngày.
Robin tự hỏi không biết hai người đàn ông lặng thinh đi bên cạnh mình đang nghĩ gì. Hẳn Wilson đã quá quen với đời sống lạ thường của những cư dân tòa nhà; quen mắt với bãi đậu xe ngầm, hồ bơi và những chiếc Ferrari? Còn Strike (cũng như cô) hẳn đang nghĩ rằng những cánh cửa liên tiếp này chứa đựng nhiều khả năng mà trước đó cô chưa nghĩ đến: cơ hội lẩn trốn nhanh chóng giữa những nhà lân cận, bao nhiêu nhà trên phố là bấy nhiêu lối để ẩn náu và lẻn ra? Nhưng rồi cô để ý thấy vô số camera đen gắn trên cao chĩa khắp hướng, thu mọi cử động vào loạt màn hình lúc nãy. Liệu có khả năng người bảo vệ đã bỏ sót hình ảnh nào đêm đó chăng?
“Xong rồi,” Strike lên tiếng và Wilson dẫn hai người trở lại cầu thang cẩm thạch, sau khi khóa cánh cửa vào bãi đậu xe.
Cả ba đi theo một cầu thang ngắn khác xuống tầng hầm, càng xuống sâu mùi chlorine càng nồng nặc. Khi Wilson mở cánh cửa ở cuối cầu thang, mùi không khí ẩm, ẩm ướt, nồng hóa chất khử trùng xộc lên mũi.
“Hôm đó cánh cửa này không bị khóa phải không?” Strike hỏi Wilson, ông ta gật đầu, bật công tắc đèn, ánh sáng đổ ra chói cả mắt.
Ba người bước trên mép bể bơi rộng rãi cũng lát đá cẩm thạch, hiện giờ đang được phủ lại bằng một tấm nhựa dày. Bức tường đối diện cũng được ốp đầy gương, phản chiếu ba người đang đứng, áo quần đầy đủ, không ăn nhập gì với bức tranh sau lưng vẽ các loại cây cối nhiệt đới và bươm bướm đập cánh, phủ đầy tường lên đến trần nhà. Hồ bơi dài khoảng mười lăm lét, cuối hồ là một bồn tắm mát-xa thủy lực hình lục giác, sau đó là ba buồng thay đồ đều lắp cửa có khóa.
“Ở đây không có camera sao?” Strike hỏi, nhìn quanh quất. Wilson lắc đầu, tỏ ý không có camera nào cả.
Robin cảm thấy mồ hôi rịn ra sau cổ và dưới tay áo. Khu vực hồ bơi rất bí, cô thấy nhẹ cả người khi đi lên cầu thang trước hai người đàn ông, trở lại sảnh lễ tân. So với hồ bơi thì sảnh lễ tân dễ chịu và thoáng hơn nhiều. Một cô gái nhỏ nhắn tóc vàng đang đứng đó. Cô ta mang tạp dề màu hồng, mặc quần jeans và áo thun, xách theo một xô nhựa đầy các loại dụng cụ lau chùi.
“Derrick,” cô ta gọi, giọng rất nặng kiểu tiếng Anh của người nước ngoài, khi thấy ông bảo vệ vừa lên cầu thang. “Tôi đang càng chìa khóa số hai.”
“Đây là Lechsinka,” Wilson nói. “Lao công.”
Cô ta nhìn Strike, mỉm cười thân thiện. Wilson ra phía sau bàn gỗ gụ, đưa cho cô ta một cái chìa khóa. Lechsinka đi lên cầu thang, tay vung vẩy cái xô đựng đồ, cặp mông bó chặt trong lớp quần jeans lắc lư khiêu khích. Biết Robin đang liếc ngang, Strike chột dạ, ngập ngừng đổi hướng nhìn.
Cả hai theo Wilson đi lên lầu, đến căn hộ số 1. Wilson mở cửa bằng chìa chủ. Strike để ý thấy cánh cửa ngay cầu thang có một lỗ nhìn trộm kiểu cũ xưa.
“Nhà ông Bestigui đây,” Wilson nói, tay bấm mã số trên bảng nút bên phải cánh cửa để tắt hệ thống báo động. “Sáng nay Lechsinka đã vô dọn dẹp rồi.” Strike ngửi thấy mùi nước đánh bóng và thấy cả đường lằn do máy hút bụi trên thảm trắng trong hành lang, hai bên có những chiếc đèn ốp tường bằng đồng thau và năm cánh cửa trắng muốt không tỳ vết. Hắn để ý thấy có một bảng nút báo động được lắp kín đáo trên bức tường bên phải, vuông góc với một bức tranh của Marc Chagall vẽ mấy con dê và người nông dân mơ màng trôi trên nền ngôi làng màu xanh nước biển. Ngay dưới bức tranh là mấy chiếc lọ cao cắm hoa phong lan đặt trên bàn sơn mài màu đen kiểu Nhật.
“Ông Bestigui đi đâu?” Strike hỏi Wilson.
“Los Angeles,” ông bảo vệ trả lời. “Hai ngày nữa mới về.”
Căn phòng khách sáng sủa, tươi tắn có ba cửa sổ dài, mỗi cửa sổ đều có ban công hẹp ốp đá ở bên ngoài. Ngoài các bức tường sơn màu xanh nhạt như màu men gốm sứ Wedgwood, gần như tất cả những đồ đạc còn lại đều có màu trắng. Mọi thứ đều tinh tươm, thanh lịch và cân xứng. Thêm một bức tranh tuyệt đẹp, trông ma mị và siêu thực. Trong tranh là một người đàn ông cầm giáo, hóa trang thành con chim hét, tay trong tay với một thân hình phụ nữ màu xám không có đầu.
Tansy Bestigui khăng khăng rằng bà ta đã nghe thấy tiếng la hét cãi nhau cách đó hai tầng lầu khi ở ngay trong căn phòng này. Strike tiến lại gần cửa sổ, chú ý đến chốt cửa kiểu hiện đại và độ dày của tấm kính. Hắn hoàn toàn không nghe được âm thanh nào từ đường phố mặc dù tai hắn gần như áp sát mặt kính lạnh lẽo. Ban công bên ngoài khá hẹp và đầy những chậu cây cảnh được tỉa thành hình chóp nhọn.
Strike đi vào nhà tắm. Robbin vẫn còn ở phòng khách, chậm rãi quay người quan sát chung quanh. Cô nhìn bộ đèn chùm bằng thủy tinh Venice, thảm lót sàn tông trầm màu xanh nhạt và hồng, TV plasma, bàn ăn bằng thủy tinh và sắt kiểu hiện đại, những chiếc ghế sắt có gối tựa bọc lụa rồi đến những món đồ trang trí nhỏ màu bạc đặt trên mấy chiếc bàn con mặt gương và trên bệ lò sưởi bằng đá cẩm thạch trắng. Cô hơi chạnh lòng nghĩ đến bộ sofa IKEA ở nhà mới đó cô còn rất hãnh diện; rồi cô sực nhớ ra chiếc giường xếp của Strike trong văn phòng và thấy hơi xấu hổ vì phép so sánh vừa rồi. Bắt gặp ánh mắt của Wilson, Robin lên tiếng, vô tình lặp lại lời của Eric Wardle:
“Đúng là một thế giới khác nhỉ?”
“Ừa,” ông ta đáp. “Chỗ này không nuôi con nít được.”
“Ừ nhỉ,” Robin nói, nãy giờ nhìn ngắm căn hộ cô không hề nghĩ đến chuyện đó.
Ông sếp tạm của Robin bước ra từ phòng ngủ, vẻ mặt như vừa nghĩ ra được điều gì đó rất thỏa mãn và bước tiếp vào hành lang.
Thực ra Strike đang chứng minh rằng con đường hợp lý nhất từ phòng ngủ nhà Bestigui đến phòng tắm là dọc theo hành lang, vòng qua phòng khách. Hơn nữa, hắn tin chắc rằng vị trí duy nhất trong căn hộ mà Tansy có thể nhìn thấy và nhận ra người vừa rơi xuống chính là Lula Landry, chỉ có thể là phòng khách. Trái với nhận định của Eric Wardle, không ai đứng trong phòng tắm mà nhìn rõ được cửa sổ, nhất là vào ban đêm. Nếu không ở phòng khách thì rất khó nhận ra thứ vừa rơi xuống là một con người, chứ chưa nói đến chuyện thấy rõ mặt.
Strike trở lại phòng ngủ. Sau khi Tansy dọn đi chỉ còn mỗi ông Bestigui ở trong căn hộ, ông ta nằm ngủ trên giường phía gần cánh cửa và hành lang, suy từ mớ thuốc men, kính đeo mắt và mấy cuốn sách đặt trên bàn con cạnh giường. Strike tự hỏi khi Tansy còn ở đây, phải chăng ông ta cũng có thói quen nằm phía bên đó.
Tủ gương siêu lớn để quần áo thông với phòng ngủ. Bên trong treo đầy complet Ý và áo sơ mi Turnbull & Asser. Có hai ngăn kéo phía dưới đựng toàn khuy măng-sét bằng vàng và bạch kim. Đằng sau tấm vách giả ngay sau kệ đựng giày là một két sắt.
“Tôi nghĩ coi ở đây vậy đủ rồi,” Strike nói với Wilson khi trở ra phòng khách.
Wilson bật lại hệ thống báo động trước khi cả ba rời khỏi căn hộ.
“Anh biết mã số của tất cả các căn hộ ở đây?”
“Ừa.” Wilson đáp. “Phải thuộc. Để lỡ báo động có kêu thì còn tắt.”
Họ lên cầu thang đến căn hộ thứ hai. Cầu thang uốn sát quanh đường thông thang máy, đến nỗi mỗi vị trí trên cầu thang đều bị khuất tầm nhìn. Bên trong căn hộ vọng ra tiếng gầm gừ của máy hút bụi Lechsinka đang dùng.
“Bây giờ có ông bà Kolchak thuê lại căn nhà này,” Wilson nói. “Người Ukraine.”
Hành lang ở đây thiết kế giống hệt như căn số 1, trang trí cũng có nhiều điểm tương đồng. Căn hộ này cũng có bảng nút báo động lắp trên tường, nhưng sàn căn hộ lót gạch thay vì lót thảm. Một tấm gương soi lớn, viền mạ vàng treo đối diện với lối vào, tương đương với vị trí bức tranh ở căn số 1. Đặt cạnh tấm gương là hai chiếc bàn con bằng gỗ trông có vẻ mỏng manh, dễ gãy, trên bàn có chiếc đèn ngủ Tiffany rất kiểu cọ.
“Bình hoa hồng của Bestigui cũng được đặt trên bàn như vậy hả?” Strike hỏi.
“Ừa, đặt trên một cái bàn cũng giống vậy,” Wilson đáp. “Cái đó giờ đem vô phòng khách lại rồi.”
“Hôm đó anh bưng bàn ra ngay giữa hành lang, rồi đặt bình hoa lên hả?”
“Ừa, ông Bestigui muốn Macc bước vào nhà là thấy ngay, nhưng cũng dễ tránh, anh thấy đó. Đâu dễ gì đụng bể liền. Nhưng anh cảnh sát đó cũng còn trẻ.” Wilson đáp, vẻ thông cảm.
“Vậy mấy cái nút báo động anh nói đâu?” Strike hỏi.
“Quanh đây,” Wilson trả lời, dẫn hắn ra khỏi hành lang và đi vào phòng ngủ. “Có một cái ngay cạnh giường và một cái trong phòng khách.”
“Căn hộ nào cũng có hết à?”
“Ừa.”
Vị trí tương ứng của phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp và phòng tắm giống hệt như căn hộ số 1. Nhiều chi tiết nhỏ cũng giống, chẳng hạn cánh tủ quần áo siêu lớn cũng được ốp gương. Strike đi vào xem xét. Khi hắn mở cánh cửa tủ và quan sát mớ quần áo phụ nữ trị giá cũng phải vài ngàn bảng. Lechsinka từ phòng ngủ bước vào, trên tay cầm một cái thắt lưng, hai cái cà vạt và mấy bộ áo đầm mới được giặt sấy bọc ni lông cẩn thận.
“Chào cô,” Strike lên tiếng.
“Chào,” cô ta nói, bước tới một cánh cửa sau hắn và kéo ra một chiếc móc treo cà vạt. “Tránh ra, giùm chút.”
Hắn đứng ra một bên. Cô ta nhỏ con, xinh xắn kiểu nữ tính, hoạt bát. Gương mặt cô ta hơi bẹt, mũi hếch và đôi mắt kiểu người Đông u. Cô ta treo cà vạt lên thật ngăn nắp, Strike lặng lẽ đứng nhìn.
“Tôi là thám tử,” hắn nói. Rồi hắn nhớ lời Eric Wardle mô tả tiếng Anh của Lechsinka là “dở như hạch”.
“Giống cảnh sát vậy đó?” hắn thử giải thích.
“À. Cảnh sát.”
“Hôm trước khi Lula chết cô cũng có ở đây đúng không?”
Hắn phải nói vài lần Lechsinka mới hiểu ý. Khi đã hiểu ra, cô ta không có vẻ khó chịu gì cả, miễn là vẫn được đứng đó treo đồ lên khi trả lời.
“Tôi luôn chùi cầu thang trước,” cô ta nói, “Cô Landry nói chuyện với ông anh lớn tiếng lắm; ổng la là cổ cho bồ nhiều tiềng quá, với lại cổ tệ với ổng lắm.
“Tôi cũng chùi căn số hai, trống trơn. Trước đã chùi rồi. Nên làm nhanh.”
“Lúc cô đang chùi có Derrick với người bên công ty bảo trì ở đó không?”
“Derrick với gì...”
“Người bảo trì? Người làm đồ báo động?”
“À người báo động với Derrick hả, à có.”
Strike nghe thấy tiếng Robin và Wilson nói chuyện trong hành lang, vị trí hắn dừng lúc nãy.
“Sau khi chùi xong cô có bật báo động trở lại không?”
“Đặt báo động hả? Có,” cô ta nói. “Một chín sáu sáu, giống như dưới cửa, Derrick nói.”
“Ông ấy nói mã số cho cô trước khi dẫn người làm báo động đi?”
Lại một lần nữa hắn phải hỏi vài lần Lechsinka mới hiểu. Khi đã hiểu ra, cô ta có vẻ hết kiên nhẫn.
“Có, tôi nói rồi mà. Một chín sáu sáu.”
“Vậy sau khi chùi xong trong này cô bật báo động trở lại?”
“Đặt báo động, có mà.”
“Cái người sửa báo động đó, trông anh ta ra sao?”
“Người sửa báo động hả? Trông sao hả?” Cô ta nhíu mày trông thật dễ thương, chiếc mũi nhỏ xinh chun lại, cô nhún vai. “Không thấy mặt. Nhưng mà màu xanh – màu xanh hết...” cô ta nói thêm, dùng cánh tay không cầm đám áo đầm quét một đường trên người mình.
“Mặc bộ đồ bảo hộ hả?” Strike gợi ý, nhưng cô tỏ ra không hiểu từ đó. “Được rồi, sau đó cô lau chùi ở đâu?”
“Nhà số 1,” Lechsinka đáp, vừa nói vừa tiếp tục công việc, bước quanh Strike để tìm ra đúng móc treo cho từng món. “Chùi cửa sổ lớn. Bà Bestigui nói chuyện điện thoại. Giận lắm. Buồn lắm. Nói là không muốn nói dối nữa.”
“Bà ấy không muốn nói dối nữa?” Strike lặp lại.
Lechsinka gật đầu, nhón chân để treo một chiếc áo đầm dài quét đất.
“Cô nghe bà ấy nói,” Strike lặp lại rõ ràng, “trên điện thoại, là bà ấy không muốn nói dối nữa?”
Lechsinka lại gật đầu, gương mặt thản nhiên ngây thơ.
“Rồi bà thấy tôi, la lên ‘Cút đi, cút đi!’”
“Thật hả?”
Lechsinka gật đầu tiếp, tay vẫn treo áo.
“Còn ông Bestigui lúc đó ở đâu?”
“Không có đó.”
“Cô có biết bà ấy nói chuyện với ai không? Nói trên điện thoại đó?”
“Không.” Nhưng rồi, Lechsinka nói tiếp, ra vẻ bí mật. “Đàn bà.”
“Đàn bà? Làm sao cô biết?”
“La hét. La hét trên điện thoại. Nghe đàn bà.”
“Cãi lộn à? Tranh cãi? Họ la hét với nhau? Lớn tiếng, hả?”
Strike nhận ra mình đang nói một cách kỳ quặc, cố tình nói chậm, nhấn nhá từ ngữ như một người Anh điển hình khi bối rối trước người nước ngoài không thạo tiếng Anh. Lechsinka lại gật đầu lần nữa, rồi mở ngăn kéo tìm chỗ cất cái thắt lưng, cũng là vật duy nhất còn sót trên tay. Cuối cùng sau khi đã cuộn và cất chiếc thắt lưng vào ngăn kéo, cô ta đứng thẳng người rồi bước ra, đi thẳng vào phòng ngủ. Strike bước theo sau.
Trong khi cô ta trải drap giường và sắp xếp lại hai chiếc bàn con cạnh giường, Strike tiếp tục hỏi và biết thêm được rằng hôm đó cô ta lau chùi căn hộ của Lula Landry sau cùng, sau khi cô người mẫu đã đi ra ngoài thăm bà mẹ. Cô ta không thấy có gì khác thường cả, cũng không thấy tờ giấy màu xanh nào, có viết chữ hay còn để trống. Lúc cô ta xong việc thì mấy cái túi cùng với đám quần áo cho Deeby Macc mà Guy Somé gởi đến cũng vừa được giao ở bàn trực. Hôm đó việc cuối cùng cô ta làm là mang quà của Guy Somé lên lầu, lần lượt đặt vào căn hộ của Lula và Macc.
“Sau khi để đồ ở trong hai căn hộ đó cô đều bật lại báo động hết?”
“Tôi đặt báo động, có hết.”
“Cả nhà của Lula nữa?”
“Có.”
“Một chín sáu sáu trong căn số Hai?”
“Có.”
“Cô có nhớ đem gì lên căn hộ của Deeby Macc không?”
Lechsinka phải ra dấu để diễn tả vài món đồ, nhưng cô ta vẫn làm cho Strike hiểu được là cô ta nhớ có đem lên hai chiếc áo, một cái thắt lưng, một cái mũ, một đôi găng tay và (cô ta làm động tác loay hoay quanh cổ tay) khuy măng-sét.
Lechsinka kể tiếp là sau khi để hết mấy món đồ đó vào phần kệ mở tủ áo quần để Macc có thể nhìn thấy ngay được, cô ta bật báo động và ra về.
Strike cảm ơn cô lao công rối rít, cố tình lần chần để ngắm cặp mông mặc quần jeans bó sát khi cô ta vuốt thẳng tấm chăn mềm, rồi mới quay trở ra hành lang với Robin và Wilson.
Khi cả ba đi lên dãy cầu thang cuối cùng, Strike kiểm tra lại câu chuyện của Lechsinka với Wilson, ông bảo vệ xác nhận là có nhờ nhân viên bảo trì cài mã số 1966 trên báo động, giống như cửa trước nhà.
“Tui chỉ chọn số nào để Lechsinka dễ nhớ, tại giống cửa trước. Nếu muốn sau đó Macc có thể tự cài lại số khác.”
“Anh có nhớ hôm đó nhân viên bảo trì trông như thế nào không? Anh có nói là anh ta đến đây lần đầu?”
“Còn trẻ lắm. Tóc dài chừng mày.”
Wilson chỉ lên cổ.
“Da trắng?”
“Ừa da trắng. Nhìn như chưa mọc râu.”
Cả ba đứng trước cánh cửa căn hộ số Ba, nơi từng là chỗ ở của Lula Landry. Tự dưng Robin thấy như có một luồng điện chạy qua người – vừa sợ hãi, vừa phấn khích khi Wilson mở cánh cửa sơn trắng muốt, trên cửa có một lỗ nhìn trộm lắp kính, cỡ bằng đầu đạn.
Căn hộ trên cùng được thiết kế khác với hai căn còn lại: nhỏ hơn nhưng thoáng hơn. Có vẻ như nó vừa được trang trí lại hoàn toàn với tông màu kem và nâu. Guy Somé có nói với Strike rằng chủ nhân nổi tiếng trước đây của căn hộ yêu thích màu săc; nhưng giờ đây trông căn hộ cũng lạnh lùng như một phòng khách sạn hạng sang. Strike im lặng, đi trước vào phòng khách.
Thảm lót sàn ở đây không làm bằng len mịn màng như dưới căn của Bestigui mà lại bằng sợi đay màu cát, hơi nham nhám. Strike quẹt bàn chân lên thảm, không để lai dấu vết hay lằn ranh nào cả.
“Sàn cũng như vậy khi Lula còn ở đây sao?” Hắn hỏi Wilson.
“Ừa. Cổ chọn vậy. Gần như mới nguyên nên họ giữ lại.”
Khác với ba ô cửa sổ dài ở dưới hai căn hộ còn lại, mỗi ô có một ban công riêng, căn hộ tầng trên cùng chỉ có hai cánh cửa lớn dẫn ra một ban công rộng. Strike mở khóa, đẩy cửa bước ra bên ngoài. Robin không thích nhìn hắn làm việc đó; sau khi liếc nhìn gương mặt trầm tĩnh của Wilson, cô quay lại nhìn mấy chiếc gối tựa và những tấm ảnh treo tường đen trắng, cổ không nghĩ đến việc xảy ngay tại đây ba tháng trước.
Strike nhìn xuống đường. Robin ắt hẳn sẽ rất ngạc nhiên nếu cô biết được những suy nghĩ của hắn hiện giờ không hề lạnh lùng, bình thản như cô vẫn tưởng.
Strike đang hình dung ra một người đang mất kiểm soát, chạy xô về phía Landry khi cô người mẫu đứng đó, thanh mảnh và xinh đẹp, trong bộ quần áo cô đã chọn để gặp một người khách mà cô rất mong gặp. Kẻ sát nhân mất trí giận dữ giằng co với Lula, cuối cùng dùng sức mạnh thô bạo của một người điên loạn ném cô xuống. Những giây Lula rơi xuống mặt đường bê tông, tắt thở trong lớp tuyết trông mềm mại nhưng chết chóc, hẳn phải dài vô tận. Lula đã đập loạn tay trong không khí trống trơn tàn nhẫn, cố tìm một chỗ bấu víu. Và rồi, không hề có thời gian để sửa chữa sai lầm, để giải thích, để trăn trối hay xin thứ tha, không hề có những thứ xa xỉ thường dành cho những kẻ may mắn có thời gian hấp hối, thân xác cô tan vỡ ngay trên mặt đường.
Người chết chỉ có thể lên tiếng qua miệng người còn sống, và qua những dấu hiệu rải rác họ để lại. Strike đã mường tượng ra cô người mẫu từ những dòng chữ cô viết cho bạn bè; hắn đã nghe thấy giọng cô trên điện thoại áp bên tai; nhưng giờ đây, khi nhìn xuống quang cảnh cuối cùng cô thấy trước khi lìa đời, hắn cảm thấy gần gũi lạ lùng với Lula. Sự thật đang chậm rãi hiện ra giữa một đám chi tiết rối rắm không liên quan với nhau. Hắn chỉ còn thiếu bằng chứng.
Điện thoại di động của Strike đổ chuông. Tên và số của John Bristow hiện ra, hắn nhấc máy trả lời.
“Chào anh John, cảm ơn anh đã gọi lại.”
“Không thành vấn đề. Có gì mới không?” Ông luật sư hỏi.
“Có thể có vài thứ. Tôi đã nhờ một chuyên gia xem qua máy tính của Lula, anh ấy tìm thấy một file nhiều hình ảnh bị xóa sau khi Lula chết. Anh có biết gì về chuyện đó không?”
Đáp lời hắn là sự im lặng hoàn toàn. Điều duy nhất khiến Strike biết được Bristow vẫn chưa dập máy là những tiếng động phía bên kia đầu dây.
Cuối cùng ông luật sư lên tiếng, giọng khác hẳn:
“Bị xóa sau khi Lula chết?”
“Chuyên gia máy tính nói vậy.”
Dưới đường một chiếc xe chậm rãi chạy đến, dừng lại ngay giữa đường, Một người phụ nữ mặc áo lông bước ra.
“Tôi... tôi xin lỗi,” Bristow nói, giọng vô cùng chấn động. “Chỉ là tôi sốc quá. Hay bên cảnh sát xóa file này?”
“Anh nhận máy tính lại khi nào?”
“À... hồi tháng Hai, tôi nhớ vậy, khoảng đầu tháng Hai.”
“File bị xóa vào ngày mười bảy tháng Ba.”
“Nhưng... nhưng thế thì thật vô lý. Không ai biết mật khẩu cả.”
“Rõ ràng là có người biết. Anh có nói là cảnh sát cho mẹ anh biết mật khẩu đúng không?”
“Mẹ tôi chắc chắn là không xóa...”
“Tôi không nói mẹ anh làm chuyện đó. Nhưng liệu mẹ anh có để máy tính mở lúc nào đó không? Hoặc đưa mật khẩu cho ai đó?”
Bristow hắn đang ở trong văn phòng. Hắn nghe thấy tiếng nói lao xao ở đầu dây bên kia và văng vẳng có cả tiếng phụ nữ đang cười.
“Cũng có thể là vậy,” Bristow chậm rãi lên tiếng. “Nhưng ai có thể xóa những tấm hình đó? Trừ khi... lạy Chúa, thật kinh khủng...”
“Chuyện gì kia?”
“Anh không nghĩ một trong mấy cô y tá đã xóa mấy tấm hình chứ? Để bán lại cho báo chí? Nhưng mà như vậy thì kinh quá... cô y tá...”
“Chuyên gia chỉ nói là mấy tấm hình bị xóa hết; không có gì cho thấy là chúng bị chép lại rồi đem giấu đi. Nhưng mà như anh nói đó, chuyện gì cũng có thể xảy ra.”
“Nhưng còn ai được nữa chứ... Ý tôi là tôi không muốn nghĩ y tá làm chuyện đó, nhưng còn ai có thể làm được? Chiếc máy tính ở chỗ mẹ tôi suốt, kể từ khi bên cảnh sát trả lại.”
“John, anh có biết mặt tất cả những người đến thăm mẹ anh trong vòng ba tháng trở lại đây không?”
“Tôi nghĩ là biết hết. Nhưng rõ là tôi cũng không chắc...”
“Đúng vậy. Khó ở chỗ đó.”
“Nhưng tại sao... tại sao lại làm vậy?”
“Tôi có thể nghĩ ra vài lý do. Nếu được, phiền anh hỏi lại mẹ anh mấy chuyện. Rất quan trọng, John à. Phiền anh hỏi trong khoảng giữa tháng Ba mẹ anh có bật máy tính không. Có ai trong những người khách đến thăm tỏ ra quan tâm tới nó không.”
“Tôi... tôi sẽ thử xem.” Giọng Bristow rất căng thẳng, nghe như sắp bật khóc. “Mẹ tôi giờ đang rất yếu.”
“Tôi rất tiếc,” Strike nói, đúng phép tắc. “Có gì tôi sẽ liên lạc với anh sớm. Tạm biệt.”
Hắn quay trở lại trong nhà, đóng cửa ban công, rồi hỏi Wilson.
“Derrick, anh có thể chỉ lại cho tôi xem hôm đó anh kiểm tra căn hộ này như thế nào không? Anh kiểm tra phòng nào trước?”
Wilson ngẫm nghĩ một lúc, rồi lên tiếng:
“Tui vô đây trước. Nhìn quanh, thấy cửa mở. Nhưng không đụng vô. Rồi,” ông ta ra hiệu cho Strike và Robin đi theo, “tui coi trong đây...”
Robin đi theo hai người đàn ông, để ý thấy cách Strike nói chuyện với ông bảo vệ hơi khác lúc trước. Hắn hỏi những câu đơn giản, khéo léo, tập trung vào những thứ Wilson đã cảm nhận hay đụng vào, mường tượng ra lúc Wilson đi quanh nhà.
Dưới sự dẫn dắt của Strike, điệu bộ của Wilson bắt đầu thay đổi. Ông ta bắt đầu diễn lại cách ông ta nắm thanh cửa, chồm người vào từng phòng, nhanh nhẹn nhìn quanh quất. Khi ông ta đến phòng ngủ duy nhất, Wilson diễn tả lại hành động chạy một cách chậm rãi, đáp ứng lại sự tập trung chú ý trên gương mặt của Strike. Ông ta quỳ xuống, diễn tả cách mình đã xem xét gầm giường, khi Strike hỏi thì nhớ thêm được là lúc đó dưới chân ông ta có một chiếc áo đầm nhàu nhĩ. Rồi ông ta diễn tả cách mình xoay người để kiểm tra phía sau cánh cửa trước khi chạy ra cửa trước. (Wilson giả vờ làm động tác chạy, hai cánh tay vung mạnh khi bước đi).
“Và sau đó,” Strike lên tiếng, mở cửa và ra hiệu cho Wilson bước qua, “anh bước ra…”
“Tui bước ra,” Wilson đồng ý, giọng trầm thấp, “rồi tui bấm nút thang máy.”
Ông ta giả vờ làm động tác bấm nút, rồi giả vờ đẩy hai cánh cửa ra, nôn nóng xem bên trong có gì.
“Không có gì cả... vậy là tui chạy xuống nhà lại.”
“Lúc đó anh nghe gì không?” Strike hỏi, đi theo Wilson, cả hai đều không để ý đến Robin đang đóng cửa căn hộ.
“Chỉ nghe xa xa... tiếng hai ông bà Bestigui la hét... rồi tui quay qua đây...”
Wilson đứng im trên cầu thang. Strike, dường như cũng đoán trước được, cũng dừng lại; Robin đi thẳng đâm sầm vào hắn, bối rối xin lỗi nhưng hắn đã đưa tay lên ra hiệu im lặng, hắn làm như thể Wilson đang tập trung hầu đồng.
“Rồi tui trượt chân té,” Wilson nói. Giọng ông ta sửng sốt. “Tui quên mất vụ đó. Tui trượt chân té, ngay đây. Té ra đằng sau. Ngồi xuống cái rầm. Có nước. Chỗ này. Mấy giọt nước. Ngay đây.”
Ông ta chỉ về phía cầu thang.
“Mấy giọt nước,” Strike lặp lại.
“Ừa.”
“Không phải tuyết.”
“Không.”
“Không phải dấu chân ướt.”
“Giọt nước. Giọt bự lắm. ở đây. Chân tui quẹo qua một bên rồi tui trượt ngã. Rồi tui đứng dậy ngay, tiếp tục chạy.”
Một chi tiết từng khiến Strike mất ăn mất ngủ cuối cùng cũng sáng tỏ. Hắn thở dài thỏa mãn và nhe răng cười. Hai người còn lại nhìn hắn chằm chằm.
4
Hai ngày cuối tuần lại đến, ấm áp và trống trải. Strike ngồi bên cửa sổ, vừa hút thuốc vừa ngắm dòng người đi mua sắm dưới phố Denmark. Hắn để tập hồ sơ điều tra riêng trên đùi và bộ hồ sơ của cảnh sát trên bàn, viết ra tất cả những thông tin đã thu thập được.
Hắn nhìn tấm hình chụp mặt tiền tòa nhà số 18 buổi sáng hôm đó một lúc lâu. Strike nhận ra một điểm khác biệt rất nhỏ nhưng hắn thấy khá quan trọng khi so sánh mặt tiền tòa nhà lúc đó và ở thời điểm hiện tại. Thỉnh thoảng hắn chuyển sang làm việc trên máy tính, đầu tiên là tìm người đại diện của Deeby Macc rồi sau đó là kiểm tra giá cổ phiếu của công ty Albris. Cuốn sổ ghi chép đặt ngay bên cạnh, trang đang mở chi chít những câu mô tả vắn tắt và các câu hỏi bằng nét chữ sắc nhọn của Strike. Khi điện thoại di động đổ chuông, hắn cầm thẳng lên nghe mà không xem trước là ai gọi.
“À, anh Strike,” Peter Gillespie lên tiếng. “Hôm nay anh nghe máy, thật tử tế quá.”
“Ô, chào Peter,” Strike đáp. “Giờ ổng bắt anh làm luôn cả cuối tuần à?”
“Có nhiều người phải làm việc cả cuối tuần. Phải vậy thôi, gọi trong tuần anh đâu có trả lời trả vốn gì.”
“Dạo này tôi rất bận. Công việc nhiều.”
“Tôi hiểu. Nói vậy tức là anh sắp trả được tiền cho tụi tôi?”
“Tôi cũng mong vậy.”
“Anh cũng mong vậy?”
“Vâng,” Strike đáp. “Vài tuần tới tôi sẽ có đủ tiền trả anh một khoản.”
“Anh Strike. Thái độ của anh làm tôi kinh ngạc. Anh hứa sẽ trả ông Rokeby hàng tháng, mà giờ đây anh đã trả chậm tổng cộng là...”
“Tôi không thể trả bằng tiền mà mình chưa có. Nếu anh chịu đợi thêm, tôi sẽ trả hết. Thậm chí trả nguyên một cục.”
“Tôi e là không được. Trừ khi anh trả hết phần bị chậm...”
“Gillespie,” Strike nói, mắt nhìn bầu trời sáng rực ngoài cửa sổ, “tôi với anh đều hiểu rằng Jonny già sẽ không đi kiện thằng con-thương-binh-một-cẳng chỉ để lấy lại món tiền không bằng tiền mua xà bông cho tay quản gia nhà ông ta. Tôi sẽ trả hết, trả cả tiền lời nữa, chỉ trong vòng hai tháng tới, ổng tha hồ tộng hết đám tiền đó vô đít rồi đốt sạch nếu ổng muốn. Anh cứ nói với ổng như vậy, còn bây giờ anh biến quách cho tôi nhờ.”
Strike dập máy, để ý thấy lần này hắn đã không thực sự nổi nóng, nhưng vẫn có chút hả hê.
Hắn tiếp tục làm việc đến đêm khuya, ngồi ở chiếc ghế mà giờ đây hắn đã quen nghĩ là chỗ ngồi riêng của Robin. Trước khi nghỉ tay, hắn gạch chân ba lần dưới dòng chữ “Khách sạn Malmaison, Oxford” và khoanh vòng thật đậm quanh cái tên “J.P. Agyeman”.
Nước Anh đang chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp đến. Tối Chủ nhật Strike lên giường khá sớm, bật chiếc TV nhỏ xem tin tức về những vụ nói hớ trong ngày, các màn cãi qua cãi lại, những lời hứa hẹn trước bầu cử của giới chính trị gia. Dường như bản tin nào hôm đó cũng ảm đạm. Công nợ của chính phủ Anh lớn đến độ dân thường không ai hiểu nổi. Sắp đến ngân sách sẽ bị cắt giảm hàng loạt, Đảng nào thắng cũng vậy. Thi thoảng, ngôn từ lắt léo của lãnh đạo các Đảng đang tranh cử lại khiến Strike nhớ đến mấy vị bác sĩ phẫu thuật lúc họ dặn dò rằng có thể hắn sẽ bị đau; mặc dù bản thân họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái đau ấy đến mức nào.
Sáng thứ Hai Strike đi đến chỗ hẹn ở quận Canning Town để gặp Marlene Higson, mẹ ruột của Lula Landry. Cũng khá rắc rối Strike mới sắp xếp được cuộc hẹn này. Alison, thư kí của Bristow đã đưa số điện thoại của Higson cho Robin. Strike đích thân gọi để xin cuộc hẹn. Ban đầu mặc dù hơi thất vọng vì Strike không phải là nhà báo, bà ta vẫn đồng ý gặp. Nhưng sau đó bà ta gọi điện lại cho văn phòng hai lần: đầu tiên để hỏi liệu Strike có chịu trả tiền vé tàu xe cho bà ta đi vào trung tâm London không, Robin trả lời là không. Sau đó bà ta gọi ngay lại, đùng đùng đòi hủy cuộc hẹn. Strike đích thân gọi lần thứ hai thuyết phục một hồi, bà ta đồng ý gặp tại quán bia ở gần nhà. Nhưng ngay sau đó Higson gọi lại cho Strike, để lại tin nhắn hủy cuộc hẹn, giọng có vẻ bực bội.
Strike gọi lần thứ ba. Hắn nói rằng điều tra đang đi vào giai đoạn cuối, sau đó tất cả các chứng cứ sẽ được công khai, lúc đó chắc chắn giới báo chí sẽ lại nhảy vào. Vậy nên nếu bà ta không muốn gặp thì hắn cũng thông cảm được, vì như vậy báo chí sẽ để bà ta yên. Ngay lập tức Marlene Higson đổi ý, muốn kể cho Strike tất cả những gì bà ta biết. Trước sự thống thiết của bà ta, Strike tỏ vẻ xuôi lòng và chấp nhận hẹn gặp ở vườn bia quán Ordance Arms vào sáng thứ Hai như đã hẹn trước.
Hôm đó hắn đi tàu ra quận Canning Town. Trạm tàu Canning Town nhỏ bé, có thể nhìn thấy được từ khu trung tâm tài chính Canary Wharf, nơi có những tòa nhà hào nhoáng sang trọng trông như phim khoa học viễn tưởng. Những tòa nhà đó sừng sững, to lớn như món nợ công khổng lồ của nước Anh, đứng từ xa không thể hình dung chúng lớn như thế nào. Nhưng chỉ đi bộ vài phút, Strike đã hoàn toàn bỏ lại sau lưng cái thế giới hào nhoáng đó. Quận Canning Town nhìn đâu cũng thấy nghèo nàn xập xệ, mặc dù nằm chen chúc ngay bên cạnh những dãy nhà ven sông, nơi có những căn hộ sang trọng hiện đại của giới nhà băng. Strike biết rõ Canning Town từ lâu bởi đây từng là chỗ của một người bạn trong giới giang hồ, cũng chính là người đã cung cấp cho hắn địa chỉ của Brett Fearney. Hắn đi dọc theo phố Barking, quay lưng về phía Canary Wharf, ngang qua một tòa nhà gần biển quảng cáo ghi chữ “kills 4 Communities” (Giết chóc vì cộng đồng), hắn hơi sững lại, trước khi nhận ra hẳn ai đó đã xóa mất chữ S trước chữ k- tấm biển quảng cáo đáng ra phải là “Skills 4 Communities” (Kĩ năng vì cộng đồng).
Quán Ordance Arms ở ngay bên cạnh Công ty Trách nhiệm hữu hạn môi giới Cầm đồ Anh quốc. Quán khá rộng lớn, trần thấp, sơn màu be. Nội thất bên trong quán có vẻ gọn gàng, thực dụng. Ngoài một dãy đồng hồ bằng gỗ treo trên tường màu đất sét và tấm thảm lót sàn màu đỏ có hoa văn bầm tía, chủ quán chẳng màng trang trí vẽ vời gì nữa. Trong quán có hai bàn billiard loại lớn, một quầy bar khá dài ở vị trí trung tâm, chung quanh khá thoáng, tiện cho khách ra vô lấy đồ uống. Mười một giờ sáng, quán vắng tanh, vị khách duy nhất là một người đàn ông lớn tuổi nhỏ bé ngồi khuất trong góc và một cô phục vụ mặt mày tươi tắn, thân mật gọi ông khách là “Joey” và nhanh nhẹn chỉ lối ra vườn sau cho Strike.
Vườn bia thực ra là sân sau lót bê tông, trông vô cùng ảm đạm. Trong “vườn” có mấy thùng rác và một chiếc bàn gỗ duy nhất. Một người đàn bà ngồi trên ghế nhựa màu trắng bên cạnh bàn. Bà ta bắt chéo cặp giò múp míp, cầm điếu thuốc ngang mặt. Trên mấy bức tường cao bao quanh có gắn kẽm gai cuộn bảo vệ. Một cái túi ni lông bị vướng vào đó, bay sột soạt trong gió. Bên kia bức tường là một dãy nhà chung cư sừng sững, sơn vàng. Ban công khu chung cư treo đầy quần áo đồ đạc lếch thếch, nhìn đâu cũng thấy dơ dáy nghèo khổ.
“Bà Higson?”
“Chú em gọi tui là Marlene được rồi.”
Bà ta nhìn hắn từ đầu tới chân, ra vẻ sành sỏi, chậm rãi mỉm cười. Marlene mặc áo sát nách màu hồng bằng vải thun Lycra, khoác ngoài một chiếc ao thun dày liền mũ màu xám có khóa kéo, bên dưới mặc quần tất ôm sát hơi ngắn, để lộ một khúc cổ chân trắng nhợt. Đôi dép xỏ ngón bà mang trông dơ dơ nhưng các ngón tay đeo đầy nhẫn vàng. Tóc cũng nhuộm vàng, lộ vài phân chân tóc màu nâu đã ngả bạc, được cột túm lại phía sau bằng một cái cột tóc vải lùm xùm như khăn tắm đã ngả màu cháo lòng.
“Bà uống gì để tôi mua?”
“Nếu anh đã ép vậy thì cho một vại Carling.”
Cái kiểu bà ta uốn éo người về phía Strike, gạt vài sợi tóc xơ xác rũ xuống bọng mắt, và cả cách bà ta cầm điếu thuốc đều toát lên vẻ điệu đàng lố bịch. Có lẽ bà ta luôn cư xử như vậy trước mặt đàn ông. Strike thấy vừa mủi lòng vừa ghê tởm.
“Sốc hả?” Marlene Higson lên tiếng, sau khi Strike đem bia về lại bàn cho cả hai. “Hồi lúc tui đem cho nó đi cũng y vậy. Lúc đó tui đau lòng lắm chứ, nhưng mà nghĩ thôi thì để nó được sung sướng. Còn không tui làm sao đành lòng làm chuyện đó. Tui cứ nghĩ để nó có những thứ tui không có. Tui nghèo từ nhỏ. Hồi đó trong tay chẳng có gì, nhẵn như chùi.”
Bà ta nhìn đi chỗ khác, cầm điếu thuốc Rothman rít một hơi thật sâu, lúc đó trông miệng bà ta nhăn nhúm y hệt đít mèo.
“Tay Dez bồ tui cũng chẳng thiết gì nó... anh biết đó, nó là dân da màu, rõ ràng không phải con ảnh. Càng lớn da nó càng đen, chứ lúc mới sinh nó cũng như con nít da trắng thôi. Nhưng không đời nào tui đem nó đi cho, nếu tui không nghĩ làm vậy thì nó có cơ được sung sướng. Tui nghĩ nó cũng sẽ không nhớ gì tôi, tại lúc đó nó còn nhỏ quá. Tui làm vậy để tốt cho nó, rồi biết đâu sau này khi nó lớn lên nó sẽ đi tìm tui. Mơ ước vậy mà thành sự thật,” bà ta nói thêm, làm bộ xúc động mãnh liệt. “Nó đi tìm tôi thiệt.”
“Để tui kể anh nghe chuyện này rất lạ,” bà ta tiếp tục thao thao, không thèm nghỉ lấy hơi. “Ngay một tuần trước khi nó gọi điện lần đầu cho tui, một anh bạn có hỏi tui ‘Cưng biết cưng giống ai không?’ Rồi ảnh nói tên nó. Tui chỉ nói ‘Dớ dẩn vừa thôi,’ nhưng ảnh lại nói tiếp, ‘Thiệt mà. Ngay con mắt, rồi hàng chân mày nữa, thấy chưa?”
Bà ta nhìn Strike, chờ đợi nhưng hắn không thể thốt ra tiếng nào. Gương mặt Nữ hoàng Nefertiti làm sao bà con gì với cái mớ xám xịt tai tái này.
“Nhìn ảnh tui hồi trẻ thì sẽ thấy,” bà ta nói tiếp, giọng hơi dỗi. “Cái chính là, tui cho đi để nó được sung sướng, vậy mà họ giao nó cho cái đám chó đẻ đó, vô phép anh tui nói vậy. Nếu biết trước tui đã giữ nó lại, tui có nói vậy với nó. Nghe tui nói vậy nó khóc luôn. Phải chi tui đừng bao giờ đem cho, để lại mà nuôi.
“Có chứ. Nó nói chuyện với tui hoài. Tâm sự nhiều lắm. Ông cha nuôi cũng tốt, Ngài Alec đó. Nghe kể cũng được. Nhưng bà mẹ ghê gớm lắm. À, vụ thuốc men. Uống thuốc liên tục. Thì kiểu mấy con mụ nhà giàu rảnh quá suốt ngày uống thuốc an thần. Anh thấy đó, Lula nói chuyện được với tui. Hai mẹ con quấn quít lắm. Ta nói, máu mủ ruột rà mà.
“Nó rất sợ không biết mụ già sẽ làm gì nếu biết nó đi tìm mẹ ruột. Nó lo lắm, sợ mụ ta lên cơn khi báo chí tìm ra tui, nhưng anh thấy đó, người nổi tiếng như nó thì rồi chuyện gì báo chí cũng biết, chẳng phải vậy sao? Trời ơi, báo chí bịa đâu ra đủ thứ chuyện. Nhứt là về tui. Giờ nghĩ lại tui còn muốn đi kiện.”
“Đang nói tới đâu rồi? À, bà mẹ nuôi nó. Tui nói với Lula, ‘Tại sao phải lo lắng hả cưng, bỏ luôn bà đó thì càng tốt chứ sao. Cứ kệ cho bả tức nếu bả không muốn hai mẹ con mình gặp nhau.’ Nhưng Lula là đứa có hiếu, thường xuyên thăm viếng bả, cho đúng bổn phận vậy mà.
“Nhưng dù sao thì nó cũng có cuộc sống riêng, tự do làm những việc nó muốn, không phải vậy sao? Nó còn có thằng Evan. Nói thiệt với anh, tui có nói là tui không chịu thằng đó,” Marlene Higson kể lể, làm bộ nghiêm nghị đứng đắn. “Gì chứ nghiện ngập thì tui biết quá rồi, nhiều đứa tan nát hết. Nhưng tui phải công nhận rằng thằng nhỏ coi vậy mà tốt tính. Tui phải công nhận vậy đó. Chuyện vừa rồi không dính gì đến Evan cả. Tui cam đoan luôn.”
“Bà gặp anh ta rồi à?”
“Chưa, nhưng có lần Lula điện cho Evan lúc đang ở chỗ tui. Tui có nghe hai đứa nó nói điện thoại với nhau, nghe dễ thương lắm. Không, tui không nghĩ gì xấu cho Evan cả. Rõ là không dính gì tới thằng nhỏ, có chứng cứ rồi còn gì. Tui không nghĩ gì xấu cho nó cả. Miễn là bỏ ma túy đi thì tui chịu hết. Tui có nói với Lula, ‘Dẫn nó tới đây cho mẹ xem có được không,’ nhưng Lula chẳng bao giờ dẫn Evan tới. Nó bận lắm. Tóc tai lôi thôi vậy chứ Evan trông bảnh lắm,” Marlene nói. “Anh nhìn hình cũng thấy đó.”
“Lula có kể gì với bà về mấy người hàng xóm không?”
“Ồ, tay Fred Beastigwee hả? Có, nó nói hết, nói là tay đó có mời đóng phim. Tui nói, tại sao không? Đóng cho vui mà. Nếu không thích thì vẫn có thêm được nửa triệu bỏ túi, chớ gì?”
Bà ta nheo đôi mắt đỏ ngầu; ngây ra trong giây lát khi nghĩ đến con số hấp dẫn khổng lồ mà xa vời như ảo ảnh vô tận. Chỉ nói đến món tiền đó cũng khiến Marlene mơ mộng lâng lâng.
“Lula có nói gì về Guy Somé không?”
“Có chứ, con bé quý Gee, ổng thương nó lắm. Nhưng tui thích mấy thứ hơi cổ điển chút. Đồ của Gee không hơp với gu của tui.”
Lúc bà ta chồm người ra trước để điệu đàng khảy điếu thuốc vào gạt tàn, mấy nếp gấp xuất hiện trên chiếc áo Lycra màu hồng chóe bó chặt lấy khúc mỡ bụng chỉ chực trào ra ngay lưng quần.
“‘Anh ấy như anh trai của con vậy’ Lula nói về Gee như vậy đó, rồi tui nói, cần gì anh nuôi, sao không đi tìm mấy thằng con của tui luôn? Nhưng nó không quan tâm mấy.”
“Mấy cậu con bà?”
“Ờ thì mấy đứa con khác của tui. Sau Lula tui sinh thêm hai đứa nữa, một đứa với Dez, một đứa với người khác. Bên Bảo trợ Xã hội đem tụi nó đi hết, nhưng tui nói với Lula, có tiền thì đi tìm được thôi, chỉ cần cho tui một ít, đôi ba ngàn bảng gì đó, rồi tui sẽ nhờ người đi tìm tụi nó, giữ kín với báo chí, để đó mình tui làm, nó không phải đụng gì tới. Nhưng nó chẳng mặn mà gì.” Marlene lặp lại.
“Bà có biết hai người này hiện giờ ở đâu không?”
“Hồi họ đem đi tụi nó còn nhỏ xíu, không biết bây giờ đã ở đâu rồi. Lúc đó tui gặp nhiều chuyện rắc rối. Tui cũng không giấu anh làm gì. Đời tui khổ lắm.”
Rồi bà ta kể lể dài dòng về cuộc đời “khổ lắm” đó của mình. Một chuỗi những cùng cực với những tay “chồng” vũ phu, nghiện ngập, dốt nát, trốn tránh trách nhiệm. Rồi sự túng bần và bản năng sống còn hoang dại xui khiến bà ta vứt bỏ con cái, vì việc nuôi dạy chúng đòi hỏi những kỹ năng mà bà ta chưa bao giờ có được.
“Vậy bây giờ bà không biết hai người con trai đang ở đâu?” Strike lặp lại, đúng hai mươi phút sau.
“Không, làm thế quái nào tui biết được?” Marlene đáp, sau một hồi kể lể bà ta trở nên cay cú hằn học. “Con nhỏ cũng không quan tâm gì. Nó đã có một thằng anh da trắng còn gì? Nó chỉ muốn đi kiếm ruột rà da đen thôi. Nó chỉ cần có vây.”
“Lula có hỏi gì bà về cha ruột không?”
“Có, tui biết gì nói hết. Ổng là sinh viên người châu Phi. Hồi đó, ổng thuê nhà trên gác, tui ở ngay tầng dưới, nhà trên đường Barking đây thôi. Ổng ở chung với hai người nữa. Chỗ đó giờ người ta đặt làm tiệm cá cược ở tầng dưới. Ổng đẹp trai lắm. Mấy lần tui đi chợ về có ra xách đồ giùm một tay.”
Trong câu chuyện của Marlene Higson, mối tình đó đứng đắn chừng mực, đầy đủ phép tắc như thời Victoria. Trong mấy tháng đầu tiên hai người không làm gì xa xôi hơn mấy cái bắt tay.
“Rồi thì, tại ổng giúp tôi hoài đó, nên một bữa tui mời ổng vô nhà, để cảm ơn vậy thôi anh hiểu không. Tui không bao giờ có thành kiến với dân da đen. Với tui ai cũng bình đẳng. Mời vô nhà uống ly trà trà thôi không có gì hết, tui nói vậy đó. Rồi thì,” Marlene nói tiếp, cho sự thật phũ phàng giáng rầm xuống những tách trà đặt trên đám khăn lót đĩa xinh xinh vừa tưởng tượng ra, “sau đó tui có bầu.”
“Bà có nói với ông ấy không?”
“Có chứ, ổng hứa hẹn sẽ giúp đỡ, đứng ra gánh vác, để làm sao cho tui ổn thỏa. Lúc đó vừa nghỉ hè. Ổng nói là sẽ quay lại,” Marlene nói, giọng đầy khinh bỉ. “Nhưng cút thẳng một mạch. Thì cũng có gì mà lạ? Rồi tui biết làm gì hơn, không lẽ đi châu Phi kiếm ổng?”
“Nhưng tui cũng không hề hấn gì, không đau khổ mấy vì lúc đó tui cũng vừa quen Dez. Ảnh không ngại đứa nhỏ. Sau khi Joe bỏ đi thì tôi dọn vô ở chung với Dez.”
“Joe?”
“Tên ổng. Joe.”
Bà ta nói ra vẻ chắc chắn như đinh đóng cột nhưng Strike cảm thấy dường như bà ta đã lặp đi lặp lại cái tên bịa đó quá nhiều lần, thành thử lời nói cứ trơn tuồn tuột.
“Họ của ông ấy là gì?”
“Tui nhớ làm quái nào được. Anh hỏi giống y như Lula. Hơn hai mươi năm rồi còn gì. Mumumba,” Marlene Higson nói bừa, không chút bối rối. “Hay đại loại vậy.”
“Có phải là Agyeman không?”
“Không.”
“Owusu?”
“Tui nói rồi,” bà ta trở nên hung hăng, “Mumumba hay cái gì đại loại vậy.”
“Không phải Macdonald? Hay Wilson chẳng hạn?”
“Anh giỡn hả? Macdonald? Wilson? Từ Châu Phi?”
Strike kết luận mối tình của Higson chưa đến giai đoạn hai bên kịp biết họ tên đầy đủ của nhau.
“Lúc đó ông ấy là sinh viên à? Ông ấy học ở đâu vậy?”
“Đại học,” Marlene đáp.
“Trường nào, bà nhớ không?”
“Tui đếch biết. Xin điếu thuốc được không?” Bà ta nói thêm, giọng hơi dịu lại.
“Vâng, bà cứ tự nhiên.”
Marlene rút ra một cái bật lửa nhựa để châm thuốc rồi làm luôn vài hơi. Điếu thuốc miễn phí làm bà ta mềm mỏng lại một chút:
“Hình như có liên quan gì đó tới bảo tàng. Liên kết gì đó, đại loại vậy.”
“Liên kết với bảo tàng?”
“Ừa, tại tui nhớ ổng có nói ‘Thỉnh thoảng có thời gian rảnh rỗi tôi đi thăm bảo tàng.’” Bà ta giả giọng, cứ nghe theo đó thì người sinh viên từ Châu Phi này nói năng giống hệt một quý ông thượng lưu người Anh. Nói rồi, bà ta tủm tỉm cười, như thể đi bảo tàng là chuyện lạ lùng lố bịch lắm.
“Bà có nhớ là ông ấy hay đi bảo tàng nào không?”
“Bảo... bảo tàng Anh quốc hay đại loại như vậy,” bà ta đáp, rồi sau đó bực tức nói thêm, “Anh y hệt như Lula. Làm thế quái nào mà tui nhớ hết mấy chuyện như vậy?”
“Bà không bao giờ gặp lại ông ấy nữa sau khi ông ấy về nước nghỉ hè?”
“Không.” Bà ta đáp. “Mà tui cũng không mong gì.” Bà ta nốc bia, nói tiếp. “Chắc chết đâu rồi.”
“Tại sao bà lại nói vậy?”
“Châu Phi mà, đúng không?” Bà ta đáp thản nhiên. “Chắc là bị trúng đạn chết? Hay chết đói. Hay gì nữa. Châu Phi mà, anh biết đó.”
Đúng là Strike từng biết Châu Phi. Hắn nhớ đến những con đường nhung nhúc người ở Nairobi, quang cảnh rừng mưa nhiệt đới của Angola nhìn từ trên máy bay, những ngọn cây phủ đầy sương mù và cảnh đẹp hút hồn hiện ra khi máy bay đổi hướng: một thác nước chảy đổ xuống triền núi xanh mướt. Rồi cả người đàn bà dân tộc Masai ngồi trên thùng giấy cho con bú trong khi hắn tỉ mỉ đặt câu hỏi điều tra về cáo buộc hiếp dâm còn Tracey cầm máy quay phim đứng ngay bên cạnh.
“Lula có cố gắng đi tìm cha ruột không?”
“Có, nó có cố tìm thiệt.” Marlene hờ hững đáp.
“Tìm như thế nào?”
“Nó tìm trong giấy tờ bên trường Đại học,” Marlene đáp.
“Nhưng nếu bà không nhớ ông ấy học trường nào...”
“Tui không biết, hình như Lula kiếm ra trường của ổng, nhưng mà không kiếm ra ổng đâu. Chắc tui không nhớ chính xác tên ổng, tui cũng không biết nữa. Lula cữ lẵng nhẵng hỏi suốt: trông ổng ra sao, ổng học cái gì. Tui trả lời là ổng cao, người gầy gầy, đáng ra nó phải mừng vì lỗ tai nó giống tui, chứ tai voi như ổng thì còn lâu mới làm người mẫu người miếc gì được.”
“Lula có hay nói gì về bạn bè của cô ấy không?”
“Có chứ. Có một con ranh người da đen, Raquelle hay cái quỷ gì đó. Đeo theo Lula như đỉa hút máu. Giờ cũng ngon lành chán. Có đủ áo quần rồi vòng vèo rồi những gì gì nữa. Tui chỉ nói với Lula một lần, ‘Mẹ khoái một cái áo khoác mới.’ Nhưng tui không có xin xỏ gì, anh thấy đó. Con Requelle thì hở ra là xin.”
Bà ta hừ mũi, uống cạn ly bia.
“Bà gặp Rochelle bao giờ chưa?”
“Hóa ra tên vậy hả? Ừ, có gặp một lần. Nó ngồi sẵn trong xe khi tài xế tới đón Lula ở chỗ tui. Ra vẻ bà lớn, nhìn tui bằng nửa con mắt chớ. Giờ thì chắc tiếc lắm. Cái đồ la liếm.
“Rồi cả con Ciara Porter.” Marlene kể tiếp, giọng còn khinh bỉ hơn, “chơi luôn bồ của Lula ngay trong đêm đó. Con đĩ ranh khốn nạn.”
“Bà có quen biết Ciara Porter không?”
“Tui thấy trên báo. Evan đi tới nhà nó, không phải vậy sao? Sau khi gây gổ với Lula. Đi thẳng tới nhà Ciara. Quá đáng mà.”
Marlene càng nói thì Strike càng thấy rõ là Lula chưa bao giờ để bà mẹ ruột gặp bạn bè của mình. Trừ lần nhìn thấy Rochelle chớp nhoáng, Marlene chỉ biết về họ qua mớ thông tin trên báo chí mà bà ta ắt hẳn đã đọc ngấu nghiến.
Strike đi mua thêm đồ uống, rồi nghe Marlene mô tả lại nỗi kinh hoàng và cú sốc khi nghe tin (do một người hàng xóm chạy xộc vào nhà báo ngay sáng sớm ngày 8 tháng Giêng) rằng con gái bà ta vừa ngã từ ban công xuống mặt đường chết ngay tại chỗ. Strike cẩn thận hỏi dò thì biết được thêm là hai tháng trước đó Lula không hề gặp bà mẹ ruột. Rồi bà ta tuôn một tràng chửi rủa cách gia đình nhận nuôi của Lula đối xử với mình sau đó.
“Họ không muốn có tui ở đó, nhứt là ông cậu khốn nạn của nó. Anh gặp ổng rồi chứ? Tony Landry đó? Tui gọi cho ổng hỏi về đám tang, nhưng toàn bị ổng dọa. Vậy đó. Dọa nạt đủ kiểu. Tui nói với ổng ‘Tui là mẹ nó, tui có quyền tới đó.’ Rồi ổng nói lại là tui không phải mẹ nó, mà mụ già hâm kia mới là mẹ nó, phu nhơn Bristow đó. Ngộ ghê hả, tui nói với ổng, tui nhớ là có rặn đẻ nó ra kia mà, nói vô phép anh nhưng đúng thế chứ gì nữa? Rồi ổng nói là tui đang gây rắc rối vì tui nói chuyện với báo chí. Nhưng tụi nó tới tận nhà tìm tui mà.” Bà ta giận dữ kể với Strike, chỉ tay dứt khoát về phía dãy chung cư bên cạnh. “Báo chí tới tìm tui. Vì tui kể chuyện của chính tui. Đương nhiên là tui kể rồi.”
“Tui không muốn làm lớn chuyện, nhứt là ở đám tang, tui không muốn phá cái gì hết, nhưng đừng có hòng đuổi tui đi. Tui có dự đám tang, ngồi ghế sau. Con khốn Rochelle cũng có ở đó, nhìn tui như thứ rác rưởi gì vậy. Nhưng sau đó thì không ai làm gì tui hết.
“Họ có được cái họ muốn rồi, cái gia đình khốn nạn đó. Tui chẳng được cái quái gì. Chẳng có cái khỉ khô gì cả. Lula có linh thiêng chắc nó buồn lắm, tui biết chắc vậy. Hẳn nó muốn để lại cho tui gì đó. Không phải,” Marlene nói, ra vẻ tự trọng “là tui quan tâm gì tới tiền nong. Với tui tiền bạc không là gì hết. Không có gì thay thế được con gái tui, mười triệu hay hai chục triệu cũng vậy.
“Nhưng nói thiệt với anh, Lula mà có linh thiêng chắc nó điên lắm nếu biết tui không được xu nào,” bà ta nói tiếp. “Cả đống tiền vậy mà; không ai tin chuyện tui trắng tay cả. Tiền nhà thì không trả nổi trong khi con gái ruột vừa chết đi để lại tiền triệu. Nhưng anh thấy đó. Cứ vậy nên người giàu mới giàu hoài, đúng không? Họ không cần tiền, nhưng có thêm chút đỉnh thì vẫn không chê. Tui không biết làm sao tay Landry cạn tàu ráo máng đó thảnh thơi ngủ ngon được, nhưng thôi, đó là việc của lão.”
“Lula có hứa hẹn để lại gì cho bà không? Cô ấy có bao giờ nhắc tới di chúc không?”
Gương mặt Marlene đột nhiên trở nên tươi tỉnh, khấp khởi hy vọng.
“Có chứ, nó nói sẽ lo hết cho tui mà. Đúng vậy, nó nói là sẽ lo cho tui ổn thỏa. Anh nghĩ tui có nên nói lại vụ đó với ai không? Nói rõ ra như vậy đó?”
“Tôi không nghĩ làm vậy sẽ thay đổi được chuyện gì, trừ khi cô ấy làm sẵn di chúc trong đó có nhắc tới bà.” Strike đáp.
Mặt bà ta xịu ngay xuống, sưng sỉa trở lại.
“Chắc đám đó đốt quách cái di chúc rồi, đồ khốn nạn. Dám lắm. Đám đó cùng một giuộc mà. Tui không tin nổi có gì lọt qua khỏi tay ông cậu già dịch đó.”
5
“Tôi rất tiếc vì anh ấy vẫn chưa gọi lại cho chị,” Robin nói với người bên kia đầu dây đang ở cách văn phòng hơn chục cây số. “Anh Strike hiện giờ rất bận. Để tôi ghi lại tên và số của chị rồi nhắc anh ấy gọi lại cho chị ngay chiều nay.”
“Ồ, không cần làm vậy đâu,” bên kia đầu dây lên tiếng. Giọng cô ta nghe dễ chịu, kiểu người có học thức, thoáng chút khàn khàn khiến người ta liên tưởng ngay đến một giọng cười rất gợi cảm, táo bạo. “Thực ra tôi không cần nói chuyện với anh ấy. Phiền cô chuyển giùm lời nhắn vậy? Tôi chỉ muốn báo trước cho anh ấy thôi. Trời đất, vụ này... thật là xấu hổ quá; tôi không muốn làm kiểu vậy chút nào... Thôi thì. Phiền cô nhắn lại rằng Charlotte Campbell gọi để báo tin đính hôn với Jago Ross. Tôi không muốn anh ấy nghe được tin này từ một người nào khác, hay phải đọc báo thấy. Bố mẹ Jago vừa mới đi đăng tin trên tờ Times. Thật là ngại quá.”
“Ồ, được rồi,” Robin đáp, đầu óc cô đột nhiên sững lại, bàn tay đang cầm cây viết cũng vậy.
“Cảm ơn cô nhiều lắm, Robin – phải tên cô vậy không? Cảm ơn. Chào cô.”
Charlotte dập máy trước. Robin từ từ đặt ống nghe xuống, vô cùng hoang mang. Cô không muốn chuyển lời của Charlotte một chút nào. Mặc dù Robin chỉ là người báo tin, cô vẫn cảm thấy như mình đang giáng một đòn xuống Strike, trúng ngay vào quyết tâm muốn giữ kín mọi chuyện riêng tư của hắn, từ đám thùng giấy đựng đồ, chiếc giường xếp, đến cả mấy vỏ hộp đồ ăn trong thùng rác mỗi sáng – những thứ hắn không bao giờ nhắc đến.
Robin ngồi suy tính. Cô có thể lơ luôn nội dung của tin nhắn, chỉ cần nhắc Strike gọi lại cho Charlotte, để cô ta tự làm cái việc dơ bẩn đó (Robin cho là thế). Nhưng mà nếu Strike không chịu gọi, rồi ai đó nói lại vụ đính hôn với hắn thì sao? Roin không cách gì biết được liệu Strike và người cũ (bồ? Vợ sắp cưới? Vợ đã cưới?) có nhiều bạn chung không. Nếu cô và Matthew chia tay và anh ấy đính hôn với một người đàn bà khác (chỉ nghĩ tới điều đó thôi cũng khiến Robin thấy nhói cả lòng), tất cả bạn bè và người thân của cô hẳn sẽ quan tâm và tìm cách báo ngay cho cô biết. Nếu vậy, Robin nghĩ thầm, cô vẫn muốn được cảnh báo trước, càng kín đáo và riêng tư càng tốt.
Vậy nên, một tiếng sau đó, khi nghe tiếng Strike đang đi lên cầu thang, vừa đi vừa nói điện thoại, có vẻ rất hồ hởi, Robin lại thấy quặn cả ruột gan, như thế chuẩn bị bước vào phòng thi. Khi Strike đẩy cánh cửa gương bước vào, hắn không cầm điện thoại mà đang đọc rap lẩm bẩm trong miệng. Robin càng cảm thấy tệ hại hơn nữa.
“Kệ mẹ thuốc men và kệ mẹ Johari,” Strike vẫn lẩm bẩm, kẹp một cái quạt điện còn đựng trong hộp dưới cánh tay. “Chào cô.”
“Chào anh.”
“Chắc phải dùng cái này. Trong này bí quá.”
“Đúng rồi, có quạt sẽ đỡ hẳn.”
“Trong cửa hàng bật nhạc Deeby Macc,” Strike nói, đặt cái quạt xuống góc phòng và cởi áo khoác. “Cái gì mà Ferrari, rồi kệ mẹ thuốc men, kệ mẹ Johari.” Không biết Johari là ai nhỉ? Một tay rapper khác có thù oán gì với ông ta chăng? Cô nghĩ sao?”
“Không phải,” Robin đáp, thầm ước giá mà hôm nay tâm trạng Strike không phấn khởi như vậy. “Johari là một thuật ngữ tâm lý. Cửa sổ Johari. Nói về chuyện chúng ta hiểu bản thân mình như thế nào, rồi người khác hiểu chúng ta ra sao.”
Strike sựng người lại, tay vẫn treo dở cái áo, nhìn cô chằm chằm.
“Đừng nói cô đọc vụ đó trên tạp chí Heat chứ?”
“Không. Tôi học Tâm lý hồi ở Đại học. Nhưng bỏ giữa chừng.”
Tự dưng Robin thấy nói chuyện đó khiến cô và hắn giờ ngang hàng về những thất bại trong cuộc sống riêng, như vậy sẽ dễ báo tin xấu kia hơn.
“Cô bỏ giữa chừng?” Strike tỏ vẻ quan tâm, khác hẳn với thường ngày. “Thật là trùng hợp, tôi cũng vậy. Mà sao ông ta lại nói là kệ mẹ Johari?”
“Hồi ở tù Deeby Macc được điều trị tâm lý nên rất quan tâm tới chủ đề đó, đọc khá nhiều về tâm lý học. Vụ đó thì tôi đọc trong báo,” cô nói thêm.
“Cô đúng là một kho tàng thông tin.”
Roobin lại nhói cả lòng.
“Lúc anh đi ra ngoài có người gọi. Một chị tên là Charlotte Campbell.”
Hắn ngước lên ngay, nhíu mày.
“Chị ấy nhờ tôi nhắn lại anh là,” Robin nhìn ngang tránh mắt hắn, chỉ thoáng thấy vành tai của Strike, “chị ấy mới đính hôn với Jago Ross.”
Rồi không kiềm được, cô liếc nhìn mặt Strike và tự dưng cô thấy lạnh cả gáy.
Một trong những ký ức thơ ấu đầu tiên và sống động nhất của Robin là ngày chú chó già yếu của gia đình cô được đem đi tiêm thuốc để “giải thoát”. Robin còn quá nhỏ, không hiểu được bố cô đang nói gì; cô cứ nghĩ rằng Bruno, chú chó Labrador thân thiết của anh trai cô vẫn còn sống. Robin bối rối không hiểu vì sao hôm đó bố mẹ rất buồn bã, vậy là cô quay sang hỏi anh Stephen giờ phải làm sao. Câu hỏi của Robin khiến mọi sự bình yên trước đó vỡ ra tan tành. Lần đầu tiên trong đời Robin thấy gương mặt nhỏ nhắn, bình thường rất tươi tắn của anh trai cô trở nên tiu nghỉu không còn chút sinh khí. Đôi môi Stephen trở nên trắng bệch khi anh òa ra khóc. Trong khoảnh khắc im lặng trước khi Stephen nấc lân đau đớn, Robin nghe thấy sự chết chóc như đang gào rú. Khi đó cô đã khóc tức tưởi, không ai dỗ dành gì được, không phải vì Bruno đã chết mà vì thấy Stephen quá đau buồn.
Strike không đáp lại ngay. Một lúc sau, hắn lên tiếng, khó nhọc.
“Được rồi. Cảm ơn cô.”
Hắn đi thẳng vào văn phòng phía trong, đóng cửa lại.
Robin ngồi xuống bàn trở lại, cô thấy mình y hệt như tên đao phủ vừa mới xong việc. Cô không thể tập trung làm gì cả. Cô muốn đứng dậy đến gõ cửa phòng hắn, hỏi hắn có muốn uống trà không, nhưng rồi lại thôi. Năm phút sau đó cô lúng túng sắp xếp lại mấy món đồ trên bàn, thỉnh thoảng liếc nhìn cánh cửa phòng trong. Một lúc sau cửa mở, Robin giật nảy cả người, cúi xuống giả vờ đang bận rộn trên máy tính.
“Robin, tôi đi ra đây chút.” Hắn nói.
“OK.”
“Nếu năm giờ mà tôi chưa về thì cô cứ khóa cửa.”
“Vâng.”
“Hẹn ngày mai gặp lại.”
Strike vớ lấy áo khoác, cố tình sải chân thật mạnh mẽ nhưng vẫn không che nổi mắt Robin.
Những bãi đào đường lan ra như một vết thương. Mỗi ngày qua lại có thêm mấy đống gạch đá, rồi những tấm chắn tạm bợ để bảo vệ người đi bộ và mở lối qua những chỗ đào xới tan hoang. Strike không nhìn thấy gì cả. Hắn đi như vô hồn trên mấy tấm ván gỗ rung bần bật, thẳng về phía quán Tottenham, nơi giờ đây với hắn đã trở thành chỗ ẩn náu quen thuộc.
Cũng như quán Ordance Arms, quán Tottenham vắng tanh, trừ Strike ra chỉ có một người đàn ông lớn tuổi ngồi ngay sát lối vào. Strike mua một vại Doom Bar và ngồi xuống dãy ghế bọc da màu đỏ dựa vào tường, gần như ngay dưới hình thiếu nữ thời Victoria đang rải hoa, trông vừa ngọt ngào vừa ngớ ngẩn. Hắn uống bia như uống thuốc, không thấy ngon lành gì mà chỉ chờ say.
Jago Ross. Hẳn cô ta đã qua lại với gã lúc vẫn còn sống chung với Strike. Mặc dù Charlotte có sức quyễn rũ mê hoặc đàn ông đáng kinh ngạc, cô ta không thể nào đính hôn với gã kia sau vỏn vẹn ba tuần nối lại. Ắt hẳn cô ta đã dan díu trước với Jago, trong khi miệng luôn thề thốt yêu thương Strike.
Như vậy cơn thịnh nộ cô ta giáng xuống hắn một tháng ngay trước khi chia tay, rồi chuyện cô ta từ chối không đưa ra bằng chứng rõ ràng, rồi chuyện liên tục tính nhầm ngày tháng “khó ở” đều có thể được giải thích theo một cách khác. Một kết luận bất ngờ.
Jago Ross trước đó đã từng có vợ. Cả con cái nữa. Charlotte nghe người ta đồn rằng gã này rượu chè be bét. Khi ấy cô ta vừa cười vừa nói với Strike rằng mình thật may mắn không dính phải gã. Cô ta còn thấy tội nghiệp cho vợ của Jago.
Strike mua vại bia thứ hai, rồi thứ ba. Hắn muốn dập tắt ngay sự thôi thúc muốn đi tìm cô ta, để mà gào lên cho thỏa lòng, rồi tộng một cú thật mạnh vào quai hàm của Jago Ross.
Từ lúc ở quán Ordance Arms cho đến bây giờ hắn vẫn chưa ăn gì cả. Lâu lắm rồi Strike mới uống nhiều như vậy. Chưa tới một tiếng đồng hồ ngồi uống tì tì hắn đã say khướt.
Ban đầu khi bóng người gầy gầy xuất hiện trên bàn, hắn chẳng thèm ngước lên, lè nhè rằng là ai thì cũng nhầm người nhầm bàn rồi.
“Không, không nhầm gì cả,” Robin nói dứt khoát. “Anh ngồi đó, tôi đi mua một ly, được không?”
Hắn mơ màng nhìn túi xách của cô đặt ngay trên ghế. Chiếc túi màu xanh nâu hiền lành, trông hơi cũ. Robin vẫn thường treo túi lên móc treo áo khoác trong văn phòng. Hắn mỉm cười thân thiện với cái túi, rồi lại nốc bia.
Ở quầy bar anh chàng phục vụ trẻ tuổi, trông hơi rụt rè nói với Robin: “Tôi nghĩ chắc ảnh uống đủ rồi dó.”
“Đâu phải tại tôi,” cô hơi cáu.
Cô đi tìm Strike, đầu tiên là trong quán Intrepid Fox, cũng là quán gần văn phòng nhất, rồi đến quán Molly Moggs, rồi đến quán Spice of Life, và cả quán Cambridge. Quán Tottenham cũng là nơi cuối cùng cô đến tìm.
“Có chiện gì hở?” Strike lè nhè hỏi khi cô vừa ngồi xuống.
“Không có gì hết,” Robin đáp, nhấp một ngụm từ ly bia nhỏ. “Tôi chỉ muốn xem anh có ổn không thôi.”
“Chỉ là đi uống bia mừng vợ chưa cưới của tôi đính hôn trở lại,” hắn nói, tay nâng vại bia thứ mười một lên. “Đáng ra cô ta đừng bao giờ đá thằng đó thì hơn. Đừng bao giờ...”, hắn nói rõ ràng, lớn giọng, “... đá thằng đó hết. Đá.Ngài.Jago Ross. Một thằng đểu xuất chúng.”
Hắn gần như hét lên mấy từ cuối cùng. Lúc này trong quán khách khứa đã đông hơn nhiều so với khi hắn vừa đến, hầu như ai cũng nghe thấy hắn vừa nói gì. Trước đo nhiều người đã liếc nhìn hắn đầy nghi ngại. Dáng vẻ to con, mắt sùm sụp lầm lì và điệu bộ hung hăng của Strike khiến không ai dám ngồi gần hắn. Khi phải đi vệ sinh, người ta còn cố tình đi vòng để tránh bàn của hắn, cứ như thể cái bàn đó to gấp ba lần trên thực tế.
“Đi dạo không?” Robin gợi ý. “Kiếm gì đó ăn?”
“Cô biết sao không?” Hắn nói, chồm người về phía trước, khuỷu tay vẫn đặt ở trên bàn, sém đánh đổ cả vại bia. “Cô biết sao không, Robin?”
“Sao?” Robin hỏi lại, tay giữ vại bia của hắn. Tự dưng Robin muốn bật cười. Khách trong quán ngoái lại nhìn cả hai.
“Cô là một cô gái rất dễ thương.” Strike nói “Thiệt sự. Cô là người rất tử tế. Tôi biết mà,” hắn vừa nói vừa trịnh trọng gật gù. “Thiệt. Tôi có để ý thấy vậy.”
“Cảm ơn anh,” Robin mỉm cười đáp, cố nhịn cười thành tiếng.
Hắn ngồi thẳng, nhắm mắt lại rồi nói:
“Xin lỗi cô, tôi say quá rồi.”
“Ừ.”
“Lâu rồi không say dữ vậy.”
“Ừ.”
“Chưa ăn gì cả?”
“Vậy kiếm gì ăn nhé?”
“Ừ, được đó,” hắn đáp, mắt vẫn nhắm nghiền. “Cô ta nói với tôi cô ta có bầu.”
“Ờ,” Robin nói, giọng buồn buồn.
“Ừ, nói vậy đó. Rồi lại nói là không giữ được. Nhưng rõ không phải của tôi. Không có lý nào.”
Robin không nói gì. Cô không muốn khi tỉnh táo lại Strike sẽ phải nhớ ra là hắn đã nói những chuyện này với cô. Hắn mở mắt.
“Cô ta bỏ thằng đó để theo tôi, rồi giờ bỏ thằng đó... à không, bỏ tôi để theo thằng đó...”
“Tôi rất tiếc.”
“...bỏ tôi theo thằng đó. Khỏi tiếc gì. Cô đúng là người tử tế.”
Hắn rút điếu thuốc từ trong túi ra, ngậm đầu thuốc.
“Anh không hút thuốc trong này được đâu,” cô nhẹ nhàng nhắc nhở hắn, nhưng anh phục vụ đứng quầy bar dường như chỉ chờ có vậy, ngay lập tức chạy về phía hai người, mặt mày rất căng thẳng.
“Anh phải đi ra ngoài,” Anh ta lớn tiếng nói với Strike.
“Được rồi,” Robin nói với anh phục vụ, tay cầm túi xách lên. “Thôi nào Cormoran.”
Hắn đứng dậy, khuỳnh khoàng, nghiêng ngả, cố lách người ra khỏi chỗ chật chội đằng sau chiếc bàn rồi trừng mắt nhìn anh phục vụ. Anh này ngay lập tức lùi lại một bước, Robin cũng chẳng lạ.
“Không cần,” Strike lên tiếng “...phải hét lên như vậy. Không cần phải vậy. Thô lỗ bỏ mẹ đi.”
“Được rồi Cormoran. Đi thôi nào,” Robin nói, đứng lùi lại nhường chỗ cho hắn đi ra.
“Anh có biết đấm bốc không?” Strike hỏi anh phục vụ quầy bar, đang đứng run rẩy.
“Đi thôi Cormoran.”
“Tôi là dưn đấm bốc thiệt đó. Hồi còn ở lính luôn, biết không bồ tèo.”
Ở phía quầy bar, có người lẩm bẩm mỉa mai. “Để đó tôi ra thách đấu.”
“Đi thôi Cormoran,” Robin nói. Cô nắm lấy cánh tay hắn, thấy ngạc nhiên và nhẹ cả người khi hắn ngoan ngoãn đi theo. Cô tự dưng nhớ lại hồi nhỏ cầm cương dắt con ngựa giống Clydesdale khổng lồ ở trang trại của ông bác.
Ra ngoài trời Strike đứng dựa vào cửa sổ quán Tottenham, lập cập châm mãi điếu thuốc mà không được, cuối cùng Robin phải giúp hắn một tay.
“Giờ anh phải ăn gì đó,” cô nói với hắn, khi hắn nhắm mắt đứng hút thuốc, người hơi chao đảo, cô sợ hắn sẽ ngã nhào mất. “Phải ăn mới hết say.”
“Tôi không muốn hết say,” Strike lẩm bẩm. Hắn loạng choạng, sém tí nữa là ngã xuống, may mà kịp bước ngang mấy bước liên tục.
“Thôi nào,” cô nói, dắt tay hắn lần theo miếng ván gỗ kê giữa đường, ban đêm máy móc và công nhân sửa đường cũng đã nghỉ ngơi, mọi thứ yên ắng hẳn.
“Robin, cô có biết hồi xưa tôi là dưn đấm bốc thứ thiệt không?”
“Không, tôi không biết chuyện đó,” cô đáp.
Ban đầu Robin định dẫn Strike về lại văn phòng rồi mới đi mua thức ăn cho hắn, nhưng đi giữa đường hắn dừng lại ngay tiệm bánh mì kebab cuối phố Denmark và lừng lững đi vào trước khi cô kịp cản. Sau đó cả hai ngồi ở cái bàn duy nhất của tiệm bánh trên vỉa hè cuối cùng rồi cùng ăn kebab. Strike tiếp tục kể lể về sự nghiệp đấm bốc hồi còn tại ngũ, thỉnh thoảng lại lạc đề khen cô thật là tử tế. Robin cuối cùng cũng thuyết phục được hắn nói nhỏ lại. Nhưng Strike vẫn còn say bí tỉ sau khi uống quá nhiều, nên chỗ thức ăn dường như không có tác dụng gì. Khi hắn đứng dậy đi vệ sinh, Robin chờ khá lâu, đến nỗi cô lo là hắn đã ngất luôn trong đó.
Robin nhìn đồng hồ. Bảy giờ mười phút. Cô gọi cho Matthew nói là ở văn phòng có việc gấp. Matthew chẳng vui vẻ gì.
Strike loạng choạng quay trở lại vỉa hè, đụng đầu vào khung cửa quán bước ra. Hắn đứng dựa vào cửa sổ, loay hoay cố châm thêm điếu thuốc nữa.
“'R'bin này,” hắn nói, nhìn cô chằm chằm, sau một hồi cố bật lửa không thành. “R'bin, cô có biết khoảnh khắc...” hắn nấc một tiếng. “Khoảnh khắc kairos là gì không?”
“Khoảnh khắc kairos?” cô lặp lại lời hắn, thầm mong chuyện hắn sắp nói không có gì đen tối, hay sẽ khiến cô mãi không quên nổi. Lúc đó ngay sau lưng hai người, tay chủ quán kebab cũng đang ghé tai nghe, nhếch mép cười. “Không, tôi không biết. Giờ mình đi về văn phòng lại được không?”
“Cô không biết thiệt hở?” hắn nhìn thẳng vào mắt cô, hỏi tiếp.
“Không.”
“Tiếng Hi Lạp,” hắn giải thích. “Kairos. Khoảnh khắc Kairos. Có nghĩa là...” mặc dù đang say mèm, Strike tiếp tục nói, tự dưng rất mạch lạc “... là khoảnh khắc đích đáng. Khoảnh khắc đặc biệt. Khoảnh khắc tuyệt vời nhất.”
Trời ơi, làm ơn đừng nói tiếp là tôi với anh đang có một cái khoảnh khắc như vậy, Robin nghĩ thầm.
“Cô biết với tụi tôi, Charlotte với tôi đó, khoảnh khắc đó là gì không?” hắn nói, nhìn vào khoảng không trước mắt, điếu thuốc chưa châm vẫn cầm trên tay. “Đó là lúc cô ta đi thẳng vô phòng bệnh... Tôi nằm viện khá lâu, hai năm rồi chưa gặp Charlotte... không hề báo trước gì cả... rồi tôi thấy cô ta xuất hiện ở cửa, mọi người quay hết lại nhìn, rồi Charlotte bước vào phòng bệnh, không nói một tiếng nào,” hắn dừng lại lấy hơi, rồi nấc thêm một tiếng nữa, “rồi cô ta hôn tôi, sau hai năm, rồi tụi tôi quay lại với nhau. Không ai nói gì cả. Thật là đẹp đẽ khốn nạn. Người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng biết. Khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cả cuộc đời... cuộc đời khốn nạn của tôi, chắc vậy đó. Tôi xin lỗi cô R'bin,” hắn nói thêm “nãy giờ tôi nói khốn nạn hoài. Xin lỗi cô.”
Robin vừa thấy buồn cười vừa muốn bật khóc, cô không biết tại sao mình lại thấy buồn đến vậy.
“Để tôi châm thuốc cho anh nhé?”
“Cô thật là tử tế, Robin à, cô biết không?”
Gần đến ngã rẽ vào phố Denmark, Strike bỗng đứng sững lại, vẫn loạng choạng như cây trong bão, và lớn giọng nói với Robin rằng Charlotte không yêu gì Jago Ross, tất cả chỉ là một trò chơi, một trò chơi để làm tổn thương hắn, càng nhiều càng tốt.
Hắn dừng lại ngay trước cánh cửa đen, đưa hai tay lên cản Robin vừa dợm đi theo hắn lên lầu.
“Cô phải đi về nhà thôi, Robin.”
“Để tôi dìu anh lên lầu trước.”
“Không. Không. Tôi ổn mà. Chắc tôi sắp cho chó ăn chè. Tôi xi cà que mà,” Strike nói tiếp, “chắc cô không hiểu đâu hở. Hay cô hiểu thật? Chắc cô biết hết rồi còn gì? Tôi có kể với cô không nhỉ?”
“Tôi không biết anh đang nói gì.”
“Thôi bỏ đi, R'bin. Cô về nhà đi. Tôi sắp phun hết ra đây.”
Khi đến phố Charing Cross, Robin quay lại nhìn Strike. Hán vẫn đang bước đi, loạng choạng vụng về đúng kiểu một kẻ say rượu về ngõ Denmark, chắc hắn sẽ tấp vào một con hẻm tối nào đó, nôn ra hết rồi lại lảo đảo đi lên cầu thang, nơi có chiếc giường xếp và chiếc ấm đun nước tạm bợ.
6
Strike không biết đã tỉnh dậy từ lúc nào. Ban đầu hắn còn nằm mơ đang gục mặt xuống một đám sắt thép gạch đá, đầy máu me, không nói được. Rồi hắn nhận ra mình đang nằm sấp, người đẫm mồ hôi, úp mặt trên chiếc giường xếp. Hắn thấy ê ẩm cả người. Miệng hắn khô khốc, đắng ngắt. Ánh nắng chiếu thẳng vào mắt hắn qua cửa sổ không kéo rèm. Mắt nhắm nghiền, hắn chỉ thấy một màu đỏ tươi và những đường mạch máu trên mí mắt lan ra như sợi lưới đen li ti phủ quanh những ngọn đèn nhấp nháy lúc hiện lúc ẩn.
Hắn vẫn còn mặc nguyên áo quần đêm trước, chân giả vẫn chưa tháo ra, nằm ngay trên chiếc túi ngủ, như thể đã ngã gục xuống đó. Ký ức lẫn lộn như những mảnh gương vỡ làm hai thái dương hắn nhức nhối, hắn nhớ lại cố đòi anh chàng phục vụ ở quầy bar bán thêm một vại bia. Rồi Robin ngồi đối diện, mỉm cười hiền lành. Mà không lẽ say xỉn như vậy mà hắn còn ăn được cả kebaba? Hắn mơ hồ nhớ vụ kéo dây khóa quần để đi tè, nhưng vạt áo bị mắc vào đó. Tự dưng hắn luồn tay xuống dưới, chỉ động đậy có vậy mà hắn cũng thấy buồn nôn, muốn rên thành tiếng. Dây khóa quần đã được kéo lại đàng hoàng, tự dưng hắn mơ hồ thở dài nhẹ nhõm.
Strike ngồi dậy chậm rãi như đang vác trên vai một kiện hàng dễ vỡ, nhìn quanh căn phòng sáng sủa, không biết đã mấy giờ rồi, cũng chẳng rõ hôm nay là thứ mấy.
Cánh cửa ngăn với văn phòng bên ngoài đã đóng. Hắn không nghe thấy tiếng động nào bên ngoài cả. Cô nhân viên tạm thời hẳn đã bỏ của chạy lấy người. Rồi hắn thấy một hình chữ nhật màu trắng nằm trên sàn nhà, ngay sau cánh cửa, chắc đã được tuồn vào khe cửa. Strike rón rén bò ra, lấy mẩu giấy vào. Hóa ra là lời nhắn của Robin.
Comoran thân mến (sau vụ này chắc Robin sẽ không bao giờ trịnh trọng gọi hắn là “anh Strike” nữa.)
Tôi đã đọc hết những điểm cần điều tra thêm liệt kê ở ngay đầu tập hồ sơ. Tôi nghĩ tôi có thể kiểm tra được hai mục đầu tiên (Agyeman và khách sạn Malmaison). Nếu anh muốn tôi trở lại văn phòng ngay thì cứ gọi vào máy di động.
Tôi có đặt sẵn đồng hồ báo thức ngay ngoài cửa phòng anh lúc 2 giờ chiều, nên anh sẽ có đủ thời gian chuẩn bị cho cuộc hẹn lúc 5 giờ ở số một phố Arlington để phỏng vấn Ciara Porter và Bryony Radford.
Trên bàn có sẵn nước lọc, paracetamol và Alka-Seltzer[1].
[1. Thuốc giải rượu bia. – ND]
Robin
T.B: Đừng ngại gì về tối hôm qua. Anh không hề nói hay làm điều gì đáng tiếc cả.
Hắn ngồi im trên chiếc giường xếp trong vòng năm phút, tay vẫn cầm lấy mẩu giấy, ngờ ngợ như sắp nôn, nhưng cố nán lại để tận hưởng chút ánh nắng ấm áp chiếu trên lưng.
Bốn viên paracetamol và một ly Alka-Seltzer khiến Strike không còn thấy buồn nôn như hồi mới dậy, nhưng mười lăm phút kế tiếp trong ánh đèn tù mù của toilet, hắn tháo sạch bụng dạ, nhăn nhó vì cả mũi lẫn tai đều chịu khổ.
Nhưng hắn vẫn thấy an ủi vì ít ra hôm nay Robin không có ở đây. Trở lại văn phòng Strike uống thêm hai chai nước lọc, tắt đồng hồ báo thức đã tích tắc cả đêm khiến hắn muốn ong cả đầu. Sau một hồi cân nhắc, hắn chọn được một bộ đồ sạch sẽ, lấy thêm dầu gội đầu, thuốc khử mùi, đồ cạo râu và khăn tắm ra khỏi túi. Hắn moi ra chiếc quần bơi nằm dưới đáy một thùng giấy vẫn còn đặt ngoài hành lang, rồi quay qua một thùng khác để lấy đôi nạng thép màu xám. Xong việc, hắn cà nhắc đi xuống cầu thang, vai choàng túi thể thao nhỏ, tay cầm đôi nạng.
Trên đường tới phố Malet, Strike dừng lại mua một thanh sô-cô-la Dairy Milk cỡ siêu lớn, loại “cả nhà cùng ăn”. Bernie Coleman, một người quen làm bên quân y của Strike từng giải thích với hắn rằng tất cả những triệu chứng sau khi quá chén đều do mất nước và hạ đường huyết – hậu quả tất yếu của nôn ói kéo dài. Strike vừa đi vừa gặm sô-cô-la, đôi nạng vẫn kẹp dưới cánh tay, đầu nhoi nhói theo mỗi bước đi như bị bó chặt trong kẽm gai.
Vị thần say rượu ưa đùa nhả vẫn còn chưa buông tha cho Strike. Hắn mơ màng không đẻ ý gì đến chung quanh, đường bệ đi thẳng xuống hồ bơi của Hội sinh viên Đại học London. Như thường lệ, không ai dám hỏi han gì hắn, ngay cả người duy nhất đang ở trong phòng thay đồ lúc đó. Anh ta tò mò liếc nhìn khi hắn tháo chân giả ra nhưng lịch sự quay mặt đi ngay. Hắn bỏ chân giả vào ngăn tủ cùng với áo quần vừa mặc hôm qua, không khóa lại được vì không mang theo đồng xu. Strike chống nạng đi đến chỗ vòi tắm, bụng hắn phệ ra ngay trên lưng quần bơi.
Khi xát xà bông lên người, Strike nhận ra sô-cô-la và paracetamol bắt đầu có tác dụng, hắn không còn đau đầu và buồn nôn dữ dội nữa. Sau đó hắn bước thẳng ra hồ bơi rộng lớn của Hội Sinh viên, cũng là lần đầu tiên hắn đi bơi ở đây. Trong hồ bơi chỉ có hai sinh viên, đều đang bơi ở làn nhanh, đeo kính bơi và không thèm để ý đến gì khác ngoài sự sung sức của chính mình. Strike đi về phía bên kia bể, cẩn thận đặt đôi nạng cạnh bậc thang rồi trượt xuống làn bơi chậm.
Chưa bao giờ hắn thấy cơ thể mình yếu ớt đến vậy. Hắn bơi lóng ngóng, nghiêng ngả, liên tục va vào thành bể. Làn nước sạch mát xoa dịu cả cơ thể và tâm trí. Thở hổn hển, hắn gắng bơi đến cuối bể rồi dừng lại nghỉ một lát, tay hắn dang ra vịn vào thành bể bơi, chịu bớt sức nặng cơ thể đang nhúng trong nước. Hắn đứng đó, nhìn lên trần nhà cao sơn trắng.
Những cơn sóng lan tỏa từ hai vận động viên trẻ khỏe bên kia hồ liên tục vờn lên ngực hắn. Đầu hắn dịu dần, sự đau đớn cũng lùi xa, như ánh đèn đỏ trong sương mờ. Mùi chlorine khá nồng, xộc thẳng vào mũi như mùi thuốc sát trùng ở bệnh viện, nhưng hắn không còn cảm thấy buồn nôn nữa. Strike nghĩ ngay đến nỗi lòng mà hắn mới vừa cố nén xuống bằng rượu bia, như đang thẳng tay xé toạc miếng băng gạc trên miệng vết thương vừa khép.
Jago Ross đối lập hoàn toàn với Strike: đẹp trai kiểu hoàng tử tóc vàng mắt xanh, thừa kế một quỹ đầu tư, mới sinh đã có tước hiệu sẵn. Jago Ross toát lên sự tự tin của một người biết rõ cả mười hai đời dòng tộc của mình. Anh ta từng bỏ hết việc này đến việc khác, toàn những công việc ngon lành, rồi dần dần chỉ biết có rượu, trở thành một thứ ngựa chứng bất kham.
Charlotte và Ross cùng thuộc về cái thế giới mật thiết của đám dân trường tư quý tộc, các gia đình đều quen biết lẫn nhau vì bao đời nay đã gả con cho nhau và những mối nâng đỡ trong làm ăn kiểu bạn-học-cùng-trường. Khi nước vỗ vào bộ ngực lông lá của Strike, hắn nhìn mối quan hệ tay ba giữa hắn, Charlotte và Ross ở tít xa như đang nhìn qua kính viễn vọng xoay ngược đầu. Câu chuyện ba người vì vậy mà trở nên rõ ràng hơn: mọi diễn biến đều thể hiện tính cách bốc đồng của Charlotte, cô ta luôn thèm khát những cảm xúc mãnh liệt nên thường đạp đổ mọi thứ. Mười tám tuổi Charlotte đã có được Jago Ross, điển hình tiêu biểu của dân quý tộc, đỉnh cao môn đăng hộ đối theo đúng tiêu chuẩn của bố mẹ cô ta. Có lẽ như vậy quá dễ dàng, chẳng có gì bất ngờ cả, nên cô ta đá Jago Ross để đến với Strike. Mặc dù học hành giỏi giang, Strike vẫn như một gáo nước lạnh dội vào gia đình Charlotte, bởi vì hắn là một thứ con lai không rõ nguồn gốc. Thế rồi, sau nhiều năm, người đàn bà luôn thèm khát những thứ dữ dội kịch tính đó còn biết làm gì hơn là bỏ Strike, hết lần này đến lần khác, cho đến khi cách duy nhất để cho hắn một đòn tối hậu là quay lại với người đầu tiên, y như lúc hai người mới quen nhau.
Strike thả lỏng cơ thể vẫn còn rã rời dưới làn nước. Hai sinh viên ở làn nhanh vẫn tiếp tục đua từ đầu đến cuối bể.
Strike quá hiểu Charlotte. Cô ta đang chờ hắn đến giải cứu cô ta khỏi cuộc hôn nhân với Jago. Một phép thử đành đoạn, ác độc nhất.
Hắn không bơi ngược lại mà bám tay vào thành bể rồi từ từ đi dọc theo dưới nước như lúc tập vật lý trị liệu ở bệnh viện.
Lần tắm vòi sen thứ hai dễ chịu hơn hẳn lần đầu. Hắn bật nước thật nóng, xát xà bông khắp người rồi chuyển sang nước lạnh gột sạch mình mẩy.
Hắn lắp lại chân giả, đứng cạo râu bên bể rửa mặt với chiếc khăn tắm quấn quanh hông rồi cẩn thận mặc áo quần mới. Hắn chưa bao giờ mặc bộ complet và áo sơ mi đắt tiền nhất của mình. Bộ đồ này cũng là món quà sinh nhật cuối cùng Charlotte tặng hắn: đúng là một thứ lệ bộ xứng với vị hôn phu của cô ta. Hắn vẫn còn nhớ Charlotte rạng rỡ đứng đó, khi hắn nhìn chằm chằm vào bộ dạng bảnh bao khác thường của mình trong gương. Sau đó cả bộ complet lẫn áo sơ mi lại được cất kĩ vào lớp túi bảo vệ, vì kể từ tháng Mười Một hắn và Charlotte hầu như chẳng đi đâu với nhau, và cũng vì lần sinh nhật đó là ngày vui vẻ thực sự cuối cùng của cả hai. Ngay sau đó là những trận cãi vã quen thuộc, rồi cả hai lại chìm vào cái vũng lầy cũ mà không lâu trước đó họ thề thốt sẽ tránh cho bằng được.
Strike từng muốn đốt phứa bộ đồ đi. Nhưng tự dưng thấy bất cần, hắn chọn mặc nó ngay hôm nay, để rũ sạch mọi liên quan tới Charlotte, để áo quần chỉ còn là quần áo. Chiếc áo veston được cắt rất khéo, khiến hắn trông gọn gàng khỏe khoắn hẳn. Hắn để mở nút cổ áo sơ mi.
Khi còn trong quân đội Strike đã nổi tiếng về khả năng tỉnh rượu nhanh sau khi uống như hũ chìm. Người đàn ông trong gương có nước da xanh tái, mắt thâm quầng nhưng bộ compet Ý sắc sảo khiến anh ta trông bảnh bao hơn cả mấy tuần trước đo. Vết bầm tím trên mắt của hắn cuối cùng cũng tan, cả mấy vết trầy xước cũng đã liền.
Strike dè dặt ăn một bữa nhẹ, uống thật nhiều nước. Sau một chuyến tốc hành vào nhà vệ sinh ở nhà hàng và vài viên thuốc giảm đau, đúng năm giờ chiều, hắn có mặt tại số 1 phố Arlington.
Hắn gõ cửa lần thứ hai. Cửa mở, một người đàn bà mặt mày sưng sỉa, đeo kính gọng đen, tóc cắt ngắn ngả bạc nhìn hắn. Bà ta miễn cưỡng mở cửa cho hắn, rồi nhanh chóng bước ngang qua sảnh lớn có sàn lót đá, ngay ở giữa là một cầu thang hoành tráng với lan can bằng sắt rèn uốn éo. Bà ta gọi to “Guy! Ông Strike nào đây nè?”
Hai bên sảnh đều có phòng. Ở phòng bên trái có một nhóm người đang đứng túm tụm, mặc toàn đồ đen, nhìn chằm chằm về phía nguồn sáng cực mạnh khuất mắt Strike, nhưng rọi rõ những gương mặt hết sức chăm chú của họ.
Somé xuất hiện, đi lả lướt từ sau cánh cửa phòng đó ra đến sảnh. Ông ta cũng mang kính, trông già dặn hơn. Hôm nay ông ta mặc quần jeans rách lụng thụng và áo thun trắng có hình một con mắt như đang khóc ra máu, nhìn kỹ thấy có đính kim sa màu đỏ.
“Phải đợi thôi,” ông ta nói cộc lốc. “Bryony bận rồi còn Ciara cũng phải vài tiếng nữa. Nếu muốn anh cứ ngồi trong đó,” ông ta chỉ tay vào căn phòng bên tay phải, cửa hé để lộ ra mép bàn trên đó đầy khay đĩa, “hoặc anh có thể đứng đó mà xem như cái đám đần độn vô dụng kia,” ông ta nói tiếp, tự dưng lớn giọng, nhìn trừng trừng vào đám nam thanh nữ tú đang chăm chăm về phía nguồn sáng. Ngay lập tức bọn họ tản ra, không phàn nàn, vài người đi ngang sảnh vào căn phòng đối diện.
“Hôm nay mặc đồ có khá hơn,” Somé nói thêm, thoáng vẻ láu lỉnh như trước. Ông ta đi trở lại vào căn phòng lúc nãy vừa bước ra.
Strike theo chân nhà thiết kế thời trang, đứng ngay vào chỗ của đám khán giả vừa đi khỏi. Căn phòng dài và gần như trống trơn. Góc trần kiểu cọ, tường màu nhạt trống trải và hoành tráng u buồn. Đứng giữa Strike và khung cảnh dàn dựng ở góc cuối phòng là một nhóm người, trong đó có một anh thợ ảnh tóc dài đang lúi húi trước camera. Khung cảnh dàn dựng được chiếu sáng rực rỡ bằng một chuỗi các loại đèn chuyên dụng và tấm hắt ánh sáng, bao gồm mấy chiếc ghế cũ nát được sắp đặt điệu nghệ, một cái ngã chỏng chơ dưới đất và ba cô người mẫu. Ba cô này trông khác hẳn nhau, tỉ lệ gương mặt và cơ thể hiếm có, vừa lạ lùng vừa ấn tượng. Cả ba mảnh khảnh, gầy gò như ốm đói. Strike đoán hẳn Somé chọn họ vì ba người có màu da và đường nét khác hẳn nhau. Cô người mẫu da đen như Somé, tóc xù, mắt xếch khiêu khích ngồi trên chiếc ghế đặt ngược, giống kiểu ngồi của người mẫu kiêm điệp viên Christine Keeler. Cco ta dạng cặp chân dài mang tất phun trắng ra hai bên, từ thắt lưng trở lên không mặc gì cả. Một cô lai Á- u đứng ngay đằng sau. Cô này tóc đen thẳng cắt mái so le, mặc áo lót trắng có đính dây xích trang trí, chỉ vừa đủ che chỗ kín. Bên cạnh là Ciara Porter, nghiêng người đứng dựa một mình vào lưng ghế, da trắng như sứ, tóc vàng mềm mại, mặc một bộ áo liền quần màu trắng gần như trong suốt, thấy rõ nhũ hoa phơn phớt, nhòn nhọn.
Chuyên viên trang điểm cũng cao và gầy gần như ba cô người mẫu, đang cúi cuống cô gái da đen để dặm phấn vào hai bên mũi. Ba cô người mẫu im lặng chờ đợi tại chỗ, tĩnh tại như ba bức chân dung. Gương mặt họ bình thản, không biểu cảm, như đang chờ lệnh. Những người khác trong phòng (tay thợ ảnh có hai thợ phụ, Somé đứng một bên cắn móng tay, cạnh đó là người đàn bà mặt sưng sỉa đeo kính) đều chỉ nói thầm, cứ như sợ sẽ phá vỡ một sự cân bằng mong manh nào đó.
Cuối cùng cô chuyên viên trang điểm tiến về phía Somé, ông này nói liên tục nhưng Strike không thể nghe được là nói gì, huơ tay loạn xạ. Cô ta quay bước về phía chỗ có ánh đèn sáng rực, đánh rối mớ tóc dài của Ciara Porter rồi chỉnh lại mà không nói năng gì cả. Ciara làm như không hề biết có người đang chạm vào mình, tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi. Bryony đi lùi lại trong khoảng tối và hỏi Somé gì đó. Ông ta trả lời bằng một cái nhún vai, rồi ra vẻ chỉ dẫn, vẫn thầm thì không rõ tiếng, khiến Bryony nhìn quanh quất cho tới khi thấy Strike.
Hai người gặp nhau ở ngay dưới chân cầu thang.
“Chào anh,” cô ta thầm thì. “Đi qua đây.”
Cô ta dẫn hắn đi ngang sảnh qua phòng đối diện. Phòng này tuy nhỏ hơn căn phòng vừa rồi, giữa phòng là một cái bàn lớn bày buffet, la liệt thức ăn. Ngay trước bệ lò sưởi là mấy cái giá treo quần áo có bánh xe, đầy nhung nhúc những mẫu đồ đính kim sa, bèo nhún và lông chim, sắp xếp theo màu sắc. Đám khán giả vừa bị đuổi đứng tụ tập ngay trong phòng, tất cả đều khoảng hai mấy tuổi. Họ nói chuyện thầm thì, thỉnh thoảng lại nhón tay vào mấy đĩa đựng phô-mai mozzarella và thịt muối Parma đã vơi một nửa, kè kè điện thoại để gọi điện hoặc nghịch vớ vẩn. Vài người ngước lên nhìn Strike ra vẻ dò xét khi hắn đi theo Bryony vào căn phòng nhỏ phía sau, nơi được dùng như phòng trang điểm tạm thời.
Ngay bên khung cửa sổ duy nhất trong phòng kê hai chiếc bàn, trên bàn đặt những tấm gương soi lớn. Cửa sổ nhìn thẳng ra hai khu vườn tỉa tót. Mấy chiếc hộp nhựa nhiều ngăn màu đen đặt chung quanh khiến Strike nhớ đến đồ nghề câu cá bằng ruồi nhân tạo của cậu Ted, chỉ có điều trong các ngăn hộp của Bryony chứa đầy phấn màu. Các thể loại ống màu và chổi lông bày la liệt trên mấy chiếc khăn trải đầy bàn.
“Chào anh,” cô ta lớn tiếng, lần này giọng to hơn bình thường. “Trời ơi, căng thẳng quá. Guy lúc nào cũng cầu toàn, nhưng đây là lần chụp hình nghiêm túc đầu tiên kể từ khi Lula chết vậy nên ổng cực kỳ khó tính.”
Tóc Bryony sẫm màu, bồng bềnh, nước da hơi tái, nét to thô, nhưng cũng khá quyến rũ. Cô ta mặc quần jeans bó để lộ đôi chân hơi vòng kiềng và áo ba lỗ màu đen. Trên cổ đeo vài sợi dây chuyền vàng mảnh, tay đầy nhẫn, kể cả ngón cái. Bryony mang giày da cũng màu đen, trông giống giày ballet. Loại giày này luôn khiến Strike thấy tụt hứng vì giông giống mấy đôi dép mang trong nhà mà mợ Joan hay gấp lại để trong túi xách, khiến hắn liên tưởng ngay đến bệnh nấm kẽ chân và các loại mụn nhọt.
Strike bắt đầu giải thích hắn muốn hỏi cô ta những gì, nhưng Bryony cắt ngang.
“Guy có nói trước hết rồi. Anh hút thuốc không? Ở trong này vẫn hút thuốc được nếu mở cửa ra.”
Bryony vừa nói vừa đẩy cánh cửa mở thẳng ra lối đi lát gạch trong vườn. Cô ta dẹp một ít đồ trên chiếc bàn lỉnh kỉnh, ngồi lên đó; Strike chọn một chiếc ghế trống và rút cuốn sổ ra.
“Được rồi, anh nói đi,” cô ta lên tiếng, nhưng hắn chưa kịp nói gì thì cô ta đã tiếp tục. “Thực tình, tôi cứ nghĩ hoài về buổi chiều hôm đó. Buồn quá đi.”
“Cô có quen thân với Lula không?” Strike hỏi.
“Ừ, cũng khá thân. Tôi trang điểm cho Lula vài lần, có làm cho cổ hồi đại nhạc hội Rainforest Benefit nữa. Tôi nói với Lula là tôi biết se lông mày...”
“Cô biết làm gì kia?”
“Se lông mày. Giống như nhổ vậy, nhưng làm bằng sợi chỉ đó?”
Strike không hình dung nổi vụ này.
“Vậy à...”
“...Rồi Lula nhờ tôi tới nhà làm. Đám săn ảnh bám theo cổ miết, mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đi làm đẹp. Điên cả đầu. Vậy là tôi nhận lời làm cho cổ.”
Bryony hay lắc đầu ra sau rồi hất phần tóc mái dài phủ mắt, vừa nói vừa thở nhẹ. Rồi cô ta lại hất tóc qua một bên, đưa tay lên vuốt và nhìn Strike qua lớp tóc mái.
“Tôi tới nhà Lula lúc ba giờ chiều. Lula và Ciara đang rất háo hức chuyện Deeby Macc sắp đến. Hai người đang tám đã đời, con gái với nhau mà. Vậy mà sau đó... đúng là không thể nào biết được.”
“Lula háo hức lắm hả?”
“Trời đất, anh nghĩ sao? Anh thấy sao nếu một người từng viết bài hát tặng... Ờ,” cô ta nói tiếp, vừa cười vừa thở. “Chắc là đàn bà con gái mới vậy. Deeby Macc thật là quyến rũ. Tôi với Ciara cứ giỡn hoài vụ đó khi tôi làm lông mày cho Lula. Rồi Ciara nhờ tôi làm móng luôn. Sau đó tôi trang điểm cả hai người, nên tôi ở đó chắc cũng phải tới ba tiếng đồng hồ. Khoảng sáu giờ tôi đi về.”
“Cô thấy lúc đó Lula rất háo hức à?”
“Ờ. Nhưng mà cổ cũng có vẻ hơi lơ đãng sao đó; cứ nhìn điện thoại hoài. Cổ để điện thoại ngay trên đùi khi tôi se lông mày cho cổ. Tôi biết ngay mà, lại là Evan giở trò nữa.”
“Cô ấy nói vậy à?”
“Không, nhưng tôi biết Lula đang rất bực Evan. Tại sao anh nghĩ cổ lại nói vụ ông anh với Ciara? Vụ để hết lại cho ông anh đó?”
Strike thấy Bryony dường như đã suy luận hơi quá.
“Cô có nghe Lula nói vậy không?”
“Gì kia? Không, nhưng tôi có nghe nói vậy. Ciara kể hết với tụi tôi. Tôi nghĩ hồi cổ nói tôi ở trong toilet. Nhưng mà tôi tin có vụ đó. Chắc chắn luôn.”
“Tại sao vậy?”
Bryony lúng túng.
“Thì... cổ rất thương ông anh còn gì? Trời đất, rõ vậy mà. Ông đó chắc là người duy nhất mà cổ tin được. Mấy tháng trước lúc cổ với Evan chia tay tôi trang điểm cho cổ đi dự show của Stella. Cổ cứ nói là đang rất bực ông anh vì ổng cứ nói đi nói lại chuyện Evan ăn bám cổ. Anh hiểu không, mà hôm đó Evan lại giở trò nên chắc cổ cho là ông James – phải tên ổng vậy không? – trước giờ toàn nói đúng. Lula cũng biết ông anh chỉ lo cho cổ thôi, mặc dù nhiều khi ổng hơi to tiếng. Cái nghề này bạc lắm, anh biết đó. Ai cũng muốn dính phần.”
“Ai muốn dính phần với Lula?”
“Trời đất, ai mà không muốn,” Bryony nói, tay cầm điếu thuốc kéo một đường, lướt qua hết những phòng bên ngoài đang có người. “Lula là người mẫu nổi nhất, ai cũng muốn đu theo. Guy, chẳng hạn...” Bryony chựng lại “Đành rằng Guy là dân làm ăn, nhưng ổng ghiền cổ lắm; sau vụ cái thằng rình mò đó ổng muốn cổ dọn vô ở chung luôn. Ổng chưa có bình thường lại đâu. Nghe nói ổng đi kiếm thầy bà gì đó để gặp hồn Lula nữa kìa. Margo Leiter nói vậy đó. Ổng còn buồn lắm, cứ nghe tên cổ là khóc à. Nhưng mà,” Bryony kết luận, “tôi chỉ biết có vậy à. Tôi không bao giờ ngờ được buổi chiều hôm đó là lần cuối cùng tôi thấy Lula. Lạy Chúa.”
“Lula có nói gì về Duffield không, khi cô đang... à... se lông mày cho cô ấy?”
“Không,” Bryony đáp, “nhưng nếu hắn đang giở trò thật thì cổ cũng không muốn nói chuyện đó đâu, đúng không?”
“Vậy như cô nhớ thì Lula chỉ nói chuyện về Deeby Macc thôi?”
"Ờ... đúng ra là Ciara với tôi nói chuyện ông đó nhiều hơn."
"Nhưng cô nghĩ Lula rất háo hức vì sắp gặp Deeby?"
“Trời, tất nhiên rồi.”
“Nói tôi nghe, hôm đó cô có thấy tờ giấy màu xanh nào có chữ viết tay của Lula không?”
Bryony lại hất tóc qua mặt rồi đưa cả bàn tay lên vuốt.
“Gì kia? Không. Không. Tôi không thấy thứ gì như vậy cả. Mà sao kia, giấy tờ gì vậy?”
“Tôi không biết,” Strike đáp, “nên tôi hỏi cô đó.”
“Tôi không thấy giấy tờ gì cả. Anh nói giấy màu xanh hả? Không có.”
“Cô có thấy bất kỳ tờ giấy nào có chữ viết tay của Lula không?”
“Tôi chẳng nhớ có giấy tờ gì cả. Không có đâu,” Cô ta lại hất mớ tóc phủ mặt. “Thực ra, mấy thứ như vậy có thể ở quanh đó, nhưng tôi không để ý mấy.”
Căn phòng tối lù mù. Có lẽ Stike vừa tưởng tượng ra rằng Bryony vừa đỏ mặt, nhưng chắc hẳn hắn thấy cô ta vặn bàn chân phải rồi kéo lên tới đầu gối, ngắm nghía đế giày như đang tìm thứ gì đó.
“Lái xe của Lula, Kieran Kolovas-Jones...”
“Ồ, cái anh chàng xinh ơi là xinh đó hả?” Bryony đáp. “Tụi tôi hay ghẹo Lula vụ Kieran lắm. Anh ta mê mệt Lula. Giờ hình như thỉnh thoảng Ciara có thuê anh ta.” Bryony khẽ cười ý nhị. “Ciara cũng hơi bị mang tiếng. Ý tôi là, cổ dễ thương thiệt, nhưng...”
“Kolovas-Jones nói là sau khi ra khỏi nhà mẹ, Lula viết gì đó lên tờ giấy màu xanh ngay trong xe,...”
“Anh nói chuyện với mẹ cổ chưa? Bà đó hơi quái.”
“... nên tôi muốn biết tờ giấy đó là giấy gì.”
Bryony búng tay vứt tàn thuốc ra ngoài cửa, loay hoay không yên trên ghế.
“Chắc giấy tờ gì đó.” Strike chờ đợi câu trả lời hiển nhiên nhất, và ngay lập tức không bị thất vọng. “Chắc là giấy ghi mấy thứ cần mua hay gì đó.”
“Cũng có thể, nhưng cứ đặt giả sử, nếu đó là thư tuyệt mệnh...”
“Nhưng không phải mà... ý tôi là, thật kỳ cục... thư thiếc gì? Ai lại đi viết thư tuyệt mệnh từ sớm như vậy, rồi mất công trang điểm để đi nhảy nhót? Vô lý đùng đùng!”
“Tôi cũng thấy là không hợp lý thật, nhưng dù sao nếu biết được tờ giấy đó là giấy gì cũng tốt hơn.”
“Biết đâu không dính gì đến chuyện cổ chết. Biết đâu là thư gởi Evan hay gì đó, để nói cho hắn biết cổ bực hắn ra sao?”
“Nhưng mãi tối hôm đó Evan và Lula mới gây gổ với nhau. Hơn nữa, vì sao cô ấy lại viết thư, khi đã có sẵn số điện thoại của Evan, lại biết trước sẽ gặp anh ta ngay đêm đó?”
“Tôi biết đâu,” Bryony nói, tỏ vẻ nôn nóng. “Tôi chỉ nói vậy thôi, có là giấy tờ gì nữa thì cũng thay đổi được gì đâu.”
“Cô có chắc là không thấy tờ giấy đó không?”
“Có tôi chắc mà,” cô ta nói, tự dưng mặt đỏ bừng lên. “Tôi tới đó làm việc, chứ không phải đi tò mò chuyện của cổ. Còn gì nữa không?”
“Được rồi, tôi nghĩ vậy đủ rồi,” Strike nói tiếp, “nhưng có khi cô giúp được tôi chuyện khác. Cô có biết bà Tansy Bestigui không?”
“Không,” Bryony đáp. “Biết em bả thôi, Ursula á. Bà này có thuê tôi làm vài lần khi đi ăn tiệc. Bà đó trời ơi lắm.”
“Trời ơi sao?”
“Thì kiểu mấy bà giàu có hư hỏng... ờ,” Bryony nói, nhếch miệng, “bà giàu vậy nhưng vẫn chẳng thấy ăn thua gì. Hai chị em nhà Chillingham lấy toàn mấy ông già nhiều tiền: giống kiểu săn đại gia vậy đó. Ursula cứ tưởng lấy Cyprian May là trúng số độc đắc rồi, nhưng ông này không giàu như bả tưởng. Bả cũng gần bốn chục tuổi rồi; đâu còn nhiều cơ hội nữa. Chắc vì vậy mà bả chưa đá ông chồng để lên đời.”
Rồi nhận ra đã hơi quá lời, cần phải giải thích thêm, Bryony lại nói tiếp.
“Tôi xin lỗi, nhưng bả dám lu loa là tôi nghe trộm lời nhắn trên điện thoại bả.” Cô chuyên viên trang điểm khuỳnh tay ngang ngực, nhìn Strike. “Thiệt tình. Bả quăng điện thoại vô mặt tôi, nói nhờ gọi giùm taxi, không có một tiếng cảm ơn cảm iếc gì. Tôi bị chứng loạn chữ nên bấm nhầm nút. Bả chửi tôi không kịp vuốt mặt.
“Tại sao bà ta lại tức tối vậy?”
“Chắc vì tôi nghe thấy giọng của một ông không phải chồng bả, nói là đang nằm trong khách sạn, mơ đang... vét bả,” Bryony đáp, tỉnh khô.
“Vậy chắc bà ta đang tính chuyện lên đời hả?” Strike hỏi.
“Lên liếc gì cái mối đó,” Bryony đáp, nhưng rồi vội vã nói thêm, “Ý tôi là, tin nhắn sến lợm. Tôi, tôi phải đi ra lại đây, Guy sắp nổi đóa rồi.”
Strike để Bryony đi. Sau khi cô ta đã đi khỏi, hắn viết thêm hai trang ghi chú. Bryony Radford rõ là một nhân chứng không đáng tin cậy, thích gợi ý và hay xuyên tạc. Nhưng cô ta khiến hắn biết thêm được nhiều chuyện mà chính cô ta cũng không ngờ.
7
Buổi chụp hình kéo dài ba tiếng đồng hồ nữa. Strike đứng đợi sau vườn, hút thuốc và uống nước lọc. Trời tối dần. Cứ một lúc hắn lại đi vào nhà xem tình hình tới đâu. Công việc có vẻ chậm chạp kinh khủng. Thỉnh thoảng Strike nhác thấy Somé hay nghe giọng ông ta. Somé có vẻ đang nóng, liên tục la hét chỉ đạo anh nhiếp ảnh gia và mấy ngươi giúp việc mặc đồ đen len lách giữa đám giá treo đồ. Cuối cùng, gần chín giờ tối, sau khi Strike đã ăn vài miếng pizza do tay trợ lý ủ rũ mệt mỏi gọi mang đến thì Ciara Porter cũng vừa đi xuống cầu thang, nơi cô mới chụp hình với hai đồng nghiệp. Cô ta theo Strike đi ra phòng trang điểm. Bryony đang mải thu dọn đồ đạc.
Ciara vẫn còn mặc áo đầm ngắn vải cứng màu bạc, phục trang trong mấy tấm ảnh cuối vừa chụp. Cô ta có dáng dấp mảnh khảnh, đường nét góc cạnh, da trắng như sữa, tóc màu sáng và hai mắt to xanh biếc, nằm cách xa nhau. Ciara mang giày bánh mì có buộc chỉ bạc quanh ống chân, đôi chân dài miên man. Cô ta châm một điếu Malboro Light.
“Chúa ơi, tôi không thể tin nổi anh là con của Rokers!” Ciara nói không ra hơi, đôi mắt mèo và cặp môi dày đều mở to. “Đúng là lạ đời! Tôi có biết Rokers, ông ấy từng mời Looly và tôi đi dự buổi ra mắt album Greatest Hits hồi năm ngoái! Tôi biết cả em trai của anh nữa, Al và Eddie! Hai người có kể là có ông anh trong quân đội! Lạy Chúa. Quái thiệt. Xong chưa Bryony?” Ciara hỏi, có ý dò xét.
Cô chuyên viên trang điểm dường như mất khá nhiều thời gian để dọn dẹp đồ nghề. Sau khi Ciara hỏi, cô ta nhanh tay hẳn lên. Ciara hút thuốc, im lặng quan sát Bryony.
“Xong rồi,” Bryony nhanh nhẹn nói. Cô ta vác trên vai một chiếc thùng nặng nề, mỗi tay cầm thêm vài hộp đồ. “Chào cô, Ciara. Chào anh,” cô ta quay sang chào Strike, rồi đi ra ngoài.
“Con nhỏ đó nhiều chuyện lắm, buôn dưa dã man.” Ciara kể với Strike. Cô hất mái tóc sáng màu ra sau, xếp đôi chân dài như hươu lại, rồi hỏi Strike:
“Anh có hay gặp Al và Eddie không?”
“Không” Strike đáp.
“Cả mẹ anh nữa,”cô ta nói, thản nhiên, nhả khói thuốc qua khóe miệng. “Ta nói, mẹ anh giống như... một huyền thoại vậy đó. Anh biết không, Baz Carmichael làm nguyên một bộ sưu tập hai mùa trước có tên là ‘Fan nữ cuồng’, lấy cảm hứng từ Bebe Buell và mẹ anh đó? Toàn váy maxi, áo sơ mi không cài nút và giày bốt đó?”
“Tôi không biết,” Strike đáp.
“Ờ, kiểu như là... anh biết không, kiểu như cái câu gì nói về các mẫu áo đầm của Ossie Clask đó, đàn ông rất mê mấy kiểu đồ đó vì dễ tuột ra, xơi ngay được. Đúng y như thời mẹ anh vậy.”
Cô ta hất mớ tóc rũ xuống mắt và nhìn hắn chằm chằm, không giống như kiểu nhìn lạnh lùng hằn học của Tansy Bestigui, mà có vẻ thẳng thắn, kinh ngạc thực sự. Hắn không biết liệu cô ta đang nói thật lòng, hay chỉ đang diễn cho trọn vai. Ciara quá đẹp. Sắc đẹp của Ciara như một tấm mạng nhện dày ngăn cách giữa cô ta và người đối diện.
“Vậy nếu cô không phiền tôi muốn hỏi cô về Lula.”
“Lạy Chúa, được thôi. Được mà, không, nói thiệt đó, tôi rất muốn giúp anh. Khi tôi nghe có người đang điều tra về vụ này, tôi nghĩ thầm, tốt rồi. Cuối cùng cũng có người làm.”
“Vậy sao?”
“Lạy Chúa thiệt mà. Chuyện quá sốc, thật khốn nạn. Tôi không thể tin được. Tôi vẫn còn lưu số cổ trên điện thoại, anh coi nè.”
Cô ta lục lọi một hồi trong cái túi xách to đùng, cuối cùng lấy ra một cái iPhone màu trắng, rồi nghiêng người về phía Strike, ngón tay kéo danh bạ trên điện thoại xuống, chỉ cho hắn xem cái tên “Looly” trên đó. Mùi nước hoa của Ciara ngọt ngào, hơi cay nồng.
“Tôi cứ chờ cổ điện,” Ciara nói, chùng xuống trong giây lát rồi thảy cái điện thoại vào túi xách. “Tôi không thể nào xóa tên cổ được, cứ vừa định làm thì lại thôi, muốn giữ hết lại, anh có hiểu không?”
Cô ta loay hoay rướn người, uốn éo cẳng chân dài ngoẵng, ngồi xuống lại và im lặng hút thuốc trong vài giây sau đó.
“Vào ngày cuối cùng của Lula cô ở với cô ấy khá lâu, đúng không?”
“Đừng nhắc đến cái ngày khốn nạn đó nữa,” Ciara đáp, nhắm mắt lại. “Tôi nghĩ tới nó mới có một triệu lần thôi. Tôi cứ nghĩ mãi, không hiểu làm sao đi từ chỗ hoàn toàn vui vẻ tưng bừng đến cái chết chỉ trong có mấy tiếng.”
“Cô ấy vui vẻ tưng bừng?”
“Lạy Chúa, mấy ngày trước đó cổ rất vui, xưa giờ tôi chưa thấy cổ vui như vậy. Tụi tôi vừa mới đi Antigua chụp cho Vogue về, rồi cổ với Evan quay lại với nhau, rồi hai người làm lễ cam kết. Mọi chuyện vô cùng tuyệt vời, cổ lâng lâng như ở trên chín tầng mây vậy.”
“Cô có đi dự cái lễ cam kết đó không?”
“Có chứ,” Ciara nói, dụi tàn thuốc vào lon nước ngọt, tàn thuốc xì một tiếng rồi tắt ngấm. “Lạy Chúa, còn hơn là lãng mạn nữa kia. Evan làm một cú rất bất ngờ, ngay tại nhà của Dickie Cadbury đó. Anh biết Dickie Cadbury không? Ông chủ nhà hàng đó? Ông ta có cái nhà đẹp mỹ mãn ở Cotswolds, cuối tuần tụi tôi đổ hết về đó, Evan đã mua trước một cặp vòng tay mạ bạc cực xinh của Fergus Keane. Rồi ảnh bắt hết cả đám đi xuống chỗ hồ nước sau bữa tối, trời lạnh ngắt, tuyết rơi nữa, xong rồi ảnh đọc bài thơ ảnh viết tặng Looly, xong rồi đeo vòng cho cổ. Looly cười quá trời, nhưng mà đọc ngay một bài thơ khác trả lời. Thơ Walt Whitman. Lúc đó,” Ciara nói tiếp, đột nhiên tỏ ra nghiêm chỉnh hẳn lên, “thiệt tình, quá là ấn tượng luôn, bài thơ quá hợp, hoàn hảo, cứ tự nhiên như không vậy. Người ta tưởng người mẫu dốt lắm, anh hiểu không.” Cô ta lại hất tóc ra sau, mời Strike một điếu rồi rút ra thêm một điếu nữa cho mình. “Tôi quá chán chuyện cứ phải thanh minh là tôi đã được nhận vào học Văn ở Cambridge, nhưng đang bảo lưu kết quả.”
“Vậy hả?” Strike hỏi lại, không giấu được sự ngạc nhiên trong giọng nói.
“Ừ” cô ta nói, miệng phì phèo thuốc lá trông thật xinh, “nhưng anh thấy đó, vụ làm người mẫu đang ngon ăn. Tôi định làm thêm một năm nữa. Mở ra nhiều cơ hội lắm, anh hiểu không?”
“Vậy cái lễ cam kết này diễn ra khoảng... một tuần trước khi Lula chết?”
“Ờ,” Ciara đáp, “Ngay thứ Bảy trước đó.”
“Chỉ có trao cặp vòng với hai bài thơ. Không có thề thốt, chủ hôn gì hết hả?”
“Không, lễ đó không có chính thức như đính hôn kết hôn gì đâu, chỉ là một khoảnh khắc hoàn hảo, ngọt ngào như vậy thôi. Bực cái là Freddie Bestigui cũng ở đó, lão đó thiệt là khó ưa. Nhưng ít ra,” Ciara rít một hơi thuốc thật sau, “là không có mụ vợ mắc dịch của lão.”
“Tansy?”
“Tansy Chillingham. Đồ quỷ cái. Hai người ly dị cũng chẳng lạ; đã đường ai nấy đi rành rành, có bao giờ thấy cặp kè gì đâu.”
“Thực ra mà nói, hôm đó Fredie cũng không đến nỗi, mặc dù mang tiếng ghê gớm như vậy. Lão chỉ sến sẩm chán bỏ xừ, cứ đi theo o bế Looly, nhưng mà không đến nỗi tệ như người ta hay nói. Tôi có nghe chuyện này, kiểu là, một đứa ngây thơ rành rành được lão hứa hẹn cho một vai trong phim, rồi... Nhưng tôi không biết có thật không.” Ciara nheo mắt nhìn đầu thuốc. “Dù sao thì con nhỏ đó cũng không tố lão.”
“Cô nói Freddie khó ưa là ý sao?”
“Trời đất, lão ta cứ nhằng nhẵng đi theo Looly, khen hoài là cổ chắc chắn ăn hình hết ý, rồi còn nữa, hồi xưa ông già cổ hay ho thế nào.”
“Ngài Alec hả?”
“Ừ, đương nhiên là Ngài Alec rồi. Lạy Chúa,” Ciara nói, mắt mở to, “nếu mà lão biết cha thiệt của cổ, Looly hẳn đã nhảy cẫng lên rồi! Vì vậy thì coi như mơ ước cả đời của cổ thành sự thật mà! Nhưng không, lão chỉ nói là có quen Ngài Alec từ hồi lâu lắc lâu lơ, hai người đều là dân phía Đông thành phố, ở cùng xóm hay sao đó, nên đúng ra có thể coi lão như cha đỡ đầu hay gì đó của Looly. Tôi nghĩ lão đang cố diễn trò hài nhưng mà chẳng có gì tức cười cả. Ai cũng thấy được là lão đang chài Looly đóng phim. Hồi lễ cam kết lão rất là dở hơi, cứ ré lên “Để tôi giao cô dâu cho chú rể,” làm như là ông già cổ không bằng. Lão say mèm, tại trước đó uống dữ lắm. Dickie cứ phải nhắc lão ngậm miệng lại. Rồi sau đó tụi tôi trở vô nhà, uống champagne và Freddie làm thêm hai chai nữa. Lão cứ gào lên với Looly là cổ sẽ thành diễn viên bá cháy, nhưng cổ không quan tâm gì hết. Cổ lơ đẹp Freddie. Cổ nằm trên sofa với Evan, hai người...”
Rồi đột nhiên đôi mắt kẻ đậm của Ciara ngấn nước, cô ta quay mặt đi, đưa bàn tay trắng muốt lên chùi nước mắt.
“...đang sung sướng hạnh phúc. Cổ đang rất hạnh phúc, chưa bao giờ tôi thấy cổ vui như vậy.”
“Đêm Lula chết cô có gặp lại Freddie Bestigui đúng không? Cô với Lula chạm mặt ông ta ngay ở sảnh dưới nhà, khi chuẩn bị đi ra ngoài?”
“Đúng vậy,” Ciara đáp, tay vẫn chặm mắt. “Làm sao anh biết?”
“Người bảo vệ tên Wilson kể. Ông ta nói là Bestigui có nói gì đó mà Lula không thích tí nào.”
“Ừ, đúng rồi. Tôi quên mất vụ đó. Freddie nói gì đó về Deeby Macc, chuyện Looly đang rất phấn khởi vì Macc sắp chuyển tới, rồi chuyện lão rất muốn hai người đóng phim chung. Tôi không nhớ chính xác là nói gì, nhưng mà lão nói thô lắm, anh hiểu không?”
“Lula có biết chuyện Bestigui là chỗ quen biết với Ngài Alec không?”
“Cổ nói với tôi là chưa nghe chuyện đó bao giờ. Cổ luôn né Freddie khi về tới nhà. Cổ cũng không ưa gì mụ Tansy.”
“Tại sao vậy?”
“Ờ, Looly không có quan tâm mấy cuộc lê la bàn tán coi chồng ai có du thuyền to nhất, cổ không thích đám đó. Looly hay ho hơn vậy nhiều. Khác hẳn với hai chị em nhà Chillingham.”
“OK,” Strike đáp, “Giờ cô kể lại buổi chiều và buổi tối hôm đó, lúc cô ở với Lula có được không?”
Ciara dụi đầu thuốc thứ hai vào lon nước ngọt, lại một tiếng xì rồi tắt ngấm. Cô ta châm ngay một điếu nữa.
“Ừ, được rồi, để tôi nhớ coi. Buổi chiều hôm đó tôi tới nhà cổ. Bryony ghé qua làm lông mày, rồi cuối cùng làm móng cho cả hai đứa tôi. Hai đứa tụi tôi ngồi tám chuyện con gái cả buổi chiều.”
“Cô thấy khi đó Lula ra sao?”
“Cổ...” Ciara ngập ngừng. “Cổ không được vui bằng mấy ngày trước đó. Nhưng mà không có gì là sắp tự tử hết, không thể nào.”
“Kieran, tài xế của Lula nghĩ là cô ấy có vẻ hơi khác sau khi ra khỏi nhà mẹ ở Chelsea.”
“Trời đất, thì còn gì nữa? Mẹ cổ bị ung thư mà, không phải vậy sao?”
“Khi gặp cô Lula có nói gì về phu nhân Bristow không?”
“Nói gì đâu. Có kể là ngồi với mẹ một lúc, vì bả hơi... anh biết rồi đó...suy sụp sau ca mổ, nhưng mà không ai nghĩ phu nhân Bristow sắp chết cả. Mổ miếc là để chữa cho khỏi mà, không phải vậy sao?”
“Lula có nhắc đến bất kỳ chuyện gì khác làm cho cô ấy không vui bằng mấy ngày trước không?”
“Không,” Ciara đáp, chậm rãi lắc đầu, mớ tóc vàng nhạt ve vuốt gương mặt. Cô ta cào ngược tóc ra sau, rồi rít thêm một hơi thuốc thật sâu. “Đúng là cổ có vẻ hơi buồn thiệt, hơi mất tập trung sao đó, nhưng tôi nghĩ chỉ là do vừa gặp mẹ. Quan hệ giữa hai mẹ con cổ kỳ lắm. Phu nhân Bristow kiểu... bảo bọc quá mức, cứ bám theo cổ hoài. Làm Looly nhiều khi thấy ngột ngạt, anh hiểu không?”
“Cô có nhớ chiều hôm đó Lula có gọi điện cho ai không?”
“Không,” Ciara đáp, sau khi im lặng ngẫm nghĩ một lúc. “Tôi nhớ là cổ cứ mở điện thoại xem hoài, nhưng không nói chuyện với ai hết, nếu tôi nhớ đúng. Nếu mà có gọi cho ai thì chắc là cô muốn giữ kín. Vì cổ cứ đi vô phòng ngủ hoài. Tôi cũng không biết nữa.”
“Bryony nghĩ là Lula rất háo hức vì Deeby Macc sắp đến.”
“Hả, trời đất,” Ciara thốt lên, mất kiên nhẫn. “Thực ra mấy người kia mới háo hức về Deeby Macc... Guy, Bryony với... cả tôi cũng háo hức, một chút,” cô ta nói, vẻ thật thà dễ mến. “Nhưng Looly không có tha thiết gì chuyện đó. Cổ đang rất hạnh phúc với Evan. Không phải Bryony nói gì cũng tin được đâu.”
“Lúc đó Lula có cầm tờ giấy nào không, cô nhớ không? Một tờ giấy màu xanh có chữ viết tay của Lula?”
“Không,” Ciara hỏi, y hệt những người khác. “Sao vậy? Giấy tờ gì?”
"Tôi cũng chưa biết chắc," Strike đáp, Ciara đột nhiên hoảng hốt như vừa ngộ ra điều gì đó.
"Lạy Chúa... anh đừng nói là thư của cổ để lại? Lạy Chúa tôi. Làm sao có chuyện điên khùng khốn kiếp đến vậy? Nhưng... không lẽ...! Vì nói vậy hóa ra... cổ đã có ý định từ trước."
"Có thể là giấy tờ gì khác," Strike đáp. "Cô khai trong hồ sơ điều tra là Lula muốn nói để lại hết cho anh trai cô ấy, đúng vậy không?"
"Ừ, đúng rồi," Ciara nói, gật đầu, giọng thành thật. "Chuyện là, Guy gởi cho Looly mấy cái túi hàng mới cực xinh. Tôi biết ngay là mình chẳng có phần, mặc dù tôi cũng có mặt trong quảng cáo đó. Tôi mở bao đựng cái túi trắng, cái Cashile đó, anh biết không, đẹp mỹ mãn. Bên trong có lớp lót bằng lụa, có thể tháo ra được, in hoa văn kiểu châu Phi rất chi là độc đáo. Guy làm riêng tặng cho Lula mà. Vậy là tôi nói, "Looly, bồ để cái này cho mình nha?" giỡn chơi vậy thôi. Rồi cổ nói, thiệt nghiêm chỉnh, "Sẽ để lại hết cho ông anh, nhưng chắc bồ thích gì ổng cho thôi."
Strike vừa quan sát và nghe ngóng thật kỹ, tìm xem có dấu hiệu nào cho thấy Ciara đang bịa chuyện hay nói quá lên không, nhưng lời nói của cô ta rất tự nhiên, thẳng thắn.
"Nghe lạ thật nhỉ?" Hắn hỏi.
"Ừ, tôi cũng thấy vậy," Ciara đáp, lại hất tóc ra sau. "Nhưng mà kiểu Looly như vậy đó, lâu lâu lại hơi u ám, trầm trọng hóa vấn đề. Guy hay nói, 'Bớt khùng đi, Cuckoo ơi.' Nhưng mà," Ciara thở dài, "cổ chẳng hiểu ý tôi chút nào, vụ cái túi Cashile đó. Vậy mà tôi cứ tưởng là cổ cho tôi luôn, thiệt tình, cổ có tới bốn cái lận."
"Cô nghĩ mình có thân thiết với Lula không?"
"Tất nhiên rồi, siêu thân luôn, chuyện gì cổ cũng kể với tôi."
"Có người nói rằng Lula rất khó tin ai. Rằng cô ấy rất sợ mấy việc riêng tư bị tung lên báo. Tôi có nghe kể là cô ấy còn hay thử bạn bè, xem họ có đáng tin không."
"Ờ đúng rồi, sau khi bị bà mẹ ruột bán cho báo, cổ hơi bị... đa nghi. Cổ còn hỏi tôi," Ciara nói, tay phe phẩy điếu thuốc. "Là liệu tôi có xì chuyện cổ vừa quay lại với Evan không. Ta nói, trời đất. Kiểu gì mà cổ giữ kín vụ đó được. Ai mà không biết. Tôi nói với cổ. "Looly, bị nói sau lưng còn đỡ hơn là không bao giờ được nhắc tới. Câu đó của Oscar Wilde," cô ta tử tế giải thích thêm. "Nhưng Looly không thích mặt trái của sự nổi tiếng."
"Guy Somé nói rằng Lula ắt hẳn đã không quay lại với Duffield nếu ông ta không đi công tác."
Ciara liếc về phía cánh cửa, hạ giọng.
"Đương nhiên Guy sẽ nói vậy. Ổng siêu bảo bọc Looly mà. Ổng rất mê tít cổ, thương cổ thực sự. Ổng nghĩ Evan chẳng đem lại cái gì tốt đẹp cho Looly, nhưng thiệt tình, ổng không biết con người thật sự của Evan. Evan đúng là khùng dã man thiệt, nhưng ảnh là người tốt. Mấy hôm trước ảnh có ghé thăm phu nhân Bristow. Tôi nói. 'Tại sao, Evan, mắc gì mà lại phải làm vậy?' Vì anh biết đó, gia đình cổ rất ghét Evan. Anh biết ảnh nói sao không. ' Tôi chỉ muốn nói chuyện với ai đó có thể đồng cảm được với mình.' Nghe tội không?"
Strike hắng giọng.
"Báo chí lúc nào cũng chĩa vào Evan, thật là không công bằng tí nào, ảnh làm gì cũng bị chửi."
"Duffield có ghé qua nhà cô ngay trong đêm Lula chết, phải vậy không?"
"Trời đất, đúng rồi, cuối cùng cũng tới chuyện này đây!" Ciara bực bội nói. "Báo viết y như là tụi tôi ngủ nghê gì với nhau vậy! Ảnh không có tiền trong túi, tài xế thì biến mất tăm cho nên phải cuốc bộ hết cả London tới nhà tôi ngủ tạm. Ảnh ngủ trên ghế sofa. Hai tụi tôi cùng biết tin một lúc."
Cô ta đưa điếu thuốc lên miệng, rít một hơi sâu, mắt nhìn xuống sàn nhà.
"Thật là tệ hại. Anh không tưởng tượng được đâu. Kinh khủng lắm. Lúc đó Evan... lạy Chúa... Và rồi," cô ta nói tiếp, giọng thầm thì, "ai cũng nói ảnh là thủ phạm. Nhất là sau khi Tansy Chillingham khai có nghe tiếng cãi nhau. Báo chí nổi điên lên. Thật không tả nổi."
Cô ta ngước nhìn Strike, đưa tay giữ tóc khỏi xõa xuống mặt. Ánh đèn chói gắt trên đầu làm vóc dáng hoàn hảo của Ciara càng nổi bật.
"Anh vẫn chưa gặp Evan, đúng không?"
"Tôi chưa gặp."
"Anh có muốn gặp không? Giờ đi luôn với tôi. Ảnh nói tối nay ảnh đi Uzi."
"Vậy thì hay quá."
"Tuyệt vời. Đợi chút."
Cô ta nhảy lên rồi đứng ở cửa gọi:
"Guy ơi, cho mặc luôn bộ này được không cưng? Đi mà. Mặc đi Uzi được không?"
Somé bước vào. Đôi mắt ông ta trông rất mệt mỏi sau tròng kính.
"Được rồi. Nhưng làm sao làm phải dính vài cái hình. Coi chừng bị hư là tôi kiện cô tới số luôn."
"Sẽ không hư hỏng gì đâu mà. Em dẫn Cormoran đi gặp Evan."
Cô ta nhét bao thuốc vào chiếc túi xách to đùng, dường như đựng cả quần áo thường ngày, rồi choàng qua vai. Mang giày cao gót, Ciara chỉ kém Strike có hai phân. Somé ngước nhìn Strike, nheo mắt lại.
"Nhớ cho thằng quỷ con đó biết mùi lễ độ."
"Guy!" Ciara chu miệng, "Đừng có ác vậy."
"À, coi chừng đó, ngài Rokeby," Somé nói với theo, giọng châm chích như thường lệ. "Ciara lẳng lơ đĩ thõa lắm đó, phải vậy không cưng? Nó cũng giống tôi vậy, toàn thích mấy tay dữ dằn to con không à."
"Guy!" Ciara hét lên, giả bộ sửng sốt. "Đi nào Cormoran. Lái xe chờ sẵn ở ngoài rồi."
9
Robin chạy rầm rầm lên cầu thang sắt, chân vẫn nguyên đôi giày gót thấp đã mang suốt từ hôm qua. Hai mươi tư tiếng đồng hồ trước, vì không sao gạt khỏi đầu hình ảnh hấp dẫn của chàng "thám tử vườn đi giày cỏ”[1], cô đã chọn đôi giày tuềnh toàng nhất đi khắp chốn. Rồi hôm nay, sau khi làm được một số việc đáng kể, Robin trở nên vô cùng phấn khích, đến nỗi đôi giày đen cũ kỹ giờ với cô cũng lung linh không khác gì giày thuỷ tinh của Lọ Lem. Háo hức muốn kể cho Strike nghe tất cả những việc vừa làm được, cô đi như chạy qua phố Denmark, băng ào qua những đống gạch đá dưới nắng ấm. Robin tin chắc rằng những phát hiện xuất sắc ngày hôm qua sẽ khiến cả hai vô cùng phấn khích và khoả lấp hết mọi sự ngượng ngùng còn vương lại từ vụ say xỉn bê tha của Strike hai đêm trước.
[1. Nguyên gốc tiếng anh "gumshoe": giày đế mềm, ngoài ra còn có nghĩa tiếng lóng là thám tử tư - ND]
Nhưng khi lên đến tầng hai, Robin sững lại. Lần thứ ba, cánh cửa gương bị khoá, văn phòng bên trong tối om, im ắng lạ thường.
Cô mở cửa vào trong, nhanh chóng quan sát một vòng. Cửa phòng Strike vẫn mở. Chiếc giường xếp được gấp lại ngay ngắn. Trong thùng rác không có tàn tích của bữa ăn đêm trước. Màn hình máy tính tối đen, ấm đun nước nguội lạnh. Robin buộc phải rút ra kết luận là đêm qua Strike đã không về nhà.
Cô treo áo khoác lên móc, rút ra một cuốn sổ nhỏ từ trong túi xách và bật máy tính lên. Robin cố lần lữa đợi thêm vài phút xem Strike có trở lại không, cuối cùng đành bắt tay gõ lại tóm tắt những việc đã làm được. Vậy mà đêm trước cô hầu như không ngủ được vì háo hức muốn gặp Strike để kể hết cho hắn nghe. Mất hứng quá, bực cả mình. Tên sếp tạm đi đâu mà vẫn chưa về?
Tay vẫn gõ lia lịa trên bàn phím, tự dưng Robin nghĩ đến một khả năng chẳng hay ho gì. Rõ là Strike tan nát cõi lòng sau khi nghe tin bồ cũ đính hôn, biết đâu hắn ta đã chạy đến cầu xin cô nàng đừng có lấy cái anh chàng kia nữa? Chẳng phải hôm đó hắn đã hét to trước cả phố Charing Cross rằng Charlotte không hề yêu Jago Ross sao? Biết đâu đấy, biết đâu Charlotte đã lại sà vào vòng tay của Strike, rồi hai người đã làm lành, giờ đây đang ôm nhau ngủ trong căn nhà mà Strike vừa bị đuổi ra cách đây bốn tuần? Robin nghĩ đến mấy câu bóng gió của Lucy khi nhắc đến Charlotte. Nếu hai người quay lại thật thì chắc công việc của cô cũng chẳng còn được bao lâu. Nhưng không hề gì, Robin tự nhắc mình, tay vẫn tức tối gõ phím, liên tục mắc lỗi, sự thuần thục ngày thường đi đâu mất cả. Một tuần nữa là đi hẳn rồi. Nhưng suy nghĩ đó lại càng làm cho Robin thấy bức xúc.
Ngược lại, cũng rất có thể Strike đã đến tìm Charlotte rồi bị cô ta đuổi thẳng cổ. Như vậy, chuyện "giờ này anh ở đâu?" trở nên cấp bách hơn, không còn là chuyện riêng tư nữa. Biết đâu sau đó, hắn lại đi uống, không có ai ở bên coi chừng, rồi lại say xỉn bét nhè thì sao? Ngón tay gõ phím chậm lại rồi dừng hẳn, ngay giữa một câu dang dở. Cô quay ghế, nhìn về phía chiếc điện thoại để bàn nằm im lìm.
Có thể cô là người duy nhất biết được rằng Cormoran Strike đã tạm thời mất tích. Có lẽ cô nên gọi vào máy di động cho hắn? Rồi nếu hắn không bốc máy thì sao? Phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ mới báo cho cảnh sát? Cô thoáng nghĩ đến việc gọi điện cho Matthew, nhưng dẹp ngay ý định đó.
Đêm đó Matthew và Robin đã cãi nhau khi cô về tới nhà rất trễ, sau khi phải dìu tên Strike say xỉn từ quán Tottenham về lại văn phòng. Matthew lại càm ràm rằng cô thật ngây thơ, dễ bị ảnh hưởng và quá thương người. Rằng Strike chỉ nhăm nhe kiếm một cô thư ký giá rẻ, nên mới lợi dụng lòng thương người của cô như vậy; rằng chẳng có Charlotte Char-liếc gì cả, tất cả chỉ là một âm mưu để lấy lòng và ép cô tận tụy thêm vì hắn mà thôi. Robin giận sôi lên, cô đáp trả rằng người đang muốn ép cô chính là Matthew, vì anh ta suốt ngày ra rả chuyện đáng ra cô phải kiếm được bao nhiêu, rồi cứ bóng gió chuyện cô không làm ra nhiều tiền như anh ta. Chẳng lẽ anh ta không thấy được là cô rất thích làm việc cho Strike, chẳng lẽ đầu óc kế toán hẹp hòi, khô khan của anh ta không nhận ra rằng cô đang sợ phải đối mặt với công việc nhân sự cực kỳ nhàm chán? Matthew sửng sốt nghe cô nói, rồi tỏ ý ăn năn (mặc dù vẫn giữ ý chê bai hành vi của Strike). Ngày thường Robin là người dễ chịu, luôn dĩ hoà vi quý. Nhưng Matthew đã xin lỗi rồi mà cô vẫn thấy xa cách và giận dữ. Sáng hôm sau, mặc dù đã làm lành, hai người (mà chủ yếu là Robin) vẫn còn khá cay cú.
Giờ đây, trong cảnh im lặng đến phát ngốt, nhìn chiếc điện thoại, tự dưng Robin giận lây sang cả Strike. Hắn đang ở đâu? Đang làm gì? Tại sao hắn cứ muốn chứng tỏ Matthew nói đúng, rằng hắn là kẻ vô trách nhiệm? Cô thì ngồi cố thủ ở đây, còn hắn thì mải chạy theo người cũ, chẳng màng gì đến công việc chung…
… công việc của hắn thì đúng hơn….
Có tiếng bước chân lên cầu thang. Robin thoáng nhận ra nhịp chân hơi chông chênh của Strike. Cô chờ đợi, nhìn về phía cầu thang, cho tới khi chắc chắn tiếng bước chân vẫn tiếp tục vang lên sau khi đã đi qua tầng một. Cô quay hẳn ghế nhìn vào màn hình máy tính, gõ phím liên tục, trống ngực đập thình thịch.
"Chào cô.”
"Chào.”
Cô liếc nhanh về phía Strike rồi tiếp tục gõ phím. Trông hắn mệt mỏi, râu ria chưa cạo, nhưng ăn mặc bảnh bao khác thường. Ngay lập tức cô đoán ắt hẳn hắn đã cố làm lành với Charlotte, mà xem chừng đã thành công. Hai câu tiếp theo trong văn bản đầy lỗi đánh máy.
"Sao rồi?" Strike hỏi, để ý thấy vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng của cô.
"Tốt." Robin đáp.
Cô định sẽ trình bản báo cáo hoàn hảo ngay trước mặt hắn, rồi sẽ lạnh lùng thông báo chuyện nghỉ việc sau một tuần nữa. Cô sẽ đề nghị rằng ngay trong tuần này hắn nên thuê một nhân viên tạm thời khác, để cô có thể bàn giao công việc trước khi nghỉ.
Chỉ vài giờ trước đó, Strike tự dưng "trúng số độc đắc" một cách ngoạn mục, sau một chuỗi những chuyện xui xẻo liên tục trong thời gian qua. Mấy tháng rồi hắn mới thấy vui vẻ như vậy. Hắn rất trông đến văn phòng để gặp cô thư ký. Strike hoàn toàn không có ý định chiêu đãi Robin bằng chuyện đêm qua hắn làm gì (đặc biệt là vụ "trúng số”, khiến hắn phục hồi lại chút tự ái đàn ông tưởng đã te tua). Hắn vốn kín tiếng trong những chuyện như vậy. Ngoài ra, hắn cũng muốn cứu vớt cái ranh giới nghiêm túc giữa hai người, hắn đã bị sứt mẻ khá nhiều sau trận say bia trong quán Tottenham. Tuy nhiên, Strike cũng đã chuẩn bị sẵn trong đầu bài xin lỗi về sự vụ hai đêm trước đó, thêm một lời cảm ơn sâu sắc và cuối cùng là khoe khoang những kết luận hay ho có được sau mấy cuộc phỏng vấn hôm qua.
"Uống trà không?”
"Không, cám ơn.”
Hắn nhìn đồng hồ.
"Tôi chỉ đi trễ có mười một phút thôi mà.”
"Anh muốn tới mấy giờ mà chẳng được. Ý tôi là," Robin cố vớt vát, nhận ra giọng điệu của mình thật hung hăng, "chuyện anh làm gì… à… đi làm mấy giờ không phải là việc của tôi.”
Vậy mà Robin đã tập dượt sẵn trong đầu vài câu đáp trả thật dịu dàng, rộng lượng, vì cô cứ tưởng gặp cô Strike sẽ rối rít xin lỗi về vụ say xỉn cách đây bốn mươi tám tiếng. Ngược lại, thái độ của hắn lúc này thật vô duyên, chẳng hề có chút xấu hổ ân hận gì cả.
Strike loay hoay với chiếc ấm đun và mấy tách trà. Vài phút sau hắn đặt xuống trước mặt Robin một tách trà bốc khói.
"Tôi đã nói là tôi không…”
"Cô đặt bản đánh máy quan trọng đó qua một bên, một phút thôi, để tôi nói cái này được không?”
Robin gõ phím ầm ầm để lưu văn bản, quay sang nhìn hắn, hai tay vòng lại trước ngực. Strike ngồi xuống chiếc ghế sofa cũ.
"Tôi muốn xin lỗi về chuyện đêm trước.”
"Không cần đâu," Robin đáp, nhỏ giọng, kiệm lời.
"Cần chứ. Tôi không nhớ rõ đã làm gì. Tôi chỉ mong là lúc đó tôi không be bét quá.”
"Không đâu.”
"Chắc cô cũng đoán ra chuyện gì rồi. Vợ chưa cưới của tôi vừa đính hôn với bồ cũ. Chỉ ba tuần sau khi tụi tôi chia tay cô ấy đã đeo nhẫn mới. Là nói văn hoa vậy thôi; chứ thật ra trước giờ tôi còn chưa mua nhẫn cho cô ấy. Tôi chưa bao giờ có đủ tiền mà mua.”
Nghe giọng hắn Robin đoán là hẳn hai người vẫn chưa làm lành, nhưng vậy thì tối hôm qua hắn ở đâu? Cô bất giác buông hai cánh tay xuống, cầm tách trà lên.
"Cô không có trách nhiệm đi tìm tôi như vậy, nhưng nếu không có cô hẳn tôi đã ngã xuống cống, hay đã đấm vỡ mặt ai đó. Vậy nên, cám ơn cô rất nhiều.”
"Không có gì," Robin đáp.
"À cảm ơn vụ Alka-Seltzer luôn," Strike nói tiếp.
"Có tác dụng không?" Robin hỏi, vẫn lạnh lùng.
"Sém chút nữa là tôi phun ra khắp chỗ này," Strike trả lời, nắm tay đấm nhè nhẹ vào chiếc ghế sofa sờn cũ, "nhưng uống xong một lúc thì đỡ hẳn.”
Robin bật cười. Strike chợt nhớ lại nội dung mẩu giấy cô luồn dưới khe cửa khi hắn đang ngủ và lý do cô đưa ra cho sự vắng mặt vô cùng tế nhị của mình.
"Được rồi, tôi đang rất mong được nghe cô báo cáo công việc hôm qua," hắn nói dối. "Đừng để tôi phải hồi hộp nữa.”
Robin tươi tỉnh hẳn lên, bừng nở như bông súng trên mặt hồ.
"Tôi đang gõ lại…”
"Cứ nói đã, rồi cô có thể lưu hồ sơ sau," Strike đáp, nghĩ thầm nếu phần Robin sắp nói chẳng có ích gì thì hắn sẽ gạt luôn ra khỏi hồ sơ.
"Ok," Robin nói, vừa hào hứng vừa hồi hộp. "Như tôi đã nhắn với anh, tôi đọc trong hồ sơ thấy anh đang muốn điều tra Giáo sư Agyeman và khách sạn Malmaison ở Oxford.”
Strike gật đầu, thấy nhẹ nhõm vì hắn không nhớ chi tiết đến vậy. Khi đọc mẩu giấy của Robin hắn vẫn còn say mờ mắt.
"Vậy là," Robin nói tiếp, thoáng hụt hơi, "đầu tiên tôi đến khu Russell Square, đến trường SOAS - Viện nghiên cứu Đông phương và Châu Phi, phải ý anh chỉ chỗ đó không?" Cô giải thích. "Tôi xem bản đồ: đúng là chỉ cách Bảo tàng Anh Quốc một khoảng đi bộ. Có một chỗ anh viết nhắc tới chi tiết này, đúng không?”
Strike lại gật đầu.
"Rồi tôi đi vào SOAS, giả vờ là đang viết luận văn về chính trị châu Phi và muốn có thông tin về Giáo sư Agyeman. Tôi gặp được một bà thư ký rất nhiệt tình trong khoa Chính trị, bà này từng làm việc cho giáo sư Agyeman, cho tôi rất nhiều thông tin về giáo sư, bao gồm danh mục sách và tiểu sử tóm tắt. Giáo sư từng học Đại học ở SOAS.”
"Thật sao?”
"Đúng vậy." Robin tiếp. "Tôi còn kiếm được hình nữa.”
Nói rồi cô rút từ trong cuốn sổ ra bản sao một tấm ảnh và đưa Strike xem.
Trong ảnh là một người đàn ông da đen, gương mặt dài, xương gò má cao, tóc đã ngả bạc cạo sát đầu. Ông ta đeo kính gọng vàng, hai tai lớn quá khổ. Strike nhìn tấm hình một lúc lâu. Cuối cùng, hắn thốt lên:
"Trời.”
Robin chờ đợi, hãnh diện.
"Trời." Strike lại thốt lên lần nữa. "Ổng chết khi nào vậy?”
"Năm năm trước. Bà thư ký rất buồn khi nói chuyện đó, kể là giáo sư rất thông minh, một người thật tử tế, tốt bụng. Một tín đồ Cơ-đốc mẫu mực.”
Strike đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng, tay vẫn cầm bức ảnh của giáo sư Josiah Agyeman.
"Cô không hỏi được đơn vị nào hả? Cũng không sao. Tôi có thể tìm được," hắn nói.
"Tôi có hỏi," Robin đáp, nhìn xuống sổ, "nhưng tôi không hiểu lắm… có đơn vị nào tên là Sappers hay gì đó không…?”
"Kỹ sư Quân đội Hoàng gia," Strike đáp. "Có manh mối này là tôi tìm thêm được rồi.”
Hắn dừng lại ngay bên cạnh bàn của Robin, nhìn tấm hình của Giáo sư Josiah Agyeman một lần nữa.
"Giáo sư là người gốc Ghana," Robin nói tiếp. "Nhưng gia đình đã định cư ở Clerkenwell từ lâu, cho tới khi ông ấy chết.”
Strike đưa tấm hình lại cho Robin.
"Coi chừng mất. Cô làm giỏi thật, Robin à.”
"Chưa hết," cô nói tiếp, mặt ửng đỏ, cố không mỉm cười mặc dù rất phấn chấn. "Buổi chiều tôi lấy tàu đi Oxford, đến khách sạn Malmaison. Anh biết không, khách sạn đó hồi trước là nhà tù, sau này mới cải tạo lại thành khách sạn?”
"Vậy hả?" Strike hỏi, từ từ ngồi xuống ghế sofa.
"Ừ. Thật ra cũng đẹp lắm. Tôi định sẽ đóng giả làm Alison, đến đó để xem Tony Landry có để quên đồ ở đó không, hay đại loại vậy…”
Strike nhấp một ngụm trà, nghĩ thầm thật khó tin chuyện ba tháng sau hội thảo, ông luật sư phải cử cô thư ký đến tận nơi chỉ vì lý do cỏn con như vậy.
"Dù sao thì, sai lầm là ở chỗ đó.”
"Vậy sao?" Strike nói, cố giữ giọng bình thường.
"Đúng vậy, bởi vì ngày bảy tháng Giêng bà Alison có tới đó để tìm gặp Tony Landry. Tôi thiếu điều muốn chui xuống đất. Một cô làm lễ tân có gặp Alison hôm đó, nên vẫn nhớ mặt bà ta.”
Strike hạ tách trà xuống.
"Hừm, vụ này," hắn nói, "đúng là hay ho.”
"Tôi cũng thấy thế," Robin phấn khởi kể tiếp. "Vậy là tôi phải suy nghĩ thật nhanh.”
"Cô có nói tên cô là Annabel nữa không?”
"Không," cô đáp, thoáng bật cười. "Tôi nói, à vậy thì, tôi đành nói thật, tôi là bạn gái của ông Landry. Rồi tôi khóc thút thít.”
"Cô khóc?”
"Thật ra cũng không khó lắm." Robin đáp, tỏ vẻ ngạc nhiên. "Tôi vào vai ngon ơ. Tôi nói là tôi nghi ngờ ông Landry đang có người khác.”
"Cô không giả bộ nghi ngờ Alison chứ? Nếu họ thấy bà ta rồi chắc chắn họ sẽ không tin…”
"Không, nhưng tôi nói là nghi ổng nói dối, nghi là hôm đó ổng không hề ở Malmaison… Rồi tôi khóc lóc một hồi. Cô gái từng gặp Alison phải kéo tôi ra một bên dỗ dành. Cô ta nói là họ không thể cung cấp thông tin về người khác mà không có lý do chính đáng, luật lệ của khách sạn qui định vân vân và vân vân… anh biết rồi đó. Nhưng tôi cứ khóc mãi, cuối cùng cô ta đành phải nói ông Landry có làm thủ tục nhận phòng vào tối ngày Sáu, rồi trả phòng buổi sáng ngày Tám. Lúc trả phòng có phàn nàn chuyện khách sạn không đưa đúng loại báo ổng muốn đọc, nên cô nhân viên mới nhớ mặt. Vậy chắc chắn là Landry có ở đó. Tôi còn ráng nức nở hỏi thêm một chút, rằng làm sao cô ta biết chắc người đó là ông Landry. Cô ta mô tả tới chân tơ kẽ tóc. Còn tôi đã biết mặt ổng rồi," cô nói thêm, trước khi Strike kịp hỏi. "Trước khi đi Oxford tôi có coi hình trước trên trang web của công ty LMP.”
"Cô cừ thật," Strike nói, "vụ này nghe quá xá mờ ám. Cô nhân viên đó có kể gì về Alison không?”
"Kể là Alison đến nơi, hỏi gặp ông Landry, nhưng lúc đó ổng không có ở khách sạn. Nhưng họ xác nhận với Alison là ổng đã làm thủ tục nhận phòng. Rồi Alison đi về.”
"Quái thật. Đáng ra Alison phải biết là ông Landry đã đi dự hội thảo; tại sao không đến thẳng đó trước?”
"Tôi không biết.”
"Cái cô nhân viên được việc này có kể ngoài lúc nhận phòng và trả phòng ra thì có thấy mặt Landry lúc nào khác không?”
"Không." Robin đáp. "Nhưng mà ta đã biết là Landry có dự hội thảo rồi còn gì? Tôi kiểm tra vụ đó rồi, anh không nhớ sao?”
"Ta biết là Landry có đến hội thảo, ghi tên và có lẽ lấy bảng tên đeo. Nhưng rồi sau đó lái xe về Chelsea ngay để gặp phu nhân Bristow. Tại sao vậy?”
"Thì… bà ấy đang bị ốm.”
"Vậy sao? Nhưng bà vừa được phẫu thuật cho hết bệnh kia mà.”
"Phẫu thuật cắt tử cung," Robin đáp. "Như vậy thì hậu phẫu phải đau đớn lắm.”
"Nhưng ông này không yêu quý gì bà chị lắm - cái này tôi nghe tận miệng Landry - rồi ông lại biết bà chị vừa trải qua một cuộc phẫu thuật cứu mạng, biết đã có hai đứa con của bà ta đến thăm nom. Can cớ gì ông ta phải đi thăm gấp gáp vậy?”
"Thì," Robin nói, không còn chắc chắn nữa, "Tôi đoán… chắc là vì bà ấy mới xuất viện…”
"Nhưng chắc hẳn Landry phải biết chuyện đó trước khi đi Oxford chứ. Vậy tại sao không nán lại London và đi thăm ngay nếu ông ta thấy sốt ruột, rồi chỉ dự phần hội thảo buổi chiều hôm đó? Tại sao phải lái xe hơn năm mươi dặm, ngủ một đêm ở cái nhà tù xa hoa kia, rồi đến hội thảo chỉ để ghi tên, rồi lái xe quay trở lại London ngay?”
"Có thể có ai gọi điện nhắn là phu nhân Bristow đang rất mệt chăng? Biết đâu John Bristow gọi điện cho Landry, nhắn ông ta đến ngay?”
"Bristow không hề nhắc đến chuyện đó. Tôi thấy thực ra hai người giờ đang khá căng thẳng. Họ có vẻ khó chịu khi nhắc đến chuyến thăm nom đó của Landry. Cả hai đều không thích nói tới khi tôi hỏi.”
Strike đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng, hơi cà nhắc nhưng hầu như không để ý đến cái chân đau.
"Không phải," hắn nói tiếp, "Bristow nhắn em gái ghé qua, Lula là người được mẹ cưng nhất - chuyện đó nghe có lý. Nhưng chuyện nhờ ông cậu, người đang ở xa London, lại không ưa gì phu nhân Bristow, ngược đường chạy về để thăm nom… nghe chẳng hợp lý tí nào. Và giờ ta còn biết được là Alison có đi tìm Landry ở ngay khách sạn. Hôm đó lại không phải là ngày cuối tuần. Phải chăng bà ta đang tự đi rình Landry, hay có ai sai đi?”
Điện thoại đổ chuông. Robin nhấc ống nghe. Strike thấy bất ngờ khi cô ngay lập tức giả giọng Úc điệu đà.
"Xinh lỗi nha, cổ hông có đây… Hông… hông. Tôi hông biết cổ làm ở đâu… Hông phải… Tơn tôi là Annabel…”
Strike khẽ bật cười. Robin nhìn hắn, giả vờ nhăn mặt đau khổ. Sau một phút đóng giả một cô gái người Úc nói như đang bị bóp cổ, Robin dập máy.
"Giải pháp Tạm thời gọi," cô nói.
"Tôi cứ phải giả làm Annabel, mỗi lần mỗi khác. Cô Annabel vừa rồi nói nghe giống giọng Nam Phi hơn là Úc.”
"Giờ tôi muốn biết hôm qua anh làm được việc gì," Robin nói, không giấu được vẻ nôn nóng nữa. "Anh có gặp Bryony Radford và Ciara Porter không?”
Strike kể lại tất cả mọi thứ, chỉ trừ đoạn sau khi hắn rời khỏi căn hộ của Evan Duffield. Hắn nhấn mạnh chuyện Bryony Radford cứ khăng khăng là cô ta bị loạn chữ, bấm nhầm nút nên mới tình cờ nghe được lời nhắn trên điện thoại của Ursula May; Ciara thì liên tục nói rằng Lula có kể sẽ để lại hết cho anh trai; rồi Evan Duffield rất bực vì Lula cứ liên tục xem giờ khi ở Uzi, và cả bức email đe doạ mà Tansy Bestigui gởi cho ông chồng cũ.
"Vậy lúc đó Tansy ở đâu?" Robin hỏi, sau khi đã chăm chú nuốt lấy từng lời của Strike. "Nếu ta có thể biết…”
"Ồ, tôi biết quá rõ bà ta ở đâu lúc đó," Strike đáp. "Vấn đề là làm sao để bà ta thừa nhận, vì nếu làm vậy bà ta có thể mất đứt khoản tiền triệu dàn xếp ly hôn của Freddie. Khó là ở chỗ đó. Nếu cô nhìn vào mấy tấm hình của cảnh sát, cô cũng sẽ đoán được lúc đó bà ta ở đâu.”
"Nhưng...”
"Nhìn kỹ hình chụp mặt tiền toà nhà buổi sáng sau khi Lula chết, rồi suy nghĩ xem nó khác gì so với hôm chúng ta tới xem. Sẽ rất có ích nếu cô muốn làm thám tử sau này.”
Nghe Strike nói, Robin thấy vô cùng hào hứng, nhưng ngay lập tức sau đó cô lại thấy tiu nghỉu tiếc nuối, vì nhớ ra là cô sắp phải rời xa chỗ này để bắt đầu công việc nhân sự.
"Tôi phải đi thay đồ đã," Strike nói, đứng dậy. "Cô thử gọi cho Freddie Bestigui lần nữa được không?”
Hắn biến mất sau cánh cửa phòng trong, đóng cửa lại và cởi bỏ bộ complet may mắn (từ nay về sau hắn sẽ gọi bộ đồ này như thế). Hắn thay áo sơ mi cũ và quần dài rộng rãi thoải mái hơn. Khi Strike đi ngang qua bàn của Robin để ra nhà vệ sinh, cô đang gọi điện cho Bestigui. Gương mặt Robin vừa tập trung vừa thờ ơ, đúng kiểu người đang bị cho chờ trên điện thoại. Strike đánh răng bên chậu rửa mặt đã nứt gãy. Hắn thấy nhẹ nhõm hẳn với Robin, sau khi đã âm thầm thừa nhận chuyện ăn ngủ luôn trong văn phòng. Đánh răng xong, hắn quay trở vào, Robin vừa mới dập máy, trông rất cáu tiết.
"Tôi nghĩ giờ họ còn không ghi lại tin nhắn gì của tôi nữa," cô nói với Strike. "Họ nói ông ta đang ở trường quay Pinewood, không được quấy rầy.”
"Thôi được, ít ra cũng biết là ông ta đã về nước," Strike đáp.
Strike với tay lấy báo cáo điều tra từ kệ đựng hồ sơ, ngồi xuống ghế sofa rồi bắt đầu im lặng ghi chép lại những cuộc nói chuyện hôm qua. Robin khẽ liếc Strike, thích thú nhìn hắn tỉ mỉ ghi lại tất cả những phát hiện điều tra, chú thích rõ mỗi mẩu thông tin được lấy ở đâu, lấy như thế nào, ai là người cung cấp.
"Chắc là," cô lên tiếng, sau một hồi lâu im lặng, vừa lén quan sát Strike làm việc, vừa xem hình chụp mặt tiền toà nhà số 18 Kentigern Gardens trên Google Earth, "anh phải hết sức cẩn thận như vậy, để khỏi quên gì hết.”
"Không phải chỉ có vậy," Strike trả lời, vẫn không ngẩng lên. "Mà còn là để luật sư bên bị không có đường phản công.”
Hắn nói bình thản và quá hợp lý khiến Robin phải dừng lại ngẫm nghĩ một lúc, sợ không kịp hiểu hết ý.
"Ý anh là… nói chung?" cô nói thêm. "kiểu theo nguyên tắc phải vậy?”
"Không," Strike đáp, vẫn tiếp tục ghi chép. "Ý tôi là tôi không muốn để tay luật sư bên bị khi ra toà có thể chứng minh rằng tôi không biết cách lưu giữ hồ sơ, rồi sau đó đặt nghi vấn về độ tin cậy của tôi trong vai trò nhân chứng.”
Rõ là Strike đang ra vẻ chút đỉnh, hắn cũng biết vậy, nhưng hắn không kiềm được. Mọi thứ chạy đang bon bon như có đà, hắn nghĩ thầm. Hẳn có người sẽ thấy đi điều tra án mạng mà thấy thích thú như vậy thật chẳng ra gì, nhưng Strike từng cười được trong những hoàn cảnh còn u ám hơn.
"Cô đi mua bánh mì được không Robin?" hắn nói, chỉ để ngước lên nhìn vẻ mặt sửng sốt thán phục của cô thư ký.
Trong khi Robin đi ra ngoài, hắn cũng ghi chép xong, vừa định gọi cho một đồng đội cũ ở Đức thì Robin chạy vào, tay cầm hai cái bánh mì kẹp và một tờ báo.
"Trang nhất tờ Standard có hình anh nè," cô thở hổn hển.
"Cái gì?”
Đập vào mắt hắn là tấm hình chụp Ciara đang đi sau Duffield vào nhà anh ta. Ciara trông thật xinh đẹp. Trong vòng nửa giây Strike nhớ lại lúc hai giờ rưỡi sáng, khi Ciara nằm ngay dưới người hắn, trắng trẻo, trần truồng, mái tóc dài óng ả tràn khắp gối như nàng tiên cá, miệng khẽ thì thầm, rên rỉ.
Strike cố tập trung trở lại. Trong hình hắn bị cắt mất một nửa. Hắn đang đưa tay lên cản đám paparazzi.
"Không sao," hắn nhún vai, trả lại tờ báo cho Robin. "Họ nghĩ tôi là bảo kê.”
"Bài báo nói là," Robin nói, lật tới trang ở trong, "cô ta rời nhà của Duffield cùng với vệ sĩ lúc hai giờ sáng.”
"Thấy chưa.”
Robin nhìn hắn chằm chằm. Lúc nãy khi kể lại chuyện hôm qua, hắn dừng ngay ở đoạn hắn, Duffield và Ciara ở nhà của Duffield. Mải mê với những mẩu chứng cứ hắn vừa tìm được, cô quên không thắc mắc hôm qua hắn ngủ ở đâu. Cô cứ nghĩ là hắn để cô người mẫu ở nhà tay diễn viên rồi đi.
Nhưng rõ là khi về đến văn phòng hắn mặc đồ y như trong hình.
Cô quay mặt đi, đọc hết bài báo ở trang hai. Bài báo ám chỉ lộ liễu rằng tối đó Ciara và Duffield mặn nồng với nhau, còn tên to con giống bảo kê đợi ở ngoài.
"Ở ngoài cổ có đẹp vậy không?" Robin hỏi, gấp tờ báo lại, cố ra vẻ bình thường,
"Ừ, đẹp lắm," Strike đáp. Hắn ngờ ngợ không biết ba từ hắn thốt ra nghe có khoe khoang quá không. "Cô muốn ăn bánh mì kẹp phô-mai và dưa góp, hay trứng và mayonaise?”
Robin chọn bừa một cái rồi mang về bàn của mình. Ngồi đoán già đoán non chuyện đêm qua Strike ở đâu, cơn phấn chấn nãy giờ của cô nàng hơi nhụt đi. Thật là khó hình dung Strike – một gã lụy vì tình trong suy nghĩ của Robin, lại vừa qua đêm với một siêu mẫu (thật khó tin, nhưng cô nghe ra được vì hắn không cách gì giấu nổi vẻ khoái chí.)
Điện thoại lại đổ chuông. Miệng vẫn đầy bánh mì và phô-mai, Strike đưa tay lên cản Robin. Hắn nuốt ực rồi bốc máy.
"Cormoran Strike.”
"Strike, Wardle đây.”
"Ê Wardle, sao rồi?”
"Không hay lắm. Tụi tôi vừa vớt được một xác người dưới sông Thames, có kẹp theo danh thiếp của anh. Không biết anh có muốn nói năng gì không?”
10
Kể từ khi dọn đồ ra khỏi nhà Charlotte, đây cũng là lần đầu tiên Strike gọi taxi mà không thấy áy náy. Hắn thờ ơ nhìn đồng hồ tính tiền nhảy liên tục. Chiếc taxi chạy về hướng quận Wapping. Suốt đường đi bác tài thao thao chứng minh Gordon Brown làm chính khách mà chẳng ra cái gì. Strike ngồi im lặng hết cả quãng đường.
Đây không phải là nhà xác đầu tiên Strike từng đến và hoàn toàn không phải là tử thi đầu tiên hắn phải xem. Strike đã quá quen mắt với những vết thương súng đạn; những cơ thể bị giày xé, bầm dập, nội tạng lồ lộ ra như ở hàng thịt, máu me đỏ lói. Hắn không còn thấy chợn chạo chút nào. Những tử thi không toàn vẹn nhất, những thân thể lạnh lẽo trắng toát trong ngăn trữ đông với người làm nghề như hắn đều chỉ là những vật phẩm đã được sát trùng, tiêu chuẩn hoá. Chỉ có những xác người vừa chết, chưa qua xử lý theo thể thức mới cứ trở đi trở lại trong những giấc mơ của Strike. Mẹ hắn nằm trong nhà tang lễ, mặc áo đầm dài tay phồng - chiếc áo lúc sinh thời bà thích nhất, hốc hác nhưng trông vẫn trẻ trung, không thấy một vết kim tiêm nào. Trung sĩ Gary Topley nằm trên con đường lầm bụi đẫm máu ở Afghanistan, gương mặt vẫn vẹn nguyên, nhưng phần cơ thể từ lồng ngực trở xuống đã bay mất. Khi Strike nằm giữa đám bụi đường nóng bỏng, hắn cố không nhìn vào gương mặt trống rỗng đó. Hắn sợ không muốn nhìn xuống bên dưới cơ thể mình, sợ phải biết đã mất những gì… nhưng hắn nhanh chóng ngất đi và chỉ biết được câu trả lời khi tỉnh dậy trong bệnh viện dã chiến…
Bức tường gạch trần trụi của phòng chờ ở nhà xác treo bản in của một bức tranh trường phái Ấn Tượng. Strike nhìn chăm chú, cố nhớ ra là đã thấy ở đâu, rồi cuối cùng nhận ra bức tranh treo trên bệ lò sưởi ở nhà Lucy và Gregg.
"Anh Strike?" ông nhân viên nhà xác tóc bạc lên tiếng, ghé mắt qua cánh cửa ngăn cách. Ông ta mặc áo blu trắng, mang găng tay nhựa. "Vào trong này đi.”
Những người coi sóc tử thi dường như lúc nào cũng có vẻ dễ chịu, tử tế. Strike theo ông ta vào căn phòng bên trong rộng rãi và lạnh toát, không hề có cửa sổ. Chạy dọc theo bức tường bên tay phải là hàng loạt những cánh cửa tủ đông bằng thép khá lớn. Sàn nhà lót gạch vuông được láng thoai thoải, đổ xuống một rãnh thoát ở giữa. Ánh đèn trong phòng chói loá. Mỗi tiếng động phát ra đều dội vào những bề mặt cứng và sáng bóng, nghe như cả một nhóm người rầm rập tiến vào phòng.
Một chiếc xe đẩy bằng thép được đặt sẵn trước cánh cửa tủ đông, đứng bên cạnh là hai nhân viên cục điều tra tội phạm, Wardle và Carver. Wardle gật đầu, miệng lầm bầm chào Strike. Carver, bụng phệ mặt rỗ, vai áo đầy gàu, chỉ hầm hừ cho có lệ.
Nhân viên nhà xác kéo nắm cửa dày bằng thép trên tủ đông. Ba đầu thi thể lộ ra, đặt chồng lên nhau, mỗi thi thể được bọc trong một tấm vải trắng đã cũ mèm và mỏng dần đi qua nhiều lần giặt giũ. Nhân viên nhà xác kiểm tra bảng tên đính vào tấm vải phủ lên thi thể ở giữa; không có tên, chỉ nguệch ngoạc ngày tháng hôm qua. Ông ta nhẹ nhàng kéo cả khay trượt dài lẫn tử thi trên đó xuống chiếc xe đẩy gọn ơ. Strike để ý thấy miệng Carver cử động khi ông ta bước lùi lại, nhường chỗ cho ông nhân viên nhà xác kéo chiếc xe đẩy ra xa tủ đông. Sau một tiếng choang và một tiếng rầm, hai tử thi còn lại khuất mất sau cánh cửa tủ.
"Không cần phải đem vô phòng quan sát, tại trong này không có ai khác," ông nhân viên nhà xác nói nhanh. "Ánh sáng ở giữa phòng là rõ nhất," ông ta thêm vào, dừng chiếc xe đẩy ngay trên rãnh thoát, rồi mở tấm khăn phủ.
Trước mắt hắn là Rochelle Onifade, trương phình, đầy nước. Vẻ nghi ngại thường thấy tên gương mặt Rochelle đã biến mất, thay vào đó là một vẻ ngơ ngác trống rỗng. Từ những lời ngắn ngủi của Wardle trên điện thoại Strike đã đoán được sẽ thấy xác của ai. Nhưng vẻ yếu đuối khủng khiếp của người chết vẫn khiến hắn giật mình. Trông Rochelle nhỏ bé hơn nhiều so với lúc ngồi đối diện hắn, vừa ăn khoai tây chiên vừa lấp liếm sự thật.
Strike nói tên cô gái, đánh vần từng chữ để nhân viên nhà xác và Wardle ghi lại chính xác trên bảng tên và sổ sách. Hắn khai luôn địa chỉ duy nhất của Rochelle mà hắn biết: Nhà trọ St Elmo dành cho người vô gia cư, Hammersmith.
"Ai tìm thấy cô ta vậy?”
"Cảnh sát tuần sông vớt được hồi khuya hôm qua," Carver lần đầu tiên lên tiếng. Ông ta nói giọng người phía Nam London, có gì đó rất hằn học. "Xác chết thường mất khoảng ba tuần mới nổi lên, đúng vậy không?" ông ta nói thêm, hướng câu hỏi như một lời bình luận đó về phía nhân viên nhà xác. Ông này khẽ hắng giọng cẩn trọng.
"Trung bình là vậy, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên gì nếu thi thể này mới hơn. Có nhiều dấu hiệu…”
"Được rồi, bên pháp y sẽ lo vụ đó," Carver nói, không thèm để ý tới ông kia.
"Không thể là ba tuần được," Strike nói, ông nhân viên nhà xác thoáng mỉm cười, ra vẻ đồng ý.
"Vì sao không?" Carver hoạnh hoẹ.
"Vì cách đây đúng hai tuần một ngày tôi còn mua bánh burger và khoai tây chiên cho cô ta.”
"À," nhân viên nhà xác lên tiếng, gật đầu với Strike từ phía đối diện. "Tôi vừa định nói nếu trước khi chết mà ăn nhiều tinh bột thì sẽ có ảnh hưởng nhất định lên vẻ ngoài của tử thi. Rõ là có dấu hiệu trương phình…”
"Anh đưa danh thiếp cho cô ta lúc đó à?" Wardle hỏi Strike.
"Đúng vậy. Tôi không ngờ vẫn còn đọc được.”
"Danh thiếp để chung với thẻ Oyster đi tàu xe, ở trong ví kẹp bằng ni lông nhét túi sau quần jeans, vì vậy mà không bị nát.”
"Khi vớt lên cô ta mặc gì?”
"Áo khoác lông giả màu hồng. Trông giống con rối Muppet vừa bị lột da. Quần jeans, mang giày thể thao.”
"Cô ta mặc y như vậy khi gặp tôi.”
"Trong trường hợp đó, khám nghiệm mẫu dạ dày của thi thể có thể cho thấy chính xác…" Ông nhân viên nhà xác lại bắt đầu thao thao.
"Anh biết cô ta có gia đình bà con không?" Carver hạch hỏi Strike.
"Có một bà cô ở Kilburn. Tôi không biết tên gì.”
Mắt Rochelle khép hờ, lộ ra khe cầu mắt trắng lạnh, đúng kiểu tử thi chết đuối. Quanh nếp da gần hốc mũi có vết máu trào.
"Hai bàn tay tử thi như thế nào?" Strike hỏi nhân viên nhà xác, vì tấm vải che chỉ vừa kéo xuống ngang ngực Rochelle.
"Tay tiếc gì nữa," Carver nạt nộ rồi lớn giọng với nhân viên nhà xác "Xong việc ở đây rồi, cảm ơn," giọng ông cảnh sát dội khắp phòng. Ông ta quay sang Strike: "Tụi tôi muốn nói chuyện với anh. Xe đậu ngoài kia.”
Strike đang hỗ trợ công việc điều tra của cảnh sát. Hắn còn nhớ nghe được cụm từ đó trên bản tin lúc còn nhỏ xíu. Từ nhỏ Strike đã mê mẩn công việc của cảnh sát. Mẹ hắn luôn cho rằng chính anh trai bà, cậu Ted đã khiến Strike có sở thích kỳ quặc này. Cậu Ted là cựu quân cảnh, với Strike cậu còn là một kho tàng các câu chuyện ly kỳ về những nơi đây đó, các bí mật và những chuyến phiêu lưu. Hỗ trợ công việc điều tra của cảnh sát: lúc năm tuổi Strike hình dung ra một công dân vô tư, cao quý, hi sinh thời gian và công sức để giúp cảnh sát phá án, được trang cấp một chiếc kính lúp và dùi cui để hoạt động bí mật, thật hấp dẫn.
Nhưng thực tế là đây: một căn phòng thẩm vấn nhỏ xíu và một cốc cà phê pha bằng máy Wardle vừa đưa cho. Anh chàng cảnh sát này mặc dù thái độ không có sự hằn học như ứa ra từ mỗi lỗ chân lông như Carver, nhưng cũng chẳng còn thân thiện gì với Strike như trước. Strike ngờ rằng sếp của Wardle không biết hết mấy vụ qua lại trước đó giữa hắn và anh ta.
Trên mặt bàn trầy xước có một cái khay nhỏ màu đen chứa mười bảy xu toàn tiền lẻ, một chiếc chìa khoá Yale và một thẻ đi xe buýt bọc nhựa; danh thiếp của Strike đã phai màu và nhăn nheo nhưng vẫn còn đọc được.
"Túi xách tay của cô ta thì sao?" Strike hỏi Carver đang ngồi đối diện. Wardle đứng dựa vào tủ hồ sơ trong góc phòng. "Cái túi màu xám, trông rẻ tiền, giống như làm bằng nhựa. Không thấy đâu hả?”
"Chắc cô ta vứt ở cái xó xỉnh tạm bợ nào rồi chứ sao," Carver đáp, móc máy. "Không lẽ đi nhảy cầu tự tử mà mang theo xách tay.”
"Tôi không nghĩ cô ta tự tử," Strike đáp.
"Ồ, vậy sao, lại thế nữa?”
"Tôi muốn nhìn bàn tay của tử thi. Nạn nhân rất ghét nhúng mặt xuống nước, cô ta từng nói vậy với tôi. Khi người ta loay hoay chống chọi trong nước, vị trí bàn tay…”
"Hay ho quá hả, chuyên gia có khác," Carver nói tiếp, lớn giọng mỉa mai. "Tôi biết chú là ai rồi, Strike à.”
Ông ta ngồi dựa lưng xuống ghế, hai tay đan lại đặt sau đầu, để lộ mấy mảng mồ hôi đã ráo ngay dưới nách áo. Mùi mồ hôi chua loét, nồng nồng như củ hành từ bên kia bàn thoảng qua trước mũi hắn.
"Ảnh là cựu nhân viên SIB," Wardle đứng ở tủ đựng hồ sơ nói chen vào.
"Biết rồi," Carver nạt, nhướng hai hàng chân mày khô cứng, lấm tấm vảy. "Anstis ca nguyên bài về vụ chân cẳng vinh quang gì gì đó, rồi huy chương cứu người. Một bản lý lịch hơi bị đẹp.”
Carver rút hai bàn tay ra từ sau đầu, nghiêng người về phía trước rồi đan các ngón tay trên mặt bàn. Dưới ánh đèn tuýp nước da đỏ như thịt bò muối và bọng mắt thâm quầng của ông ta trông càng tối sầm sì.
"Tôi biết ông già anh là ai, biết hết.”
Strike đưa tay gãi cằm lún phún, chờ đợi.
"Cũng muốn giàu có nổi tiếng như tía chú em chứ gì? Hoá ra là vậy đó hả?"
Carver có cặp mắt màu xanh sáng quắc nhưng đầy những tia máu đỏ ngàu, luôn khiến Strike liên tưởng đến một bản tính bạo lực, nóng nảy (hắn từng biết một tay thiếu tá bên lính nhảy dù cũng có đôi mắt như vậy – tay này về sau bị sa thải vì tội cố ý gây thương tích nghiêm trọng).
"Rochelle không tự tử. Lula Landry cũng không.”
"Không cái con c*c!" Carver hét lên. "Mày đang nói chuyện với hai người đã có công chứng minh rằng Landry nhảy lầu tự tử. Tụi tao căng mắt coi hết từng chi tiết chứng cứ, không sót cái đếch gì. Tao biết mày đang giở trò gì rồi. Mày đang cố bòn tới xương tay Bristow ngu ngốc tội nghiệp. Cười cái đếch gì?”
"Tôi đang nghĩ tới chuyện trông anh sẽ ngớ ngẩn ra sao khi vụ này được đưa lên báo.”
"Đừng hòng lấy báo ra mà dọa tụi tao, đồ khốn.”
Gương mặt bành bạnh, cục mịch của Carver cau lại. Cặp mắt xanh trừng trừng trên nền da mặt đỏ tía.
"Mày gặp rắc rối lớn rồi, biết chưa nhóc. Ông già nổi tiếng, cái chân giả và thành tích chiến tranh gì gì cũng không đỡ nổi đâu. Làm sao tụi tao biết được mày không làm cho con ranh tội nghiệp đó sợ hãi tới mức đâm đầu nhảy xuống sông? Nó có bệnh tâm thần, không phải vậy sao? Biết đâu mày đã lải nhải vào tai nó rằng nó đã làm việc gì sai trái? Mày là người cuối cùng gặp nó. Thực tình, tao không muốn ở vào vị trí của mày lúc này chút nào.”
"Sau khi gặp tôi, Rochelle băng qua đường Grantley, vẫn sống nhăn răng như anh ngồi đây. Anh sẽ tìm ra ít nhất một người đã nhìn thấy cô ta sau khi cô ta gặp tôi. Không ai đã từng nhìn thấy cái áo khoác đó mà quên được.”
Wardle rời tủ đựng hồ sơ, kéo một chiếc ghế nhựa cứng lại rồi ngồi xuống cạnh bàn.
"Nói đi," anh ta đề nghị Strike. "Cho tụi tôi nghe giả thuyết của anh.”
"Cô ta đang tống tiền thủ phạm giết Lula Landry.”
"Dẹp đi!" Carver nạt ngay, còn Wardle thì cười khẩy, hơi bị kịch.
"Ngày hôm trước khi Landry chết," Strike nói, "cô ấy có gặp Rochelle khoảng mười lăm phút tại cái cửa hàng ở Notting Hill. Cô ấy lôi ngay Rochelle vào trong phòng thử đồ, rồi gọi điện nài nỉ ai đó tới gặp mình tại căn hộ lúc khoảng một hai giờ sáng. Một nhân viên cửa hàng đứng ở buồng bên cạnh, chỉ cách một tấm màn tình cờ nghe được cuộc nói chuyện đó. Cô này tên là Mel, tóc đỏ, có xăm mình.
"Đụng tới người nổi tiếng thì khối đứa chỉ chực thêu dệt vớ vẩn," Carver nói.
"Nếu Landry có gọi điện ở đó thật," Wardle lên tiếng, "thì hẳn cô ta gọi cho Duffield hay ông cậu. Danh sách cuộc gọi cho thấy trong chiều hôm đó cô ta chỉ gọi cho mỗi hai người đó thôi.”
"Vậy tại sao cô ta muốn Rochelle ở trong buồng thử đồ khi gọi điện?" Strike hỏi. "Tại sao phải lôi Rochelle vô đó?”
"Đàn bà hay làm vậy," Carver nói. "Đi tè còn đi thành bầy nữa mà.”
"Chịu khó động não chút đi: cô ta dùng điện thoại của Rochelle," Strike tức điên cả người. "Trước đó cô ta đã thử hết thảy mấy người thân quen, xem ai là người bán cô ta cho báo chí. Rochelle là người duy nhất biết ngậm miệng lại. Landry kết luận rằng cô gái này đáng tin cậy nên mua cho cô ta một cái điện thoại, đăng ký thuê bao lấy tên Rochelle nhưng trả tiền hết. Lula Landry từng bị nghe lén điện thoại, không phải vậy sao? Cô ta rất hoang mang về chuyện bị nghe lén rồi bị đưa lên báo, vậy là cô ta mua một con Nokia, lấy tên người khác đăng ký thuê bao để mà có phương tiện liên lạc hoàn toàn kín đáo khi cần.
"Ừ thì như vậy cũng không loại trừ người cô ta gọi là ông cậu, hay Duffield vì biết đâu họ đã tự đặt ra dấu hiệu nào đó bằng cách gọi với những số khác nhau. Hoặc cũng có thể cô ta dùng điện thoại của Rochelle để nói chuyện với một người khác; một người cô ta không muốn lộ ra với báo chí. Tôi có số của Rochelle ở đây. Các anh có thể xem cô ta dùng mạng nào, rồi kiểm tra lại hết những chuyện tôi vừa nói. Điện thoại của Rochelle là một con Nokia màu hồng, gắn đầy hột cườm, nhưng các anh sẽ không tìm ra đâu.”
"Vì nó đang nằm dưới đáy sông Thames," Wardle đáp.
"Tất nhiên không phải," Strike nói. "Tên giết người đã lấy đi rồi. Hắn đã tước từ tay Rochelle trước khi xô cô ta xuống sông.”
"Dẹp phứt mày đi!" Carver nhạo, Wardle lắc đầu nguầy nguậy, mặc dù không tin Strike nhưng rõ ràng vẫn bị cuốn vào.
"Vậy tại sao Landry muốn Rochelle ở đó khi cô ta gọi điện?" Strike lặp lại. "Tại sao không gọi trong xe? Tại sao, mặc dù vô gia cư, nghèo kiết xác, Rochelle vẫn chưa bán Landry cho báo cho ấm thân? Rochelle còn chờ gì nữa, Landry đã chết, còn ai làm gì được nữa?”
"Vì Rochelle là người tử tế?" Wardle gợi ý.
"Đó là một khả năng," Strike đáp. "Khả năng khác là cô ta đã kiếm đủ bằng việc tống tiền chính tên thủ phạm giết Lula.”
"Tống cái con c*c!" Carver gầm gừ.
"Anh nghĩ vậy sao? Cái áo khoác Muppet mà cô ta mặc lúc được vớt lên có giá một ngàn năm trăm bảng đó.”
Im lặng trong mấy giây.
"Chắc của Landry cho," Wardle lên tiếng.
"Nếu vậy Landry đã mua một món chưa hề ra cửa hàng hồi tháng Giêng.”
"Landry là người mẫu, hẳn quen biết nọ kia… mà liên quan quái gì," Carver lớn tiếng, cứ như vừa tự chuốc lấy bực bội.
"Tại sao," Strike nói tiếp, đặt hai cánh tay xuống bàn rồi rướn người về vùng xú khí quanh Carver, "tại sao Lula Landry chỉ ghé qua cửa hàng đó trong vòng có mười lăm phút?”
"Cô ta đang bận gì đó.”
"Vậy thì tại sao phải ghé?”
"Cô ta không muốn để Rochelle phải thất vọng.”
"Cô ta khiến Rochelle đi từ bên kia thành phố tới… Chính cô bạn gái bần cùng, vô gia cư mà cô ta thường cho quá giang về nhà trọ bằng xe có tài xế riêng chứ không phải ai xa lạ. Nhưng lần này Landry lôi Rochelle vào trong buồng thử đồ, rồi mười lăm phút sau bước ra, để Rochelle tự đi về nhà.”
"Thì kiểu tiểu thư hư hỏng quen được o bế mà.”
"Nếu vậy thì việc gì phải tới Vashti? Bởi vì cô ta đang cần làm một việc gì đó. Và nếu không phải vậy thì hẳn cô ta phải lo lắng hay giận dữ sao đó, nên hành động mà không suy nghĩ. Có nhân chứng vẫn còn sống từng nghe được Lula nài nỉ ai đó trên điện thoại đến gặp mình ở căn hộ, khoảng sau một giờ sáng. Còn có một tờ giấy màu xanh Landry cầm trước khi vào Vashti, mà không ai khai là đã nhìn thấy sau đó cả. Cô ta đã làm gì với tờ giấy? Tại sao lại viết ngay trong xe, trước khi gặp Rochelle?”
"Chắc là…" Wardle lên tiếng.
"Cóc phải giấy ghi mấy thứ cần mua," Strike tức tối nói trước khi Wardle kịp gợi ý, đập tay xuống bàn, "và không ai lại đi viết thư tuyệt mệnh trước khi tự tử đến tám tiếng đồng hồ, rồi đi nhảy nhót. Cô ta đang viết di chúc, anh không hiểu sao? Cô ta đem tới Vashti để Rochelle làm chứng…”
"Chứng cái con c*c!" Carver lại cảm thán, nhưng lần này Strike lơ hẳn ông ta, chỉ nói với Wardle.
"…khớp với chuyện cô ta nói với Ciara Porter là sẽ để lại mọi thứ cho ông anh, không phải vậy sao? Cô ta cần có người làm chứng để hợp thức hoá di chúc. Hôm đó Landry liên tục nghĩ đến việc này.”
"Tự dưng đi làm di chúc chi vậy?”
Strike ngập ngừng, rồi ngồi xuống trở lại. Carver liếc đểu hắn một cái.
"Trí tưởng tượng tới đó thôi hả?”
Strike thở dài ngao ngán. Một đêm uống như hũ chìm, rồi vụ vui vẻ quá đà tối hôm qua, rồi suốt nửa ngày trong bụng có mỗi nửa cái bánh mì kẹp phô mai và dưa góp. Hắn thấy mệt lả, trống rỗng.
"Nếu tôi có bằng chứng cụ thể, tôi đã mang đến đây rồi.”
"Anh có biết người gần gũi với nạn nhân tự tử cũng có có tỉ lệ tự tử rất cao hay không? Cái cô Raquelle này còn bị trầm cảm nữa. Hôm đó hẳn cô ta đang rất buồn, nhớ lại cách bạn cũ chết rồi bắt chước làm một cú như vậy. Quay lại với anh, chuyên truy bắt người ta, đẩy người ta…”
"… đến đường cùng" Strike nói. "Lại vậy nữa. Trong hoàn cảnh này thì ăn nói như vậy quá vô duyên. Còn bằng chứng của Tansy Bestigui thì sao?”
"Nữa hả Strike? Tụi tui đã chứng minh là bà ta không thể nghe được gì," Wardle nói. "Đã chứng minh chắc chắn rồi.”
"Không hề," Strike nói. Cuối cùng, hắn bất ngờ nổi nóng thật sự. "Anh rút ra kết luận về vụ án dựa trên một giả thuyết bậy bạ. Nếu anh nghe kỹ lời Tansy Bestigui, nếu anh phân tích rõ ràng và buộc bà ta phải nói ra sự thật, thì hẳn giờ Rochelle Onifade vẫn còn sống.”
Carver nổi trận lôi đình, giữ Strike ở lại thêm một tiếng nữa. Rồi trút giận cú cuối cùng bằng cách lệnh cho Wardle tiễn phức "Ngài Rokeby con" ra khỏi trụ sở, cấm lảng vảng.
Wardle đi theo Strike đến cửa trước, không nói năng gì.
"Tôi cần anh làm một chuyện," Strike nói, dừng ngay trước cửa, bên ngoài bầu trời đang tối sầm lại.
"Đủ rồi, bồ tèo" Wardle nói, cười gượng gạo. "Tôi sẽ phải chịu trận vụ đó," anh ta đưa ngón tay cái chỉ về sau vai, nơi có Carver và cơn thịnh nộ của ông ta, "trong nhiều ngày tới, tất cả chỉ vì anh. Tôi nói đã nói anh rồi, vụ đó là tự tử.”
"Wardle, trừ khi có ai mang tên khốn đó đem nộp cho anh, sẽ có hai người nữa lăm le bị giết.”
"Strike…”
"Nếu tôi mang cho anh bằng chứng rằng hôm đó Tansy Bestigui không ở bên trong căn hộ khi Lula ngã xuống? Rằng bà ta ở một nơi có thể nghe được hết?”
Wardle nhìn lên trần nhà, nhắm mắt trong giây lát.
"Nếu anh có bằng chứng…”
"Tôi chưa có, nhưng sẽ có trong hai ngày tới.”
Hai người đàn ông bước ngang qua mặt họ vừa đi vừa nói chuyện. Wardle lắc đầu, mặt cáu kỉnh, nhưng vẫn chưa bỏ đi.
"Nếu anh muốn nhờ vả gì bên cảnh sát thì gọi Anstis. Anh ta mới là người nợ nần anh."
"Anstis không thể giúp tôi vụ này. Tôi cần anh gọi cho Deeby Macc.”
"Để làm quái gì?”
"Anh nghe tôi nói rồi đó. Deeby Macc sẽ không nói chuyện với tôi. Nhưng anh ta sẽ nói với anh: anh là nhà chức trách, với cả hình như Deeby Macc rất khoái anh.”
"Không lẽ ý anh là Deeby Macc biết Tansy Bestigui ở đâu khi Lula Landry chết?”
"Không, đương nhiên anh ta biết thế quái nào được. Lúc đó anh ta còn đang ở Barrack. Tôi muốn biết anh ta nhận được món quần áo gì gởi từ Kentigern Gardens về khách sạn Claridges. Tức là, Guy Somé tặng anh ta những món gì.”
Strike không thèm phát âm tên của Somé là "ghi" trước mặt Wardle.
"Anh muốn biết… nhưng tại sao?”
"Bởi vì một trong hai người bỏ chạy trên đoạn băng từ camera an ninh mặc một cái áo ấm được gởi cho Deeby.”
Wardle căng mặt trong giây lát, rồi trở lại giận dữ.
"Áo đó ở đâu chẳng có," rồi nói tiếp. "Mấy cái đồ GS đó. Đồ bộ chống thấm, đồ thể thao nọ kia.”
"Nhưng cái áo thun dày liền mũ đó rất đặc biệt, được làm riêng cho Deeby Macc, trên thế giới chỉ có mỗi một cái. Cứ gọi cho Deeby, hỏi Somé gởi cho anh ta những món gì. Tôi chỉ cần vậy thôi. Nếu tôi đúng thật thì anh muốn đứng về phe ai hả Wardle?”
"Đừng có hù tôi, Strike…”
"Tôi không hù hiếc gì hết. Tôi đang nghĩ đến một tên giết người hàng loạt vẫn còn đang lởn vởn tính vụ tiếp theo… nhưng nếu anh còn lo chuyện báo chí, tôi nói thật, bọn chúng sẽ không nhẹ tay với bất cứ người nào còn khăng khăng giữ giả thuyết tự tử sau khi một nạn nhân mới xuất hiện. Gọi Deeby Macc đi Wardle, trước khi một người nữa bị giết chết.”
11
"Không được" Strike nói dứt khoát trên điện thoại tối hôm đó. "Càng lúc càng nguy hiểm. Đi theo dõi không phải là việc của thư ký.”
"Đi tới khách sạn Malmaison ở Oxford hay tới trường SOAS cũng có phải đâu." Robin chỉ ra, "nhưng anh vẫn để tôi làm cả hai việc đó.”
"Nhưng khi đó cô không theo dõi ai cả, Robin à. Tôi nghĩ Matthew cũng sẽ không vui nếu biết được.”
Thật buồn cười, Robin nghĩ thầm. Cô mặc áo choàng tắm ngồi trên giường, điện thoại áp sát tai. Strike nhớ tên vị hôn phu của cô, mặc dù chưa một lần gặp mặt. Robin thấy đàn ông thường không thèm nhớ những thông tin như vậy. Matthew thường xuyên quên tên người khác, thậm chí tên cháu gái mới sinh cũng không nhớ nổi; nhưng cô đoán là Strike đã được đào tạo để biết cách nhớ chi tiết như vậy.
"Tôi không cần xin phép Matthew," Robin nói. "Mà cũng sẽ không có gì nguy hiểm cả, anh không nghĩ là Ursula May đã giết ai đó chứ…”
(Robin lí nhí thêm mấy từ "phải vậy không?" cuối câu)
"Không, nhưng tôi không muốn có người nghĩ tôi đang chú ý tới bà ta. Vì như vậy có thể đánh động thủ phạm, tôi không muốn có ai bị xô chết nữa.”
Robin nghe tim mình đập thình thịch sau lớp vải áo choàng mỏng. Cô biết Strike sẽ không nói ra hắn đang nghĩ ai là thủ phạm. Thậm chí cô còn thấy hơi sợ phải nghe chuyện đó, mặc dù trong đầu không thể nghĩ đến chuyện gì khác lúc này.
Chính cô chủ động gọi cho Strike. Đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua từ lúc hắn nhắn tin cho cô, báo là phải đi đến Trụ sở Cảnh sát London và nhờ cô khoá cửa văn phòng khi ra về. Robin đã rất lo lắng.
"Thì gọi cho anh ta đi, không thì trằn trọc mãi," Matthew nói vậy, không bực hẳn mà cũng không nói thẳng rằng mặc dù chưa biết mọi chi tiết, anh ta vẫn đồng ý với bên cảnh sát.
"Nghe này, tôi muốn nhờ cô làm một việc." Strike nói. "Gọi cho John Bristow ngay khi cô đến văn phòng sáng mai và báo với ông ta vụ Rochelle.”
"Được rồi," Robin đáp, mắt nhìn vào con voi nhồi bông to tướng mà Matthew tặng cô dịp Valentine đầu tiên, cách đây tám năm. Người tặng quà hiện đang ngồi xem bản tin Newsnight trong phòng khách. "Mai anh sẽ làm gì?”
"Tôi sẽ đến trường quay Pinewood để có vài lời với Freddie Bestigui.”
"Anh làm sao vào đó được?" Robin nói. "Họ sẽ không để anh tới gần ổng.”
"Được hết." Strike đáp.
Sau khi Robin dập máy, Strike ngồi im một lúc lâu trong văn phòng tối om. Vụ bữa ăn McDonald vẫn chưa tiêu hoá hết trong thi thể trương phình của Rochelle không hề làm Strike lợm giọng. Hắn vẫn ăn hết được cả hai cái Big Mac, một hộp khoai tây chiên lớn và một hộp kem McFlurry trên đường về văn phòng từ Trụ sở Cảnh sát London. Bụng hắn sôi ùng ục, hoà với tiếng bass thình thịch từ quán Bar Café số 12 dưới nhà mà giờ đây Strike hầu như không còn để ý nữa, cứ như đã trở thành mạch đập của hắn.
Căn hộ điệu đà, bừa bộn của Ciara, khuôn miệng mở rộng, rên rỉ, đôi chân dài trắng muốt quấn quanh lưng hắn, tất cả như đã lâu lắm rồi. Giờ đây hắn mãi nghĩ về chỗ trú thân tạm bợ, và Rochelle Onifade xấu số. Hắn nhớ lại cách cô ta nói ào ào trên điện thoại, chưa đầy năm phút sau khi rời quán Mc Donald, mặc y bộ đồ như khi được vớt từ dưới sông lên.
Hắn biết chắc chuyện gì đã xảy ra. Rochelle đã gọi điện cho thủ phạm để kể chuyện cô ta mới ăn trưa với một tay thám tử tư. Sau đó hai người hẹn gặp nhau. Tối hôm đó, sau một bữa ăn hay vài cốc bia, cả hai đi thơ thẩn trong bóng đêm, về phía bờ sông. Hắn nghĩ về cây cầu Hammersmith, cây cầu hai màu, xanh lá xô thơm và ánh vàng, gần nơi Rochelle vừa khoe là đã mua nhà, rồi nghĩ về dòng nước sông Thames chảy xiết dưới cầu. Cô ta không biết bơi. Trời tối: một cặp trai gái đang đùa giỡn gần đó, một chiếc xe chạy vụt qua, một tiếng hét rồi tiếng nước bắn lên. Liệu đã có ai nhìn thấy Rochelle?
Không ai cả, nếu thủ phạm có một thần kinh thép và liên tục gặp may. Yếu tố thứ nhất từng được thể hiện rõ ràng ở nạn nhân đầu tiên. Đúng là thủ phạm luôn ra tay táo tợn, cứ như biết mình sẽ luôn gặp may. Luật sư bên bị chắc chắn sẽ viện dẫn tâm lý bất ổn, vì kẻ thủ ác trong trường hợp này hành động quá liều lĩnh, khinh suất một cách khác thường và có lẽ, Strike nghĩ thầm, ở đây còn có cả vấn đề bệnh lý nữa, một chứng điên loạn nào đó. Nhưng lúc này hắn không quan tâm tới khoa tâm lý học. Cũng như John Bristow, hắn muốn đi tìm công lý.
Trong bóng tối, Strike suy nghĩ lan man. Dòng suy nghĩ ngược thời gian, đột ngột đọng lại ngay cái chết của người gần gũi nhất với Strike, dù chẳng liên quan gì. Cái chết mà Lucy luôn đinh ninh (một cách sai lầm) rằng đã ám ảnh mọi cuộc điều tra của hắn, ảnh hưởng đến mọi vụ án mà hắn tham gia. Cái chết đó đã chia cắt cuộc đời của hắn và Lucy thành hai chương rõ rệt, trước đó và sau đó. Lucy cứ nghĩ rằng hắn bỏ hết, quyết vào Quân cảnh Hoàng gia chỉ vì cái chết của bà Leda; vì hắn bất mãn sau khi không chứng minh được tội lỗi của ông cha dượng. Cô ta cho rằng mỗi xác chết mà hắn gặp trong khi làm việc hẳn đã làm Strike nhớ lại người mẹ, còn mỗi tên sát nhân hắn gặp hẳn nhắc Strike về ông chồng hờ của bà ta. Lucy tin rằng hắn lao vào điều tra những cái chết khác để bù đắp chuyện không thể đưa thủ phạm giết mẹ hắn ra ánh sáng.
Nhưng thực ra Strike đã chọn nghề này từ rất lâu, trước khi bà Leda tiêm mũi ma túy cuối cùng; trước cả khi hắn hiểu rằng mẹ hắn (và tất cả những người khác) đều sẽ phải chết, và những vụ án giết người không đơn giản chỉ là những câu đố chưa có lời giải. Lucy mới chính là người không thể quên chuyện cũ. Em gái hắn vẫn sống giữa mớ ký ức như đám ruồi nhặng bâu quanh xác chết. Lucy mới là người nhìn mọi cái chết bất thường với những xúc cảm mâu thuẫn từ sự ra đi đột ngột của mẹ hắn.
Tuy vậy, tối nay Strike lại làm cái việc mà hẳn Lucy nghĩ hắn luôn làm: hắn nhớ lại bà Leda và liên hệ với vụ án trước mặt. Leda Strike, fan nữ cuồng. Người ta luôn chú thích như vậy trong tấm ảnh nổi tiếng nhất của mẹ hắn, cũng là tấm ảnh duy nhất có cả cha lẫn mẹ của Strike. Ảnh trắng đen chụp mẹ hắn, với gương mặt trái tim, mái tóc sẫm màu mượt mà, đôi mắt mở to chăm chú. Đứng giữa mẹ hắn và Jonny Rokeby là một tay buôn nghệ thuật, một tay dân chơi quý tộc (về sau một người đã tự tử còn người kia chết vì AIDS) và người mẫu Carla Astofi, vợ thứ hai của Rokeby. Ngôi sao nhạc rock trông ái nam ái nữ, hoang dại, tóc dài gần bằng tóc của Leda. Ai cũng cầm ly martini và thuốc lá, khói thuốc vờn ra từ khoé miệng cô người mẫu nhưng mẹ hắn mới là người trông duyên dáng nhất.
Trừ Strike ra, tất cả đều cho rằng cái chết của Leda là hậu quả đáng tiếc nhưng không có gì bất ngờ của một lối sống phóng túng, vượt ra ngoài khuôn khổ xã hội. Đến cả những người thân quen lâu năm nhất của Leda cũng chấp nhận rằng chính bà ta tự chuốc ma tuý quá liều vào người. Tất cả đều đồng ý rằng Leda đã bước đến những ranh giới tội lỗi của cuộc sống; và chẳng có gì ngạc nhiên khi một ngày nào đó bước thêm một bước nữa, rơi xuống vực thẳm chết chóc, bất động và lạnh lẽo trên chiếc giường dơ dáy.
Không ai biết tại sao Leda làm việc đó, ngay cả cậu Ted cũng không (cậu chỉ đứng dựa vào chậu rửa bát trong bếp, lặng im đau đớn) hay mợ Joan ( mắt đỏ ngàu nhưng giận dữ, ngồi ở bàn ăn, choàng tay ôm Lucy lúc đó mới mười chín tuổi đang dựa đầu vào vai mợ nức nở). Chuyện chơi ma tuý quá liều hoàn toàn ăn khớp với lối sống của Leda lúc đó: ở nhà hoang tạm bợ, cặp kè với đám nhạc sĩ, tiệc tùng hư hỏng, rồi cuộc sống nghèo khó với ông chồng hờ cuối cùng. Chung quanh Leda lúc nào cũng có sẵn ma tuý, bà luôn muốn phê, muốn có những cảm xúc dữ dội. Chỉ có mỗi Strike tự hỏi mẹ hắn đã chuyển sang chích heroin từ khi nào. Chỉ mình Strike thấy lạ vì mẹ hắn vốn chỉ thích cần sa, mà lại đột ngột chết vì heroin. Một mình hắn có những câu hỏi bỏ ngỏ và nhận ra những tình tiết đáng nghi ngờ. Nhưng lúc đó hắn chỉ là cậu sinh viên hai mươi tuổi, chẳng ai thèm nghe hắn nói.
Sau phán quyết của tòa, Strike thu dọn hành lý và để lại sau lưng tất cả: vụ ồn ào ngắn ngủi trên báo chí, nỗi thất vọng của mợ Joan trước chuyện hắn bỏ học ở Oxford, Charlotte đau khổ giận dữ vì phải xa hắn nhưng cũng đã kịp ngủ với người khác, những màn khóc lóc gào thét của Lucy. Với sự ủng hộ duy nhất từ cậu Ted, Strike mất hút vào quân đội, tìm lại được cuộc sống mà Leda từng dạy cho hắn: một cuộc sống rày đây mai đó, sự tự lập và sức hấp dẫn vô tận của những thứ mới mẻ.
Tối nay, Strike cảm thấy bà Leda không khác gì một người chị tinh thần của hai cô gái đó. Một người xinh đẹp, yếu đuối và trầm cảm, cuối cùng tan xương nát thịt trên mặt đường giá băng. Một người xấu xí thô kệch vô gia cư, cuối cùng nằm trong nhà xác lạnh lẽo. Leda, Lula và Rochelle khác xa với Lucy hay mợ Joan. Cả ba đều không dè dặt trước bạo lực hay rủi ro. Họ không trói buộc mình vào cuộc đời bằng những thứ như nợ mua nhà trả góp, những công việc thiện nguyện, những ông chồng tốt bụng và những đứa con mặt mũi sạch sẽ. Vì vậy cái chết của họ không được xem là "bi thảm", như cái chết của các bà nội trợ đoan trang đáng kính.
Thật quá dễ dàng để phán xét một con người, để nói rằng chính họ tạo ra bi kịch của mình. Quá dễ dàng để khiến họ đi đến bước đường cùng, rồi bàng quan nhún vai đồng ý rằng đó chỉ là kết cục hoàn toàn biết trước của một lối sống suy đồi, hỗn loạn.
Gần như mọi chứng cứ vật chất trong vụ án của Lula đều đã bị xoá sạch từ lâu. Vết chân kẻ thủ ác đã bị dẫm đạp lên, hay bị tuyết rơi dày che phủ. Mẩu chứng cứ thuyết phục nhất mà Strike có được chỉ là đoạn phim trắng đen mờ mịt quay hình hai người đàn ông chạy khỏi hiện trường, mà cảnh sát chỉ xem cho có lệ rồi vứt qua một bên. Cảnh sát không tin có người đột nhập vào toà nhà, hoàn toàn bị thuyết phục rằng là Landry đã tự tử và cho rằng hai người trong đoạn phim chỉ là hai tên trộm đang lảng vảng chờ thời.
Strike bừng tỉnh, nhìn xuống đồng hồ. Mười giờ rưỡi nhưng hắn chắc người hắn đang muốn gọi điện vẫn còn thức. Hắn bật công tắc đèn để bàn, lấy điện thoại di động ra và bấm một số ở Đức.
"Oggy," một giọng lành lạnh ở bên kia đầu dây rống lên. "Sao rồi mậy?”
"Nhờ chút được không bồ tèo,”
Rồi Strike nhờ Trung uý Graham Hardacre cung cấp mọi thông tin có được về một người có họ Agyeman mà hắn còn không biết tên và cấp bậc, thuộc biên chế Kỹ sư Quân đội Hoàng Gia. Hắn đặc biệt quan tâm đến ngày tháng của những chuyến làm nhiệm vụ ở Afghanistan.