Con Đầm Pích

Chương 4



Mai 18...

Homme sans moeurs et sans religion!"

Thư từ trao đổi

Trên mình còn mang nguyên bộ y phục khiêu vũ, Lidavêta Ivanốpna ngồi ở phòng riêng, chìm đắm trong một niềm tư lự sâu thăm thẳm. Vừa về đến nhà, nàng đã vội vã cho phép mụ hầu phòng đi nghỉ, nói thác rằng nàng sẽ cởi áo một mình, không cần phải giúp nữa, và nàng chạy vội lên buồng riêng, lòng bồn chồn, vừa hy vọng được gặp mặt Gherman, lại vừa mong muốn không thấy chàng ở đó. Mới nhìn qua gian buồng, nàng đã biết ngay rằng chàng không ở đấy thật rồi, và thầm cảm ơn sự may rủi đã làm lỡ cuộc hẹn hò đêm nay. Nàng cũng chẳng buồn thay y phục, ngồi suy nghĩ, điểm lại trong ký ức tất cả những tình tiết của một cuộc tình duyên, tuy mới nhóm lên chưa được bao lâu mà đã dẫn nàng đi xa đến thế. Chưa đầy ba tuần lễ, từ ngày ngồi bên cửa sổ, nàng nhìn thấy người sỹ quan trẻ tuổi kia, mà nay nàng đã thư từ đi lại với người ấy, và người ấy cũng đã đẩy được nàng đến chỗ phải hẹn hò ban đêm! Nàng có biết tên người đó thật, nhưng chỉ vì thư chàng gửi có ký tên. Nàng chưa bao giờ trò chuyện với người đó, và đến âm thanh tiếng nói của người đó ra sao nàng cũng chưa từng biết nữa. Mà cũng kỳ lạ thay, cho đến tận đêm hôm nay, chưa bao giờ nàng nghe thấy ai nói đến con người đó cả. Đêm hôm nay, Tômxki, nhác trông thấy công tước tiểu thư Pôlina trái với mọi ngày lại đang chuyện trò lơi lả với một người khác, nên anh muốn trả thù bằng cách làm ra vẻ mặt lạnh lùng: anh đã mời Lidavêta Ivanốpna nhảy với anh một bài ma-du-rơ-ca dài lê thê, tưởng đến không bao giờ hết đựơc. Trong lúc nhảy, anh luôn luôn bỡn cợt Lidavêta Ivanốpna về sự thiên vị của nàng đối với các sỹ quan công binh và làm ra bộ mình biết nhiều chuyện hơn là nàng có thể tưởng. Một vài câu bỡn cợt của chàng ta tình cờ lại đúng quá, khiến Lidavêta Ivanốpna nhiều lần tưởng chuyện bí mật của mình đã bị phát giác ra rồi. Nàng vừa cười vừa nói:

- Thế nhưng mà, thật ra ai nói cho công tử biết thế.

- Một người bạn của cái người sỹ quan nào mà cô biết ấy. Một người rất kỳ dị.

- Thế cái người kỳ dị ấy là ai?

- Tên anh ta là Gherman.

Nàng không trả lời, nhưng cảm thấy chân tay mình bỗng dưng giá lạnh. Tômxki tiếp:

- Gherman là một nhân vật hết sức lãng mạn. Anh ta có cái diện mạo của Napôlêông và tâm hồn của Mêphixtôphên. Tôi tin rằng trong lương tâm anh ta cũng phải có đến ba án mạng là ít. Nhưng sao trông cô tái xanh đi thế!..

- Tôi bị nhức đầu. Thế, cái ông... Gherman, có phải tên ông ta thế không nhỉ? Ông Gherman ấy đã nói với công tử những gì?

- Gherman rất không hài lòng về người bạn của anh ta. Cái người sỹ quan công binh mà cô quen biết ấy. Anh ta nói rằng nếu ở địa vị anh ta, thì anh ta sẽ hành động khác hắn. Thế với lại, tôi còn đoán rằng Gherman đâu như cũng để ý đến cô rất nhiều thì phải, chả thế mà anh ta có vẻ không thản nhiên tí nào khi nghe những lời tâm sự yêu đương của người bạn kia.

- Thế ông ta đã nhìn thấy tôi ở đâu?

- Có lẽ ở nhà thờ, có lẽ ở chỗ dạo chơi!.. Có trời mà biết được là ở đâu nữa. Có lẽ ở ngay trong buồng riêng của cô, khi cô đang ngủ cũng nên. Anh ta thì không từ một việc gì cả.

Vừa lúc đó, theo tục lệ nhảy điệu này, có ba phu nhân tiến đến mời Tômxki lựa chọn – oubli ou regret?(13) – nên làm ngắt đoạn mất câu chuyện đang kích thích một cách xót xa đau đớn trí tò mò của Lidavêta Ivanốpna.

Cô bạn nhảy được Tômxki chọn, lại chính là công tước tiểu thư N. Trong khi quay theo những vũ hình tiếp diễn của bước nhảy, và trong lúc nhảy rất từ từ cùng với Tômxki về đến ghế ngồi, công tước tiểu thư đã kịp phân trần mọi chuyện. Đến khi Tômxki trở về chỗ cũ, thì anh không còn nghĩ đến Gherman, mà cũng chẳng để ý gì đến Lidavêta Ivanốpna nữa. Nàng đã cố hết sức gợi tiếp câu chuyện, nhưng không được, điệu nhảy lại cũng vừa chấm dứt, và ngay sau đó, bá tước phu nhân đã đứng dậy ra về.

Những câu nói dở chừng của Tômxki chẳng qua chỉ là những câu chuyện sáo mép thông thường mà người ta vẫn dùng để nói với nhau khi nhảy ma-du-rơ-ca, nhưng nó đã đi sâu vào tâm hồn thơ mộng của người thiếu nữ kia. Nàng thấy bức chân dung mà Tômxki vừa phác hoạ kia giống hình ảnh nàng tưởng tượng ra quá; và nhờ những quyển tiểu thuyết lãng mạn gần đây, nàng đã nhìn thấy trong cái diện mạo cũng khá tầm thường của người si tình kia những nét đủ khiến cho nàng vừa sợ hãi lại vừa say mê. Nàng ngồi lặng, khoanh đôi tay trần, mái đầu hãy còn cài mấy đoá hoa, cúi gục xuống bộ ngực để lộ... Vừa lúc đó bỗng nhiên cửa xịch mở và Gherman bước vào.

Nàng giật mình, run rẩy cất tiếng hỏi:

- Nãy giờ anh ở đâu?

- Trong phòng ngủ của bá tước phu nhân. Tôi vừa mới bỏ bà ta mà lên đây: bà ấy chết rồi.

- Trời ơi!.. Anh nói gì vậy!

Gherman tiếp:

- Và tôi sợ rằng chính tôi là người đã gây ra cái chết của bà ấy.

Lidavêta Ivanốpna hết sức kinh hoàng nhìn hắn; câu nói của Tômxki lại trở lại trong trí nhớ của nàng: "Trong lương tâm anh ta cũng phải có đến ba án mạng là ít!" Gherman ngồi bên cạnh cửa sổ và kể lại cho nàng rõ tất cả.

Nàng hãi hùng lắng tai nghe. Thế là những bức thư say đắm kia, những lời cầu xin nồng cháy kia, cả những ngày theo đuổi tạo bạo nhường ấy, tất cả té ra không phải là do tình yêu xui khiến. Cái đã làm bốc cháy tâm hồn của con người ấy chỉ là tiền, duy nhất chỉ có tiền mà thôi! Không phải nàng có thể làm thoả mãn những mong ước của hắn và làm cho hắn sung sướng được. Tội nghiệp cho nàng quá! Nàng đã mù quáng làm tay chân cho một thằng tướng cướp, cho một tên sát nhân đã giết hại người lão ân nhân của nàng. Tâm hồn quằn quại trong nỗi hận quá muộn màng nàng oà lên khóc nức nở. Gherman đứng im lặng nhìn nàng; lòng hắn cũng thấy xốn xang, nhưng những giọt nước mắt của người con gái đáng thương, sắc đẹp diệu kỳ của nàng trong cơn đau khổ đều không thể lay chuyển nổi cái tâm hồn sắt đá của hắn. Hắn không hề mảy may hối hận khi nghĩ đến cái chết của bà bá tước. Chỉ có một ý nghĩ làm cho hắn lo sợ: cái bí quyết mà hắn trông mong đoạt được để làm giàu, thì nay đã mất hẳn, không thể nào cứu vãn được nữa rồi.

Im lặng một hồi lâu, Lidavêta Ivanốpna kêu lên:

- Anh thật là một quái vật.

Hắn lạnh lùng trả lời:

- Tôi không chủ bụng giết bà ta; súng của tôi không lắp đạn.

Hai người yên lặng.

Trời đã sáng dần, Lidavêta Ivanốpna tắt cây nến đang tàn lụi trên vành đèn. Ánh sáng ban mai nhợt nhạt lùa vào căn buồng. Nàng lau đôi mắt đẫm lệ, ngẩng lên nhìn Gherman. Hắn vẫn ngồi cạnh cửa sổ, hai tay khoanh lại, đôi mày nhíu xuống. Trong cái dáng điệu ấy, nàng lại chợt thấy hắn giống chân dung Napôlêông một cách lạ lùng. Điều đó càng khiến nàng kinh hãi. Mãi rồi nàng mới nói được:

- Làm thế nào cho anh ra khỏi nơi này bây giờ? Tôi định đưa anh thoát ra ngoài bằng một cái cầu thang bí mật, nhưng lại phải đi qua phòng bá tước phu nhân, mà tôi thì sợ quá...

- Chỉ cần cô chỉ cho tôi cái cầu thang bí mật đó ở chỗ nào thôi. Tôi sẽ đi một mình được.

Nàng đứng dậy, lục tìm trong ngăn kéo lấy một chiếc chìa khoá trao cho Gherman và dặn hắn tất cả những điều cần thiết, Gherman cầm lấy bàn tay giá lạnh và mềm nhũn của nàng, đặt một cái hôn lên mái đầu nàng đang cúi gằm xuống, rồi bước ra.

Hắn xuống chiếc thang cuốn, và vào trong phòng bá tước phu nhân. Người chết vẫn ngồi cứng đờ trong chiếc ghế bành, nét mặt thanh thản. Hắn đứng dừng lại trước mặt bá tước phu nhân, nhìn ngắm hồi lâu, như thể nhân cho kỹ cái sự thật kinh khủng này. Rồi hắn bước vào căn buồng tối, dờ dẫm trên những bức tường căng lụa Tầu, tìm thấy một cái cửa nhỏ mở xuống một cầu thang. Trong khi xuống thang, những ý nghĩ lạ kỳ quay cuồng trong đầu óc hắn. Hắn nghĩ thầm có lẽ cũng trên chiếc cầu thang này, sáu mươi năm trước đây, vào giờ này, có thể có một gã tình nhân nào đó, mình mặc áo thêu, tóc chải "à l’oiseau royal"**, tay ghì chiếc mũ ba góc áp vào ngực, khẽ lẻn vào phòng ngủ này. Cái gã có số đào hoa ấy bây giờ đã tan rữa từ lâu dưới đáy mộ, và chính ngày hôm nay đây, trái tim của mụ nhân tình già của gã cũng ngừng đập...

Đi đến chân cầu thang, hắn thấy một cái cửa khác. Hắn dùng chiếc chìa khoá lúc nãy mở ra, bước vào một hành lang dẫn thẳng ra phố.

*7 tháng Năm 18... Một người không có những nguyên tắc đạo lý và cái gì là thiêng liêng cả! (tiếng Pháp

**Kiểu con hạc ( tiếng Pháp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.