Con Đường Đêm

Chương 1



Mảnh đất trải rộng đến vô tận, những cây thông và tùng tô sẫm sườn núi, cỏ hoa lan phủ khắp cánh đồng trống. Một chiếc máy bay phản lực để lại vệt trắng dài tít cao dọc nền trời xanh thẳm trên vùng di trú của người da đỏ Navajos.

Biên giới vùng di trú này chạy suốt bốn bang: Arizona, New Mexico, Utah và Colarado. Đó là một vùng lớn hơn cả Connecticut, Massachusetts và New Hamshire gộp lại.

Tại điểm tận cùng của bang Arizona có một khe núi luồn vào khối đá cát đỏ. Một cây cổ thụ to lớn chọc trời, cành cây vươn dài tới rìa khe núi, lá cây um tùm che khuất lối vào một cái hang. Bây giờ cái hang này trống không, trước đây những người đã khuất thờ cúng tổ tiên, thần thánh trong hang. Cạnh đó là cái lều chỉ gồm một phòng hình lục lăng, cửa mở về hướng đông, hướng được người bản xứ tôn thờ.

Một cậu bé trạc 9 tuổi chạy ra khỏi lều. Nó mặc quần bò màu xanh, áo đỏ thả ngoài quần, chân đi sandal làm từ da thú rừng, tấm băng vàng đội đầu buộc gọn chỏm tóc đen nhánh của cậu bé, nước da nó màu nâu đồng nhưng đôi mắt lại xanh biếc như trời mùa xuân sau cơn mưa rào.

Người đàn bà trẻ đang trồng ngô nhìn lên khi nghe tiếng bước chân lại gần. Nàng chờ đón cậu bé với nụ cười mỉm tự hào và âu yếm. Đôi mắt nàng long lanh như than hồng tỏa ra hơi ấm và tình yêu, mái tóc đen bóng mượt được buộc túm sau lưng, chiếc thắt lưng bạc buộc chặt cái áo xanh của nàng, những tầng váy xếp nối nhau buông dài xuống chân, thân hình mảnh dẻ của nàng là thân hình cô gái trẻ thắt đáy lưng ong với bộ ngực nhô cao

- Chizh kin gone yah umil – Cậu bé dừng lại bên nàng

- Không được – Nàng lắc đầu sửa lại – Con phải nói tiếng Anh, nếu không bố sẽ nghĩ là con nói không thạo. Con phải học vì đó là tiếng nói của con!

- Con đã đem gỗ vào nhà rồi – Cậu bé nhắc lại – Hôm nay bố có về không hả mẹ?

- Có thể - Nàng nói, cây gậy chọc lỗ làm nàng nhớ tới công việc còn phải làm – Con giúp mẹ trồng ngô đi – Nàng nói và đưa cho cậu bé túi hạt giống.

Ở đây ngô không được gieo xuống thành hàng như người ta thường thấy ở chỗ người da trắng, mà trồng thành những nhúm nhỏ. Theo tập quán của người da đỏ thì “bốn hạt cho quỷ thần, bốn hạt cho gà rừng, bốn hạt cho sâu bọ và bốn hạt để mọc thành cây”.

Cậu bé ngồi xổm trên mặt đất tra nhúm hạt ngô. Cậu nhăn trán suy nghĩ:

- Nhà mình nghèo hả mẹ? – Cậu bé hỏi

- Không con ạ, nhà ta không nghèo. Mẹ con mình chẳng luôn đủ ăn, đủ mặc hay sao? Cha con chu cấp cho mẹ con mình nhiều hơn là mẹ con mình cần. Cha con rất giàu!

Mary Bông Hoa Trắng biết điều đó, vì chỉ người đàn ông rất giàu mới có nổi hai nhà và hai gia đình. Đúng là thầy giáo trong trường của khu di trú từng nói đàn ông không tốt mới lấy hai vợ, nhưng Đôi Mắt Cười đã kể cho nàng nghe rằng dù vậy, những người đàn ông da trắng vẫn làm việc ấy.

- Bố có nhiều cừu không hả mẹ? – Cậu bé hỏi. Giá trị của người Navajos được tính bằng số cừu người ấy có.

- Bố con có nhiều, rất nhiều bò – Nàng trả lời, câu trả lời ấn tượng mạnh mẽ hơn – Vì bố cần nhiều đất trồng cây làm thức ăn hơn, và nhiều người, rất nhiều người làm việc cho bố con. Ví dụ như chú Rawlins đã từng tới đây ấy.

- Nhà ta nên nuôi cừu, mẹ ạ - Cậu bé nói – Con đã đủ lớn để trông cừu. Chân Cong sẽ cho phép con trông cừu khi về đó.

- Còn đi học thì con không thể trông cừu được – Người mẹ trả lời

- Con không cần phải đến trường nữa – Cậu bé bướng bỉnh nói – Mẹ dạy cho con tất cả những gì cần biết!

- Sao con không muốn đến trường? – Nàng hỏi

Cậu bé chậm chạp trả lời:

- Vì chúng nó nói con không phải là người bộ tộc! – Người Navajos tự gọi mình là “người bộ tộc”

- Ai nói thế?

- Tất cả mọi người. Vì tóc con không thẳng như tóc họ và mắt con màu xanh chứ không phải màu nâu.

Bông Hoa Trắng ngần ngừ. Đôi mắt nàng trở nên long lanh xúc động khi nhận ra chiếc xe tải

- Bố con về!- Nàng nói với con trai

Cậu bé chạy như bay về lều, Bông Hoa Trắng theo sau. Khi chiếc xe dừng lại, cậu bé chạy tới nơi và lao vào vòng tay của người đàn ông bước xuống xe. Ông tung bổng nó lên cao, cách thức chào đón vẫn luôn như thế.

Chới với ngang tầm con mắt của người đàn ông, cậu bé hiểu vì sao mẹ cậu gọi người đàn ông này là Đôi Mắt Cười. Hàng ngàn nếp nhăn tí ti bao bọc xung quanh đôi mắt luôn cười của ông. Đôi mắt ông xanh hơn đôi mắt của cậu bé một chút, nước da ông cũng kém nâu hơn nước da của cậu bé.

Bông Hoa Trắng đứng nhìn hai cha con chào đón nhau. Ánh mắt nàng tự hào trượt trên người đàn ông là chồng nàng. Ông thân hình tầm thước, vai rộng, mặc áo trắng và quần nhung nâu, chiếc mũ phớt thẫm màu che phủ mớ tóc nâu của ông. J.B. Faulkner là một trong số ít người da trắng được bộ tộc chấp nhận.

Trong đêm tân hôn Bông Hoa Trắng phát hiện ra một thói quen lạ lùng của chồng là ngủ không mặc quần áo. Người của bộ tộc ngủ trong bộ quần áo ban ngày vẫn mặc. Thày giáo có nói cho Bông Hoa Trắng biết người da trắng ban đêm vận quần áo khác với ban ngày, nhưng Đôi Mắt Cười không mặc gì cả.

Bây giờ ông đang đứng đây. Ông ôm nàng, áp chặt má mình vào má nàng

- Anh nhớ em lắm! Anh nghĩ mình chỉ sống khi ở bên em

Nàng cảm nhận được sự thèm khát trong tay ông và biết rồi đây không đủ đêm để làm dịu sự thèm khát ấy. Ông ngẩng đầu, đưa tay vuốt tóc trên trán nàng:

- Khi ra đi, anh đã lo chu cấp đủ cho em. Em khỏe không?

- Em khỏe, anh ạ - Nàng đáp lại cho ông yên lòng và nhìn cậu bé – Con trai nó giúp em!

- Anh rất thích nghe điều đó. Anh cũng có quà cho con đây. Con hãy nhìn vào sau xe của cha, con trai

Cậu bé chạy về phía ấy, đôi mắt xanh biếc của nó mở tròn vẻ ngạc nhiên:

- Cái yên ngựa! - Rồi nó lôi cái yên ngựa ra để chỉ cho mẹ thấy

Món quà phải được sử dụng thử ngay, vì thế nó dắt ngựa ra khỏi chuồng và khoác cái yên ngựa mới lên lưng ngựa. Khi những chiếc dây buộc vòng bụng ngựa được thít đúng mức, cậu bé nhảy phắt lên lưng ngựa và cưỡi ngựa đi trên bãi cỏ trống lớn, nên Bông Hoa Trắng và Đôi Mắt Cười đều có thể quan sát được nó.

- Anh mong sao Chad cũng biết cưỡi ngựa như vậy – J.B thì thầm và ngay lập tức hối hận nhắc tới gia đình khác của mình.

- Nó đã cưỡi ngựa từ khi còn bé tý – Bông Hoa Trắng nói, không thốt ra tên cậu bé. Người Navajos cho rằng nói tên ai ra quá nhiều sẽ làm người đó mai một đi. Người trong bộ tộc thường mang nhiều tên khác nhau, ngoài cái tên riêng “Kẻ phải đi hai bước”, cậu bé còn có tên tục là “Con mắt xanh”. Trong trường nó được gọi là Jimmy Bông Hoa Trắng

- Hôm nay nó nói với em không muốn đến trường nữa vì người ta nói nó không phải là người bộ tộc

- Nó không phải là người da đỏ - Câu trả lời bật ra ngắn gọn và nhanh, J.B tiếp lời – Anh biết rằng con lai tự nhận thấy thuộc về mình hơn là thuộc về bộ tộc. Anh muốn nó quên rằng nó có một nửa là da trắng. Nó sẽ theo học ở trường đến cùng rồi vào đại học, nó sẽ được nhận sự giáo dục tốt nhất mà anh có thể lo liệu cho nó được.

Nàng gật đầu:

- Anh phải nói chuyện với nó – Nàng nói – Nó không thích khác với mọi người

- Nó khác, và bây giờ mới bắt đầu khác, anh sẽ nói chuyện với con

J.B dắt con ngựa với cậu bé trên lưng ra phía sau rào:

- Nếu cho rằng con là người da đỏ sẽ sai. Con không phải là người da đỏ, cũng không phải là người da trắng. Con là cả hai. Con hãy tự hào về điều đó! Con không thể là cái này hay cái kia, suốt cuộc đời của con những người da đỏ sẽ hy vọng con hơn hẳn người da đỏ và người da trắng sẽ mong đợi con hơn hẳn những người da trắng. Hãy học tất cả những gì con học được về người da trắng, hãy tiếp thu vào mình những gì tốt nhất của hai giống nòi. Con có hiểu không?

Cậu bé rụt rè trước khi trả lời:

- Làm sao con biết được phải học cái gì?

- Điều đó con phải tự quyết định – J.B buồn bã mỉm cười – Cha không thể giúp con được trong việc này, cả mẹ con cũng vậy. Chỉ riêng con thôi, con càng lớn mọi việc càng khó khăn hơn.

Cậu bé rướn người lên

- Nếu thế, con muốn có một cái tên mới – Nó nói- Từ giờ trở đi, con tên là Jim Blue Hawk. Cha thích cái tên này không?

- Có, cha thấy tên đó rất hay! – J.B. Faulkner trả lời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.