Sự việc thay đổi đột ngột, nhà họ Hoa đều kinh hãi đến cứng cả người. Hoả chân nhân bốc mình lên, vung kiếm xả thẳng xuống mặt Hoa Thanh Uyên. Hoa Mộ Dung vội băng tới giơ kiếm đỡ hộ, nhưng lúc ấy A Than và Cáp Lý Tư phục xong linh đan của Hoa Thanh Uyên thì đã khôi phục được khí lực, cùng nhào lại đối phó Hoa Mộ Dung, tách lìa hai anh em nàng.
Hoả chân nhân xáp vào Hoa Thanh Uyên, kiếm xé gió vù vù, ép y phải giật lùi liên tục. Hai tên gia nhân liền cắm cổ chạy đến. Hoả chân nhân chém ra sột sột, đâm trúng vào hông họ khiến cả đôi ngã nhào. Thấy thuộc hạ gặp nguy, Hoa Thanh Uyên nhịn đau đánh liền hai nhát, xuất kiếm không theo chương pháp nào nhưng vẫn cản được tên đạo sĩ. Hai người hầu biết đã đến lúc nguy nan, cố gắng bò dậy, tập tễnh đến cạnh Hoa Thanh Uyên, liều chết bảo vệ chủ.
Hoa Thanh Uyên đánh thêm được mấy chiêu nữa thì ngực đau dội lên như bị hàng chục con dao băm xé, toàn thân rã rời song không dám khuỵu xuống, y biết rõ nếu mình gục ngã thì mọi việc hỏng bét, nên gắng gượng chống trả. Chợt Lương Tiêu cười hì hì bảo:
- Hoa Thanh Uyên, đầu hàng mau đi!
Hoa Thanh Uyên thắc mắc nhìn sang, thấy Lương Tiêu đang cắp Hiểu Sương đi về phía công tử sang trọng nọ. Người Hiểu Sương cứng đơ, dường như đã bị điểm huyệt. Hoa Thanh Uyên cả kinh la:
- Cậu… định làm gì vậy, Lương Tiêu?
Đúng lúc xao lãng ấy, suýt nữa y bị Hoả chân nhân đâm một kiếm xuyên tâm.
Lương Tiêu bảo:
- La với chả ó! Đồ lừa ngu xuẩn, ta đã bắt được con gái ngươi đây rồi, ngươi còn chưa chịu đầu hàng ư?
Thằng bé dứt lời, nhà họ Hoa thảy đều hãi hùng tức giận, ba tên hung ác cũng phân tâm lơi đấu, ngoái lại nhìn. Tứ vương tử còn ngỡ ngàng, Lương Tiêu đã cười hi hi, nói bằng tiếng Mông Cổ:
- Ta cũng là người Mông Cổ đây!
Tứ vương tử nghe giọng Lương Tiêu rất lưu loát thì ngẩn người, gã cau mày:
- Mày nói sõi lắm! Nhưng đã là người Mông Cổ, sao còn kéo bè kéo cánh với đám người Hán?
Lương Tiêu bĩu môi:
- Ta đâu phải đồng bọn của chúng. Ta bị tên họ Tần tóm được, ngày nào hắn cũng đánh đập ta khổ sở!
Tứ vương tử lộ vẻ nghi hoặc:
- Vậy ư? Nghe ta hỏi đây, mày là người bộ tộc nào ở Mông Cổ?
Lương Tiêu đáp phứa:
- Ta ở bộ tộc Bột Nhi Chỉ Cân.
Ai nấy choáng người lên. Nên biết Bột Nhi Chỉ Cân là dòng họ hoàng gia, chỉ dành riêng cho gia tộc của Thành Cát Tư Hãn.
Lương Tiêu thấy thái độ Tứ vương tử có phần khác lạ, trống ngực đập thình thình. Tứ vương tử chằm chằm nhìn thằng bé hồi lâu, bỗng bật cười nói:
- Oắt con, mày thuộc bộ tộc Bột Nhi Chỉ Cân thật đấy à?
Lương Tiêu gật đầu:
- Mẹ ta nói mẹ là người nhà Bột Nhi Chỉ Cân, vậy nên ta cũng thuộc bộ tộc ấy.
Lương Tiêu nói vậy chẳng phải nói dối. Họ của người Mông Cổ đều đặt theo hiệu bộ tộc. Tính theo phổ hệ, Bất Lý vương tử - cha Tiêu Ngọc Linh - là cháu dòng đích của Thành Cát Tư Hãn. Khi Oa Khoát Đài làm hãn, người Mông Cổ phát động phong trào “trưởng tử xuất chinh”, buộc con trai cả của tất cả các gia tộc phải tòng quân. Bất Lý theo Bạt Đô hãn vượt qua Hung Gia Lợi làm cỏ châu Âu, nhưng y không phục Bạt Đô. Từ đó Bạt Đô nuôi hận trong lòng. Về sau, Bất Lý hùa theo con cháu Oa Khoát Đài làm phản, bị Bạt Đô và Mông Ca bắt rồi xử tội chết, thê tử đều bị biếm làm nô tỳ.
Tiêu Ngọc Linh là con vợ lẽ của Bất Lý, mẹ nàng là người Hồ do Bất Lý cướp được từ Tây Vực về. Một lần Bất Lý uống rượu say xong đánh đập bà ta cho đến chết. Khi chính y mất mạng, Ngọc Linh còn rất nhỏ, bị vùi dập hành hạ khổ sở. Sau này nàng theo họ Tiêu của thầy, đổi tên thành Tiêu Ngọc Linh. Ngọc Linh căm ghét cha cùng cực nên chưa bao giờ nhắc nhỏm chuyện xưa, vì vậy ngoài mấy người rất thân, hầu như không ai biết lai lịch gốc gác nàng.
Tứ vương tử bán tín bán nghi, móc xích với chuyện trước đây, nghĩ bụng, “Đứa trẻ này tuổi còn nhỏ, chưa chắc biết nói dối. Cho dù nó không phải người cùng bộ tộc mình thì giữa chúng ta vẫn có quan hệ rất gần. Hiện nay Nguyên - Tống giao chiến, Hồ - Hán không đội trời chung, Tần Bá Phù chắc hận dòng tộc ta lắm mới đến phủ vương công nào đó cướp đứa bé này rồi ngược đãi hành hạ nó. Hừ, nhà Bột Nhi Chỉ Cân nắm cả thiên hạ trong tay, tôn quý vô cùng, đâu chịu để người Tống sỉ nhục như thế?” Bằng ấy ý nghĩ lướt qua óc, nét mặt công tử tức thì hoà hoãn lại, gã mỉm cười.
Lương Tiêu trỏ Hoa Thanh Uyên, rồi trỏ Hoa Hiểu Sương:
- Con bé này là con gái hắn ta, cũng là cháu gái ả kia. Chỉ cần ngươi dùng nó uy hiếp họ, họ dám không nghe lời ngươi ư?
Tứ vương tử thấy Hiểu Sương đầy vẻ kinh ngạc sợ hãi khóc lóc liên hồi thì càng thêm chắc mẩm. Cứ cho là thằng oắt định giở trò đi, nhưng nước mắt con bé không thể nào là giả được. Truyện "Côn Luân "
Hoa Mộ Dung tức đến ứa lệ, múa trường kiếm chạy ào tới, chửi Lương Tiêu là “khốn nạn”, là ”súc sinh”, nghĩ bụng dẫu không cứu được cháu gái thì cũng phải giết chết Lương Tiêu để xả mối căm hờn. Nàng nổi giận mà dáng điệu vẫn yêu kiều khả ái, tứ vương tử càng thêm mê mẩn, bụng bảo dạ, “Cô gái áo trắng này tính tình cứng cỏi, ta mà ép buộc nàng, tất nàng thà chết không theo, thế thì mất hứng lắm. Chi bằng dùng con bé con làm điều kiện để nàng quy thuận ta, cho ta mặc sức xoay vần.” Quyết định thế rồi, gã bèn đón lấy Hiểu Sương từ tay Lương Tiêu. Nhận ra thân thể cô bé cứng đơ, gã cười bảo thằng nhóc:
- Ngươi còn nhỏ mà rất biết trông trước ngó sau. Thế này đi, ngoan ngoãn theo hầu bản vương, ta sẽ cho ngươi tha hồ hưởng phúc.
Lương Tiêu hỏi:
- Có trà sữa cừu để uống không? Có ngựa con để cưỡi không?
Tứ vương tử hơi ngẩn người, đoạn cười ha hả:
- Có hết có hết, còn có dê non và ngựa Ba Tư nữa đó!
Lương Tiêu hớn hở vỗ tay cười mãi, bộ dạng ngây thơ ra mặt. Tứ vương tử cũng phì cười, xong đảo mắt, cao giọng nói:
- Bắt tất cả lại cho ta!
Ba tên thủ hạ nghe lệnh cùng nhảy phốc ra. Tứ vương tử toét miệng hỏi Hoa Mộ Dung:
- Cháu nàng ở trong tay ta rồi, còn không ngoan ngoãn quy thuận?
Hoa Mộ Dung tức không để đâu cho hết, nàng chực chửi mắng thật ác, nhưng liếc nhìn Hiểu Sương, trái tim nàng đau nhói, cơ hồ sa lệ. Tứ vương tử quan sát, biết lòng nàng đã dao động thì rất lấy làm đắc ý, lại niềm nở bảo Hoa Thanh Uyên:
- Võ công ngươi được đấy! Nếu đồng ý quy phục bản vương thì ta cũng nể mặt mỹ nhân mà bỏ qua chuyện vừa rồi, lại để Hoả chân nhân giải độc trị thương cho ngươi nữa.
Hoa Thanh Uyên chống kiếm, hừ một tiếng, trừng mắt im lặng. Tứ vương tử cười:
- Ta là Thoát Hoan, con trai thứ tư của hoàng đế nhà Nguyên. Lần này ta xuống nam dọ xét tình hình, có lấy được một tấm địa đồ, nhưng bị tên họ Tần ngang đường cướp mất. Nếu ngươi cầm thì mau trả lại đây. Còn nữa, ta muốn tuyển em ngươi làm thê thiếp, ta đường đường là một vương tôn công tử, cũng không đến nỗi dày vò sỉ vả nàng đâu!
Hoa Thanh Uyên sửng sốt, nhướng mày quát:
- Hoa mỗ chỉ là dân đen nhưng cũng biết liêm sỉ lễ nghĩa, quyết không làm những việc bán nước cầu vinh.
Thoát Hoan cười:
- Đúng là thân lừa ưa nặng! Ngươi thì trúng U minh độc hoả của Hoả chân nhân, con gái ngươi sống chết ra sao thì do ta quyết định, nếu ngươi ương bướng…
Không đợi gã tuôn hết, Hoa Thanh Uyên trầm giọng bảo:
- Chết thì chết, khỏi múa mép. Đoạn nhìn Hiểu Sương, trán hằn lên nỗi đau đớn, y nghẹn ngào nói. Sương nhi! Kiếp này cha có lỗi với con. Con chưa ra đời thì đã vì cha mà mang trọng bệnh, nay lại để con rơi vào tay ác tặc, cha… cha… Tới đây thì y tắc họng, nước mắt dâng ngập bờ mi. Truyện "Côn Luân "
Hiểu Sương ngằn ngặt khóc không thành tiếng, bỗng lại giật người lên như sắp ngất đi. Hoa Mộ Dung nghiến răng, ném bảo kiếm xuống thét lớn:
- Thoát Hoan! Ta theo ngươi, ngươi… thả cha con họ ra.
Hoa Thanh Uyên kinh hoàng quát:
- Dung! Em nói nhăng gì thế?
Hoa Mộ Dung không đáp, chỉ cười méo xẹo. Thoát Hoan nhìn xoáy vào lúm đồng tiền của nàng, hí hửng bảo:
- Người Hán có câu hay thật: Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Mỹ nhân không thẹn là bậc anh hùng trong đám quần thoa, khiến bản vương càng thêm kính ngưỡng. Bản vương sẽ yêu thương chiều chuộng nàng, không bao giờ lạnh nhạt với nàng. Ha ha, A Than, mau thay ta mời mỹ nhân dời gót lại đây.
A Than vâng dạ, nhưng sợ có điều bất trắc, cứ trân trân nhìn Hoa Mộ Dung, mặt lộ vẻ nghi ngại. Cô gái nhắm nghiền mắt, hai hàng lệ lăn xuống gò má. A Than vẫn trù trừ. Thoát Hoan đâm bực:
- Ơ hay? Ngày thường huênh hoang khoác lác lắm cơ mà, nay có chút việc cỏn con cũng không dám làm…
Gã đang thao thao, chợt cảm thấy bên hông tê dại, toàn thân cứng đơ, liền đó là hơi kim loại lạnh ngắt trên cổ, rồi hai tay nhẹ bỗng. Hiểu Sương đã bị kéo đi mất. Tiếng Lương Tiêu cười khanh khách vang lên phía sau:
- Đằng ấy diễn kịch khéo lắm, lừa được tất cả bọn họ rồi.
Hiểu Sương đáp hụt hơi:
- Tiêu ca ca… Em… em không diễn đâu, em… thấy cha bị thương nặng, bị đau, cầm lòng không đậu nên muốn khóc.
Lương Tiêu sốt ruột:
- Được rồi, được rồi, lôi thôi quá.
Thoát Hoan nào ngờ tình thế xoay chuyển đột ngột như vậy, cả đời tài trí nhanh nhẹn mà bị hai đứa ranh con che mắt bằng một thủ đoạn tầm thường. Gã tức uất, không kìm được chửi toáng lên:
- Quân chó chết, đồ dòi bọ…
Thoát Hoan xuất thân quý tộc Mông Cổ, học tiếng Hán lõm bõm, loanh quanh chỉ nói được bằng ấy câu thôi. Ba thủ hạ thấy chủ bị khống chế cứ đứng nghệt mặt ra. Người nhà họ Hoa mừng rỡ quá sức, Hoa Mộ Dung cười qua hàng lệ:
- Lương Tiêu… ta… ta…
Nàng vốn định nói ta trách lầm ngươi, nhưng xúc động quá đâm nghẹn họng, nước mắt tuôn ròng ròng, song không phải vì buồn khổ như lúc trước mà đã đổi ra vui mừng. Hoa Thanh Uyên phá lên cười:
- Giỏi, giỏi lắm… Vừa nói được đến thế, y đã rủn người ngã vật xuống đất. Cất được gánh nặng trong lòng, thần trí cũng thả lỏng, y không còn sức để gắng gượng nữa.
Hoa Mộ Dung vội đỡ lấy y. Hiểu Sương đâm bổ tới, cuống quýt gọi:
- Cha ơi! Cha!
Lương Tiêu hốt hoảng níu cô bé lại rồi chìa tay bảo Hỏa chân nhân:
- Đưa đây!
Hỏa chân nhân ngơ ngác hỏi:
- Đưa cái gì?
Lương Tiêu chẳng buồn nói thêm, xô Thoát Hoan ngã dúi, rồi bắt chước bộ dạng ban nãy của Hoa Thanh Uyên, vận đủ khí lực tát gã một cái nảy đom đóm mắt. Thoát Hoan gãy văng mất hai cái răng, mồm miệng đầy máu, vẫn lầm bầm chửi:
- Đồ chó chết, đồ thối tha…
Lương Tiêu cười khẩy:
- Đưa đây!
Hỏa chân nhân ngớ người ra. Tay Lương Tiêu lại giơ lên hạ xuống. Thoát Hoan hứng tiếp một cái bạt tai nảy lửa, vừa giận vừa sợ, liền kêu rống lên như lợn bị chọc tiết:
- Hỏa chân nhân, ngươi điếc à?
Lương Tiêu còn vung tay chuẩn bị đánh nữa, Hỏa chân nhân vội ngăn:
- Mày đòi thuốc giải phải không? Đây đây! Đoạn móc ra một túi cẩm đưa cho thằng bé, dặn, loại trắng thì xoa ngoài, loại đen để uống.
Lương Tiêu sờ nắn, nhận ra là hai cái lọ ngọc, bèn lấy ra một cái, chĩa miệng lọ về phía Thoát Hoan bảo:
- Không tin được cái giống mũi trâu nhà ngươi. Cứ cho hắn uống thử hai viên xem thế nào.
Hỏa chân nhân tái mặt la:
- Không, không được! Đấy là phương thuốc dĩ độc trị độc.
Lương Tiêu cười mát:
- Đâu ngươi đưa cái của khỉ U minh độc hỏa kia đây, ta đốt hắn xong rồi chữa cho hắn.
Hỏa chân nhân nổi giận:
- Bậy.. bậy bạ!
Lương Tiêu mưu mẹo ghê gớm, hành động tàn độc, lập tức vung kiếm chém một nhát. Thoát Hoan rú lên đau đớn, ngón út đã bị đứt lìa, máu tươm ra. Lương Tiêu cười hì hì:
- Chặt thêm một bàn tay nữa nào.
Hỏa chân nhân sợ nó cương quyết dứt khoát nói sao làm vậy, vội bảo:
- Thôi thôi, ta đưa! Đoạn miễn cưỡng quẳng sang một cái túi da.
Lương Tiêu bắt lấy, thấy cái túi bên ngoài may bằng da bò chưa thuộc, bên trong là da dê có gắn mười mấy viên tròn óng ánh bạc, nó hỏi:
- Cách dùng sao đây?
Hỏa chân nhân thoáng ngập ngừng, thấy Lương Tiêu lại hùng hổ muốn xuất thủ, đành mau chóng nói ra. Lương Tiêu cười cười, nhét cả vào ngực áo,
- Những món hay hay như vậy, dùng cho con lợn ngu xuẩn này nó phí đi.
Thoát Hoan buột chửi, liền ăn ngay một cái tát, đành câm họng, nhưng trong lòng vẫn mừng rỡ là chưa bị lửa thiêu.
Lương Tiêu ném túi cẩm cho Hoa Mộ Dung:
- Tên mũi trâu đã đưa đạn bạc cho tôi, chứng tỏ thuốc của nó là đúng.
Hoa Mộ Dung thầm khen thằng bé suy nghĩ chu đáo, nhưng ngoài mặt thì trừng trợn bảo:
- Ngươi đa nghi quá!
Xong nàng cởi áo cho Hoa Thanh Uyên, thấy trên ngực y có một khoảng đen bầm sưng rất to. Nàng cẩn thận xoa thuốc rồi cho y uống, một lúc sau, vết thương dần dần mềm xuống, Hoa Thanh Uyên lơ mơ tỉnh lại, nhưng thần sắc vẫn nhọc mệt vô cùng. Cáp Lý Tư quát Lương Tiêu:
- Thằng giặc con! Thuốc giải đã đưa rồi, còn không thả Tứ vương tử ư?
Lương Tiêu cười đáp:
- Ngươi tưởng ta ngu lắm sao? Mẹ ta dạy, cơ hội đến chớ tha đối thủ. Ta chưa giết con lợn này đã là tử tế với các ngươi lắm rồi. Đoạn nó quay sang nhà họ Hoa giục, mọi người bị thương, hãy đi trước đi!
Hoa Mộ Dung vội bảo:
- Ta ở lại giúp ngươi!
Lương Tiêu lườm nàng:
- Khỏi cần cô lo! Vừa rồi ai mắng tôi là súc vật, hừm… tôi nghe rõ lắm đấy nhớ!
Hoa Mộ Dung đỏ mặt, hừ mũi bảo:
- Mắng thì mắng chứ, ta sợ gì ngươi.
Hoa Thanh Uyên lẩy bẩy gượng dậy nói, giọng khàn khàn:
- Lương Tiêu! Cậu còn nhỏ, việc gì khác tôi không can thiệp, nhưng việc giết người thì cậu nhất thiết đừng nhúng tay vào! Dẫu một kẻ đáng chết đến đâu, cũng cứ để người khác xử tội hắn! Nếu cậu không hứa, tôi sẽ ở lì đây!
Giọng y tuy yếu ớt, nhưng ánh mắt hết sức kiên quyết. Lương Tiêu làu bàu:
- Tôi không giết là được chứ gì, ông đa sự thế!
Hoa Thanh Uyên gật đầu:
- Vậy thì tốt, hôm nay cậu vất vả quá rồi! Mong rằng sau này có dịp gặp lại!
Lương Tiêu chợt rớm lệ, cúi đầu đáp:
- Hẹn… hẹn gặp lại. Nó lén ngước mắt lên, dõi theo Hoa Mộ Dung đang dắt Hiểu Sương đi. Cô bé con vừa bước vừa ngoái đầu nhìn, mãi cho đến khi lên xe vẫn vén rèm ngó ra.
Cỗ xe chạy xa rồi, A Than không nhịn được giục:
- Thả người đi chứ?
Lương Tiêu đảo mắt, thấy mấy con ngựa của bốn tên kia dừng bên lề đường, bèn nắm tóc Thoát Hoan lôi ra đằng ấy. Không ai hiểu nó định làm gì, thình lình thằng bé huơ kiếm lên, chém đứt sạch gân chân của ba trong bốn con. Ba tên kia bàng hoàng sực hiểu, thì ra Lương Tiêu sợ bọn chúng phi ngựa đuổi theo cỗ xe, nên cố ý nán lại hủy hoại mấy con ngựa, trì hoãn thời gian, tên nào tên nấy thầm chửi nó là quân gian trá. Hỏa chân nhân liếc nhìn thanh trường kiếm của Lương Tiêu, bỗng tái mặt kêu:
- Thằng lỏi, mày lấy đâu ra thanh kiếm đó?
Lương Tiêu cười:
- Nhặt được!
Hỏa chân nhân trợn trắng mắt quát:
- Nhặt được ở đâu?
Lương Tiêu bĩu môi:
- Can hệ gì đến ngươi!
Hỏa chân nhân gằn giọng:
- Thanh Huyễn Nguyên kia vốn dĩ là của bần đạo! Bần đạo sai bốn đại đệ tử xuống nam làm chút việc và cho chúng mượn thanh kiếm ấy. Ai ngờ bốn đứa đi mà không đứa nào trở về… Hắn trừng mắt nhìn Lương Tiêu như muốn ăn tươi nuốt sống thằng bé.
Lương Tiêu liếc chuôi kiếm, quả nhiên thấy khảm vàng hai chữ uốn éo quái dị, chữ đó thì nó trông thấy lâu rồi, nhưng không đọc được thể cổ triện, nay nghe Hỏa chân nhân nói mới gắng gượng nhận ra được chữ “nguyên”, bụng bảo dạ, “Thì ra hắn là đồng bọn với đám mũi trâu xấu xa kia, hừ! Ta không đời nào kể thật sự tình.”
Thằng bé giằng co với bốn tên xấu xa một lúc lâu lâu, ước tính thời gian thì nhà họ Hoa chắc đã đi được khá xa rồi, nó bèn dắt ngựa, lôi Thoát Hoan đi thêm hơn hai mươi trượng, định bụng trước lúc bỏ đi sẽ chém chết tên khốn kiếp này, nhưng nhớ tới lời Hoa Thanh Uyên thì không sao xuống tay được. Nó thầm giận mình vô dụng, bèn phũ phàng dận Thoát Hoan một cái, rảy hắn xuống đất, xong ôm con chó phóng lên yên, vung kiếm quật vào mông ngựa. Tuấn mã bị đau, tung vó phóng đi như bay.
Lương Tiêu phi được hơn một dặm, chợt nghe có tiếng động bèn ngoái lại nhìn, tức thì kinh hoàng táng đởm. A Than và Hỏa chân nhân đang đuổi tới gần, mỗi bước chân vươn dài đến tám thước. Hỏa chân nhân nóng lòng đoạt lại kiếm báu nên chạy hết tốc lực. Chỉ thoáng chốc, hai người đã cách Lương Tiêu chưa đầy mười trượng, A Than chợt rống lên, vung tay ném kim cô vào yên cương, nghĩ bụng muốn đánh ngã người thì phải đánh ngã ngựa trước.
Lương Tiêu rủa thầm. Chân vẫn kẹp bụng ngựa, nó rạp mình xuống rút kiếm ra chọc vòng kim cô, tức thì cảm thấy hổ khẩu như muốn rách toạc, cả cánh tay tê dại. Kim cô bị cản đổi hướng, cà qua cẳng ngựa. Tuấn mã đau đớn chồm thẳng dậy, Lương Tiêu không kịp trở tay, suýt nữa bị hất ngã nhào. Chỉ một tích tắc chậm trễ đó, Hỏa chân nhân đã băng đến như sao xẹt, kiếm trước người sau, đâm vào chân ngựa. Lương Tiêu vẩy tay trái, mấy đốm sáng bạc tãi thẳng vào mặt tên đạo sĩ. Hỏa chân nhân chực phất tay áo, sực nhớ ra một chuyện liền vội vàng thu thế bay giật ngược, đoạn giơ kiếm lên gạt, mấy đốm bạc lập tức biến thành một đám lửa xanh rớt lả tả xuống đất, chính là U minh độc hỏa. Lúc này A Than cũng đuổi tới nơi. Còn cách Lương Tiêu chừng một trượng, hắn gầm vang, đằng không lao lên, dang tay tấn công thằng bé. Lương Tiêu cảm thấy thân thể như bị đè nặng, ngực nôn nao muốn ói, bèn xoay mình tung nốt nắm U minh độc hỏa còn lại ra.
A Than tôn giả một là không nghĩ ra lai lịch của những viên đạn bạc, hai là tự phụ thần công hộ thể của Mật tông, ngoài đôi mắt là chỗ yếu hại ra, toàn thân đều như thịt đồng da sắt, đao thương không xâm hại được, thấy nắm đạn bạc bay tới bèn cố ý vờn giỡn, không mảy may né tránh, kệ cho nó đánh trúng vào người. Gần như ngay lập tức, tiếng thét thê thảm của hắn vút lên, khắp mình lún phún lửa xanh. A Than ngã vật xuống đất, lăn lộn gào rú không ngừng.
Hỏa chân nhân nghe sau lưng có tiếng la hét như thế cũng hơi kinh hoảng, nhưng chỉ chằm chặp nghĩ đến bảo kiếm của mình nên mặc kệ đồng đội, cứ guồng chân chạy đuổi, thấy đuôi ngựa đã phấp phới trước mắt bèn nắm ngay lấy, dụng lực giật một cái. Lương Tiêu liền trở gươm chặt đứt đuôi ngựa. Phải cái Hỏa chân nhân nhanh như chớp, đã xuất kiếm đâm trúng chân ngựa rồi. Tuấn mã hí vang, mất thăng bằng đổ nhào. Lương Tiêu lộn mình xuống, thấy lão đạo sĩ đang ào ào chạy tới, nó vội vung kiếm đón, Hỏa chân nhân cũng giơ kiếm đấu lại. Binh khí đôi bên giao nhau. Kiếm Tùng văn không sắc bén bằng kiếm Huyễn Nguyên, tức thì gãy đôi. Hỏa chân nhân vứt luôn kiếm gãy đi, đợi Lương Tiêu cúi đầu tránh, hắn tay không xông luôn vào vùng lưỡi kiếm sáng choang, chụp lấy cổ tay thằng bé. Sắp tóm được cả người cả kiếm, hắn chợt chột dạ, lật tay chụp một cái, bỗng đâu vớ ngay được một cây trâm vàng hình con phượng. Hắn vội buông Lương Tiêu ra, ngoái đầu nhìn. Hoa Mộ Dung đang chĩa kiếm lao tới, đâm liền mấy nhát, Hoả chân nhân vội vàng giật lui. Lương Tiêu thoát nạn trong gang tấc, vui mừng reo lên, vung vẩy kiếm chạy tới tiếp ứng.
Bản lĩnh Hoả chân nhân xấp xỉ Hoa Mộ Dung, đấu tay không đã thiệt rồi, lại thêm bên kia có Lương Tiêu mưu mô trí trá xông vào quấy nhiễu, thực là phiền phức! Hắn chiết vội chiết vàng mấy chiêu, biết rõ hôm nay khó mà giành được kết quả tốt đẹp, lại nhác thấy A Than nằm thở thoi thóp đằng xa, nếu không được cứu chữa thì chắc chắn là chết, con lừa trọc đó có mất mạng thì hắn cũng chẳng thiệt thòi gì, khổ nỗi nếu con lừa trọc đó chết bởi U minh độc hoả, chẳng may Thoát Hoan truy cứu thì hắn tránh sao khỏi bị hiềm nghi. Vô vàn ý nghĩ lướt qua óc, tên đạo sĩ vụt nhảy vút ra, xốc lấy A Than, trợn mắt nhìn Hoa Mộ Dung và Lương Tiêu một cách hằn học rồi nhảy lên hụp xuống, lao như bay theo hướng ngược lại con đường ban nãy.
Hoa Mộ Dung nhìn theo hút Hoả chân nhân, thu kiếm về, cười nhạt:
- Đánh không xong thì trốn chạy, thật chẳng ra làm sao!
Lương Tiêu định thần hỏi:
- Cô quay lại làm gì thế?
Hoa Mộ Dung đưa mắt nhìn nó:
- Quay lại xem ngươi đóng vai anh hùng!
Lương Tiêu đỏ mặt ngậm câm, hồi tưởng tình cảnh lúng túng như gà mắc tóc vừa rồi của mình, tính là cẩu hùng cũng còn chưa xứng, nói gì đến hai chữ anh hùng. Hoa Mộ Dung cười thầm, kéo nó lên ngựa:
- Ca ca và Hiểu Sương đang lo lắng cho ngươi đấy. Mau đi với ta lại đằng đó, để họ trông thấy bộ dạng đầu bù tóc rối mặt mày lấm lem này cho họ yên tâm.
Lương Tiêu cay mắt, cúi đầu không đáp. Hoa Mộ Dung thấy nó ngoan ngoãn bất thường thì rất lấy làm lạ, “Phải chăng vừa rồi suýt lâm nguy nên sợ quá…” Nàng đâm mủi lòng, không cười nói gì nữa.
Hai người phóng ngựa đi một lúc, gặp cỗ xe đang dừng xa xa bên đường cái quan. Họ chưa lại gần, từ trong rừng Hiểu Sương đã trông thấy và lao bổ ra, ôm choàng lấy cổ cô mình, nhưng mắt thì nhìn Lương Tiêu, mặt mày tươi rói, cười chúm chím chào:
- Tiêu ca ca!
Lương Tiêu nghe cô bé xưng hô thân thiết thế thì đỏ mặt, cúi đầu ừ khẽ. Hiểu Sương lại nói:
- Em cứ tưởng không bao giờ được gặp anh nữa!
Lương Tiêu càu nhàu:
- Không bao giờ gặp nữa? Rủa tớ chết đi à?
Cô bé chưng hửng. Hoa Mộ Dung trừng mắt với Lương Tiêu, đoạn bảo cháu gái:
- Hiểu Sương, thằng ranh này là đồ vong ân bội nghĩa, có biết tốt xấu gì đâu. Con cứ mặc kệ nó.
Ba người đi vào rừng. Hoa Thanh Uyên đang ngồi xếp bằng. Thấy Lương Tiêu vẫn lành lặn, y mỉm cười rạng rỡ. Lương Tiêu ngần ngừ một thoáng rồi hỏi:
- Vết… vết thương của ông còn đau không?
Hoa Thanh Uyên cười:
- Nhờ cậu lấy được thuốc giải, chỉ một dạo nữa là không hề hấn gì nữa đâu.
Lương Tiêu nghĩ bụng, “Nếu không phải vì tiễn tôi, chắc ông cũng không ra khỏi thành chuyến ấy, càng không phải đụng đầu với bọn người xấu! Tôi có mất mạng thì cũng phải lấy được thuốc giải cho ông.”
Lương Tiêu nghĩ vậy nhưng không thổ lộ, lại nói sang chuyện khác:
- Hoa đại thúc, kiếm pháp của chú lợi hại lắm, khiến bọn ác độc đó không có cả cơ hội đánh trả nữa!
Thằng bé cùng Hoa Thanh Uyên trải qua hoạn nạn, bỗng chốc thấy gần gũi, ba chữ “Hoa đại thúc” bật ra rất tự nhiên.
Hoa Mộ Dung cằn nhằn:
- Cái đó cố nhiên. Lộ kiếm pháp ấy là Thái Ất phân quang, dùng để đối phó với lũ khốn kiếp ấy chẳng khác nào giết gà mà dùng đến dao mổ trâu.
Lương Tiêu sáng mắt, vội hỏi:
- Vậy nhất định là thắng được Tiêu Thiên Tuyệt chứ?
Hai anh em họ Hoa đưa mắt nhìn nhau, cau mày trầm ngâm chốc lát, xong Hoa Thanh Uyên nói:
- Ta chưa có may mắn chứng kiến võ công của Tiêu Thiên Tuyệt. Nhưng mà, năm xưa quả thực có người đã dùng lộ kiếm pháp này đấu với ông ta một lần…
Vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, Lương Tiêu nôn nóng hỏi:
- Thắng chứ ạ?
Hoa Thanh Uyên lắc đầu:
- Thái Ất phân quang kiếm tuy áp chế được công phu Hắc Thuỷ của Tiêu Thiên Tuyệt, nhưng không thể giết chết ông ta, y thở dài. Thêm vào đó, sở học của cùng một môn phái mà do những người khác nhau sử ra thì cảnh giới đã khách nhau rồi. Hai đại cao thủ đấu với Tiêu Thiên Tuyệt năm xưa, võ công cao gấp mười lần ta, song cũng chỉ thắng họ Tiêu tầm một chiêu nửa thức thôi.
Lương Tiêu nghĩ ngợi một hồi, chợt hỏi:
- Hoa đại thúc, chú có thể dạy tôi kiếm pháp này không?
Hoa Thanh Uyên chưa đáp, Hoa Mộ Dung đã chen vào:
- Không được.
Lương Tiêu tái mặt, nghiến răng nghiến lợi, quay mình bỏ đi. Hoa Thanh Uyên vội níu lấy nó, song y bị thương chưa khỏi, người còn yếu mệt, bị lôi theo thằng bé suýt ngã nhào. Lương Tiêu đành đứng lại. Hoa Thanh Uyên trừng mắt với em gái, rồi ôn tồn bảo:
- Lương Tiêu, con đừng vội. Chỉ vì ta không có quyền quyết định là liệu có được phép dạy con hay không…
Lương Tiêu ngẩn người. Hoa Thanh Uyên lại nói:
- Nếu con thực lòng muốn học, ta sẽ xin giúp…
Hoa Mộ Dung xen vào:
- Thế vẫn không ổn. Lộ công phu này cần hai người hợp sức thi triển, dẫu mẹ ưng thuận để anh truyền cho nó thì một mình nó học cũng có tác dụng gì đâu?
Hoa Thanh Uyên cau mày:
- Nói cũng phải!
Lương Tiêu ngẫm nghĩ rồi đề xuất:
- Không ngại, chỉ cần chú đồng ý dạy, sau này tôi có vợ, sẽ cùng luyện với…
Hoa Mộ Dung mắng:
- Nói không biết ngượng mồm!
Lương Tiêu gân cổ cãi:
- Có gì mà ngượng? Cha… cha mẹ tôi cũng cùng luyện võ đấy.
Hoa Thanh Uyên hỏi:
- Cha mẹ con hiện ở đâu?
Lương Tiêu nín thinh.
Đoán chừng thằng bé có nỗi khổ khó nói, Hoa Thanh Uyên cũng không ép uổng, chỉ bảo:
- Không kể thì thôi vậy. Ta hỏi câu này: con có đồng ý về ở với chúng ta không?
Lương Tiêu ngẩng đầu lên:
- Chú bằng lòng dạy tôi kiếm pháp thì đi đâu cũng được.
Hoa Mộ Dung dọa:
- Học công phu là gặp nhiều vất vả lắm đấy.
Lương Tiêu ưỡn ngực:
- Khổ tới mức nào cũng chịu được.
Thấy Lương Tiêu đồng ý ở lại, Hiểu Sương vui mừng khôn xiết.
Mọi người chuyện trò một lúc. Lương Tiêu lại hỏi:
- Hoa đại thúc, nếu đơn đả độc đấu thì chưa có ai thắng được Tiêu Thiên Tuyệt à?
Hoa Mộ Dung bĩu môi:
- Không hẳn đâu.
Lương Tiêu thắc mắc:
- Là sao?
Hoa Mộ Dung xòe bốn ngón tay ra bảo:
- Thiên hạ tàng long ngọa hổ, theo ta được biết, có ít nhất bốn người không thua lão ấy.
Lương Tiêu chăm chú nghe. Hoa Mộ Dung cười tiếp:
- Có điều, họ không mát tính như Tần đại ca và ca ca ta đâu. Nếu ngươi đến gặp, họ không đời nào thèm thu đồ khỉ nghịch ngợm như ngươi làm đồ đệ cả.
Lương Tiêu rối rít:
- Đừng có dềnh dàng, nói mau nói mau.
Hoa Mộ Dung cười cười rồi nghiêm chỉnh nói:
- Người thứ nhất là một đại cao thủ ở hải ngoại, tinh thông võ công thiên hạ…
Lương Tiêu kinh ngạc, buột miệng cắt ngang:
- Tinh thông võ công thiên hạ, thế hóa ra là biết cả Thái Ất phân quang kiếm à?
Hoa Mộ Dung cau mày:
- Đời nào.
Lương Tiêu vặn:
- Đã không biết thì sao có thể nói là tinh thông võ công thiên hạ?
Hoa Mộ Dung tự biết mình nói sai, ngượng nghịu bảo:
- Thằng ranh này chỉ giỏi vặn vẹo người khác. Ta nói ông ấy tinh thông hết võ công thiên hạ chẳng qua chỉ để nhấn mạnh rằng ông ấy biết rất nhiều thứ võ công. Kiểu như bảo ngươi ương ngạnh hư đốn nhất trần đời, đâu có nghĩa là trên đời này không còn ai hư đốn ương ngạnh hơn ngươi?
Lương Tiêu làm gì không biết Hoa Mộ Dung châm chích mình, nhưng chưa nghĩ ra nên phản bác thế nào, vì dù đáp hay không đáp thì cũng thành tự nhận mình là kẻ hư đốn ương ngạnh. Nó bĩu môi ấm ức.
Hoa Mộ Dung chiếm được ưu thế, ngấm ngầm đắc ý, lại tiếp:
- Người thứ hai, là một nhà sư…
Lương Tiêu sực nhớ lại một chuyện. Hoa Mộ Dung nhận ra sự biến đổi trên khuôn mặt nó, gật đầu cười:
- Đúng, chính là hòa thượng lang bạt đấu cờ với Tần đại ca đấy. Nhưng ta không rõ pháp hiệu của lão ấy.
Lương Tiêu hỏi:
- Sao lại gọi là hòa thượng lang bạt? Lão ta có bản lĩnh cao cường gì?
Hoa Mộ Dung đáp:
- Lang bạt là vì chùa lớn hay chùa nhỏ lão cũng không ở, hành động thì quái đản, không tuân theo quy củ nhà tu. Còn bản lĩnh ấy hả, cũng khỏe lắm đấy.
- Khỏe mà cũng tính là bản lĩnh ư?
Hoa Mộ Dung nói:
- Ngươi đừng xem thường sức mạnh. Đã nghe câu “lấy một địch mười” chưa? Nếu quyền cước của ngươi mà có sức nặng ngàn cân thì thiên hạ ai chống cự nổi?
Lương Tiêu ngẩn người, không trả lời được, lại hỏi:
- Thế người thứ ba là ai?
Hoa Mộ Dung cau mày, khuôn mặt lộ vẻ khinh bỉ, nàng hừ mũi:
- Kẻ thứ ba rất giỏi kiếm pháp, nhưng không đứng đắn, chuyên quyến rũ mồi chài con gái nhà lành, không nên nhắc đến thì hơn.
Lương Tiêu bối rối:
- Quyến rũ mồi chài con gái nhà lành là thế nào?
Hoa Mộ Dung lườm nó:
- Đó là hành động cực kỳ hạ lưu vô liêm sỉ, sau này ngươi không nên nghĩ đến, càng không được làm. Nếu ngược lại thì không chỉ ta mà cả thiên hạ đều xem thường ngươi.
Lương Tiêu gãi đầu vắt óc suy nghĩ một lúc vẫn không hiểu, lúc trông lại thì thấy Hoa Mộ Dung chống tay vào má, mắt ngước lên trời, bèn hỏi:
- Có bốn người kia mà, một người nữa là ai?
Hoa Mộ Dung buồn bã thở dài, đôi mắt thoáng nét xa vắng, nàng rầu rĩ trả lời:
- Người thứ tư thì ta biết, nhưng không thể nói tên của ông ra được.
Lương Tiêu bĩu môi:
- Không nói thì thôi, ai thèm quan tâm? Tôi học được Thái Ất phân quang kiếm rồi sẽ đánh bại tất cả bọn họ.
Hoa Mộ Dung nín lặng, ngẩn ngơ nhìn ra xa. Lương Tiêu không còn biết đấu khẩu với ai, đâm cụt hứng.
Nghỉ một hồi lâu, vết thương của Hoa Thanh Uyên đã đỡ hơn, mọi người lại lên đường. Hôm sau họ đến Tấn Vân, tìm một khách sạn để trọ. Hoa Thanh Uyên phục mấy tễ thuốc bổ để phục hồi nguyên khí. Lương Tiêu ở không buồn tình, ngồi nghịch chó nghịch khỉ với Hiểu Sương. Cô bé đặt tên con khỉ là Kim Linh nhi. Lương Tiêu nghe vậy, tức thì nổi cáu: Truyện "Côn Luân "
- Chó của tớ tên Bạch Si nhi, đằng ấy lại đặt tên con khỉ là Kim Linh nhi, chẳng phải là cố ý chọc phá người ta ư?
Hiểu Sương nói:
- Có sao đâu ạ. Bạch Si nhi – Kim Linh nhi, đối nhau chan chát còn gì
Kim Linh nhi vẫn nhớ thù cũ, không thèm ngó ngàng tới Lương Tiêu. Bị thằng bé trêu ghẹo, nó chỉ nghiến răng nghiến lợi. Khi Lương Tiêu dậm chân đùng đùng, chực đánh mắng nó, Hiểu Sương bèn ôm con vật lại thật chặt. Lương Tiêu vốn bừa bãi ngang tàng, nhưng không dám nổi giận với cô bé này, sợ nó phát bệnh thì khốn, đành chỉ chống nạnh trợn mắt nhìn Kim Linh nhi một cách hết sức tức tối mà thôi.
Họ nghỉ ngơi vài ngày rồi lại rục rịch lên đường. Vừa đi vừa nghỉ thêm mười mấy hôm nữa thì vào tới vùng núi Quát Thương. Ngọn cao ngọn thấp nối dãy, vắt ngang từ đông sang tây, thế núi mềm mại uyển chuyển như giọng nói êm ái của người Ngô.
Đoàn người dắt ngựa đi bộ theo những bậc đá ở sườn núi. Đi được chừng nửa canh giờ, giữa mây khói bảng lảng thấy hiện ra mái xanh vách đất, gần đó có vài khoảnh ruộng bậc thang ngay ngắn và mấy nông dân đang lom khom cày cấy. Chợt có người ngẩng đầu nhìn, trông thấy bọn họ thì kêu lên. Đám nông phu lần lượt đứng thẳng dậy, bỏ cày bừa đấy tươi cười chạy tới đón. Đi đầu là một người đàn ông da đen tái, hai mắt sáng quắc, vái chào Hoa Thanh Uyên thật thấp:
- Dương Lộ cúi lạy thiếu chủ!
Hoa Thanh Uyên giơ tay đỡ ông ta, cười hỏi:
- Dương quản sự chớ đa lễ, mọi việc trong cung thế nào?
Dương Lộ thưa:
- Tất cả vẫn ổn, đoạn ngắm kỹ Hoa Thanh Uyên, ông ta nhận xét, thiếu chủ dường như khí sắc kém tươi?
Hoa Thanh Uyên đáp:
- Mấy hôm trước bị cảm xoàng, bây giờ không hề hấn gì nữa rồi.
Y chuyển dây cương cho đám nông phu:
- Chúng ta vào núi thôi.
Dương Lộ gật đầu cất tiếng gọi ai đó. Một nông dân liền tung một con bồ câu ra, nó xoải cánh bay xạp xạp vào trong núi.
Lương Tiêu giật áo Hiểu Sương hỏi nhỏ:
- Họ làm gì vậy?
- Báo tin cho bà nội đấy, Hiểu Sương trả lời.
Lương Tiêu ồ lên, chợt trông thấy có hai nông phu đi ra từ khu nhà tranh vách đất, dắt theo mấy con thú lạ màu vàng nghênh ngang, từa tựa trâu, lại nhang nhác ngựa, bước lộp cà lộp cộp. Lương Tiêu biến sắc, xoẹt một cái núp ra sau lưng Hiểu Sương, run run hỏi: Truyện "Côn Luân "
- Quái vật gì đấy?
Mọi người cười ồ, Hoa Mộ Dung chống nạnh phì một cái:
- Thằng nhóc này, ngươi mà cũng có lúc biết sợ hả?
Hoa Thanh Uyên nén cười hỏi:
- Tiêu nhi, con đã nghe chuyện Gia Cát Khổng Minh chưa?
Lương Tiêu ló đầu ra nhìn trộm con thú, gật đầu đáp:
- Tôi có nghe cha kể rồi.
Hoa Thanh Uyên nói:
- Đây chính là Mộc ngưu và Lưu mã1 mà Gia Cát Khổng Minh chế tạo để tải lương qua Thục đạo đó, dùng đi đường núi tiện lắm.
Lương Tiêu kinh ngạc hỏi:
- Có Mộc ngưu Lưu mã thật hay sao?
Hoa Thanh Uyên gật đầu:
- Núi non phía trước rất hiểm trở, chúng ta dùng nó để cưỡi và chở hàng thì thuận tiện vô cùng.
Lương Tiêu mạnh dạn thò tay ra sờ, thấy cứng trơ trơ, quả đúng là con thú bằng gỗ phết sơn vàng, nó đỏ mặt ngượng nghịu. Nhưng tính còn trẻ con, chỉ lát sau thằng bé đã tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra, nó tỏ vẻ rất hứng thú với con thú gỗ, ôm lấy chúng hỏi han đủ điều, Hoa Thanh Uyên đều giải đáp cặn kẽ. Lương Tiêu mau chóng học được cách điều khiển, nó cưỡi con thú gỗ ngó nghiêng khắp nơi, hết sức đắc ý.
Bốn người cưỡi Mộc ngưu Lưu mã theo đường núi mấp mô đi sâu vào bên trong. Được một thôi đường, lối đi trở nên gập ghềnh hiểm trở, trồi sụt theo thế núi, lúc thì mém vách cao chất ngất, lúc thì chớm vực sâu thăm thẳm, lúc len qua rừng rậm, lúc xuyên trong lòng thung, nhưng con thú gỗ đi vừa nhanh vừa vững, Lương Tiêu tấm tắc khen lạ.
Xuyên qua một sơn cốc, trước mặt họ thấp thoáng vươn lên hai ngọn núi hùng vĩ, kẹp hai bên dòng sông uốn lượn nhịp nhàng, đối mặt nhau qua đôi bờ nam bắc. Hiểu Sương hỏi Lương Tiêu:
- Tiêu ca ca, anh thấy hai ngọn núi đó giống cái gì nào?
- Giống cái ngón tay, Lương Tiêu đáp.
Hoa Mộ Dung giễu:
- Hừ, người đời đều có mười ngón tay, mỗi ngươi có hai ngón tay hả?
Lương Tiêu ấm ức cãi:
- Thì tám ngón kia người ta gập lại, không được ư? Ờ, theo cô là không giống ngón tay, vậy chứ giống cái gì?
Hoa Mộ Dung cười khẩy:
- Đồ đầu đất, toàn ăn bốc nên đương nhiên chỉ nghĩ được đến ngón tay!
Lương Tiêu ngoẹo đầu nhìn kỹ, ngập ngừng nói:
- Phải chăng… giống đôi đũa?
Hoa Mộ Dung cười:
- Vậy mới đúng đó. Hai ngọn núi này gọi là Thạch Trứ phong.
Lương Tiêu ngạc nhiên hỏi:
- Đã giống đôi đũa thì phải gọi là Thạch Khoái, sao lại gọi là Thạch “Trư”2?
Hoa Mộ Dung liếc sang Lương Tiêu, mắt đầy nét khinh bỉ. Lương Tiêu hiểu là nhất định mình lại nói sai gì nữa đây, nhưng không biết sai ở chỗ nào, lòng buồn bực vô cùng. Hoa Hiểu Sương cười chen vào:
- Tiêu ca ca, chữ “Trứ” không phải là “Trư” trong trâu bò lợn gà đâu, mà là cách gọi khác của “Khoái” đó.
Nói đoạn cô bé dừng Mộc ngưu Lưu mã, bảo Lương Tiêu xòe bàn ra rồi viết lên đó từng nét của chữ “Trứ”. Lương Tiêu sinh lòng ghen tị, “Tại sao cái gì nó cũng biết, còn ta thì mù tịt cả?”
Hiểu Sương viết xong ngoảnh đầu đi, dõi mắt nhìn hai ngọn núi, dịu dàng nói:
- Có điều, cái tên Thạch Trứ phong tầm thường quá, nghe thật vô vị.
Lương Tiêu thầm reo vừa hợp ý ta, rồi liếc mắt nhìn Hoa Mộ Dung, cao giọng bảo:
- Đúng đó, nên gọi là Nhị Chỉ phong mới phải.
Hiểu Sương lắc đầu:
- Nhị Chỉ phong cũng không hay. Em nghĩ, gọi là Phu Phụ phong mới sát. Ngọn to cao ở mé nam là cha, ngọn thấp nhỏ hơn ở mé bắc là mẹ, kề vai đứng bên nhau, vĩnh viễn không chia cách.
Hoa Thanh Uyên giật mình, đăm đăm nhìn Hiểu Sương, mắt in rõ nét bàng hoàng.
Hoa Mộ Dung cười:
- Con bé ngốc nghếch, con lại nổi tính ngây dại rồi đấy ư? Gọi là Phu Phụ phong không ổn tí nào, con biết tại sao không?
Hiểu Sương ngơ ngác lắc đầu. Hoa Mộ Dung giải thích:
- Con xem, giữa hai ngọn núi có dòng suối chảy qua, vì dòng suối đó mà hai ngọn núi lúc nào cũng buồn rầu nhìn nhau, mãi mãi không nhích lại gần nhau được. Lẽ nào con muốn cha mẹ phải nhìn nhau như thế, cả đời không qua lại được với nhau ư?
Hiểu Sương đỏ bừng mặt, lén nhìn sang cha. Lúc ấy Hoa Thanh Uyên đang trân trân ngắm hai ngọn núi xanh, mặt mày trắng nhợt.
Hoa Mộ Dung lại nói:
- Nếu muốn ví với người thì đặt tên là Oán Lữ phong, nghe thích hợp hơn. Từ xưa tới nay đã bao nhiêu cặp tình nhân hữu duyên vô phận, yêu nhau mà không lấy được nhau. Có bài thơ cổ viết thế này:
Xa xa chòm ngưu tinh, xinh xinh chòm chức nữ.
Thon thon múa đôi tay, dặt dìu trên khung cửi.
Cả ngày không hé môi, lệ như mưa giàn giụa.
Ngân hà trong và cạn, được mấy lượt lại qua?
Ăm ắp một dòng sông, đăm đắm nhìn không nói.
Hai ngọn núi đó chính là Ngưu Lang và Chức Nữ, chỉ vì sông sâu cách trở nên dù trông thấy nhau mà vĩnh viễn không gặp bao giờ.
Truyền thuyết về Ngưu Lang và Chức Nữ đã lưu truyền ngàn năm, hai chòm sao đơn côi mỗi đêm lấp lánh đôi bờ Ngân hà đã gây nên nhiều thổn thức, đã làm ngậm ngùi bao trái tim nữ nhi. Hiểu Sương ngâm câu cuối cùng mấy lần, đột nhiên sa lệ. Hoa Mộ Dung hoảng hốt ôm cháu gái vào lòng, dịu dàng vỗ về:
- Sương nhi, cô chỉ nói đùa thôi mà, cớ gì con lại coi là thật chứ?
Lương Tiêu không hiểu hàm nghĩa của bài thơ, nhưng truyện chàng chăn trâu và nàng dệt vải đó thì nó đã nghe cha kể mãi rồi. Nhìn Hiểu Sương sụt sùi, thằng bé lấy làm bực lắm, hừ mũi bảo:
- Ngưu Lang và Chức Nữ thật vô dụng, anh chỉ biết nhìn ả, ả cũng chỉ biết nhìn anh, hệt như đôi chim khờ khạo. Phải tay ta, ta sẽ đổ đất lấp chặt Thiên hà rồi đi qua là xong.
- Ngươi mới là con chim khờ khạo đó, Hoa Mộ Dung nói. Ngân hà là vô tận, ngươi có biết nó sâu ngần nào, rộng cỡ nào không? Chỉ giỏi ba hoa khoác lác, không biết ngượng mồm.
Lương Tiêu cười khẩy:
- Ờ, thì cho là vô tận đi. Vậy cái cầu Ô Thước cho Ngưu Lang Chức Nữ bước qua để gặp nhau vào ngày mùng bảy tháng bảy, theo cô thì cần phải có bao nhiêu con chim hỉ thước mới kết thành đây? Chim còn biết nối cầu, người lại không biết lấp sông ư? Lẽ nào làm người mà không bằng con chim?
Giọng thằng bé đầy ý châm biếm, Hoa Mộ Dung tức đến bợt cả mặt, nhưng Lương Tiêu lập luận rất chặt chẽ, nàng không tìm ra điểm nào để bắt bẻ, đành dẩu môi tức giận mà thôi. Ba người cứ vừa đi vừa cãi cọ như vậy. Hoa Thanh Uyên trước sau không nói một lời, chỉ sắc mặt là liên tục biến đổi.
Trong lúc họ trò chuyện, hai ngọn núi đã áp lại gần. Lương Tiêu không phải dạng tinh mắt, tới lúc ấy mới nhận ra trên núi có người. Trên đỉnh núi ở mé bắc có một cây thông già, tán cành sum sê rậm rạp, dưới gốc cây có hai ông lão râu bạc ung dung ngồi đánh cờ. Kế bên họ là một tiểu đồng tóc để trái đào, đang loay hoay trông lò đun trà, từ cái ấm đồng khói trắng tỏa lên nghi ngút rồi loãng dần vào không trung. Ngọn núi ở mé nam tứ phía đều là vách đá dựng đứng, trơn nhẵn không có chỗ đặt chân, nhưng trên đỉnh núi cheo leo đó lại có một lão già áo xám đang ngồi buông câu, dây câu dài hơn trăm thước thả xuống cái đầm sâu dưới chân núi. Lương Tiêu kinh ngạc tự nhủ, “Cao thế kia thì câu thế nào được cá?” Nó đang băn khoăn thì nước trong đầm bỗng oạp oạp, một con cá chép xanh nhảy cẫng lên khỏi mặt nước, vạch một vòng cung trong không trung rồi vừa giãy tanh tách vừa bay vút lên mấy chục trượng, rơi vào tay lão già.
Một trong hai ông đánh cờ cười bảo:
- Chúc mừng nhé, Đồng lão tam chầu chực cả ngày, cuối cùng cũng mở hàng rồi!
Gió hun hút giữa hai ngọn núi, cuốn tiếng nói đi tới trăm thước, khiến người ta nghe rõ mồn một từng chữ từng lời. Lão già câu cá phì mũi đáp:
- Tu lão tứ! Đúng là nói không biết ngượng mồm, đệ năm lần bảy lượt reo hò khua khoắng làm cá của lão phu giật mình chạy đi hết còn gì.
Lão già đánh cờ thứ hai lên tiếng:
- Mình không sát cá thì thôi, sao lại trách người khác?
Đồng lão tam hừ mũi, giọng tự phụ:
- Tả lão nhị, nói đến câu cá, ngoài Minh lão đại ra thì chẳng ai sánh kịp đệ đâu!
Tả lão nhị cười bảo:
- Bốc phét, hôm nao rỗi thi thử một cái là biết.
Đồng lão tam nói to:
- Thử thì thử, đứa nào thua làm con.
Đến bờ suối, ngay dưới chân núi, mọi người cùng xuống Mộc ngưu Lưu mã. Lương Tiêu ngồi chưa đã, cứ quyến luyến ôm ấp con trâu ngựa gỗ không rời.
Hoa Hiểu Sương tiến lên, cất tiếng chào Đồng lão tam:
- Chú công công! Đoạn quay sang hai lão đánh cờ gọi, Nguyên công công, Cốc công công.
Ba ông lão vẫn dửng dừng dưng. Lương Tiêu tức khí:
- Mấy lão kia hợm hĩnh quá, làm như thần tiên không bằng! Hứ, có cái quái gì là ghê gớm đâu.
Hoa Thanh Uyên cười bảo:
- Lương Tiêu, con hiểu lầm rồi. Ở đây gió to, Sương nhi trung khí bất túc, tiếng nói không đưa được tới nơi đâu. Đoạn y chống tay vào sườn, cười gọi. Ba vị Hạc lão, lâu nay vẫn khỏe chứ?
Giọng y sang sảng, nghe như rồng gầm hổ rống, vang vọng mãi trong núi không tan. Lương Tiêu ngấm ngầm thán phục, “Hoa đại thúc giỏi thật, cha mình chưa chắc đã bằng.”
Ba lão già nghe tiếng nhóng mắt nhìn xuống, thái độ hờ hững, không thèm nhổm dậy. Duy có Đồng lão tam là lạnh lùng đáp lời:
- Bây giờ ngươi mới tới đấy ư? Có đi đứng thôi mà cũng chậm!
Hoa Thanh Uyên vòng tay cười xòa:
- Đồng lão dạy phải lắm, nhất định lần sau Thanh Uyên sẽ nhanh hơn.
Lương Tiêu nổi giận nghĩ, “Mấy lão già thô lỗ thật. Cớ gì Hoa đại thúc phải lễ phép với bọn họ?”
Đồng lão tam ngoảnh mặt sang nhìn Hiểu Sương, nhướng mày ném vù con cá chép xuống:
- Cho con này Sương nhi!
Con cá vẫn chưa chết, nó lắc đầu quẫy đuôi, xé gió lao thẳng xuống chỗ Hiểu Sương. Cô bé giật mình, không tưởng được lão già đùa giỡn đột ngột thế, chưa biết nên đón hay nên né tránh, Lương Tiêu đã kịp trông thấy, bước ào lên trước, thi triển Quyển Tự quyết trong Như Ý Ảo Ma thủ, dang hay tay ra rồi ôm lại, ẵm gọn con cá dài hơn một thước, xoay sang đưa cho Hiểu Sương.
Hiểu Sương đỡ lấy, chạy nhanh tới bờ đầm thả cá xuống. Con chép đã sắp tắc thở, lúc này quẫy mấy cái, lấy lại sức sống, lặn vào làn nước. Lương Tiêu ngạc nhiên hỏi:
- Hiểu Sương, sao em lại thả nó?
Cô bé nhìn con cá tung tăng bơi lội, vui vẻ đáp:
- Cá mà xa nước thì cá sống sao nổi.
Lương Tiêu cười nhạt:
- Nói hay nhỉ, dễ thường em không ăn cá đấy?
Hiểu Sương ngẩn người, mặt đỏ như gấc chín:
- Em ăn chứ, nhưng mà… nhưng mà… Thấy thương thương…
Lương Tiêu lườm một cái sắc lẻm, càu nhàu trong bụng, “Ông bố thì quá tốt, cô con cũng tốt quá.”
Đồng lão tam hỏi:
- Thanh Uyên! Đứa trẻ kia là ai thế?
Nghe ra giọng lão không có gì tốt lành, Hoa Thanh Uyên ngần ngại đáp:
- Nó tên là Lương Tiêu. Tần đại ca đem nó tới Lâm An.
Đồng lão tam hỏi:
- Võ công của nó là do ngươi dạy hả?
- Không đâu. Hoa Thanh Uyên lắc đầu.
Đồng lão tam hừ mũi:
- Đấy là Như Ý Ảo Ma thủ của Tiêu Thiên Tuyệt, cỡ ngươi không dạy nổi thật.
Lương Tiêu bụng bảo dạ, “Lão già mắt cú, ta chỉ để lộ nửa chiêu mà lão cũng nhận ra ư?”
Hoa Thanh Uyên ngớ người, toan quay lại hỏi Lương Tiêu, chợt thấy Đồng lão tam giật móc câu lên mắc vào vách đá rồi tung mình ra như một cánh hạc lớn màu xám, áp sát vách núi băng băng trượt xuống, dây câu mau chóng duỗi hết ra. Gần tới nơi, thình lình lão già ném cần câu đi, lộn nhào một cái đáp xuống bờ đầm, lắc mình đến trước mặt Lương Tiêu, khoằm các ngón tay chộp cứng lấy ngực thằng bé, trảo pháp rất tinh vi ảo diệu. Lương Tiêu nổi giận:
- Thằng khọm già, ngươi tóm ta làm gì?
Nghe chửi, Đồng lão tam choáng người tái mặt một lúc mới hỏi được:
- Tiểu tử, mày là học trò Tiêu Thiên Tuyệt phải không?
Lương Tiêu hầm hầm hỏi lại:
- Ai là học trò của cái quân khốn kiếp ấy?
Xong nó phùng má nhổ nước bọt đánh toẹt. Đồng lão tam vội hất đầu tránh.
Hoa Thanh Uyên hốt hoảng chực chạy lên khuyên giải, nghĩ thế nào lại dừng bước, đưa mắt cho em gái, ra hiệu bảo nàng can ngăn. Hoa Mộ Dung thì vẫn ấm ức vụ Lương Tiêu làm mình đuối lý lúc cãi cọ ban nãy nên chỉ giương mắt nhìn, mong thằng bé bị hành hạ cho hả cơn giận nên không nói năng gì, rắp tâm xem nó chịu nhục một phen.
Một già một trẻ đấu mắt hồi lâu, cuối cùng Đồng lão tam dịu nét mặt, thả Lương Tiêu ra, cau mày hỏi:
- Thằng nhỏ, vì sao mày gọi Tiêu Thiên Tuyệt là quân khốn kiếp?
Lương Tiêu đáp:
- Thì đúng lão ta là quân khốn kiếp mà!
Đồng lão tam càng thêm ngạc nhiên, tự nhủ nếu Lương Tiêu là hàng con cháu Tiêu Thiên Tuyệt thì không đời nào thóa mạ như thế. Lão thần người suy nghĩ. Nhè lúc đối thủ phân tâm, Lương Tiêu cắn luôn một phát vào mu bàn tay lão già. Họ Đồng giật nảy, vội vã vận kình. Nội công lão thâm hậu, răng Lương Tiêu bị chấn ngược đau điếng, nhưng nó gàn bướng, khư khư không buông. Đồng lão tam khó khăn lắm mới rảy được thằng bé ra, lưng bàn tay đã in một dấu răng rớm máu. Vừa cáu kỉnh vừa kinh ngạc, lão mắng mỏ:
- Thằng ngớ ngẩn, mày điên à?
Lương Tiêu hằm hè nói:
- Ngươi mà còn bảo ta là học trò Tiêu Thiên Tuyệt, ta cắn rụng tay ngươi cho mà xem!
Đồng lão tam cau đôi mày rậm, tức giận hỏi:
- Ngươi không phải là môn nhân hắn ta, vì sao lại học công phu của hắn?
Lương Tiêu trợn mắt:
- Thì dính dáng gì đến ngươi!
Đồng lão tam sầm mặt hăm dọa:
- Ngươi mà không nói rõ, đừng hòng đi qua Thạch Trứ phong này.
Lương Tiêu lấy sức húc đầu vào lão ta, nhưng da thịt Đồng lão tam cứng như thép đúc, không mảy may sây xước, Lương Tiêu húc mấy lượt thì đầu váng mắt hoa, lảo đảo suýt ngã.
Đằng xa bỗng có tiếng cười khà khà:
- Đồng Chú, già đầu rồi mà mặt dày thế, ai lại dùng vũ lực để đối phó với trẻ con, không xấu hổ ư?
Mọi người đưa mắt trông ra, thấy Tu lão tứ đã hạ sơn tự lúc nào, đang thong thả tiến lại gần. Tả lão nhị vẫn ngồi trên đỉnh núi, chăm chú vào thế cờ trước mặt, tựa hồ những gì đang xảy ra ở đây chẳng mảy may dính dáng tới lão.
Đồng lão tam bị châm chọc, thẹn quá bảo:
- Tu Cốc, đệ khỏi ba hoa đi, có giỏi thì lại mà hỏi nó này!
Tu Cốc cười hì hì đi đến trước mặt Lương Tiêu, ngọt ngào hỏi:
- Cháu bé, cháu nói cho ông biết, Tiêu Thiên Tuyệt có quan hệ thế nào với cháu?
Khuôn mặt lão vốn phúc hậu, nở nụ cười trông càng thêm hiền từ. Lương Tiêu thấy lão ra mặt châm chích Đồng Chú để bênh vực mình thì sinh bụng quý mến, nghe giọng lão lại càng thêm ấm lòng, nó đáp liền:
- Lão ấy là kẻ thù của ta!
Tu Cốc nhíu mày, song lại cười ngay:
- Trẻ con là không nên nói dối nhé! Lão lấy mấy viên kẹo gừng ra khỏi tay áo, ôn tồn dỗ dành, cháu ngoan kể thật nào, ông sẽ cho kẹo ăn.
Đã nói rất thật mà vẫn bị người ta cho là dối trá, Lương Tiêu vô cùng tủi bực. Nó thình lình hất mạnh tay, Tu Cốc tuy là cao thủ võ học nhưng không tránh khỏi bất ngờ, kẹo gừng bị đánh văng hết đi. Đồng Chú cười hô hố:
- Tu lão tứ, đệ giả làm người tốt có được kết quả gì không? Sói đội lốt cừu rồi cuối cùng vẫn lộ cái đuôi sói ra thôi mà.
Mặt Tu Cốc đỏ bừng bối rối.
Trên đỉnh núi, Tả lão nhị im lặng nãy giờ, lúc này mới lên tiếng:
- Hai lão già sống quá nửa đời người rồi mà vẫn không khá khẩm hơn tí nào. Hừ, thằng nhóc không chịu nói thì mình đuổi nó đi là gọn nhất.
Hoa Thanh Uyên giật thót, vội vã xen vào:
- Khoan đã Tả lão. Tôi có hứa với cháu bé đây là sẽ dẫn nó vào trong cốc.
Đồng Chú, Tu Cốc cùng cau mày, đưa mắt nhìn nhau. Tả lão nhị cười nhạt:
- Cậu là thiếu chủ cơ cung, tất nhiên không coi mấy lão già lẩm cẩm này ra gì. Cậu quyết thế nào thì làm theo thế nấy vậy, đừng bận tâm đến lời Tả Nguyên ta nữa.
Hoa Thanh Uyên toát mồ hôi trán, vội vã phân trần:
- Tả lão quá lời rồi, Thanh Uyên thật không có ý ấy.
Thấy y bối rối khó xử quá, Lương Tiêu tự ái, vênh mặt nói:
- Hoa đại thúc, chú cần gì phải nhún nhường với mấy lão già đó. Không cho tôi vào thì tôi ra. Nói rồi nó quay mình bỏ đi, nhưng tay Đồng Chú như gọng kìm sắt, Lương Tiêu giãy thế nào cũng không vùng thoát được.
Đồng Chú đe:
- Mày mà không khai thật thì đừng hòng rời khỏi đây.
Hoa Thanh Uyên còn chưa biết xử trí thế nào thì Hiểu Sương bước lên, nắm tay áo Đồng Chú van vỉ:
- Chú công công, ông… ông thả Tiêu ca ca ra được không?
Đồng Chú chưng hửng:
- Tiêu ca ca ư, rồi liếc mắt sang Lương Tiêu, hiểu ra cô bé nhắc đến ai, lão lắc đầu quầy quậy. Không được không được… Đang nói, nhác thấy đôi mắt to của Hiểu Sương ràn lệ, lão ngẩn người. Tuy không nể mặt Hoa Thanh Uyên nhưng rất yêu chiều cô bé con này, lão vội rảy Lương Tiêu ra, vuốt má cô bé dỗ dành. Sương nhi ngoan… Sương nhi giỏi! Đừng khóc, đừng khóc con! Chà, con xem này… Ông chả đã thả nó ra rồi đấy ư?
Mắt Hiểu Sương vẫn rơm rớm, nhưng miệng đã nhoẻn cười. Lương Tiêu dợm chân bỏ đi, cô bé vội níu lại:
- Tiêu ca ca, anh không muốn học kiếm pháp nữa à?
Lương Tiêu ngẩn người chựng lại, bụng bảo dạ, “Ờ đúng, ta đến để học công phu kia mà. Nếu luyện thành kiếm pháp, đánh bại được Tiêu Thiên Tuyệt thì một chút uất ức tủi nhục có đáng gì đâu?” Nghĩ được thế, nó không bước tiếp nữa.
Hiểu Sương cười cười, kéo Lương Tiêu đi qua trước mặt Đồng Chú. Lão già kinh ngạc tự nhủ, “Lạ quá, một đứa bé ngoan ngoãn như Sương nhi sao lại khăng khăng bảo vệ một thằng nhóc thế này nhỉ?” Liếc thấy Lương Tiêu nghênh ngang vênh váo cố ý đánh mắt về phía mình, lão đâm cáu. Hoa Thanh Uyên thở phào, vòng tay nói:
- Chắc Đồng lão đã nhìn nhầm, làm sao nó là đệ tử của Tiêu Thiên Tuyệt được?
Đồng Chú trợn mắt cười khẩy:
- Nhầm sao được mà nhầm? Cái thời lão phu giao thủ với Tiêu lão quái, ngươi còn ở truồng chạy rông kìa!
Hoa Thanh Uyên bị mắng ngượng quá, lắp bắp:
- Vầng… vâng!
Đồng Chú cười nhạt:
- Thôi, ngươi đã khăng khăng bảo bọc nó như vậy, lão phu cũng chán chẳng muốn can thiệp nữa. Hừ, cỡ thằng ranh mới tí tuổi đầu, chắc chưa thể gây nên sóng gió gì ngay đâu. Đoạn lão phất tay áo đi thẳng đến chân núi, nắm lấy cần câu cá bằng một tay, tay kia trở đầu cần câu, chân trái đạp trên vách đá, thoáng cái đã đằng không lên cao hơn một trượng, lại trở đầu cần câu thì lên tiếp được mấy trượng nữa. Cứ như thế thoắt bật lên thoắt hụp xuống, trong chớp mắt đã phi thân tới đỉnh. Ở đó, lão quay về hướng đông, hai tay chống nạnh, ngửa mặt hú dài.
Lương Tiêu thích thú nghĩ, “Lão già tuy đáng ghét nhưng trèo núi ngộ thật.” Nó đang lẩn mẩn nghĩ, chợt thấy giữa hai ngọn núi có một cỗ thuyền rồng nương theo dòng lắc lư trôi xuống, hình dạng có phần khác với thuyền thường, thuyền thường phân biệt rõ ràng đầu và đuôi, còn con thuyền này cả đầu và đuôi đều là đầu rồng, cùng ngoác miệng trừng mắt trông thập phần uy mãnh.
Phía đầu thuyền có một người chừng bốn mươi tuổi, khuôn mặt thanh tú bất phàm, đang ấn hai tay lên hai sừng rồng3. Y không hề chạm đến mái chèo, nhưng thuyền cử động hệt như vật sống, sáu bơi chèo sắt ở hai cánh thuyền khoát nước đều đặn, đưa thuyền tiến lên. Khi thuyền rồng gần cập bờ, Hoa Thanh Uyên vòng tay cười chào:
- Diệp Chiêu huynh! Phải phiền đến đại giá của huynh thật choáng váng quá!
Người đó cũng cười đáp:
- Uyên thiếu chủ nói đùa rồi.
Hoa Mộ Dung bế Hiểu Sương lên thuyền. Lương Tiêu nhảy lên theo, cố ý đẩy kình xuống chân làm con thuyền chao đi một cái. Diệu Chiêu phì cười:
- Bé con, cậu muốn lật thuyền ư?
Hoa Mộ Dung trừng mắt nhìn Lương Tiêu:
- Nó chỉ thích bới chuyện ấy mà. Đoạn vui vẻ hỏi Diệp Chiêu, Diệp đại ca, tẩu tẩu có khỏe không?
Diệp Chiêu đáp:
- Khỏe, khỏe lắm! Cám ơn Dung thiếu chủ hỏi thăm.
Đợi mọi người lên thuyền cả rồi, Diệp Chiêu quay mình đi xuống cuối thuyền lay chiếc sừng rồng mấy lượt rồi buông nhanh tay ra, sáu mái chèo sắt cùng khua nước, đưa chiếc thuyền rồng trở ngược dòng chạy lên, chỉ có điều đuôi thuyền giờ đã trở thành đầu thuyền.
Lương Tiêu rất ngạc nhiên, nhoài mình qua mạn thuyền nhìn xuống. Hoa Mộ Dung gọi:
- Ngươi làm gì thế? Khéo không ngã lộn cổ xuống nước bây giờ.
Lương Tiêu thắc mắc:
- Lạ thật, bên dưới không hề có người chèo thuyền.
Hoa Mộ Dung bật cười:
- Loại thuyền này tên là Thiên Lý, do một bậc thầy toán học thời cổ là Tổ Xung Chi chế tạo ra. Chỉ khi khởi động hoặc đổi hướng mới cần đến sức người, còn những lúc khác đều di động nhờ sức nước.
Lương Tiêu hỏi:
- Tổ Xung Chi là ai? Có giỏi võ không? À… toán học là gì? Có phải là một môn công phu rất lợi hại không?
Hoa Mộ Dung cười ngặt nghẽo, lúc trước nàng đã phải thua mồm mép thằng bé, vốn vẫn ấm ức trong lòng, đến giờ coi như cũng có dịp trả đũa, nàng chực buông lời khích bác, Hoa Thanh Uyên đã cười xen vào:
- Toán học không phải võ công, nhưng chứa đựng những nét ảo diệu riêng. Tổ Xung Chi là bậc tông sư toán học thời Ngũ Hồ loạn Hoa4. Ông là người đầu tiên nghĩ ra cách chia vòng tròn, tính được tỷ lệ giữa chu vi đường tròn và đường kính5, lại căn cứ vào sự di chuyển của mặt trăng mặt trời mà soạn ra lịch Đại Minh vẫn dùng tới ngày nay. Cỗ Thiên Lý thuyền di chuyển không cần sức người này cũng là phát minh của ông ấy đấy.
Lương Tiêu ngỡ ngàng vỗ tay khen:
- Tôi hiểu rồi, ông ấy cũng như Gia Cát Lượng, đều thông minh tuyệt đỉnh!
Hoa Thanh Uyên cười:
- Đúng vậy!
Trong lúc họ nói chuyện, Thiên Lý thuyền đã đi luồn qua giữa hai ngọn Oán Lữ, từ từ tiến vào sâu trong dãy núi. Lòng sông dốc dần lên phía trên, luồng chảy cũng xiết hơn. Được một lúc, chợt có tiếng nước đổ ầm ầm, thuyền ngoặt qua một khúc quanh, đằng trước hiện ra sáu ngọn thác lóng lánh trắng xóa, hệt như sáu tấm rèm pha lê buông trên vách đá. Bọt cuồn cuộn dưới chân thác gầm gừ như sấm nổ, đến những phiến đá cũng không cự nổi, bị nước đẩy văng đi xa. Nhưng luồng chảy càng xiết thì sáu bơi chèo sắt càng khua nhanh hơn, đưa Thiên Lý thuyền tiến ngược lên trong dòng sông cuồn cuộn.
Qua khỏi thác nước, Thiên Lý thuyền tiến vào một khe núi. Hai bên là vách đá sừng sững, hơi ăn lõm vào phía trong, hình dáng như lòng vỏ sò. Càng đi vào sâu khe núi càng hẹp. Vách đá này có màu rất lạ, trơn nhẵn và loáng ánh ngọc trai, vừa khéo một tia nắng chiều xiên chéo vào đây, hắt lên vách đá rồi phản chiếu trở lại, khiến trong khe bỗng bừng lên một thứ bụi sáng vàng óng, khiến người ta hoa cả mắt.
Mọi người đi trong khe vỏ sò màu chừng nửa canh giờ, Lương Tiêu bắt đầu sốt ruột, bèn hỏi:
- Hoa đại thúc, còn bao xa nữa ạ?
Hoa Thanh Uyên chưa kịp trả lời, hốt thấy Thiên Lý thuyền đã bơi ra khỏi miệng khe. Phía trước mở ra bao la thoáng đãng, nước sông chảy dồn về một cái hồ, bên hồ là núi non xanh ngắt sừng sững, mây mù vờn quanh, mấy chục con hạc trắng kêu lên lảnh lót, thong thả bay vòng vòng trong nắng chiều. Diệp Chiêu ghìm sừng rồng, cất giọng sang sảng ngâm:
Nước nối trời tây hoa trong sương
Mây bay hạc lượn tựa tiên phương
Núi chiều như rượu say lòng khách
Khà,
Hát tràn lồng lộng buổi chiều buông.
Tiếng ca phóng khoáng rành rọt vang vọng hồi lâu trong núi.
Hoa Thanh Uyên đứng dậy trỏ tay ra xa:
- Tiêu nhi, con xem kìa! Đó chính là Thiên Cơ cung, nằm trong Thê Nguyệt cốc6.
Lương Tiêu dõi mắt nhìn, thấy ở nơi gần với bờ nước có ba ngọn thác ồ ạt như trút từ trời cao xuống, trước mỗi thác nước có một bánh xe là lạ hình rồng cuộn đang quay chầm chậm, dẫn động mấy ngàn trục đồng nhỏ mảnh, thoắt ẩn thoắt hiện trong làn nước, trông như một bầy giao long đang quấn quýt nhau. Lương Tiêu trố mắt xem rồi la lên lạc cả giọng:
- Đấy là cái gì thế ạ?
Hoa Thanh Uyên đáp:
- Đó là Thiên Xu, Thiên Tuyền và Thiên Ki. Mấy bánh xe khổng lồ đó đã quay như thế trước Thê Nguyệt cốc cũng được ba trăm năm rồi.
Lương Tiêu ngạc nhiên:
- Để làm gì ạ?
- Kể ra thì dài lắm, Hoa Thanh Uyên mỉm cười, lát nữa con khắc hiểu.
Nước hồ phẳng lặng dần, Thiên Lý thuyền chầm chậm trôi xuống, thong thả đi qua giữa ba bánh xe.
Phía trước xuất hiện hai vách núi chọc trời, sừng sững thâm u, trên vách đá có hai hàng chữ đục theo lối hành thảo rất kỳ công, tuy thấp thoáng nhưng vẫn có thể nhìn rõ. Hàng bên phải viết “Hoành tận hư không, thiên tượng địa lý vô nhất khả thị nhi khả thị giả duy ngã.” Hàng bên trái viết, "Thụ tận lai kiếp, Hà đồ Lạc thư vô nhất khả cứ nhi khả cứ giả giai không."7
Hai hàng chữ vận bút mạnh mẽ, chữ nào chữ nấy vuông vức, mỗi cạnh phải tới mấy trượng, nét cuối cùng chạy thẳng xuống làn nước, khí thế hùng vĩ.
Hết chương 15
Chú thích:
25042505 Để biết rõ về con này nên đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, hình của nó tham khảo ở đây.
25102511 Trong tiếng Trung thì chiếc đũa có thể gọi là Khoái hoặc Trứ (khẩu ngữ hay dùng Khoái hơn). Lương Tiêu ít chữ, không biết từ Trứ, thành ra nghe chệch sang từ nó biết là Trư (con lợn)
25142515 Chính là cái bánh lái. Thuyền này chắc giống tàu thuỷ thời cận và hiện đại.
25182519 Ngũ Hồ loạn Hoa có nghĩa là Năm tộc Hồ làm loạn Trung Hoa, tên chỉ một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, còn gọi là thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc. Giai đoạn này kéo dài từ năm 304-439 CN.
25222523 Tức số Pi.
25262527 Khe đọng ánh trăng.
25302531 "Vận trời đa đoan, chỉ nên trông vào bản thân, đừng dựa vào thiên văn địa lý. Triết giả đã mất, chẳng ai nói rõ được chuyện tương lai, đừng nên tin bói toán chiêm bốc." Cặp câu này ý nói đừng cầu viện những chuyện huyễn hoặc bên ngoài như tượng trời, phong thủy, đừng khư khư tin vào sách vở bói toán. Quan trọng là phải tự tu, tự rèn mình. Lúc ấy Phật hay Đạo, mệnh hay số cũng ở trong lòng mình, trong tay mình hết.