Rạng sáng, Cường Tử say mèm lẻ loi về đến nhà, cô ngã dưới sàn toilet, bên miệng đầy bọt mép và chất bẩn, cô đã mất ý thức.
Trước khi tự sát, Khổng Trân gọi một cú điện thoại về cho gia đình.
Giống như trước đây, cô hỏi tình hình mỗi người trong nhà trước, nói mãi nói
mãi, cô đột nhiên hỏi mẹ mình, tại sao thiên vị như vậy, còn nhỏ như thế mà không cho cô đi học, bắt cô ra ngoài làm việc, nhưng sau đó lại cho
em trai, em gái đến trường.
Lần đầu tiên mẹ Khổng chất phác hiền
lành bị cô chất vấn như vậy, “Không phải lúc đó đã hỏi con sao, con tự
nói không đi học tiếp nữa, đòi ra ngoài kiếm tiền mà. Đâu phải con không biết tình hình trong nhà, nếu có tiền thì mẹ sẽ bắt con nghỉ học sao?
Bây giờ không phải con cũng sống tốt, mỗi tháng tiền lương mấy ngàn ư,
đâu có kém ai đâu?”
Khổng Trân khóc đáp trả bằng giọng quê nhà,
“Con nói không đi học tiếp nữa thì không đi học tiếp sao? Không phải mấy người khóc la là không có tiền, con khăng khăng bắt mình ra ngoài chịu
khổ để làm gì? Mấy người thiên vị…”
Hai người lại tranh luận qua
lại mấy câu, mẹ Khổng dịu giọng, “Cô à, cô đừng có khóc nữa, biết cô ở
bên ngoài chịu nhiều tủi thân rồi, không được thì về đi, nhé? Trong nhà
không thiếu được một miếng ăn của cô đâu…”
Khổng Trân không nói gì nữa, khẽ sụt sùi bảo bà đưa máy cho em trai.
Em trai Khổng Tuấn của cô 14 tuổi, vẫn đang học lớp 7.
“Chị ơi.”
Nghe thấy giọng nói của thằng bé, Khổng Trân thôi nức nở, “Làm bài tập xong chưa?”
Thằng bé đang xem tivi trong phòng, không có kiên nhẫn gì nhanh chóng trả lời, “Làm rồi ạ.”
“Tuấn Tuấn, em phải giống như chị hai của em, đậu trường đại học tốt, vượt trội hơn người, có nghe hay không?”
Lời lẽ nhàm tai, thằng bé nói, “Nghe rồi ạ…”
Điện thoại im lìm trong chốc lát, “Chị, chị còn chuyện gì nữa không, không thì em kêu mẹ tới nghe nhé…”
Giọng mẹ cô lại truyền đến từ trong ống nghe, “Trân Trân à, con đi làm không
vui thì về nhà là được rồi, trong trấn vừa mở hai cái siêu thị lớn,
khoảng thời gian trước tuyển nhiều người lắm, không được thì về đi, có
nghe hay không…”
Ống nói vẫn đang vang, cô lau nước mắt trên mặt, nhấn tắt cuộc gọi, cầm cái chai màu nâu bên tay.
Khi thấy Cường Tử xông vào quán Tôn Bằng, cô không vào theo. Cứ như vậy một mình mất hồn mất vía đi mấy con đường. Đi mãi đi mãi, trong lòng nảy ra một ý nghĩ lạnh lẽo: Nếu như lúc này trên đường vừa vặn có tên cướp
xông tới, đâm cô một nhát thì tốt biết bao.
Trong lúc lang thang
không mục đích, cô đi vào một con hẻm nhỏ, đi ngang qua một cửa hàng
nông sản nhỏ bán hạt giống. Cô đi qua, rồi quay đầu lại, trước cánh cửa
tiệm nhỏ âm u ấy, đột nhiên, cô như thấy được con đường ông trời vạch
ra.
Cô đi vào mua một chai thuốc trừ sâu 200ml, sau khi về nhà trốn vào toilet.
Tấm bảng chuyển nhượng bên ngoài quán Tôn Bằng là một bàn tay cái chết đè xuống cô.
Cô có thể thấp hèn ti tiện trước bất kì ai, cũng có thể mặc kệ sự khinh
thường của bất kì người nào, nhưng chỗ Tôn Bằng, cô muốn gìn giữ sự cao
ngạo sau cùng.
Món nợ hai trăm sáu mươi ngàn tệ là phán quyết của tòa dành cho hai người, nếu như cô không còn, thì Cường Tử chỉ nợ một
trăm ba mươi ngàn tệ. Trừ đi sáu mươi ngàn hiện đã có, cô nghĩ, họ chỉ
cần xoay thêm bảy mươi ngàn nữa là toàn bộ sự việc sẽ qua đi.
Hết thảy mọi việc vì cô mà thành, vậy thì để mọi thứ lại do cô mang đi đi.
Sau khi cấp cứu cả đêm, Khổng Trân thoát khỏi nguy hiểm. Sau khi cô tỉnh
lại, Cường Tử mới thông báo cho Tôn Bằng. Khi Tôn Bằng nhận được điện
thoại, anh đang ăn sáng với Trần Nham. Không chậm trễ một phút, họ chạy
ngay đến bệnh viện.
Trần Nham không lên, chờ anh ở bên ngoài.
Trần Nham nghĩ, Khổng Trân lúc này hẳn không muốn nhìn thấy cô. Mà ở đáy
lòng Trần Nham, cô càng có một loại tình cảm phức tạp đối với cô bé này.
Một chút đáng thương, một chút khó ưa, khiến người ta hắt hủi, lại khiến người ta lấy làm tiếc.
Trong phòng chăm sóc vô cùng yên lặng, Khổng Trân đang nằm thẳng, chỉ có khuôn mặt và cánh tay truyền dịch lộ bên ngoài chăn.
Sắc mặt cô ấy nhợt nhạt, đeo máy thở, cơ thể nối liền với máy theo dõi, đôi mắt hé mở nhìn không trung hư vô. Cường Tử cả đêm không ngủ ngồi bên
giường cô ấy, mất hồn nhìn cô, cả người như bị rút hết hồn phách.
Cửa phòng bệnh bị đẩy ra, Cường Tử nhìn Tôn Bằng đi vào, rồi lại đặt tầm mắt vào Khổng Trân.
Tôn Bằng đi đến bên giường ngồi xuống. Ánh mắt cô ấy di chuyển, tựa như
đang nhìn anh. Khi đối mặt, Tôn Bằng vươn tay, khẽ phủ lên bàn tay đang
truyền dịch của cô ấy, buông ra.
Anh vỗ vỗ vai Cường Tử, kêu anh ta ra ngoài nói chuyện.
Ngoài phòng bệnh, Tôn Bằng hỏi Cường Tử tình hình của Khổng Trân. Anh hỏi cái gì, Cường Tử liền trả lời cái đó, sự mệt mỏi và nản lòng sâu sắc khiến
anh ta mất hết cảm xúc với mọi thứ. Nói đơn giản tình hình, hai người
đàn ông yên lặng trên hành lang bệnh viện một hồi, rồi lại vào phòng
bệnh.
Trước khi đi, Tôn Bằng nói với Cường Tử, “Anh đi trước, buổi trưa mang cơm đến cho cậu.”
“Ở đây có cung cấp cơm hộp, buổi sáng đã đặt bữa rồi.”
“Vậy buổi chiều anh lại đến.”
Cường Tử gật đầu.
Ra khỏi tòa nhà, Tôn Bằng đi đến chỗ chia tay Trần Nham, nhìn xung quanh,
tìm được cô trên chiếc ghế dài dưới tán cây bên luống hoa nhỏ.
Cô ngồi ở đó yên lặng chờ đợi, tay cầm điện thoại di động, nhìn người đi bộ tụm năm tụm ba.
Ánh nắng sáng sớm ôn hòa ấm áp, anh không đi sang ngay, đôi mắt hơi đau,
giơ tay lên dụi một cái. Một người đàn ông cao lớn cường tráng đứng
trước cổng bệnh viện chen chúc nhốn nháo, đột nhiên không có dũng khí đi về phía cô.
Anh có chút hoang mang.
—— Anh không biết, cô còn có thể ngồi ở đó chờ mình bao lâu. Anh càng không biết, bờ vai anh
còn có thể cho cô dựa vào hay không.
Khổng Trân ở bệnh viện một tuần.
Sáng hôm xuất viện, trời mưa lất phất, Tôn Bằng không đến vào sáng sớm như
thường ngày, một mình Cường Tử làm thủ tục giúp cô ấy. Anh cùng đi đến
nhà tang lễ với Trần Nham và mẹ Trần.
Một tháng trước, anh đã hứa với Trần Nham sẽ đi tảo mộ cho bố cô với cô.
Không phải là ngày lễ đặc biệt gì, nên ít người đến tảo mộ. Trong cơn mưa
nhỏ, ngoài cổng có lác đác mấy người bán hàng rong, che ô gánh rổ, chào
hàng hoa cúc, hoa cẩm chướng bọc bằng giấy nhựa cho người đi vào, một
đồng một đóa.
Họ đi một mạch vào trong, mẹ Trần xách hai túi giấy tiền vàng bạc lớn mà hai ngày trước đã sắp sẵn ở nhà, Trần Nham che ô
cho bà.
Trên đồi nghĩa trang, từng bia mộ hình vuông sắp xếp ngay ngắn chỉnh tề, bên từng tấm bia trồng một cây thông nhỏ thâm thấp. Dưới bầu trời âm u, phóng tầm mắt nhìn ra xa, cả ngọn đồi nghĩa trang xanh
ngát mà trang nghiêm.
Ở nơi này, cái chết là một loại nghi lễ.
Họ đi lên theo bậc thềm đá ở giữa, mẹ Trần dừng lại bên một cây đại thụ ở
lưng chừng đồi theo trí nhớ, quẹo vào. Họ nhanh chóng tìm được bố Trần
trong những bia mộ dày đặc.
Không gian còn lại giữa hàng bia mộ
trên dưới rất nhỏ, sau khi Trần Nham và mẹ Trần ngồi xổm xuống trước mộ, Tôn Bằng chỉ còn đủ chỗ đứng. Trần Nham nhổ cỏ dại, đặt một bó hoa cúc
vàng trắng đan xen lên trước mộ.
Trong mưa, đống giấy vàng nhẹ bẫng ấy vừa ra khỏi túi nilon là bị gió thổi
bay lung tung, mẹ Trần thử mấy lần cũng không tài nào đốt được. Tôn Bằng nhìn, “Bác chờ một chút, để cháu xuống dưới tìm một cái chậu sắt.”
Trần Nham nhìn bóng lưng đi xuống của anh, cầm ô lần nữa, che những hạt mưa
nhỏ cho mẹ Trần. Vài hạt mưa bay rơi xuống giấy tiền, cô đẩy cái túi
xuống dưới ô.
Trong khi chờ đợi, ngơ ngẩn nhìn tấm ảnh thân quen mà xa lạ trên bia mộ, mạch suy nghĩ của cô trống rỗng.
“Nước mắt trong nỗi nhớ đang bay lên, ưu sầu phiền não đang cất cánh bay,
quan tâm thăm hỏi đang tung bay, lời chúc phúc muốn bay cao, vui vẻ may
mắn bay khắp mọi nơi, cuộc sống tuyệt vời đang bay cao, tương lai tốt
đẹp muốn cất cánh bay…”
Trên bậc thang bên cạnh đột nhiên có hai
người đàn ông cao lớn quần áo xốc xếch đi xuống, bọn họ vừa gõ thước bản vừa lẩm bẩm đi sang bên này. Xung quanh không có người khác, Trần Nham
và mẹ Trần cảnh giác đứng lên.
Hai tên nhìn khoảng ba mươi mấy
tuổi, cả người bẩn thỉu, một tên trong đó đội cái nón lính màu xanh bẩn, tên kia xách vật cống thu nhặt được ở mỗi ngôi mộ. Bọn chúng đi tới bên cạnh họ, miệng nói lời may mắn, tốc độ nói rất nhanh.
Hai, ba
phút sau, đọc thơ xong, hai tên kéo dài giọng nói với mẹ Trần, “Bác gái
này cho ít điềm may đi, nói bao nhiêu lời chúc phúc như vậy mà, gia đình bác nhất định sẽ vạn sự như ý, bình an cát tường…”
Trần Nham kéo mẹ Trần ra sau một chút, nhìn đầy khinh thường.
Tên kia thôi cười, thấy vậy càng to gan, đưa tay sáp tới gần một bước, “Dù
thế nào thì cũng phải cho một chút, lời cát tường nói không không tốt
đâu…”
“Làm gì đó?” Một giọng nói lạnh lùng vang lên sau lưng.
Hai tên quay đầu lại, nhìn thấy Tôn Bằng cao lớn, nháy mắt mỉm cười, “Không có gì, không có gì…” Hai tên chen chen nhích nhích đi ra ngoài, đi tiếp xuống dưới đồi tìm nhà tiếp theo để lừa gạt.
“Không có gì chứ?” Tôn Bằng hỏi Trần Nham.
Trần Nham lắc đầu.
Anh để cái chậu nhỏ xuống đất. Mẹ Trần nắm một túi tiền giấy lớn bỏ vào,
cầm bật lửa châm. Châm hai lần, ngọn lửa đều bị gió thổi tắt.
“Để cháu làm cho ạ…” Tránh gió, anh nhận lấy bật lửa, cho đến khi hai, ba
cái nguyên bảo trong tay hoàn toàn cháy rực, anh mới buông tay ném vào
chậu.
Mưa rơi rả rích, mấy cái nguyên bảo đang cháy đột nhiên bay theo gió ra ngoài. Trần Nham vội vàng dùng ô che hết gió lại, mẹ Trần
thì luôn tay bỏ giấy tiền vào chậu để lửa cháy mạnh.
“Trần Lượng
à, lâu lắm không đến thăm ông rồi, lần này ông mang nhiều tiền hơn chút
mà tiêu, nhớ phải phù hộ thêm cho mẹ con tôi, chúng tôi nhớ ông lắm đấy… Phù hộ cho con gái ông bình an vô sự, cuộc sống hạnh phúc, phù hộ cho
bà thân thể mạnh khỏe…”
Ngọn lửa cháy hừng hực trong không khí ẩm ướt, khói màu xám tro không ngừng bốc lên trước mặt. Trần Nham có thể
cảm nhận được nhiệt độ của ngọn lửa ấy lướt nhẹ bên cánh tay.
Nghe mẹ Trần nói những lời không có thứ tự này, cô giúp bà cùng đốt tiền
giấy, chỉ chốc lát sau, một túi tiền giấy lớn đã hóa hết thành tro bụi.
Gió vừa thổi ngược, viền tro lộ ra ánh sáng màu cam chưa cháy hết, lúc
cháy lúc tắt.
“Bác có hút thuốc không?” Tôn Bằng đột nhiên hỏi.
Trần Nham nhìn anh, “Có.”
Tôn Bằng lấy thuốc lá trên người ra, tay không châm một điếu, ngồi xổm xuống cắm lên mộ.
Đầu thuốc cháy giữa trời, một luồng khói mỏng lác đác bay lên trong cơn mưa nhỏ.
Ba người yên lặng nhìn bia mộ một hồi, mẹ Trần cố hết sức đứng lên, Trần Nham đỡ bà.
Mẹ Trần nói, “Cúi đầu ba cái đi, còn một túi đi sang kia đốt cho ông ngoại con.”
Mỗi người cúi đầu, họ cùng đi xuống chân núi, ở một chỗ khác tìm được mộ của ông ngoại Trần Nham, đốt giấy.
Tảo mộ xong, mẹ Trần vội về đi làm vì bà chỉ xin nghỉ ba tiếng. Trần Nham
và Tôn Bằng tiễn bà lên xe taxi. Nhà tang lễ xa xôi, xe taxi rất ít.
Sau khi mẹ Trần đi, Tôn Bằng che ô, cùng cô đi dọc theo con đường để đón xe.
Sau khi đi một đoạn, ở bên cạnh họ có một chiếc xe trống giảm tốc độ đi tới, họ thì làm như không thấy.
“Cô ấy thế nào rồi?”
“Hôm nay xuất viện.”
“Sau này… có ảnh hưởng gì đến cơ thể không?”
Anh lắc đầu, “Bác sĩ không nói gì cả.”
“Anh…”
Chờ hai giây, cô không nói tiếp, anh thản nhiên hỏi, “Muốn nói gì thế?”
“Không có…”
Trần Nham đã quên ban nãy mình muốn nói gì. Có lẽ đó chỉ là đôi câu vài lời
vô nghĩa, cũng có lẽ là một thắc mắc nặng nề sâu xa. Nhưng bất kể là cái nào, thì cô cũng không muốn nói tiếp.
Trong lúc bất chợt, không
muốn dùng ngôn ngữ, cũng không muốn dùng động tác, chỉ muốn quý trọng sự tĩnh lặng không có bất kì ý nghĩa gì dưới tán ô này đây.
Thế nhưng, mưa rơi lớn dần.
Giọt mưa nện bộp bộp trên mặt ô, nước chảy loạn xạ làm ướt mặt giày. Không
có xe trống đi qua, Tôn Bằng nghiêng ô sang phía cô một chút, dẫn cô đi
về phía trạm xe buýt đối diện tránh mưa.
Khi băng qua đường, xe cộ bấm còi sáng đèn sương mù lao nhanh qua bên người họ, anh ôm vai cô, cô quay mặt sang nhìn anh.
Lúc này mới phát hiện, nửa người anh gần như ở bên ngoài ô, nửa bờ vai trái đã ướt đẫm. Nhìn gò má ẩm ướt mà kiên nghị của anh, trong phút chốc,
trái tim cứng đờ của cô chợt mềm mại lại.
Anh nhìn đường, ôm chặt cô hơn một chút, bước nhanh hơn trong khoảng thời gian xe cộ dừng lại,
dắt cô chạy nhanh về phía trạm xe. Nước mưa bị gió tạt vào dưới ô, thấm
ướt mặt cô.
Nếu như ánh mặt trời là một loại hi vọng xa vời, vậy có thể để cho cơn mưa này cứ rơi mãi không?
—— Chỉ có trong cơn mưa tầm tã này, cô mới có thể vờ như không nhìn thấy
tất cả. Không nhìn thấy sự do dự và dao động, không nhìn thấy sự thất
vọng và nản lòng. Không nhìn thấy sóng gió kinh hoàng đang càng ngày
càng gần họ.