Sau ngày đú đởn đi nhà thờ bên xã bên cạnh để xem xem khung cảnh Noel nó như thế nào, hai đứa chúng tôi cùng ăn một trận chửi nhớ đời.
Hôm đó, con Dương và tôi lò dò mò về nhà thì thấy mẹ tôi đang ở bên nhà nó. Hai bà mẹ đang ngồi ở bàn đá dưới gốc cây mưng nhà nó, cùng khoanh tay lên ngực nhìn hai đứa e dè dắt xe vào nhà. Bố con Dương nghe tiếng động ngoài cổng, xông xồng xộc từ đâu ra cùng chiếc roi mây lăm lăm trên tay, quát lên:
- Hai đứa mày đi đâu về?!
Phải nói thật rằng là tôi sợ bố nó hơn cả mẹ tôi. Mặc dù Dương hay kể về bố và bảo rằng bố nó nhìn khuôn mặt dữ dằn thế thôi chứ vui tính lắm, luôn trêu đùa cùng chị em nhà nó. Nhiều khi tôi chỉ muốn hét vào mặt nó: "Tao lạy mày, con điên ạ! Đó là mày, là con gái rượu của bố mày. Người ta nói hổ dữ không ăn thịt con mà. Còn tao ấy à, cái đứa đã rủ mày chơi bao trò ngu người từ hồi còn mặc quần xà lỏn chạy khắp xóm này, ông ấy chắc ngày ngày đêm đêm chỉ muốn xông sang nhà tao xiên lên rồi nướng ấy chứ. "
Bố nó là người làm nghề tự do, biết rất nhiều nghề và thu nhập cũng rất khá. Tính tình phóng khoáng, hay giúp đỡ láng giềng. Nhưng mỗi lần ông ấy nổi giận thật sự vô cùng đáng sợ. Ông ấy cưng Dương như vậy mà cũng không thương tiếc lấy roi mây vút vào đầu gối của nó cơ mà.
Thật may, ông ấy không phải bố tôi.
Ừ thật may. Tôi có mẹ thay thế.
Đêm đó, hai đứa dựng xe ở cổng sau đó đứng cạnh nhau, vắt chéo tay ra đằng sau, cúi gằm mặt nghe bố mẹ thay nhau mắng nhiếc.
- Bọn này đi chơi Noel xã bênchứ đi đâu nữa được nữa.
- Ướt thế này chắc là lội suối qua rồi.
- Tôi nghe nói suối ấy có mấy người chết trôi rồi ấy. - Mẹ tôi chêm vào một câu chuyện kinh dị.
- Hai đứa mày cũng không chịu gọi điện thoại về báo bố mẹ chúng mày một câu cơ?
Tôi liếc sang nhìn Dương thấy nó cũng đang nhìn tôi, hai đứa nhìn nhau đầy ẩn ý sau đó cùng xệ môi. Gọi điện thoại? Điện thoại ở đâu ra? Chẳng phải hai nhà đã thống nhất với nhau là chưa lên cấp ba thì không điện thoại điện thủng gì rồi sao? Vậy mà bây giờ lại lấy cớ đó để mắng chúng tôi.
Hôm đó, sau khi nghe muốn thủng màng nhĩ hai gia đình cùng hợp lực mắng, tôi mới được thò chân về nhà đi tắm rồi lên giường ngủ. Ngủ một đêm gần mười tiếng đã giúp tôi lấy lại sinh lực, cảm giác khỏe khoắn vô cùng. Ra ngoài sân, tôi vươn vai, ngáp một cái rõ dài cho khói bay lên không trung, thì nghe tiếng phát ra từ nhà con Dương.
- Đấy, thấy chưa? Ham hố đi linh tinh cho lắm vào. Bây giờ, sốt thế này thì đi học kiểu gì hả?
Đáp lời mẹ nó là tiếng rên ư ử của Dương trong chăn.
- Con vẫn đi học, mẹ đừng có lo nữa.
Thôi xong, con nhà bên đã lăn ra ốm.
Tối qua, sau khi chui lên giường, tôi cũng hắt xì sổ mũi một trận ra trò. Mẹ tôi phải mò dậy xức dầu cạo gió cho tôi nên sớm nay mới khỏe khoắn thế này chứ. Nhưng khỏe re thế này cũng cảm thấy hơi tội lỗi. Liệu có phải vì tôi bắt nó lái xe, hứng gió hết cho tôi nên mới lăn ra ốm thế không?
Bây giờ truy tìm lý do tại sao nó ốm cũng không phải là phương án tốt. Tôi đưa ra một quyết định. Hôm qua đã làm tiểu nhân nhỏ mọnthì hôm nay tôi sẽ làm một anh hùng hảo hán đích thực.
Nghĩ liền làm liền, tôi lập tức vệ sinh cá nhân thật nhanh, sụt soạt đại vài ba miếng mì tôm xong thay đồ, xách cặp đi ra khỏi nhà luôn.
Tôi dừng xe trước cổng nhà Dương, trông chờ nó đi qua cửa lớn để nhìn thấy tôi. Không phải đợi lâu, tôi lập tức nhìn thấy nó với bộ tóc tổ cú, trùm nguyên cái chăn bông lên đầu cùng với bộ mặt không thể xí xệ hơn. Ngẫm ra cũng đúng, đã ốm lại còn bị mẹ mắng vui vẻ được mới là lạ ấy. Nó mang bộ dạng như kẻ vô gia cư ấy lết qua cửa lớn, miệng vẫn ngoác lên cáu với mẹ:
- Con biết rồi, con không nghỉ học đâu!
Tôi giơ hai tay lên vẫy mù mịt để Dương thấy tôi. Nó đưa khuôn mặt cáu kỉnh ấy nhìn về phía cổng, thấy tôi thì mặt lập tức thộn ra, nhăn mày kiểu: "Sao mày lại ở đây?". Tôi chỉ về phía sau chiếc xe đạp, ý hỏi: "Muốn ngồi xe đến trường không?"
Làm bạn đã mười mấy năm, chỉ qua mấy động tác đơn giản ấy nó đã hiểu ý tôi. Nó lập tức tung chiếc chăn ra, giơ hai tay ra phía trước ý bảo đợi nó một chút. Xong lập tức phi vào nhà.
Rất nhanh chóng sau đó, Dương miệng ngoạp một miếng bánh mì, tay trái cầm chiếc áo khoác đồng phục trường, tay phải cầm chiếc balo lạch bạch chạy ra. Tôi nhìn nó vậy bất giác mỉm cười, liệu đây có là dấu hiệu tốt cho tình bạn vốn đã tan nát của chúng tôi?
Nhưng Dương mới chạy được nửa đường thì tôi nghe thấy tiếng xe máy rồ ga từ đằng xa chạy lại.
Là bố nó. Theo phản xạ có điều kiện, tôi rụt cổ lại. May bản lĩnh của tôi lớn, chưa quay đầu xe đạp chuồn thẳng. Bố nó lừ mắt nhìn tôi từ đằng xa, sau đó dừng xe máy ngay vừa lúc Dương chạy ra cổng. Nhìn thấy bố, xem chừng Dương còn bất ngờ hơn cả tôi, nó há hốc mồm khiến chiếc bánh mì rơi bẹt xuống đất. Bố nó nói ngắn gọn:
- Lên xe, hôm nay tao chở mày đến trường.
Lúc đó dường như có một làn gió buốt thổi vào người tôi khiến lông tôi dựng đứng cả lên. Tôi nghĩ đến việc bố nó đã theo dõi từ đằng xa, thấy mọi trò mèo của tôi định làm với con gái ông. Không tiện xổ vào mặt tôi vì dù sao cũng là hàng xóm của nhau, ông bèn dùng cách này dằn mặt tôi.
Dương ơ ơ vài tiếng sau đó quay lại nhìn tôi đầy hoang mang. Tôi phẩy tay với nó, ý bảo là đi với bố đi, tao không dám tranh con gái rượu với ông ấy đâu. Dương chắp hai tay lên tỏ vẻ muốn xin lỗi tôi.
Bỗng dưng, bố nó hất đầu về phía tôi:
- Việt có đi luôn không? Chú chở cả hai đứa đến trường luôn.
Ý tứ thì thật nhã nhặn mà ngữ điệu thì sao mà thật đáng sợ. Tôi dĩ nhiên chẳng dám, cười cười với bố Dương:
- Dạ, dạ, thôi. Cháu đi xe đạp được rồi ạ...
Tôi trả lời thế, ông ấy cũng chả buồn rủ rê thêm. Đợi con Dương nhặt miếng bánh mỳ rơi xuống đất bỏ vào thùng rác rồi yên vị trên xe, ông ấy lập tức phóng xe đi nốt. Tôi thở dài, đạp chiếc xe cọc cạnh của mình trên xa lộ quen thuộc.
Tôi đã từng nghĩ ông ấy sẽ là bố vợ mình đấy?
Thôi, dẹp hết đi.