Giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi là một cô giáo dạy Toán, tên là Thảo.
Ấn tượng đầu tiên đối với cô là thân hình nhỏ bé và tết tóc dịu dàng. Cô ăn mặc vô cùng giản dị, áo sơ mi trắng cùng quần vải và giày bệt. Nếu nhìn từ đằng sau không khéo sẽ nhầm với học sinh. Sau này, cô cũng kể rằng lúc mới đi dạy, thì học sinh cũng nhầm cô là bạn cùng lớp, xưng mày tao, xấn xa xấn xởi đến làm quen như đúng rồi. Tôi không thể nhịn cười khi nghĩ đến phản ứng của chị tiền bối nào đó khi nhận ra cô là cô giáo chứ không phải học sinh.
Cô bước vào lớp với điệu bộ khoan thai và từ tốn. Cả lớp lập tức im như hến. Dường như ai cũng muốn dành vài phút để nhớ khuôn mặt người cô sẽ dạy mình suốt ba năm liền này.
Sau này, tôi nghĩ, giáo viên chủ nhiệm cấp ba luôn là một người thầy đáng nhớ trong kí ức của mọi đứa học sinh. Dù người đấy có là một giáo viên siêu nghiêm khắc, hay thờ ơ hoặc cực kì tâm huyết thì đều để lại dấu ấn khó phai cho học trò. Ba năm, một quãng thời gian đủ dài để chúng ta để lại những kí ức không thể phai nhạt với nhau.
Tôi luôn ngưỡng mộ cô giáo chủ nhiệm của mình. Ba năm cấp ba, hàng trăm tiết lên lớp, hàng trăm buổi dạy thêm ngoài giờ. Ai cũng là người thường thôi mà, nhiều khi cáu kỉnh hay chán nản muốn từ bỏ cái lớp cứng đầu lười học như chúng tôi cũng là chuyện thường. Nhưng cô vẫn kiểm soát mình rất tốt, luôn ôn nhu và dịu dàng dìu dắt chúng tôi qua ba năm dở dở ương ương đó.
Nhìn lại những ngày tháng đó, chẳng một kiến thức Toán học nào cô dạy về sin, cos về tích phân, về đồ thị đọng lại trong tôi. Thi đại học xong, những kiến thức đó tuột nhanh khỏi đầu óc như thể nó chưa hề tồn tại nhưng... cái đọng lại trong tâm trí tôi, cái tôi không thể quên là hình ảnh cô giáo chủ nhiệm của tôi hăng say giảng bài, là hình ảnh cô cười mỉm một cách bí ẩn khi đi qua các dãy bàn,... Lòng nhiệt huyết với nghề của cô đã gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Khi đứng trước hàng hà sa số nghề mà tôi phải chọn để vào đời, tôi đã nghĩ rằng nghề gì cũng được, không vinh quang cũng được, không nổi tiếng cũng được, không nhiều tiền cũng được tôi chỉ cần mình trở thành cô, trở thành một con người đem hết tuổi trẻ, sức lực ra để cống hiến cho đời là được. Tôi muốn trở thành người đầy lòng nhiệt huyết như cô.
Thôi tôi lại xa vời đến tương lai rồi.
Lúc đó, tôi chỉ là đứa câm như hến khi nhìn thấy một cô giáo mặc áo sơ mi trắng nhàn nhã từ từ bước vào lớp. Tất nhiên cả lớp cũng im bặt như tôi. Căn bản là trước đó cũng chẳng mấy ai quen ai nên cũng chỉ có mấy tiếng xì xào mà thôi. Nên lúc cô Thảo bước vào lớp một cách nhẹ nhàng và khoan thai, cả lớp đều biết hết.
Với phong thái của một giáo viên lâu năm đầy kinh nghiệm, cô không nhìn lớp đang rào rào đứng hết cả lên để chào cô ấy, từ tốn bước lên bục giảng rồi khẽ khàng vẫy tay cho cả lớp ngồi xuống.
Tôi nheo mắt, cố gắng theo dõi từng nét mặt, cử chỉ của cô để đoán biết được cô là người giáo viên như nào. Liệu nghiêm khắc hay dễ tính? Nhưng tôi thật sự không thể đoán biết được gì khi mặt cô cứ như mặt hồ phẳng lặng yên tĩnh.
Sau khi nhìn sơ qua danh sách lớp và lướt mắt xuống nhìn đám học sinh lố nhố đang giương mắt ếch ngơ ngác nhìn mình, cô chọn ra lớp trưởng tạm thời và sau đó chào mừng lớp với cái cách mà tôi chẳng thể nào quên.
- Chào các em. Cô nhất định sẽ nỗ lực hết sức để các em có thể đạt điểm số cao nhất trong kì thi đại học.
Tôi lúc đó kiểu, trời ơi, bọn em mới vượt qua kì thi chuyển cấp đó cô ơi? Sao cô lại quẳng vào mặt chúng em một nỗi lo to tổ bố như thế nữa chứ?
Tôi vẫn đang mang một tâm lí mà mẹ và anh Quân vẫn hay tiêm nhiễm, chính là mày thi xong kì thi chuyển cấp, rồi lên cấp ba tha hồ mà chơi. Vâng, tôi vẫn đang tưởng tượng đang một viễn cảnh màu hồng. Nơi đó tôi tìm được nhiều chiến hữu cùng mình cày game thâu đêm suốt sáng, nhiều kỉ niệm chơi bời hăng say cùng bạn bè, hay chí ít cũng như anh Quân nói, tha hồ ngắm gái xinh rồi mơ tưởng. Cuối cùng, lời chào hỏi đầu tiên của cô lại như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt của một thằng con trai đang độ tuổi mới "nhớn" sung sức muốn trải nghiệm nhiều thứ hay ho.
Ngày hôm đó, tôi chợt hiểu, cái thế giới quay cuồng này sẽ không ngừng lại một tí tẹo nào cho mình thở đâu.