Con Trai Con Gái - Dạ Đích Đệ Thất Mộng

Chương 12



Ngón tay bác gái mân mê trong lòng bàn tay tôi, không nói gì.

Tôi ngẩng đầu nhìn bà: "Đợi sau này cháu lớn lên kiếm được tiền, cháu sẽ mua cho bác hoa tai bạc, hoa tai vàng."

"Cháu sắp bảy tuổi rồi, cháu sẽ nhanh lớn thôi."

"Cháu chắc chắn sẽ mua cho bác!"

Bác gái "phụt" cười, nước mắt "bộp" rơi vào lòng bàn tay tôi.

"Chỉ có cháu biết vẽ bánh vẽ thôi. Đợi bao giờ cháu lớn, bác đã qua cái tuổi đeo hoa tai rồi."

Bà chọn một cành trà bẻ làm đôi, nhờ bác cả giúp nhét vào lỗ tai, rồi cất những cành trà còn lại vào túi.

"Nhận của cháu mấy cành trà không mất tiền nhưng phải nuôi cháu ăn cháu uống, nghĩ lại thấy bác vẫn lỗ."

Bà nắm tay tôi: "Mở tiệc rồi, đi ăn thôi."

Cảnh này nhiều dân làng nhìn thấy, mọi người đều trêu bác gái là không phí công nuôi tôi.

Bác gái kiêu ngạo ngẩng cằm: "Đương nhiên rồi. Nếu con bé vô lương tâm, tôi sẽ không cho nó ăn một hạt cơm nào."

Chuyện này truyền đến tai mẹ tôi, bà vừa ghen tị vừa đau lòng: "Con đúng là đứa vong ơn bạc nghĩa. Mẹ vất vả nuôi con hơn năm năm, không thấy con bẻ cho mẹ một đôi cành trà."

Con đã từng làm cho mẹ rồi mà.

Hồi đó tôi dùng rất nhiều hoa dại kết thành một sợi dây chuyền tặng mẹ.

Mẹ đã chê, nói đây không phải dây chuyền thật rồi quay người ném vào máng lợn.

Ba mẹ sinh em trai nên càng không để tâm đến đứa con gái là tôi.

Tôi cũng không buồn, vì bác cả, bác gái và các anh đối xử với tôi rất tốt.

Chỉ là những ngày tháng bất hạnh trôi qua chậm như từng năm, còn những ngày tháng hạnh phúc lại trôi qua nhanh như chớp mắt.

Chớp mắt tôi sắp lên lớp ba, mùa hè năm đó xảy ra rất nhiều chuyện.

Anh Gia Văn và anh Gia Võ đều thi lên trường trung học số một.

Anh Gia Văn đỗ nhờ thành tích vững vàng, còn anh Gia Võ thì là do học sinh năng khiếu của môn thể dục thể thao.

Đây vốn là chuyện đáng mừng nhưng ngay trong ngày hôm đó, bác cả và bác gái được thông báo phải mua đứt thâm niên để nghỉ việc.

Thời điểm đó, hai người gần bốn mươi tuổi, cùng nhau nghỉ việc ở doanh nghiệp nhà nước. Điều đó nghiêm trọng hơn nhiều so với việc một lập trình viên bốn mươi tuổi mất việc hiện nay.

Bởi vì đến tuổi trung niên, không có kỹ thuật cũng không có tiền tiết kiệm, mua đứt thâm niên chỉ nhận được một khoản trợ cấp rất nhỏ.

Số tiền đó không đủ để trang trải cho hai anh trai học hết ba năm cấp ba.

Thực ra mọi chuyện đã có điềm báo từ trước, tiền lương bị chậm hơn một năm.

Bác gái đã gần ba năm không mua quần áo mới.

Thịt cá trong nhà từ hai ngày một lần thành ba ngày một lần rồi thành một tuần một lần.

Để tiết kiệm tiền nước, vòi nước thường xuyên mở nhỏ nhất, nhỏ từng giọt suốt cả đêm.

Còn ở quê, từ khi em trai tôi sinh ra vẫn luôn ốm đau không ngừng, bác sĩ ở huyện nói tốt nhất nên đưa lên tỉnh để bệnh viện lớn kiểm tra, kê ít thuốc tăng sức đề kháng.

Ba tôi đến tìm bác cả và bác gái vay tiền nhưng với tình hình hiện tại, bác cả cũng bất lực.

Thủ tục nghỉ việc diễn ra rất nhanh.

Tối hôm nhận được trợ cấp, dưới ánh đèn vàng mờ trong phòng khách, bác gái đếm đi đếm lại chồng tiền mỏng manh đó.

Bà thở dài nặng nề: "Số tiền này làm sao nuôi nổi ba đứa trẻ học hành?"

Hai anh trai học hết ba năm cấp ba, còn phải học đại học.

Còn tôi mới học lớp ba, sau này còn phải học rất nhiều năm nữa.

Bác cả an ủi: "Đi một bước tính một bước, em đừng quá lo lắng."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.