Chỉ cần nhắm lại hai mắt, ta liền tức khắc nhìn thấy máu, khắp nơi đều là máu, máu chảy tràn khắp bầu trời. Nàng nằm đó, im lìm thanh thản như một giấc ngủ trưa, xung quanh chỉ độc một màu đỏ sẫm đến rợn người của máu.
Ta giật mình ngồi bật dậy.
Trong đêm tối, ta lờ mờ thấy bóng người cầm đèn từ ngoài bước vào, vô thức khẽ gọi:
"Y Y..."
Người kia hơi sững lại một thoáng, rồi cất tiếng hỏi:
"Công tử, người lại mơ thấy phu nhân sao?"
Niềm vui sướng chưa kịp nhen nhóm đã tắt ngấm. Ta thở dài, khoát tay bảo:
"Gia không sao. Tô Lục, ngươi lui ra trước đi."
Tô Lục lui ra, khép cửa lại. Bấy giờ, cả gian phòng lại chìm ngập trong bóng tối mịt mùng. Ta khoác áo ngồi dậy, muốn với tay rót một tách trà, chạm vào ấm trà lạnh ngắt cạn khô, mới chợt nhớ ra, đã không còn ai mỗi đêm thức pha trà cho ta, cũng không còn ai biết thói quen uống trà của ta.
Trời Dương Châu tháng này có phần rét buốt, ta đưa tay chạm nhẹ vào cái áo choàng còn mới tinh nguyên xếp gọn trên đầu nằm. Nếu nàng vẫn còn ở đây, ắt sẽ vội đem áo choàng khoác lên người ta, vừa khoác vừa lầm bầm làu bàu ta không biết trân trọng sức khỏe của mình. Ta thích nhất những lúc như thế, nhìn nàng lo lắng vì mình, ta sẽ có thể tin rằng, ít nhất trên đời này, vẫn còn có người thật lòng quan tâm ta.
Từ sau khi mẫu thân ta mất đi, chưa từng có ai quan tâm ta như thế.
Năm sáu tuổi, mẫu thân bệnh nặng qua đời. Ta mất đi chỗ dựa ở Tô phủ, cũng nhanh chóng bị lãng quên. Phụ thân không chỉ có một mình ta là con, ông ấy còn đại ca, còn tam đệ, còn tứ muội, ngũ muội. Đích mẫu vốn khôn khéo, chưa từng tỏ ra bạc đãi ta, người bên ngoài không biết còn nghĩ là bà ấy hiền hậu đức độ. Có điều, đó chỉ là họ nghĩ thế mà thôi. Hậu viện không minh tranh thì ắt có ám đấu, ta không ngốc nghếch đến mức tin rằng mẫu thân bệnh nặng mà chết là trùng hợp, bản thân ta trúng độc từ trong bào thai cũng là ngẫu nhiên, càng không thể tin, thuốc của ta bị người động tay động chân vào là vì muốn tốt cho ta.
Ta biết hết tất cả, nhưng vẫn xem như không hay không biết, kính cẩn hiếu thảo với đích mẫu. Bệnh của ta đã đi theo ta từ nhỏ, muốn khỏi hẳn là việc không thể, nhưng cũng không trầm trọng đến mức phải nằm liệt trên giường, ta lại luôn tỏ ra mình ốm yếu bệnh tật, quanh năm nằm trên giường bệnh, đích mẫu cũng giảm bớt nghi kị với ta, chỉ tập trung đối phó các di nương đệ muội khác.
Có lẽ ta bệnh lâu như thế mà vẫn chưa chết, đích mẫu đã nghi ngờ. Năm đó, đích mẫu muốn đưa ta đến thư viện, dù biết rằng đây chỉ là một kế muốn ta chết ở tha phương, nhưng ta vẫn thản nhiên mà rời phủ.
Người khác càng muốn ta chết, ta lại càng phải sống, nhất định phải sống mà quay trở về.
Năm Nguyên Thành thứ mười, Huy Châu có loạn, thư viện ở lân cận cũng đóng cửa. Rốt cuộc, ta cũng có cơ hội đường đường chính chính quay về Tô phủ, đòi lại những thứ vốn nên thuộc về ta.
Lúc đó, ta nào ngờ tới, chính tại thời điểm ấy, ta sẽ gặp được người khiến kế hoạch cả đời này của ta đều chệch hướng.
Đó là một ngày đông chí giá rét, ta ngồi trên xe ngựa trở về Dương Châu. Qua khung cửa xe, ta trông thấy một đứa bé. Đứa bé này chỉ trạc sáu, bảy tuổi, gầy tong như que củi, giữa trời rét buốt lại không có nổi một cái áo choàng ấm áp. Ta biết, nó nhất định rất lạnh, lạnh đến tê cứng chân tay, nhiều lần ngã sấp xuống đường. Mỗi lần như thế, đứa bé ấy vẫn cắn răng đứng dậy đi tiếp, ngã rồi lại đi, đi rồi lại ngã, nhưng nó chưa từng nản lòng. Một lúc sau, đứa bé ấy ngã quỵ trên tuyết, không đứng dậy nổi nữa.
Ta chợt nhớ tới bản thân mình. Ta cũng từng như thế, có lúc những tưởng đã là cùng đường tuyệt lộ, lại vẫn cắn răng mà sống tiếp, không chịu buông tay bỏ cuộc. Ta nghĩ, nếu lúc đó, có ai vươn tay ra với ta, ta đã không trở thành một kẻ mà ngay cả chính ta còn ghê tởm.
Vì thế, ta bỗng muốn giúp đứa bé này. Chẳng phải vì ta nhân từ thiện lương đến đâu, chỉ là bởi ta muốn thay bản thân hoàn thành mong ước thuở nhỏ.
Mong ước rằng, những ai muốn sống, đều có thể tiếp tục sống sót.
Ta bước xuống xe, vươn tay ra với đứa bé ấy.
Một khắc đó, chẳng rõ là may mắn hay là bất hạnh.
Ta chỉ biết, ta muốn đứa bé này phải sống.
Sau khi mang tiểu cô nương ấy về phủ, ta lại giả bệnh. Ta sợ đích mẫu e ngại sự trở về của mình, chỉ đành nằm trên giường bệnh để có chút thời gian yên ổn. Nào ngờ, tiểu cô nương này quả là ngốc, lại lên núi hái thuốc cho ta uống. Nếu ta không khỏe lại, chẳng phải sẽ đẩy nàng ấy vào chỗ bị người trong phủ làm khó hay sao?
Xem đi, ta mang đến cho bản thân một phiền phức to.
Nhưng ta lại không thể oán trách tiểu cô nương ấy, nói cho cùng, người ta cũng là có ý tốt, ta chỉ đành phải xuống giường.
Ta muốn tiểu cô nương rời đi Tô phủ, bởi vì nếu ở lại, ta chỉ có thể để nàng làm nha hoàn. Tô phủ phức tạp, với trí tuệ của nàng, chắc chắn sẽ bị bắt nạt. Ta không hảo tâm đến mức thời thời khắc khắc đều phải bận tâm bảo vệ thêm cho một người nữa.
Ta không muốn bản thân có bất kỳ gánh nặng gì. Như bây giờ mới là tốt nhất, không vướng không bận, không câu không nệ, ta có thể hi sinh bất kỳ ai để đạt được mục đích, càng không sợ ai trở thành nhược điểm của mình.
Nhưng mà, tiểu cô nương lại một mực muốn đi theo ta. Vừa nghe ta nói muốn đưa nàng về nhà, tiểu cô nương đã đỏ hoe khóe mắt, lệ rơi lã chã. Nàng vừa khóc vừa nói:
"Nô tỳ nguyện đi theo công tử, tận trung cả đời. Nô tỳ không còn nơi nào để đi, xin công tử đừng đuổi nô tỳ..."
Ta chưa từng nhìn thấy ai khóc xấu đến thế. Nữ nhân trong hậu viện, cho dù là khóc, cũng phải như lê hoa đẫm sương, không ai khóc thật như thế, có cảm giác tim gan đều sắp bị nàng khóc đến trôi tuột ra ngoài, lòng ta cũng bị nàng khóc đến mềm nhũn ra.
Ta khẽ thở dài, ôm nàng vào lòng, nhẹ dỗ:
"Thôi được, ở lại thì ở lại, nha đầu ngốc, còn khóc nữa thì cả phòng đều bị muội làm cho ngập lụt mất..."
Tiểu cô nương nín khóc ngẩng đầu nhìn ta, nhoẻn miệng cười một cái.
Ta thầm thở dài, rõ ràng biết rằng ta lúc này làm như vậy không giống như thường khi. Nếu là ta, thì hẳn không nên mềm lòng như thế. Nếu là ta, thì ắt phải mỉm cười gọi Tô Lục đưa nàng về quê.
Ta trở thành như thế này, thật là nguy hiểm.
Ta xoa xoa cốc trà trong tay, thầm nghĩ, thôi thì cứ cho nàng ở lại, đợi đến cập kê liền tìm một nhà tốt gả đi.
Chỉ là một tiểu nha đầu, ta dành chút thời gian bảo vệ nàng là được.
Từ đó, tiểu cô nương đi theo bên cạnh ta. Ta đặt nàng tên là Thanh Y, là lấy từ câu "Ý thương ngọc, phục thanh y" trong "Lễ Ký - Nguyệt lệnh", ý rằng từ nay nàng sẽ là người kề cận bên ta. Y Y cũng không phụ lại cái tên này, tuy không thông tuệ, nhưng lại rất ngoan ngoãn, chưa từng gây ra rắc rối gì cho ta. Nàng không thích chạy nhảy đông tây, ngày ngày đều đứng bên người ta. Ta bảo gì thì nàng làm đó, nếu có chỗ không đúng, ta nhắc nhở, nàng liền sửa đổi. Y Y không giỏi đọc sách viết chữ, nhưng chỉ cần là ta dạy nàng, nàng đều cố gắng ghi nhớ hết tất cả. Ta thật sự rất thích tính tình của Y Y, ở cạnh nàng cũng cảm thấy dễ chịu hơn, liền nâng Y Y lên nhất đẳng nha hoàn, miễn cho nàng những việc khác, chỉ cần hầu hạ bên cạnh ta là đủ.
Y Y đối với ta quả thực là tận tâm tỉ mỉ. Từ sau khi mẫu thân mất đi, chưa có ai quan tâm đến ta từng li từng tí như nàng. Nàng biết hết tất thảy sở thích cùng thói quen của ta. Chỉ cần ta thoáng nhíu mày, nàng đã biết lý do vì sao. Khi ta viết chữ, mực vừa chuẩn bị cạn, nàng đã mài thêm. Khi ta đọc sách, trà vừa lạnh đi một chút, nàng đã pha trà mới. Mỗi đêm ta trở về, đều thấy nàng đã thắp sẵn đèn chờ ta. Cứ thế, nàng ở bên ta, cùng ta đi qua đoạn đường dài, từ một thứ tử không ai xem trọng, cho đến trụ cột duy nhất của Tô gia.
Lúc ấy, chỉ cho là tầm thường.
Ngày sau nhớ lại, mới biết, từng chút từng chút, đều là tâm ý thầm lặng của nàng.
Đáng tiếc, khi đó, đã chẳng còn ai đợi ta ở nơi đèn đuốc lập lòe.
Năm ta mười chín tuổi, trong phủ có thêm một biểu muội, là cháu gái của đích mẫu, bởi vì phụ mẫu đều qua đời mà phải đến đây ở nhờ. Đích mẫu rất yêu thương cô ấy, có ý muốn tác hợp cho cháu gái cùng ta.
Thật ra, từ rất sớm, ta đã biết, ta chỉ có thể cưới biểu muội.
Người đời đều cho rằng nước phù sa không nên để chảy ra ruộng ngoài. Đích mẫu lại khôn ngoan hơn nhiều. Ngay cả khi đại ca còn sống, bà đã muốn ta cưới biểu muội. Bởi vì, ta dù gì cũng là huyết mạch Tô gia, vẫn sẽ được chia phần gia sản. Biểu muội gả cho ta, gia sản vẫn sẽ là của đích mẫu. Sau khi đại ca qua đời, ta càng phải cưới biểu muội. Có như vậy, bà ấy mới có thể tiếp tục giữ vững địa vị ở Tô phủ.
Ban đầu, ta quả thật không chán ghét gì biểu muội. Cô ấy chỉ là quân cờ của cô ruột của mình, hoàn toàn không biết chút gì, cả ngày cứ ngây ngây ngô ngô tìm ta chơi.
Sau đó, có một ngày, trong lúc huyên thuyên kể chuyện, biểu muội buột miệng nói ra một câu:
"Cô mẫu bảo, thị thiếp đều là ti tiện, thủ đoạn không thể lường được. Huynh phải cẩn thận các di nương của cô phụ mới được."
Ta nhìn cô ấy, khẽ nói:
"Sinh mẫu của ta cũng chỉ là thị thiếp."
Năm đó, mẫu thân ta với phụ thân là thanh mai trúc mã. Mẫu thân ngày ngày dệt vải thêu thùa, kiếm tiền nuôi lang quân ăn học. Sau khi đỗ được một cái danh tú tài nho nhỏ, ông ấy liền kết duyên cùng thiên kim tiểu thư nhà giàu có, bắt mẫu thân phải làm thiếp.
Đời này của ta hận nhất, chính là có kẻ gièm pha thân phận của mẫu thân.
Biểu muội biết mình lỡ lời, cũng không dám nói gì nữa.
Biểu muội cũng có thể tính là tốt với ta. Nhưng mà, sự ái mộ mà cô ấy dành cho ta, chẳng qua là vì không biết ta vốn là người thế nào. Từ đầu chí cuối, người mà cô ấy nhìn thấy, đều không phải là ta, mà chỉ là một cái mặt nạ. Biểu muội không giống như Y Y. Biểu muội tốt với ta bởi vì vô tri, còn Y Y, chính là vì thấu hiểu, cho nên khoan dung.
Ở trước mặt Y Y, ta chưa từng phải che giấu chính mình. Lúc ta giao cho nàng việc của Lục di nương, ta đã từng nghĩ, nếu Y Y sợ hãi, ta sẽ thả nàng ra phủ, không để nàng tiếp tục ở trong vũng nước đục này. Kết quả, nàng sợ, nhưng vẫn làm. Y Y chưa từng hỏi ta vì sao phải làm như vậy, bất kể thế nào, nàng cũng tin tưởng ta, nghe lời ta.
Ta nhớ, có một lần, ta đang chong đèn đọc sách, biểu muội đến, muốn ta cùng chơi với cô ấy. Ta từ chối, biểu muội liền giận dỗi thổi tắt ngọn đèn. Đợi biểu muội đi rồi, Y Y lập tức thắp đèn lên cho ta.
Ta biết, chỉ có Y Y hiểu được dã tâm của ta, hoài bão của ta.
Sau đó, biểu muội nhận lại phụ thân, trở thành Quận chúa của Cảnh vương phủ. Cảnh vương nói với ta:
"Linh nhi không tim không phổi, không có tâm cơ để bảo vệ mình. Bản vương chỉ an tâm gả nó cho ngươi."
Vì thế, ta chuẩn bị cùng biểu muội thành thân.
Trước hôn lễ ba ngày, biểu muội bị hái hoa tặc Lưu Nhất Phương bắt đi. Sau khi cứu cô ấy trở về, người người đều đồn đoán về danh tiết của biểu muội, ta nói:
"Bất luận đã xảy ra chuyện gì, ta cũng không để tâm. Chỉ cần về sau chúng ta cầm sắt ân ái, quá khứ như thế nào cũng không quan trọng."
Nào ngờ, biểu muội quả thực chỉ ngại thế giới không loạn, trước mặt bao người nói muốn từ hôn với ta, bởi vì chân ái trong lòng của cô ấy chỉ có hái hoa tặc kia.
Mọi người đều đang nhìn ta, đang cười ta. Bọn họ cười ta vô năng, cười ta bị một tên đạo tặc cướp mất thê tử.
Trong đời ta, chưa bao giờ chịu nhục đến vậy.
Đêm đó, ta đang ngồi trong đình ngắm trăng, Y Y đến bên ta, không nói không rằng, chỉ im lặng đứng bên ta cả một đêm.
Thật ra, không phải ta không nhìn thấy tâm ý của Y Y, cũng không phải ta vô tình. Nhưng mà, ta lại không thể đáp lại nàng. Ta còn phải đi một con đường rất dài, ta cần một thê tử có gia thế hiển hách có thể trợ lực cho ta. Ta không thể cho Y Y vị trí chính thê. Vì vậy, ta chưa bao giờ hứa hẹn với nàng điều gì, cũng chưa từng chạm vào nàng.
Ở địa vị của ta, muốn thu nàng vào phòng chỉ là chuyện nhỏ.
Nhưng mà, ta lại không muốn. Ta không muốn Y Y phải ở dưới người khác cả đời, giống như mẫu thân của ta. Làm thiếp nhà giàu còn chẳng bằng làm chính thê nhà thường dân. Chí ít, còn có thể an ổn một đời.
Cho dù ta có thể lợi dụng tất cả người trong thiên hạ, cũng không nỡ lợi dụng Y Y.
Bởi vì, nàng là người duy nhất thật lòng với ta trên đời này.
Không ngờ tới, cuối cùng, vẫn là ta khiến nàng tổn thương sâu nhất, sâu đến mức tiểu cô nương từng gắng gượng kiên cường đứng dậy trong gió tuyết ấy, lại có thể buông bỏ sinh mệnh của mình.
........
Ta cứ thế ngồi từ đêm khuya đến hừng đông.
Bây giờ, đã chẳng còn ai lặng im bên cạnh ta, cùng ta trải qua đêm dài.