Cùng Kẻ Thù Thành Thân

Chương 35




“Điện hạ, vừa rồi Phù đại công tử có đến đây.” Trên đường hồi cung, tiểu thái giám cầm đèn đi bên xe ngựa, bước nhanh nói, “Ở ngoài cửa nghe hai câu, liền đi rồi.”
 
Đèn lưu ly treo trên xe ngựa khẽ lay lay, lầu các trên đường dần dần lùi về sau, ẩn vào trong bóng đêm. Chu Văn Lễ đặt tay lên trán, nhắm mắt dưỡng thần, nghe xong liền hỏi: “Ồ? Hắn nghe được gì rồi?”
 
Thái giám đáp: “Đại khái là lúc người đang nói về nửa khối ngọc kia.”

 
Chu Văn Lễ mở mắt, trong đôi mắt đen nhánh lộ ra tia mất mát nhàn nhạt. Trong đầu lại ẩn hiện màn vừa rồi trong Quảng Nghiệp đường, đôi mắt Khương Nhan nhìn hắn cười, trong vắt không nhiễm chút tạp chất.
 
Nàng nói: “Ta cũng không phải muốn bội ước, chỉ là ta cảm thấy tình cảm giữa hai người vốn không nên dựa vào một khối ngọc lạnh băng quyết định.” Nhìn thấy Chu Văn Lễ ngỡ ngàng, nàng lại cười, “Lúc cánh chim đã vững chãi mới đi tìm bạn đời, người sao lại không phải thế chứ?”
 
Chu Văn Lễ nghĩ, hắn rất nhiều năm sau đại khái sẽ nhớ nụ cười này, lời nói này của nàng.
 
“Ta từng vọng tưởng bản thân có thể nhân lúc sơ hở mà xen vào, nay xem ra, quả thật là vọng tưởng mà thôi.” Chu Văn Lễ cười khổ nói.
 
“Điện hạ cũng đến tuổi lập thái tử phi, nếu thật sự để ý Khương gia cô nương, tại sao không xin nương nương một đạo ý chỉ ban hôn?” Tiểu thái giám hỏi, “Thiên hạ sau này đều là của người, càng huống hồ là một vị nữ tử.”
 
Chu Văn Lễ xua tay, nghiêm túc đáp: “Quân không đoạt vợ thần, huống hồ không phải là lưỡng tình tương duyệt, đoạt được thì có ích gì?”
 
Tiểu thái giám cố gắng nói tiếp: “Đại công tử không phải vẫn chưa thành hôn với Khương gia cô nương sao, chưa thành hôn sao tính là phu thê chứ, điện hạ vẫn có cơ hội mà.”
 

Chu Văn Lễ nhíu mày, lập tức lại giãn ra, thở dài nói: “Phụ hoàng bệnh nặng, mẫu hậu lại không khỏe trong người, rất nhiều sự vụ trên người, chuyện riêng để sau hẳn nói.”
 
 

Không khí ngày xuân rất đẹp, Quốc Tử Giám tổ chức vài ngày học bắn cung.
 
Nghe nói Thái thiên hộ trong trận Sóc Châu lập được chiến công, thăng thành phủ sử cẩm y vệ của Bắc trấn phủ tư (nguyên văn là Nam trấn phủ tư nhưng vì sau này đều là Bắc trấn phủ tư nên em đổi lại cho thống nhất), cho nên năm nay người dạy bắn cung đổi thành thiên hộ cao gầy – Hồ Tư Đức. Hồ thiên hộ là người lạnh lùng, cứng ngắc, không hàm hậu như Thái thiên hộ, dạy học trò đều yêu cầu rất nghiêm khắc, mới trải qua hai ngày đã khiến phần lớn học trò Quốc Tử Giám không ngừng than khổ. Chẳng qua hắn đối với học trò nữ ngược lại không có yêu cầu gì, làm mẫu một lần liền để các nàng tự do luyện tập.
 
Cách mấy tháng cầm lại cung tên, ám ảnh cùng sự hoảng sợ trong lòng dường như lần nữa lại bị khơi dậy, cảnh chiến hỏa bên biên cảnh hiển hiện trước mắt, máu tươi dính trên mũi tên, đặc sệt tanh nóng.
 
Khương Nhan kéo liên tiếp ba tên, tuy trúng vào bia cỏ, nhưng bất kể thế nào, nàng cũng không bắn ra lực đạo chuẩn xác như lúc đứng ngoài cửa động đường hầm.
 
Luyện tập một lúc, Khương Nhan điều chỉnh lại tâm tình, cầm cung tên dịch đến bên cạnh ổ Miên Tuyết. Nhìn nàng cố ý bắn tên lệch, Khương Nhan không nhịn được hỏi: “A Tuyết, ngươi không thể để ta nhìn thấy thực lực thật sự của ngươi ư?”
 
Ổ Miên Tuyết cầm cung tên cong cong, mím môi cười: “Ta sợ dọa đến các ngươi.”
 
Nàng ta vừa nói như thế ngược lại gợi lên sự tò mò của Khương Nhan. Nàng cười giục Ổ Miên Tuyết: “Không sợ, không sợ, mau để ta mở rộng tầm mắt đi!”
 
Ổ Miên Tuyết không lay chuyển được nàng, kéo cung cong như trăng tròn, lực cánh tay lớn đến kinh người, mũi tên vừa bay ra, liền xé gió mà bay đi, ghim vào hồng tâm của bia cỏ ở mười trượng xa.
 
Khương Nhan vẫn còn chưa kịp kinh ngạc, Ổ Miên Tuyết lại bắn ra một mũi tên, mũi tên này trực tiếp xuyên qua bia cỏ ghim vào bức tường đằng sau! Bia cỏ bị xuyên, mảnh vụn không ngừng rơi trong không trung, lả tả rơi xuống, lực cánh tay không kém Phù Ly là bao.
 
Hai mũi tên này quá mức long trời lở đất, thu hút sự chú ý của những người xung quanh, sôi nổi khen: “Là ai bắn thế?”
 
“Nàng ta ư? Sao lại lợi hại thế chứ?”
 
“Một cô nương, sức mạnh lại ngang với nam tử, không ngờ nàng lại là một người thâm tàng bất lộ nha!”
 
“Ta nói nàng ta thường ngày là vờ yếu ớt thì có.” Đột nhiên có một giọng nói không hài hòa truyền đến, Tiết Vãn Tình cầm lấy một mũi tên đứng dưới gốc cây thờ ơ quan sát, ghen tị hỏi, “Chẳng trách không ai dám đến Ổ gia cầu hôn, thô lỗ như vậy, ai dám thích chứ?”
 
“Huyện chúa nói lời này sai rồi, có người thích nữ tử liễu yếu tơ đào, cũng có người thích nữ trung hào kiệt." Ngụy Kinh Hồng đứng bên cạnh, nháy cặp mắt hoa đào, cười khanh khách xen miệng nói, “Ổ gia tiểu cô nương, ta khá thích.”
 
Tiết Vãn Tình bị nghẹn họng, có chút không xuống thang được, chỉ đành giận dữ nói với Lý Trầm Lộ: “Bọn họ là cùng một giuộc! Chúng ta đi!”
 
Ngụy Kinh Hồng chọc giận Tiết Vãn Tình bỏ đi, trong lòng vui vẻ, cầm cung tên bước đến nói với Ổ Miên Tuyết mặt đỏ ửng: “Vài ngày nữa là đến ngày nghỉ tháng rồi, A Tuyết cùng bọn ta đi leo núi đạp thanh, khúc thủy lưu thương* dạo chơi không?”
 
(*Khúc thủy lưu thương: Là một phong tục truyền thống của cổ đại Trung Hoa, các thi nhân sẽ vừa uống rượu đọc thơ, ngâm hát. Diễn ra vào trong tháng ba âm lịch, mọi người sẽ ngồi ở hai bên bờ sông, thả ly rượu từ trên thượng nguồn, ly nước sẽ xuôi dòng chảy xuống, đến trước mặt ai, người đó sẽ cầm ly uống rượu, nhằm xua đi tai họa không may mắn.)
 
Ổ Miên Tuyết nhanh nhẹn thu lại cung tên, đặt mu bàn tay dán lên gương mặt nóng bỏng, cũng không biết là bị mặt trời phơi hay là vì điều khác, vẻ mặt ửng đỏ, nhỏ giọng nói: “Ai là A Tuyết của ngươi!”
 
“A Tuyết là tên cho mọi người gọi, lại không cho ta gọi sao?” Ngụy Kinh Hồng cố ý ra vẻ nghĩ ngợi, hỏi, “Thế gọi nàng thế nào mới tốt đây, Tuyết Nhi? Tiểu Tuyết?”
 
Ổ Miên Tuyết trừng mắt nhìn hắn: “Ta không am hiểu làm thơ, trò khúc thủy lưu thương không hợp với ta.”
 
“Chuyện đó không sao cả, rượu để nàng uống, thơ để ta làm.” Nói rồi, hắn lại nhìn Khương Nhan cười, “Khương tiểu cô nương cũng đi, Phù Ly và Trình Ôn cũng đi, mọi người cùng nhau đi chơi.”
 
Nói đến đây, Ngụy Kinh Hồng liền kéo Phù Ly lau mồ hôi lướt qua, hứng thú bừng bừng hỏi: “Phù Ly, ngày nghỉ tháng cùng bọn ta đi đạp thanh được không?”
 
Phù Ly lạnh lùng bước qua: “Không đi.”
 
Ngụy Kinh Hồng: “Khương Nhan cũng đi.”
 
Phù Ly quả nhiên dừng bước, “Đi đâu?”

 
“Tây Sơn. Có núi rừng bát ngát cùng nước chảy róc rách, còn có thể ngắm hoàng hôn.” Ngụy Kinh Hồng vỗ vai Phù Ly, lại nháy mắt với Khương Nhan, “Có thể dẫn theo Nguyễn tiểu cô nương nữa, cứ định như thế đi!”
 
 
Tây Sơn là một tòa núi đơn độc bên cạnh núi Kê Kê, đường đi quanh co nhỏ hẹp, cũng khá gập ghềnh, rừng cây cũng rậm rạp, đi vào càng sâu cổ thụ chọc trời che phủ, cành lá giao nhau, cơ hồ không nhìn thấy ánh mặt trời trên đỉnh đầu, không khí mang theo hơi lạnh ẩm ướt.
 
Đến nửa lưng núi, đã có thể nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, vén cây trúc dại chắn ngang ra, trước mắt liền hiện lên con đường đá nhỏ phủ đầy rêu xanh, cuối đường là một con suối uốn lượn trong vắt. Nhóm Ngụy Kinh Hồng và Phù Ly đặt chân đến đây trước, sau đó liền nhìn thấy ba người Khương Nhan, Nguyễn Ngọc và Ổ Miên Tuyết đến, trong tay Ngụy Kinh Hồng cầm một đoạn măng non vừa hái, trong miệng ngậm một nhánh cỏ đuôi chó, cười tủm tỉm vẫy tay với các cô nương: “Bên này, bên này! Chờ các ngươi lâu quá!”
 
Khương Nhan cả người đầy mồ hôi, sau lưng áo xuân ướt đẫm một mảng, lau đi vầng trán đầy mồ hôi bước đến hỏi: “Các ngươi đang nướng gì thế? Thơm quá đi!”
 
Trình Ôn thêm hai nhánh cây khô vào trong đống lửa, gương mặt có chút nhợt nhạt, dường như khá mệt mỏi, không quá khỏe khoắn, miễn cưỡng cười nói: “Nướng cá, vừa rồi Phù công tử dưới suối bắt được.” Nói rồi, hắn chỉ chiếc đệm bên cạnh, cẩn thận nói: “Nguyễn cô nương, các ngươi đến đây ngồi nghỉ tạm đi, các ngươi ngồi nghỉ chút, cá rất nhanh nướng xong rồi.”
 
“Hai con cá không đủ chia, Phù Ly, nếu không ngươi bắt thêm hai con cá?” Ngụy Kinh Hồng ngồi xếp bằng trên mặt cỏ, cười giảo hoạt như hồ ly.
 
Phù Ly vô thức nhìn Khương Nhan một cái.
 
Khương Nhan hiểu ý, vội vàng xua tay nói: “Không cần đâu, ta không thích ăn cá.” Thế là Phù Ly đáp lại Ngụy Kinh Hồng: “Ngươi tự đi bắt đi.”
 
Ngụy Kinh Hồng u oán, mắng tiếng ‘Thấy sắc quên bạn’.
 
Trong rừng trúc lại vang lên tiếng sột soạt, có tiếng bước chân đến gần, Khương Nhan ngồi bên bờ suối dùng tay quạt gió, nghe tiếng liền nhìn lại, tò mò hỏi: “Ngoại trừ chúng ta, còn có ai đến nữa?”
 
Vừa dứt lời, một bóng dáng quen thuộc từ rừng trúc xuất hiện. Khoảnh khắc nhìn thấy, Khương Nhan và Ổ Miên Tuyết đều có chút ngỡ ngàng, rõ ràng là không ngờ đến người ung dung bước đến lại là hắn.
 
Quý Huyền.
 
Ngược lại là Ngụy Kinh Hồng phản ứng trước tiên, giọng nhiệt tình lôi kéo: “Tư Nguy, ngươi đến rồi hả? Qua đây ngồi đi.”
 
Quý Huyền tự Tư Nguy. Quý Bình – ca ca hắn tự Cư An.
 
Vốn là ‘Cư An Tư Nguy’** là một đôi huynh đệ tốt, mà nay lại chỉ còn mỗi mình hắn.
 
(**Một câu thành ngữ của Trung Quốc,ý chỉ trong cảnh yên vui cần nghĩ đến khả năng có nguy hiểm, nhắc nhở đề cao cảnh giác đề phòng hậu hoạn)
 
“Ngụy công tử mời ta đến đây, quấy rầy đến nhã hứng của mọi người rồi.” Quý Huyền lạnh nhạt cười, ngồi xuống bên bờ xuống. Hắn dường như có gì đó muốn nói, do dự hồi lâu mới tự rót cho mình một ly rượu, nâng ly với Phù Ly: “Phù đại công tử, ly này ta kính ngươi. Ban đầu huynh trưởng ta gặp nạn, ta nhất thời không thể chấp nhận được, đối với ngươi có rất nhiều lời giận lẫy, nhưng thật sự không có ý gì, mong đại công tử tha thứ!”
 
Phù Ly rũ đôi mắt thanh lạnh xuống, im lặng đổ một ly rượu, kính trả Quý Huyền: “Ta không hề để trong lòng chuyện đó.”
 
Quý Huyền nhẹ nhõm thở ra một hơi, cùng Phù Ly ngẩng đầu uống cạn ly này, liền xem như hóa giải ân oán giữa hai bên.
 
Hóa giải nút thắt để lâu trong lòng, Khương Nhan nhìn thấy cũng vì Phù Ly mà vui vẻ.
 
Ngày xuân chan hòa, cây cỏ xum xuê, bên mũi thoang thoảng hương cây cỏ trong lành. Mọi người trò chuyện một lúc, ăn chút bánh tự mang theo, Ngụy Kinh Hồng liền đề nghị: “Đương lúc ngày xuân tháng ba, chi bằng chúng ta cũng chơi khúc thủy lưu thương để hợp khung cảnh đi.”
 
Dứt lời, hắn liền tự lấy ly gỗ đổ đầy rượu, bước lên thượng nguồn con suốt, lại bảo những người còn lại ngồi ở hai bên bờ suối, ly rượu thuận theo dòng nước chảy đến trước mặt người nào, người đó liền uống cạn ly rượu, lại làm một câu thơ để trợ hứng.
 
Vừa khéo là, ly rượu đầu tiên lại dừng ngay trước mặt Ngụy Kinh Hồng. Hắn cầm lấy ly rượu uống cạn dưới sự vỗ tay của Khương Nhan và Ổ Miên Tuyết, sau đó ưu nhã phe phẩy quạt nói: “Mi phong yên liễu sắc, thần nhiễm hải đường hồng.***”
 
(*** Mày liễu mắt khói, môi đỏ tựa hải đường)

 
Vừa nói hai câu này, Khương Nhan liền phì cười khen: “Cái này không hay.”
 
Ngụy Kinh Hồng không phục: “Sao lại không hay? Vạn vật trời đất, chỉ có mỹ nhân là nghe mãi không chán.”
 
“Ngươi đường đường là nam tử miệng lại đầy lời khuê oán, đương nhiên không hay. Chi bằng, ta thay ngươi làm hai câu.” Nói rồi, nàng nghiêng đầu nghĩ ngợi, liền nói, “Mi phong yên liễu sắc, thần nhiễm hải đường hồng. Nhất triều thức chỉ phấn, sách ngựa vãn đại cung****.”
 
(**** Mày liễu mắt khói, môi đỏ tựa hải đường. Lau đi son phấn, giục ngựa cầm đại cung.)
 
“Có ý tứ.” Trình Ôn bình nói, “Hai câu trước của Ngụy công tử miêu tả nét dịu dàng, xinh đẹp của nữ tử, mà hai câu Khương cô nương bổ sung lại xoay chuyển tình huống, lộ ra sự hào sảng của nữ trung hào kiệt, trong nhu có cương, ngược lại càng độc đáo hơn khuê các truyền thống.”
 
Ngụy Kinh Hồng nói: “Mỹ nhân dịu dàng của ta đến lượt nàng lại biến thành ý vị này, hay chỗ nào chứ!”
 
Khương Nhan nhướng mày phản bác: “Hôm trước ai vừa trước mặt mọi người nói mình thích nữ anh hùng, thích A Tuyết như thế nhỉ?”
 
Thế là mọi người liền cười lớn.
 
Phù Ly mấy lần mở miệng đều không xen lời vào, chỉ là căng thẳng, lạnh mắt nhìn Khương Nhan đấu võ mồm với Ngụy Kinh Hồng, trên đỉnh đầu dường như phủ một tầng mây u ám, ngón tay dùng sức, suýt nữa bóp nát ly rượu trong tay.
 
Đúng lúc này, một ly rượu xuôi dòng nước suối khúc khuỷu chảy xuống, xoay một vòng liền dừng đến trước mặt Phù Ly. Thế là Ngụy Kinh Hồng lau đi nước mắt vì cười bên khóe mắt, nói với Phù Ly đang trưng gương mặt lạnh nhạt: “Phù Ly ngươi mau làm một bài thơ đi, để Khương tiểu cô nương kiêu căng cùng cực này biết chút lợi hại đi, làm giảm nhuệ khí của nàng!”
 
Dưới ánh nhìn của mọi người, Phù Ly nhàn nhã cầm ly rượu nổi trên suối, ngửa đầu uống cạn, đường cong xinh đẹp dưới cằm kéo dài đến cổ, hầu kết theo động tác nuốt xuống mà dao động lên xuống, vừa anh tuấn vừa tiêu sái. Sau đó hắn đưa tay áo lau khóe môi, đôi mắt lạnh lùng nhìn chằm chằm Khương Nhan, ung dung mở miệng: “Nhật nguyệt khả băng tỏa, kì nặc bất khả tuyệt. Hòa Thị ngọc***** do tại, an cảm hủy cố ước?******”
 
(*****Ngọc Hòa Thị là loại ngọc bích nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, là vật quý dùng để khắc con dấu)
 
****** Nhật nguyệt có thể đổ, lời hứa không thể nuốt. Ngọc Hòa Thị vẫn còn, nào dám hủy hẹn xưa?”)
 
Thơ này hắn cố ý làm vì Khương Nhan, rất rõ ràng là đọc cho mình nàng nghe.
 
Khương Nhan mờ mịt: “Ngọc Hòa Thị?” Sao đột nhiên lại nhắc đến chữ ‘ngọc’ thế?
 
Ngụy Kinh Hồng xoa cằm: “Sao ta cảm thấy bài thơ này chua chua nhỉ?”
 
Ổ Miên Tuyết gật đầu: “Ta cũng cảm thấy thế.”
 
Nguyễn Ngọc giơ tay: “Ta cũng vậy.”
 
Trình Ôn: “Ta cũng... Khụ, không có gì.”
 
 



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.