Lại một năm nữa, xanh bờ dương liễu, “Áo ai ướt đẫm mưa hoa hạnh, mặt thời êm ả gió cành dương (1)''.
(1) Trích hai câu thơ cuối trong bài Tuyệt cú của nhà thơ Tăng Chi An thời Tống.
Từ cuối mùa thu năm ngoái, sau khi Thẩm Hồng lấy Đỗ Linh Nhược và tôi làm bình thê cùng một ngày, sức khoẻ vốn đã không tốt lắm, bởi trước đó nát rượu trong một thời gian dài, tinh thần bị dằn vặt, cộng thêm lửa giận công tâm, nhất thời lại bỗng đổ bệnh. Bệnh tình lần này đến với khí thế hung hăng, đại phu chẩn đoán là do trúng gió. Triệu chứng của trúng gió là bản hu tiêu thực (2), âm dương không cân bằng, khí cơ rối loạn; tiêu biểu là phong hoả cùng đốt, đờm bị tắt nghẽn, ứ huyết bên trong. Căn bệnh này của Thẩm Hồng làm da thịt tê bì, mắt miệng méo vẹo, mở miệng khó khăn.
(2) Bản hư chủ yếu là ba tạng âm hư, đó là phế, tỳ, thận, trong đó thận hư là chính. Tiêu thực chủ yếu là táo nhiệt dương cang, thường kèm theo huyết ứ đàm.
Đỗ Linh Nhược vốn hận Thẩm Hồng và tôi thấu xương, kể từ đó, lại càng không đến thăm chàng. Thẩm gia lớn như vậy, chỉ còn tôi và Băng Ngưng, Bảo Bảo, Minh Nguyệt Hân Nhi ngày đêm chăm sóc Thẩm Hồng. Nữa năm trôi qua, dù bệnh tình của chàng phần nào chuyển biến tốt đẹp, nhưng vẫn nằm bẹp không dậy nổi. Lão phu nhân vốn mang thành kiến với tôi, nhưng thấy tôi chăm nom Thẩm Hồng, áo không kịp cởi đai (3), hết lòng hết sức, trong lòng cũng tiêu tán được ít nhiều.
(3) Nguyên văn là "Y bất giải đái", ý chỉ sự chăm sóc bận rộn hết lòng, toàn tâm toàn ý đến mức không có thời gian mà thay áo.
Nửa năm nay, Lão phu nhân rõ ràng già và tiều tuỵ đi rất nhiều. Dù là như thế, nhưng những việc của Thẩm gia, bà vẫn tự mình cáng đáng, rất ít khi giao cho Thẩm Phúc, Thẩm Tề làm.
Mai Nhiêu Phi lại sinh được một bé gái nữa, đặt tên là "Linh Nhi", nhưng bé gái này sinh ra đã bị sứt môi. Mai Nhiêu Phi từng dặn dò Cúc ma ma mời một thầy tướng đến, thầy tướng nói là oan hồn quấn chân, gia đình bất ổn, từ đó về sau Mai Nhiêu Phi bỗng nhiên lâm vào trạng thái tinh thần kích động. Phu thê Thẩm Tề, Sầm Khê Huyền nữa năm qua cũng yên chuyện rất nhiều. Chỉ có điều bọn họ thay đổi hoàn toàn hay có mưu đồ khác, không ai biết được. Tóm lại, bệnh tình của Thẩm Hồng đã tác động đến phần lớn tâm tư của tôi, tôi cũng không còn lòng dạ nào để đoái hoài đến chuyện của người khác.
Nửa năm nay, Thẩm gia bỗng dưng yên bình hơn nhiều. Nhưng thứ yên bình này chỉ biểu hiện ra bên ngoài, còn bên trong, rất nhiều người đêu mưu toan không ngừng, Thẩm gia lúc này có cảm giác như khoảng lặng trước cơn bão.
Cuối tháng Ba, huyện nha bỗng nhiên dán thông cáo, nói rằng Trấn quang đại tướng quân do Hoàng thượng mới phong tước sắp sửa đưa gia quyến hồi hương thăm nhà. Huyện nha hạ lệnh cho toàn bộ hương thân phú hộ và tất cả những người có công danh, ngày mùng Một tháng tư, cả nhà đều phải đến Thập Lý đình ngoài thành để nghênh đón. Lúc công văn phát đến Thẩm gia, tất cả chúng tôi đều đang vấn an Lão phu nhân ở chính đường. Lão phu nhân xem qua công văn, nói: "Nam đinh của Thẩm gia, trừ Hồng Nhi sức khoẻ kém không đi được, những người khác đều đi hết. Nữ thân quyến trong nhà, Phi Nhi hậu sản chưa được bao lâu, thân thể suy yếu, cứ ở lại nghỉ ngơi cho khoẻ đi. Nhược Nhi, Huyền Nhi đi theo ta". Lão phu nhân nói xong, liếc xéo sang tôi, cuối cùng, nói thêm một câu: "Dung Nhi cũng cùng đi theo đi". Ba người chúng tôi nhất tề đáp lời. Lão phu nhân không đếm xỉa đến tôi cũng đã lâu rồi, hiện giờ bỗng nhiên bảo muốn tôi đi cùng, trong lòng bà hẳn không oán giận tôi đến mức đó.
Mùng Một tháng Tư, ngày đại cát,hợp xuất hành, hợp gả cưới.
Mới tờ mờ sáng sớm, Lão phu nhân đã đưa theo cả đám nhân khẩu nhà họ Thẩm, theo tầng tầng lớp lớp những người trong thành nghênh đón đại quân, đi đến Thập Lý đình ngoài thành.
Đợi một mạch hơn hai canh giờ, đã nữa buổi sáng, cái ông Trấn quan đại tướng quân kia còn chưa thấy đến, có một số người bắt đầu thấy sốt ruột. Tuy rằng thời tiết tháng Tư ở Duy huyện không quá nóng bức, thế nhưng cũng nắng đến mức làm người ta phát hoảng. Vì thế, rất nhiều người bắt đầu than phiền, mãi đến khi có người của huyện nha ra mặt ngăn cấm, mọi người mới không lên tiếng nữa, nhưng dường như ai nấy ỉu xìu mặt mũi, bộ dáng lờ đờ.
Đương lúc nhàm chán, không biết ai đó hô lên một câu: "Đến rồi!". Ngay sau đó, liền thấy có một đám người bắt đầu đi vào bên trong con đường cái. Đội nghi thức do huyện nha mời đến liền bắt đầu khua chiêng gõ trống, còn có người châm ngòi pháo trúc, nổ đì đà đì đùng, trong chốc lát, không khí náo nhiệt hẳn lên.
Chẳng bao lâu sau, liền thấy có một tốp người cưỡi ngựa vây quanh hai cỗ kiệu hóng gió tiến lên. Đi phía trước, khắp thân kiệu phủ màu đỏ sẫm, chóp kiệu gắn bạc, rèm kiệu màu đen, hai bên cửa sổ của kiệu có tám người khiêng. Đi phía sau là cỗ kiệu thân màu xanh, chung quanh điểm xuyết cẩm thạch khảm hoa, bỗng dưng cho người khác cảm giác cẩm tú vinh hoa, mái kiệu còn điểm chuỗi ngọc, hai bên cửa sổ có bốn người khiêng. Tiếp sau kiệu là hơn chục người cưỡi ngựa, ai nấy đều vận quân trang, hẳn là một khí thế khiến người ta phải kính nể. Phía trước kiệu có một tiểu tư sai vặt gõ chiêng dẹp đường. Tôi tỉ mỉ đếm, tiếng chiêng vang lên mười ba lần.
Ở Tây Tống, đại thần triều đình xuất hành đều dùng tiếng chiêng dẹp đường, nhưng âm thanh của chiêng thì khác nhau. Tri huyện xuất hành thì gõ bảy tiếng chiêng, ý là "Quân dân đang chờ cùng tránh ra", tri phủ xuất hành thì gõ chín tiếng chiêng, ý là "Quan lại, quân dân đang chờ cùng tránh ra", đại quan nhất phẩm và khâm sai đại thần xuất hành thì gõ mười một tiếng chiêng, ý là "Quan lại lớn nhỏ, quân dân đang chờ cùng tránh ra". Tiếng chiêng của vị tướng quân này lại có thể được triều đình ân chuẩn vang lên mười ba lần, có thể thấy được địa vị hiển hách, là đại tướng biên cương nhất hạng.
Ngay tức khắc, Tri huyện Mai Mặc dẫn đầu hương thân và những người có công danh trong huyện cùng nhau quỳ xuống, hô to: "Cung nghênh Trấn quan đại tướng quân vinh quy hồi hương!". Thanh thế to lớn vô cùng, không gì sánh nổi.
Chỉ thấy trong chiếc kiệu đỏ sẫm kia, một giọng nam trầm mạnh cất lên: "Lần này Viên mỗ và nội tử hồi hương thăm nhà, được các vị hương thân đến nghênh đón, Viên mỗ cảm kích không cùng!".
Nghe xong lời vị tướng quân kia nói, trong lòng tôi bất chợt chấn động, chỉ cảm thấy dường như đã từng quen biết giọng nói này, nhưng nhất thờ lại có cảm giác bắt đầu lẫn lộn.
Tri huyện Mai Mặc nói: "Huyện dân Duy huyện có thể đến nghênh đón lần thăm viếng của Đại tướng quân, quả thật vinh là hạnh cho toàn huyện. Khởi bẩm Đại tướng quân, phủ đệ xây dựng theo sắc lệnh của Hoàng thượng cho Tướng quân nửa tháng trước đã tu sửa xong xuôi, mời Tướng quân theo hạ quan về đó nghỉ ngơi".
"Mai đại nhân quả thật khách khí rồi!" Tướng quân kia vừa nói vừa vén màn kiệu bước ra. Còn cách một vài người và một khoảng khá xa, thật sự là không nhìn rõ khuôn mặt của người ấy. Chỉ cảm thấy vị tướng quân này vóc người cao thẳng khôi ngô, nói chuyện sang sảng mạnh mẽ, tuổi cũng còn rất trẻ, ước chừng chỉ khoảng hai mươi mấy, thật sự là ngạc nhiên vô cùng.
Vị tướng quân trẻ tuổi kia nói: "Ta đã là người Duy huyện, lại được hương dân quê nhà ra nghênh đón, ta cũng nên tự mình theo chư vị, cùng nội tử đi bộ vào thành mới phải".
Tri huyện Mai Mặc hết sức lo sợ, Phu nhân tướng quân lại bước ra từ trong chiếc kiệu nạm hoa màu xanh.
Vị phu nhân tướng quân ấy dáng vẻ yểu điệu, thắt lưng nhỏ nhắn bước khẽ, cổ tay trắng nõn như lụa. Sóng sánh dòng xuân trong đáy mắt, trong veo lúng liếng mắt đưa tình, trên mái đầu vấn kiểu Uy đoạ kế (4) có cài cây trâm long phượng ngọc bích. Đoá mẫu đơn xanh lục mỏng manh trên dải lụa Bích Hà uốn lượn theo vạt váy thêu hoa thuỷ tiên, hoa lục diệp màu hồng phấn, người khoác tơ mỏng xanh biếc như khói dệt tơ vàng. Đôi má lúm đồng tiền thanh tú thơm hương trắng như ngọc còn đẹp hơn hoa, "tay trắng như hành bóc, miệng đỏ tựa chu đan (5)", một cái chau mày một nụ hàm tiếu cũng làm người ta điên đảo, giống như thần tiên giữa loài người.
(4) Tên một kiểu tóc thời xưa của phụ nữ Trung Quốc.
(5) Trích hai câu thơ trong bài Tiêu Trọng Khanh Thê, khuyết danh tác giả.
Mọi người thấy thế, đều kinh ngạc thốt lên một câu: "Đẹp quá!".
Song tôi lại thấy rõ ràng, sắc mặt của Lão phu nhân dần dần thay đổi.