Mấy hôm trước, quản sự điền trang mang
hàng hóa dùng cho năm mới đến, kính dâng lên hai tấm da chồn tuyết, may
áo giáp thì không đủ mà đính lên váy áo lại lãng phí. Đậu Chiêu nghĩ đi
nghĩ lại, quyết định một tấm thì may thành cổ áo chắn gió cho tổ mẫu,
một tấm thì làm mũ Chiêu Quân* màu mây thu, để dành đội dịp Tết.
Trời khá lạnh, lại rảnh rỗi, mấy người đám Cam Lộ cùng Đậu Chiêu ngồi thêu thùa may vá trên giường sưởi trong phòng.
Tố Tâm bước nhẹ tới. “Tiểu thư,” Nàng
chớp mắt nhìn Đậu Chiêu, cười nói: “Danh sách hàng mà hôm rồi bên điền
trang đưa tới có chỗ nhầm lẫn ạ.”
Đám Cam Lộ nghe thế liền lui xuống. Tố Tâm lấy ra một lá thư: “Tiểu thư, Trần tiên sinh cho người gửi về.”
Đậu Chiêu nhận thư, hơi căng thẳng.
Sự việc đã trôi qua tám, chín ngày, phía
kinh thành vẫn chưa có tin gì truyền về. Trông nàng có vẻ nhàn hạ chứ
thực ra lòng luôn mong mỏi, buổi tối thường trằn trọc khó ngủ.
Đậu Chiêu đọc thư rất nhanh, không kìm được thở dài.
Tố Tâm đứng bên cạnh, thấp thỏm bất an,
thấy vậy thì sắc mặt cũng thả lỏng, miệng nở nụ cười tươi vui: “Tiểu
thư, Đoạn hộ vệ và mọi người đều bình an vô sự chứ ạ?”
Đậu Chiêu gật đầu, ra hiệu cho Tố Tâm
thắp đèn sừng dê* lên, vừa đốt thư vừa nói nhỏ: “Mai công tử bình an vô
sự, ba tuần nữa sẽ chủ trì lễ cúng tế Tưởng phu nhân, Trần tiên sinh và
Đoạn hộ vệ mấy ngày nữa sẽ quay về.”
Tố Tâm là người bình tĩnh mà nghe nói Trần Khúc Thủy sắp quay lại liền không kìm được mừng rỡ: “Vậy là tốt rồi, tốt rồi.”
Đậu Chiêu thấy vẻ vui sướng của nàng cũng hoan hỉ cười nói: “Cô đi báo với Lục Minh một câu, để hắn khỏi lo.”
Tố Tâm phấn khởi đi ngay.
Đậu Chiêu lại ngây ngẩn nhìn mãi lá thư
đã thành tro tàn. Quả nhiên, Tống Mặc không phải loại người nhẫn nhục
chịu đựng. Phụ thân muốn hại hắn, hắn liền phản kháng. Bản thân nàng đêm ấy phái mấy người Đoạn Công Nghĩa và Trần Hiểu Phong đi cứu Tống Mặc
cũng là một quyết định rất mạo hiểm. Nhưng cứ nghĩ tới cảnh ngộ kiếp
trước của Tống Mặc, nàng lại không thể nào trơ mắt nhìn sự việc tái diễn mà không làm gì. Chỉ là, ở cả hai kiếp, lý do Anh quốc công phải hại
con trai trưởng của mình là điều Đậu Chiêu không hiểu nổi.
Kiếp trước, Tưởng gia bị trảm cả nhà,
Tưởng thị ốm liệt giường, chẳng bao lâu sâu thì từ giã cõi đời. Tống Mặc vừa mất các bác các cậu lại chịu tang mẹ, tinh thần chắc hẳn là mệt mỏi rã rời, trong lòng cũng mang oán hận. Hắn không có khả năng cũng như
tâm tình và tinh lực lo liệu mọi việc xung quanh, tạo cơ hội cho Anh
quốc công từ từ gài bẫy, mở đầu chính là khiến cho Tống Mặc bị Ngự sử
đàn hặc.
Còn kiếp này, đám người Tưởng Mai Tôn đã
bị hại nhưng Mai phu nhân và đàn bà con gái trong nhà lại được sống. Để
bảo vệ người trong tộc Tưởng thị, Tống Mặc không những không sa sút tinh thần vì cái chết của các bác các cậu, mà còn tích cực tham gia vào giới quý tộc, thậm chí để thử ý Hoàng Thượng còn cố ý thua trong cuộc săn
bắt mùa thu, tái xác định vị trí của mình trong mắt Hoàng Thượng.
Thanh danh bên ngoài của Tống Mặc khiến
Anh quốc công nóng ruột như cầm khoai nóng, cuối cùng đành chọn cách gây sự bất ngờ lúc Tống Mặc vội về chịu tang.. Đúng như mình đã cảnh báo,
sự bất đắc dĩ của Anh quốc công đã để cho Tống Mặc một con đường sống.
Đôi khi, thân phận cũng là một sự trói
buộc. Lần này hắn có thể suôn sẻ thoát hiểm, hy vọng sẽ giữ vững địa vị
Thế tử và không phát điên như ở kiếp trước nữa.
Đậu Chiêu thầm thở dài.
Hoàng hôn, Lục Minh tới từ biệt nàng.
Trước tiên, hắn quỳ gối, dập đầu ba cái
với Đậu Chiêu rồi mới nói: “Tứ tiểu thư, đại ân đại đức của người, không chỉ Thế tử gia mà cả chúng tôi cũng sẽ không quên.” Lại nói: “Thế tử
gia bị thương, cần có người chăm nom mà lại không có ai giúp đỡ, Nghiên
tiên sinh và tôi đã bàn rồi, định tối nay sẽ khởi hành, chạy cấp tốc cả
đêm về kinh. Từ Thanh bị thương nặng, chắc là phải phiền Tứ tiểu thư để
hắn ở lại điền trang dưỡng sức mấy hôm nữa.”
Lục Minh đến Đậu gia đã gần nửa năm, luôn có thái độ kính trọng với Đậu Chiêu, nhưng hiện giờ không chỉ kính
trọng mà còn có phần khiêm cung*, thể hiện rõ thành ý.
Khiêm cung: khiêm trong khiêm tốn, cung trong cung kính, xem thêm ở đây: http://namkyluctinh.org/nvtruong/nvtruong-khiemcung.htm
Có lẽ vì Đậu Chiêu đã cứu Tống Mặc.
“Ngươi đứng dậy nói đi.” Đậu Chiêu suy tư rồi đáp: “Trong điền trang không có người ngoài, ngươi cứ yên tâm để Từ Thanh ở đây dưỡng thương.” Nói xong bảo Tố Tâm tặng hắn năm mươi lượng
bạc gọi là lòng thành, “Các người đi đường cẩn thận. Người của ta chưa
quay trở lại nên không có cách nào hộ tống mọi người về kinh được.”
Lục Minh không khách sáo, nhận lấy và cất ngân phiếu vào trong áo: “Từ đây tới kinh thành chỉ khoảng năm, sáu đoạn đường (gốc: lộ trình), có tôi bảo vệ Nghiêm tiên sinh rồi, sẽ đến nơi bình an thôi.” Dáng vẻ
nghiêm túc, chắc chắn của hắn càng làm cho Đậu Chiêu cảm thấy hắn là một cao thủ.
Cam Lộ đi vào bẩm báo: “Tiểu thư, Cao Hưng trở lại.”
Một tháng trước, Cao Thăng đã tới đón Đậu Minh lên kinh theo lệnh của Đậu Thế Anh. Đậu Chiêu phái Cao Hưng tháp tùng.
Nàng gặp Cao Hưng ở sảnh.
“Tiểu thư, hành trình rất thuận lợi.”
Trên người Cao Hưng vẫn còn vết nước tuyết tan, vừa nhìn đã biết hắn
không về phòng mà tới gặp Đậu Chiêu trước, “Thất lão gia còn hỏi tôi rất nhiều việc của tiểu thư.” Hắn cười rất tươi, Đậu Thế Anh quan tâm Đậu
Chiêu như vậy, rõ là rất coi trọng đứa con gái trưởng này, hắn vui thay
cho nàng, “Lão gia bảo tôi mang về nhiều đặc sản kinh thành lắm, nói là
để tiểu thư ăn Tết.”
Đậu Chiêu đáp lời: “Vất vả cho ngươi rồi.” Bảo Tố Tâm đi kiểm tra đồ đạc và hỏi thăm sức khỏe của phụ thân.
“Thất lão gia vẫn khỏe.” Cao Hưng cười
nói, “Mỗi buổi hưu mộc đều tới miếu, thảo luận Phật pháp với các đại sư
phụ, cả nhà đều khen Thất lão gia tinh thông Phật pháp, chúng tôi cũng
được thơm lây.” Hắn vừa nói vừa lấy một chiếc bùa bình an từ túi đeo bên hông ra, “Món này là khi tôi tới chùa Đại Tướng Quốc, Đức Phúc hòa
thượng là người tiếp khách, biết tôi là người của Thất lão gia ở lầu Bắc Đậu gia liền tặng tôi một tấm bùa bình an được chính đại sư chủ trì
khai quang.”
Đậu Chiêu ngạc nhiên rồi cười lớn.
Năm đó, phương trượng chủ trì Đức Phúc
của chùa Đại Tướng Quốc và pháp sư Viên Thông của chùa hộ quốc Đại Long
Thiện là hai vị thiền sư nổi tiếng nhất kinh thành. Một người có thể nói người chết thành sống, một người lại có thể nói người sống thành chết*; một người tướng mạo đường bệ, một người dáng vẻ xuất chúng. Mỗi buổi
pháp hội tiết Trung Nguyên (cách gọi Rằm tháng Bảy của Phật giáo), trước cửa chùa Đại Tướng Quốc và chùa hộ quốc Đại Long Thiện đều có cả
đám đàn bà con gái chen chúc nhau đòi đi nghe giảng Phật pháp; nghe nói
là khi hai hòa thượng thu hương tiền củi dầu của hai chùa bê hòm công
đức ra, tiền đồng bay xuống cứ như mưa rơi.
*: (Chắc) ý là đổi trắng thay đen
Hiện giờ, chủ trì tương lai của chùa Đại
Tướng Quốc chỉ là một người tiếp khách mà đã biết lo lót cho hạ nhân
thân cận của từng lão gia nhà họ Đậu, còn chủ trì tương lai của chùa hộ
quốc Đại Long Thiện, pháp sư Viên Thông, thì đang ở nhờ Hạc Thọ đường
Đậu gia, chuẩn bị tham gia kỳ thi mùa xuân sang năm.
Hóa ra, những người có duyên thường sẽ vô tình có sự liên hệ với nhau. Có điều, mấy hôm nay Kỷ Vịnh đang làm cái
gì ấy nhỉ? Từ hôm hắn phẩy tay bỏ đi, nàng mặc kệ hắn mà hắn cũng không
xuất hiện trước mặt nàng nữa.
Đậu Chiêu đang đắn đo không biết có nên
tới thăm Kỷ Vịnh không, bỗng nghe thấy tiếng Cam Lộ vang lên ngoài cửa:
“Kỷ thiếu gia…” Vừa nói được mấy chữ giọng liền trở nên hốt hoảng, “Ngài muốn làm gì…”
Chỉ thấy rèm ấm bị vén lên chớp nhoáng, Kỷ Vịnh sấp sấp ngửa ngửa xông vào.
Hắn chỉ mặc một bộ áo gấm màu xanh lá
cây, trên đầu và bả vai còn đọng bông tuyết, nếu không phải sắc mặt hắn
nghiêm cẩn lạ thường thì Đậu Chiêu đã nhíu mày mắng cho hắn một trận.
“Tiểu thư!” Cam Lộ vào ngay sau Kỷ Vịnh, vẻ mặt ấm ức nhìn Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu ra hiệu bảo nàng đi pha trà rồi bình thản chỉ vào ghế thái sư bên cạnh, nói: “Kỷ biểu ca, mời ngồi!”
Dường như Kỷ Vịnh vốn không cảm thấy mình có vấn đề gì, chỉ gật đầu mà không ngồi xuống, đứng thẳng lưng tại chỗ, lạnh lùng lên tiếng: “Ta quyết rồi, ngày mai sẽ khởi hành lên kinh.
Thuê một căn nhà ở phủ Thuận Thiên, đóng cửa đọc sách, tham gia thi cử
đầu xuân năm sau.”
Hắn nói với khí thế mãnh liệt, Đậu Chiêu
không ngờ là hắn tới báo với nàng rằng hắn sẽ nghe theo lời khuyên của
nàng, bất giác ngẩn ra một lát mới tỉnh táo lại.
“Thế thì tốt quá!” Nàng vẫn tỏ vẻ bình
thường, đáp: “Muội xin chúc Kỷ biểu ca có lòng việc khắc thành công, đề
danh bảng vàng.” Trong lòng lại rất buồn cười.
Kỷ Vịnh này nhận sai cũng phải dùng dáng vẻ giọng điệu thể hiện rằng tuy mình có địa vị tôn quý nhưng mình rất khiêm tốn.
Kỷ Vịnh thấy vậy thì gật đầu, cực kỳ hài lòng.
Đậu Chiêu quay mặt đi chỗ khác, ho khẽ rồi mới nén được ý cười đã lan đến khóe môi.
Cam Lộ chạy vào: “Tiểu thư, tiểu thư, Trần tiên sinh về rồi!”
“A!” Đậu Chiêu mừng rỡ, cuống quýt nói đúng một câu “huynh ngồi đợi một lát” rồi chạy ra ngoài đón.
Giữa trời gió tuyết, Trần Khúc Thủy mặc áo xanh đứng khoanh tay ở hành lang cùng một số người vừa đi xa trở về.
Đậu Chiêu tự nhiên chớp mắt, nước mắt chực trào.
“Tiểu thư!” Một hàng người đứng ở hành lang, Trần Khúc Thủy kích động nhìn Đậu Chiêu, cúi người thật sâu, hành lễ với nàng.
“Trần tiên sinh,” Đậu Chiêu mỉm cười,
“Cuối cùng ngài đã về rồi.” Nói rồi nhìn ngắm Đoạn Công Nghĩa và Trần
Hiểu Phong đứng sau Trần Khúc Thủy hành lễ thật kĩ, khắp từ trên xuống
dưới, thấy hai người mặt mũi hồng hào, không khỏi tươi cười gật đầu,
“Bình an là tốt rồi.” Sau đó chào hỏi họ, “Mọi người vào phòng nói
chuyện đi.”
Niềm vui trùng phùng làm ai nấy đều rạng rỡ.
Mấy người tụ tập quanh Đậu Chiêu đang định vào nhà thì rèm được vén lên, Kỷ Vịnh bước ra.
Trần tiên sinh và những người khác hơi bất ngờ.
Kỷ Vịnh híp mắt lại, nhìn Trần Khúc Thủy với ánh mắt sắc như gió.
“Trần tiên sinh?” Hắn nhíu mày, “Nghe nói ông lên kinh thăm bạn, không biết quý hữu* ở chỗ nào? Sao lên kinh mà
không tới chào hỏi Đậu thất gia vậy? Thật là rồng thần thấy đầu không
thấy đuôi!” Giọng điệu châm chọc.
*quý hữu: cách gọi tôn trọng, ở đây chỉ bạn của TKT
Trần Khúc Thủy không biết Kỷ Vịnh đang
kiểm tra mình. Nếu là trước kia, ông sẽ hơi phật lòng, nhưng sau khi
trải qua chuyện ở phủ Anh quốc công, ông chợt cảm thấy so với những gì
Tống Mặc đã trải qua thì đây chỉ là việc nhỏ, không đáng kể.
“Bạn tôi ở Đại Hưng,” Ông bình thản cười
đáp, “Tôi quen gọi nơi đó là kinh đô, khiến Kỷ công tử hiểu lầm rồi. Tôi cũng từng tới bái phỏng Thất gia nhưng không gặp ỷ công tử mà thôi.”
Lời ít ý nhiều, không thừa một câu.
Kỷ Vịnh càng nghe càng thấy Trần Khúc
Thủy đáng nghi, nhưng nhìn Đậu Chiêu đang rất phấn khởi thì nhịn hết
những lời sắp nói ra xuống bụng.
“Vậy xin cáo từ.” Hắn phẩy tay áo đi khỏi phòng khách Tây Đậu.
Bên ngoài có tiếng nói hổn hển: “Thiếu gia, thiếu gia, cậu vẫn khoác áo chứ ạ?”
Đậu Chiêu bất giác nhìn theo rồi cùng mấy người Trần tiên sinh vào nhà. Cam Lộ dâng trà lên xong lặng lẽ lui xuống.
Trần tiên sinh kể ra mọi việc gặp phải trong những ngày ở kinh thành.