Dạ Cậu, Em Là Mùa!

Chương 22



Lúc tôi qua tới nhà cậu Trung đã thấy bà Ba Tuyết khóc đến tiều tụy, cậu Phong cũng không khá hơn, gương mặt bần thần không có chút sức sống nào. Bà chủ với mọi người thay nhau tới an ủi bà Ba, ông Năm thì đi vòng quanh thắp nhang cho bàn thờ gia tiên, lâu lâu lại nghe tiếng thở dài não nề.

Mấy người bọn tôi theo chỉ đạo của dì Tư mà dọn dẹp nhà cửa phụ người làm của nhà bà Ba, người thì dán báo lên kính, người thì quét dọn nhà cửa, khiêng bàn khiêng ghế chuẩn bị cho hậu sự ma chay. Tôi xuống bếp nhìn thấy bộ ấm trà mà mợ Hiền hay dùng để học pha trà, tự dưng khoé mắt thấy cay xè, lòng nặng trĩu đầy những chua xót. Người mới hồi sáng này còn sống khỏe mạnh, giờ sao lại không còn trên cõi đời này nữa rồi?!

Gần 5 giờ sáng, x.ác mợ Hiền được đưa về nhà, đợi đúng giờ bên tang lễ sẽ làm lễ nhập quan. Mọi người trong nhà khóc suốt từ nãy tới giờ, kể cả người cứng cỏi như ba cậu Trung cũng không kìm lòng được mà rơi nước mắt. Đêm qua lúc mợ ngã cầu thang mất mạng, trong nhà chỉ có cậu Trung, bà Ba với con gái của mợ, ông Ba đi công tác bên tỉnh, cậu Phong thì đi chơi bên đất liền không có nhà. Theo pháp y giám định, mợ Hiền là do mất máu quá nhiều mà chết, đầu có va đập, trên người cũng có vài vết bầm do tiếp xúc mạnh với vật cứng. Nguyên nhân cái chết là vì trượt chân mà ngã cầu thang, trong lúc đó lại không có người phát hiện kịp thời để đưa đi viện. Lúc cậu Trung phát hiện rồi tri hô đưa mợ đến bệnh viện, mợ với đứa nhỏ trong bụng… đã không còn cứu sống được nữa rồi.

Tôi cố nín nhịn suốt từ nãy tới giờ, giờ cũng không kìm được mà rơi nước mắt. Nhìn mợ Hiền nằm đó, bụng vẫn còn hơi nhô cao, gương mặt xanh xao trắng bệch trông thương vô cùng. Cậu Trung ôm con gái của mợ mà khóc, không còn từ ngữ nào có thể diễn tả được hoàn cảnh lúc này… thương mợ để đâu cho hết được đây?

Cái chết của mợ quá thương tâm, một xác mà hai mạng nên người thân bằng hữu đi viếng rất đông. Một phần khác do mợ là con dâu nhà họ Quý, mà ông Ba với cậu Trung cũng là dân làm ăn nên bạn bè đối tác tới thăm viếng không đếm xuể. Hai ngày diễn ra lễ tang, mọi người trong nhà chỉ nghỉ ngơi được lúc quá nửa khuya, khi khách khứa đã về hết, còn đâu là bận rộn từ sáng sớm đến tối mịch mới thôi.

Sau khi hoả thiêu, tro cốt của mợ được ông Năm đặt trang nghiêm trong từ đường nhà họ Quý, ghi tên tuổi của mợ vào gia phả Quý gia, mãi mãi về sau này là con dâu của nhà họ Quý cường thịnh. Ông Năm cũng đã hứa với mẹ ruột và gia đình của mợ, dù sau này cậu Trung có lấy thêm bao nhiêu cô vợ nữa thì ông cũng chỉ công nhận một mình mợ Hiền. Từ bây giờ và mãi mãi về sau, không một ai có quyền ghi tên vào gia phả nhà họ Quý với tư cách là vợ hợp pháp của cậu Trung ngoài trừ mợ Hiền.

Sau tang lễ, bên phía công an có tới điều tra một chút về cái chết của mợ Hiền. Ông Ba khi nghe tin mợ Hiền chết đã báo công an và ra lệnh cho cậu Trung để công an vào cuộc. Mặc dù biết mợ chết là do rủi ro nhưng ông Ba vẫn muốn làm mọi chuyện cho rõ ràng và trình tự. Một phần để không để lại tiếng xấu, phần khác là muốn làm ấm lòng mẹ ruột và gia đình của mợ.

Nói là tới điều tra chứ cũng không có gì để điều tra, cái chết của mợ Hiền hoàn toàn là do rủi ro chứ không phải do ai hại chết cả. Đêm đó cậu Trung đi tiếp rượu đối tác nên có hơi say, cậu ngủ bên phòng, còn mợ thì ngủ quên ở phòng con gái. Mợ Hiền có bầu ít ăn nhưng đến khuya lại có thói quen uống sữa, chắc lần này cũng vì xuống bếp lấy sữa mà để trượt chân ngã cầu thang. Phần khác, mợ cứ mãi mang đôi dép đi trong nhà đã cũ, phần đế có chút hao mòn, cậu Trung bắt mợ đổi đôi khác để đi nhưng mợ nhất quyết không chịu, cũng không ai hiểu nguyên nhân vì sao. Công an cũng nghĩ một phần là do đôi dép đi trong nhà kia đến tuổi mòn đế nên rủi ro là mợ ngã cầu thang lại càng chắc chắn. Chỉ có duy nhất một chuyện, cả tôi, cả mọi người và cả công an đều không thể lý giải được lý do là vì sao…

Lúc cậu Phong đưa tôi đến nhà mợ Hiền, người lớn trong nhà đã ngồi ngay ngắn trên ghế, mặt ai cũng toát lên vẻ nặng nề mệt mỏi. Tôi có nghe cậu Phong kể sơ qua nên cũng đoán được một chút tình hình. Đặt điện thoại xuống bàn cho công an kiểm tra, tôi nói:

– Khuya đó mợ Hiền hình như có gọi cho tôi nhưng tôi không biết…

Công an sau khi xem qua điện thoại của tôi, một trong 3 cán bộ lên tiếng:

– Có gọi nhưng là nhá máy… lịch sử cuộc gọi cho biết, cô Hiền nhá máy gọi cho cô trước lúc chết là 15 phút. Cô có biết nguyên nhân vì sao cô Hiền nửa đêm lại gọi cho cô không?

Tim tôi đập thình thịch, tôi run run trả lời:

– Tôi… thật sự không biết, tôi có hẹn với mợ sáng mai sẽ qua dạy cho mợ cách pha trà thôi. Lúc mợ gọi cho tôi, tôi đang ngủ nên cũng không biết là mợ gọi.

Công an lại hỏi sâu vào, bọn tôi nhìn tôi gắt gao:

– Vì sao điện thoại reo nhưng cô không biết?

– Trước khi đi ngủ tôi đều để điện thoại ở chế độ rung, không cài chuông chỉ cài rung. Điện thoại để xa chỗ nằm, mà tôi lại hay có tật ngủ say…

Tôi vừa nói bọn họ vừa nhìn tôi chằm chằm, kiểu như là đang phân tích tâm lý của tôi vậy. Nhưng mà tôi cây ngay không sợ, có sao tôi nói vậy, cũng không thể vì một cuộc điện thoại mà coi tôi là đối tượng tình nghi được.

Bà Ba Tuyết lúc này cũng có lên tiếng:

– Con bé này là người làm bên nhà chị Hai, nó pha trà ngon lắm, con bé Hiền muốn học pha trà để pha cho chồng uống…

Mẹ mợ Hiền nghe tới đây lại khóc, bà liên tục lắc đầu… những cái lắc đầu chứa quá nhiều ý tứ.

Cậu Ba ngồi một bên nhìn tôi suốt từ nãy tới giờ, giờ mới lên tiếng phân tích:

– Chuyện này cũng không có gì khó để xác minh, các anh nếu có nghi vấn về người làm nhà tôi, tôi sẽ đưa các anh về nhà tôi, lấy lời khai của mọi người trong nhà, trích xuất camera ở cả hai bên để xác nhận xem cô Mùa có khai gian hay không… Nhưng có một điểm này, vừa là mấu chốt vừa là câu hỏi, đó là… vì sao Hiền không gọi luôn cho Mùa mà chỉ nhá máy? Có thể do em ấy gọi nhầm hoặc có thể là do cấn máy? Hoặc cũng có thể Hiền có ý gì đó nhưng nửa chừng lại không muốn gọi nữa? Còn về phần cô Mùa, cô ấy là người làm nhà tôi, không có xung đột với em Hiền, hai đứa cũng có mối quan hệ khá thân… tôi nghĩ… chắc đây chỉ là một việc ngoài ý muốn của Hiền… không thể nghĩ là em ấy muốn ám chỉ điều gì đó được.

Ba vị công an hết nhìn nhau rồi lại nhìn tôi, một trong 3 người tiếp tục hỏi:

– Cô Mùa… cô nghĩ sao?

Tôi nghiêm túc trả lời:

– Tôi không có suy nghĩ gì hết, tôi không hề ghét mợ Hiền, trái lại còn rất thương mợ, mợ Hiền vừa hiền lành lại tốt bụng nữa… Đáng lý tôi cũng không nhận lời dạy mợ Hiền học pha trà vì thú thực tôi cũng có biết gì đâu, chẳng qua là pha được trà hợp khẩu vị mọi người mà thôi. Mà tôi là người làm công, chủ kêu, tôi không có quyền từ chối. Quan trọng là tôi thấy chuyện này cũng không có mất mác gì cho tôi hết. Còn về nguyên nhân vì sao mợ Hiền nửa đêm muốn gọi cho tôi… tôi không biết thật sự. Có thể là mợ muốn nói gì đó hoặc là mợ vô tình gọi thôi, chứ bình thường chỉ buổi sáng mợ mới gọi để hỏi giờ tôi qua nhà, ban đêm không hề gọi.

– Vậy cô Hiền có tâm sự chuyện gì cho cô nghe hay không? Đại loại là buồn đau hay xung đột gì với ai đó?

Tôi im lặng vài giây, mắt cũng không đảo quanh, chỉ là hơi liếc liếc cậu Trung một chút.

– Không có, mợ Hiền sắp sinh em bé rồi, tôi thấy mợ chỉ ở nhà chăm cho con gái thôi. Còn mợ có chơi với ai hay không thì tôi không biết, tôi cũng không quá thân với mợ để cái gì mợ cũng kể tôi nghe.

– Cô Hiền không tâm sự chuyện gì khác ngoài chuyện để cô dạy pha trà à? Chuyện gia đình, chồng con?

Câu hỏi này làm mọi người đang có mặt ở đây bừng tỉnh, tôi cũng không có biểu hiện gì hoảng loạn, vẫn trước sau cố giữ bình tĩnh mà trả lời:

– Tôi ít nghe mợ Hiền nhắc đến ai, ngày nào gặp mợ cũng thấy mợ vui vẻ mà. Mợ cũng có nói… ông bà Ba rất thương mợ, cậu Trung cũng… chiều chuộng hai mẹ con mợ.

Cán bộ công an gật đầu, lại nói thêm:

– Nếu cô còn nhớ gì khác thì đến báo cho chúng tôi, lát nữa cô theo chúng tôi về nhà chủ cô một chút.

Tôi gật đầu:

– Dạ.

Cậu Trung im lặng nãy giờ, giờ đột nhiên lại quay sang nhìn tôi, giọng cậu trầm xuống, từ tốn nói với mọi người:

– Có thể vợ tôi gọi cho Mùa… là vì em ấy muốn Mùa ngày mai không cần đến dạy…

Như có thêm thông tin, vị cán bộ liền hỏi:

– Vì sao vậy anh Trung?

Cậu Trung cúi đầu, nghẹn ngào trả lời:

– Vì tôi có hứa sẽ đưa vợ và con gái đi chơi…

Cậu Trung vừa nói vừa khóc, mọi người cũng nghẹn ngào đỏ mắt.

– Cô Mùa, cô Hiền có nói chuyện này với cô trước đó không?

Tôi lắc lắc đầu:

– Dạ không có, tôi cứ nghĩ là vẫn qua nhà cậu Trung bình thường á chứ.

– Được rồi, cảm ơn sự hợp tác của cô.

Tôi khẽ nói:

– Không có gì.

Công an không hỏi nữa, tôi liền đứng dậy đi tới thắp nhang cho mợ Hiền rồi theo phía công an về nhà chủ. Sau một hồi khai khác thêm thông tin, xác thực là tôi không có ra khỏi nhà, lại xác thực thêm về chuyện nhá máy, công an mới thôi không hỏi đến tôi nữa. Cái điện thoại cùi ghẻ của tôi mà để chế độ rung thì coi như là nó im lặng đến quạu quọ luôn, đến cả rung mà cũng không làm nên rung động gì mạnh mẽ hết. Đã rung yếu như vậy mà còn nhá máy chưa tới một giây thì tôi có là mở mắt canh chừng cũng chưa chắc nghe được chứ nói gì là biết mợ Hiền gọi.

Đợi công an về hết, bà chủ mới liếc tôi mà càm ràm:

– Mày bao đồng quá rồi đó Mùa, liệu hồn với tao… tao cấm mày từ rày trở đi không được qua bên bà Ba nữa. Toàn là chuốc họa chứ tốt đẹp gì đâu mà ham hố kiếm bả làm gì.

Bà chủ chửi cho một tăng rồi mới đi vô trong, cô Phi Uyển cũng ở lại an ủi tôi:

– Thôi em đừng có buồn, công an làm vậy cũng coi như làm minh bạch cho em. Mà cô nghĩ là em nên đổi điện thoại khác đi, điện thoại đời cũ mà còn hư kiểu này nữa thì sao mà xài.

Tôi cười trừ:

– Để từ từ rồi đổi cũng được mà cô, em chủ yếu mua để gọi cho cha em thôi hà.

– Hay để cô mua tặng em một cái, thời buổi công nghệ 4.0 mà em còn xài cái này… sao cập nhật được thông tin.

Tôi vội vàng lắc đầu:

– Thôi cô, cô đừng có mua, để em tự mua đi, cô mà mua tặng em không có dám lấy đâu.

Thấy tôi kiên quyết từ chối, cô Uyển cũng thôi không đòi tặng nữa. Cậu Ba thì nhìn tôi chăm chăm, cậu cũng cằn nhằn:

– Tôi đâu có nghĩ là điện thoại của em nó cũ tới như vậy, hèn chi bình thường tôi gọi cho em phải tới cuộc thứ hai em mới nghe, có khi đang gọi tắt ngang, gọi lại thuê bao luôn mới ghê chứ. Nói chuyện thì nghe ồ ồ, khó nghe muốn chết.

Tôi cười trong nhục nhã:

– Nó bị cà giật, lâu lâu hay tắt nguồn, loa liếc hư sương sương có chút xíu mà cậu chê dữ vậy. Chứ cậu nghĩ đi, mua có 100 ngàn mà đòi đồ tốt, đâu mà ra.

Cả cô Uyển với cậu Ba đều tròn xoe mắt nhìn tôi, cô Uyển hỏi:

– Điện thoại này mua 100 ngàn?

Tôi cười hề hề:

– Dạ, đợt có ông kia thua bài quá bán lại cho em, em thấy cũng được nên mua để có cái gọi cho cha này kia. Kệ, nó hay cà giật cà tưng vậy chứ xài cũng được, em gọi cho cha em nói chuyện cả buổi không trượt phát nào. Mà ngộ lắm, điện thoại này nó thương cha em, hễ em gọi cho cha là được, nghe cũng rõ mà, đâu mà hai người chê quá trời vậy.

Cô Uyển lắc đầu chịu thua:

– Cô chưa thấy ai như em, em như bà già vậy hả Mùa?

Tôi chịu thôi, kinh tế ọp ẹp nên như vậy là được rồi, đợi trả xong nợ, tôi đi làm tích góp mua cái khác mấy hồi. Điện thoại tốt hay không tốt thì cũng là phụ vụ nhu cầu sinh sống của con người, mà hễ cần thì đầu tư chút, không cần thì chịu khó tiết kiệm một chút cũng bình thường mà.

Mặc kệ ai nói gì nói, tôi vẫn thấy con NokiA ghẻ này vẫn rất tốt, mà cũng hên là nó hư đến mức rung không nổi chứ nếu nó ngon lành như nguyên bản của nó chắc tôi có khả năng bị nghi ngờ thiệt chứ không đùa. Thôi kệ, trong cái rủi cũng có cái may, cảm ơn phước đức gia tiên để lại.

…………………..

Tối hôm đó, cậu Tư có tìm tôi để hỏi về chuyện của mợ Hiền, tôi thì có sao nói vậy, cũng không giấu giếm hay nói thêm cái gì. Chỉ là, trong lòng tôi thật ra cũng thấy tiếc nuối rất nhiều…

– Giá như mà em còn thức hoặc giá như em biết là mợ Hiền gọi rồi em gọi lại cho mợ… có khi nào mợ không chết không cậu?

Cậu Tư nhìn tôi, cậu thở dài:

– Cậu cũng không biết nhưng cậu thấy em không có lỗi gì hết. Chắc là số của Hiền yểu mệnh… em đừng nên tự trách mình, không ai nghĩ lỗi do em đâu…

Cậu vừa nói vừa vỗ vai tôi an ủi, giống như là dành một sự đồng cảm cho tôi. Tôi ngước nhìn lên trời cao, nhìn bầu trời đêm không có lấy một ngôi sao sáng nào, trong lòng càng lúc càng buồn kinh khủng. Biết là mợ Hiền chết không phải lỗi do tôi nhưng tôi thật sự ám ảnh với cái suy nghĩ khắc khe của bản thân mình. Tôi cứ mãi nghĩ, nếu đêm đó tôi có thể gọi lại cho mợ… chắc mợ đã không phải chết như vậy. Có thể là mợ sẽ nói gì đó, hoặc là tôi sẽ nói gì đó để ngăn mợ không ra ngoài và không bước xuống cầu thang. Trước khi chết là mợ gọi cho tôi nhưng tôi lại nhỡ cuộc gọi của mợ, cũng nhỡ cả cuộc đời còn lại này để có thể gặp mợ một lần nữa!

Qua mấy ngày sau, phía công an thông báo kết quả chính xác nguyên nhân mợ Hiền chết là vì rủi ro trong sinh hoạt thường ngày, cụ thể là trượt chân ngã cầu thang. Hồ sơ được khép lại, một đời người cũng được khép lại… mãi mãi!

…………………..

Qua hơn một tuần sau, khi mọi chuyện đã dần êm xui, ông Năm lại sai tôi đem qua cho bà Ba ít thuốc bổ kèm chút trà thảo dược trị chứng mất ngủ, có một túi hồng khô mà mợ Hiền thích nhất. Ông nói:

– Con đem qua cho bà Ba rồi sẵn tay thắp cho con Hiền cây nhang dùm ông.

Tôi nhìn mấy túi đồ lỉnh kỉnh, tôi hỏi:

– Trà thảo dược với thuốc bổ là cho ai hả ông?

Ông Năm từ tốn nói:

– Túi hồng khô cho con Hiền, thuốc bổ cho thằng Trung với ông Ba, còn trà thảo dược để cho bà Ba. Bà Ba bị chứng mất ngủ lâu rồi, bữa ông Khang mua cái này dùm cho ông mà mấy nay ông quên đem qua đưa cho con Tuyết.

– Dạ, để con đem qua liền rồi về pha trà cho ông nghen.

– Ừ, con đi đi.

Tôi xách mấy túi đồ rồi mượn chiếc xe máy của chị Liễu đi cho nhanh. Qua tới nhà bà Ba, tôi đưa đồ cho bà, thắp nhang xong cho mợ Hiền rồi mới ngồi xuống hỏi thăm sức khỏe của bà Ba.

– Con nghe ông nói bà bị mất ngủ, bà thử uống trà ông Năm đưa coi có cải thiện được chút nào không bà.

Bà Ba gương mặt xanh xao tiều tụy, bà nói:

– Cái bệnh này là lâu rồi, chữa bằng thuốc tây thuốc nam thuốc tàu gì cũng không hết. Uống trà thì cũng là uống cho có chứ không giúp ích gì được hết đó con. Mà con nhớ gửi lời cảm ơn của bà tới cho ông, ông nội thằng Phong nhớ tới bà là bà vui rồi. Con nói lại với ông vài bữa nữa để đỡ hơn bà qua thăm ông.

Tôi cười nói:

– Bà cứ yên tâm đi, ông Năm khỏe ru hà, bà không cần lo cho ông đâu. Con thấy dạo này bà tiều tụy lắm, bà đừng có mà lơ là sức khỏe nha.

– Bà biết rồi Mùa, kể từ bữa con Hiền nó chết… bà không ngủ được. Trước đây đã mất ngủ, giờ còn đáng sợ hơn. Hồi đó thức tới 2,3 giờ là ngủ được, còn bây giờ thức tới sáng… bà không biết bà chịu nổi không nữa. À mà mấy cậu bên nhà vẫn khỏe hả Mùa? Cậu Ba có khỏe không?

Tôi gật gật đầu:

– Dạ khỏe hết, coi bộ bà thương cậu Ba ghê, con toàn nghe bà hỏi cậu không hà.

Bà Ba cười trừ, ánh mắt mệt mỏi:

– Ờ thì cũng là con cháu trong nhà mà, bà thương tụi nó lắm.

– Nhưng con thấy bà thương cậu Ba hơn cậu Tư.

– Thì cũng có nhỉnh hơn chút.

Tôi cười hề hề, nói với bà Ba thêm vài câu nữa cũng xin phép về lại nhà. Vừa bước được mấy bước ra ngoài, tôi nhìn thấy cậu Trung cũng vừa hay đi vào trong. Thấy tôi, cậu cố ý dừng lại, giọng khàn khàn:

– Cảm ơn… cô.

Nghe cậu cảm ơn, tôi có hơi giật mình một chút, ban đầu vẫn không biết là cậu đang cảm ơn chuyện gì nhưng suy nghĩ vài giây, tôi liền hiểu ngay ý cậu.

– Tôi có làm gì đâu mà cậu cảm ơn… mợ Hiền… mợ ấy thương cậu lắm.

Nghe tôi nhắc đến mợ Hiền, mắt cậu khẽ run lên, môi mím chặt không nói lời nào. Để mặc tôi ở đó với những suy nghĩ trong đầu, cậu bỏ đi thẳng vào trong nhà, bước chân có chút thất thần cô độc. Tôi quay lại nhìn cậu, thấy cậu đi thẳng vào trong, lúc đi ngang qua bàn thờ của mợ Hiền, cậu hơi khựng lại một chút. Tôi cứ tưởng là cậu sẽ đến thắp nhang cho mợ nhưng cuối cùng cậu lại phụ sự kỳ vọng của tôi, cậu bước thẳng đi vào trong, không hề thắp nhang như tôi nghĩ.

Tôi thở dài rồi quay bước ra ngoài, thương thì thương cho mợ nhưng cũng không thể trách cậu Trung được. Tình cảm của cậu dành cho mợ như thế nào, làm sao có thể dựa vào vài hành động nhỏ này mà đánh giá hết được chứ, có phải không?!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.