Từ xưa đến nay, Kinh Châu là khu vực giao tranh binh quyền. Vào thời Tam Quốc, mạn phía nam sông Trường Giang gọi là Nam Kinh Châu, thuộc về Đông Ngô. Mạn phía bắc sông Trường Giang gọi là Bắc Kinh Châu, thuộc nước Ngụy, khi Dương Hỗ giữ chức Thứ sử Bắc Kinh Châu chưa bao giờ nổ ra chiến tranh. Một người làm quân sự như ông đã thề phải thống nhất hai miền nam bắc, thế nhưng lại lấy việc quan tâm và chăm lo đời sống nhân dân làm chủ.
Quân đội đóng quân ở đây cũng thực hiện chế độ đồn điền, tự cấp tự túc, chưa bao giờ lấy lương thực của dân chúng Kinh Châu, trong suốt mười năm Dương Hỗ quản lý, có thể nói mảnh đất từng chịu đủ tàn phá do khói lửa chiến tranh đã được tái sinh nên dân chúng Kinh Châu mới dùng tên ông để đặt tên cho sông núi.
Không chỉ ở Bắc Kinh Châu, Dương Hỗ cũng rất nổi danh ở Nam Kinh Châu. Khi thợ săn hay quân đội ở Nam Kinh Châu đi săn, con mồi bị thương chạy đến Bắc Kinh Châu, Dương Hỗ sẽ luôn ra lệnh cho quân đội canh giữ đưa con mồi cho người Nam Kinh Châu.
Khi ấy tướng quân trấn giữ Nam Kinh Châu là Lục Kháng (tức ông nội của huynh đệ Lục Cơ, Lục Vân – cũng là một phần tiếc nuối trong cuộc loạn bát vương ở áng văn trước), Lục Kháng bị bệnh, Dương Hỗ sai người đưa dược liệu tới, thuộc hạ muốn ném dược liệu đi, nói có thể có độc, nhưng Lục Kháng lại muốn giữ lại, “Dương Công không phải loại người có thể làm ra chuyện này.”
Ngay cả đối thủ cũng tín nhiệm và kính phục phẩm chất, đức tính của Dương Hỗ, người như vậy mới thật sự là vị quan nổi danh mang trong mình cốt cách của triều đại Ngụy Tấn.
Cả đời Dương Hỗ không có con cái, ông bảo vệ che chở dân chúng Kinh Châu như con cái mình, rất nhiều người Nam Kinh Châu đã trộm vượt sang Bắc Kinh Châu để sống một cuộc đời mới. Đây thật sự là cách dùng binh không cần chiến tranh mà vẫn thu phục được lòng người.
Điều này khiến dân chúng Kinh Châu đã phải chịu đủ đau thương mất mát trong chiến tranh xem Dương Công như ân nhân cứu mạng. Kết thúc nhiệm kỳ, Dương Hỗ trở lại Lạc Dương, hai năm sau thì chết bệnh, khi tin tức truyền tới Kinh Châu cách xa ngàn dặm, dân chúng đều khóc than, tự giác mặc đồ tang giữ đạo hiếu vì Dương Công, thậm chí để tránh phát âm chữ “Hỗ” mà từ đó “Hộ” được gọi là “Môn”(*).
(*) Chữ Hỗ (祜) và Hộ (户) cùng đọc là [hù], còn chữ Hộ (户) và Môn (门) cùng có nghĩa là cửa.
Mọi người lên núi Dương Hỗ khóc thương và dựng bia Trụy Lệ để con cháu đời sau mãi ghi nhớ công ơn của Dương Công đối với Kinh Châu.
Kết quả năm ngoái Vương Trừng trở thành Thứ sử Kinh Châu, hắn ta tàn nhẫn không có tính người, vơ vét mồ hôi nước mắt của người dân ở khắp mọi người, dân chúng Kinh Châu đều oán hận. Hơn nữa Vương Trừng xuất thân từ Lang Gia Vương thị, anh ruột Vương Diễn và anh họ Vương Nhung luôn gièm pha bôi nhọ Dương Hỗ, dẫn đến “Nhị Vương gánh vác đất nước, Dương Công không tài đức”. Dương Hỗ tồn tại giống như thần phật ở Kinh Châu, bôi nhọ Dương Hỗ chính là coi khinh thần phật, chính vì vậy dân chúng Kinh Châu càng căm ghét Vương Trừng.
Đỗ Thao – thủ lĩnh của dân Ba Thục lưu lạc đã lợi dụng mâu thuẫn giữa Kinh Châu và Vương Trừng, từ đó lên kế hoạch để người Kinh Châu làm nội ứng và mở cửa thành cho dân lưu lạc từ Ba Thục vào tấn công phủ Thứ sử.
Dân chúng Kinh Châu hận Vương Trừng thấu xương nên đã đồng ý với lời đề nghị của Đỗ Thao, bọn họ giết tay chân thân cận của Vương Trừng rồi mở cửa nghênh đón dân chạy nạn từ Ba Thục.
Vì trước khi vào thành, nhóm người Vương Đôn, Vương Duyệt đã đi từ đường tế bái Dương Hỗ trước, Vương Duyệt còn quyên góp hai miếng vàng lá cho người trông coi từ đường, viết mình là con cháu của Dương Công, khi lưu dân Ba Thục tấn công phủ Thứ sử, nhóm người Vương Đôn, Vương Duyệt còn đang tham quan núi Dương Hỗ, khi nghe tin dưới núi có biến động lớn thì vô cùng kinh hãi, vội vã xuống núi ngay đi cứu Tào Thục và Thanh Hà vẫn đang ở phủ Thứ sử.
Dân Ba Thục chạy nạn còn muốn tấn công nhóm người Vương Đôn nhưng đã bị người trông coi từ đường của Dương Hỗ và dân chúng Kinh Châu ngăn cản, nói bọn họ đều là con cháu của Dương Công, không được làm hại bọn họ.
Vương Duyệt sốt ruột phải viết chữ trên mặt đất, nói mẹ và em họ hắn vẫn đang ở phủ Thứ sử, đừng làm hại bọn họ.
Người trông coi từ đường dẫn bọn họ vào thành đến phủ Thứ sử, giữa đường vừa hay gặp thầy thuốc trị bệnh cho Thanh Hà đang dẫn Tào Thục chạy ra.
Tào Thục nói: “Vương Trừng đã biết thân phận của Thanh Hà, hắn muốn đầu cơ kiếm lợi, lợi dụng Thanh Hà để xây dựng Hành đài. Lúc dân lưu lạc của Ba Thục đánh vào, Vương Trừng đã bắt Thanh Hà đi, giờ đã ra khỏi thành, chúng ta phải đuổi theo ra ngoài thành.”
Thầy thuốc bị ép buộc dưới sự lạm dụng chức quyền của Vương Trừng, không còn cách nào khác mới bán đứng Thanh Hà, nhưng cũng cứu Tào Thục nên mọi người không trách móc ông ta nặng nề, để Tào Thục và những người phụ nữ không thể lặn lội đường xa ở lại Kinh Châu, còn tất cả những người khác đều ra khỏi thành đuổi theo Vương Trừng đang chạy trốn.
Vương Trừng không làm được trò trống gì, có dã tâm nhưng lại không có cách nào thu phục lòng người, nhưng ông ta cũng rất thạo chạy trốn.
Vương Trừng ra roi thúc ngựa, ra khỏi thành từ phía bắc, đổi quần áo với phụ tá, để phụ tá thay ông ta đánh lạc hướng dân chạy nạn Ba Thục đang đuổi giết, còn mình mang theo người nhà và các hộ vệ ngồi lên thuyền lớn trên sông Trường Giang, giương buồm xuất phát, xuôi theo dòng chảy chạy trốn về phía nam.
Đến khi dân chạy nạn Ba Thục đuổi kịp “Vương Trừng”, phát hiện là kế đánh tráo đã nghiêm hình tra hỏi tên phụ tá ngay lập tức, ép hỏi ra kế hoạch ngồi thuyền chạy trốn của Vương Trừng.
Vương Trừng nói không giữ lời, giết tám nghìn tù binh Ba Thục, nợ máu trả bằng máu, dân lưu lạc từ Ba Thục tuyệt đối sẽ không bỏ qua cho Vương Trừng, bọn họ vội vàng ngồi thuyền nhẹ và thuyền nhỏ đuổi theo Vương Trừng.
Để chuộc tội, thầy thuốc chữa bệnh cho Thanh Hà luôn theo bên cạnh đám người Vương Duyệt làm phiên dịch, muốn cứu Thanh Hà ra. Vương Duyệt mở bản đồ, nói: “Lưu vực sông Trường Giang ngoằn ngoèo, quân ta chia làm hai đường, phò mã ngồi cùng thuyền của dân chạy nạn Ba Thục đuổi theo bằng đường thủy, ta cưỡi ngựa đi đường tắt, đồng thời nhờ mấy thuyền đi phía trước chặn thuyền Vương Trừng lại. Đánh gọng kìm cả trước lẫn sau.”
Vương Đôn cảm thấy Vương Duyệt lên kế hoạch chu toàn, nói ngay: “Vậy cứ làm theo kế hoạch của ngươi.”
Tuân Hoán giơ tay, “Ta và Vương Duyệt cùng cưỡi ngựa đuổi theo —— ta bị say sóng.”
Vì vậy Vương Đôn ngồi thuyền, Vương Duyệt và Tuân Hoán cưỡi ngựa, kết hợp đường thủy và đường bộ để cứu Thanh Hà.
Nhắc tới Thanh Hà bị bắt lên thuyền, vốn đầu bị thương và đang đau đầu, sau khi lên thuyền, nước sông Trường Giang chảy cuồn cuộn về phía đông, trên chiến thuyền to như vậy, nàng vẫn có thể cảm giác được những đợt tròng trành nghiêng ngả nhè nhẹ, những cơn rung lắc này còn không giống với sự rung lắc trên xe ngựa. Từ nhỏ nàng đã quen với sự xóc nảy của xe ngựa, cho dù cơ thể không lung lay, nhưng sự rung lắc trên thuyền giống như có người ôm đầu nàng lắc qua lắc lại, mới lên thuyền không lâu đã bị say sóng và nôn hết thuốc.
Thanh Hà cũng bị say sóng.
Một đầu khác của thuyền, Vương Trừng tìm được đường sống trong chỗ chết vẫn đang vạch đường đi nước bước tiếp theo, lơ là để mất Kinh Châu, giấc mộng thành lập Kinh Châu Hành đài tan biến, bước tiếp theo nên làm thế nào?
Vương Trừng mở bản đồ, xem các thành trì ở hạ lưu Kinh Châu, là Tương Châu và Giang Châu (nay là Hồ Nam, Giang Tây và phần phía tây Dương Châu).
Hiện nay Tương Châu đâu đâu cũng là dân lưu lạc từ Ba Thục và địa bàn của thổ phỉ, loạn thành một nồi cháo. Xuôi xuống chút nữa chính là Giang Châu, mà Giang Châu là địa bàn của Minh chủ Giang Nam Tư Mã Duệ.
Vương Trừng lẩm bẩm nói: “Tương Châu quá rối loạn, dân chạy nạn từ Ba Thục sẽ không tha cho ta, không thể ở lại đây, nơi đi duy nhất chính là Giang Châu, sau đó đến nhờ vả Minh chủ Giang Nam. Dưới sự che chở của Minh chủ mới không bị lưu dân Ba Thục quấy rầy.”
Trưởng tử Vương Chiêm của Vương Trừng nói: “Phụ thân, chúng ta cứ cố thủ ở Kinh Châu, không phải dựa vào ai, cũng không phụ thuộc bất kỳ thế lực nào, dù thế nào cũng không cần sống dựa dẫm vào hơi thở của người khác hay khuất phục dưới trướng ai cả. Hiện giờ mưu sĩ hàng đầu bên cạnh Minh chủ Giang Nam là Kỷ Khâu Tử Vương Đạo, do chúng ta giam lỏng thê tử và đích trưởng tử của Vương Đạo nên đã kết thù. Chờ khi chúng ta đến nương nhờ Minh chủ Giang Nam, tên cáo già Vương Đạo từ trước đến giờ yêu thương Vương Duyệt nhất, Vương Duyệt phải chịu chút uất ức ở chỗ chúng ta, hắn nhất định sẽ xúi giục Vương Đạo gây phiền phức cho chúng ta.”
Vương Đạo nuông chiều con trai trưởng, thỏa mãn tất cả các yêu cầu của Vương Duyệt một cách vô điều kiện, nổi tiếng là cha hiền ở phố Vĩnh Khang.
Vương Trừng sầm mặt, “Ta không hề đối xử hà khắc với Vương Duyệt, ngày nào cũng hầu hạ cung phụng, cho ăn sung mặc sướng, còn đưa bọn chúng đi thăm thú đó đây, chẳng lẽ bọn chúng còn lấy oán trả ơn? Huống hồ, đám dân Ba Thục lưu lạc đê tiện hoàn toàn không phân biệt được ai với ai trong Lang Gia Vương thị chúng ta, chỉ biết chúng ta đều họ Vương, giờ thành Kinh Châu đã bị phá, ta vứt bọn chúng ở núi Dương Hỗ, lúc này chỉ sợ bọn chúng đã bị đám lưu dân Ba Thục phẫn nộ chém thành trăm mảnh, Vương Duyệt chết rồi thì lấy ai đi tố cáo với Vương Đạo?”
Vương Chiêm nghe vậy, cảm thấy cha phân tích có lý, “Vậy chúng ta cứ nói với Vương Đạo rằng đám Vương Duyệt bị dân lưu lạc từ Ba Thục giết, chúng ta may mắn chạy thoát, để dân Ba Thục gánh tội thay chúng ta.”
“Trẻ nhỏ dễ dạy.” Vương Trừng rất hài lòng, “Giờ đã tới bước này, ngoài việc nương nhờ Minh chủ Giang Nam thì chúng ta cũng không còn đường nào khác. Huống chi chúng ta cũng không phải người nghèo đi tay không ——”
Vương Trừng chỉ vào phần phía sau khoang thuyền, “Chúng ta dâng món quà lớn là công chúa Thanh Hà cho Minh chủ Giang Nam, Minh chủ nhất định sẽ phong quan cho cha con ta. Tương lai cha con ta liên thủ, có lẽ có thể phản đối Vương Đạo trước triều, tranh đua cao thấp với hắn.”
Vương Chiêm hơi nghi ngờ, “Vương Đạo đã trợ giúp Minh chủ Giang Nam từ bốn năm trước, các quan viên khăn gói xuôi nam đều đến nhờ cậy Vương Đạo, được Vương Đạo sắp xếp chức quan, thế lực của Vương Đạo vững chắc, chúng ta sao có thể lay chuyển được địa vị của Vương Đạo ở Giang Nam?”
Vương Trừng cười, “Con còn trẻ, chưa hiểu được thuật chế hành*. Vương Đạo trợ giúp Minh chủ Giang Nam, nắm giữ quyền to. Minh chủ Giang Nam cần lợi dụng Vương Đạo để lôi kéo nhóm sĩ tộc xuôi nam, từ đó mở rộng thế lực và xây dựng uy tín. Nhưng sau này thì sao? Quan viên quyền to chức trọng như Vương Đạo có đến tám phần mười là Tào Tháo hoặc Tư Mã Ý thứ hai, con cảm thấy Minh chủ Giang Nam sẽ yên tâm sao? Đến lúc đó sẽ phải lợi dụng chúng ta để kiềm chế Vương Đạo.”
* Chế hành: hai hoặc nhiều bên hình thành sự kiềm chế lẫn nhau, nhưng vẫn duy trì trạng thái tương đối cân bằng
Vương Chiêm thán phục, “Phụ thân tính toán không sót thứ gì, nhi tử xin nhận chỉ dạy.”
Vương Trừng để mất Kinh Châu nhưng đã lấy lại được lòng tin từ chỗ con trai, ai nói thời loạn không tốt? Nếu không phải vừa hay gặp thời buổi loạn lạc, ta cũng không có cơ hội thành danh.
Qua Kinh Châu là Tương Châu, Tương Châu còn loạn lạc hơn, là một mảnh đất không chủ.
Thuyền lớn đi đến đây thì bị cướp trên sông cướp bóc. Vương Trừng ỷ vào lòng sông rộng, gió lớn nước mạnh, chiến thuyền kiên cố nên không thèm để ý tới đám ô hợp này, lệnh chiến thuyền đâm thẳng tới, hất văng con thuyền đang chặn đường của đối phương.
Vương Trừng thuận lợi đi qua nơi này, con thuyền của dân lưu lạc từ Ba Thục đuổi theo sau lại không may mắn như vậy, cướp trên sông Tương Châu không quan tâm các ngươi đến từ đâu mà đều đối xử bình đẳng, cơn tức giận do vừa bị Vương Trừng đâm lật thuyền đều được trút hết lên người truy binh.
Vương Đôn và thuộc hạ cũng là lần đầu tiên đánh trận trên nước, thậm chí đứng không vững, binh lính vừa bắn tên vừa nôn mửa.
Giằng co với đám cướp hơn nửa ngày, thủ lĩnh dân tị nạn Ba Thục Đỗ Thao mới dẫn người đột phá vòng vây của đạo tặc và tiếp tục truy đuổi.
Vì bị cướp trên sông kéo dài thời gian, Vương Đôn đặt hy vọng vào đường bộ, mong là Vương Duyệt và Tuân Hoán đi đường tắt có thể chặn trước đoàn tàu của Vương Trừng.
Vương Duyệt và Tuân Hoán cưỡi ngựa tới Giang Châu, đây là địa bàn của Minh chủ Giang Nam, hắn dựa vào mặt, cưỡi ngựa chạy thẳng đến đại doanh Giang Châu ở Vũ Xương.
Thứ sử Giang Châu đóng quân ở Vũ Xương chính là Chấn Đông đại tướng quân Chu Phỏng do Minh chủ Giang Nam Tư Mã Duệ phong.
Chu Phỏng nguyên quán Lạc Dương, nhưng do cuộc đại loạn ở Trung Nguyên vào những năm cuối thời Đông Hán, Chu gia chuyển tới Giang Nam, định cư ở Cửu Giang Giang Tây, đến bây giờ đã là bốn đời nhưng gia tộc vẫn luôn cảm thấy gốc rễ mình ở Trung Nguyên, cho nên các thành viên trong gia tộc bọn họ vẫn kiên trì nói tiếng Lạc Dương, vì vậy người Chu gia đều có thể nghe hiểu tiếng Trung Nguyên.
Vương Duyệt tướng mạo đẹp đẽ, trên đường xông vào đại doanh lại không có người nào dám ngăn cản hắn.
“Phụ thân! Có người xông vào đại doanh!” Con trai trưởng Chu Phủ của Chu Phỏng cuống quýt chạy đến lều chính giữa trong doanh trại tìm cha.
Chu Phỏng bỏ binh thư xuống, “Kẻ nào tự tiện xông vào đại doanh xử trảm.”
Chu gia bắt đầu làm quan từ đời thứ hai, tổ phụ Chu Phỏng đã từng giữ chức Uy Viễn tướng quân của Đông Ngô, các đời sau này đều làm quan, xem như danh môn vọng tộc ở Giang Đông, đương nhiên, người Trung Nguyên còn coi thường cả huynh đệ Lục Cơ, Lục Vân của Lục gia thì ở trong mắt sĩ tộc, người Chu gia đến từ Giang Đông chính là kẻ nghèo hèn.
Chu Phủ năm nay mười sáu tuổi, đi theo phụ thân đóng quân ở Vũ Xương, hắn thở hồng hộc, “Là hai thiếu niên như tiên giáng trần, bọn họ không ra tay, binh lính không nghe hiểu bọn họ nói gì, nghe nói có cùng khẩu âm với các quý tộc xuôi nam tới Kiến Nghiệp, phụ thân ra ngoài xem bọn họ đi.”
Loạn Vĩnh Gia*, quan viên khăn gói xuôi nam, hàng triệu người Trung Nguyên tới Giang Nam, chuyện này không hiếm lạ gì.
Chu Phỏng cảm thấy kỳ quái, là hạng người nào mà chỉ dựa vào mặt là có thể xông thẳng vào đại doanh?
Chu Phỏng mang theo con trai ra ngoài, nhìn thấy hai thiếu niên đang nhấp nhô trên lưng ngựa ở phía xa xa thì ngây người tức thì. Từ trước đến nay ông chưa từng thấy tướng mạo và khí thế như này, chẳng trách làm tất cả thuộc hạ dưới tay đều kinh hồn bạt vía.
Hai người xuống ngựa, Vương Duyệt tự báo tên tuổi, “Vãn bối Kỷ Khâu Tử thế tử Vương Duyệt, vị này là biểu đệ Tào Mãnh của ta. Chúng ta hộ tống công chúa Thanh Hà xuôi nam, trên đường công chúa bị Thứ sử Kinh Châu Vương Trừng bắt đi, thuyền của bọn họ sắp đến Giang Châu, xin Chinh Đông Đại tướng quân xuất thuỷ quân chặn lại