Đại Tranh Chi Thế

Quyển 1 - Chương 117: Hai đứa trẻ cãi nhau



Trông thấy Khổng Khâu, Khánh Kỵ vừa mừng vừa sợ, mừng là vì ở nơi đất khách mà gặp lại được bạn cố tri, sợ là vì thân phận của hắn bây giờ là thế nào? Đang muốn tránh gặp người quen, không thể gặp Khổng Khâu được. Trong lòng Khánh Kỵ thất kinh, đang định lánh mình tránh né, Khổng Khâu kia khom người đã hơi mệt, mới quay người một cái, ánh mắt đập ngay vào hắn.

Khổng Khâu vẻ mặt kinh ngạc, sau đó rạng rỡ mặt mày, Khánh Kỵ thầm kêu lên: "Khổ rồi!" Phía trước mặt là Khổng lão phu tử, việc giết người diệt khẩu Khánh Kỵ đến nghĩ cũng không dám nghĩ, không còn lựa chọn nào khác, hắn chỉ còn biết cắm đầu đi tới, nở một nụ cười rồi nói:

- Hóa ra là Khổng sư, ngài... tại sao lại tới đây?

Khổng Khâu mỉm cười chân thành, chắp tay hành lễ rồi nói:

- Haha, Khâu cũng đang muốn hỏi đây, công tử sao lại tới nơi này? Ấy, công tử sao lại ăn mặc thế này?

Khánh Kỵ nghe thấy vậy vội đánh trống lảng:

- Chuyện này nói ra thì dài lắm, lát nữa chúng ta đi tìm nơi nào đó tâm sự cũng không muộn. Khổng sư đang định đi đâu, đang nghe hai hài đồng kia nói chuyện gì vậy?

Hắn hỏi như vậy thì lúc này Khổng Khâu mới sực tỉnh, vội vàng nói:

- Không sai, hai ta lát nữa nói chuyện cũng không muộn, nghe hai đứa bé này nói lý với nhau, vấn đề mà chúng đang tranh luận rất thú vị, Khâu chưa bao giờ nghĩ tới trước đây.

Vị Khổng phu tử này vừa nghe tới việc nghiên cứu học vấn liền quên bẵng mất mình, nói xong thì lại khom lưng xuống, cười híp mắt nói:

- Nếu đã vậy, đồng tử này, ngươi thử nói đạo lý của mình, nhưng không được văng tục chửi bậy đối phương.

Khánh Kỵ thấy vậy, đành phải đứng cạnh một bên, nhân cơ hội này nghĩ xem lát nữa sẽ giải thích với ông ta thế nào.

Chỉ nghe thấy đứa trẻ kia phản bác lại:

- Vậy ngươi nói đi, tại sao khi mặt trời mới lên thì khá lạnh, đến giữa trưa thì lại nóng bừng bừng thế này? Đương nhiên bởi vì nguyên cớ là ở xa mới thấy lạnh, ở gần thì thấy nóng rồi! Như vậy mới hợp lý, bằng không ngươi có thể giải thích hợp lý được không?

- Hà hà, ngươi nói ở xa lạnh ở gần nóng. Ta không tìm ra được đạo lý trong đó, nhưng ta cũng nói là ở xa nhỏ ở gần to, lẽ nào ngươi có lý do phản bác lại sao?

Hai đứa bé tranh chấp không có kết quả, liền nhất tề quay đầu sang nhìn Khổng Khâu, nói:

- Ây, vị phu tử này, lúc nãy ngài nói giúp chúng tôi phân giải đúng sai, vậy ngài nói xem hai chúng tôi ai nói có lý hơn nào?

- Ách..., điều này...

Khổng Khâu nghe vậy thì lúng túng. Lúc nãy đứa trẻ thứ nhất nói xong thì ông luôn gật gật đầu, đợi khi đứa trẻ thứ hai nói ra lý do của mình, lão phu tử bỗng chốc có chút ngớ người. Tuy ông là một học sĩ thông thái của thời đại này, thông cổ thạo kim, học thức uyên thâm, thế nhưng một vấn đề tưởng chừng như rất dễ hiểu của người hậu nhân thì ông lại không thể đưa ra được đáp án thỏa đáng.

Hai đứa trẻ thấy ông lưỡng lự không trả lời được, không khỏi vỗ tay cười ha hả:

- Thật không biết xấu hổ, còn nói là sẽ giúp chúng tôi phân giải đạo lý, thì ra người lớn như ngài cũng chẳng hiểu được.

Khổng Khâu nghe xong cả chòm râu đều vểnh lên, cũng may màu da của ông vốn cũng đã đen. Tuy mặt đỏ tía tai nhưng người ngoài nhìn vào cũng không được rõ cho lắm. Người vác kiệu thuê bên cạnh chớp mắt mấy lần, bực mình nói:

- Phu tử, chúng ta tìm chỗ nào trú tạm đi, nói chuyện đôi co với hai thằng nhóc này làm gì.

Tuy hắn nói như vậy, nhưng Khổng Khâu làm sao có thể mất mặt mà quay đầu bỏ đi được. Khánh Kỵ nhìn mà buồn cười, thật đáng thương cho Khổng thánh nhân, đúng là làm khó cho ông rồi, liên tiếp hai lần chịu nhục đều bị Khánh Kỵ nhìn thấy. Lần đầu tiên là ở triền sông bị Nhâm Băng Nguyệt thóa mạ một hồi, bây giờ lại bị hai thằng nhóc con gặng hỏi không nói nên lời. Chẳng trách Khổng tử nói: "Chỉ có trẻ con và phụ nữ là khó nuôi," chẳng phải đó chính là nỗi đau thầm kín của ông sao? Cũng không biết ông còn bị vô lễ như vậy thêm lần nào nữa không.

Khánh Kỵ cười trộm xuyên tạc lời thánh nhân, vừa giúp ông giải vây, nói với hai đứa bé:

- Có câu đạo có trước có sau, mỗi nghề chuyên một thứ. Cho dù là thánh nhân cũng không thể tinh thông mọi thứ được a. Hai anh bạn nhỏ, vị Khổng phu tử này chuyên nghiên cứu về việc trị quốc an dân, vấn đề nhỏ tí này để ta trả lời các ngươi là được rồi.

Khánh Kỵ mỉm cười nói tiếp:

- Thật ra mặt trời lúc sáng sớm và giữa trưa đều cách chúng ta một quãng đường như nhau. Vậy thì tại sao buổi sáng nhìn thì to, buổi trưa nhìn lại bé? Đây là một ảo giác của con người, mặt trời buổi sáng có cây cối, nhà ở, núi cao phụ trợ, cho nên trông có vẻ hơi lớn một chút. Đến giữa trưa, chỉ có một mình bầu trời với khoảng không rộng lớn vô ngần, cho nên trông có vẻ nhỏ đi. Hơn nữa khi mặt trời lên bầu trời còn tờ mờ tối, đường nét của mặt trời sẽ càng trông rõ, khi trưa bầu trời sáng rõ, đường viền của mặt trời bị thu hẹp lại theo ảo giác, nguyên nhân này cũng khiến cho vào buổi sáng mặt trời lớn hơn bình thường một chút.

Trên thực tế, mặt trời vào lúc sáng sớm và giữa trưa có một chút sai biệt về khoảng cách với địa cầu, có điều đối với một thiên thể khổng lồ như vậy mà nói, một chút sai khác đó có thể bỏ qua không tính vào được, hơn nữa đây cũng không phải là nguyên nhân chủ yếu tạo nên hiện tượng như hai đứa trẻ nói, cho nên Khánh Kỵ quyết định bỏ đi không cần nhắc tới, nếu không e rằng càng nói rối như tơ vò mất.

Đứa bé lấy căn cứ lạnh nóng không cam chịu hỏi:

- Vậy tại sao sau khi mặt trời ló ra, buổi sáng có vẻ lạnh, đến giữa trưa lại tương đối nóng bức?

Khánh Kỵ sờ sờ đầu của nó, cười nói:

- Vậy mà còn chưa rõ sao? Vào giữa trưa ánh mặt trời chiếu thẳng từ trên xuống, còn buổi sáng ánh mặt trời chiếu xiên xuống mặt đất, cậu nhóc nói xem trường hợp nào ánh nắng chiếu xuống mặt đất nhiều hơn? Hơn nữa, đã chiếu sáng suốt cả buổi sáng rồi, đến giữa trưa dù gì cũng phải ấm hơn buổi sáng chút ít.

Hai đứa bé nghe xong câm họng không nói được câu nào, Khổng Khâu giật mình phấn khởi nói:

- Thì ra là đạo lý đó, tuyệt vời, lời của công tử đã hóa giải được sự nghi hoặc trong lòng của Khổng Khâu, ba người đồng hành, ắt có một người là thầy của ta, thế gian vạn đạo, mỗi người biết mỗi thứ. Đúng là nỗ lực cả đời cũng đừng mơ tưởng tới việc có thể biết hết mọi thứ được.

Khánh Kỵ trông thấy Khổng Khâu nói mà không có chút kiêu căng, tự nhận là mình không biết, rất khiêm tốn, tấm lòng thẳng thắn vô tư, không khỏi thầm sinh lòng kính trọng, vội vàng hoàn lễ nói:

- Không dám không dám, Khổng sư khách sáo rồi. Ta và Khổng sư từ biệt đến nay cũng đã lâu rồi, tại hạ quả thực rất mong nhớ ngài, nào nào, chúng ta đi tìm nơi nào yên tĩnh để đàm đạo thoải mái đi.

Lúc này Khánh Kỵ đã nghĩ ra lý do thoái thác, muốn dẫn Khổng Khâu đến nơi yên tĩnh rồi nói rõ mọi chuyện cho ông biết. Hắn vừa nói vừa nhiệt tình nắm chặt cánh tay của Khổng Khâu, dắt ông đi cùng cho bằng được. Không ngờ vừa quay người đi, bỗng có một nhân ảnh xám xịt từ phía ngoài ngõ nhỏ chạy nhanh như bay về phía hắn. Trong ngõ bày biện nhiều sạp hàng, người đi trên đường vốn phải chen chúc lẫn nhau, Khánh Kỵ bỗng dưng quay người lại, người kia tránh không kịp, kinh sợ kêu lên một tiếng rồi ngã vào trong lòng hắn.

Khánh Kỵ hoảng hốt, không thèm nghĩ ngợi nắm chặt lấy cánh tay của người kia, người kia "ai da" một tiếng, bị Khánh Kỵ bóp chặt tay, đứng tại chỗ quay tròn rồi ngửa người ra, lập tức bị Khánh Kỵ dùng khuỷu tay ghìm chặt trước ngực.

Người kia vừa định giãy dụa, một thanh đoản đao sắc bén đã kề ngay trên cổ hắn, mũi đao nhọn hoắt kề ngay trước vành họng, khiến thân thể hắn sững ngây lại, không dám nhúc nhích thêm chút nữa.

Con dao này được Khánh Kỵ mua hồi còn ở Tất thành. Từ đó luôn mang theo bên mình, người này hành động lỗ mãng, lại khoác chiếc áo choàng đen, giấu đầu vào trong, hành tung bí hiểm, Khánh Kỵ lo rằng hắn là thích khách, không cần nghĩ ngợi đã khống chế hắn lại.

Sau khi khống chế được người đó, mũi dao của Khánh Kỵ từ từ đưa lên, kéo khăn chùm xuống, chỉ thấy một búi tóc dài rủ xuống, cần cổ như ngọc, người mặc áo đen dáng người thấp bé này hóa ra lại là một nữ tử, Khánh Kỵ khẽ giật mình kêu "Há!" một tiếng, rồi thu đao lại đẩy nàng ra.

Thiếu nữ kia quay người lại, xoa xoa cổ tay bị bóp chặt đau nhói, tức giận nói:

- Ui da, ngươi thật là lỗ mãng, người ta chỉ đụng vào ngươi có một cái, vậy mà lại mạnh tay vậy, tay ta bị ngươi bóp gần như muốn gãy lìa rồi đây này.

Thiếu nữ này dáng người nhỏ nhắn xinh xắn, khăn choàng lộ xuống vai, chỉ lộ ra phần đầu, không nhìn thấy xiêm y hoa mỹ hay không, chỉ trông thấy một khuôn mặt non nớt ngây thơ, thanh tú đáng yêu, vô cùng quyến rũ, cặp mắt thập phần linh động.

Khánh Kỵ thu lại đoản đao cúi mình mỉm cười:

- Thật có lỗi, tại hạ còn tưởng là mấy tên tiểu nhân trộm vặt, thật không ngờ lại là một cô nương xinh đẹp, thất lễ, thất lễ.

Thiếu nữ kia trừng mắt nhìn hắn, còn chưa kịp nói lại, bỗng từ xa có tiếng người gọi đến:

- Tiểu Ngải cô nương, cô nương đừng đi, Tiểu Ngải, ta nhìn thấy cô rồi, cô không được đi nhé.

Thiếu nữ vừa nghe, trên mặt lập tức lộ ra thần sắc bối rối, Khánh Kỵ thầm nghĩ: "Không phải chứ, lẽ nào ta lại gặp cảnh bọn công tử ăn chơi trác táng cưỡng đoạt dân nữ? Vậy tiếp theo có phải là nên "thiếu niên anh hùng vung đao giải cứu mỹ nhân" không nhỉ? Rồi tiếp đó là cảnh thiếu nữ không có gì báo đáp, chỉ có cách lấy thân báo ơn..."

Thiếu nữ kia nhìn trái nhìn phải, bước chân đang ngập ngừng bỗng muốn chạy đi, nhưng đúng vào lúc này một chiếc xe chở củi lộc cà lộc cộc chạy ra từ trong ngõ hẻm, đống củi trên chiếc xe thò ra ngoài, hai bên đường lại có người qua lại và sạp hàng dựng đó, làm gì còn khe hở nào cho nàng chạy?

Vị cô nương tên là Tiểu Ngải thấy bốn phía đều không có đường trốn chạy, ánh mắt lại nhìn về phía Khánh Kỵ, nhãn châu của nàng đảo một vòng, rồi cầm chặt lấy tay Khánh Kỵ, giương mắt lên nói:

- Là ngươi cản đường ta, hại ta bị hắn đuổi kịp, ngươi phải giúp ta thoát thân mới phải.

Khánh Kỵ cười nói:

- Cô nương, cô không hiểu đạo lý là gì à? Đáng ra phải là cô đụng vào ta mới đúng, chứ không phải là ta cản đường cô. Người đuổi theo cô là ai, cô muốn ta giúp cô thế nào đây?

Thiếu nữ kiễng chân lên nhìn vào trong đầu hẻm, chỉ thấy một công tử mặc áo trắng tuốt, mồ hôi nhễ nhại đang cầm áo choàng đuổi tới, liền vội vàng nói:

- Ngươi không cần để ý gì hết, lát nữa ta nói gì, ngươi chỉ cần gật đầu thừa nhận là được. Chỉ cần đuổi hắn đi, hai ta coi như hòa.

Thiếu nữ vừa nói xong, vị công tử kia tay cầm áo choàng đã thở hồng hộc chạy đến. Khánh Kỵ nhìn từ trên xuống dưới, công tử này dáng người không cao lắm, da mặt trắng bóc, tuấn tú khôi ngô, mặt mày nhẵn nhụi, trông có vẻ chưa đến hai mươi. Chỉ có điều dáng người yếu ớt, ngoác rộng miệng thở hổn hển nửa ngày, đến nỗi chỉ biết nuốt nước bọt, một câu cũng không nói được. Xem dáng vẻ thì không giống với một tên công tử ăn chơi trác táng cho lắm.

Hắn thở hổn hển hồi lâu, rồi mới nói được:

- Tiểu...Tiểu Ngải, ta...ta nhìn từ xa đã biết đó là nàng, ông trời có mắt, cuối cùng ta cũng đuổi kịp nàng.

Tiểu Ngải nguýt dài một cái, dữ dằn quát lớn:

- Là ta thì sao nào, ngươi cứ lẽo đẽo theo ta làm cái gì?

Công tử kia mặt đầy cảm xúc nói với nàng:

- Tiểu Ngải, lẽ nào nàng không hiểu tình cảm của ta dành cho nàng sao?

Tiểu Ngải rùng mình một cái, vội vàng kéo dãn khoảng cách an toàn với hắn, cau mày nói:

- Ê ê ê, ngươi không được qua đây, ta sợ ngươi lắm rồi, đương nhiên ta biết tâm ý của ngươi, nhưng ta không thể tiếp nhận được. Anh Hùng, ngươi tha cho ta đi mà, có được không...

Công tử áo trắng nói:

- Tại sao không tiếp nhận được ta? Lẽ nào gia thế của ta không xứng với nàng sao?

Tiểu Ngải liếc nhìn Khánh Kỵ, trong mắt hiện lên một tia giảo hoạt:

- Đương nhiên không phải, nhưng... nhân gia đã có ý trung nhân, đương nhiên không thể tiếp nhận ngươi được rồi.

Công tử áo trắng sợ hãi thất sắc, vội vàng hỏi dồn:

- Cái gì cái gì cơ? Hắn là ai? Không thể nào, tuyệt đối không thể! Nàng lừa ta có đúng không?

Tiểu Ngải ra vẻ ngây thơ thản nhiên nói:

- Công tử, công tử với ta tình sâu nghĩa nặng, ta làm sao có thể lừa công tử được? Nhưng biết làm sao được, tạo hóa trớ trêu, Tiểu Ngải đã có nơi có chốn, đành phải phụ lòng tốt của công tử rồi. Công tử là một đấng quân tử đức hạnh, tin rằng sau này sẽ không làm khó cho Tiểu Ngải.

Tiểu Ngải nói rồi, chớp chớp lấy được đôi mắt đen nhánh như quả nho, cố gắng làm cho đôi mắt của mình ướt át một tí, Khánh Kỵ đứng bên cạnh xem nàng diễn xuất vụng về, biểu lộ có chút tức cười.

- Làm sao có thể, điều này sao có thể được?

Công tử áo trắng xanh mặt:

- Trước giờ ta chưa từng thấy nàng có qua lại với người đàn ông nào cả, tại sao tự dưng lại chạy ở đâu ra một ý trung nhân là sao? Nhất định là nàng gạt ta rồi.

Tiểu Ngải nhìn hắn với ánh mắt rất "ngây thơ", thành khẩn nói với hắn:

- Ta thề với trời, thật sự không có... lừa ngươi. Ta với hắn, tuy chỉ là tình cờ gặp gỡ, thế nhưng sau khi tiếp xúc, tất cả tâm tư đều nghiêng về phía hắn, giờ đây hai chúng ta tình nồng thắm thiết, xin công tử từ sau đừng dây dưa với ta nữa.

Công tử áo trắng ghen tức lồng lộn, mắt đỏ ngầu nói:

- Hắn là ai? Hắn là ai? Nàng đừng tưởng rằng nói mấy câu mà gạt được ta, nàng nói xem kẻ đó ở đâu?

Tiểu Ngải lại liếc nhìn Khánh Kỵ, trong lòng Khánh Kỵ bỗng thấy có chút cảm giác bất ổn, chỉ thấy Tiểu Ngải ánh mắt đắm đuối nhìn Khánh Kỵ nói:

- Người đó... chính là chàng! Nhân gia với chàng thường xuyên đi lại với nhau, lâu ngày nảy sinh tình cảm, kết quả là đã yêu chàng mất rồi...

Khánh Kỵ nghe thấy vậy chỉ biết trợn mắt há hốc mồm:

- Trời ạ, lâu ngày nảy sinh tình cảm gì chứ, ngày nào hả? Ta ngày nào yêu cô hả? Đây là... đây đúng là mầm họa rồi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.