Đại Tranh Chi Thế

Quyển 2 - Chương 157-1: Đại luận tranh (Thượng)



Số hộ thành Đông không nhiều, phần lớn là nhà kho và nơi cúng tế, ngoài ra đều là vườn cây ruộng rau lớn. Lúc bấy giờ ruộng ở trong thành đều là nơi một số hộ quan lớn nhà giàu dùng trồng trọt hoa quả rau xanh tự cung cấp cho mình.

Xe ngựa dừng lại trước Lê viên, Khánh Kỵ xuống xe, men theo một con đường mòn nhỏ đi vào trong. Đó là một nơi tao nhã thanh ưu, trước có một hồ nước nhỏ, xung quanh nhiều cây lá vàng tươi, gió thu mát mẻ, lá cây xào xạc. Nước hồ trong xanh nhìn thấy đáy, dưới nước không thấy có cá tung tăng bơi lội. Xa xa là một bãi cát, trên bãi có ngôi đình, lúc này trong đình chải vài tấm chiếu, xung quanh ngồi rất nhiều sĩ tử.

Khánh Kỵ nắm nhẹ thanh kiếm đeo ở hông, lấy râu giả ra gắn dưới cằm, xong xuôi mới đi về phía bãi cát. Hôm nay đến xem Khổng Khâu tranh luận với Thiếu Chánh Mão, chỉ là hiếu kì thôi, cũng là để giết thời gian, vì sắp phải về Vệ, hành động của hắn cố gắng không để cho quá nhiều người biết.

Gió lay động mặt hồ, trên cành cây trái nặng trĩu, thoang thoảng hương thơm theo cơn gió. Trời xanh mây trắng, lòng người khoan khoái tươi vui. Bên bãi cát dừng đậu nhiều xe ngựa và phu xe, họ thấy Khánh Kỵ ăn mặc như một sĩ tử, tưởng là cũng đến đây nghe tranh luận, cũng không ai hỏi đến hắn, Khánh Kỵ lại gần ngôi đình. Trong đình đang tranh luận sôi nổi, không ai chú ý đến Khánh Kỵ bước vào.

Cảnh tượng tranh luận bên trong không như những gì Khánh Kỵ tưởng tượng, hai bên cãi nhau khá gay gắt. Nhìn vào cách ngồi lại cứ tưởng là rất tùy ý, trên bàn còn bày biện rượu, trà, trái cây, thức ăn vặt không thiếu. Các sĩ tử hoặc ngồi hoặc nằm, nhưng rất tập trung chú ý, rất có khí phách nghiên cứu học thuật, hoàn toàn không đến nỗi căng thẳng muốn tuốt kiếm ra chém giết lẫn nhau.

Nếu là hậu thế ai mà nói câu Nho giáo có thiếu sót, học thuật Nho giáo không bằng người ta, vậy thì cũng không cần tranh cãi nữa, sớm bị nho sĩ khắp thiên hạ đuổi đánh như chuột qua đường rồi. Kẻ thống trị sau đời Tây Hán xem trọng trọng tâm của học thuật Nho giáo là chữ “Trung” nên ra sức ủng hộ. Văn Khổng Khâu, võ Quan Vũ, cũng chính vì nguyên nhân này được đưa lên bục cao. Vì chính quyền càng thiếu cảm giác an tâm, cần thần dân phục tùng vô điều kiện càng cần tư tưởng học thuyết của họ, cho nên vào hai triều Nguyên, Thanh, chính quyền càng ra sức cổ vũ cho tư tưởng trung nghĩa của hai thánh nhân này. Mặc dù các chính quyền đều ngầm áp dụng cai trị theo Pháp gia, nhưng bề ngoài vẫn yêu cầu toàn dân tuân thủ quy tắc hành xử Nho giáo.

Đến giai đoạn đó, Khổng Tử không vĩ đại, hậu nhân cũng ca tụng cho vĩ đại, Nho giáo không phải là số một trong tất cả tư tưởng học thuật, hậu nhân cũng đưa nó lên làm số một. Người học khắp thiên hạ đều xuất thân Nho giáo, ai dám chê nửa câu không phải? Nhưng vào thời Xuân Thu, các tư tưởng mới mẻ mọc lên như nấm sau cơn mưa, không có học thuật nào giữ vị trí độc tôn tuyệt đối, đối với các nghiên cứu phát huy học thuật, quan phủ không ngăn cấm, những kẻ ủng hộ học thuật khác nhau cũng không đánh giết lẫn nhau, có chút tự do ngôn luận trong đó.

Khánh Kỵ bước vào đình, đưa mắt nhìn thấy Khổng Khâu, tuy ngồi trên chiếu nhưng vẫn cao hơn người khác cả cái đầu, nổi bật giữa đám đông. Khánh Kỵ đảo mắt khắp nơi, muốn tìm người ba lần cãi thắng Khổng Khâu, làm nhiều đệ tử của hắn chuyển qua môn hạ của mình Thiếu Chánh Mão, vì tất cả đều ngồi phân tán nên không biết ai là Thiếu Chánh Mão, đợi khi hai bên lên tiếng mới biết thì ra người ngồi đối diện Khổng Khâu, tay cầm quả lê chính là Thiếu Chánh Mão.

Thiếu Chánh Mão ngoài bốn mươi tuổi, thân hình cao ráo, mặc chiếc áo màu xanh đậm, búi tóc bằng cây trâm ngọc, sắc mặt thư thái ung dung, lại là một nam tử tuấn tú, nhìn hắn luôn tươi cười hớn hở cứ như cuộc tranh luận này khá thoải mái đối với hắn vậy. Khổng Khâu lại khác, tuy học thuyết của hắn lúc bấy giờ không áp đặt người khác nghe theo nhưng dù sao hắn và Thiếu Chánh Mão đều nổi tiếng ngang nhau ở nước Lỗ, nay ba lần tranh luận thua cả ba, lúc này sao lại không căng thẳng được? Cho nên quỳ bằng hai gối, đang tập trung tinh thần, đừng nói là Khánh Kỵ bước đi nhẹ nhàng, dù có gây tiếng động chắc hắn cũng không quan tâm chú ý đến đâu.

Hôm nay đã là cuộc tranh luận thứ tư của hai người, đối với quan điểm cai trị của đối phương đã hiểu thấu như lòng bàn tay, nên không cần diễn giải dông dài chủ trương quan điểm của đôi bên nữa, mà chỉ là tranh luận cụ thể về những quan điểm đối phương từng nhắc đến, nghe có hơi chút rối rắm.

Chỉ nghe Khổng Khâu gằn giọng:

-Cho nên, Khổng Khâu cho rằng, duy trì nhân nghĩa, dùng Chu lễ trị nước, trên dưới giữ đúng tôn ti trật tự, quân thần phụ tử có trước có sau. Thần kính vua như cha, vua yêu thần như con, nhân đức làm chính trị, là cách ổn định thiên hạ.

Thiếu Chánh Mão cười nói:

-Lời của Khổng đại phu, Mão đây cho là không đúng, nhân đức hiếu nghĩa Khổng đại phu nhắc đến, là cơ sở để tu dưỡng người quân tử, cái Khổng đại phu nhầm lẫn ở đây là đảo lộn quan hệ giữa Nhân đức và Chính trị. Đức chỉ nên là tu dưỡng của người cai trị, chứ không thể dựa vào đó duy trì chế độ được, cai trị mà chỉ dựa vào nhân đức tự luật, có dám đảm bảo người làm quan tất cả đều thanh liêm không? Lấy đức làm cơ sở như là xây tường bằng tre, chỉ phòng quân tử không phòng tiểu nhân mà thôi.

Khánh Kỵ nghe qua biết hai người tranh luận đã được một lúc, nhìn xung quanh thấy bên kia có một chiếc chiếu còn chỗ trống, bèn đi về phía đó, gật đầu chào người ngồi cạnh, mỉm cười:

-Xin hãy ngồi qua một chút.

Vị đại phu đó đang chăm chú nghe tranh luận, chỉ ngước mắt: Cứ tự nhiên! Rồi mặc kệ Khánh Kỵ, Khánh Kỵ cũng không khách sáo ngồi vào chỗ trống, quan sát hai người kia tiếp tục tranh luận.

Lúc này Khổng Khâu đã cãi lại xong, Thiếu Chánh Mão lại tiếp lời:

-Khổng đại phu nói quân tử có khắp thiên hạ, thế ư? Lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá ? Thế nào là nhân nghĩa? Ai phân chia đại nghĩa tiểu nghĩa? Nếu chuyện gì cũng không màng lợi ích, mở miệng ra là nhân nghĩa, xin hỏi quyền đánh giá tiêu chuẩn nhân nghĩa do ai nắm? Là ngàn vạn lê dân sao? Nực cười!

Ngài nói hành động theo nghĩa, thế nào là nghĩa? Ngài bảo lấy đạo đi đầu, thế nào là đạo? Ngài nói thiên hạ công bằng, thế nào là công bằng? Chỉ với những lời mơ hồ này, thử hỏi dân đen sao thấu hiểu được? Cuối cùng chẳng phải người cầm quyền nói sao nghe vậy ư? Còn Pháp, ghi chép luật lệ rõ ràng, có tiêu chuẩn so sánh đánh giá, điều đó lại khác à.

Có Pháp để làm theo, cứ như mua hàng ngoài chợ vậy, biết rõ công dụng của nó, cũng biết giá tiền bao nhiêu, lê dân bá tánh đều hiểu rõ giá trị và công dụng của nó như đi mua sắm vậy, tự nhiên sẽ theo đó mà làm. Còn lấy đức, nghĩa làm căn cứ cai trị, như là món hàng chỉ nói rõ công dụng chứ không đưa ra giá bán, mặc cho người bán muốn kêu giá bao nhiêu cũng được, hiểu sao cũng đúng, xem có vẻ công bằng vô tư lắm, thật ra không bảo đảm cho lê dân chút nào cả, ngài chỉ cần nói mình làm vậy đã nhân nghĩa rồi là được. Điều đáng lo ở chỗ, ngoài chợ người bán hét giá cao, ngài có thể không mua, nhưng kẻ cầm quyền hét giá cao ban hành mệnh lệnh xuống, ngài không chịu cũng không được, vì người bán lúc này nắm quyền lớn sinh sát trong tay!

Những lời này của Thiếu Chánh Mão làm cho nhiều người gật gù đồng ý, các sĩ tử ngồi nghe phần lớn đều có chức vụ, tất nhiên hiểu chỉ dùng nhân đức để phân định thị phi, không bằng quản lí bằng pháp luật qui định rõ ràng chi tiết.

Khổng Khâu khẳng khái:

-Khắp đất trời không gì lớn hơn mặt trời mặt trăng, đạo làm người không gì lớn hơn nhân nghĩa. Đạo quân tử không chỉ tu thân còn dùng trị nước, người nhân đức yêu thương người khác, giữ gìn phép tắc trật tự, đạo thánh hiền đạo làm người tất cả đều nằm ở đấy, nếu giáo hóa dân chúng, để tất cả đều trở thành quân tử, quân coi thần như thủ túc, thần coi quân như phúc tâm, sợ gì đạo lớn không thành? Mà qui định bằng điều luật, luật lệ không nhân đức, sẽ biến thành quyền lực áp đặt, lúc đó quân thành bạo quân, thi hành bạo chính.

Thiếu Chánh Mão nhướn mày, lập tức đáp trả:

-Khổng đại phu nói quá sự thật rồi, nghe có vẻ hợp lí nhưng thực ra khó thi hành, theo như ngài nói chẳng lẽ không có tôn ti trên dưới? Con người sống trên đời vốn đã biết phân biệt đúng sai, không phải cứ theo như Chu lễ mới có nhân nghĩa, chẳng lẽ Tam hoàng ngũ đế không là bậc thánh hiền? Theo lời ngài chỉ nên dựa vào thánh hiền, thế ngài có cách gì dạy dỗ tất cả người trong thiên hạ đều thành bậc quân tử? Thế chẳng phải là tự dối mình dối người sao?

Mão cho rằng, cứ cho là xây dựng luật lệ trước theo hướng có lợi cho bản thân thì cũng thừa nhận hiện trạng thực tế, chứ không đặt hy vọng viển vông vào bậc thánh hiền xuất hiện. Mối lo bạo chính của Khổng đại phu không phải không có, luật pháp lúc đầu chắc chắn tổn hại lợi ích của nhóm yếu thế mà lợi cho người nắm quyền nhưng chắc chắn được điều chỉnh theo thời gian, nếu không sẽ không tồn tại được, pháp luật đúng đắn, phải phân chia lợi ích bình đẳng giữa các nhóm, như vậy sẽ lâu dài mà cũng được công bằng.

Học thuyết của họ ai cũng có lí lẽ riêng, các sĩ tử say sưa lắng nghe, còn Khánh Kỵ có kiến thức hiểu biết hai ngàn năm sau, tự biết học thuyết của họ ai cũng có cái hay cái dở, chế độ sau này hoàn hảo hơn nhiều so với những gì họ đề xướng. Khánh Kỵ đến đây không vì mục đích học hỏi, hắn đến đây một là để giết thời gian, hai là hiếu kì, nên cũng chẳng thèm bận tâm đi suy nghĩ nhiều làm gì.

Chỉ là trong thâm tâm hắn hướng về Thiếu Chánh Mão, theo cách nhìn của hắn, xã hội pháp trị mới là điều kiện cơ bản đảm bảo công bằng xã hội, sau này nói đến đạo đức suy đồi, hàng giả hàng kém, trộm cắp lừa đảo, những chuyện này xảy ra liên tục, cũng có người cho là vì không cổ vũ tư tưởng Nho giáo mà ra. Nhưng theo Khánh Kỵ đám người xấu thì thời đại nào mà chẳng có? Lúc trước tham quan vô lại hà hiếp dân lành có khác gì bọn gian thương lừa đảo sau này đâu? Bọn họ ai không là nhân sĩ Nho giáo đọc sách thánh hiền, miệng đầy nhân nghĩa chứ? Trung thần nghĩa sĩ, cứ như là tất cả đều là quân tử do Nho giáo dạy dỗ mà ra, còn đối với đám vô lại hại nước hại dân, lại không nói Nho giáo dạy dỗ thất bại?

Thiếu Chánh Mão hỏi rất đúng, Chu lễ bắt nguồn từ Chu công, trước thời Chu công chẳng lẽ không có quân tử hiền đức, không có trung thần nghĩa sĩ? Nhân nghĩa đạo đức không phải do Nho giáo sản sinh ra, Nho giáo chỉ đưa quan niệm đúng sai vốn đã tồn tại lên vị trí cao nhất, thậm chí biến nó thành cơ sở đảm bảo cai trị quốc gia mà thôi. Cho dù là các động vật bậc thấp đi nữa, cũng có quy tắc tồn tại sống theo bầy đàn của nó. Loài người trải qua thời kì hoang sơ ăn lông ở lổ đến hôm nay, nền văn minh xã hội không ngừng phát triển, quan niệm đúng sai thích hợp tồn tại trong xã hội loài người, lúc đó quy tắc hành xử cũng sẽ được sinh ra. Nói thế không phải không coi trọng nhân nghĩa Nho giáo, cũng không nên chỉ tôn sùng Nho giáo mới giáo hóa được tất cả con người, cái lợi trước mắt chắc chắn có người làm chuyện bất nghĩa, muốn dẹp bỏ hiện tượng này, chỉ nên dựa vào “Pháp” .

Mặc dù lí luận Pháp trị của Thiếu Chánh Mão còn khoảng cách lớn với Pháp trị hai ngàn năm sau, nhưng tư tưởng Pháp trị này đã là bước một tiến lớn trong cách cai trị xã hội, nếu để Khánh Kỵ làm trọng tài phán xét, hắn đã cho Thiếu Chánh Mão điểm cao rồi. Nhưng khi hắn lên ngôi vua thì hắn vẫn cứ độc tôn Nho giáo, dẹp các học thuyết khác đi, dù không đồng ý với đạo Nho, nhưng đạo Nho lại lợi cho việc thống trị của hắn. Nói như vậy người ta lựa chọn cũng vì cái lợi, liên quan gì đến nhân nghĩa chứ? Chỉ là cái lợi có lợi lớn lợi nhỏ, cái lợi trước mắt cái lợi lâu dài, thế nên người cầm quyền cho dù dựa vào pháp trị, nhưng vì mưu cầu cái lợi lớn lâu dài nên sẽ không thực thi bạo chính. Chuyện cá biệt thì có, nhưng trong số các vị vua tuyên dương nhân nghĩa Nho giáo, lại không là loại người như thế ư?

Khánh Kỵ thở dài ngao ngán, cảm thấy Khổng Khâu khó mà thuyết phục được người khác, hắn đưa mắt nhìn quanh, xem xét tướng mạo các sĩ tử ngồi nghe xung quanh, chợt thấy ngoài kia một người chạy vội đến, đến bên một sĩ tử thiếu niên ngồi bên kia ghé tai nói nhỏ mấy câu, vị sĩ tử đó lập tức đứng dậy.

Khánh Kỵ nhìn kĩ lại chợt giật mình, người đó tuy không trang điểm son phấn, là một thiếu niên khôi ngô mắt thanh mày tú. Nhưng Khánh Kỵ vừa nhìn đã nhận ra, người này chính là Quý Tôn Tiểu Man.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.