[Tứ Đại Danh Bộ] Đàm Đình Hội

Chương 6: Tập II: Không phải nàng giết - Quan Đao khê quyết tử chiến



1.

Chu Bạch Tự trở về Vũ Dương thành, mệt mỏi như vừa bôn hành cả ngàn dặm đường gió bụi.

Bạch Hân Như cũng không dám hỏi gì y. Nàng hiểu rất rõ con người Chu Bạch Tự, y rất ít khi buồn bực tức giận, mỗi một giờ một khắc, y đều có thể tìm ra những lý do để vui vẻ hưng phấn, rất hiếm khi thấy gương mặt y mang thần sắc tang thương như phong sa trên đại mạc như vậy. Mỗi khi nam tử này buồn bực, thì không ai có thể xóa đi được dấu vết đó.

Ngoại trừ thời gian...

Bạch Hân Như liếc thấy ngoài cửa có mấy cánh hoa anh đào rơi xuống.

Chợt nghe Chu Bạch Tự trầm giọng hỏi: “Vụ án của Tạ Hồng Điện ra sao rồi?”.

“Tạ Hồng Điện bị người ta ra tay ám sát trong lúc hoàn toàn không hề phòng bị, nhưng dù sao tỷ ấy cũng là một nữ bộ đầu, trước khi chết còn kịp dùng máu viết một chữ ‘vũ’ trên mặt đất”.

“Chữ ‘vũ’?”.

“Phải. Những chữ bên dưới còn chưa kịp viết nốt thì đã đoạn khí”.

“Đúng là chữ ‘vũ’ chứ?”.

“Có thể là chữ ‘vũ’ cũng có thể là một chữ khác bắt đầu bằng chữ ‘vũ’!”.

Chu Bạch Tự động tâm hỏi tiếp: “Truy Mệnh tam gia đã đến Ông Gia khẩu chưa?”.

“Đến rồi. Hoàng bảo chủ cũng đến nữa. Phu nhân Bạch Hoa Hoa của Hoàng bảo chủ cũng muốn gia nhập với bọn muội. Muội liền cười cười nói, nếu Hoàng phu nhân cũng gia nhập thì Thất Cô phải đổi thành Bát Cô rồi. Huynh biết Truy Mệnh tam gia nói gì không? Ông ấy bật cười ha hả bảo: ‘Nếu mà đổi thành Bát Bà [1] thì càng hay hơn đó!’ Huynh thử nghĩ xem, Truy Mệnh tam gia dù sao cũng là võ lâm tiền bối mà thật là khuyết đức! Mấy tỷ muội bọn muội đã mắng cho ông ấy một trận...”.

Bạch Hân Như tuy nói liền một hơi không ngừng như vậy, nhưng vẫn để ý liếc nhìn Chu Bạch Tự, thấy y chẳng buồn quay sang nhìn mình lấy một cái, mà chỉ dõi mắt ra nhìn mấy đám mây lững lờ trôi ngoài cửa sổ, dù không hiểu tại sao, nhưng thực sự nàng cảm thấy rất đau lòng.

“Cả Bạch Hoa Hoa xưa nay hiếm khi xuất đầu lộ diện cũng ra mặt rồi à?” Chu Bạch Tự vẫn nghiêm túc hỏi.

“Phải đó”.

“Có điều tra được đầu mối gì không?”.

“Nghe chưởng quầy của khách sạn đó nói, thì từng có một nữ tử đến tìm Tạ Hồng Điện, hai người đã nói chuyện trong phòng của Tạ Hồng Điện rất lâu. Nữ tử ấy, thân hình rất thướt tha yểu điệu, nhưng gương mặt thì dùng sa đen che kín. Hai người còn gọi cả rượu thịt bưng lên nữa, xem ra Tạ Hồng Điện đã bị nữ tử này hạ sát cũng nên”.

Chu Bạch Tự lại khẽ động tâm.

“Hiện giờ Truy Mệnh tam gia đang đến nha phủ điều tra xem rốt cuộc có ai biết Tạ Hồng Điện hẹn gặp người nào ở Ông Gia khẩu hay không? Rốt cuộc tỷ ấy đến Ông Gia khẩu vì chuyện gì? Tỷ ấy đang điều tra vụ án gì nữa?”.

“Ồ!”.

Chu Bạch Tự khẽ liếc trộm bóng hình của vị hôn thê đang ngây người nhìn ra cửa sổ. Thân hình thanh tú ấy, gương mặt tròn trịa đều đặn ấy, làn da trắng như tuyết ấy, y đã từng yêu say đắm... nhưng mà giờ đây y lại không dám nhìn thẳng vào đôi mắt hiền dịu của nàng.

Lòng y như thắt lại, đau đớn vô cùng.

Bạch Hân Như nhìn thấy đám mây đa tình vương vấn nơi lưng chừng núi cuối cùng rồi cũng bay đi, khẽ thở dài một tiếng, hờ hững hỏi: “Hôm nay Lam trấn chủ và Ân trại chủ quyết chiến thế nào?”.

Chu Bạch Tự đột nhiên dẫm mạnh chân một cái, chỉ thốt ra một chữ: “Hòa!”.

Bạch Hân Như nghe giọng Chu Bạch Tự có vẻ không vui, ánh mắt thoáng hiện lên vẻ u uẩn, nhưng cũng không hỏi thêm gì nữa.

Trầm mặc hồi lâu, Chu Bạch Tự mới lên tiếng: “Truy Mệnh tam gia có biết chuyện chúng ta quyết chiến không?”.

“Chỉ biết có trận chiến giữa huynh và Lam trấn chủ. Ông ấy rất không vui, nói là hắc đạo bạch đạo đều như nhau cả, tranh danh đoạt lợi cái gì chứ, bỏ ra nhiệt huyết, bỏ ra tính mệnh, cuối cùng thu lại được chỉ toàn những thứ danh lợi phù phiếm”.

Không gian lại trở nên trầm mặc.

Bạch Hân Như khẽ liếm môi, cố tỏ ra vui vẻ nói: “Nguyên phu nhân, Ngao phu nhân, Hề Thái Tang, Tư Đồ phu nhân, Giang Ái Thiên, Thái Vân Phi... sáng sớm mai các tỷ muội ấy sẽ đến đây để cùng thương lượng việc bắt tên hung đồ”.

Nguyên phu nhân là phu nhân của Thị Tính Hào Hiệp Nguyên Vô Vật, khuê danh Hưu Xuân Thủy. Ngao phu nhân là phu nhân của U Châu bổ đầu Ngao Cận Thiết, tiểu danh Cư Duyệt Huệ, Hề Thái Tang là tỷ tỷ của Lạc Phách Văn Võ Song Toàn Tú Tài Hề Cửu Nương, Tư Đồ phu nhân là phu nhân của Phân đà chủ Phân đá Cái bang U Châu Tư Đồ Bất, trước khi xuất giá tên là Lương Hồng Thạch, Giang Ái Thiên là muội muội duy nhất của U Châu thế gia Giang Sấu Ngữ. Năm nữ tử này, vốn đều học qua võ nghệ, phu quân hoặc thân nhân của họ cũng đều là nhân vật có danh tiếng trong võ lâm. Chỉ riêng lực lượng của năm người này hợp lại, cũng tuyệt đối không thua kém Vũ Dương thành của họ Chu rồi. Huống hồ thân nhân của họ đều là hảo thủ trong võ lâm, mà bản thân của họ cũng đều là những nữ tử đoan trang tự trọng, nỗ lực cầu tiến hiếm gặp trên giang hồ.

Những nữ tử như vậy, giống như những mầm cây mọc lên từ kẽ đá, luôn khiến người ta cảm thấy hiếm có, cảm thấy ngưỡng mộ.

Thái Vân Phi chính là Ngũ Thái Vân, khinh công, kiếm pháp của Ngũ Thái Vân đều được thừa hưởng từ phụ thân Tam Tuyệt Nhất Thanh Lôi Ngũ Cương Trung, ngoài ra nàng còn là trái tim của Thanh Thiên trại. Nàng ôn nhu thân thiết, dịu dàng mềm mỏng, khiến cho rất nhiều lão tướng hay những nhân vật mới gia nhập Nam trại đều cam tâm tình nguyệt hi sinh cả tính mạng vì Thanh Thiên trại.

Chu Bạch Tự khẽ gật đầu nói: “Bọn họ có thể tới đây thì tốt nhất, ta phải đi làm trọng tài cho trận chiến giữa Lam Nguyên Sơn và Ân Thừa Phong. Muội có người bầu bạn, ta cũng yên tâm được phần nào”.

Bạch Hân Như thầm cảm thấy ngọt ngào, ngọn núi xa xa trước mắt dường như mờ đi, nàng cũng không biết vì sao, mỗi khi cảm động nàng đều rất dễ rơi lệ. Người ta nói như vậy, nếu không phải là đại cát, thì chính là đại hung, nếu là tân hôn hoặc hoài thai thì là hỉ. Nàng đưa mắt nhìn đóa hoa nơi đầu cành, phong hoa điệp mật, ánh mặt trời dìu dịu.

“Nghe nói Bạch Hoa Hoa và Hoắc Ngân Tiên cũng đến nữa đó”.

“Cái gì?”.

“Là phu nhân của Hoàng bảo chủ và Lam trấn chủ đó mà!”.

“Ồ...”. Một đám mây đen bất an che mờ gương mặt anh tuấn của Chu Bạch Tự. “Nàng gặp Hoắc... Lam phu nhân và Hoàng phu nhân lúc nào vậy?”.

“Bọn họ cũng rất quan tâm đến tám vụ án liên hoàn này, nên quyết ý cùng mọi người liên kết để điều ra ra chân hung. Hôm nay bọn họ đã đến Ông Gia khẩu cùng với mấy tỷ muội Cư Duyệt Huệ, Lương Hồng Thạch, Giang Ái Thiên, Hưu Xuân Thủy, Hề Thái Tang đó”.

Chu Bạch Tự sực nhớ ra một chuyện: “Còn Ngũ Thái Vân cô nương đâu?”.

Bạch Hân Như hơi ngây người: “Hôm nay không hiểu sao muội ấy lại không tới”.

Chu Bạch Tự đứng vụt dậy: “Không tới?”.

Bạch Hân Như ngạc nhiên: “Sáng sớm hôm nay trước khi ta và Ân trại chủ xuất phát, Ngũ cô nương cũng lên đường đến Ông Gia khẩu tìm bọn muội”.

Bạch Hân Như hốt hoảng: “Vậy... vậy thì sao?”.

Ánh mắt Chu Bạch Tự liền sáng rực trở lại như trước khi chiến bại dưới tay Lam Nguyên Sơn: “Ta phải đến Nam trại một chuyến”.

2.

Trong Thanh Thiên trại, không khí u ám bao trùm.

Chu Bạch Tự và Bạch Hân Như vừa sánh vai nhau bước vào trong trại thì liền hoàn toàn ngẩn người, chấn động đến độ ngây ra, bởi vì toàn bộ tử đệ trong Nam trại, ai nấy đều ngân ngấn lệ, quyền đầu rớm máu, gương mặt tràn đầy bi phẫn.

Những hán tử giang hồ này xưa nay thà lưu huyết chứ quyết không lưu lệ, vậy mà giờ đây họ đã lưu huyết, cũng đã lưu lệ, đồng thời vì cực độ bi thương, mà người nào cũng lộ ra biểu tình quyết tử, không chuẩn bị sống tiếp nữa.

Chu Bạch Tự và Bạch Hân Như bước vào đại sảnh đường trong trại, liền nghe thấy tiếng khóc, nhìn thấy một đám người đang quây tròn lại.

Lòng hai người như trầm xuống.

Chúng nhân đang vây lấy một người, nhìn nét mặt của những hảo hán và nữ tử trong trại này phảng phất như ai cũng muốn cùng nhân vật ở giữa kia cùng xuống chốn cửu tuyền bầu bạn.

Người đó đích thực đã chết rồi.

Người chết không phải ai khác, mà chính là nữ tử yếu nhược nhu hòa khả ái - Thái Vân Phi Ngũ Thái Vân.

3.

Chu Bạch Tự nhìn thấy những vết sẹo do giãy giụa trên gương mặt tròn trịa hình trái xoan của Ngũ Thái Vân, gương mặt vốn hoạt bát và tràn đầy sinh khí, giờ đây như bị phủ lên một làn mây mờ u ám. Ánh mắt y dịch dần theo cánh tay nhỏ đã băng lạnh của Ngũ Thái Vân, xuống dần đến bụng nàng. Chính vì vậy, y mới phát giác ra y phục của Ngũ Thái Vân chỉ là đắp lên, căn bản không hề mặc vào. Từ điểm này, có thể đoán được trước khi nàng thảm tử đã bị...

Nước mắt lã chã tuôn rơi trên gò má trắng hồng của Bạch Hân Như.

Nàng lao vút tới, cất tiếng hỏi: “Đây là chuyện gì vậy?”.

“Sáng sớm hôm nay, sau khi Trại chủ cùng Chu thành chủ ra ngoài, Ngũ cô nương cũng đi luôn. Sau đó, có người báo là phát hiện... phát hiện... Ngũ cô nương... di thể của Ngũ cô nương ở Khô Trúc lâm... chúng tôi liền... liền đến đưa... Ngũ cô nương về đây. Nàng...”. Một viên đầu mục trong trại kể tới đây, thì nước mắt đã trào ra, nghẹn ngào không nói nên lời.

Chu Bạch Tự gầm lên: “Là kẻ nào làm?”.

Chúng nhân đều im lặng hồi lâu. Sau cùng mới có một vị Phân đà chủ phẫn nộ lên tiếng: “Nếu chúng tôi biết được là tên khốn kiếp nào làm nhục Ngũ cô nương, thì còn đứng như khúc gỗ ở đây làm gì nữa?”.

Chu Bạch Tự đột nhiên nhớ đến Ân Thừa Phong, Ân Thừa Phong đang thọ thương. “Được, muội đợi ta trở về. Sau khi ta thắng sẽ hái đóa hoa đầu tiên nhìn thấy trên đường về tặng cho muội”. Đây là câu nói Ân Thừa Phong trước khi lên đường phó ước đã nói với Ngũ Thái Vân.

Trước ngực Ngũ Thái Vân, đang đặt một bông hoa nhỏ, mùi thương thơm ngát.

Chu Bạch Tự lo lắng hỏi: “Ân... Ân trại chủ đâu?”.

Một cao thủ Nam trại lên tiếng: “Trưa nay lúc Trại chủ trở về... dường như đã thọ thương, khóe miệng còn có vết máu... vừa thấy Ngũ cô nương... thì Trại chủ liền ngây ra như phỗng đá... sau đó thì đặt đóa hoa này lên ngực nàng... lẩm bẩm một hồi: ‘Ta biết rồi! Ta biết rồi...’ sau đó thì Trại chủ liền phóng vút ra ngoài...”.

Chu Bạch Tự tóm lấy vị cao thủ đó thét lên: “Tại sao không cản y lại? Tại sao không cản y lại?”.

Cao thủ đó bị Chu Bạch Tự nắm chặt cổ áo, nhất thời không nói được tiếng nào.

Mấy người khác đứng bên thấy vậy liền lên tiếng phân trần.

“Chúng tôi cũng muốn cản Trại chủ lại lắm chứ, chuyện của Ngũ cô nương, cũng là chuyện của tất cả mọi người, muốn báo cừu, muốn tuyết hận, tuyệt đối không thể thiếu phần của tất cả huynh đệ trong trại được!”.

“Nhưng không ai dám cản Trại chủ lại... lúc đó, mắt Trại chủ lấp lánh hung quang... thật là đáng sợ...”.

“Tôi đã trông nom Trại chủ từ nhỏ đến lớn, xưa nay chưa từng thấy gương mặt người đáng sợ đến vậy...”.

“Chuyện này cũng khó trách... ôi...!”.

“Nếu như chúng ta biết được tên hung thủ trời đánh đó là ai, thì lúc này còn có ai chịu ở đây làm con rùa rút đầu chứ?”.

Chu Bạch Tự buông tay, trầm giọng hỏi tiếp: “Có ai đuổi theo Ân trại chủ không?”.

Cao thủ Nam trại bị Chu Bạch Tự nắm lấy cổ áo đó cũng không lấy làm tức giận, chỉ thở hổn hển nói: “Chúng tôi có đuổi theo, nhưng Ân trại chủ đã lao đi như một trận gió, gọi cũng chẳng nghe, muốn đuổi theo cũng không thể đuổi kịp”.

Chu Bạch Tự hiểu được điều này, cho dù là Ân Thừa Phong đang thọ thương, nhưng khinh công của y cũng vẫn nhanh như khoái kiếm Cấp Điện của y vậy, những người ở đây e rằng không ai có khả năng cản y lại.

Y hiểu được tâm tình lúc này của Ân Thừa Phong.

Cao thủ kia lại nói: “Ân trại chủ vừa phóng ra, vừa gầm lên: ‘Là ngươi! Chính là ngươi! Nhất định là ngươi!’ Chúng tôi cũng không biết Trại chủ muốn nói tới ai nữa, Chu thành chủ, ngài và Trại chủ giao tình thâm hậu, ngài có biết người đó là ai không?”.

Chu Bạch Tự đột nhiên tung mình phóng ra khỏi đại sảnh đường, lao về phía thần mã, chỉ quăng lại một câu: “Chiếu cố Bạch cô nương giúp ta!”.

Y đã không còn thời gian để giải thích nữa. Chính bản thân Chu Bạch Tự cũng không hiểu mình có thể kịp thời ngăn cản trường mưa máu gió tanh này nữa hay không, mà cho dù là y đến kịp đi chăng nữa, chỉ e cũng không đủ lực lượng...

4.

Sau trận chiến ở thành môn Vũ Dương thành, Lam Nguyên Sơn liền trở về Phục Ngưu trấn.

Phục Ngưu trấn nằm trong vùng núi, có một dòng suối chảy qua, nước xiết đục ngầu, hai bên bờ đầy những đá cuội lớn nhỏ, cả vùng rộng lớn chỉ có một vài bụi cỏ lưa thưa, lũ chim bay qua đây vào ban đêm thường dừng lại nghỉ chân ở mấy cành khô vất vưởng bên bờ suối.

Vì khi chảy qua vùng Phục Ngưu trấn này, dòng suối đảo một vòng như vòng cung, nên người ta đặt tên cho nó là Quan Đao khê.

Trên ngọn đồi gần bờ suối, có một tảng đá lớn cao hơn đầu người, trên to dưới nhỏ, ở dưới đáy thì chỉ còn nhỏ bằng bàn tay, nhưng lại không hề đổ. Người ta nói, mỗi khi có gió thì tảng đá lớn này lại khẽ lay động, cơ hồ như muốn cưỡi gió bay đi, vì thế mới gọi là Phi Lai Thạch.

Lam Nguyên Sơn đứng bên trên Phi Lai Thạch.

Quan Đao khê không gian thoáng đãng, gió lớn mà rộng, Lam Nguyên Sơn cho rằng đây là nơi tốt nhất để mình dưỡng thương.

Một người luyện võ bình thường nếu thọ thương, sẽ cố tìm mọi cách để tránh gió tránh nước, nhưng những người võ công thâm hậu như Lam Nguyên Sơn thì lại hoàn toàn khác. Lam Nguyên Sơn đang muốn mượn gió mạnh thổi vào nội thể, dùng nguyên khí thuần dương của Viễn Dương thần công, chữa trị vết kiếm thương do Ân Thừa Phong gây ra.

Đoạn kiếm sớm đã được rút ra từ lâu.

Máu cũng đã ngừng chảy.

Vết thương vẫn còn đau ê ẩm.

Từng trận, từng trận gió mạnh thổi tới, làm tóc y, y phục, áo bào, dây lưng của y đều bay lên phần phật, Phi Lai Thạch cũng như bay bay trong gió, không có trọng lượng, Lam Nguyên Sơn hít sâu một hơi, sau đó lại từ từ thổ ra.

Có lẽ, trong mắt của thượng thiên ở trên kia, một thân công lực kinh người của y, chắc cũng chỉ như một con cóc, con nhái nhỏ bé mà thôi! Nghĩ tới đây, y không khỏi nở một nụ cười tự châm biếm.

Đúng lúc này, cái đau nơi vết kiếm thương đột nhiên biến mất, kế đó là cơ thịt sau lưng chợt căng ra.

Y quay vụt đầu lại, thì liền thấy một người, tóc dài buông xõa, kiếm quang sáng rực, người gầm gừ như một chiến thần độc ác. Người này lao về phía y như một mũi tên, lưỡi kiếm trong tay như một chiếc mống bạc. Là Ân Thừa Phong!

Lam Nguyên Sơn bất giác há hốc miệng, định hét lên, nhưng đã không kịp thốt lên thành lời, Ân Thừa Phong khóe mắt như rỉ máu, đang lao về phía y như một cơn gió.

Không phải ngày mai mới quyết chiến hay sao. Sao lại...?

Ý nghĩ này vừa thoáng hiện lên trong đầu, song thủ Lam Nguyên Sơn đã cuộn lên, một luồng lực đạo như di sơn đảo hải cuồn cuộn nghênh đón lấy kiếm thế kinh người của Ân Thừa Phong.

Viễn Dương thần công của Lam Nguyên Sơn cộng thêm kình phong của đất trời, vốn có thể thừa sức đánh bại Ân Thừa Phong đang thọ nội thương trầm trọng còn chưa khang phục, nhưng xưa nay chưa từng có người nào bị đấu chí và lửa hận thiêu đốt từng phân cơ thịt trên cơ thể như Ân Thừa Phong, trường kiếm của y ánh lên những tia sáng tuyệt vọng, mỗi một chiêu, mỗi một thức đều mang theo ý chí đồng quy ư tận. Cách đánh như vậy... không thể...

Lam Nguyên Sơn vừa đánh vừa lui, y sớm đã rời khỏi Phi Lai Thạch, lùi dần xuống dòng suối chảy xiết.

Tên tiểu tử này đã điên mất rồi...

Song chưởng của Lam Nguyên Sơn phát ra những luồng kình phong mạnh mẽ, đẩy lùi thế công cuồng bạo của Ân Thừa Phong. Nước đã ngập ngang đầu gối y, những hòn đá cuội dưới lòng suối được dòng nước chảy qua rửa sạch, sáng bóng lên như vẩy cá.

Tên tiểu tử này không cần mạng nữa hay sao...

Ân Thừa Phong phẫn nộ gầm lên như mãnh thú, kiếm hoa đâm xuống mặt nước. Lam Nguyên Sơn lùi ra giữa dòng, toàn thân bao phủ giữa làn khói nước, nội lực phát huy đến đỉnh điểm, thế nước và thế gió đã biến cả thành chưởng lực của y.

Tên tiểu tử này không cần mạng, nhưng ta thì không muốn chết!

Lam Nguyên Sơn dùng chưởng lực đánh xuống dòng suối làm nước bắn tung tóe lên mặt Ân Thừa Phong. Thị tuyến họ Ân liền lập tức bị mờ đi, không còn thấy Lam Nguyên Sơn ở đâu, chỉ thấy bóng lam bào thấp thoáng giữa những hạt nước long lanh.

Ân Thừa Phong chợt nhớ tới Ngũ Thái Vân.

Hai hàm răng y ngậm chặt mớ tóc xõa, dồn hết nỗi đau trong lòng hóa thành kiếm thế, cho dù là có ngàn vạn tên Lam Nguyên Sơn, y cũng phải bắt y chết một ngàn lần, một vạn lần.

Lam Nguyên Sơn nhảy xuống nước, vốn định mượn hoa nước bắn lên che mờ thị tuyến của Ân Thừa Phong, sau đó mượn thế gió tăng cường chưởng lực, để toàn lực phản kích, nhưng tình hình lại không được như y mong muốn.

Hoa nước bắn tung tóe, Ân Thừa Phong không nhìn rõ y, nhưng chính y cũng không thể nhìn thấy kiếm của Ân Thừa Phong.

Giữa con suối đã xuất hiện mấy điểm hồng, nhưng rồi lại bị dòng nước cuốn đi trong nháy mắt. Máu này là máu của Ân Thừa Phong, cũng có cả máu của Lam Nguyên Sơn nữa.

Dòng nước đục ngầu ở Quan Đao khê thấm ướt thanh y lam bào, hoa nước bắn tung tóe.

5.

Ân Thừa Phong dùng kiếm, Lam Nguyên Sơn dùng đôi nhục chưởng, đó là vì Ân Thừa Phong luyện kiếm, còn sở trường của Lam Nguyên Sơn là một thân công lực thâm hậu.

Trong trận chiến sáng sớm nay, Quyết Trận Kiếm của Ân Thừa Phong đã bị Lam Nguyên Sơn chấn gãy, thanh kiếm y đang cầm lúc này, là tiện tay đoạt được của một đệ tử Thanh Thiên trại muốn cản y lại.

Đây chỉ là một thanh kiếm bình thường.

Kiếm bình thường tuyệt đối không thể chịu đựng được áp lực của Viễn Dương thần công của Lam Nguyên Sơn.

Thế nên kiếm gãy đoạn, mảnh vụn bắn tung tóe lên không.

Mảnh vụn bắn về phía Lam Nguyên Sơn, cũng có một số bắn về phía Ân Thừa Phong.

Hai người đều quên cả đau đớn, đang định toàn lực giết chết đối phương. Mà giờ đây Ân Thừa Phong đã mất kiếm, coi như đã mất đi hơn nửa võ công. Lam Nguyên Sơn cản y lại, vung chưởng chém mạnh xuống.

“Keng!”.

Cổ tay Ân Thừa Phong đột nhiên có thêm một thanh tiểu kiếm, đây chính là Chưởng Lý Kiếm của Ân Thừa Phong.

Lúc Lam Nguyên Sơn phát hiện trong chưởng của Ân Thừa Phong có kiếm, muốn tránh thì đã không còn kịp nữa, chỉ nghe Ân Thừa Phong vừa đâm thanh tiểu kiếm ra, vừa rít lên: “Ta phải cùng chết với ngươi”.

Lam Nguyên Sơn thầm thở dài một tiếng, nhắm nghiền hai mắt, vung chưởng chém xả xuống. Y thực sự không thể ngờ rằng mình lại cùng chết với Ân Thừa Phong một cách bất minh bất bạch như vậy.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Bà tám : ý chỉ người nói nhiều lắm chuyện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.