Đàn Hương Hình

Chương 14



Tớ trông thấy hai tên công sai hồi nãy bị bố tớ xua đuổi, giờ đã là hai con sói xám quần áo hẳn hoi, tay tì đốc gươm, chia nhau đứng hai bên cổng. Tớ bị choáng vì sợ, vội nhắm tịt mắt, hy vọng dùng cách đó để cứu mình ra khỏi cơn ác mộng. Khi mở mắt ra, thấy về cơ bản mặt họ đã là mặt người, nhưng tay họ mọc đầy lông dài màu xám, ngón cong như lưỡi câu, tớ đau xót mà nghĩ rằng, cái lông trên người vợ tớ lợi hại hơn nhiều chiếc râu hổ thần thông quảng đại kia! Chiếc râu hổ thì khi anh nắm chặt, nó mới phát huy thần lực, còn cái lông của vợ tớ chỉ cần sờ vào nó, là ma lực của nó đã bám dính lấy anh, cho dù anh giấu kỹ nó hay vứt bỏ nó, anh còn nhớ nó hay đã quên nó!

Sau khi hai tên công sai đứng gác hai bên cổng, cỗ kiệu bốn người khiêng đã hạ xuống mặt đường đá xanh, ngay trước cổng nhà tớ. Bốn phu kiệu, tất nhiên bản tướng của họ là lừa, tuy đôi tai đã giấu trong chiếc mũ ống, nhưng điệu bộ của họ thì thật độc đáo: chân trước vịn đò kiệu, mép sùi bọt trắng, thở phì phò. Xem ra, họ chạy nước rút thì phải, bụi bám đầy ủng. Viên thơ lại họ Điêu phụ trách hình danh – người ta gọii lão là Viên Phu tử, bản tướng của lão là con nhím mõm nhọn – giơ vuốt trước màu phấn hồng vén góc rèm lên. Tớ nhận ra đó là kiệu của Tiền đại nhân. Tiểu Khuê nhổ nước bọt vào cái kiệu này mà gặp đại họa. Tớ biết, người sắp chui ra khỏi kiệu chính là Tiền đại nhân, bố nuôi của vợ tớ. Lý ra, bố nuôi của vợ cũng là bố nuôi của tớ. Tớ rất muốn đi thăm ông ấy, nhưng vợ tớ chết thì chết không chịu. Có trời chứng giám, quan lớn Tiền đối xử không bạc với nhà tớ, đã miễn thuế cho nhà tớ mấy năm rồi. Nhưng ông lớn không nên vì một bãi nước bọt mà đánh thằng Khuê gãy chân, thằng Khuê là bạn tốt của tớ. Nó bảo, anh ngố Giáp này, ông lớn Tiền cho anh cái mũ màu lục, sao không đội? Tớ về nhà hỏi vợ, vợ ơi vợ, thằng Khuê nói là quan lớn Tiền cho tớ cái mũ màu lục, nó thế nào? Sao đằng ấy không cho tớ xem? Hắn mắng tớ:

- Anh ngốc, Khuê là thằng mất dạy, không cho anh chơi với nó nữa! Anh còn với nó là em không ôm anh ngủ nữa đâu. Sau đó chưa đầy ba hôm, thằng Khuê bị đánh gãy chân. Vì một bãi nước bọt mà đánh gãy chân người ta, quan lớn Tiền kể cũng hơi ác, hôm nay đến đây, để xem ông là giống vật nào biến thành?

Tớ trông thấy cái đầu hổ trắng to bằng gốc liễu thò ra ngoài kiệu. Trời ạ, thì ra quan lớn Tiền là do hổ biến thành. Thảo nào mẹ tớ bảo, nhà vua là do rồng biến thành, quan to là do hổ biến thành. Bạch hổ đội mũ màu lam, mặc quan phục màu đỏ, ngực thêu hai quái điểu màu trắng, chim không phải chim, vịt không phải vịt. Ông bề thế hơn bố tớ, ông là con hổ béo, bố tớ là con báo gầy. Ông mặt trắng như mâm bột, bố tớ đen như hòn than. Ông xuống kiệu, khệnh khạng bước vào cổng, đúng là dáng đi của hổ! Lão nhím chạy vượt lên, lớn tiếng thông báo:

- Tri huyện Tiền đại nhân đã tới!

Lão hổ và tớ chạm trán, lão vằn mắt nhìn tớ, tớ sợ quá nhắm mắt lại, chỉ nghe thấy tiếng lão:

- Triệu Tiểu Giáp phải không?

Tớ vội khom người trả lời vâng, kẻ hèn mọn này là Giáp Con.

Nhân lúc tớ nhắm mắt, lão đã giấu được một nửa bản tướng của lão, chỉ còn cái đuôi vẫn thò vạt áo sau, kéo lê dưới đất, bám đầy bụi và nước bẩn, thể nào cũng dụ bọn nhặng xanh đến cho mà xem! Vừa nghĩ như vậy, lũ nhặng đậu trên tường đã bay lên vù vù, xông tới. Chúng đậu trên đuôi, cả trên mũ, tay áo, cổ áo của ông lớn. Ông lớn giọng hòa nhã:

- Giáp Con, vào báo có bản quan tới gặp.

Tớ bảo, mời quan lớn cứ vào, bố tui biết cắn người đấy!

Viên thơ lại vội thu hồi bản tướng nhím của lão, trợn mắt quát:

- Tiểu Giáp to gan! Dám không vâng lời quan lớn, mau vào gọi cha ngươi ra đây!

Quan lớn Tiền giơ tay ngăn cơn thịnh nộ của viên thơ lại, khom người bước vào trong nhà. Tớ vội vào theo để xem giây phút gặp gỡ giữa hổ và báo. Tớ rất muốn họ lập tức trở thành kẻ thù của nhau, gầm gừ, dựng lông gáy lên, tia mắt xanh biếc, răng trắng nhởn. Hổ trắng nhìn chằm chằm báo đen, báo đen nhìn chằm chằm hổ trắng; hổ trắng lượn quanh báo đen, báo đen lượn quanh hổ trắng, không bên nào chịu lép. Mẹ tớ bảo, nói chung thú dữ vào trận, con nào cũng gầm ghè diệu võ giương oai, trước tiên áp đảo đối phương bằng khí thế. Chỉ cần một bên tỏ ra khiếp nhược, cụp tai, kẹp đuôi giữa hai chân, mắt nhìn xuống thấp, là bên kia ào lên ngoạm vài miếng là quị. Chỉ sợ hai bên đều căng, không ai nhường ai, chắc chắn không thoát khỏi một cuộc ác chiến. Không đánh không hay, ác chiến mới hay. Tớ rất mong bố tớ và Tiền đại nhân nổ ra cuộc chiến giữa hổ và báo, không ai nhường ai. Tớ trông thấy họ vờn quanh nhau, càng vờn càng nhanh, bố như một làn khói đen, Tiền đại nhân như một làn khói trắng, từ trong nhà chuyển ra ngoài sân, từ trong sân chuyển ra ngoài đường, xoay tít hoa cả mắt, xoắn lại thành con quay, cuối cùng, hai bên nhập làm một, trong đen có trắng, cuộn thành một quả trứng; trong trắng có đen, bện thành sợi dây thừng. Từ đông cuộn sang tây, từ nam cuộn lên bắc, lúc cuộn lên mái nhà, lúc cuộn xuống giếng sâu. Bỗng một tiếng “ngoao” vang lên như trời long đất lở, cuối cùng, được thua đã được trờ đất định đoạt. Tớ trông thấy con hổ trắng và con báo đen cách nhau hơn một trượng, ngồi kiểu chó chực, thè lưỡi liếm vết thương bên vai. Cuộc chiến giữa hổ báo, tớ xem mà đầu váng mắt hoa, thót tim thót bụng, mồ hôi cùng mình. Nhưng vẫn chưa phân thắng bại. Lúc hai người xoắn lấy nhau, tớ rất muốn giúp bố một tay, nhưng không sao thực hiện được.

Tiền đại nhân căm giận nhìn bố tớ, trên mặt nở nụ cười khinh miệt. Bố tớ căm giận nhìn Tiền đại nhân, trên mặt nở nụ cười khinh miệt. Bố tớ thật sự coi khinh viên tri huyện, kẻ đã đánh thằng Khuê sống dở chết dở. Bố tớ thật sự là báo, là lừa, là trâu! Hai người ánh mắt giao nhau, như gươm đao chạm nhau tóe lửa, “lốp bốp” tàn lửa bắn vào mặt tớ, phỏng lên mấy chỗ. Hai người đấu mắt, không ai chịu nhìn đi nơi khác. Tim tớ cứ thập thò ở cổ, há miệng là nó vọt ra, rơi xuống đất biến thành thỏ đồng cụp đuôi chạy trốn, chạy ra khỏi sân, chạy trên đường phố, chó đuổi theo, thỏ chạy càng nhanh, chạy đến dốc Nam, dừng lại ăn cỏ. Cỏ gì? Cỏ mật, ăn thật no, ăn thật nhiều, ăn bấy nhiêu, rồi quay lại. Tớ trông thấy hai vị hổ báo đang lên gân, móng vuốt từ từ giương ra, nhảy xổ vào nhau, xoắn chặt lấy nhau bất cứ lúc nào. Giữa lúc gay cấn đó, vợ tớ từ buồng trong bước ra, hương thơm sực nức, nụ cười trên mặt như đóa hoa hồng, lớp cánh lớp đài nở bung từng đợt. Eo hắn xoắn lại xoắn, mềm như sợi dây thừng. Bản tướng của hắn chỉ lộ ra một thoáng, rồi lại lẩn sau lớp da vừa trắng vừa mịn vừa thơm vừa ngọt. Vợ tớ õng ẹo, quì xuống, cất giọng ngọt hơn mật, chua hơn dấm:

- Dân nữ Tôn Mi Nương bái kiến tri huyện đại nhân!

Vợ tớ vừa quì xuống, lập tức quan lớn Tiền nhũn ra. Ngài liếc ngang, bắt chước tiếng ho của con sơn dương bị trúng phong “khậc khậc khậc, khậc khậc khậc”, rõ ràng là giả vờ, tớ tuy ngố, nhưng vẫn nhận ra. Liếc sang chỗ vợ tớ, ngài không dám nhìn thẳng, không dám ngừng lại lâu, cái nhìn lấm lét, nhảy cóc như bọ ngựa va phải bức tường. Mặt ngài co rúm trông thật thảm hại, không hiểu vì ngượng hay vì sợ. Ngài nói như liên thanh “Miễn lễ miễn lễ, đứng dậy đứng dậy”. Vợ tớ đứng lên, nói:

- Nghe tin quan lớn bắt cha tui giam trong đại lao, được người Tay ban thưởng hậu hĩ, tui đã chuẩn bị rượu thịt đến mừng quan lớn.

Tiền đại nhân cười gượng, ậm ừ một lúc mới trả miếng:

- Bản quan ăn lộc triều đình, đâu dám không tận tâm với chức vụ.

Vợ tớ cười ngặt nghẽo, rồi không kiêng nể gì cả, tiến tới tóm lấy bộ râu đen của quan lớn Tiền, giật giật cái đuôi sam to tướng của ngài – sao mẹ tớ không cho tớ một cái đuôi sam to to một tí – rồi lại bậy bạ đến mức vòng ra sau ghế đàn hương, giật giật cái đuôi sam bé tí của bố tớ.

Hắn nói:

- Hai ông, một người là cha nuôi, một người là cha chồng. Cha nuôi bắt cha đẻ tui, sai cha chồng giết cha đẻ tui. Cha nuôi cha chồng ơi, tính mạng cha đẻ tui nằm trong hai tay vị đấy.

Vợ tớ nói xong câu ấy liền chạy đến xó nhà ho khan. Tớ thương vợ, con cón chạy tới đấm lưng cho hắn. Tớ hỏi, vợ ơi, có phải họ làm đằng ấy giận đến phát ốm phải không? Hắn đứng thẳng lên, nước mắt giàn giụa, giận dữ quát tớ:

- Đồ ngốc, lại còn hỏi? Bà đã có thai, sẽ đẻ cho nhà ngươi một của nợ nối dõi tông đường!

Vợ tớ, miệng chửi tớ, nhưng mắt thì lại nhìn Tiền đại nhân. Bố tớ vẫn ngước nhìn nóc nhà, có lẽ tìm lũ thạch sùng béo múp thường xuyên xuất hiện ở đó. Tiền đại nhân cứ xê dịch đít một cách không tự nhiên, y như đứa trẻ mót ỉa. Tớ trông thấy tóc ông ta ướt đẫm mồ hôi. Thơ lại Điêu tiến lên, vái một vái, nói:

- Ông lớn, hãy làm việc công đã, Viên đại nhân đang đợi trả lời ở công đường.

Quan lớn Tiền lấy tay áo lau mồ hôi trên mặt, sửa lại chòm râu bị vợ tớ làm rối, bắt chước tiếng sơn dương ho một hồi, rồi mặt lạnh như tiền, cực chẳng đã chắp tay xá một xá, nói:

- Nếu hạ quan không lầm thì ngài chính là “Già” Triệu Giáp tiếng tăm lừng lẫy!

Bố tớ đứng dậy, tay vẫn lần tràng hạt, kiêu hãnh:

- Tiểu dân Triệu Giáp trong tay có chuỗi tràng hạt bằng gỗ đàn hương do Hoàng Thái Hậu đích thân trao tặng, nên không thể quì lạy quan phụ mẫu!

Nói xong, bố tớ giơ cao chuỗi hạt bằng gỗ đàn hương nặng như những viên bi sắt lên khỏi đầu, hình như đang chờ đợi điều gì đó.

Quan lớn Tiền lùi lại một bước, đứng nghiêm, phủi tay áo, quì sụp xuống, trán chạm đất, nói như khóc:

- Thần Huyện lệnh Cao Mật Tiền Đinh chúc Hoàng Thái Hậu sống lâu muôn tuổi!

Quan lớn Tiền chúc xong, đứng dậy, nói:

- Không phải hạ quan đến quấy rối ngài, mà Tuần phủ Sơn Đông Viên đại nhân có lời mời.

Bố tớ không quan tâm lời giải thích của Tiền đại nhân, tay lần tràng hạt, mắt nhìn con thạch sùng trên trần nhà, nói:

- Thưa quan lớn, chiếc ghế đàn hương tiểu dân đang ngồi là của đương kim Hoàng thượng thưởng cho tiểu dân, theo qui định trong quan trường, thấy vật như thấy nhà vua vậy.

Sắc mặt Tiền đại nhân thoắt cái đỏ hơn cả màu gỗ đàn hương, xem ra ông ta rất cáu, nhưng cố kiềm chế. Bố tớ cũng quá quắt, bắt ông lớn lạy một lần đã đảo lộn càn khôn, xóa nhòa trên dưới! Vậy mà còn bắt lạy hai lần! Bố, vừa phải thôi bố ạ. Mẹ tớ bảo, quan xa, bản nha thì gần, vua to thật đấy, nhưng xa tít mù tắp, quan huyện thì nhỏ, nhưng ở ngay trước mặt. Ông ấy chỉ kiếm một cái cớ là bố con mình lãnh đủ, bố, quan lớn Tiền không phải là cây đèn đã cạn dầu. Con đã kể với bố chuyện thằng Khuê chỉ nhổ một bãi nước bọt vào kiệu của ông ta mà bị đánh gãy đùi rồi.

Quan lớn Tiền cố rặn ra một nụ cười nhợt nhạt trên khuôn mặt hầm hầm, nói: Hạ quan học vấn nông cạn, nhưng ít nhiều đã đọc những sách kinh điển… Xưa nay, ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài, không có vị Hoàng đế nào nhường ghế của mình cho người khác, càng không có chuyện đem ghế thưởng cho một tên đao phủ! Già Triệu, ông có nói dóc không đấy? Ông có bạo gan quá không đấy? Sao ông không nói, Hoàng thượng đem cơ đồ ba trăm năm, giang sơn mười vạn dặm nhà Đại Thanh tặng ông có hơn không? Ông sử dụng cây đao ở Bộ Hình bấy nhiêu năm, lẽ ra cũng nên biết đôi chút điển luật của nhà nước, hạ quan xin hỏi, bịa chuyện thánh chỉ, ngụy tạo thánh vật, đem điều tiếng đổ lên đầu Hoàng Thái Hậu và Hoàng Thượng, theo luật phải trị tội gi? Lăng trì hay chém ngang lưng? Giết cả nhà hay giết cả họ?

Bố ơi là bố, mới sáng nứt mắt mà đã nói xằng, họa lớn rồi! Tớ kinh hồn bạt vía, vội quì xuống xin. Tớ nói, Tiền đại nhân, bố tui đắc tội với ngài, ngài có róc thịt đem cho chó ăn cũng đáng. Nhưng vợ chồng tui không làm gì để ngài tức giận, mong ngài nới tay đừng giết cả nhà tui. Nếu ngài giết cả nhà tui, thì lấy ai đem rượu đem thịt cho ngài. Lại nữa, vợ tui vừa nói đã có thai, giết cả nhà thì đợi đẻ xong hãy giết, phải không ạ?

Thơ lại Điêu ngắt lời: Triệu Tiểu Giáp lẩm cẩm quá đấy. Đã giết cả nhà thì nhổ cỏ phải nhổ cả gốc, một mống cũng không còn, lẽ nào còn để cho anh một người nối dõi!

Bố tớ đến trước mặt, đá cho tớ một cái, mắng: “Cút, cái đồ bị thịt! Lúc không có việc thì hiếu thuận đâu ra đấy, vậy mà khi nguy cấp thì chỉ là đồ bỏ đi!” Chửi xong, bố quay lại nói với Tiền đại nhân: “Thưa quan lớn, nếu ngài hoài nghi tôi bịa đặt, bịp bợm người đời, thì sao ngài không vào Kinh hỏi Hoàng Thái Hậu và Hoàng thượng? Nếu ngại xa xôi cách trở, chi bằng ngài về huyện hỏi Viên đại nhân, chắc hẳn ông ta nhận biết chiếc ghế này”.

Lời bố mát nước thối đá, Tiền đại nhân ắng họng. Ngài nhắm mắt thở dài một tiếng, mở mắt nói: “Thôi, hạ quan hiểu biết nông cạn, mong Già Triệu đừng cười!” Ngài xá một xá, phủi tay áo, quì xuống dập đầu một cái thật kêu, gầm lên như chửi nhau ngoài phố: “Thần Cao Mật Huyện lệnh Tiền Đinh kính chúc Hoàng đế của thần sống lâu muôi tuổi!”

Hai bàn tay nhỏ bé lần tràng hạt của bố run lên, vẻ đắc ý không giấu được qua cặp mắt.

Quan lớn Tiền đứng dậy, vừa cười vừa nói: - Già Triệu, nhà vua còn thưởng cho bác vật nào nữa không? Một lần cũng là lạy, hai lần cũng là lạy, ba bốn lần cũng lạy!

Bố tớ cười: - Quan lớn đừng giận, đây là phép tắc của triều đình.

Tiền đại nhân nói: - Nếu không còn gì nữa, mời Già đi cùng hạ quan. Viên đại nhân cùng Tổng đốc Caclôt đang kính cẩn đợi Già Triệu ở công đường huyện.

Bố tớ nói: - Cảm phiền đại nhân cho người khiêng cái ghế này đi. Tôi muốn để Viên đại nhân phân biệt thật giả.

Tiền đại nhân lưỡng lự giây lát rồi khoát tay, nói: - Được! Bay đâu?

Hai tên công sai hóa thân từ sói khênh chiếc ghế tựa của bố. Tiền đại nhân và bố sánh vai bước ra cổng. Trong sân, vợ tớ nôn ọe, vừa nôn vừa gào khóc: “Cha đẻ ơi, cha hãy cố mà sống, con gái cha đã có mang thằng cháu ngoại của cha!” Tớ trông thấy sắc mặt Tiền đại nhân hết tái lại đỏ rất không tự nhiên. Nét mặt bố tớ càng vênh váo. Đến trước kiệu, Tiền đại nhân và bố tớ khách khí nhường nhau lên trước, in hệt hai ông quan cùng cấp, hai ông bạn thân tình. Rốt cuộc chẳng ai lên kiệu, hai tên công sai bỏ ghế vào trong kiệu, nhét không vào, đành gác trên đòn khiêng. Bố tớ để chuỗi hạt trong kiệu rồi trườn xuống đất. Rèm buông xuống, che khuất những vật thiêng liêng không ai được xâm phạm. Bố tớ hai tay đều rỗi, dương dương đắc ý nhìn Tiền đại nhân. Quan lớn Tiền cười lên một tiếng như điên dại, nhanh như chớp đánh một bạt tai trúng giữa miệng bố tớ, bốp một tiếng, át hẳn tiếng kêu của con ễnh ương. Bố tớ không kịp đề phòng xoay đi nửa vòng, vừa đứng vững, Tiền đại nhân lại đánh một bạt tai nữa. Cú này mạnh hơn nhiều, bố tớ ngã lăn ra, mắt trợn trừng nhổ ra một bụm máu lẫn cái răng gãy, Tiền đại nhân nói: “Đi!”.

Bọn phu khiêng kiệu chạy như bay. Hai tên công sai lôi bố dậy, mỗi tên cầm một tay lôi như lôi chó chết. Tiền đại nhân ngẩng cao đầu ưỡn ngực đi trước, tư thế hùng dũng, chẳng khác gà trống vừa nhảy từ trên lưng gà mái xuống. Do không nhìn đường, ông ta có vấp phải một hòn gạch suýt ngã lăn quay, may mà lão Điêu đỡ kịp. Nhưng trong lúc lấn bấn ấy, Tiền đại nhân đánh rơi mũ, vội nhặt đội lên đầu, đội lệch, lại phải sửa cho ngay ngắn. Tiền đại nhân đi sau kiệu, thơ lại Điêu theo sau Tiền đại nhân, hai tên công sai lôi bố tớ, bố tớ kéo lê hai chân lết theo thơ lại Điêu, đám trẻ con bạo gan bám theo chân bố tớ, một hàng mười mấy người rồng rồng rắn rắn đi về huyện.

Tớ ứa nước mắt, tiếc mình không xông tới liều mạng với lão Tiền. Chả trách bố chửi tớ lúc thường thì hiếu thuận, gặp lúc nguy nan thì là đồ giẻ rách. Lẽ ra tớ phải dùng gậy đánh gãy chân lão, phải lấy dao đâm thủng bụng lão… Tớ nhặt thanh đại đao chạy ra đường định đuổi theo Tiền Đinh, nhưng sự tò mò đã giữ tớ lại. Tớ cùng với lũ nhặng tìm thấy cái thứ mà bố tớ nhổ ra. Đúng là răng, hai cái đều là răng hàm. Tớ dùng mũi dao gạt cái răng chơi một lúc, trong lòng rất buồn, hai giọt nước mắt ứa ra. Sau đó tớ đứng dậy nhìn theo bóng dáng của họ, nhổ một bãi nước bọt lớn tiếng chửi:

- Đ. mẹ mày… - hạ giọng – Tiền Đinh!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.