“Vô luận như thế nào, Lý Nhiễm Cầu ta bội phục ngươi!”
Đêm xuống, Thế tử cùng tử sĩ ở trong lều thảo luận đường đi. Bên ngoài Lý Nhiễm Cầu đang khom lưng đốt lửa chợt quay sang Tô Tử nói.
“Nhưng chắc ngươi cũng thấy, vì ngươi bị thương, tiến trình của mọi người cũng bị liên lụy…”
Tô Tử gật đầu, thò tay lấy trong áo mảnh vải đã đỏ sẫm từ lúc nào, lại xé một miếng áo khác. Bây giờ cầm máu cũng để làm gì đâu, đã đến nước này thì chỉ mong không bị ai phát hiện.
Thiếu niên mệt mỏi rã rời, mi mắt rũ xuống chẳng còn sức mở lên: “Việc ngày mai… Nếu tiểu nhân còn sức để đi, vẫn phải cầu Lý tướng quân dàn xếp một lần. Rừng núi hoang vắng, dù không thể có quan tài cũng muốn tìm một chỗ khuất nẻo mà nằm xuống. Tiểu nhân không cha không mẹ, có lẽ sẽ chẳng ai đến tế bái đâu. Trước khi thành dã quỷ cũng muốn nhìn Thế tử một lần cho kỹ, mai này vĩnh viễn ở lại nơi đây, cũng còn cái để mà hoài niệm.”
Lý Nhiễm Cầu thân là võ tướng, vậy mà nghe hắn nói cũng có chút nao lòng, thật sự không nhẫn tâm cự tuyệt, thoáng gật đầu một cái. Tô Tử khẽ cười cảm tạ. Lửa khêu lên, đám người quần tụ dùng bữa tối. Tô Tử như mọi bận lẻn ra một nơi bí mật gần đó, móc gói thịt hươu từ trong người ra chậm rãi nhai. Thịt hươu mới có mấy ngày, đã mốc thành xanh cả.
*
Trời chẳng toại lòng người, ngày hôm sau nắng vừa ló rạng, Tô Tử lên cơn sốt cao, kết quả của việc miệng vết thương bị nhiễm trùng. Bệnh đến nước này vô phương che giấu. Hắn đưa tay sờ trán nóng như lửa đốt, cả người mềm nhũn như gãy làm hai. Thể lực này chỉ sợ một đi không trở lại, nếu ngoan cố chỉ e chết gục trên đường.
Trước mặt, tử sĩ bận rộn tháo lều dập lửa xóa vết tích. Tô Tử loạng choạng đứng dậy, Lý Nhiễm Cầu thấy thế liền kín đáo đưa tay muốn đỡ hắn đứng lên, lại bị Tô Tử cố ý tránh đi. Ánh mắt thiếu niên trong tích tắc thật buồn, như sắp sửa làm một việc đã hết đường lựa chọn.
Quả nhiên, trong ánh nhìn chăm chú của mọi người, Tô Tử quỳ rạp xuống trước mặt Thế tử Hàm.
“Thực khách không cha không mẹ, lại càng không có chị làm tỳ nữ. Trên đường đi qua nơi này, bỗng nhớ tới một bạn cũ thanh quan ngày trước nay đã chuộc thân đang ở gần đây.” Nói xong bèn giơ ngón tay chỉ qua quýt một đường: “Ở bên kia triền núi.”
Công tử Hàm dường như đã hiểu được vài phần, nhưng vẫn chưa hề mở miệng, chờ thiếu niên nói rõ ý tứ.
Tô Tử ho nhẹ hai tiếng, tiếp tục nói: “Thực khách sinh ra ở Tiễn quốc, tuy bị uy phong của công tử thu phục, nhưng tình cố thổ thật sự khó gạt đi. Đêm qua suy nghĩ mãi, cuối cùng vẫn quyết định đến nương nhờ người bạn cũ thanh quan kia.”
Nói xong lại như nhớ ra cái gì, từ trong lòng rút ra một mẩu khăn tay, cẩn thận dâng lên: “Đây là đại bổ đan của công tử, Tô Tử tiểu nhân mạng nhỏ, dùng cảm thấy xa xỉ lắm. Không bằng để công tử hoặc các vị tử sĩ đây dùng.”
Công tử Hàm bình tĩnh nhận lấy mẩu khăn tay. Tô Tử từ trên xuống đều toát ra thần sắc của người có bệnh, Lý Nhiễm Cầu trong lòng căng thẳng, tưởng như Thế tử đã nhìn ra manh mối đến nơi. Thế nhưng nam nhân chỉ yên lặng trầm ngâm, nhìn đến túi mầm cát cánh dưới chân Tô Tử, đột nhiên thở dài:
“Một túi mầm cát cánh còn tiếc không nỡ vứt, lại dễ dàng bỏ ta như thế mà đi sao?”
Một lời hỏi đến như dùng dao đục khoét tim gan, Tô Tử nở nụ cười lợt lạt: “Đúng vậy. Tô Tử tham sống sợ chết, chẳng đáng để công tử nhớ mong. Ân tình của công tử, Tô Tử nguyện kết cỏ ngậm vành.”
Nói xong mặc đau đớn trên người, hướng nam nhân trước mặt dập đầu ba cái. Công tử Hàm ngoài mặt vẫn bình tĩnh thản nhiên, lại giống như trong lòng nhói đau.
Trong đám người đứng nhìn chỉ có Lý Nhiễm Cầu hiểu được thực ý của “kết cỏ ngậm vành.” Chinh chiến đã bao năm, đổi với chuyện sống chết đã không còn lạ lẫm, vậy mà bỗng cảm thấy một chút xót xa. Lý Nhiễm Cầu là người chí tình chí nghĩa, nghĩ lại sự chịu đựng trong thân thể nhỏ bé không bao nhiêu sức lực kia, không nhịn được mà cảm phục. Lại nhớ tới ngày trước đã xử tệ với hắn, bất giác hổ thẹn tràn ngập đáy lòng. Thế nhưng lý trí vẫn đặt an nguy của Thế tử lên đầu, trước sau một từ cũng chưa mở miệng.
Tô Tử lảo đảo đứng dậy, túi mầm cát cánh chẳng nặng bao nhiêu cũng làm hắn dùng hết sức mới cất được lên vai. Lý Nhiễm Cầu trong lòng thương xót, bất giác nhìn thấy một vệt đỏ sẫm bằng lòng bàn tay từ lúc nào đã lờ mờ hiện ra trên lưng Tô Tử.
Đến nước này, khó người nào có thể làm như không thấy.
Thủ vệ có người nhẹ giọng nhắc nhở phải lên đường, bỗng nhiên công tử Hàm đứng dậy bước nhanh đuổi theo Tô Tử. Lý Nhiễm Cầu biến sắc cả kinh, không khỏi vừa mừng vừa lo.
Công tử Hàm đem một mảnh ngọc bội nhét vào tay thiếu niên. Nam tử áo trắng nhìn chằm chằm vào mái tóc khô vàng trước mặt, ánh mắt âm u mà bi thương. Giây lát sau, một giọng nói rất nhỏ vang bên tai Tô Tử.
“Hàm này nửa đời, chỉ yêu một mình ngươi.”
Giữa ánh nhìn hoang mang của quần hầu, người đó cúi xuống, hôn lên gáy hắn.
Trong cơn kinh ngạc tột độ thấp thoáng chút hoan hỉ mơ hồ, Tô Tử cả người run rẩy, từ đâu mọc ra một hy vọng mong manh. Nhưng nụ hôn ấy là cuối cùng, khi đôi môi kia dời đi, người nọ cũng thu tay lại.
“Ngày sau, bảo trọng.”
Thiếu niên giật mình, rồi như chậm rãi nhấm nuốt ý nghĩa của lời ly biệt, ho lên hai tiếng, cúi đầu nhìn ngọc bội trong lòng bàn tay.
Thì ra, ngọc bội này…
… chính là bồi táng lễ.
Ngọc bội thực sự đẹp lắm, Tô Tử tỏ vẻ không nỡ khước từ. Hắn không quay đầu lại, chỉ hướng phía trước khom mình hành lễ. Đi được hơn mười bước, áng chừng chẳng cần che giấu thương thế nữa, bóng người tập tễnh xiêu vẹo đổ dài trong nắng tái, chậm rãi biến mất vào rừng núi hoang vu.
Cho đến lúc chim bay về tổ, chút bụi tro tàn lửa đêm qua bị gió cuốn lên cao. Lều vải đã dẹp đi, đoàn người cũng không thấy bóng.
Chú thích:
★ Kết cỏ ngậm vành: Đền ơn trả nghĩa cho người từng cứu giúp mình.
Kết cỏ: Ngụy Thù người nước Tấn chết, con trai là Ngụy Khoả không chôn sống ái thiếp của ông mà đem gả cho người khác. Sau Ngụy Khoả bị giặc bao vây, nhờ có hồn của cha người ái thiếp kia kết cỏ vào chân tướng giặc mà tướng giặc vấp ngã, bị Ngụy Khỏa bắt được.
Ngậm vành: Dương Biểu đến chơi núi Hoa Âm, cứu sống được một con chim. Đêm ấy có một đồng tử mặc áo vàng đến tặng bốn chiếc vòng và nói rằng: “Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, may được chàng cứu mạng, xin cảm tạ đại ân.”
“Kết cỏ ngậm vành” mà Tô Tử nói ở đây không phải báo đáp bình thường, mà là nghĩa đen, sau khi chết đi thành cô hồn dã quỷ nơi rừng núi rồi cũng xin hẹn ngày trả nghĩa.