Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét

Chương 33: 33: Giọng Nói Ấy Phát Ra Từ Bluetooth Của Xe Hòa Cùng Làn Gió Đêm Thu Bắc Kinh Chảy Vào Tim Anh Đến Tê Dại




Một tuần từ sau tối hôm đi ăn cùng nhau, Phương Hạo không hề thấy Trần Gia Dư ở sân bay Đại Hưng.

Mấy ngày đầu vì công việc bản thân quá bận rộn nên anh cũng không nhận ra.

Đến thứ Sáu, sau khi hỏi Phó Tử Tường cùng Sở Di Nhu thì anh mới phát hiện quả thực là tuần nay không ai gặp Trần Gia Dư cả.
Sở Di Nhu thấy anh hỏi thăm thì lại bắt đầu lo lắng, bèn hỏi anh: “Hai người vẫn ổn chứ? Không phải lại…” Cô cũng ngại nói hẳn ra hai chữ “cãi vã”.
Phương Hạo lắc đầu, đáp: “Không, bọn anh vẫn ổn mà, mới đi ăn cùng nhau hôm thứ Hai.”
Sở Di Nhu hỏi: “Anh có cần em giúp hỏi anh Hiểu Húc không?” Nhưng rồi cô lại tự hỏi tự trả lời luôn: “Mà anh Hiểu Húc bình thường ở bên nhà ga T1 nên không hay gặp anh Gia, có lẽ cũng không có tác dụng gì.

Anh ấy cũng không xem được lịch trực của anh Gia.”
Phương Hạo vội bảo: “Không cần làm phiền tới anh ấy đâu.

Để anh tự hỏi.”
Thật ra, ngoài Trịnh Hiểu Húc thì Phương Hạo cũng có thể hỏi Chu Kỳ Sâm.

Tuy nhiên vì chuyện Lang Phong mà Phương Hạo cảm thấy có lỗi với Chu Kỳ Sâm.

Trước khi đưa ra được cách giải quyết phù hợp, anh ngại tìm Chu Kỳ Sâm nói chuyện.
Phương Hạo tính tới tính lui, đến chiều bèn nhắn tin cho Trần Gia Dư:「 Hai hôm nay anh không đi bay à? 」
Từ lúc hai người quen biết nhau, cứ cách hai ba hôm là Phương Hạo lại gặp được Trần Gia Dư một lần.

Trần Gia Dư làm việc bốn ngày, nghỉ hai ngày.

Trong bốn ngày này, thông thường phần lớn đều là ca sáng, dạng ca làm mà xuất phát trong khoảng từ 7 giờ đến 10 giờ sáng rồi tầm chiều hoặc tối sẽ quay lại, tóm lại cất cánh hoặc hạ cánh hai lần.

Trừ khi Phương Hạo trực ca đêm thì kiểu gì cũng sẽ gặp Trần Gia Dư một lần, nếu nhiều thì gặp hai lần trong cùng một ca, tiễn anh ấy cất cánh, đón anh ấy hạ cánh.
Khoảng vài tiếng sau, anh mới nhận được tin nhắn trả lời của Trần Gia Dư.

Anh ấy trả lời rất đơn giản:「 Ừm, tuần này không.


Một lúc sau mới bổ sung thêm:「 Đang nghỉ phép ở bên ngoài.


Phương Hạo cẩn thận nhớ lại.

Lúc hai người gặp nhau hôm tối thứ Hai, Trần Gia Dư không hề đề cập tới chuyện mấy ngày tiếp theo sẽ nghỉ phép.

Phương Hạo thậm chí còn có ấn tượng rằng hai người họ có nhắc tới lịch làm việc.

Trần Gia Dư vốn có kế hoạch bay tới Thành Đô nên hai người họ đã nói tới trải nghiệm của Phương Hạo năm ấy khi còn là kiểm soát viên thực tập tại sân bay Phàn Chi Hoa[1] – nơi có địa hình cao và hiểm, được mệnh danh là khó hạ cánh nhất.


Phương Hạo biết bản thân chắc chắn không nhớ nhầm.
Thế nhưng Trần Gia Dư đã có ý giữ bí mật, anh cũng không muốn hỏi thêm nữa, chỉ quan tâm một câu:「 Anh không ốm chứ? 」
Kết hợp với tình hình trước đó, khả năng duy nhất Phương Hạo có thể nghĩ tới là Trần Gia Dư bị ốm.
Trần Gia Dư lịch sự trả lời:「 Không phải.

Cảm ơn cậu đã quan tâm, chỉ là nghỉ phép thôi.


Kỳ nghỉ phép này của Trần Gia Dư quá đỗi đột ngột, Phương Hạo chỉ đành tìm một chủ để khác để nói chuyện:「 Vậy sang tuần anh có tới tham dự tiệc sinh nhật tôi không? 」
Anh lật lại lịch sử trò chuyện, gửi thời gian và địa điểm đã chốt cho Trần Gia Dư.
Lần này Trần Gia Dư trả lời bằng một câu khẳng định chắc nịch:「 Ừm, tới.


Có lẽ cũng nhận thấy thông tin mình đưa ra trong tin nhắn quá ít ỏi nên Trần Gia Dư chủ động hỏi Phương Hạo:「 Tuần sau tôi về, chúng ta đi ăn bữa cơm nhé.


Trần Gia Dư ngẫm thấy có một số việc quả thật không thể chờ đợi, ví dụ như đột nhiên quyết định đi Hàng Châu cùng mẹ, hoặc như chuyện cùng Phương Hạo.
Phương Hạo thấy gặp nhau hôm sinh nhật cũng được, tuy nhiên bây giờ Trần Gia Dư đã chủ động đề nghị thì anh cũng nhận lời.

Anh cảm thấy giữa hai người họ còn quá nhiều điều mập mờ không rõ, nói chuyện thêm cũng không hại gì.
Khi ở Hàng Châu, Trần Gia Dư đã bắt tay sắp xếp lịch trực tuần sau.

Anh dây dưa mãi với người xếp lịch là Vương Tường, vất vả lắm mới có được thời gian rảnh để đi ăn với Phương Hạo vào tối thứ Tư, sau đó tới tối thứ Sáu tham gia tiệc sinh nhật của cậu ấy.

Cái giá phải trả là anh bị xếp tham gia một cuộc họp vào sáng thứ Bảy, buổi chiều sẽ bay tới Thâm Quyến, sau đó nghỉ lại Thâm Quyến một đêm để đến tối chủ nhật mới bay từ Thâm Quyến về Bắc Kinh.
Trần Gia Dư đã mong chờ thứ Tư đi ăn cùng Phương Hạo để nói chuyện rõ ràng.

Thế nhưng, khi thứ Tư tới, lại tới lượt Phương Hạo lỡ hẹn.
Chuyện này thật ra cũng không trách Phương Hạo được.

Anh trực ca sáng trong yên bình, đến lúc còn 15 phút nữa là tan ca thì đột nhiên trên tần số tiếp cận truyền tới tiếng hô PAN-PAN từ chuyến bay Cargo King 1025, báo tàu bay gặp phải trục trặc điều khiển.
(Hãng China Cargo Airlines là hãng hàng không chuyên chở hàng hóa trực thuộc hãng hàng không Đông Phương (China Eastern Airlines), có mã IATA là CK, callsign là Cargo King)
Phương Hạo nghe thấy bốn chữ “trục trặc điều khiển” này thì máu trên người lạnh đi một nửa.
Cargo King 1025 là tàu bay 747 chở hàng cũ của hãng China Cargo Airlines, bay từ Đại Hưng, Bắc Kinh tới Urumchi, Tân Cương.

Phương Hạo biết trên máy bay chủ yếu là hàng hóa.

Người trên máy bay, bao gồm cả các thành viên trong phi hành đoàn, hẳn là không vượt quá mười người.

Thế nhưng mười người cũng là người.


Tàu bay một khi đã gặp trục trặc điều khiển thì sẽ không phải chuyện nhỏ.

Mất linh kiện, hư hỏng kết cấu, hệ thống thủy lực không hoạt động, những vấn đề này đều có thể gây khó khăn trong việc điều khiển tàu bay.

Nếu là vậy thì sẽ không còn đơn giản như việc hạ cánh khẩn cấp khi một động cơ bị hỏng nữa.

Khả năng cao phi công không thể điều khiển được máy bay, không thể hoàn thành bất cứ huấn lệnh nào.
Giọng cơ trưởng rất bình tĩnh.

Sau khi hô PAN trên kênh radio, anh ta tập trung xử lý sự cố và lái máy bay.

Phương Hạo cũng không dám lơ là, lập tức giải tỏa vùng trời kiểm soát bận rộn nhất sân bay Đại Hưng.

Tất cả những máy bay dưới mặt đất chưa cất cánh đều dừng chờ tại chỗ; tất cả những máy bay đang chuẩn bị hạ cánh đều bay vòng tròn trên cao.

Sau khi hoàn thành xong hết tất cả những việc đó, Phương Hạo bình tĩnh nói với tổ lái của hãng China Cargo Airlines trên sóng VHF: “Cargo King 1025, có thể hạ cách tại bất kỳ đường cất hạ cánh nào của Đại Hưng.”
Anh không rõ Cargo King 1025 gặp lỗi hư hỏng tới mức độ nào, chỉ có thể làm hết sức trong khả năng của mình, dọn sạch mọi chướng ngại vật để bọn họ hạ cánh.
(Vùng trời kiểm soát (Controlled airspace): là Vùng trời có giới hạn xác định mà tại đó dịch vụ điều hành bay, kiểm soát không lưu được cung cấp)
Vào thời điểm đó, Chu Kỳ Sâm đang điều khiển tàu bay A320 của hãng Hải Nam tiến vào sân bay từ hướng Đông.

Bắc Kinh hôm ấy có tầm nhìn tốt, anh ta tận mắt trông thấy Cargo King 1025 lên lên xuống xuống trên không trung.
“Bọn tôi hiện tại… hẳn là bị kẹt cánh lái độ cao.” Chu Kỳ Sâm nghe thấy tổ lái cập nhật tình hình trên sóng radio.
Cánh lái độ cao[2] là bề mặt điều khiển quan trọng nằm ở đuôi máy bay giúp điều chỉnh góc độ trúc xuống và ngóc lên của tàu bay.

Bất kỳ bộ phận nào tại đuôi máy bay bị hư hỏng đều sẽ dẫn đến hậu quả không thể nào tưởng tượng nổi.

Song, khi làm việc đã lâu năm trong ngành hàng không thì sẽ biết rằng việc không tưởng tượng nổi cũng sẽ xảy ra.

Cho dù một tình huống có xác suất xảy ra chỉ là 1/10.000 thì trong 700.000 lượt cất hạ cánh, xét về xác suất, tình huống đó cũng sẽ xảy ra 70 lần.
Nghe được lời nói của phi công, không chỉ bên Phương Hạo mà cả kênh radio đều im phăng phắc.

Tất cả mọi người đều đổ mồ hôi hột thay cho Cargo King 1025.
Kiểm soát viên thay ca cho Phương Hạo đã tới phòng Cơ sở tiếp cận.

Vương Triển Bác và Phó Tử Tùng cũng đã đến.

Tất cả đều nhìn về phía Phương Hạo cùng tàu bay Cargo King 1025 treo mã tín hiệu khẩn cấp 7700 đang dịch chuyển từng chút từng chút một về phía vùng trời sân bay trên màn hình radar trước mặt anh.

Cũng may, tuy gặp trở ngại trong việc điều khiển độ cao nhưng điểu khiển hướng thì vẫn có thể.

Đến cuối, Cargo King 1025 coi như đã nhắm chuẩn về phía đường cất hạ cánh, cũng đã hạ độ cao.

Vì độ cao quá thấp nên Cargo King 1025 biến mất khỏi radar Tiếp cận.

Phương Hạo không nhìn thấy được.

Anh không rõ kết quả, cũng không thể rời khỏi vị trí vì anh vẫn phải tiếp tục điều hành các tàu bay đã chờ đợi 20 phút, bay vòng vòng trên bầu trời tiến vào sân bay.
Đây hẳn là giây phút chờ đợi giày vò nhất trong suốt quãng thời gian làm việc của anh.

Ba phút trôi qua, anh mơ hồ cảm nhận thấy mặt đất rung chuyển.

Ngay sau đó, năm chiếc xe khẩn nguy của sân bay Đại Hưng đồng loạt ra quân, còi báo động kêu vang inh ỏi.

Anh biết 1025 đã hạ cánh nhưng không rõ là đáp xuống hay rơi xuống.

Lúc này không cách nào kết nối được cuộc gọi tới Đài kiểm soát.
Phương Hạo hỏi trên kênh radio: “Cargo King 1025… Có ai nhìn thấy bằng mắt thường không?”
Thế nhưng, tất cả những tàu bay trên tần số Tiếp cận mà gần mặt đất đều đã được anh chỉ huy bay vòng lại rồi, ở độ cao 4000m tới 6000m không có ai trông thấy nên cũng không có ai trả lời.
Phương Hạo không nhìn thấy được nhưng Vương Triển Bác và Phó Tử Tường không trong ca trực đã chạy một mạch tới Đài kiểm soát, tận mắt nhìn thấy tàu bay Boeing 747-200 màu trắng của hãng China Cargo Airlines tại mép cuối đường băng.

Cuối cùng bọn họ chọn đường cất hạ cánh 17L, xiên xiên vẹo vẹo coi như miễn cưỡng nhắm chuẩn tâm đường băng.

Vào khoảnh khắc hạ cánh cứng, càng hạ cánh chọc xuyên qua cánh máy bay, bụng máy bay trượt vài trăm mét trên đường bằng rồi cuối cùng lao ra khỏi đường băng và bốc cháy.

Ngay sau đó, cầu thoát hiểm khẩn cấp bật ra.

Xe khẩn nguy lập tức bao vây quanh máy bay và bắt đầu dập lửa, cửa người.
May mắn thay, là đáp xuống.
Sau cùng là Phó Tử Từ chạy về phòng Cơ sở tiếp cận báo cho Phương Hạo rằng Đài kiểm soát đã nhận được lệnh thoát hiểm của Cargo King 1025, không ai thương vong.

Đến lúc này tảng đá lớn trong lòng Phương Hạo mới được thả xuống.
Đường cất hạ cánh 17L bị va đập tạo thành một hố nhỏ, vật liệu bề mặt hư hỏng nghiêm trọng, bắt buộc phải đóng cửa để tu sửa.

Thêm vào đó, chắc chắn phải làm báo cáo tai nạn tàu bay nghiêm trọng về vụ việc ngày hôm nay.

Song, Phương Hạo đều không quan tâm – Mọi người đều an toàn, đây mới là điều quan trọng nhất.
Đến giờ hẹn hai người đã thống nhất là bảy giờ mà Trần Gia Dư vẫn không thấy người đâu, anh đợi thêm gần một tiếng tại bãi đậu xe.

Trong khoảng thời gian này, anh có nghe thấy tiếng xe khẩn nguy từ phía xa.

Tuy nhiên, xe khẩn nguy ở sân bay thường xuyên được đưa vào hoạt động, trong mười lần thì đến chín lần không phải vấn đề gì lớn nên khi ấy anh cũng không nghĩ nhiều.
Trần Gia Dư hết nhắn tin rồi lại gọi điện cho Phương Hạo nhưng đều không nhận được hồi âm.

Anh không rõ ý của đối phương nên quyết định lái xe về nhà trước.

Trong lòng anh có chút thất vọng nhưng anh biết Phương Hạo trước giờ luôn làm việc ổn thỏa và đáng tin cậy.


Cậu ấy tuyệt đối không phải dạng người ra khỏi nhà mà để điện thoại hết pin, cũng sẽ không vô duyên vô cớ mà cho anh leo cây, chắc chắn là có uẩn khúc gì đó.
Trên đường về nhà, Trần Gia Dư ngẫm lại về việc này rồi trong đầu anh như được kết nối mạch điện.

Kết hợp với tiếng xe khẩn nguy inh ỏi trước đó, Trần Gia Dư chợt ý thức được một chuyện.

Lúc này, anh đang lái xe trên đường cao tốc nhưng anh không thể đợi thêm được nữa.

Anh đỗ xe vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc vành đai ba khu Nam, lấy điện thoại ra rồi bắt đầu tìm kiếm những từ khóa như “sân bay Đại Hưng”, “Đài kiểm soát” và “tai nạn tàu bay”.

Tìm một lúc lâu nhưng vẫn không có kết quả, Trần Gia Dư thở dài, gửi cho Phương Hạo thêm một tin nhắn thoại: “Hôm nay có phải xảy ra chuyện gì không? Khi nào cậu tan ca gọi lại cho tôi được không?”
Kết quả chẳng đợi tới lúc Phương Hạo gọi lại, sau khi về tới nhà, Trần Gia Dư đã tìm được câu trả lời trong nhóm chat của cơ trưởng: Chuyến bay số hiệu 1025 của hãng China Cargo Airlines gặp sự cố điều khiển cánh lái độ cao, phải hạ cánh khẩn cấp ngay sau khi cất cánh, đập thủng một hố trên đường cất hạ cánh của sân bay Đại Hưng.

Toàn bộ tàu bay bị hư hỏng nhưng cũng may là phi hành đoàn không ai bị thương.

Chu Kỳ Sâm ở trong nhóm thêm mắm thêm muối kể lại cả quá trình rất chi là giật gân.

Trần Gia Dư thấy được thì lông mày nhíu chặt.
Phương Hạo bước chân ra khỏi tháp chỉ huy lúc 11 giờ thì vụ tai nạn đã được xác định là “Bản tin đặc biệt ngày 10/11” và được các phương tiện truyền thông lần lượt đưa tin.

Khi nhìn thấy tin nhắn trong điện thoại, Phương Hạo mới nhận ra mình đã lỡ hẹn ăn tối với Trần Gia Dư.
Thực ra, sau khi điều hành xong ca trực của mình, dù phải thực hiện các bước quy trình sau tai nạn nhưng Phương Hạo vẫn có thể kiểm tra di động của mình.

Tuy nhiên, lúc đó anh hẵng còn đang trong thời gian khôi phục sau cơn khủng hoảng, tim đập nhanh đến mức loạn nhịp, thật sự đã quên mất cuộc hẹn ăn tối với Trần Gia Dư.
Phương Hạo cảm thấy khá có lỗi.

Trên đường lái xe về nhà, anh gọi điện cho Trần Gia Dư để giải thích tình hình.

Phương Hảo có bảo để tối mai mời Trần Gia Dư bù, thế nhưng thật không may, ngày hôm sau Trần Gia Dư đã xếp lịch bay tới Hồng Kông từ sáng sớm.

Hai người chỉ đành hẹn gặp vào bữa tiệc sinh nhật.
Trần Gia Dư ở đầu bên kia điện thoại cũng rất thấu hiểu.

Anh ấy đã rõ về sự việc nên không nhắc gì về chuyện Phương Hạo lỡ hẹn mà ngược lại còn dịu dàng an ủi anh.
“Mọi người không sao là tốt rồi.

Chúng ta có thời gian mà.”
Lúc cuối Trần Gia Dư đã nói như vậy.

Anh ấy chưa bao giờ hút thuốc nhưng bẩm sinh lại có chút “giọng khói”.

Chất giọng trầm khàn, không đến mức quá hay nhưng quả thực rất đặc biệt.

Lần đầu tiên hai người tranh cãi trên kênh radio, Phương Hạo cũng nhờ vậy mà nhận ra Trần Gia Dư.

Giờ đây, giọng nói ấy phát ra từ bluetooth của xe, hòa cùng làn gió đêm thu Bắc Kinh, chảy vào tim anh đến tê dại..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.