Lý Cẩm Sắt là một cô gái xinh đẹp, cô có một người mẹ nuôi, nhưng bà không giống như người đàn bà xinh đẹp mạnh mẽ kia của cha nuôi, bà ta tuổi tuy đã cao nhưng vẫn khỏe mạnh dẻo dai, tâm vẫn chưa già,... nói ngắn gọn là lão phú bà.
Mẹ nuôi của cô cũng đã già, lại không có phúc tài vận, thậm chí là bị bệnh tật hành hạ, có thể hình dung bằng câu "chìm vào tuyệt vọng". Nhưng mẹ nuôi đối với cô rất tốt, không kém mẹ ruột là bao.
Mẹ nuôi và mẹ ruột của Cẩm Sắt là bạn thân, nhưng thân đến mức nào đây? Tuổi tác của hai người tương đương nhau, khí chất tương đồng, ngay cả diện mạo cũng là cùng một nét đẹp kiểu mắt phượng mày ngài, má đỏ hồng đào. Ai không quen thuộc sẽ cho rằng hai người là chị em ruột.
Mẹ ruột và mẹ nuôi của cô quen nhau từ ngày cả hai còn để tóc chỏm, đồng hành cùng nhau từ thời mặc đồng phục học sinh cho đến đồng phục công sở, từ giảng đường đến lễ đường đều là sánh vai nhau, đến việc tìm chồng cũng là họ "Lý" giống nhau, sinh con cũng chỉ cách nhau nửa tháng mà thôi.
Để tiếp tục tình bạn trân quý giữa hai người, lúc mới mang thai, hai người mẹ liền cùng nhau đưa ra ước định, nếu sinh một nam một nữ thì sẽ hứa hôn từ nhỏ cho hai con, nếu cùng là nam hoặc nữ thì sẽ cắt máu ăn thề, kết nghĩa kim lan cho cặp anh em/chị em này.
Trong vòng nửa tháng, hai bé gái lần lượt ra đời, hai người mẹ trẻ có chút tiếc nuối, chỉ có thể kết nghĩa chị em, không thể thành thông gia rồi. Nhưng đặt tên cho hai cô con gái có ẩn ý rất sâu xa. Lý Cẩm Sắt, Lý Hoa Niên.
Tên của hai bé gái lấy từ hai câu thơ nổi tiếng trong bài "Cẩm Sắt" của thi sĩ Lý Thương Ẩn thời Vãn Đường:
“Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.”
(Dịch thơ:
"Cẩm sắt vì đâu năm mươi sợi
Mỗi dây mỗi trục lại nhớ hoa niên.")
Người trước là chị, người sau là em. Hai cái tên lấy từ hai chữ đầu và cuối của hai câu thơ, tiền hô hậu ứng.
Lý Cẩm Sắt và Lý Hoa Niên, hai cô gái nhỏ nắm tay nhau dần dần trưởng thành. Cả hai đều được di truyền đôi mắt đào hoa, má đỏ môi hồng của hai người mẹ. Từ nhỏ đều mặc cùng một dáng váy hoa, chơi cùng một loại búp bê, đeo cùng một kiểu cặp sách, trở thành một đôi bạn thân như hai người mẹ của hai cô bé.
Biến cố xảy ra vào năm hai bé 9 tuổi. Hai bạn nhỏ lúc này học chung một trường tiểu học, lớp học của hai bé sát vách nhau, mỗi ngày đi học về cùng nhau, đến một ngã rẽ rất gần nhà thì sẽ tách ra, hai bé lần lượt rẽ hai ngã trái phải là về đến nhà.
Ngày đó, Cẩm Sắt làm trực nhật nên về nhà sau, mà Hoa Niên lại nhao nhao muốn xem phim hoạt hình, vừa tan học liền về nhà, không ở lại đợi chị. Nhưng đến 6-7 giờ tối khi bố mẹ hai nhà tan làm trở về lại không thấy bóng dáng Hoa Niên đâu, đến Cẩm Sắt bận ở lại trực nhật cũng đã về rồi.
Ba mẹ Hoa Niên sốt ruột chạy ra ngoài tìm con, từ trường học, công viên, cửa hàng, thậm chí đến cả nhà ga, nhưng cuối cùng vẫn tay không trở về. Ba mẹ Cẩm Sắt cũng dần sốt ruột, không ngừng hỏi em Hoa Niên đã đi đâu. Cẩm Sắt nghe nói Hoa Niên có thể bị bắt cóc giữa đường đi học về, cực kỳ buồn bã, "oa" một tiếng khóc lớn, đến nói năng cũng không được lưu loát nữa.
Bởi vì Hoa Niên bị lạc, hai gia đình bỗng nhiên như rơi xuống vực sâu vạn trượng, ai cũng vì lo lắng mà quên mất rằng hôm đó cũng là ngày Cẩm Sắt tròn 10 tuổi.
Ở những năm 90, trong nước không có mạng lưới camera giám sát dày đặc như thời nay. Càng huống hồ là đường mà hai bạn nhỏ về nhà đều là ngõ tắt nhỏ, bình thường cũng ít người qua lại. Cho dù Hoa Niên thật sự gặp phải kẻ bắt cóc thì cũng khó mà tìm được chứng cứ.
Trong biển người mênh mông, tìm kiếm một cô bé không biết còn sống hay đã chết thật sự chẳng khác nào mò kim đáy bể.
Hoa Niên giống như giọt sương mai trong suốt giữa mùa hè oi bức, một khi chạm vào sẽ lập tức bốc hơi khỏi nhân gian.
Mùa hè năm đó, khắp phố phường lan truyền tin đồn về bọn buôn người lừa gạt bắt cóc phụ nữ và trẻ em. Những đứa trẻ bị bắt cóc đó bị bán lên vùng núi xa xôi ở vùng Tây Bắc và Tây Nam. Các bé trai thì bị bắt thay tên đổi họ để nối dõi tông đường, còn các bé gái thì hơn phân nửa là bị bán làm đồng dưỡng dâu (con dâu nuôi từ bé). Hành hạ, ngược đãi thì không cần phải kể, có những kẻ độc ác hơn còn bán các bé trai cho khu khai thác mỏ làm công nhân vị thành niên, bé gái thì bị bán cho các ổ m ạ i d â m.
Mấy năm trước có một cậu bé trước đây bị lạc được cảnh sát giải cứu, cậu bị bọn buôn người chặt mất hai chân, phải lê thân ra đường lớn làm ăn xin ở Thiên Thủy, Cam Túc.
Hoa Niên cũng không phải là đứa trẻ đầu tiên trong vùng bị bắt cóc, mùa hè năm đó có rất nhiều đứa trẻ bất hạnh trở thành "cừu non lạc đàn".
Những vụ án tương tự quá nhiều, tỉ lệ phá án thành công rất thấp. Đề phòng những vấn đề có thể phát sinh sau này tốt hơn cái danh "mất bò mới lo làm chuồng", thế nên cảnh sát cũng chỉ tìm kiếm tượng trưng, chủ yếu là để trấn an người nhà.
Mẹ Hoa Niên không dám tiếp tục nghĩ tới hậu quả nữa, bà từ chức ở cơ quan, đến phía Tây tìm con. Ba Hoa Niên cùng bà tìm kiếm vài năm, nhưng mãi vẫn không có kết quả, ngập ngừng đề nghị muốn sinh thêm một đứa con nữa, "Mình à, chung quy cũng phải sống tiếp, chuyện đã qua rồi thì hãy cứ để nó qua đi thôi."
Mẹ Hoa Niên hai mắt nổi vệt tơ máu, gầm lên đầy giận dữ: "Quá khứ? Cứ để nó qua đi thì tương lai cũng không tốt lên được! Mười tháng mang thai, Hoa Niên là cốt nhục của tôi, từng sợi tóc của nó đều là từ huyết mạch của tôi mà thành, là một thân máu thịt này của tôi từng chút một nuôi dưỡng nó lớn lên từng ngày!"
“Ngày đó khó sinh, tôi suýt chút nữa thì c h ế t trên bàn phẫu thuật. Là hai mẹ con tôi cùng nhau vượt qua ải sinh tử. Cả đời này của tôi, ngày nào chưa tìm thấy con bé thì ngày đó đừng hòng bước sang trang mới!"
Có lẽ cuộc sống của những kẻ thành thật đó quá nhạt nhẽo và tầm thường, bọn họ mới tự vẽ cho mình những phẩm chất tốt đẹp hư ảo, ví dụ như trung trinh, nhẫn nại và kiên trì.
Năm thứ năm sau khi Hoa Niên mất tích, ba Hoa Niên cuối cùng cũng không chịu nổi gánh nặng này nữa, đành phải từ bỏ những chuyến đi đầy nặng nề kia, nóng lòng muốn hướng về một tương lai đầy tươi sáng khác. Ông ta ly hôn với mẹ Hoa Niên, tái hôn cùng một người phụ nữ khác, tạo dựng một gia đình mới, mang đến một sinh mệnh mới, từ đó bắt đầu sống nửa đời sau an nhàn và ổn định.
Sau khi con gái và chồng lần lượt rời đi, mẹ Hoa Niên chân chính trở thành người đơn thân lẻ bóng. Tương lai của bà như con thuyền không thấy bến đỗ, bà như chiếc bình mang lời nhắn cầu cứu lênh đênh giữa biển người vô tận. Bà không biết con gái hiện đang ở đâu, chiếc bình mang tín hiệu cầu cứu cứ trôi dạt không có đích đến, mà sóng biển chính là tác dụng của hành trình này.
Tựa như đi thuyền thì cần một bến đỗ an toàn, bôn ba một quãng đường dài thì cần một trạm dừng chân để nghỉ ngơi, gia đình của Cẩm Sắt trở thành bến đỗ tinh thần của bà trong những ngày tháng phiêu bạt của mình.