Chung Độ bình tĩnh nói, đôi tay thoăn thoắt cán bột của Trì Viễn Sơn thoáng khựng lại.
Đêm khuya thăm thẳm, khu dân cư tĩnh lặng, không khí trong nhà dường như đặc sệt, nghe rõ cả tiếng thở.
Trì Viễn Sơn như ngưng thở trong chớp mắt, Chung Độ nghe thấy thật rõ ràng. Anh hít sâu, thở ra thứ ắng nghẹn trong lòng, tiếp tục không ngưng lại: “Ban đầu không quá nghiêm trọng, mặc dù khi đó anh còn rất bé, không nhớ được nhiều. Nhưng anh nhớ lúc ấy mẹ vẫn hay đưa anh đi chơi, sẽ mặc những bộ váy thật đẹp để vẽ tranh, dù dính phải màu vẽ cũng không hề để tâm.”
Tại nơi Chung Độ không nhận ra, ánh sáng nơi đôi mắt anh cũng hệt như Trì Viễn Sơn, miên man, hoài niệm, chỉ là không có sự hiện hữu của nụ cười.
“Anh không rõ vì sao mẹ bất thường, cũng không thể nào tìm hiểu được. Nhưng sau cùng có thể khẳng định là vì bố anh. Một người họa sĩ nhạy cảm sắc bén, chướng mắt bụi trần thế tục vẫn thua cuộc trước tình yêu. Linh hồn tự do bị giam cầm trong lồng giam mang tên mái ấm, một ngày qua đi, một năm qua đi, không còn nơi thể hiện tài hoa và mất đi hy vọng sống, có lẽ là thứ làm mẹ phát điên.”
Trì Viễn Sơn nhìn anh, rõ ràng muốn phản bác nhưng không lên tiếng ngắt lời.
“Sau đó, mẹ chỉ còn bình thường được những lúc vẽ tranh, còn lại cứ như biến thành người khác.” Chung Độ ngừng lại vài giây, đổi lời: “Nói tới cũng thú vị thật. Trước khi điên mặc dù cũng có người đánh giá cao tranh của mẹ, nhưng không nhiều, sau khi điên những bức tranh trái lại rất được săn đón, trở thành một trường phái riêng, người ta gọi mẹ là “Họa sĩ trường phái kinh hoàng”.”
Nghe đến đây, Trì Viễn Sơn quay phắt nhìn anh, cảm giác bất an giục giã y hỏi: “Sao lại gọi là trường phái kinh hoàng?”
Chung Độ nắm miếng sủi cảo trong tay, không trả lời, cụp mặt giữ im lặng.
Quyết định dễ dàng, nhưng để nói ra lời lại là chuyện rất khó. Đầu ngón tay anh như chết lặng, trái tim đập thình thịch đau đớn, cả việc thở cũng trở nên chật vật.
Thật lâu sau, anh mới ngẩng lên, xé toác không khí u ám chết chóc thành vết rách đẫm máu. Anh nói: “Vì tranh của mẹ vẽ một đứa trẻ theo cách trừu tượng, vẽ gương mặt nó sợ hãi, vẽ nó bị dọa nạt.”
Trì Viễn Sơn nhìn đăm đăm anh vài giây, bỗng hiểu ra, chày cán bột trong tay lăn đi rơi xuống bất, “lạch cạch” hỗn loạn, giữa đêm vắng lặng khác nào tiếng sấm giữa núi khiến người ta kinh hoàng.
Trong ánh mắt rối rắm của y, Chung Độ vừa bình thản vừa tàn nhẫn tiếp tục: “Mẹ vẽ anh.”
Tay Trì Viễn Sơn run run nắm lấy cổ tay Chung Độ, bột mì trên tay dính lên cánh tay anh y cũng không buồn đoái hoài, chỉ vội vã lên tiếng: “Tại sao là anh? Không thể nào là anh được. Tại sao mẹ anh lại đi vẽ con mình? Tại sao lại?”
Nhìn y như một chú ngựa chạy tán loạn trong cơn hoảng hốt, nói năng lộn xộn cấp thiết tìm lý do nào đó có lẽ tồn tại phủ định lời Chung Độ, rồi một lát sau lại nhận thua tự phủ nhận chính mình.
Y thất thần, giọng run không tưởng nổi: “Anh từng nói anh sợ chim sợ cá, là vì vậy ư?”
Chung Độ nhắm chặt mắt, anh sợ dáng vẻ hiện giờ của Trì Viễn Sơn đến muốn chết đi. Nhưng anh biết dù mình không trả lời Trì Viễn Sơn vẫn sẽ đoán được, im lặng đã là vô nghĩa.
Anh thở dài, nắm tay Trì Viễn Sơn: “Phải, tranh của mẹ là nghệ thuật trừu tượng được tạo nên từ chủ nghĩa hiện thực.”
Anh muốn mập mờ giản lược câu chuyện này, nhưng Trì Viễn Sơn chấp nhất hỏi: “Bà ấy đối xử với anh thế nào?”
Chung Độ nhìn y một chốc, thở dài: “Nhà anh có tầng hầm, mẹ sẽ nhốt anh ở đó, mấy tiếng sau sẽ đưa thứ anh sợ vào, quan sát gương mặt anh rồi vẽ.”
Anh kể một cách hời hợt, nhưng Trì Viễn Sơn không bị anh lừa. Y nhớ Chung Độ sợ tối, hỏi anh bằng giọng khàn đặc: “Lúc nhốt anh bà ấy không bật đèn cho anh phải không? Lúc đó anh mấy tuổi?”
Chung Độ không trả lời câu hỏi của y. Anh lắc đầu: “Không còn quan trọng nữa rồi Viễn Sơn, anh đã không còn nhớ rõ.”
Câu trả lời không lừa nổi cả bản thân anh. Trì Viễn Sơn chỉ nhìn anh, không nói gì.
Đôi mắt y như sáng lên dưới ánh đèn, chỉ là đôi mắt ấy khiến người ta chẳng dám nhìn nhiều thêm. Chung Độ né tránh ánh nhìn nọ, cầm cốc cà phê đặt cạnh uống một hớp, vừa đặt ly xuống lại là một tiếng thở dài. Anh nghĩ, chạy trời sao khỏi nắng, thôi thì đau một lần, cùng nhau đau một lần cho trót.
Và anh bắt đầu miêu tả chi tiết theo cách tàn nhẫn đến dị dạng: “Đương nhiên mẹ không bật đèn cho anh. Chờ đợi trong bóng đêm, mới đầu nó sẽ vẫn ổn, nhưng lâu dần bắt đầu có ảo giác. Sau vài tiếng đồng hồ sợ sệt hoảng hốt sẽ đưa vào thứ nó sợ nhất, hiệu quả nhân lên gấp bội. Mẹ từng nói, khoảnh khắc ấy mọi biểu cảm là sống động tuyệt đối, là thứ nghệ thuật bậc cao mà mọi loại ngược đãi hạ nhục thể xác cũng không thể sánh bằng.”
Lúc kể những điều này, Chung Độ như chìm vào một thế giới khác. Ánh mắt anh đờ đẫn và thậm chí le lói đâu đó vẻ tàn nhẫn. Trì Viễn Sơn đâm hoảng, vội vàng gọi anh ơi, nhìn thẳng vào mắt anh lúc Chung Độ nhìn về phía mình, nói: “Anh từng nói với em không ai làm anh tổn thương. Anh cảm thấy bấy nhiêu không là tổn thương ư?”
Sự thật là, sở dĩ y có thể giữ được vẻ bình tĩnh như lúc này cũng bởi lời kể nhẹ tựa lông hồng của Chung Độ: “Yên tâm, không ai làm tôi tổn thương.”
Khi đó Chung Độ đánh tráo khái niệm, bây giờ chỉ biết yếu ớt đáp: “Anh xin lỗi.”
Trì Viễn Sơn day mi tâm, hỏi tiếp: “Chung Miện thì sao? Chung Miện mặc bà ấy đối xử với anh như vậy?”
Chung Độ cười mỉa mai: “Lúc đó ông ta bận công việc, thường xuyên vắng nhà. Có lần ông ta về, mẹ rất mừng rỡ lấy tranh cho ông ta xem, thao thao bất tuyệt kể quá trình mình tạo ra tác phẩm, nào là làm sao để anh làm ra được biểu cảm thế kia, rồi cách bắt tay vào sáng tác dựa trên những sắc thái cường điệu thái quá đó. Anh cũng ở bên lắng nghe, liên tục nhìn ông ta. Anh mong ông ta nói bất kỳ điều gì cũng được, nhưng ông ta không nói gì cả, nghe xong chỉ cười, khen mẹ vẽ rất đẹp.”
Anh thở dài, như than van thay những đợi mong ngu đần của mình ngày bé.
“Sau đó ông ta bán những bức tranh ấy, hẳn là bán cho mấy kẻ điên giống mẹ. Những tác phẩm dần mang đến cho ông ta nguồn lợi ích hậu hĩnh và mạng lưới quan hệ từ đủ mọi ngành nghề. Việc kinh doanh càng làm càng lớn mạnh, thế là có Chung Miện mọi người thấy ngày hôm nay. Theo lời ông ta, bởi giữ im lặng là vì ông ta yêu mẹ anh, bán những bức tranh là để mẹ thấy bản thân sống có giá trị.”
Nói đến đây Chung Độ không nhịn nổi bật cười, nụ cười trên gương mặt anh có phần méo mó, mỉa mai và khinh miệt.
Trì Viễn Sơn nghe anh tỉnh táo kể: “Cái tên Chung Miện này được đặt quá đúng người. Ông ta quả mũ miện quang minh, vì bộ mặt đáng tội nghiệp kia mà không đưa mẹ vào bệnh viện tâm thần, cũng vì thể diện mà mời thầy dạy lễ nghi đến dạy anh thứ gọi là điệu bộ lễ nghi. Lúc cười khóe môi phải giương đúng vị trí nào, nâng ly phải nhấc tay cao bao nhiêu, thậm chí lúc ăn cơm phải nhai nuốt ra sao mới càng toát vẻ nho nhã… Ông ta sẽ kiểm tra, nếu không đúng chuẩn ông ta sẽ cười cảnh cáo anh, nói những câu chẳng hạn như, Mấy hôm nay mẹ không vẽ tranh nhỉ, Hình như hệ thống thông gió dưới hầm bị hỏng.”
“Ngày bé anh đã tưởng tất thảy vì tốt cho anh. Sau này lớn lên mới biết thứ ông ta cần chỉ là một đứa con hoàn hảo, một đứa con không nhất thiết phải là anh.”
Trì Viễn Sơn yếu ớt dựa vào lưng ghế. Trước đây y đã tưởng tượng rất nhiều lần, nhưng không thể ngờ sự thật lại là thứ bày ra trước mắt đây. Thực tế tiềm thức y đã tránh nặng tìm nhẹ, như thể nếu y không nghĩ mọi chuyện quá nghiêm trọng thì Chung Độ sẽ thật không trải qua nó vậy.
Rốt cuộc y đành thừa nhận bản thân lừa mình dối người. Phải đấy, Chung Độ chẳng phải một người yếu đuối, nếu chỉ vì một nguyên nhân cỏn con làm sao anh có thể bầu bạn với nỗi đau suốt ngần ấy những năm tháng đã qua.
Mọi thứ quá tàn khốc, quá tàn khốc với một đứa trẻ, với cả Chung Độ 34 tuổi.
Y thất bại gác tay lên mắt, hạ giọng: “Sao ông ta có mặt mũi nói những điều đó trước mặt truyền thông?”
Trước đây Trì Viễn Sơn biết Chung Độ có cha là ông trùm giới bất động sản Chung Miện, cũng đã nhìn thấy Chung Miện trả lời phỏng vấn nói con trai mình tài hoa hiếu thảo đến đâu. Chung Độ chỉ xuất hiện hiếm hoi qua ống kính vì phim ảnh, rất ít khi trả lời những câu hỏi không liên quan. Nên mối quan hệ cha con trong miệng Chung Miện thành sự thật trong mắt mọi người, đến tận hôm nay Trì Viễn Sơn mới tường tận bộ mặt khác của ông ta.
Chung Độ nhìn y, đặt bàn tay mình nắm lên đầu gối, ngón cái vân vê khớp xương nhô lên: “Không quan trọng, ông ta thích nói gì thì nói vậy.”
“Đã thế sao hôm qua anh còn đi gặp ông ta?”
“Anh quá ngây thơ.” Chung Độ thở dài: “Thời gian qua ông ta đã luôn cứu vãn mối quan hệ với anh, xem nó như cái cớ can thiệp vào cuộc sống anh, hôm qua anh đã đến với ý định thuyết phục ông ta.”
Trì Viễn Sơn hiểu, suy cho cùng cũng là vì mình. Y cười giễu: “Nếu em là Chung Miện, chắc em không còn mặt mũi đi hàn gắn quan hệ cha con gì đâu.”
“Ông ta làm việc chỉ với hai động cơ, thể diện và lợi ích.” Chung Độ nói: “Anh và ông ta không dính líu lợi ích, vậy chỉ có thể vì thể diện. Đại khái vì bây giờ anh cũng có đôi chút tiếng nói, hẳn rằng ông ta sợ anh công khai điều gì. Nhưng bây giờ ông ta không xen chân vào chuyện của anh được nữa, cũng chỉ làm được trò túm cổ đám tài khoản marketing không đăng ảnh anh với em.”
Anh nửa đùa nửa dỗ dành Trì Viễn Sơn. Y cũng thể theo nguyện vọng của anh, cúi người nhặt chày cán bột lên, mỉm cười vờ như thoải mái: “Không cho đăng thì hai ta không thành đôi chắc? Tiểu Trì vẫn cứ làm sủi cảo cho bạn trai mình đấy thôi.”
Trì Viễn Sơn cầm chày cán bột vào bếp rửa, tự cho là bản thân che giấu rất giỏi. Cúi người nhặt lên, đứng dậy vào bếp một mạch mà không hề tiếp xúc với ánh mắt Chung Độ. Nhưng anh vẫn kịp nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của Trì Viễn Sơn.
Chung Độ không theo vào, muốn chừa không gian để y bình ổn cảm xúc. Nhưng Trì Viễn Sơn mãi không ra, tiếng nước trong bếp cũng chưa ngưng lại.
Anh đứng dậy nhích vài bước đến gần, mắt nhìn qua bức tường chắn vào bếp. Anh trông thấy Trì Viễn Sơn đứng trước bồn rửa, cúi đầu đứng lặng.
Trì Viễn Sơn giống hệt một đứa trẻ làm sai bị phạt úp mặt vào tường. Nhưng y không ấm ức cũng không thất vọng, nhưng bị thứ cảm xúc buồn đau xót xa nào đó ghì chặt tấm lưng, vai run run, thoạt trông khổ sở khó lòng chịu nổi.
Chung Độ ngơ ra mấy giây, bổ nhào đến ôm lấy Trì Viễn Sơn, vỗ về tấm lưng y hạ giọng an ủi: “Không khó chịu, qua cả rồi.”
Lồng ngực áp chặt vào nhau, từng rung động nhỏ nhất như dòng diện chạy vào tim Chung Độ, căng trướng mà chua xót. Yết hầu anh trượt lên rồi xuống, hốc mắt cũng đỏ au. Anh nghĩ mình sẵn lòng chịu đựng trăm ngàn lần ngược đãi dưới tầng hầm còn hơn là phải chứng kiến Trì Viễn Sơn thế này dẫu chỉ một khoảnh khắc.
Một người luôn tươi tắn như ánh mặt lời lúc này đây bấu eo Chung Độ thật chặt, khó chịu đến độ không tài nào ngẩng đầu lên. Rất khó để hình dung cảm xúc này trong tức thời, là cây cổ thụ héo khô chết rũ, thế gian nhòe màu xám xịt, bầu trời không còn cánh chim, bụi cây không có lấy nửa phiến lá rách nát, là nỗi tuyệt vọng không biết điểm bắt đầu và cơn đau tột cùng chẳng hoài nguôi ngoai.
May mà trời đã khuya, tất thảy hư rữa mục nát sẽ bị nhấn chìm trong bóng đêm. Để ngày mai khi ánh dương lên, cỏ non mướt như tấm chăn êm, cuộc sống mới sẽ đến.