Diary In Grey Tower

Chương 21



Rốt cuộc tôi đã hiểu vì sao Andemund muốn đẩy tôi tránh xa khỏi trang trại Plymton. Anh ấy biết nơi này là vòng xoáy dữ dội nhất giữa biển khơi, mà chỉ cần lái mình đi chậm một bước tôi sẽ kết thúc tại đáy đại dương sâu thẳm, không để lại dù chỉ một mảnh vỡ trôi dạt… bất kể là tinh thần hay thể xác.

Những ngày ở bên nhau, tôi từng kể về mẹ mình một cách sùng bái không biết bao nhiêu lần. Anh ấy biết phu nhân Castor là cột trụ duy nhất trong tâm hồn tôi, là tín ngưỡng của tôi. Từ việc giải mã “Mê” giúp Lindon cho đến quyết định gia nhập trang trại Plymton tôi đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bà. Giọng cổ vũ của bà vẫn luôn dịu dàng vang bên tai tôi: “Alan, con làm rất đúng, con đang cống hiến vì nước Anh quang vinh của chúng ta.”

Như thể chỉ cần quay đầu lại, tôi sẽ lại được thấy đôi mắt màu lam xám tuyệt đẹp ấy.

Andemund hiểu rõ hậu quả khi một niềm tin đổ vỡ, và cả sự nghiêm trọng của tội danh phản quốc. Dù tôi sẽ không phải chịu một hình phạt nào vì mẹ tôi phản quốc nhưng nỗi ô nhục tội lỗi của cả gia đình sẽ giày vò lương tâm tôi, sẽ bám víu lấy tôi suốt cuộc đời. Tôi không còn là con trai của nhà mật mã học Jane Castor nữa, mà là con của một kẻ phản bội.

Không… không, điều đó không quan trọng.

Quan trọng là tín ngưỡng của tôi với mẹ đã sụp đổ. Kéo theo đó là vũng lầy giằng xé giữa lương tri và tình thân sẽ khiến tôi đau đớn khôn cùng.

Tôi nhớ đến một câu từng đọc trong một tài liệu tiếng Đức. Goethe nói rằng, trong thời đại nhiễu nhương này, người có thể nép mình vào nơi thẳm sâu an tĩnh của những tình cảm mãnh liệt thực là hạnh phúc. Tôi vốn đã có thể hạnh phúc. Như những gì Andemund muốn, đúng ra tôi nên rời bỏ anh ấy, tránh xa khỏi sự thực, nhận công việc giảng dạy sau khi tốt nghiệp Cambridge, rồi đến một ngày đạt được chút thành tựu trong giới số học sẽ có những cuốn giáo trình in tên tôi một cách hoa lệ – Alan Castor, người phát kiến ra lý thuyết quan trọng. Những cuốn sách thơm nồng mùi mực mới.

Nếu như thế, trong trận chiến này tôi đã có thể sống ẩn dật với hạnh phúc yên bình của mình. Andemund bị điều tra ba tháng vì che giấu thông tin tình báo ấy, điều đó có nghĩa là anh ấy đã cố gắng dành cho tôi hạnh phúc, mà tôi thì cự tuyệt nó. Bởi vì chiến tranh vĩnh viễn không cho ta thứ ta muốn.

Sau lần cưỡng bức tối hôm đó, Andemund để tôi lại một mình trong phòng chiếu phim vắng lặng. Anh ấy trông bộ dạng thì rõ đường hoàng nhã nhặn, mà lúc làm tình thực không biết kiềm chế một chút nào, thắt lưng tôi hầu như không còn cảm giác gì nữa, chỉ mơ hồ thấy bước đi một bước chân mình lại run lẩy bẩy như lá khô mùa thu. Nếu không phải Andemund đỡ tôi, vừa xong chưa chắc tôi đã xuống được đến phòng chiếu phim.

Tinh thần và thể xác cùng tan nát, tôi đã tưởng mình không thể về đến phòng riêng phía sau văn phòng số 7.

May mà gặp Arnold.

Phòng số 7 là một tòa nhà xây gạch đỏ cải tạo lại từ kho chứa đồ cũ của trang trại. Arnold mặc quân phục, rảnh rỗi đứng dựa lưng vào cánh cửa gỗ sơn xanh nghịch cái đồng hồ quả quýt, cầm dây thả xuống rút lên. Vừa thấy tôi anh ta đã vẫy: “Hi, tròn mười hai giờ, giày thủy tinh có còn dưới chân không nàng công chúa?”

Sau đó anh ta chợt nghiêm mặt, nín bặt lời nói giỡn, vội vàng chạy đến đỡ tôi: “Alan, cậu sao thế này?!”

Người tôi lúc ấy chỉ khoác tạm cái áo măng-tô. Lúc được anh ta đỡ tôi đã dựa cả người lên người anh ta, tay vắt trên cánh tay anh ta, cái áo khoác tuột ra. Cánh tay Arnold đang níu tay tôi bỗng chốc siết chặt, tôi đau đớn kêu lên, anh ta vội xin lỗi rồi thả ra.

Tôi biết Arnold đã thấy gì.

Dưới áo khoác, áo sơ-mi của tôi phanh mở để lộ khoảng ngực rải đầy vết hôn lẫn vết cắn của Andemund, dấu tích hầu hết tập trung quanh hai điểm mẫn cảm trước ngực, chỗ sâu chỗ cạn. Quần đã vứt lại gác đỏ, dưới vạt áo sơ-mi là hai chân trần. Tôi vẫn cảm thấy người mình dính dấp, lúc này mới nhận ra vết máu chảy thành dòng nơi mé trong đùi.

Arnold không nói một lời, anh ta dìu tôi vào phòng, bế tôi lên giường.

Lần đầu tiên tôi thấy bộ dạng lạnh lùng này của con cáo ấy. Anh ta vặn nước ấm đầy bồn rồi hỏi vọng vào từ nhà tắm chật chội: “Alan, cậu tự tắm hay tôi giúp cậu?”

Tôi tự tắm, nhưng từ đầu đến cuối Arnold cương quyết đứng cạnh cửa nhìn tôi.

“Arnold, phiền anh ra ngoài đợi tôi nửa giờ đi.”

Anh ta không nói gì, vẫn cố chấp đứng khoanh tay tại chỗ, đôi mắt sau cặp kính gọng vàng tuyệt không biểu cảm.

Một hồi lâu sau anh ta mới lên tiếng: “Alan, cậu không tự nguyện đúng không?”

Lúc này tôi đã gần như kiệt sức, mất một lúc mới trả lời được.

“Ừ, tôi không tự nguyện.”

“Ngày mai tôi sẽ tới gặp Andemund Garcia.”

Máu khô hòa tan trong nước ấm thành những tia mảnh mai nổi lập lờ trên mặt nước. Tôi cảm thấy đầu óc mình choáng váng, hơi nước ngợp trong buồng phổi, cảnh vật trước mắt phút chốc trở nên méo mó dị dạng. Giây ký ức cuối cùng tôi nhớ được là hình ảnh Arnold lao tới từ khung cửa, xốc tôi dậy khỏi bồn tắm, nước vãi tung tóe trên sàn.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, không khí nồng nặc mùi khói thuốc. Arnold ngồi hút thuốc cạnh giường tôi, quay lưng về phía tôi, hai chân bắt chéo, bộ quân phục kaki màu xanh thẫm trên người nhàu nhĩ không chừa chỗ nào. Giữa hai ngón tay anh ta còn kẹp một điếu Gavloise, khói thuốc xanh nhạt vơ vẩn tỏa từ đầu lọc đang cháy rồi tan biến vào làn nắng sớm nhòe nhoẹt. Tôi không thích loại thuốc lá nhãn Pháp này, mùi quá nặng, luôn khiến cổ họng tôi khó chịu.

“Cảm ơn, ngài Visco.”

Arnold đứng dậy bước tới cạnh cửa sổ, đẩy mở cánh cửa thủy tinh để không khí tươi mới tràn vào phòng, anh ta quăng điều thuốc đang hút dở đi, lại rút bật lửa ra châm một điếu mới. Arnold đứng dựa cửa sổ rít vài hơi thuốc rồi quay lại nhìn tôi cười khổ: “Bé Alan à, cái thói quen ngất xỉu trong lòng tôi phải sửa đi nhé, ít ra thì lần tới nhớ mặc đồ vào. Cậu đánh giá cao phong độ quý ông của tôi quá rồi.”

Tôi chỉ điếu thuốc trên tay anh ta: “Tôi tưởng anh không bao giờ dùng thuốc ảnh hưởng thần kinh?”

“Thỉnh thoảng làm một điếu cũng không tồi.”

Anh ta rầu rĩ nhìn tôi: “Alan, sắc mặt cậu tệ lắm. Đang tắm mà cậu ngất xỉu đấy.”

Arnold đưa cho tôi một cốc nước và aspirin.

Đoạn, anh ta cầm mũ đi ra cửa.

Tôi gọi anh ta lại: “Đừng đi gặp Andemund.”

Đã bước chân đến cửa, Arnold khựng lại.

“Chuyện đó thế là xong rồi… sau này anh ấy sẽ lấy cô Lena, chúng tôi kết thúc ở đây.”

Cổ họng khô khốc, tôi cố nuốt nước bọt: “Andemund là thủ trưởng của anh, anh không cần vì tôi đến mức ấy. Cảm ơn anh.”

Arnold quay đầu lại, bước nhanh tới bên tôi, cúi xuống hôn hôn trán tôi.

Đột nhiên anh ta có vẻ rất hăng hái.

“Tinh thần cậu bây giờ kém quá Alan à. Tháng 8 hoa mùa hoa oải hương mình sẽ đến nhà nghỉ bên hồ chơi, cậu phải nghỉ ngơi tử tế thôi. Lên xe lửa từ trạm Euston London, đi tuyến Oxenholme ra hồ thì loáng một cái là đến hồ Windermere rồi.”

Andemund nói được là làm được, ngày hôm sau đã có người chuyển đồ đạc của tôi sang văn phòng số 1.

Hiếm có lắm mới thấy Raphael đến gõ cửa phòng tôi, cuối cùng cũng chỉ đứng ngoài mà không vào: “Alan, nghe nói cậu được chuyển sang phòng 1 phải không?”

Tôi đang nằm sụt sịt trên giường, đáp bằng giọng khàn khàn.

“Ừ.”

“Bị cảm à?”

Tôi cuộn mình lại, kéo chăn trùm đầu: “Ừ.”

“Coi chừng sức khỏe đấy, đừng để sốt hư não.”

Để tiêu ma được lòng ngưỡng mộ dạt dào mà Raphael dành cho tôi vì đã giải được “Mê” cũng là một quá trình dài dòng khốn khổ với cậu ta. Được cái đến giờ thì cầm một tập tài liệu trên bàn tôi thôi cậu ta cũng phải phủi bụi chán chê, phủi xong còn không quên móc khăn tay ra chùi chùi rồi mới thèm mở ra coi.

Cậu ta đứng ngần ngừ ở cửa thêm một hồi nữa.

“Alan, nếu tôi nói tôi đang thiết kế máy giải mã “Mê”, cậu sẵn sàng xem bản vẽ giúp tôi chứ?”

Cậu ta ngừng lời một chút rồi nói tiếp: “Tôi nghĩ ở trang trại Plymton lúc này ngoài ngài Garcia chỉ có cậu xem hiểu nó.”

Thực sự xốc được tôi dậy khỏi giường rốt cuộc không phải là Andemund, cũng không phải Arnold, mà là Edgar và “Mê”.

Andemund chỉ làm tôi thêm đau khổ, còn Arnold thì sẽ nói, Alan à, tình trạng cậu tệ quá, không muốn làm việc thì thôi đừng miễn cưỡng mình.

Cuối cùng tôi trở dậy, mặc quần áo đến văn phòng số 1.

Thời tiết hình như đã kịp ấm lên trong một tuần tôi nằm bẹp trên giường, thỉnh thoảng có vài con chim oanh sà xuống bậu cửa sổ mổ vụn bánh mì, màu vàng cam chen kín khoảng lông trước bụng.

Tôi viết một lá thư cho Edgar, không thể nói rằng mẹ tôi còn sống, chỉ bảo cậu ấy mẹ tôi bị tình nghi phản bội tổ quốc và tôi đau lòng biết nhường nào.

Edgar biên thư trả lời rất mau, viết bằng tờ giấy viết thư chuyên dụng của không quân Hoàng gia.

Đương nhiên là cậu ấy không hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chỉ nói giỡn rằng thời buổi chiến tranh này một nửa các bà già trong vùng cậu ấy đóng quân bị cả nửa còn lại tố tội phản quốc, vậy nên tôi đừng có lo.

Edgar vẫn còn vẽ, một bức họa của tôi kẹp chung với lá thư.

Đó là Alan Castor thời đại học, đôi mắt sáng ngời và gương mặt rạng rỡ lạc quan. Cậu ta mỉm cười với tôi trên tờ giấy, khiến tôi nhớ lại những ngày tươi đẹp năm xưa.

Edgar viết thêm mấy dòng bằng mực màu xanh nhạt trong góc trái lá thư.

Vẫn là những lời cậu ấy từng nói với tôi ngày đó.

“Alan, bạn yêu ơi, không tin cả mẹ mình thì cậu sẽ tin ai đây?”

Bởi thế tôi lại đứng dậy, nghiên cứu máy giải mã “Mê” cùng Raphael.

“Mê” đóng vai trò cực kỳ quan trọng là bởi vì gần như toàn bộ hệ thống tình báo cao cấp của Đức đều sử dụng nó. Nếu ví lượng điện tín trang trại Plymton chặn được mỗi ngày là một ngàn, thì số chúng tôi có thể giải được bằng phương pháp thủ công chỉ xấp xỉ một trăm. Kể cả chúng tôi có nắm được tin tức ghi lại mệnh lệnh đích thân Hitler đưa ra nhưng thời gian giải mã không có, chúng tôi không thể biết được chúng quan trọng đến mức nào, rốt cuộc chúng lại bị lãng quên trong đống tin tức thường thường vô dụng. Vì thế việc vô cùng cấp bách lúc này là phải làm sao tối đa hóa được hiệu suất giải mã tình báo, chọn lọc ra những tin tức có giá trị nhất.

Ở một góc độ nào đó mà nói, máy giải mã đã cứu cả nước Anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.