Diary In Grey Tower

Chương 4



Anh ấy nheo mắt cười, đột nhiên mở cửa bên kia, xuống xe, đi vòng đầu xe đến chỗ tôi. Tôi còn chưa kịp phản ứng, đã bị ảnh đẩy ngã lên cửa xe.

“Cài áo vào.” anh ấy nói.

Vì trời hơi nóng, tôi vẫn cởi hai cúc áo sơ-mi, để phanh hở cổ. Sửng sốt một hồi, tôi hất mặt bảo: “Dáng em đẹp chán, để đấy cho các em ngoài phố thưởng thức.”

Anh ấy lại nheo mắt cười, không nói lời nào, đột ngột dằn tay trái trên ngực tôi, tay phải thô bạo cài lại cúc áo cho tôi. Tất cả chỉ diễn ra trong một chớp mắt, tôi hoàn toàn không thể cử động.

Sau này tôi hỏi ảnh làm sao làm được thế, ảnh tùy tiện đáp: “MI-6 là cơ quan tình báo, phải có võ.”

Andemund thả tôi ra, có vẻ đăm chiêu, nói: “Có lẽ chúng ta thử yêu nhau một thời gian xem sao.”

Edgar chỉ mặt tôi bảo: “Alan, mấy hôm nay cậu ngơ ngẩn lắm đấy. Đứng nhìn cột điện cười hết nửa giờ.”

Tôi mơ màng kể với cậu ta chuyện tôi đi tìm Andemund đòi sửa điểm, ảnh đồng ý thử yêu tôi rồi. Riêng chuyện trang trại Plymton bỏ đi không nói.

“Một tháng bọn tôi hẹn ở London hai lần, ảnh lái xe đến đón tôi. Ảnh nói ảnh không ghét con trai, với lại không thử sao biết được ai hợp với mình há?”

Lúc ấy Edgar đang vẽ, tôi làm người mẫu cho cậu ta. Trong bức tranh sơn dầu trên khung vải là một thanh niên cao lớn, hai mắt sáng ngời, ngồi dưới tàng cây, đọc một cuốn sách dày bìa cứng trong làn gió nhẹ.

“Tóc tôi màu nâu sẫm, không phải vàng sáng. Gió thổi thôi mà thành đẹp vậy được hả. Mà nữa, mắt tôi không màu lam thế nhé, rõ ràng là màu lam xám.” tôi phản đối: “Cậu chẳng thể hiện được phong thái hào hoa của tôi gì hết.”

Edgar nói: “Tôi thấy chuyện này lạ lắm, Alan, tốt nhất cậu nên cách xa Andemund một chút.”

Cậu ta còn nhắc tôi: “Đồng tính luyến ái là phạm pháp.”

Andemund rất giữ lời. Mỗi tháng anh ấy đến Cambridge đón tôi hai lần. Bọn tôi qua những con phố náo nhiệt phồn hoa của London, đi ăn nhà hàng, rồi xem xi-nê. Nhà hàng bao giờ cũng là Andemund chọn, lần lượt thử hết đồ ăn Pháp, Đức, Italia. Tôi chỉ chăm chăm lo ăn, ảnh ngồi nhìn tôi, có vẻ rất hứng thú: “Em không chống cự tôi hôn em nhỉ.”

Vớ vẩn, người ta mơ còn chẳng được.

“Vậy lên giường thì sao?”

Tôi tròn mắt nhìn ảnh: “Cưng à, hay mình thử đi?”

Andemund lại còn nghĩ rất chi nghiêm túc, một hồi sau mới lắc đầu, cầm cái thìa bạc nhẹ nhàng khuấy khuấy tách cà phê, tiếng kêu lanh canh như chuông gió: “Alan, em còn nhỏ quá.”

Thỉnh thoảng ảnh lại nói chuyện tình hình thế giới với tôi. Hitler công bố thuyết Chủng tộc ưu việt, ra sức đàn áp, bài xích người Do Thái trong nước, người của đảng Nazi vô cùng điên loạn. Xô Viết đang ngấp nghé Ba Lan, Italia bắt đầu theo hướng độc tài. Andemund nói, thế giới sắp có chiến tranh.

Khi nói những điều đó, anh ấy luôn hơi nghiêng đầu, hình như đang nhìn một nơi rất xa bên ngoài nhà hàng. Tôi quay lại nhìn theo ánh mắt anh ấy, chỉ thấy bầu trời màu xanh xám cùng những dải mây dài bất tận.

Anh ấy còn nói đến cả mật mã.

Từ thế chiến hai mươi năm trước, mật mã đã được sử dụng rộng rãi. Trong chiến tranh, sóng vô tuyến có thể liên kết cả lính bộ, máy bay trên bầu trời, tàu chiến ngoài khơi, tàu ngầm dưới nước thành một khối vững chắc. Tin tình báo quân sự quan trọng thường được truyền đạt thông qua sóng vô tuyến.

Nhưng vô tuyến điện không chỉ đến được với riêng đài bộ đội, quân địch cũng có thể nghe lén. Khắp nơi trên nước Anh đều có trạm bắt sóng, mật mã những vô tuyến điện này thu được sau đó đều được chuyển trực tiếp cho Andemund để giải mã. Nếu dịch được mật mã Đức gửi qua vô tuyến điện, chúng ta có thể hiểu rõ Hitler và đảng Nazi rốt cuộc âm mưu điều gì.

Thế chiến lần trước tôi còn chưa sinh ra. Đến khi tôi ra đời tất cả đã kết thúc, nền kinh tế dần được khôi phục, dân số tăng lên, thành thị và nông thôn đều trở nên sung túc và trù phú. Thời gian sẽ chậm rãi trôi đi trong sách vở và những bức tranh của Edgar. Tôi nhớ đến ba mẹ, nhưng không thấy hối hận. Nếu không nhờ Andemund, tôi không thể biết đến mối nguy cơ phía sau cảnh bình yên giàu có này. Khi mọi người chìm đắm trong hòa bình, Andemund giải mật mã và kết luận (kết luận ấy lúc này có lẽ là chính xác), rằng thế giới sắp có chiến tranh.

“Nếu chiến tranh thực sự xảy ra…” anh ấy nói, “Chúng ta chỉ có thể khiến nó kết thúc nhanh chóng, chiến thắng càng nhanh càng tốt.”

Phải thừa nhận những cuộc hẹn của Andemund rất hoàn hảo, nhưng bất kể đi đến đâu đều bị sĩ quan phụ tá của ảnh bám theo làm tôi rất chi bực mình. Tài xế kiêm phụ tá của ảnh chính là tay Peter từng vật tôi xuống sàn giáo đường ở King’s College Cambridge. Peter lúc nào cũng đeo cái mặt lầm lì lạnh tanh, đang ngồi ăn mà muốn nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ một tí, mắt sẽ đụng ngay phải anh ta đương đứng canh cạnh cửa, lưng thẳng tắp; đi hóng gió muốn thừa cơ thò tay sờ mó thắt lưng Andemund một cái, anh ta sẽ bất thần quẹo xe, mặt vẫn tỉnh như không.

“Công việc của anh rất quan trọng, ra ngoài không thể không dẫn phụ tá theo.” thấy tôi than phiền cơ số lần, cuối cùng Andemund xin lỗi, bảo: “Trừ khi em đến nhà anh.”

Tôi biết Andemund có quân hàm, nhưng không biết đến cấp nào, vì chưa gặp ảnh mặc quân phục bao giờ. Có bữa đi hỏi Peter, anh ta nghĩ nghĩ một hồi rồi trả lời tôi, cơ mà không chịu nói thẳng: “Tôi là tài xế của ngài Garcia, quân hàm của tôi là thượng úy.”

Sau đó thì chúng tôi hẹn luôn ở nhà riêng của Andemund ở nội thành London. Peter lái xe đưa tôi đến cổng, rồi quay về trang trại Plymton.

Andemund thường đợi tôi trước cây đàn dương cầm. Chỗ ở của anh ấy đơn giản hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Nhà một tòa, hai tầng, vườn hoa đằng sau trống trải mọc đầy cỏ dại. Anh ấy ở một mình, chỉ có một người hầu già trong nhà, thành ra nhà cửa cũng có vẻ hiu quạnh.

Phòng khách bài trí gọn gàng, sàn gỗ trải thảm hoa lông dê, sô-pha vải kaki, vì chẳng mấy khi có khách đến nên vẫn bọc trong vỏ. Bốn bức tường treo một số tranh của họa sĩ nổi tiếng. Sau này tôi biết được chúng đều là tranh bản gốc.

Tầng trên là phòng làm việc và phòng ngủ, kế đến là một gian phòng lớn đặt đàn đương cầm. Diện tích rộng đến trống trải, chỉ kê mỗi một chiếc dương cầm ba góc màu đen cạnh cửa sổ.

“Anh ở đơn giản há.” Tôi nhìn quanh.

“Chỗ này là ở tạm thôi, trang trại của dòng họ anh đều ở New Castle và Darlington. Sang thu thời tiết tốt, có thể đưa em đến đó đi săn.” anh ấy cười giải thích.

Đến đây thì tôi biết Andemund biết chơi đàn dương cầm. Anh ấy luôn chỉ chơi một bản, chơi đi chơi lại, nghe du dương và bí ẩn, giống như giọng tình nhân thì thầm mỗi đêm.

“Đây là bản “Biến thể Enigma” của Edward Elgar. Người phát minh ra “Mê” dùng nó để đặt tên máy giải mã. Khả năng khai triển “Mê” là 3×10^14, mà số nguyên tử chúng ta quan sát được trong vũ trụ chỉ có 10^79. Tức là về lý thuyết mà nói, đó là mật mã không thể giải được.”

Khi chơi đàn Andemund luôn rất say mê, hai mắt khép hờ, hàng mi che rợp trên mí mắt. Giai điệu uyển chuyển vang lên từ những ngón tay thon dài của anh ấy, để rồi lan tỏa khắp căn phòng rộng.

Thú vui ở nhà của Andemund thật đơn giản, chơi đàn, ngồi sô-pha trò chuyện với tôi, đọc sách. Phần lớn thời gian ảnh đều ngồi trong phòng làm việc tính tính toán toán tới khuya, giấy nháp chất thành từng chồng trên bàn, màu mực viết kéo thành những dải thật là dài.

Tôi nhìn mà sốt ruột, cuối cùng nhảy vào thử giúp ảnh.

Ngoài “Mê”, Đức còn có một số mật mã cấp thấp hơn, Italia cũng có nhiều thông điệp cần giải mã. Những thông điệp còn mã hóa ấy chất đống trên bàn, vô dụng như giấy lộn.

Andemund cho tôi mã số S. Đó là một loại mã người Đức dùng không nhiều lắm, nhưng độ khó lại hơn cả mật mã. Thông điệp mã hóa thu được cũng ít, đều bị nhét dưới ngăn cuối cùng của két sắt.

Mẹ kiếp lại có kiểu hẹn hò như thế. Mỗi người ôm một góc phòng làm việc, ảnh tính “Mê”, tôi nghiền ngẫm S. Lắm khi rất lâu chúng tôi không nói câu nào với nhau, chỉ nghe thấy tiếng ngòi bút sàn sạt trên giấy. Mà tôi còn phải học tiếng Đức, vì hiển nhiên bản dịch mật mã của người Đức phải viết bằng tiếng Đức rồi.

Tôi cầm cuốn Tiếng Đức Nhập Môn, dựa cửa sổ phòng làm việc lầm rầm đọc từ. Tiếng Đức của tôi thật tình tệ hại vô cùng, có lúc Andemund dừng viết, tới sau lưng ôm tôi, chỉ tôi nghe đọc sai chỗ nào. Tôi quay lại hôn má ảnh, ảnh cũng không phản đối.

Sau này Andemund thừa nhận chẳng qua thấy tôi quấy rầy ảnh quá, ảnh mới đưa mã số S cho để tôi yên đi một chút, căn bản không hề hy vọng tôi giải được.

Điều kiện giải mã tốt nhất là có cả văn bản trơn lẫn văn bản mã hóa, có khóa giải mã cũ càng tốt. Mà tôi chỉ có mỗi bản mã hóa. Tôi thử phân tích xác suất, rồi ướm qua vô số loại mật mã kinh điển, nhưng không có manh mối. Thậm chí tôi dùng các loại bản nhạc dương cầm thịnh hành ở Đức để áp vào giải mã, vì có trời biết người mã hóa sẽ giấu khóa ở đâu. Có bữa ngồi tán chuyện với Andemund, ảnh nói mã số S được dùng nhiều nhất trong hệ thống dự báo thời tiết của quân đội Đức. Để đảm bảo an toàn cho tàu chiến trên biển, định kỳ quân Đức ở gần bờ biển Nauy sẽ phái tàu tuần tra thời tiết. Đội tàu này mỗi lần ra khơi sẽ mất khoảng hai tháng, trong thời gian đó họ liên hệ với nhau bằng sóng vô tuyến thông qua mã số S.

“Thế tức là nội dung sẽ tương đối giống nhau chứ gì.” Tôi nói: “Tình hình thời tiết này, độ ẩm này, hướng gió này… còn gì nữa?”

Andemund suy nghĩ một lát: “Không những nội dung giống nhau, mà đối tượng nhận tin cũng thống nhất nữa.”

Ảnh kéo tay tôi: “Alan, em sao thế?!”

Tôi cuống quýt lật giở đống mật mã, tỉ mỉ săm soi lại từng tờ rồi quay lại chộp vai Andemund: “Còn thu đươc bản mã hóa nào không? Càng nhiều càng tốt!”

Linh cảm luôn luôn đến đúng lúc ta tưởng mình phải bỏ cuộc rồi.

Thật ra rất đơn giản, trước kia tôi luôn thử phân tích theo tần số xuất hiện của chữ cái, tìm ra chữ cái xuất hiện thường xuyên nhất trong tiếng Đức, rồi so sánh các văn bản mã hóa, cố tìm ra sự tương ứng giữa chúng.

Hóa ra tôi nhầm rồi, cái cần phân tích không phải chữ cái, mà là tổ hợp từ.

Tôi phải tìm ra những từ thường dùng nhất trong dự báo thời tiết, ví dụ như “hướng gió”, “nhiều mây”, “gió Bắc”, vân vân, rồi đối chiếu với tình hình thời tiết bờ biển Nauy trong tháng thu được đoạn mã, suy đoán ra những tổ hợp từ có thể xuất hiện trong thông điệp.

Quan trọng nhất và chắc chắn nhất là, Andemund đã nói người nhận tin từ tàu khí tượng là cố định, tức là đoạn đầu thông điệp rất có thể sẽ có danh xưng của đối tượng nhận tin.

Tôi giải ra câu đầu tiên trong thông điệp là tổ hợp từ đã xuất hiện ba lần:

Kính gửi Thượng tá Lyon

Giải mã số S làm tôi mất ba tháng ròng. Andemund không cho tôi mang văn bản mã hóa về Cambridge, lần nào trước khi về tôi cũng phải lấy một số ra, chép vào sổ, để mang theo người nghiên cứu.

Edgar nói tôi thay đổi rồi, còn gầy đi nữa.

Trước kia chúng tôi ngồi dưới bóng cây bên bờ sông Cam giết thời gian, toàn là cậu ta ngồi phác họa, tôi thì ngắm nghía và bình phẩm về mặt mũi và dáng người các em qua đường. Giờ thì tôi nằm dài ra đất, xem sổ ghi chép, cậu ta bắt đầu tán chuyện câu được câu chăng.

“Hồi này cậu mê số học rồi hả?” cậu ta hỏi.

“Không, tôi mê Andemund.” tôi đáp: “Tiếng sét ái tình, cậu không thể nào hiểu đâu.”

“Tôi với cậu cũng là tiếng sét ái tình.” Cậu ấy phản đối.

Tôi nói: “Cút cút, đứa nào bảo muốn hiến dâng tình yêu trọn đời cho tranh vẽ hả?”

Đoạn mã cuối cùng giải xong, tôi nhảy tưng tưng khỏi cái bàn trong thư viện. Cả phòng đọc cùng quay lại nhìn, tôi kệ luôn. Tôi chạy vèo ra hành lang hình vòm của thư viện, ngửa mặt lên trời gào lên cơ số tiếng vô nghĩa, rồi nhảy xe đến trang trại Plymton.

Nghe tiếng Edgar gọi sau lưng, tôi chỉ hứng chí quay lại vẫy tay với cậu ấy.

Nhưng tôi bị chặn lại ngoài cổng trang trại Plymton, bởi vì lần này tôi không được mời. Andemund không ở đó, lính gác liền gọi cho trợ lý Annie của ảnh. Chỉ một lát sau người đẹp tóc vàng đã ra đón tôi, đưa tôi vào căn phòng lần trước đợi Andemund.

“Lần trước cậu giả danh Lindon.” cô ấy nhìn tôi cảnh cáo: “Đây là MI-6, nếu không phải ngài Garcia giải thích cho cậu, suýt nữa cậu đã bị bắt như gián điệp rồi đó.”

Tôi ngồi sô-pha đợi Andemund, đợi đến chán chết đi được. Bàn làm việc của anh ấy bày một khung ảnh, là hình Andemund thời niên thiếu, ngực đeo huân chương số học của Princeton. Hồi đó đến giờ ảnh chẳng thay đổi gì mấy, bộ dạng nghiêm túc, lại vì cặp mắt rất sâu, nên có thể từ đôi mắt màu lục của anh ấy để nhận ra sự u sầu không hề hợp với tuổi tác.

Tôi cầm khung hình lên, định lấy ảnh ra nhìn cho kĩ. Một bức ảnh khác bị nhét phía sau rơi ra.

Tôi giật mình.

Bức ảnh bị giấu đi ấy là của một người phụ nữ tóc quăn màu hạt dẻ. Bà ấy đứng một mình bên cửa sổ, nghiêng đầu mỉm cười với ống kính. Nụ cười của bà hiền hòa và tươi tắn, đôi mắt màu lam xám trông dịu dàng vô cùng.

Tôi biết đôi mắt dịu dàng này, chúng đã nhìn tôi năm năm.

Vì đó là mẹ tôi.

Andemund từng nói rằng: “Tôi để em thôi giải mật mã, là xuất phát từ lòng kính trọng với cha mẹ đã mất của em.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.