OK, không thật chuẩn lắm. Nó nhỏ hơn một tẹo so với nhẫn chật. Và trông hơi hơi giống thiếc. Nhưng ai nhận ra điều đó nếu không có chiếc nhẫn thật bên cạnh để so sánh nào? Tôi đã đeo nó suốt cả buổi chiều và cảm thấy thực sự dễ chịu. Sự thật là nó nhẹ hơn chiếc nhẫn thật, và đó là một ưu điểm.
Bây giờ tôi đã kết thúc buổi hẹn khám cuối cùng trong ngày và đang đứng buông cả hai bàn tay trên bàn tiếp tân. Tất cả các bệnh nhân đã ra về, kể cả bác Randall dễ thương, tôi phải tỏ ra khá nghiêm khắc với bác ấy. Tôi đã bảo bác ấy không cần trở lại đây trong vòng hai tuần tới. Tôi đã nói là bác ấy hoàn toàn có thể tự tập ở nhà, và chẳng có lý do gì khiến bác ấy không thể trở lại sân tennis được.
Thế rồi tất nhiên mọi chuyện đểu vỡ lở. Hóa ra bác ấy lo sợ làm người cùng chơi thất vọng, và lý do tại sao bác ấy đến khám thường xuyên như thế là để khiến mình tự tin hơn. Tôi nói với bác ấy là bác ấy đã hoàn toàn khỏe mạnh và bác ấy phải nhắn tin cho tôi biết tỷ số thi đấu trận tiếp theo trước khi đến khám lại. Tôi bảo, cùng lắm thì tôi sẽ chơi tennis với bác ấy, điều này khiến bác ấy bật cười và tự nhận là bản thân thật vô lý.
Bác Randall về rồi, Angela liền kể, bác ấy là một tay chơi gạo cội, đã từng tham gia giải Wimbledon thiếu niên. Chà chà. Thật may là tôi chưa thi đấu với bác ấy, vì tôi thậm chí không biết đỡ cú đập bóng tay trái.
Bây giờ Angela cũng đã ra về. Chỉ còn lại tôi, Annalise và Ruby, chúng tôi đang lặng lẽ quan sát chiếc nhẫn trong khi bên ngoài mưa xuân ầm ào. Một phút trước còn hây hây gió nhẹ, phút sau trời đã trút mưa xối xả lên cánh cửa sổ.
“Tuyệt vời.” Ruby gật gù nồng nhiệt. Hôm nay cô buộc tóc đuôi ngựa, bím tóc lắc lư theo nhịp gật gù của cô. “Rất hay. Chẳng ai có thể phát hiện ra đâu.”
“Có tớ!” Annalise ngay lập tức trả đũa. “Màu xanh này không giống."
“Vấn đề là ở chỗ Magnus có phải là người hay để ý không?” Ruby nhướng lông mày. “Anh ấy có bao giờ ngắm nó không?”
“Tớ nghĩ là không...”
“Ơ, có lẽ cậu nên để tay đeo nhẫn cách xa anh ấy ra một thời gian, cho chắc ăn.”
“Để tay xa anh ấy ư? Tớ làm thế nào được?”
“Cậu phải kiềm chế bản thân mình!” Annalise nói một cách cay độc. “Khó đến thế cơ à?
“Thế bố mẹ anh ấy thì sao?” Ruby nói.
“Chắc chắn là họ muốn thấy chiếc nhẫn. Mình hẹn gặp gia đình họ ở nhà thờ, ánh sáng ở đó sẽ khá mờ nhạt, dù vậy...” Tôi cắn môi, đột nhiên lo âu. “Ôi Chúa ơi.Trông nó có giống thật không?”
“Có!” Ruby trả lời ngay lập tức.
“Không!” Annalise nói, không kém phần quả quyết. “Tớ xin lỗi, nhưng thực sự là như vậy. Cậu nhìn cẩn thận sẽ thấy nó không thật lắm đâu.”
“Ối, vậy thì đừng để họ có dịp làm thế!” Ruby nói. “Nếu họ bắt đầu nhìn chăm chú quá thì cậu phải đánh lạc hướng.”
“Như thế nào?”
“Ngất chẳng hạn? Giả vờ bị chóng mặt? Nói với họ là cậu đã có mang?”
“Có mang á?” Tôi nhìn cô chằm chằm, chỉ muốn cười phá lên. “Cậu có bị điên không đấy?”
“Tớ chỉ muốn giúp cậu thôi.” Cô nói giọng bào chữa. Có khi họ lại vui khi biết cậu đã có mang ấy chứ. Có khi bác Wanda đang thèm lên chức bà nội.”
“Không thể.” Tôi lắc đầu. “Làm gì có chuyện đó. Bác ấy sẽ phát hoảng thì đúng hơn.”
“Tuyệt vời! Nếu thế bác ấy sẽ không để ý đến chiếc nhẫn nữa. Bác ấy đã đủ tức điên lên rồi.” Ruby gật đầu hài lòng, như thể cô đã giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề của tôi.
“Tớ không muốn một bà mẹ chồng giận dữ, cảm ơn cậu nhiều!”
“Đằng nào thì bác ấy cũng lên cơn giận dữ.” Annalise chỉ ra vấn đề. “Cậu cần phải quyết định xem như thế nào tệ hơn? Con dâu có mang hay là con dâu xớn xác đến mức đánh mất chiếc nhẫn gia truyền? Theo tớ thì có mang vẫn hay hơn.”
“Các cậu thôi đi! Tớ sẽ không nói là mình có mang!” Tôi lại nhìn chiếc nhẫn và xoa xoa miếng ngọc lục bảo giả. “Tớ nghĩ sẽ ổn cả thôi,” tôi nói, chỉ để tự trấn an mình. “Sẽ ổn cả thôi.”
“Đó có phải là Magnus không?” Đột nhiên Ruby nói. “Ở bên kia đường ấy?”
Tôi nhìn theo ánh mắt của cô. Anh đứng đó tay cầm ô che mưa, chờ đèn giao thông chuyển tín hiệu.
“Chết tiệt.” Tôi nhảy dựng lên, đan tay phải qua tay trái như thể vô tình. Không. Quá giả tạo. Tôi nhét bàn tay trái vào trong túi áo đồng phục, nhưng cánh tay bị khuỳnh ra mất tự nhiên.
“Xấu lắm.” Ruby đang quan sát. “Rất xấu.”
“Tớ phải làm gì bây giờờờ?” tôi than vãn.
“Kem bôi tay.” Cô với tay lấy một tuýp thuốc. “Lại đây nào. Tớ sẽ bôi kem cho cậu. Sau đó cậu có thể để dính lại một ít. Vô tình mà cố ý"
“Thiên tài.” Tôi liếc nhìn Annalise và chớp mắt ngạc nhiên, “Ơ... Annalise? Cậu đang làm gì thế ?”
Trong vòng ba mươi giây sau khi Ruby phát hiện ra Magnus, Annalise dường như đã bôi thêm một lớp son bóng lên môi rồi xức nước hoa, và bây giờ cô ấy đang thả vài lọn tóc khêu gợi ra khỏi búi tóc kiểu diễn viên múa ba lê của mình.
“Có làm gì đâu,” cô ấy nói đầy thách thức, trong khi Ruby bắt đầu xoa kem lên tay tôi.
Tôi chỉ vừa kịp ném cho cô ấy một cái nhìn nghi kỵ thì cửa mở và Magnus xuất hiện, giũ nước mưa khỏi ô.
“Chào các cô gái. Anh cười rạng rỡ và nhìn quanh như thể chúng tôi là những khán giả hân hoan đang chờ đợi anh lên sân khấu. Tôi cho là thế thật.
“Anh Magnus! Để em giúp anh cởi áo khoác nào.” Annalise đã chạy lại. “Không sao đâu, Poppy. Cậu đang làm móng tay mà. Để tớ làm việc này cho. Và có lẽ anh muốn một tách trà chứ ạ?”
Chà chà. Chết không chừa. Tôi nhìn cô nàng cởi áo khoác khỏi vai Magnus. Có vẻ như cô ấy làm từ từ chậm rãi quá nhỉ? Với cả tại sao anh lại phải cởi áo khoác ra cơ chứ? Chúng tôi chuẩn bị đi cơ mà. “Bọn em sắp xong rồi!” Tôi liếc nhìn Ruby. “Phải vậy không?” “Không cần vội đâu.” Magnus nói, “Còn nhiều thời gian mà.” Anh nhìn quanh phòng và hít vào, như thể đang thưởng thức một cảnh tượng đẹp đẽ. “Ừm. Anh nhớ lần đầu tiên đến đây, cứ như mới ngày hôm qua. Em còn nhớ không, Pops? Trời, thật tuyệt vời, phải vậy không ?” Anh nhìn vào mắt tôi với một tia lấp lánh gợi ý và tôi vội vàng đánh tín hiệu trả lời: Im đi, anh ngốc. Anh sẽ khiến tôi gặp phải vô vàn rắc rối cho xem.
“Cổ tay của anh thế nào rồi, Magnus?” Annalise đi từ nhà bếp ra với một tách trà và tiến lại phía anh. “Poppy có hẹn anh đến khám kiểm tra sau ba tháng không?”
“Không.” Magnus trả lời, vẻ sửng sốt. “Lẽ ra cô ấy phải làm thế à?”
“Cổ tay của anh ổn rồi.” Tôi cương quyết nói.
“Để em xem nào!” Annalise lờ tịt tôi đi. “Bây giờ Poppy không thể điều trị cho anh được, anh biết đấy. Như thế là xung đột lợi ích.” Cô ấy nắm lấy cổ tay Magnus. “Chỗ đau cụ thể ở đâu ạ? Ở đây à?” Cô ấy cởi cúc tay áo, xoa ngược lên trên cánh tay anh. “Ở đây à?” Giọng cô ấy trầm xuống một chút trong khi mắt cô ấy chấp chới nhìn anh. Hay là... ở đây?”
OK, như thế này thì quá lắm.
“Cảm ơn cậu, Annalise.” Tôi cười rạng rỡ với cô ấy. “Nhưng giờ bọn tớ phải đi đến nhà thờ đây. Để họp bàn về đám cưới của bọn tớ.” Tôi bổ sung đầy châm chọc.
“Về việc này,” Magnus hơi cau mày. “Poppy, mình có thể nói chuyện nhanh được không? Có lẽ vào trong phòng em một lát?”
“À,” tôi cảm thấy ngờ ngợ. “OK.”
Ngay cả Annalise cũng có vẻ sửng sốt, còn Ruby thì nhướng lông mày lên.
“Đi làm cốc trà không, Annalise ?” cô nói. “Bọn tớ ở ngay bên cạnh. Không vội gì đâu.”
Trong khi tôi mở cửa dẫn Magnus vào, đầu óc tôi quay cuồng hoảng sợ. Anh biết vụ chiếc nhẫn. Vụ chơi xếp chữ. Mọi thứ. Anh đang muốn giãy ra. Anh muốn một người vợ có thể nói chuyện về Proust.
“Cánh cửa này có khóa không?” Anh ngó ngoáy với cái then cài và sau một hồi đã xử lý nó an toàn. “Thế. Tốt rồi!” Khi anh quay ra, trong mắt anh nhấp nháy một tia sáng không thể nhầm lẫn được. “Chúa ạ, Poppy ơi, trông em ngon quá.”
Chỉ cần năm giây là mọi chuyện ngã ngũ.
“Cái gì cơ? Không. Magnus, anh đang đùa đấy à.”
Anh đang tiến về phía tôi với vẻ mặt chăm chú quen thuộc. Không thể nào thế được. Ý tôi là, đừng hòng.
“Anh dừng lại đi!” Tôi giơ tay cản anh lại trong khi anh với lấy chiếc khuy áo trên cùng của tôi. “Em đang ở chỗ làm!”
“Anh biết.” Anh thoáng nhắm mắt lại như thể đang trong cơn hoan lạc. “Anh không biết có gì đặc biệt ở chỗ này. Có thể là bộ đồng phục của em. Trắng phau đến thế.”
“Ờ, thật đáng tiếc.”
“Em biết là em cũng muốn mà.” Anh nhay nhay tai tôi. “Đi nào...”
Cái anh chàng khỉ gió này biết điểm nhạy cảm của tôi là vành tai. Trong một khoảnh khắc - chỉ một khoảnh khắc thôi - tôi hơi bị mất tập trung. Nhưng rồi khi anh lại định chộp khuy áo đồng phục tôi lần nữa, tôi liền hồi tỉnh trở về với thực tế.
Ruby và Annalise chỉ cách có một mét ở bên kia cánh cửa [Trên thực tế, có thể là đang nâng cốc chúc mừng chuyện này cũng nên]. Việc này không được. “Không! Magnus, em tưởng anh muốn nói chuyện gì nghiêm chỉnh! Lễ cưới hay cái gì đó!”
“Việc gì anh lại phải làm thế nhỉ?” Anh đang ấn nút để chiếc ghế ngả hết ra. “Ừmm. Anh nhớ cái giường này.”
“Đấy không phải giường mà là ghế khám bệnh!”
“Đó có phải là dầu mát xa không ?” Anh rướn tay với lấy một lọ ở gần.
“Suỵt!” Tồi thì thầm. “Ruby ở ngay ngoài cửa đấy! Em đã bị một trận kiểm điểm rồi...”
“Cái này là cái gì vậy? Siêu âm à?” Anh tóm lấy chiếc que siêu âm. “Anh cuộc là chúng ta có thể mua vui với thứ này được. Nó có nóng lên không?” Mắt anh đột nhiên lấp lánh. “Nó có rung không?”
Như thế này giống như phải quản lý một đứa trẻ con vậy.
“Chúng ta không thể! Em xin lỗi.” Tôi lùi xa, để chiếc ghế ngăn giữa tôi và anh. “Chúng ta không thể. Thực sự không thể.” Tôi vuốt bộ đồng phục cho phẳng.
Trong một khắc Magnus có vẻ giận dỗi đến mức tôi nghĩ anh sẽ quát tôi.
“Em xin lỗi," tôi nhắc lại. “Nhưng như thế này giống như anh muốn làm tình với một sinh viên vậy. Anh sẽ bị đuổi việc. Sự nghiệp của anh sẽ chấm dứt!”
Magnus có vẻ như muốn phản đối - nhưng rồi nghĩ lại những gì định nói.
“Ờ, tốt thôi.” Anh nhún vai cáu kinh. “Tốt thôi. Thế thay vào đó chúng ta sẽ làm gì ?”
“Chúng ta có thể làm một đống thứ!” Tôi hào hứng nói. “Nói chuyện chẳng hạn? Bàn về những thứ cho đám cưới? Chỉ còn tám ngày nữa thôi!”
Magnus không trả lời. Anh chẳng cần làm vậy cũng đủ thấy. Sự thiếu nhiệt tình bộc lộ rõ như một phản ứng tâm lý.
“Hay chúng mình đi uống nước?” Cuối cùng tôi đề xuất. “Chúng mình có đủ thời gian ngồi quán trước buổi tập duyệt.”
“Được thôi,” cuối cùng anh nặng nề nói. “Đi quán rượu nhé.”
“Rồi chúng mình sẽ quay lại đây,” cô nói bằng giọng dỗ dành. “Một ngày khác. Có thể là vào cuối tuần.”
Tôi đang hứa hươu hứa vượn gì thế này? Ôi Chúa ơi. Đến lúc đó hẵng hay.
Khi chúng tôi ra khỏi phòng, Ruby và Annalise đang giả bộ đọc báo liền ngẩng phắt đầu lên.
“Mọi việc ổn cả chứ?” Ruby nói.
“Ừ, tốt lắm!” Tôi lại vuốt váy cho thẳng. “Chỉ là... bàn chuyện tổ chức lễ cưới. Khăn voan, hạnh nhân, đại loại thế... Tóm lại là bọn tớ phải đi đây...”
Tôi vừa liếc nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong gương. Má tôi đỏ ửng, tôi đang nói huyên thuyên. Đúng là lạy ông tôi ở bụi này.
“Hy vọng là mọi chuyện sẽ trôi chảy.” Ruby ngước nhìn chiếc nhẫn rồi nhìn tôi đầy ẩn ý.
“Cảm ơn cậu.”
“Nhớ nhắn tin cho bọn tớ!” Annalise xen vào. “Chuyện gì cũng kể nhé. Bọn tớ sẽ đứng ngồi không yên chờ tin của cậu đấy!”
Cái cần phải nhớ là chiếc nhẫn đã qua được mắt Magnus. Và nếu như vậy thì chắc chắn là nó sẽ qua được mắt bố mẹ anh nhỉ ? Khi chúng tôi đến nhà thờ giáo xứ Thánh Edmund, tôi cảm thấy chưa bao giờ lạc quan như thế. Nhà thờ Thánh Edmund là một nhà thờ rộng lớn, đồ sộ ở khu Marylebone, thực ra chúng tôi chọn nhà thờ này là vì nó quá đẹp. Khi chúng tôi đi vào bên trong, ai đó đang đánh một bản đàn oóc màu mè. Hoa màu trắng và hồng trang trí khắp các chỗ ngồi cho một đám cưới khác, bầu không khí khấp khởi tràn ngập.
Đột nhiên tôi cảm thấy hưng phấn rộn ràng. Tám ngày nứa sẽ đến lượt chúng tôi! Một tuần nữa kể từ ngày mai, chỗ này sẽ được trang hoàng bằng hoa và lụa trắng. Cả gia đình và bạn bè tôi sẽ hồi hộp chờ đợi. Những nhạc công chơi kèn trumpet sẽ ngồi trên bục còn tôi xúng xính váy cưới và Magnus diện chiếc áo gi lê mới may đo [Chiếc áo gi lê của anh đắt gần bằng tiền bộ váy của tôi] sẽ đứng dưới lễ đường. Sắp đến rồi, sắp rồi!
Tôi nhìn thấy bác Wanda ở bên trong nhà thờ đang chăm chú quan sát bức tượng cổ nào đó. Khi bác ấy quay người lại, tôi buộc mình phải vẫy tay một cách tự tin, như thể mọi việc thật tuyệt vời và chúng tôi là những người bạn thân thiết và họ không hề làm tôi khiếp vía.
Magnus nói đúng, tôi tự bảo mình. Tôi đã cường điệu hóa tình hình. Tôi đã để mình bị ảnh hưởng. Có khi họ còn sốt ruột chờ đón tôi trở thành thành viên của gia đình ấy chứ.
Xét đến cùng, chẳng phải là tôi đã thắng họ trong cuộc chơi xếp chữ đó sao?
“Anh thấy không ?” tôi nắm chặt cánh tay Magnus. “Chẳng còn mấy ngày nữa đâu!”
“A lô?" Magnus trả lời điện thoại, chắc vẫn để chế độ rung. “À, chào Neil.”
Hay đấy. Neil là cậu sinh viên giỏi nhất của Magnus, đang viết luận văn về “Biểu tượng trong tác phẩm của Coldplay”[6] [Tôi nghĩ “Cymbals trong tác phẩm của Coldplay” chắc có nghĩa hơn, nhưng mà tôi thì biết gì?] Hai thầy trò thể nào cũng sẽ nói chuyện điện thoại với nhau hàng tiếng. Magnus thì thầm xin lỗi rồi biến mất khỏi nhà thờ.
[6] Coldplay là tên một ban nhạc rock nổi tiếng của Anh. Tác giả chơi chữ đồng âm "symbor (biểu tượng) và “cymbal" (tên một nhạc cụ). (N.D)
Cứ nghĩ là lẽ ra anh đã phải tắt điện thoại rồi. Tôi đã tắt điện thoại của tôi rồi.
Thôi, mặc kệ đi.
“Chào bác ạ!” tôi reo lên trong khi bác Wanda bước xuống lối đi giữa hai hàng ghế. “Rất vui được gặp bác! Không khí ở đây xúc động quá phải không ạ?”
Tôi không chìa hẳn tay đeo nhẫn ra. Nhưng tôi cũng không giấu nó. Trung lập thôi. Kiểu Thụy Sĩ ấy mà.
“Poppy!” Bác Wanda lại diễn cái bài vồn vã hôn lên má tôi. “Cô gái yêu quý. Để bác giới thiệu cháu với bác Paul nhé. Đâu rồi nhỉ ? Thế vết bỏng của cháu thế nào rồi ?"
Tôi lặng người đi một lát.
Paul. Bác sĩ da liễu. Chết tiệt. Tôi quên khuấy vụ này. Sao tôi lại có thể quên khuấy như vậy cơ chứ? Ngốc đến thế là cùng! Quá hớn hở với chuyện có được chiếc nhẫn giả, tôi quên bẵng việc lẽ ra tôi phải bị thương trầm trọng.
“Cháu đã tháo bỏ băng ra rồi ư,” bác Wanda nhận xét.
“À,” tôi nuốt nước bọt. “Đúng thế ạ, cháu bỏ rồi. Bởi vì... tay cháu đỡ nhiều rồi ạ. Đỡ nhiều lắm.”
“Cẩn tắc vô ưu cháu ạ, kể cả với những vết thương nhỏ như thế này.” Bác Wanda dẫn tôi ngược lên lối đi giữa hai hàng ghế, và tôi chẳng làm được gì khác hơn là cun cút đi theo. “Đồng nghiệp của hai bác ở Chicago bị vấp ngón chân nhưng cứ để mặc vậy, thế rồi mấy hôm sau nghe nói phải nhập viện vì bị uốn ván đấy! Bác nói với bác Antony...” Bác Wanda tự ngắt lời mình. “Đây đây! Cô vợ sắp cưới. Nàng dâu tương lai. Bệnh nhân đây.”
Bác Antony và một người đàn ông đứng tuổi mặc chiếc áo tím cổ chữ V đang chăm chú xem một bức tranh treo trên cột đá cùng quay đầu lại, chăm chú nhìn tôi.
“Poppy” bác Antony nói, “để bác giới thiệu với cháu hàng xóm của hai bác, Paul McAndrew, một trong những giáo sư đầu ngành da liễu ở nước Anh. Chuyên gia về bỏng, có may không cơ chứ?”
“Tuyệt quá!” tôi nói giọng đầy hốt hoảng, tay giấu sau lưng. “Dạ, như cháu đá nói, đỡ nhiều rồi ạ...”
“Để bác xem nào,” bác Paul nói nghe thật vui vẻ thoải mái. Cùng đường rồi. Rúm người vì xấu hổ, tôi chậm chạp chìa bàn tay trái ra. Mọi người lặng lẽ nhìn vào làn da mịn màng, không tì vết của tôi.
“Chính xác vết bỏng ở chỗ nào?”, cuối cùng bác Paul hỏi.
“Ờ... ở đây ạ.” Tôi bấn loạn chỉ vào ngón tay cái.
“Có phải là bỏng nước sôi không? Hay là bỏng thuốc lá?” Bác ắy nắm bàn tay côi, vuốt nhẹ xem xét rất chuyên nghiệp.
“Không ạ. Đó là... ờ... bỏng do lò sưởi ạ.” Tôi nuốt nước bọt. “Đau lắm ạ.”
“Phải băng bó cả bàn tay.” Nghe giọng bác Wanda có vẻ bối rối. “Trông con bé như là nạn nhân chiến tranh! Mà mới ngày hôm qua thôi!”
“Tôi hiểu rồi.” Ông bác sĩ thả tay tôi ra. “Ờ, có vẻ như bây giờ thì ổn rồi, phải vậy không? Cháu có đau nữa không? Có nhức không?”
Tôi lắc đầu im lặng.
“Bác sẽ kê đơn kem nước cho cháu,” bác ấy dịu dàng nói. “Để phòng triệu chứng xuất hiện trở lại. Mọi người nghĩ thế nào?”
Tôi có thể thấy hai bác Wanda và Antony đưa mắt nhìn nhau. Tuyệt vời. Rõ ràng hai bác ấy nghĩ rằng tôi mắc bệnh tưởng.
Ờ... cũng được. Chẳng sao cả. Mình chấp nhận thế. Mình sẽ là kẻ bị bệnh tưởng trong gia đình. Đó là thế là một trong những tật nhỏ của tôi. Tình hình có thể còn tệ hơn. Ít nhất họ không hét lên: “Cháu đã làm cái quái quỷ gì với chiếc nhẫn vô giá của nhà chúng tôi vậy? Cháu đang đeo cái của nợ lởm khởm gì thế?”
Như thể đọc được ý nghĩ của tôi, bác Wanda liếc nhìn bàn tay tôi lần nữa.
“Chiếc nhẫn ngọc lục bảo của mẹ em đấy, anh có thấy không, anh Antony?" Bác ấy chỉ vào tay tôi. “Magnus tặng cho Poppy khi nó ngỏ lời cầu hôn đấy.”
OK. Điều này tôi chắc chắn không bịa đặt: giọng bác ấy nhuốm vẻ châm chọc. Và bây giờ bác ấy đang ném cho bác Antony một cái nhìn đầy ẩn ý.
Chuyện gì thế nhỉ ? Chẳng nhẽ bác ấy muốn giữ chiếc nhẫn cho chính bác ấy? Lẽ ra Magnus không được tặng nó đi ư? Tôi cảm thấy như lạc vào trong một tình huống gia đình tế nhị mà tôi không nhìn ra, nhưng tất cả họ đều thừa lịch sự để không đề cập tới, và tôi sẽ không bao giờ biết được mọi người thực sự nghĩ gì.
Nhưng, nếu chiếc nhẫn đặc biệt đến vậy thì sao bác ấy lại không nhận ra đây là nhẫn giả ? Có phần tai ác, tôi cảm thấy hơi hơi thất vọng vì nhà Tavish không nhận ra điều đó. Họ cho rằng họ thật thông minh, thế nhưng lại thậm chí không thể phát hiện ra một viên ngọc lục bảo giả.
“Một chiếc nhẫn đính hôn siêu đẹp,” bác Paul lịch sự nói. “Có một không hai, tôi chắc thế.”
“Hoàn toàn đúng ạ,” tôi gật đầu. “Một chiếc nhẫn cổ, rất cổ.”
“À, Poppy,” bác Antony đang tỉ mẩn quan sát một bức tượng kế bên bỗng nói chen vào. “Cháu nói làm bác nhớ ra. Bác định hỏi cháu cái này.”
Hỏi tôi?
“Ồ thế ạ?” tôi ngạc nhiên nói.
“Đầu tiên bác định hỏi Magnus, nhưng rồi nghĩ đây là lĩnh vực của cháu thì đúng hơn.”
“Bác nói đi ạ,” tôi mỉm cười nhìn bác ấy, chờ đợi câu hỏi liên quan tới lễ cưới, kiểu như: “Sẽ có bao nhiêu phù dâu?” hay là “Cháu sẽ cài hoa gì?” hoặc thậm chí “Cháu có ngạc nhiên không khi Magnus ngỏ lời cầu hôn?”
“Cháu nghĩ gì về cuốn sách mới của McDowell về những người theo chủ nghĩa khắc kỷ?” Cặp mắt bác ấy mở to, nhìn tôi chăm chú. “So với Whittaker thì cháu thấy thế nào?”
Tôi đờ ra một lúc không kịp phản ứng. Cái gì cơ? Tôi nghĩ gì về cái gì cơ?
“À đúng rồi,” bác Wanda gật gù chắc nịch. “Anh Paul biết không, Poppy hơi hơi là chuyên gia về triết học Hy Lạp đấy. Con bé làm tất cả chúng tôi té ngửa ở cuộc chơi xếp chữ với từ ‘aporia’, đúng thế không nào?”
Chả hiểu tôi xoay xở thế nào mà lại tiếp tục cười tươi được.
Aporia.
Đó là một trong những từ Sam nhắn tin qua điện thoại cho tôi. Lúc đó tôi đã uống vài ly vang và trở nên khá tự tin. Tôi nhớ láng máng mình vừa đặt miếng xếp chữ xuống vừa thao thao rằng triết học Hy Lạp là một trong những lĩnh vực tôi rất quan tâm.
Tại sao? Tại sao, tại sao, tại sao? Nếu có thể quay ngược thời gian, đó chính là giây phút tôi đứng thẳng dậy tự nhủ: “Poppy, đủ rồi!”
“Đúng vậy ạ.” Tôi cố cười xòa. “Aporia. À mà cháu tự hỏi không biết linh mục đâu...”
“Sáng nay hai bác đọc tờ TLS” bác Antony bỏ qua nỗ lực đánh trống lảng của tôi, “có bài bình luận về cuốn sách mới này của McDowell và hai bác nghĩ cháu chắc phải biết chủ đề này.“ Bác ấy nhìn tôi chờ đợi. “Thế những gì McDowell nói về các giá trị của thế kỷ IV có đúng không?”
Tôi não hết cả lòng. Sao mình lại làm ra vẻ hiểu biết về triết học Hy Lạp để làm gì cơ chứ? Lúc đó mình nghĩ quái quỷ gì thế không biết?
“Thực tình là cháu chưa đọc tới cuốn sách của McDowell ạ.” Tôi hắng giọng nói. “Tuy rằng nó có nằm trong danh sách những cuốn cháu định đọc.”
“Bác cho rằng chủ nghĩa khắc kỷ thường bị hiểu nhầm thành một triết lý, có phải vậy không, Poppy?”
“Đúng thế ạ,” tôi gật đầu, cố gắng làm ra bộ hiểu biết nhất có thể. “Bị hiểu sai hoàn toàn. Chính là như vậy.”
“Theo như bác hiểu thì những người theo chủ nghĩa khắc kỷ không phải là những người vô cảm.” Bác ấy khoa tay như thể đang thuyết giảng trước ba trăm cử tọa. “Đơn giản là họ coi trọng đức ánh ngoan cường. Rõ ràng việc họ thể hiện sự trơ lì trước hành động thù địch khiến những kẻ gây sự tưởng họ là gỗ đá.”
“Phi thường!” Bác Paul cười to và thốt lên.
“Đúng thế không, Poppy?” Bác Antony quay sang phía tôi. “Khi người Gôloa tấn công Roma, những nghị sĩ già ngồi trong chỗ họp, bình thản chờ đợi. Những kẻ xâm lược sửng sốt trước thái độ điềm nhiên của họ đến mức tưởng họ là những bức tượng. Một người Gôloa thậm chí còn giật bộ râu của một nghị sĩ để kiểm tra.”
“Chuẩn bác ạ.” Tôi gật đầu tự tin. “Chính xác là như vậy.”
Chừng nào bác Antony tiếp tục nói, tôi cứ tiếp tục gật gù như vậy thì mọi việc đều ổn thỏa cả.
“Hấp dẫn quá! Rồi sau đó chuyện gì đã xảy ra vậy?” Bác Paul quay sang phía tôi vẻ trông ngóng.
Tôi liếc nhìn bác Antony tìm câu trả lời, nhưng bác ấy cũng đang chờ tôi, và bác Wanda cũng thế.
Ba vị giáo sư đầu ngành. Tất cả đều đang đợi tôi kể cho họ nghe về triết học Hy Lạp.
“Dạ,” tôi ngừng lại nghiền ngẫm, như thể đang nghĩ xem phải bắt đầu từ đâu. “Dạ, vâng. Rất... thú vị. Ở nhiều góc độ. Đối với triết học. Đối với Hy Lạp. Đối với lịch sử. Đối với nhân loại. Trên thực tế, ta có thể nói đó là giây phút có ý nghĩa nhất trong Hy Lạp... học.” Tôi dừng lời, hy vọng không ai nhận ra tôi không hề trả lời vào câu hỏi.
Tất cả đều im lặng bối rối.
“Nhưng chuyện gì đã xảy ra?” bác Wanda nói, có chút sốt ruột.
“À, thì tất nhiên là các nghị sĩ đều bị giết,” bác Antony nhún vai trả lời. “Poppy, điều mà bác định hỏi cháu là...”
“Bức tranh dễ thương quá!” Tôi tuyệt vọng kêu lên, chỉ về phía một bức tranh treo trên cột. “Bác nhìn xem này!”
“À, ừ, một tác phẩm lý thú đây.” Bác ấy đi lại gần để ngắm.
Điều tuyệt vời ở bác Antony là bác ấy tò mò về đủ mọi thứ đến độ rất dễ đánh lạc hướng.
“Cháu phải xem lại cái này trong lịch...” tôi vội vàng nói. “Cháu sẽ...”
Chân tôi hơi run trong khi tôi trốn ra chiếc ghế gần đó. Đây đúng là thảm họa. Từ giờ cho đến hết phần đời còn lại, tôi sẽ phải giả vờ là chuyên gia về triết học Hy Lạp. Mỗi dịp Giáng sinh hay tụ họp gia đình, tôi sẽ phải đưa ra quan điểm về triết học Hy Lạp. Đấy là chưa kể phải thuộc lòng thơ Robcrt Burns.
Lẽ ra tôi không nên, không bao giờ nên lừa dối. Đây là quả báo. Đây là sự trừng phạt tôi phải nhận lấy.
Dù thế nào thì cũng đã muộn rồi. Tôi đã mắc tội lừa dối.
Tôi sẽ phải bắt đầu ghi chép. Tôi lấy điện thoại ra, tạo một thư mới và bắt đầu viết ghi chép cho bản thân.
NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM TRƯỚC ĐÁM CƯỚI
1. Trở thành chuyên gia về triết học Hy Lạp.
2. Học thuộc thơ Robert Bums.
3. Học những từ dài để chơi xếp chữ.
4. Phải nhớ mình là KẺ BỊ BỆNH TƯỞNG.
5. Thịt bò Stroganoff. Phải tập thích dần. (Tự kỷ ám thị ư?) [Bác Wanda làm món thịt bò Stroganoff cho chúng tôi lần đầu tiên Magnus dẫn tôi về nhà ra mắt. Làm sao tôi có thể nói thật với bác ấy là cái món đó làm tôi buồn nôn?]
Tôi nhìn danh sách một lúc. Mọi việc ổn cả. Tôi có thể là con người đó. Cũng không khác tôi là mấy.
“Ừ, tất nhiên, mọi người biết quan điểm của tôi về nghệ thuật trong nhà thờ rồi đấy...” giọng bác Antony sang sảng. “Hoàn toàn vô lối...”
Tôi thụt người lại để không bị nhận ra, trước khi ai đó kịp lôi kéo tôi tham gia cuộc nói chuyện. Mọi người đều biết quan điểm của bác Antony về nghệ thuật trong nhà thờ, chủ yếu bởi vì bác ấy là người lập ra một cuộc vận động quốc gia biến nhà thờ thành nơi trưng bày nghệ thuật và tống cổ các linh mục đi chỗ khác. Một vài năm trước, bác ấy lên truyền hình phát biểu: “Những kho báu như thế này không nên để lọt vào tay những kẻ phàm phu tục tử.” Câu nói được nhắc lại ầm ĩ nháo nhác ở khắp nơi với những cái tít như kiểu: “Giáo sư gọi Thầy tu là phàm phu tục tử” và “Giáo dèm Tu” (đấy là trên tờ The Sun.) [Bác ấy lên chương trình Bản tin buổi tối và mọi cái khác. Theo như Magnus nói thì bác Antony thích được mọi người chú ý, mặc dù bác ấy làm ra vẻ không quan tâm. Kể từ đó bác ấy còn nói nhiều thứ gây tranh luận hơn nữa, nhưng không có câu nào được nhắc đến nhiều bằng vụ phàm phu tục tử này.]
Giá mà bác ấy nhỏ giọng xuống một chút. Nếu mà linh mục nghe thấy thì sao? Như thế nghe chừng không được tế nhị cho lắm.
Bây giờ tôi có thể nghe thấy bác ấy đang tấn công Nghi thức Thánh lễ.
“Rất được thương yêu.” Bác ấy cất tiếng cười châm biếm thường lệ. “Được ai thương yêu? Những chòm sao và vũ trụ chắc ? Liệu có ai trông đợi chúng ta tin tưởng rằng một sinh linh tốt bụng nào đó ở trên kia yêu chúng ta? ‘Nhân danh Chúa’. Wanda, mình thấy thế nào? Toàn là vớ va vớ vẩn.”
Đột nhiên, tôi nhìn thấy linh mục của nhà thờ từ bên dưới lối đi hướng lên phía chúng tôi. Cứ nhìn vẻ mặt hầm hầm thì có thể đoán ra chắc chắn là Cha đã nghe thấy hết bài phát biểu của bác Antony. Ối giời ơi!
“Chào con, Poppy.”
Tôi hấp tấp nhổm dậy khỏi ghế. “Cha Fox, kính chào cha ạ! Cha có khỏe không ạ? Chúng con đang nói với nhau... trông nhà thờ đẹp quá!” Tôi cười ngượng nghịu.
“Đúng thế,” Cha Fox lạnh lùng đáp lại.
“Không biết cha đã...” tôi nuốt nước bọt, “đã gặp bố chồng tương lai của con, Giáo sư Antony Tavish chưa ạ?”
May thay bác Antony bắt tay Cha Fox một cách vui vẻ, nhưng không khí vẫn gai góc.
“Ông giáo sư vừa mới đọc một đoạn trong Kinh Thánh thì phải ?” Cha Fox nói sau khi kiểm tra một vài chi tiết khác.
“Tôi đoán vậy.” Cha Fox nhìn trả lại không kém phần khiêu khích. “Đó không phải là ‘ngón nghề’ của ông, có thể nói như vậy.”
Ôi Chúa ơi! Người ta có thể cảm thấy sự thù địch giữa họ tích điện trong không khí. Tôi có nên đùa một câu để tháo ngòi nổ cho không khí nhẹ bớt không?
Có lẽ không nên.
“Thế nào, Poppy, các em trai con sẽ dẫn con tới trước bàn chờ Chúa, đúng không?” Cha Fox xem lại ghi chép.
“Đúng vậy ạ,” tôi gật đầu, “Toby và Tom mỗi đứa một bên sẽ tháp tùng con đến trước lễ đường ạ.”
“Các em trai của cháu à?” Bác Paul xen vào vẻ quan tâm. “Ý tưởng rất hay. Nhưng tại sao lại không phải là bố cháu?”
“Bởi vì bố cháu...” tôi ngập ngừng. “À, thực ra bố mẹ cháu đều mất rồi ạ.”
Giống như đêm nối tiếp ngày, chuyện gì đến phải đến. Tất cả đều lúng túng. Tôi dán mắt nhìn sàn đá, đếm từng giây, nhẫn nại đợi ai đó lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
Suốt mười năm qua đã bao nhiêu lần tôi gây ra những phút im lặng lúng túng? Lần nào cũng như lần nào. Không ai biết phải nhìn đi đâu. Không ai biết phải nói gì. Ít nhất lần này không ai cố gắng ôm chầm lấy tôi để an ủi.
“Cháu gái yêu quý,” bác Paul sửng sốt nói. “Bác rất lấy làm tiếc...”
“Không sao ạ!” tôi vui vẻ ngắt lời bác ấy. “Thật mà. Đó là một tai nạn, đã mười năm rồi. Cháu không nhắc lại, cũng không nghĩ đến nữa.”
Tôi mỉm cười với bác ấy một cách “ngắt hứng” nhất có thể. Tôi sẽ không để bị lôi vào đề tài này. Tôi không bao giờ để bị lôi cuốn vào đề tài này. Nó đã khép kín trong tâm trí tôi. Cất kỹ rồi.
Không ai muốn nghe những chuyện không vui. Đó là sự thật. Tôi nhớ thầy hướng dẫn của tôi ở trường đại học có lần hỏi tôi có sao không và liệu có muốn giãi bày tâm sự không. Tôi vừa mở miệng nói thì thầy đã bật ra câu “Poppy, em không được đánh mất niềm tin,” tức thì đến nỗi câu đó thực ra có nghĩa: “Thực sự thì xin em dừng lại đi, tôi không muốn nghe đâu.”
Có một nhóm tư vấn tâm lý. Nhưng tôi không muốn đến vì xung đột với thời gian biểu tập khúc côn cầu. Với cả đến đó để nói chuyện gì ? Bố mẹ tôi mất. Bác tôi đem chúng tôi về nuôi, các anh chị họ tôi đã ra ở riêng cả, nhà bác có đủ chỗ ở và mọi thứ.
Việc đã xảy ra rồi. Chẳng có gì để nói nữa cả.
“Poppy, chiếc nhẫn đính hôn đẹp quá,” cuối cùng Cha Fox nói và mọi người liền bám vào đó để chuyển hướng câu chuyện.
“Dễ thương quá phải không nào? Đúng là một chiếc nhẫn cổ.”
“Kỷ vật gia đình đấy,” bác Wanda bổ sung.
“Rất đặc biệt.” Bác Paul nhẹ nhàng vỗ lên tay tôi. “Có một không hai.”
Có tiếng chốt cửa sắt leng keng, cánh cửa nhà thờ bỗng bật mở. “Xin lỗi đã đến muộn.” Một giọng nói chói tai quen thuộc vang lên. “Đúng là một ngày không ra làm sao.”
Người đang sải bước đi lên về phía chúng tôi, tay cầm vài chiếc túi đựng đầy vải lụa là Lucinda. Chị ta mặc áo màu be, chiếc kính râm to đùng cài trên tóc, trông vẻ rất tất bật. “Chào Cha Fox! Cha có nhận được email của con không ạ?”
“Có,” Cha Fox trả lời giọng mệt mỏi. “Cha có nhận được thư con, Lucinda ạ, nhưng cha e rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các cột trong nhà thờ cũng không thể bị phun nhũ bạc được.”
Lucinda đứng sững lại, một cuộn lụa màu xám tuột ra khỏi túi, lăn dài xuống lối đi.
“Không thể ư? Ơ, thế thì con phải làm thế nào bây giờ? Con đã hứa với người cung cấp hoa là các cột sẽ được phun nhũ bạc rồi!” Chị ta ngồi phịch xuống chiếc ghế gần đó. “Cái đám cưới của nợ này! Không việc nọ thì lại xọ việc kia...”
“Đừng lo, cháu Lucinda yêu quý,” bác Wanda lên tiếng, âu yếm hôn lên má chị ta. “Bác chắc chắn là cháu lo liệu mọi việc đâu ra đấy. Mẹ cháu thế nào?”
“À, mẹ cháu khỏe ạ.” Chị ta phẩy tay. “Cháu có thấy bà ấy bao giờ đâu, lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi với cái vụ này... Cái con bé Clemency chết tiệt đâu rồi nhỉ?”
“À, nhân tiện, em đã đặt thuê xe rồi ạ,” tôi nói nhanh. “Tất cả đều xong rồi. Cả vụ hoa giấy nữa. Em đang nghĩ không biết có nên đặt hoa cài ở khuyết áo cho người hướng dẫn lối vào không?”
“Nếu em có thể,” chị ta nói có phần bực dọc. “Chị sẽ rất cảm ơn em.” Chị ta ngẩng đầu nhìn lên và có vẻ như lần đầu tiên thực sự trông thấy tôi. “Ôi, Poppy, có mộttin này rất tuyệt vời, chị tìm thấy nhẫn của em rồi! Nó bị vướng vào trong vải lót ở túi xách của chị.”
Chị ta rút chiếc nhẫn ngọc lục bảo ra giơ lên. Kinh ngạc hết sức, tất cả những gì tôi có thể làm là chớp mắt liên hồi.
Chiếc nhẫn thật. Chiếc nhẫn đính hôn bằng ngọc lục bảo đích thực, đồ cổ vô giá của tôi. Ngay đó, trước mặt tôi.
Sao chị ta lại...
Của nợ...
Tôi không dám nhìn ai khác. Nhưng tôi vẫn nhận biết được những cái liếc nhìn sửng sốt bao quanh tôi, đan chéo nhau, hướng về chiếc nhẫn giả rồi sang chiếc nhẫn thật và ngược lại.
“Bác không hiểu lắm,” cuối cùng bác Paul lên tiếng.
“Mọi người ơi, có chuyện gì vậy?” Từ đằng xa đi lại, Magnus nhận ra ngay là có vấn đề. “Ai đó gặp ma à? Ma vương à?” Magnus cười với câu nói đùa của chính mình nhưng không ai buồn hưởng ứng.
“Nếu đó là chiếc nhẫn...” bác Wanda có vẻ đã lấy lại được giọng, “thế thì cái này là cái gì ?” Bác ấy chỉ vào chiếc nhẫn giả trên tay tôi, tất nhiên lúc này trông như đồ nhựa.
Cổ họng nghẹn đắng đến mức tôi không thở nổi. Bằng cách nào đó tôi phải cứu vãn được tình thế này. Phải có cách nào đó. Họ không bao giờ được biết tôi đã đánh mất chiếc nhẫn.
“Vâng! Cháu... đoán thế nào các bác cũng ngạc nhiên!” Không hiểu sao tôi tìm ra lời để nói và nặn ra được một nụ cười. Tôi có cảm giác như thể đang đi trên một chiếc cầu làm bằng những quân bài mà mình phải vừa đi vừa múa. Cố gắng tỏ ra bình thản, tôi giải thích: “Thực ra là... cháu làm một chiếc nhẫn nhái, vì chiếc nhẫn thật cháu cho chị Lucinda mượn ạ.”
Tôi tuyệt vọng nhìn chị ta, cầu mong chị ta sẽ hiểu ý mà làm theo. May thay, có vẻ như Lucinda hiểu ra chị ta đã nhỡ lời.
“Vâng!" Chị ta nhanh nhẹn phụ họa. “Đúng thế ạ, cháu mượn chiếc nhẫn để... để...”
“…để làm thiết kế phụ trang ạ.”
“Vâng! Chúng cháu nghĩ chiếc nhẫn có thể là nguồn cảm hứng để thiết kế…”
“Hình nhẫn trên khăn ăn!” Tôi tóm lấy một ý tưởng trời ơi đất hỡi. “Nhẫn ngọc lục bảo trên khăn ăn! Nhưng rốt cuộc chúng cháu không thực hiện ý tưởng này.” Tôi cẩn thận thêm vào.
Mọi người đều im lặng. Tôi thu hết can đảm nhìn xung quanh.
Nét mặt bác Wanda cau hết lại. Magnus thì trông có vẻ bối rối. Bác Paul đã lùi ra phía sau một bước, như thể muốn nói “Việc này chẳng liên can gì đến tôi đâu nhé.”
“Vậy thì... cảm ơn chị rất nhiều!” Hai tay run run, tôi lấy lại chiếc nhẫn từ Lucinda. “Em sẽ... đeo lại nó.”
Tôi đã lao sầm tới bờ bên kia và đang bám chặt vào bờ cỏ. Thoát nạn rồi! Tạ ơn Chúa.
Nhưng trong khi tháo nhẫn giả ra thả vào trong túi và đeo nhẫn thật vào, đầu tôi quay cuồng một loạt câu hỏi. Tại sao Lucinda lại có nó? Thế còn bà Fairfax là thế nào?
Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra thế này?
“Cụ thể thì tại sao em lại cần làm một chiếc nhẫn nhái thế, em yêu?” Magnus trông vẫn như người trên trời rơi xuống.
Tôi chăm chăm nhìn anh, tuyệt vọng tìm câu trả lời. Tại sao tôi lại phải bỏ công bỏ của ra làm một chiếc nhẫn giả nhỉ ?
“Bởi vì em nghĩ là có hai chiếc nhẫn cũng hay,” sau một hồi, tôi lí nhí đưa ra một cái cớ.
Ôi Chúa ơi. Không. Tệ quá. Lẽ ra tôi nên nói để đeo những lúc phải di chuyển.
“Cháu muốn có hai chiếc nhẫn à?” Bác Wanda nói giọng như hụt hơi.
“E hèm, bác mong rằng cái ham muốn đó không áp dụng với chồng cháu như với chiếc nhẫn đính hôn!” Bác Antony nói với sự hài hước nặng nề. “Thế nào, Magnus?”
“Ha ha ha!” tôi rặn ra tiếng cười to nịnh bợ. “Ha ha ha! Bác nói hay lắm! Nhưng thôi.” Tôi quay sang Cha Fox, cố gắng giấu vẻ tuyệt vọng. “Chúng ta có thể bắt đầu được chưa ạ?”
Nửa tiếng sau chân tôi vẫn run rẩy. Cả đời tôi chưa bao giờ trải qua những tình huống suýt chết như vậy. Tôi không chắc là bác Wanda tin tôi. Bác ấy cứ ném cho tôi những cái nhìn ngờ vực, còn hỏi tôi chiếc nhẫn giả tốn bao nhiêu tiền và tôi làm nó ở đâu, một loạt những câu hỏi mà tôi không muốn trả lời.
Bác ấy nghĩ gì không biết? Rằng tôi định bán chiếc nhẫn thật hay làm chuyện gì đại loại thế à?
Chúng tôi tập duyệt đi vào nhà thờ, rồi cùng đi từ lễ đường ra, và tính toán xem chúng tôi có quỳ xuống ký vào sổ đăng ký không. Và bây giờ ngài linh mục đề nghị tập đoạn trao lời thề.
Nhưng tôi không làm được. Tôi không thể nói những lời huyền diệu đó trước mặt bác Antony, người luôn châm chọc và nhạo báng từng lời. Như thế này lễ cưới sẽ rất khó khăn. Bác ấy sẽ phải im miệng lại.
“Magnus,” tôi thì thầm kéo anh sang một bên. “Thôi hôm nay chúng ta đừng tập trao lời thề. Không nên tập khi bố anh đang ở đây. Không nên làm hỏng những lời đặc biệt ấy.”
“OK.” Trông anh có vẻ ngạc nhiên. “Tập hay không cũng không thành vấn đề đối với anh.”
“Chúng ta hãy chỉ nói một lần thôi. Vào ngày cưới.” Tôi nắm chặt tay anh. “Làm thật luôn.”
Thậm chí không kể đến bác Antony, tôi nhận ra mình vẫn không muốn tập trước cái giờ phút trọng đại ấy. Tôi không muốn tập dượt. Như thế sẽ đánh mất mọi nét đặc biệt của nó.
“Ừ, anh đồng ý.” Magnus nói. “Vậy thì... chúng ta xong chưa?”
“Chưa, chúng ta chưa xong,” Lucinda nói, vẻ phẫn nộ. “Còn lâu mới xong. Chị muốn Poppy tập lại bước vào nhà thờ. Lúc nãy em đi quá nhanh so với nhạc.”
“OK,” tôi nhún vai, bước về phía ngoài nhà thờ.
“Nổi nhạc lên nào!” Lucinda hét lên the thé. “Nhạc đâu! Poppy, em lướt nhẹ thôi!” Chị ta ra lệnh khi tôi bước qua. “Em đang đi lập cà lập cập đấy. Clemency, mấy cốc trà đâu rồi em?”
Clemency vừa mới chạy đi mua đồ uống về, tôi có thể liếc thấy con bé đang hối hả xé mấy gói đường.
“Để chị giúp em một tay.” Tôi nói, nghỉ không tập lướt nữa. “Chị có thể làm gì được?”
“Cảm ơn chị,” Clemency thì thầm khi tôi lại gần. “Bác Antony muốn ba viên đường, của anh Magnus là cốc cappuccino, bác Wanda là bánh quy...”
“Thế bánh sô cô la nhiều kem của chị đâu?” tôi nói, nhăn mặt khó hiểu và Clemency lập tức nhảy dựng lên.
“Em quên... em sẽ quay lại đấy...”
“Chị nói đùa thôi,” tôi trấn an con bé.
Càng làm việc lâu ngày với Lucinda, Clemency càng giống như một con thỏ nhát chết. Thực sự không tốt cho sức khỏe con bé chút nào.
Lucinda cầm lấy tách trà của mình (có sữa, không đường) với một cái gật đầu hờ hững nhất. Lại khoác vẻ bực bội hết sức, chị ta trải một tờ giấy khổ rộng xuống ghế. Một mớ tùm lum những chữ viết loằng ngoằng, bút màu và giấy dán, tôi lấy làm ngạc nhiên không hiểu chị ta có tổ chức được cái gì nên hồn không nữa.
“Ôi Chúa ơi, Chúa ơi.” Lucinda rên rỉ. “Số điện thoại của hàng hoa chết tiệt đâu rồi không biết?” Chị ta hất tung một đống giấy lên rồi vò đầu tuyệt vọng. “Clemency!”
“Để em tra Google giúp chị nhé?” tôi gợi ý.
“Để đấy, Clemency sẽ làm. Clemency!" Con bé tội nghiệp bật người lên khiến một cốc trà sóng sánh trào ra.
“Để cốc đấy cho chị,” tôi vội vàng nói với con bé và cầm hộ nó khay nước.
“Nếu được vậy thì tốt quá” Lucinda rít lên. “Bởi vì như em biết, bọn chị ở đây là vì em, Poppy. Chỉ còn một tuần nữa là đến đám cưới rồi. Thế mà còn một đống việc phải làm.”
“Em biết,” tôi lúng túng nói. “Ừm... em xin lỗi.”
Chẳng hiểu Magnus và bố mẹ anh đã biến đi đằng nào, thế nên tôi đi về phía cuối nhà chờ, tay cầm khay nước với một đống cốc, cố gắng đi nhẹ nhàng, hình dung mình đang trùm khăn voan cô dâu.
“Thật nhố nhăng!” Tôi nghe thấy giọng nói nghèn nghẹt của bác Wanda đầu tiên. “Đi quá nhanh.”
Tôi ngơ ngác nhìn xung quanh, rồi nhận ra tiếng nói phát ra từ một cánh cửa gỗ nặng nề khép kín bên cánh nhà thờ. Chắc chắn họ ở trong gian nhà thờ nhỏ.
“Mọi người đều biết... Thái độ với hôn nhân...” Magnus đang nói - nhưng cánh cửa dày quá nên tôi chỉ nghe được lõm bõm đôi từ.
“… vấn đề không phải là hôn nhân đến tự nhiên!” Giọng bác Wanda đột nhiên rít lên. "... hai đứa bọn con!... thật không thể hiểu nổi...”
“Khá nhầm lẫn...” Giọng bác Antony giống như tiếng kèn fagôt bỗng nhiên nổi lên đùng đùng. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, cách cánh cửa ba mét, vẫn cầm khay nước. Tôi biết tôi không nên nghe lỏm. Nhưng tôi không đừng được. “… hãy thừa nhận đi, Magnus... sai lầm hoàn toàn...”
"... hủy bỏ. Vẫn chưa quá muộn. Thà làm vậy bây giờ còn hơn là rắc rối ly dị về sau...” Tôi khó nhọc nuốt nước bọt. Tay tôi cầm khay nước rung rung. Tôi vừa nghe thấy gì thế này? Từ gì vậy, ly dị ư?
Có thể là tôi cắt nghĩa nhầm, tôi tự bảo mình. Chỉ là vài từ bập bõm... có thể ý họ khác... “Dù bố mẹ nói thế nào thì bọn con cũng vẫn lấy nhau! Thế nên tốt nhất là bố mẹ nên vui vẻ chấp nhận đi!” Đột nhiên giọng Magnus bật ra lanh lảnh như tiếng chuông.
Người tôi ớn lạnh. Khó có thể biện bạch cách nào khác khi nghe thấy thế.
Có tiếng bác Antony gầm lên, rồi Magnus hét trả “… sẽ không có kết cục thảm hại nào đâu!” Một cảm giác yêu Magnus nồng nàn trỗi dậy trong tôi. Nghe giọng anh rất giận dữ. Một giây sau, có tiếng cửa lạch cạch, nhanh như chớp tôi liền lùi lại khoảng mười bước.
Lúc anh xuất hiện, tôi bước tới, cố ra vẻ bình thản. “Anh à! Anh có muốn một cốc trà không?” Bằng cách nào đó giọng tôi nghe tự nhiên như không. “Mọi chuyện ổn cả chứ anh? Em đang tự hỏi không biết mọi người đi đâu hết rồi.”
“Ổn cả,” anh cười trìu mến và luồn tay quanh eo tôi.
Anh không hề để lộ ra một tẹo nào là vừa cãi cọ với bố mẹ. Tôi chưa bao giờ nhận ra anh đóng kịch giỏi đến vậy. Lẽ ra anh nên làm chính trị.
“Em để đấy, anh sẽ bưng vào cho bố mẹ.” Magnus nhanh chóng nhấc khay nước khỏi tay tôi. “Bố mẹ đang... ờ... xem tranh.”
“Hay quá!” Tôi gượng cười, nhưng cằm run run. Họ đâu có xem tranh. Họ đang nói với nhau là con trai họ chọn vợ dở ẹc. Họ đang cá cược là chỉ trong vòng một năm chúng tôi sẽ bỏ nhau.
Lúc Magnus từ trong gian nhà thờ nhỏ đi ra, tôi hít một hơi sâu, cảm thấy căng thẳng hết sức. “Thế... bố mẹ anh nghĩ thế nào về tất cả những chuyện này?” tôi nói một cách tự nhiên nhất có thể. “Ý em là, bố anh không thực sự thích nhà thờ lắm, đúng không? Thậm chí là... ờ, hôn nhân nói chung.”
Tôi mớm lời hết ý để anh kể cho tôi nghe. Rất đâu vào đấy. Nhưng anh chỉ nhún vai vẻ bực dọc. “Bố mẹ anh bình thường.”
Tôi nhâm nhi cốc trà, khổ sở nhìn chăm chăm vào sàn đá cổ kính, muốn tiếp tục câu chuyên. Tôi nên cãi lại anh, tôi nên nói: “Vừa rồi em có nghe thấy anh và bố mẹ tranh luận với nhau.” Tôi nên làm rõ mọi chuyện với anh.
Nhưng... tôi không làm được. Tôi không đủ can đảm. Tôi không muốn nghe sự thật - rằng bố mẹ anh nghĩ tôi là đứa bỏ đi.
“Anh phải xem email cái đã.” Tôi tưởng tượng ra hay Magnus đang lẩn tránh ánh mắt tôi vậy?
“Em cũng vậy.” Tôi khổ sở đi ra chỗ khác ngồi xuống một chiếc ghế cạnh tường. Tôi chỉ ngồi im như thế một hồi, vai co lại, cố gắng không bật khóc. Cuối cùng tôi lôi điện thoại ra bật lên. Mấy tiếng rồi tôi không nhìn đến nó. Lúc bật máy lên, tôi suýt giật nảy mình trước số lượng tin nhắn và thư từ đang chờ. Không biết là tôi đã nhỡ bao nhiêu cái đây? Tôi nhanh chóng gửi tin nhắn cho người quản lý trực khách sạn Berrow bảo anh ta có thể dừng tìm kiếm chiếc nhẫn, và cảm ơn anh ta đã bỏ thời gian giúp tôi. Sau đó tôi quay sang xem tin nhận được.
Trên cùng là tin nhắn của Sam, khoảng hai mươi phút trước.
Trên đường sang Đức nghỉ cuối tuần. Tới vùng núi non. Sẽ ngoài vùng phủ sóng một thời gian.
Nhìn thấy tên anh ta, tôi tự dưng cảm thấy muốn nói chuyện với ai đó, tôi liền trả lời:
Chào anh. Nghe hay đấy. Tại sao lại là Đức?
Không có hồi âm, nhưng tôi không quan tâm, nhắn tin là tôi thấy nhẹ người rồi.
Hoài công làm nhẫn giả. Chẳng được việc gì. Bị lộ tẩy và bây giờ bố mẹ âm nghĩ tôi là con dở người.
Tôi nghĩ một lát không biết có nên kể cho anh ta là Lucinda tìm ra chiếc nhẫn và hỏi anh ta nghĩ gì về việc đó không. Nhưng... không. Quá là rắc rối. Anh ta sẽ không muốn biết. Tôi gửi tin đi - rồi nhận ra anh ta có thể nghĩ tôi đang mồi chài anh ta. Tôi nhanh chóng gửi tin tiếp theo:
Dù sao cũng cảm ơn anh đã giúp.
Có lẽ tôi nên nhìn hộp thư của anh ca. Tôi đã không để ý đến nó. Có rất nhiều thư cùng một tựa đề, tự dưng tôi nheo mắt bối rối nhìn - cho đến lúc chợt hiểu ra. Đương nhiên rồi. Mọi người đáp lại lời mời gửi ý kiến của tôi đây mà! Tất cả chỗ này đều là thư trả lời!
Lần đầu tiên trong cả buổi chiều nay, tôi cảm thấy tự hào đôi chút về bản thân. Nếu một trong số những người này tìm ra được phát kiến để cách mạng hóa công ty của Sam thì tất cả công trạng sẽ thuộc về tôi.
Tôi mở thư đầu tiên ra xem, náo nức hy vọng.
Sam thân mến,
Tôi nghĩ vào giờ nghỉ trưa chúng ta nên có những lớp tập yoga do công ty đài thọ, có mấy nhân viên nữa cũng đồng ý với tôi đây này.
Thân chào,
Sally Brevver
Tôi cau mày khó hiểu. Đây không thực sự là cái tôi chờ đợi, nhưng tôi chắc tập yoga cũng là một ý hay.
OK, thư tiếp nào.
Sam thân mến,
Cảm ơn thư của anh. Anh đề nghị nói thật. Trong bộ phận của chúng tôi có lời đồn rằng cái gọi là đề xuất ý kiến này thực ra là quá trình nhổ cỏ. Sao bản thân anh không nói thật có phải chúng tôi sắp sửa bị đuổi việc không?
Thân chào,
Tony
Tôi chớp mắt kinh ngạc. Cái gì thế này?
OK, đó chỉ là một phản ứng nhố nhăng. Chắc là anh ta ấm đầu. Tôi nhanh chóng kéo xuống xem thư tiếp.
Sam thân mến,
Không biết có dự toán cho chương trình “Ý tưởng mới” mà anh vừa đề ra này không? Một số trưởng nhóm đang đặt câu hỏi. Cảm ơn,
Chris Davies
Lại một phản ứng nhố nhăng nữa. Dự toán à? Ai cần dự toán để đưa ra ý tưởng?
Sam
Chuyện quái quỷ gì thế này? Lần sau nếu cậu muốn trưng cầu sáng kiến nhân viên nữa thì có thể tham vấn ý kiến các giám đốc khác trước được không?
Malcolm
Thư tiếp theo thậm chí còn thẳng toẹt hơn:
Sam
Thế này là thế nào? Cảm ơn đã tiên phong. Không đâu.
Vicks
Tôi cảm thấy có lỗi. Tôi chưa bao giờ nghĩ lại có thể đưa Sam vào tình thế khó xử với các đồng nghiệp của anh ta. Nhưng chắc phải có ai đó nhìn ra khía cạnh tích cực khi nhận được nhiều sáng kiến chứ?
Anh Sam thân mến
Nghe nói là anh đang bổ nhiệm một “Nga hoàng Sáng kiến” mới. Có lẽ anh còn nhớ đây là ý tưởng của tôi, ba năm trước trong một cuộc họp phòng ban tôi đã đưa ra. Tôi thấy có phần hơi buồn cười là ý kiến của tôi lại được người khác lấy làm của mình, và rất hy vọng rằng khi việc bổ nhiệm được tiến hành, tôi sẽ nằm trên đầu danh sách những người lọt vào vòng sau cùng.
Nếu không thể, tôi e rằng tôi sẽ phải khiếu nại lên cấp cao hơn. Kính thư,
Martin
Thế này là thế nào nhỉ ? Để đọc thêm cái khác.
Anh Sam thân mến
Liệu chúng tôi có một buổi đặc biệt để trình bày các ý kiến cùa mình không? Xin anh cho tôi biết thời gian tối đa cho một bài trình bày bằng PowerPoint là bao lâu? Chúng tôi có thể tổ chức thành nhóm để làm việc này không?
Kính thư,
Mandy
Đấy. Thấy chưa? Một phản hồi thông minh, tích cực. Làm việc nhóm! Trình bày! Như thế này thật tuyệt!
Anh Sam thân mến
Xin lỗi làm phiền anh lần nữa.
Nếu rốt cuộc chúng tôi không muốn làm việc nhóm thì có bị trừ điểm không? Tôi bất hòa với nhóm của mình, nhưng bây giờ họ lại biết tất cả các ý tưởng của tôi, như thế thật không công bằng tí nào.
Tôi muốn anh biết tôi là người đầu tiên đưa ra ý tưởng cơ cấu lại bộ phận Marketing chứ không phải Carol.
Kính thư
Mandy
OK. Hừm, rõ ràng là bạn phải chuẩn bị tinh thần chờ đón một vài trục trặc. Không thành vấn đề. Đây vẫn là một kết quả tích cực...
Anh Sam thân mến
Tôi xin lỗi làm việc này nhưng tôi muốn chính thức khiếu nại hành vi của Carol Hanratty.
Chị ta đã xử sự rất thiếu chuyên nghiệp trong buổi “đưa ra sáng kiến,” và tôi buộc phải nghỉ việc cả ngày còn lại, vì hết sức mệt mỏi. Judy cũng quá mệt không thể tiếp tục làm được, và chúng tôi đang nghĩ tới chuyện liên hệ với công đoàn.
Kính thư
Mandy
Cái gì cơ? Cái gì cơ?
Anh Sam thân mến
Anh bỏ quá cho, lá thư rất dài. Anh đề nghị đưa ra ý kiến.
Bắt đầu từ đâu bây giờ?
Tôi đã làm việc ở công ty này mười lăm năm rồi, trong suốt thời gian này, một quá trình vỡ mộng lâu dài đã bôi bùn lên chính các mạch máu của tôi, cho đến khi đầu óc tôi…
Thư của anh chàng này dài khoảng mười lăm trang. Tôi thả điện thoại vào lòng, mặt xịu xuống.
Tôi không thể tin nổi tất cả những thư trả lời này. Tôi không bao giờ có ý định gây ra mớ láo nháo này. Tại sao thiên hạ lại ngu xuẩn đến thế? Sao họ lại phải gây lộn với nhau? Tôi đã khuấy đảo lên cái khỉ gió gì thế này?
Tôi chỉ mới đọc vài thư đầu tiên. Còn khoảng ba chục cái nữa. Nếu tôi gửi chuyển tiếp cho Sam đống này, và anh ta bước ra khỏi máy bay hạ cánh xuống nước Đức, nhận được tất cả cùng một lúc... Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng anh ta lần nữa: Email tập thể là tác phẩm của quỷ sứ.
Và tôi đã gửi một cái như thế dưới tên anh ta. Cho cả công ty. Mà không hề hỏi trước anh ta.
Ôi Chúa ơi. Tôi thực sự ước mong có thể quay ngược lại thời gian. Ban đầu có vẻ đó là một ý tưởng tuyệt vời. Lúc đó tôi nghĩ gì nhỉ? Tất cả những gì mà tôi biết là, tôi không thể bỗng đâu tống những thứ này cho anh ta. Trước tiên tôi phải giải thích mọi chuyện cho anh ta hiểu. Nói cho anh ta biết mục đích của tôi là gì.
Đầu óc tôi thư thái trở lại. Ý tôi là, anh ta đang trên máy bay. Anh ta ngoài vùng phủ sóng. Với cả xét đến cùng bây giờ là tối thứ Sáu. Chuyển tiếp thư từ cho anh ta ngay cũng chẳng có ý nghĩa gì. Có thể tới thứ Hai mọi người sẽ bình tĩnh lại cũng nên. Đúng thế.
Đột nhiên điện thoại bíp bíp báo tin nhắn mới, tôi giật mình nhảy dựng lên.
Chuẩn bị cất cánh đây. Có việc gì tôi cần phải biết không? Sam
Tôi nhìn điện thoại chằm chằm, tim đập gấp gáp, gợn chút hoảng sợ. Anh ta có nhất thiết phải biết chuyện ngay lúc này không? Có cần không?
Không, không nhất thiết.
Lúc này thì không. Chúc anh thượng lộ bình an! Poppy.