Diệp Trình

Chương 8: Chương 8




"Tin tức này đáng tin chứ?" Nói thực Tiền Hưng Lương cũng không có đủ hai vạn.

Năm kia ông cụ nhà bác vừa mất, chẳng để lại được gì cho con cháu, hai năm này bác tiết kiệm tiền cũng vất vả, nói thế nào cũng có cả một gia đình phải nuôi mà, nhưng bác lại không đành lòng để vuột mất một cơ hội tốt như thế.
"Việc này mà xảy ra sự cố thì tôi cũng chỉ có nước nhảy sông thôi.

Tiền của trong nhà tích trữ được tôi đều mang ra đầu tư hết vào vụ này đấy." Trần Văn Miểu nghĩ nghĩ, nói thêm, "Bất quá tôi nghĩ chắc cũng không giả được đâu.

Chúng ta kiểm hàng xong mới trả tiền mà, đâu có đưa tiền trước đâu mà sợ.

Dù sao tổng cộng cũng không nhiều người, đến tận nơi trả tiền tận tay, đảm bảo không thể lầm được."
"Thế có tất cả bao nhiêu người?" Tiền Hưng Lương lại hỏi.
"Sáu người, góp mười vạn đồng." Năm đó, một gia đình công nhân bình thường một năm tiết kiệm được trung bình không đến một vạn, mười vạn đã là một vụ giao dịch cực lớn rồi.
"Thành giao, ngày mai tôi sẽ theo bác tới gặp họ, nếu không có vấn đề gì thì cùng đi nhận hàng luôn." Tiền Hưng Lương cũng khá tin tưởng Trần Văn Miểu, hơn nữa người ta cũng đã nói để thêm một thời gian nữa sẽ mất cơ hội, là một người đàn ông, vào những thời điểm quan trọng như thế này, cũng nên quyết đoán một chút.
Đêm hôm đó, sau khi Trần Văn Miểu rời đi, Tiền Hưng Lương gọi Diệp Trình tới nói chuyện, "Trình à, ngày mai có lẽ bác sẽ góp tiền với người ta làm ăn một chuyến, nhưng chưa đủ tiền, bác mượn mi bốn ngàn được không?"
Tiền Diệp Trình gửi trong ngân hàng nay đã được ba ngàn sáu, mà trên tay nó còn đang giữ tiền tháng này kiếm được, chưa gửi tài khoản, cũng phải gần tám trăm đồng.
"Được." Diệp Trình không chút do dự đồng ý.
"Thằng nhỏ ngốc này, chưa hỏi cái gì đã đồng ý rồi.

Bất quá mi cứ yên tâm, bác sẽ không bạc đãi mi, vụ này mà buôn bán lời, bác sẽ tính là mi góp vốn, được bao nhiêu đều sẽ chia phần trăm cho mi.

Nhưng nếu như thua lỗ, thì sang năm bác sẽ không thu tiền ăn của mi nữa, còn mang mi ra ngoài kiếm tiền, tiền kiếm được đều đưa lại hết cho mi, được không?" Tiền Hưng Lương cũng có chút băn khoăn, đứa nhỏ này vất vả lắm mới kiếm được chừng ấy tiền, mình lại muốn mượn của nó.

Bất quá đến lúc này rồi, bác cũng không quản được nhiều như thế, nếu thật sự thua lỗ, thì sau này bác từ từ kiếm tiền trả lại nó vậy.
"Được."
"Vậy, xem như một lời đã định nhé."
Diệp Trình cứ thế hi lý hồ đồ góp vốn cùng với bác Tiền làm ăn.
Đại khái là ấn tượng của Tiền Hưng Lương với mấy người nọ không tồi, nên hợp tác cũng khá thuận lợi.

Buổi chiều cùng ngày, mấy người lục tục tới ngân hàng lấy tiền, sau đó cùng đi đến kho chứa hàng của xưởng dệt nọ.

Bất quá họ cũng chỉ lấy hàng cùng nhau thôi, lấy xong liền tự chia ra, mỗi người lấy một phần, hoặc mang về quê bán, hoặc bán ngay trên thành phố.
Tiền Hưng Lương và Trần Văn Miểu đều tính vận chuyển về quê bán, bán ở đây nhất định sẽ không được giá hời.


Xưởng dệt này một khi phá sản, giá hàng hóa nhất định sẽ giảm rất sâu.

Vừa vặn Trần Văn Miểu quen được một tài xế xe tải, quê của mấy bác cháu Tiền Hưng Lương, lại nằm ngay trên đường về quê nhà Trần Văn Miểu.

Người tài xế này cũng dự định về quê ăn tết, nên đương nhiên phải đánh xe về, phí vận chuyển nhờ thế mà rẻ hơn rất nhiều.
Đã có xe về quê, lại vì vừa mượn hết tiền tích cóp của Diệp Trình, Tiền Hưng Lương trong lòng áy náy, cũng không có ý kiến gì với việc nó khăng khăng muốn dẫn Lục Minh Viễn về thôn nữa.
Bởi vì đã là tháng chạp, mọi người đều muốn trở về sớm một chút, tranh thủ kiếm chút tiền ăn tết, nên hôm sau trời chưa sáng, mấy bác cháu Tiền Hưng Lương, Trần Văn Miểu đã lên đường.

Xe tải tuy rằng đủ lớn, nhưng phần đầu xe lại chỉ có một ghế phụ, mấy người bọn họ chưa kể tài xế đã có hai người đàn ông cùng hai đứa nhỏ, chắc chắn không ngồi đủ.
Vì thế Tiền Hưng Lương chỉ đành sửa sang lại thùng chở hàng, lắp thêm tấm bạt chắn gió, lại trải chăn bông bên trong, để Diệp Trình và Lục Minh Viễn rúc trong đó ngủ.

Bốn vách thùng xe cao dễ đến sáu bảy mươi cm, bên trên còn phủ vải bạt, hai đứa nhỏ ngồi trong đó cũng xem như an toàn, sẽ không xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn.
Rạng sáng lúc đoàn người xuất phát nhiệt độ còn khá thấp, thùng xe dù có vải bạt che chắn, lại được Tiền Hưng Lương sửa sang lại một chút, cố tình tìm cho hai đứa nhỏ một góc khuất gió, nhưng xe tải vừa chạy, gió đông lạnh vẫn cứ vù vù thổi vào trong thùng xe.

Diệp Trình và Lục Minh Viễn rúc trong ổ chăn, tai bị gió thổi lạnh muốn rụng, liền kéo chăn trùm quá đầu.

Hai đứa vốn không quá buồn ngủ, nhưng nằm trong xe lay lay động động, một chốc đã ngủ.
Đợi đến giữa trưa, ánh mặt trời chiếu vào, bên trong thùng xe mới ấm lên được một chút.

Hai đứa nhỏ ghé vào khe hở giữa những tấm bạt nhìn quang cảnh bên ngoài, nhìn chán lại chui vào trong chăn.

Bên dưới thân hai đứa là mấy bao quần áo thiệt lớn, nằm lên mềm mềm êm êm, trời lại ấm như vậy, thi thoảng còn có gió mát thoảng qua tai, hai tên nhóc đều cảm thấy thực thoải mái.

Chúng nằm trong thùng xe lăn đến lăn đi, từ bên này lăn sang bên kia, lăn mệt thì lại rúc vào nhau ngủ.
Một đường đi không quá xa, buổi chiều cùng ngày xe tải đã vào đến địa phận tỉnh H quê mấy bác cháu Diệp Trình.

Tiền Hưng Lương thanh toán cho Trần Văn Miểu phần tiền xe của mình, dỡ hàng xong liền tạm biệt nhau.

Nhà Trần Văn Miểu còn phải đi một đoạn nữa mới tới, nhưng sắc trời hãy còn sớm, hẳn là có thể về được đến nơi trước khi trời tối.
Bác Tiền lại mướn một cái xe tải nhỏ, mất hơn một giờ mới đi ra khỏi thị trấn.

Bác chỉ cho lái xe đi theo đường núi, ước chừng hai mươi phút nữa, đã về đến gần thôn bọn họ.

Tiền Hưng Lương để mấy bao hàng hóa lại ven đường, thanh toán tiền cho lái xe, sau đó để hai đứa nhỏ ở lại trông hàng, mình thì khuân theo hai bao lớn đi vào trong thôn.
Đi theo con đường này vào thôn mất khoảng hơn mười phút.

Trước đây người trong thôn bọn họ nếu muốn lên thị trấn phải đi mất hơn một giờ, lại còn phải đi bộ hơn mười phút ra đường lớn bắt xe nữa.

Tiền xe một chuyến cũng phải một đồng.

Thế nên sau này mọi người đều chọn đi đường núi, đến thị trấn nhanh hơn, con đường dẫn vào thôn này cũng nhờ thế mà hình thành.
Chỉ chốc lát sau, bác Tiền đã dẫn theo rất nhiều người ra khuân hàng giúp.

Bà ngoại Diệp Trình, Thái Kim Chi, nghe nói Diệp Trình đã trở lại, cũng vội vã đi theo.

Ra đến đường cái, liền nhìn thấy hai đứa nhóc cao xấp xỉ nhau ngồi trên đống bao tải, đầu gục gà gục gặc ngủ, nhất thời nhận không ra đứa nào mới là Diệp Trình.
Vì thế bà đành mở miệng gọi một tiếng, "Trình à."
Người bên cạnh cười cười, "Thím Kim Chi, thím không nhận ra được đứa nào là cháu mình nữa à?"
Lúc này Diệp Trình cũng đã tỉnh, trông thấy bà ngoại thì thật sự rất vui, nhảy xuống khỏi bao tải, chạy đến gần bà.

Thái Kim Chi thấy Diệp Trình ra ngoài một năm hình như cũng không phải chịu chút khổ cực nào, người cũng cao hơn được một chút, mặt lập tức sáng rỡ, hai má cũng bị ánh mặt trời chiếu đến đỏ bừng, có thể thấy được là đang rất vui.
"Đứa nhỏ này từ đâu đến vậy?" Trong thôn quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy hộ gia đình, quả thực không thấy nhà nào có con lớn chừng này cả.
"À, bác cháu tôi nhặt được trong thành đấy.

Tình cảm của Diệp Trình với nó rất tốt, muốn mang theo nó về quê ăn tết.

Đằng nào cũng tiện xe, tôi liền đem nó theo luôn." Bác Tiền đáp.
"Ai u, điều kiện trên thành phố tốt thật đấy, trẻ con cũng xinh xẻo thế này." Mấy người phụ nữ trong thôn không khỏi kinh ngạc thán.
"Nó bị lạc ba mẹ đấy, cũng là đứa nhỏ đáng thương.

Tôi báo lên đồn công an rồi, nếu tìm lại được ba mẹ cho nó thì tốt." Bác Tiền bâng quơ nói, kỳ thực muốn tìm được ba mẹ cho nó cũng chẳng dễ dàng gì.

Nó bị lạc cũng đã gần một năm, ba mẹ nó mới đầu còn có thể sốt ruột tìm kiếm khắp nơi, nhưng lâu như vậy rồi, chắc cũng đã hết hy vọng, sau này có thêm đứa nhỏ nữa, thì sẽ quên dần thôi.
Nhưng những lời này bác cũng không nói với người trong thôn, nói ra rồi thì liệu có ai đứng ra nhận nuôi thằng nhỏ không? Đương nhiên chẳng có ai nguyện ý rồi.


Thôn họ vốn cũng không thiếu trẻ con, hơn nữa thằng nhỏ này tính tình còn thực bướng bỉnh, ở cạnh Diệp Trình còn tốt, ngày thường đến bác nó còn chẳng cho được sắc mặt tốt nữa là, ai lại thích nhận nuôi một đứa nhỏ như thế chứ? Có nhận thì cũng phải nhận đứa nào ngoan ngoãn nghe lời kìa, chứ không đến lúc lớn chẳng thân cận mình thì lại chẳng hóa ra là nuôi không à.
Đợi đến khi mọi người khuân hàng về hết, trời cũng đã sập tối.

Vừa vặn hôm đó thím hai trong thôn lại giết heo, Tiền Hưng Lương kêu vợ qua mua một cái chân giò, lại giết thêm một con gà, cho thêm chút bỗng rượu cùng đỗ đen vào nồi áp suất hầm.

Mọi người đều không về nhà, được Tiền Hưng Lương mời lại ăn cơm uống rượu.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn cũng đi theo, Diệp Trình muốn sang nhà bác Tiền đón Tiểu Hôi về.

Một năm này Tiểu Hôi có vẻ được chăm sóc không tồi, lông trên người đều sáng lên không ít.

Vợ bác Tiền múc cho hai đứa nhỏ một bát chân giò hầm thịt gà thật lớn, để chúng mang về ăn.

Thấy Diệp Trình còn ngượng, bà ngoại liền đưa tay ra nhận giúp.
"Minh Viễn, tối nay mi muốn ngủ nhà Diệp Trình hay ngủ nhà bác?" Tiền Hưng Lương đột nhiên lên tiếng hỏi.
"Ngủ cùng Diệp Trình." Lục Minh Viễn không nghĩ ngợi đáp.
"Thế ngày mai bác lên thị trấn bán quần áo, hai bọn mi có đi không?" Bác Tiền lại hỏi.
"....." Khóe miệng Lục Minh Viễn giật giật, không đáp, quay đầu nhìn Diệp Trình, nhưng Diệp Trình lại chỉ mải thân thiết với Tiểu Hôi, không nhìn về phía nó.

Lục Minh viễn mất hứng, đi tới đá cho Tiểu Hôi một cái, Tiểu Hôi cũng rất không khách khí, gâu một tiếng thật to, vang vọng cả phòng.
"Cái gì thế, thằng nhóc này tự dưng lại đá con chó làm gì vậy?" Vợ bác Tiền không vui nói, Tiểu Hôi này đã sống ở nhà bác gần một năm, bình thường rất nghe lời, còn biết giữ nhà nữa, nên cũng dần dần có tình cảm với nó.
"Ai ai, bà cứ kệ nó, đang giận dỗi với A Trình ấy mà." Bác Tiền nói gì thì nói cũng nuôi Lục Minh Viễn lâu như vậy rồi, sao lại không hiểu cái tính cách thúi hoắc của thằng nhỏ này chứ.
"Đừng đá Tiểu Hôi." Diệp Trình đau lòng xoa xoa chỗ bị đá cho Tiểu Hôi, một lúc sau mới quay sang nói chuyện với Lục Minh Viễn.
"Có lên thị trấn không?" Lục Minh Viễn hỏi.
"Hả?" Diệp Trình từ nãy tới giờ không nghe mọi người nói gì, Lục Minh Viễn lại hỏi chẳng có đầu có đuôi như thế, nó đương nhiên không hiểu.
"Trình à, chỗ hàng này của bác cũng có một phần là của mi.

Ngày mai mi cùng bác lên thị trấn bày sạp bán đi, bán được nhiều bác cháu ta cũng kiếm được nhiều tiền."
Tiền Hưng Lương kỳ thực đã tính nói rõ chuyện này ra trước khi để mấy đứa nhóc Diệp Trình trở về tiểu viện rồi.

Miễn cho lúc về đến nhà, bà ngoại nó hỏi tiền nó kiếm được để ở đâu, thằng nhóc này lại ngây ngây ngốc ngốc kể ra, sợ nhất là kể rồi lại kể chẳng rõ ràng, để mấy người nhà Thái Kim Chi hiểu lầm mình thì chết.
"Chỗ hàng hóa này của bác có một phần là của Diệp Trình á?" Lập tức có người mở miệng hỏi.
"Là thế này, lúc ấy có một người quen tìm tôi nói có chỗ hàng này đang xả kho giá rất rẻ, kêu tôi góp hai vạn mua.

Nhưng trên người tôi khi ấy lại chỉ có một vạn sáu, liền mượn Diệp Trình bốn ngàn.

Nếu buôn bán lời tôi sẽ chia hoa hồng cho nó, còn không thì sang năm tôi sẽ trả đủ." Những gì Tiền Hưng Lương muốn nói chỉ có vậy.
"Bốn ngàn?" Thái Kim Chi không khỏi choáng váng, cả đời bà không rời khỏi thôn được mấy lần, ở trong mắt bà, bốn ngàn là một khoản tiền cực lớn.


Bà không biết mấy năm nay kinh tế trong nước phát triển nhanh chóng, phân biệt giàu nghèo cũng ngày càng rõ, bốn ngàn này, nếu ở trong những thành phố phát triển, kỳ thực chẳng đáng là bao.
"Cái nghề ăn xin này tốt thế cơ à? Không đến một năm đã kiếm được bốn ngàn?" Bên cạnh có người nhịn không được nói chen vào.
"Ông thì biết cái gì, đừng có nói bừa!" Vợ người đó véo chồng mình một cái, chồng bà còn định nói thêm gì đó, kết quả bị bà trừng cho một cái, không dám mở miệng nữa.
Hầu hết những người trong thôn đều biết Diệp Trình ra ngoài làm gì, không phải là lên thành phố ăn xin à.

Nhưng mà cái chuyện ăn xin này vốn chẳng vẻ vang gì, đặc biệt là khi thôn họ có một đứa trẻ không cha không mẹ, không có ai nuôi, phải vứt lên thành phố ăn xin, việc này sao có thể tùy tiện nói ra ngoài được? Nói ra rồi thì người trong thôn họ còn mặt mũi gì nữa chứ?
"Phải, người trong thành phố đều có tiền, thằng nhóc này còn nhỏ, ngồi bên vệ đường ai nhìn vào cũng sẽ thấy đáng thương, nên kiếm được cũng khá." Dù sao cũng đã nhắc đến, Tiền Hưng Lương cũng không kiêng dè nói, "Vốn chỗ tiền này của nó tôi không nên động vào, chẳng qua lúc ấy cấp bách quá, kêu bà nhà gửi tiền lên cũng không kịp, trong tay tôi lại chỉ có đúng một vạn sáu, không đủ tiền lấy hàng.

Tôi không nỡ để mất, nên mới hỏi mượn Diệp Trình.

Thẳng nhỏ này cũng thành thật, hỏi cái gì cũng đồng ý, hahah.

Bà Thái à, nếu bà không thích, thì bây giờ tôi sẽ lấy bốn ngàn ra trả, được không?"
Tiền Hưng Lương nói thì nói vậy, chứ thật ra cả bác và vợ bác, Vương Hoa Quế, đều biết nhà họ lúc này đào đâu ra bốn ngàn nữa chứ? Tiền trong nhà họ đều do Tiền Hưng Lương quản, một vạn sáu đã là tất cả những gì họ có rồi.

Trong nhà bây giờ cũng chỉ còn có hơn một ngàn, là tiền đóng học phí kỳ sau của hai đứa nhỏ, cùng với sinh hoạt phí của nửa năm tiếp theo.
"Theo như lời bác nói, tiền này là của Diệp Trình thì cứ để nó làm chủ.

Nó đã đồng ý cho bác mượn thì cứ vậy đi, bà già như tôi không can thiệp nữa.

Hơn nữa một năm này nó ở bên ngoài đều nhờ bác chiếu cố, người cũng cao lên không ít, tôi nhìn cũng thấy rất vui, những thứ khác đều không quan trọng." Thái Kim Chi vội vàng nói.

Ngay từ đầu bà đã chẳng mong chờ Diệp Trình phải mang về quá nhiều tiền, bây giờ tiền này Tiền Hưng Lương mượn, bà cũng chẳng có gì để nói, sang năm còn phải nhờ vào bác đưa Diệp Trình ra ngoài nữa mà.
"Bà ơi bà đừng nói vậy.

Bất quá bà cứ yên tâm, tôi thấy chỗ hàng này bán không lỗ được đâu.

Chờ hai ngày nữa bán xong, tôi sẽ chia hoa hồng cho Diệp Trình, bà cứ chờ đếm tiền với cháu ngoại đi thôi." Tiền Hưng Lương nói xong thì bật cười, không khí trong phòng cũng sôi nổi trở lại.

Mọi người bắt đầu bàn luận về chỗ hàng bác mang về.
Thái Kim Chi thấy cũng đã muộn, liền dẫn Diệp Trình trở về tiểu viện của nó.

Lục Minh Viễn đương nhiên đi theo, Tiểu Hôi cũng theo sau, lại bị Lục Minh Viễn đá thêm một cái, Tiểu Hôi chỉ sủa hai tiếng, không xông lên cắn, tứ chi vung cao, chạy tới bên người Diệp Trình.
- --------------------------------------------------------------------
"Diệp Trình này, bà ngoại đã nói mi cứ giữ tiền cho mình đi, thế mi định tiêu như thế nào?" Bên cạnh lại có người hỏi.
Diệp Trình ôm xấp tiền thật dày ngồi trên đất suy tư hồi lâu, mới nhớ ra một chuyện có thể làm, "Trả nợ.".



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.