Sau khi trở về tiểu viện, Thái Kim Chi cũng không hỏi gì Diệp Trình, chỉ thu xếp chỗ ngủ nghỉ cho hai đứa nhỏ rồi trở về nhà.
Bà sợ trẻ con nhanh mồm nhanh miệng, chẳng may Tiền Hưng Lương hay vợ bác hỏi Diệp Trình lúc về nhà bà ngoài có hỏi gì nó không, nó lại nói toẹt hết ra thì không hay.
Ngày mai Tiền Hưng Lương dẫn Diệp Trình lên thị trấn bán quần áo bà cũng không định đi theo.
Người biết còn có thể nói bà đi xem náo nhiệt, chứ người không biết có khi lại nghĩ bà không yên tâm về bác Tiền ấy chứ, sợ cả nhà bác Tiền nghe được lại phải suy nghĩ.
Hôm sau, mới sớm tinh mơ Diệp Trình đã bị vợ bác Tiền dựng dậy.
Lục Minh Viễn ngủ bên cạnh cũng bị tỉnh theo, cùng Diệp trình rời giường.
Dù sao hiện giờ Diệp Trình đi chỗ nào là nó đi chỗ ấy, càng ngày càng dính như keo.
Đi cùng Tiền Hưng Lương có vợ bác Vương Quế Hoa cùng em trai vợ Vương Siêu.
Lúc Vương Quế Hoa sang gọi Diệp Trình, Tiền Hưng Lương và em vợ Vương Siêu đã khuân hết hàng hóa ra ven đường cái.
Con đường cái lên thị trấn mỗi ngày đều có mấy cái xe kéo chạy qua.
Thùng xe phía sau giăng bạt cẩn thận, dù trời có mưa bão thì cũng có chỗ che.
Lúc ấy trời còn chưa sáng, người trên đường còn chưa nhiều, hàng hóa của họ vẫn đang đóng trong bao cẩn thận, nên thuê xe kéo cũng chỉ bị thu thêm có hai đồng.
Tiền xe của Diệp Trình và Lục Minh Viễn cũng do bác Tiền trả, mỗi đứa nửa giá, năm mao tiền.
Lên đến nơi, Vương Siêu vào một nhà người quen mượn hai tấm phản dài, mang ra đầu đường, dựng một cái sạp tạm.
Lúc mới dọn hàng trời còn khá lạnh, đợi đến khi mặt trời xuất hiện, người trên đường đông dần, ghé sạp của họ cũng nhiều hơn.
Lúc này đúng là thời điểm mua sắm Tết, rất nhiều người bình thường ra ngoài làm công đều đã trở về, chi tiêu cũng thoáng hơn.
Vương Quế Hoa cùng em trai đều chưa từng buôn bán, đối với họ một món quần áo mua vào khoảng hơn kém mười đồng, bán giá hai mươi cũng xem như lời rồi.
Nhưng Tiền Hưng Lương thì lại không nghĩ vậy, bác đã lăn lộn bên ngoài một thời gian, nhìn thấy nhiều chuyện, lá gan cũng lớn hơn.
Bác cảm thấy chỗ quần áo này chất lượng không tồi, nếu như vào các cửa hàng cửa hiệu đàng hoàng thì giá cũng phải bốn, năm mươi đồng một bộ, họ bày quán ven đường thì cũng nên bán ba mươi lăm.
Bất quá bác cũng hy vọng bán xong sớm một chút, chờ qua năm bác lại phải ra ngoài làm công, mà khi đó hai đứa con nhà bác đã phải đến trường, Vương Quế Hoa lại bận bịu việc cơm nước ruộng vườn, thời gian đâu mà bày hàng bán nữa, bác ra ngoài lại kiếm được tiền, chậm ngày nào là thiệt ngày đó.
Thế nên liền quyết định bán quần áo người lớn ba mươi đồng một bộ, trẻ con hai mươi lăm, còn tất tay tất chân các loại thì dù sao giá mua vào cũng rất bèo, nên một đồng rưỡi, hai đồng là bán được rồi.
Đợi đến khi người vào mua hàng càng đông, Diệp Trình, Lục Minh Viễn đứng trong quán có chút vướng tay vướng chân, mấy người lớn liền kêu chúng đi chơi.
Diệp Trình dẫn Lục Minh Viễn dạo chơi trên đường, lúc đi đến trước cửa một tiệm tạp hóa, đột nhiên nhớ ra một việc, liền nhấc chân bước vào.
Cửa tiệm này là tiệm tạp hóa lớn nhất thị trấn, bên trong gần như có đủ mọi đồ dùng sinh hoạt.
Diệp Trình tìm được chỗ bày găng tay cao su, trông thấy một đôi giống hệt cái đôi bà ngoại thường dùng, còn bọc trong bao nilon mới tinh, màu sắc tươi sáng.
"Cái này giá bao nhiêu ạ?"
"Cái này hả, chín đồng." Bã lão bán hàng đang ngồi xổm xuống đất sắp xếp lại những món đồ mới nhập về, thấy người hỏi là một đứa con nít thì không để ý lắm, chỉ nghĩ nó hỏi chơi thôi.
"Cháu muốn mua." Diệp Trình vươn tay muốn lấy đôi găng tay nọ, nhưng với vài lần cũng với không tới.
"Có mang tiền không đấy?" Bà lão phủi phủi tay, đứng dậy.
"Có mang." Trong túi Diệp Trình quả thực có tiền, cái quần nó đang mặc có hai túi, túi bên trái để mấy đồng tiền mệnh giá lớn đã bị bác Tiền khâu chặt miệng, túi bên phải không bị khâu thì chỉ để một ít tiền lẻ.
Diệp Trình lấy hết chỗ tiền lẻ ra đếm đi đếm lại cũng không đủ, chỉ được có hơn sáu đồng, vì thế nó đành mượn bà lão một cái kéo để cắt chỉ khâu miệng túi bên trái.
Bà lão bán hàng cũng tò mò, đứa nhỏ này đếm nửa ngày cũng chưa đủ tiền, lúc này không biết mượn kéo làm gì, lại thấy nó cầm kéo định rạch một đường, vội vàng ngồi xổm xuống cắt chỉ giúp nó, sợ nó không cẩn thận cắt hỏng luôn cái quần.
Từ trong túi nó lấy ra một tờ mười đồng, nhét vào túi bên phải, sau đó bà lão bán hàng mở ngăn kéo lấy kim chỉ ra, khâu lại miệng cái túi chứa tiền giá trị lớn cho Diệp Trình.
Đúng lúc này một người phụ nữ bước vào cửa tiệm, thấy bà lão bán hàng đang ngồi khâu quần cho một đứa nhỏ, liền tò mò hỏi, "Bà chủ, đây là con trai bà à?"
"Con tôi tốt nghiệp trung học rồi, hai ba năm nữa sẽ sinh cháu nội cho tôi ấy chứ." Bà lão hắc hắc cười hai tiếng, thắt nút mũi cuối cùng, sau đó cắt chỉ.
"Thế sao bà lại ngồi đây khâu quần cho con nhà người ta làm gì, chớ không phải con trai bà ra ngoài làm chuyện xấu khiến con nhà người ta to bụng đấy chứ?" Người phụ nữ kia mở miệng trêu chọc.
"Nó mà có cái năng lực ấy thì bà già tôi đây đã chẳng phải nhọc lòng rồi, bác không biết đấy chứ, người nhà của đứa nhỏ này hay phết, nghĩ ra cách khâu miệng túi tiền của nó lại."
"Cách này hay đấy, sau này tôi cũng phải khâu chặt miệng túi của thằng nhóc nhà tôi mới được, ngày nào cũng cho nó dăm ba đồng, mà đến lúc về đã hết sạch, không phải tiêu hết thì cũng làm rơi hết, tiền tôi với ba nó kiếm ra đều bị nó vứt xuống sông xuống biển hết."
Bà lão bán hàng lấy đôi bao tay cao su mà Diệp Trình có vẻ rất ưng lại, mang ra chỗ vòi nước thử xem có bị ngấm nước không, sau đó mới dùng vải lau khô, bỏ vào túi cho nó.
Chờ hai đứa nhỏ ra khỏi cửa tiệm, bà mới quay sang nói chuyện tiếp với người phụ nữ nọ, "Dăm ba đồng thì khâu làm cái gì, trong túi đứa nhỏ vừa rồi những ngần này cơ mà." Nói xong giơ bốn ngón tay lên lắc lắc.
"Bốn mươi à?" Đầu năm nay trẻ con cầm năm đồng tiêu vặt đã nhiều lắm rồi ấy.
"Hắc, bốn trăm." Bà lão bán hàng cười nói.
"Úi, con nhà ai ấy nhỉ? Trong thị trấn chúng ta còn có gia đình đủ điều kiện cho con bốn trăm bỏ túi cơ à?" Người phụ nữ kia rõ ràng không tin.
"Tôi thì thấy không giống, nhà có tiền thật thì cũng chẳng cần khâu túi của con lại làm gì.
Vừa rồi nó vào mua bao tay, tôi đoán tám phần là bị bỏ ở nhà một mình rồi."
Mấy năm này người ra ngoài làm công kiếm tiền dần dần nhiều lên, có vài gia đình bố mẹ nhẫn tâm để con trẻ ở nhà một mình, hoặc gửi sang nhà ông bà, chỉ để lại mấy trăm đồng bạc, nhờ hàng xóm chiếu cố giúp.
Mấy người này đi có khi năm rưỡi mới về một lần.
Tối hôm ấy, lúc Diệp Trình đưa đôi bao tay cho Thái Kim Chi, bà đầu tiên ngây ra một lúc, sau đó cực kỳ yêu thích.
Mấy ngày nay bà đều nghe người ta nói đứa cháu ngoại này rất biết thương bà, lúc này còn mua tặng bà đôi bao tay, những chín đồng lận, đúng là ra ngoài một năm cũng hiểu chuyện hơn nhiều, đều nhờ bác Tiền cả.
Bất quá những người trong thôn hiển nhiên không quá hứng thú với đôi bao tay chín đồng của bà, họ càng muốn biết Tiền Hưng Lương rốt cuộc buôn bán lời được bao nhiêu, có thể trả cho Diệp Trình được bao nhiêu.
Những ngày bác Tiền còn bày sạp bán, mấy người trong thôn cũng ở sau lưng nói đủ kiểu, nhưng đều không tin bác thật sự có thể chia hoa hồng cho Diệp Trình.
Một nhà Tiền Hưng Lương buôn bán thực thuận lợi, không đến năm ngày đã bán hết chỗ hàng bác mang về.
Buổi chiều ngày cuối cùng, Tiền Hưng Lương cực kỳ vui vẻ, một nhà mấy người hớn hở trở về thôn.
Những người trong thôn lúc này cũng đều đã biết nhà bọn họ kiếm được tiền, mấy ngày nay sạp nhà bác Tiền đông khách họ cũng biết.
Bác Tiền về đến nơi, kêu người mời cậu Diệp Trình Tiền Thủ Vạn, mợ La Nguyệt Linh và bà ngoại Thái Kim Chi đến hết tiểu viện nhà Diệp Trình.
Người trong thôn nghe được, cũng đều hưng trí bừng bừng tới giúp vui, tiểu viện nhà Diệp Trình nhất thời chật ních người.
Tiền Hưng Lương đi một mình đến nhà Diệp Trình, ngồi ở cửa cầm sổ sách tính toán.
Mấy ngày nay bác bán được bao nhiêu đều ghi lại rõ ràng, lúc này cộng cộng trừ trừ một lát là ra.
Đợi đến khi vợ chồng Tiền Thủ Vạn và Thái Kim Chi đều đã có mặt, bác liền ở ngay trước mặt mọi người đưa tiền cho Diệp Trình.
"Trình à, tuy mi vẫn còn là con nít, nhưng bác đây cũng là đàn ông nói lời giữ lời.
Lúc trước bác mượn của mi bốn ngàn, lúc này buôn bán lời, bác trừ tiền xe cùng chi tiêu mấy ngày nay, mi còn được lời bốn ngàn rưỡi, nay bác ở trước mặt bà ngoại cùng cậu mi, đưa hết cho mi."
Một xấp tiền thật dày trị giá tám ngàn rưỡi cứ như vậy được đặt vào tay Diệp Trình.
Tiểu viện lập tức bùng nổ, tám ngàn rưỡi khi ấy ở trong thôn có nghĩa là gì? Trong thôn họ năm ấy, những người siêu giàu của cải hơn một vạn cũng chẳng được mấy nhà.
Đàn ông thôn họ ra ngoài làm công quần quật quanh năm suốt tháng, cầm về nhà được năm sáu ngàn đã là giỏi lắm rồi.
Diệp Trình dù sao cũng chỉ là một đứa nhỏ, ra ngoài ăn xin một năm, rồi hi lý hồ đồ theo Tiền Hưng Lương buôn bán một vụ đã có thể bỏ túi tám ngàn rưỡi.
Người trong thôn nghị luận đủ kiểu, có người nói Diệp Trình vận khí tốt, có người nói cái nghề ăn xin này kiếm được, nhưng nhiều nhất vẫn là khen Tiền Hưng Lương có năng lực, Diệp Trình được đi theo bác đúng là quá may mắn.
Tiền Hưng Lương sở dĩ đưa tiền cho Diệp Trình ngay trước mặt mọi người không thể phủ nhận có chút tâm tư muốn khoe khoang.
Bác buôn bán lời, trong lòng đặc biệt vui vẻ, nên quả thật có chút tâm hư vinh.
Nhưng quan trọng nhất là, bác muốn nói cho rõ ràng với bà ngoại Diệp Trình.
Dù sao đứa nhỏ này không cha không mẹ, theo bác vào thành phố ăn xin, một năm này vợ bác Vương Quế Hoa ở trong thôn cũng nghe không ít đồn đãi, nên lúc này bác làm vậy là để lấy lại danh dự cho mình, Tiền Hưng Lương bác cũng không thèm ăn quịt đồng nào của Diệp Trình.
Kết quả nháo một trận, khắp cả thôn đều biết trong tay Diệp Trình có tám ngàn rưỡi, mọi người đều mắt to trừng mắt nhỏ, muốn nhìn thử xem chỗ tiền này rốt cuộc chảy về đâu.
"Nè Diệp Trình, có nhiều tiền như vậy rồi mi định tiêu thế nào?" Có người ở ngay tại chỗ hỏi.
"Để dành đi học." Diệp Trình thành thật đáp.
"Zô, đứa nhỏ này có tiền đồ ghê, nhưng mà đi học cũng không cần nhiều tiền đến thế đâu, còn thừa thì mi định đưa cho ai?" Nếu như câu này hỏi người lớn thì nhất định sẽ không nhận được câu trả lời, nhưng Diệp Trình dẫu sao vẫn chỉ là đứa nhỏ.
"Đưa cho bà ngoại." Không đưa cho bà ngoại thì còn đưa cho ai nữa?
"Aida, Thái Kim Chi, cháu ngoại bà hiếu thuận thật đấy!" Người trong thôn nhất thời đều cười nói.
"Đứa ngốc này, bà ngoại cầm tiền của mi làm gì, mi cứ giữ cho mình đi, nha." Thái Kim Chi ngoài miệng thì nói như thế, nhưng trong lòng vẫn rất vui vẻ, con cháu hiếu thuận với mình thì ai lại không vui cho được.
"Diệp Trình này, bà ngoại đã nói mi cứ giữ tiền cho mình đi, thế mi định tiêu như thế nào?" Bên cạnh lại có người hỏi.
Diệp Trình ôm xấp tiền thật dày ngồi trên đất suy tư hồi lâu, mới nhớ ra một chuyện có thể làm, "Trả nợ."
Mẹ nó hồi còn sống, ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại ba việc.
Việc thứ nhất muốn nó phải nghe lời, nếu có người nhận nuôi thì phải kêu người ta là ba mẹ, không được hỗn láo.
Diệp Trình lúc ấy đáp ứng, nhưng bây giờ lại có điểm do dự, vì hai người nhận nuôi Lục Minh Viễn đối xử với nó không tốt chút nào.
Việc thứ hai, muốn nó sau khi lớn lên phải chăm sóc em gái, bây giờ nó còn chưa lớn, mà em gái thì lại đang ở nhà cô, cách nó rất xa.
Việc thứ ba, muốn nó sau này lớn lên có tiền, thì phải trả nợ cho người ta.
Hai chủ nợ lớn nhất của nhà nó chính là cậu và cô, tuy mẹ kêu nó lớn lên hẵng trả, nhưng bây giờ nó có tiền, thì trả trước đi vậy.
Đặc biệt là mấy ngày mẹ gần mất, thực giống như sợ Diệp Trình không nhớ được, cả ngày đều ở bên tai Diệp Trình nói mấy chuyện đó, nói đến bây giờ Diệp Trình muốn quên cũng quên không được.
- --------------------------------------------------------------------
Thái Kim Chi nhân cơ hội kéo Diệp Trình chạy thật nhanh, lần này Lục Minh Viễn không đứng lên theo, mà cứ ngồi xổm trên đất nhìn Diệp Trình càng chạy càng xa, thẳng đến khi bóng dáng khuất hẳn sau triền đồi.
Sụt sịt lau nước mắt, một trận gió lạnh thổi qua, Lục Minh Viễn hắt hơi đến bả vai run lên, lại nâng tay áo quẹt nước mũi, sau đó nhặt cái áo bông mình vừa ném xuống đất lên, mặc vào..