Jason Armstrong, 7 tuổi, ngồi trên chiếc giường đôi to tướng ngay cạnh giường của bà cố nghe bà đọc cho nó câu chuyện cổ tích về hai con chuột xấu tính. Nó lớn đến nỗi chuyện hai con chuột xấu tính đã giờ đã trở nên rất buồn cười. Không phải là nó không biết đến sự vô lý ấy, và bà Tuppy cũng biết đấy chứ. Nhưng bây giờ bà cố đang nằm trên giường bệnh khiến thằng bé chợt nhớ đến những cảm giác sung sướng từ khi còn bé tí. Hồi ấy, mỗi khi bà cố đưa nó đi ngủ là thằng bé đòi bà phải đọc cho nó nghe câu chuyện hai con chuột xấu tính. Thế là bà lại cẩn thận đặt cặp kính lão lên mắt, không phiền trách nửa lời, mở sách ra và bắt đầu đọc:
" Ngày xửa ngày xưa, trong căn nhà nọ có một cô búp bê vô cùng xinh xắn…"
Thằng bé còn nhớ bà đọc truyện rất hay. Mỗi buổi tối, sau khi tắm táp, ăn tối xong nó thường ngồi bên lò sưởi trong phòng vẽ để nghe bà đọc vang vang những câu chuyện cổ tích như thế. Nhưng sau rồi, bà chẳng còn đọc cho nó nghe được truyện gì nữa. Tình trạng sức khỏe của bà ngày một xấu đi. Bà Watty đã bảo nó: Này, bây giờ cháu đừng có đến làm phiền cố nữa nhe, để cho bà nghỉ nhe cháu. Bà trẻ Isobel cũng hứa: Để bà đọc cho cháu nghe nhá? Và bà trẻ giữ lời hứa đấy. Nhưng không hiểu sao, bà cố đọc truyện vẫn hay hơn nhiều. Giọng bà trẻ chẳng bao giờ ngọt ngào bằng giọng bà cố đâu. Nhưng mà bà Watty cứ thuyết phục nó mãi, giọng đọc nào cũng hay. Nhưng có một điều không ai có thể cãi chày cãi cối với nó là ngồi trên giường của bà Tuppy thích thú đặc biệt hơn bất cứ việc gì khác. Giường của bà bằng đồng, với những chiếc cọc bóng loáng, gối thì to, vỏ gối lại còn thêu chữ lồng nữa chứ. Dra trải gường bằng lanh mát rượi, có nhiều tua ren rất đẹp mắt. Lại còn những vết nạm ở trên ấy nữa. Bà nội đã nạm rất khéo, gần như thêu lên dra trải giường vậy. Ngay cả đồ đạc trong phòng bà cố cũng thần diệu và bí mật làm sao ấy. Bàn ghế toàn bằng gỗ quý, chạm trổ công phu. Khăn trải bàn và rèm cửa đều bằng lụa. Trên bàn trang điểm có đủ những chiếc ống bằng bạc đựng lược, trâm cài. Bà cố Tuppy bảo: Nghe nói ngày xưa các quý ông quý bà, quý cô phải dùng những thứ sang trọng như vậy đấy, nhưng bây giờ chẳng còn ai cần đến nữa. Tiếng bà đọc đều đều:
- Này nhé, trong nhà có hai con tôm hùm to tướng được nướng cho đỏ thắm lên, một cục xíu mại bự, một con cá còn tươi roi rói, một cái bánh ngọt hấp dẫn, cả đào này và cam nữa.
Màn cửa được vén lên, nhưng ngoài kia gió bắt đầu thổi mạnh làm những cánh cửa sổ run lên bần bật. Màn cửa phồng lên như những trái khinh khí cầu bí hiểm, như thể có đó đang trốn đằng sau. Jason rúc sâu vào lòng bà Tuppy, mừng vì có bà ở đó. Những ngày này, nó cứ quanh quẩn xung quanh bà cố, không nhắc đến cái việc kinh khủng không biết tên sắp sửa xảy đến khiến bà sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ trở về. Trong nhà còn 1 y tá, 1 y tá được đào tạo hẳn hoi, đến từ bệnh viện. Bà ấy ở hẳn trong nhà Fernrigg chăm sóc cho bà cố Tuppy cho đến khi bà hồi phục hẳn. Tên của bà y tá là McLeod. Bà phải đi một chuyến xe lửa dài từ Fort William đến Tarbole. Và bà Watty phải lái xe ra tận Tarbole đón bà y tá về. Không hiểu bà y tá và bà Watty kết bạn với nhau lúc nào. Suốt ngày hai bà to nhỏ trong nhà bếp. Bà McLeod gầy gò, người thẳng đơ như chiếc áo hồ bột của bà, gân tay, gân chân nổi đầy lên. Có lẽ chính vì lý do đó mà bà Watty chơi thân với bà McLeod. Thằng Jason vẫn thấy hai bà già khó tính ấy cho nhau xem những đường gân trên tay mình.
" Vào một buổi sáng, chuột Lucinda và chuột Jane cùng đi chơi. Chúng lái xe đến nhà một cô búp bê xinh đẹp.."
Dưới nhà, trong hành lang dài hun hút, điện thoại bắt đầu ré lên. Bà Tuppy ngừng đọc, nhìn lên, tháo cặp kính lão ra. Sốt ruột thằng Jason thúc giục:
- Đọc nữa đi bà.
- Có ai gọi điện thoại kìa.
- Thì bà trẻ Isobel sẽ trả lời mà. Bà đọc nữa đi.
Bà Tuppy tiếp tục. Nhưng thằng Jason biết miệng bà đọc thế đấy, nhưng trong óc thì chẳng có con chuột Lucinda và Jane nào cả. Khi tiếng chuông ngưng bặt cũng là lúc bà cố thôi đọc luôn. Jason đành bỏ cuộc, nó hỏi:
- Bà bảo ai đang gọi điện thoại cơ?
- Bà không biết, nhưng bà tin chắc, lát nữa đây, bà Isobel sẽ lên đây nói với ai bà cháu mình ngay.
Họ ngồi bên nhau trên chiếc giường rộng. Bà lào và thằng bé cùng chờ đợi, giọng trầm của bà Isobel vang lên cả cầu thang, nhưng không nghe rõ lắm dì đang nói cái gì. Cuối cùng có tiếng treo máy, họ nghe tiếng chân dì Isobel đi lên cầu thang rồi đi ngang phòng của bà Tuppy, cửa bật mở. Isobel ló mặt vào, bà cười cố ngăn niềm vui sướng trào dâng, mái tóc muối tiêu mềm mại được bối cao để lộ khuôn mặt sáng rỡ. Vào những lúc như thế này. Trông dì Isobel trẻ đi hàng chục tuổi. Không còn là bà cô già trong mắt Jason nữa.
- Hai bà cháu có muốn nghe tin vui không đây?
Bà trẻ Isobel bước vào, trước khi cẩn thận khép cửa lại. Con chó già Sukey từ nãy giờ cuộn tròn trong tấm chăn bằng tơ nơi cuối giường giờ ngóc đầu lên nhe nanh ra cảnh giác nhưng bà trẻ Isobel không thèm để ý đến nó. Bà cúi xuống giường bà Tuppy bảo:
- Anton gọi đấy. Thằng bé đang ở London, nó sẽ về nhà cuối tuần, mang theo cả Rose.
- Ồ, nó sẽ về.
Tuppy yêu quý Antony, không có ai trên đời này được hưởng tình yêu thương rộng lớn đến thế. Jason liếc nhìn bà cố nhưng nó thấy nhẹ nhõm vì chẳng thấy dấu nước mắt nào.
- Vâng, chúng nó sẽ về, chỉ ở hai ngày. Sau đó cả hai sẽ quay trở lại Edinburgh vào thứ Hai. Bọn trẻ sẽ đi chuyến bay tối đến Edinburgh, sau đó sẽ lái xe thẳng về đây. Sáng sớm ngày mai là chúng có mặt ở đây rồi đấy.
Gò má nhăn nheo của bà Tuppy chợt ửng hồng. Thế có tuyệt không cơ chứ. Bọn trẻ cuối cùng cũng về rồi. Bà cúi xuống nhìn Jason.
- Tuyệt vời quá phải không cháu?
Jason biết mọi chuyện về cái cô Rose kia. Nó biết rồi một ngày gần đây, chú Antony sẽ cưới cô ta. Tuy nhiên nó bảo:
- Cháu chưa bao giờ gặp cô Rose, mặc dù nghe nói về cô ấy rất nhiều.
- Không, làm sao cháu biết cô ấy được cơ chứ. Khi cô ấy cùng mẹ ở Beach House thì cháu vẫn chưa đến ở với bà.
Thằng Jason biết Beach House chứ bộ. Đó là một cái trại nhỏ của ngư dân, nằm ở phía Bắc Fernrigg. Bà Tuppy đã biến nó thành một nhà nghỉ nhỏ cho những người đi nghỉ hè thuê. Bây giờ mùa hè qua rồi, Beach House đóng cửa. Thằng Jason vẫn nghĩ nếu nó được ở đó thì thích lắm. Nếu vừa ra khỏi cửa đã được giẫm chân lên bãi cát thì còn gì sướng bằng.
- Trông cô ấy như thế nào hả bà?
- Rose hả cháu? À, cô ấy xinh lắm. Bà chỉ nhớ thế thôi, còn ngoài ra bà quên hết rồi. Con bé sẽ ngủ ở đâu nhỉ ? - Bà cố hỏi bà trẻ Isobel.
- Con nghĩ chắc ở trong phòng đơn. Bởi phòng nhỏ thì ấm cúng hơn là phòng lớn và trong phòng nhỏ giường chiếu đã sẵn sàng rồi. Con cũng sẽ hái hoa cắm trong đó.
- Còn phòng Antony thì sao?
- Bà Watty và con sẽ dọn phòng ngay trong tối nay.
Bà Tuppy đặt cuốn truyện có hai con chuột xấu tính xuống giường.
- Chắc phải nhờ thêm một hay hai người nữa dọn nhà.
- Không cần đâu mẹ.
Giọng bà Isobel đã bắt đầu lo ngại nhưng bà Tuppy không để ý gì đến cô con gái. Chắc bởi vì bà quá vui và vì thế Isobel cũng không lòng dạ gì mà ngăn trở mẹ mình.
- Thì cũng chỉ làm một bữa tiệc nhỏ thôi mà. Theo con nên tổ chức vào lúc nào? Tối Chủ nhật nhé?
- Không, như vậy đâu có ý nghĩa nữa. Bởi vì sáng thứ Hai là Antony đã quay trở lại Edinburgn rồi.
- Nếu vậy tổ chức vào tối mai đi và nói với bà Watty chuẩn bị đi con nhé, Isobel.
- Có lẽ bà Watty sẽ làm thịt một vài con chim bồ câu.
- Ừ, nhưng mà tốt hơn là thịt luôn mấy con gà tây béo nhất trong chuồng ấy, rồi bảo ông Reekie mang đến cho chúng ta tôm càng nữa nhé.
- Con sẽ lo chuyện này. - Dì Isobel hứa. - Nhưng theo con, mẹ đang mệt như thế đừng nghĩ ngợi gì. Mọi chuyện đã có người khác lo.
- Mẹ có lo gì đâu mà, sao con cứ phải nhắc nhở mãi thế! Mà này, nhớ điện cho ông bà Crowther nữa đó. Gọi cả Anna và Brian Stoddart từ Ardmore đến đây nữa. Khi Rose cùng mẹ đến đây nghỉ, Anna và Brian cũng có gặp con bé. Giờ thì Anna bụng bầu chưa to lắm nên năng đi giao thiệp nhiều hơn. Con nhớ đừng có mời cộc lốc mà phải giải thích rõ ràng kẻo không họ lại nghĩ…
- Anna và Brian hiểu mà mẹ.
Ông Crowther là mục sư Anh giáo của hạt Tarbole và là thầy giáo của Jason vào mỗi ngày Chủ nhật. Như thế thằng Jason thấy bữa tiệc kém vui rồi.
- Cháu có phải đi học không ạ?
Bà Tuppy cười: - Ôi, nếu cháu không thích thì cứ việc ở nhà
Jason thở dài. - Cháu chỉ muốn bà đọc truyện nữa cho cháu nghe thôi.
Bà Tuppy bắt đầu đọc. Bà trẻ Isobel ra khỏi phòng, gọi điện và bàn bạc thêm với bà Watty. Khi nghe bà Tuppy đọc đến trang cuối cùng, bên cạnh bức hình Hunca Munca, với chiếc nồi dơ dáy và cây chổi rơm thì bà y tá McLeod bước vào. Quần áo hồ bột cứng ngắt, bàn tay đỏ lên vì lạnh. Bà McLeod xua Jason ra khỏi giường, dịu dàng tống nó ra khỏi phòng, khiến nó phải quên mất việc từ biệt bà cố. Bà McLeod bảo nó:
- Đáng lẽ cháu không nên làm bà cố mệt mới phải. Sáng ngày mai, bác sĩ Kyle đến đây, thấy bà cố mệt mỏi hơn bình thường là coi chừng đó
Thằng Jason đã từng nghe nói ông bác sỹ Kyle thường hay bổ nhào vào bất cứ ai làm phiền ông ta. Ấy là do bà bếp Watty và bà y tá nói thế. Thế nên nó lẳng lặng đi ra khỏi phòng. Thằng bé bước chậm chậm, nó chẳng ghét bỏ gì bà y tá đâu, vì bà ấy chăm sóc cho bà cố mà. Nhưng nó ước gì bà đừng vội vàng như thế chứ. Trong lòng buồn rầu, nó lủi vào trong phòng tắm đánh răng. Đột nhiên nó nhớ ra mai là thứ Bảy, nó không phải đến trường và chú Antony cũng lại về nhà nữa chứ. Biết đâu chú có quà tặng cho nó thì sao. Một bộ cung tên chẳng hạn. Lòng lâng lâng vui sướng, Jason leo lên giường ngủ một giấc thật ngon.
***
Khi chuông điện thoại reo lên ở Ardmore House, Anna Stoddart đang ở ngoài vườn. Vào lúc trời chạng vạng tối, cô vẫn thích ra ngoài, nhất là vào mùa này trong năm, khi hoàng hôn mang màu tím sẫm thế chỗ cho những buổi tối mùa hè đã lùi xa. Ngồi ở trong nhà vào bữa trà, vén rèm cửa lên, yên vị bên lò sưởi, quên đi cảnh vật và âm thanh bên ngoài cũng dễ chịu lắm. Nhưng ngoài kia có tiếng gió, tiếng sóng vỗ bờ khi triều lên, tiếng biển cả thì thầm thì Anna biết ngay mình nên ra ngoài. Cô mặc áo lạnh, đi giày cao cổ, mang chiếc kéo lớn để tỉa cây, huýt gió kêu mấy con chó cưng và bước ra ngoài sân. Từ nhà Ardmore nhìn ra ngoài biển và những hòn đảo xa lạ, dễ gây một cảm giác huyền bí. Đó là tại sao cha của Anna, ông Archie Carstairs lại chọn nơi này để xây nên khu biệt thự bằng đá granit đẹp tuyệt vời. Đối với bất cứ ai không ngại đi bộ tới làng Ardmore, nơi có bưu điện, câu lạc bộ thuyền buồm và cơ quan hành chính địa phương và khu buôn bán của Tarbole cách Ardmore House tới 6 dặm thì nơi đây quả là thiên đường. Một trong những lý do Anna thường thích thời gian này là bởi ánh sáng rực lên trải dài theo con đường ven bờ biển. Từ trên những đỉnh núi cao, ánh sáng lan xuống cả vùng đất thấp, đó là phần thiên nhiên. Những ánh sáng nhấp nhô trên những con tàu đánh cá tạo nên những sự huyền diệu khác. Anna mê đắm cả thứ ánh sáng màu vàng ngọt ngào nơi các cửa sổ của các thái ấp và trang vàng ngọt ngào nơi các cửa sổ của các thái ấp và trang viên gần đó. Ánh đèn đường ở Tarbole tỏa sáng trên nền trời đêm với màu cam huyền bí. Anna thường nghĩ nhà Fernrigg hệt như một ngón tay dài chỉ ra bờ biển. Lúc này, cô đang đứng ngắm Fernrigg House với cái mái chóp nhọn thoắt ẩn hiện sau những rặng cây xào xạc. Nhưng sao tối nay cô chẳng nhìn thấy gì, bởi sương xuống sớm. Hình như sương đêm mọc lên từ dưới lòng đại dương vậy. Màn sương bao phủ lấy Ardmore, biến nó thành ngôi nhà bị cả thế giới bỏ quên nằm ở tận cùng trái đất. Anna run lên, hình tượng nhà Fernrigg luôn là niềm an ủi đối với cô. Fernrigg đồng nghĩa với Tuppy Amstrong. Bà Tuppy luôn là tấm gương để Anna noi theo, là mẫu mực của con người sống vui và sống có ích, gia đình bạn bè luôn quây quần ở bên. Chưa bao giờ bà Tuppy thấy bối rối hay thiếu tự tin, mà luôn luôn có hạnh phúc và bạn đồng hành. Đối với Anna, bà Tuppy vô cùng quan trọng bởi đã biết sống có mục đích, có lý tưởng. Dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, không bao giờ bà đi chệch hướng, chưa bao giờ thấy bà sai lầm và chưa bao giờ thấy bà gục ngã trước thách thức của cuộc đời. Lúc đầu, khi nhớ về Tuppy, Anna thường thấy tự bản thân mình quá bé nhỏ và nhút nhát. Cô là đứa con duy nhất của người cha đã già cả, ông ta quan tâm đến công việc kinh doanh phát đạt và những chuyến thám hiểm bằng du thuyền hơn là quan tâm đến cô con gái bé nhỏ sống âm thầm. Mẹ Anna chết sớm khi Anna mới chào đời. Nên Anna được nhiều vú nuôi thay nhau chăm sóc. Tuổi thơ của cô phải sống cô độc vì cô gái này luôn bẽn lẽn và cũng bởi cha cô quá giàu có. Nhưng không bao giờ bà Tuppy cho rằng Anna ngu ngốc hay chẳng có gì nổi bật. Lúc nào bà cũng chú ý tới cô, bỏ thời gian ra trò chuyện và lắng nghe ý kiến của cô. Bà ấy nói:
- Này, bác mới trồng mấy cái cây đẹp lắm, sắp ra hoa rồi đấy. Đến và giúp bác chăm sóc cây nhé. Trong lúc làm việc chúng ta có thể trò chuyện mà.
Ký ức ấy khiến Anna muốn rơi lệ vì cảm động. Cô cố quên đi những kỷ niệm êm đềm bởi cô không sao chịu đựng nổi ý nghĩ bà Tuppy đang ốm, huống hồ lại mường tượng ra cảnh bà đang hấp hối trên giường bệnh. Tuppy Amstrong và Hugh Kyle là những người bạn thân nhất của Anna. Brian là chồng cô, nhưng cô yêu anh quá sâu nặng. Anh không bao giờ là bạn của cô. Nhiều khi Anna tự hỏi liệu có cặp vợ chồng nào thực sự là bạn thân của nhau không. Nhưng cô không thân với bất cứ phụ nữ nào trong vùng để có thể hỏi họ điều ấy. Anna hái đóa hoa hồng cuối cùng, màu hoa sao nhợt nhạt, ảm đạm như vậy. Đáng lẽ sáng nay đã phải cắt hoa rồi, nhưng cô quên mất. Bây giờ đành phải bó chúng lại thành bó trước khi sương muối làm hoa héo đi. Những cuống hoa lạnh ngắt trên bàn tay trần của Anna, lúi húi trong ánh sáng chập choạng, cô bị gai nhọn đâm vào ngón tay cái. Mùi thươm của hoa hồng thoang thoảng khó nhận biết đến nỗi hình như nụ hoa đã héo rũ từ lâu. Và những đóa hoa này còn sót lại kém hương sắc chín bởi mùa hè đã lùi dần vào dĩ vãng. Cô nghĩ: khi hoa hồng nở rộ với những búp non tươi mới và những bông hoa hàm tiếu rực rỡ trong nắng hè cũng là lúc đứa bé ra đời. Đáng lẽ cô phải vui lên vì ý nghĩ ấy mới phải, nhưng thay vào đó, tâm trạng cô chẳng sáng sủa hơn. Cô không nên nghĩ đến đứa con đã chết trong bụng lần trước. Đứa bé chưa bao giờ chào đời, phải mất một thời gian dài cô mới có bầu lại được. Sau 5 năm, Anna đã mất hết mọi hy vọng, nhưng rồi một mầm sống lại lớn lên trong cơ thể cô từng ngày, cô đang chuẩn bị đón nó đây. Nào là đan những chiếc áo len nhỏ xíu, treo chiếc võng em bé trên tầng gác gỗ, ăn đúng theo chế độ bác sĩ Hugh khuyên cô. Tuần tới cô sẽ đến Glalgow để mua thật nhiều áo đầm bầu đắt tiền và đi làm tóc nữa. Khi có bầu là lúc phụ nữ đẹp nhất đấy, trong các tạp chí vẫn nói thế mà. Ngay lập tức, Anna muốn mình trở thành một người mới, một cô gái lãng mạn, đầy nữ tính, tràn ngập tình yêu thương và rạng rỡ. Những ký ức làm cô giật mình, nó chợt hiện ra từ vô thức, từ một quá khứ xa xôi. Nhưng lúc này, con cô sắp chào đời thì hy vọng là quyền chính đáng của Anna. Nhưng Brian vẫn mong có con, đàn ông thường thích con trai. Rõ ràng do lỗi của Anna nên họ đã mất đứa con trước, chỉ bởi Anna quá lo lắng nên dễ nổi nóng, nhưng lần này mọi chuyện đã khác rồi, cô đã già dặn hơn, tính nết cũng mềm mỏng hơn, chín chắn hơn, cô sẽ không để mất đứa con này nữa. Trời gần tối hẳn, sao mà lạnh quá, Anna rùng mình. Cô nghe tiếng chuông điện thoại, đinh ninh Brian trả lời, dù vậy Anna vẫn quay trở vào trong nhà, bước ngang qua khu vườn nhỏ, giẫm chân lên đám cỏ ướt sương, bước lên bậc tam cấp bằng đá trơn trượt, băng ngang lối đi trải sỏi. Chuông điện thoại vẫn reo mãi, Brian chẳng thấy đâu, cô đặt hoa xuống. Không buồn cởi đôi ủng cao su, Anna bước ngang qua hành lang đến góc nhà nơi gần gầm cầu thang. Trước đây, khi xây ngôi nhà này, cha cô đã dành nơi này để chứa những thứ bỏ thì thương vương thì tội. Trong nhà Ardmore còn nhiều máy điện thoại đặt rải rác khắp nơi: phòng đọc sách, nhà bếp và phòng ngủ của Anna lẫn Brian. Nhưng ở cái xó xỉnh này cũng còn. Nghe điện ở đây là gần nhất. Anna nhấc ống nghe lên.
- Ardmore House đây.
- Anna phải không? Isobel Amstrong gọi đây mà.
Nỗi sợ hãi bóp nghẹt tim Anna.
- Bà Tuppy không sao chứ?
- Ừ, bà khỏe, đã khá nhiều rồi và ăn cũng tốt lắm. Hugh đã tìm một y tá chăm sóc bà cho tụi này. Bà ấy là McLeod đến từ Fort William. Chuyện gì vô tay bà cũng xong hết, tôi nghĩ bà Tuppy quý bà McLeod lắm.
- Ôi nghe thế tôi có thể thở phào nhẹ nhõm được rồi.
- Anna, hai vợ chồng có thể đến ăn tối vào ngày mai được không? Xin lỗi vì đã báo gấp gáp như thế này, nhưng Antony sẽ về nhà nghỉ cuối tuần, đưa cả Rose về nữa và tất nhiên ý nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu mẹ tôi là tổ chức một bữa tiệc mừng.
- Cháu thích đến lắm chứ, nhưng liệu như thế có làm bà Tuppy mệt không?
- Mẹ tôi không nhúng tay vào việc gì, nhưng bà đã hoạch định hết rồi. Cháu biết bà là người như thế nào mà. Đặc biệt là bà muốn cháu và Brian cùng đến dự.
- Chúng cháu sẽ đến! Mà mấy giờ ạ?
- Khoảng 7 giờ 30, đừng bận tâm đến việc phải ăn mặc quá chỉnh tề hay bất cứ thứ gì khác nữa nhé, toàn người trong nhà cả mà. Có thể vợ chồng ông Crowther cũng đến nữa đó.
- Ôi, thế thì vui lắm ạ.
Họ nói chuyện phiếm thêm một lát nữa rồi treo máy. Isobel không hỏi gì về đứa nhỏ, chắc bởi vì bà không biết tin. Chẳng ai biết chuyện Anna có bầu ngoài Brian và Hugh. Anna không muốn ai biết cả, bởi cô sợ nói trước thì bước không qua. Anna bước ra ngoài ngưỡng cửa và treo áo khoác. Cô nhớ lại hình ảnh Rose Schuster và mẹ cô ta. Cô nhớ mùa hè họ ở Beach House, bởi vì hè đó là thời điểm Anna mất đứa con yêu quý. Pamela Schuster và con gái bà ta là một cơn ác mộng. Tuy nhiên đó không phải do lỗi của họ, Anna mất con là do lỗi của cô không cẩn trọng. Cô nhớ bà Schuster cầu kỳ khủng khiếp. Con gái bà ta lại quá hỗn hào. Vẻ hào nhoáng của họ khiến Anna rụt rè hơn bao giờ hết. Bởi vì họ chẳng bao giờ nói chuyện với Anna sau vài câu chào hỏi xã giao. Anna biết mình không còn ý nghĩa gì trong mắt họ nữa, nhưng mẹ con họ lại yêu quý Brian. Đáp lại thịnh tình đó, anh cố sức làm mình tỏ ra dễ thương và vui tính, trổ tài dí dỏm kể chuyện vui mỗi khi họ yêu cầu. Anna tự hào về người chồng trẻ quyến rũ của cô nên cũng tìm một chỗ khuất vui vẻ lắng nghe như những người khác, cô tự hỏi: không biết Rose có thay đổi gì không? Khi kết hôn với một người tuyệt vời như Antony, chắc chắn sẽ khiến cô ta phải thay đổi tính cách của mình. Nhưng giờ cô đứng đó nghe ngóng, tự hỏi không hiểu Brian đi đâu rồi. Căn nhà vắng lạnh, Anna bước ngang qua hành lang đọc sách, mở cửa thấy căn phòng sáng rực và lửa cháy tí tách trong lò sưởi. Brian đang nằm dài trên ghế trường kỷ, đọc báo Người Scotland, ly rượu để trong tầm tay anh. Brian hạ tờ báo xuống khi thấy vợ hiện ra sừng sững trước mặt. Điện thoại lồ lộ trên bàn ngay bên cạnh anh. Cô hỏi:
- Anh không nghe tiếng chuông điện thoại à?
- Có, nhưng anh tưởng điện thoại của em.
Cô chẳng nói gì, đến bên lò sưởi hơ nóng đôi tay lạnh ngắt, ngồi một lát cho ấm người lên. Anna bảo:
- Đó là gì Isobel Amsstrong gọi điện.
- Bà Tuppy sao rồi?
- Bà bình thường, họ đã thuê một y tá chăm sóc cho bà. Họ mời vợ chồng mình đến ăn tối tại Fernigg vào ngày mai. Em bảo thế nào mình cũng tới.
- Anh cũng đồng ý luôn.
Brian lại chúi mũi vào tờ báo. Anna nói thật nhanh để lôi anh trở lại với cuộc nói chuyện.
- Antony sẽ về nhà vào cuối tuần.
- À, đó chính là lý do để ăn mừng phải không ?
- Anh ấy đưa cả Rose về cùng.
Hai vợ chồng cùng im lặng rất lâu. Lát sau, Brian bỏ tờ báo xuống, gấp lại, đặt vào lòng. Anh hỏi:
- Cả Rose nữa à?
- Rose Schuster đó. Chắc anh còn nhớ, cô ấy và Antony đã đính hôn.
- Anh tưởng có ai đó bảo cô ta đang ở Mỹ.
- Rõ ràng là không rồi.
- Em vừa nói cô ấy cũng đến Fernrigg nghỉ cuối tuần à?
- Thì Isobel bảo em thế mà lại.
- Ồ, không thể ngờ được.- Brian nói vậy. Anh ngồi thẳng người lên, tờ báo rơi xuống thảm ngay trước lò sưởi. Anh với tay lấy ly rượu ngửa cổ ngang nhiên uống hết một hơi cạn ly, chậm chạp đứng lên đến bên bàn nước rót đầy chiếc ly đang cầm trên tay. Anna bảo:
- Em ra vườn hái hoa hồng.
Tiếng rượu chảy róc rách từ bình sang ly của Brian. Anna cố gợi chuyện.
- Trời đang mưa, sương xuống rồi đấy.
- À, anh biết trước thể nào cũng thế mà.
- Em sợ sẽ có sương mù đấy.
Cầm ly trong tay, Brian đến cạnh lò sưởi đứng nhìn ngọn lửa nhảy múa bên trong. Anna đứng dậy, có một chiếc gương để trên kệ lò sưởi soi bóng họ. Trong đó, chồng cô thư sinh và có nước da bánh mật. Cặp lông mày đen như mực tàu. Còn người thiếu phụ ở trong gương kia thấp bé, chỉ đứng đến vai chồng, người bắt đầu béo ra và nét mặt chẳng có gì đặc sắc. Mắt thì nhỏ xíu, mũi lại to, tóc chẳng ra nâu cũng chẳng ra vàng. Và có phần đang tái nhợt vì tiết trời lạnh giá. Bị ngộ nhận bởi những gì đọc trên báo rằng phụ nữ có bầu thường đẹp ra, vậy người đàn bà nào đang trố mắt nhìn cô trong tấm gương ố vàng kia? Bà ta là ai thế? Cái người lại nào đang đứng bên cạnh người chồng đẹp trai của cô vậy? Câu trả lời không cần phải suy nghĩ lâu. Nó luôn rõ ràng, đó là Anna, cô gái Anna tầm thường. Trước đây là Anna Carstairs và bây giờ là Anna Stoddart. Nực cười thật, làm sao có thể thay đổi một hình hài cha sinh mẹ đẻ được cơ chứ.
Tâm trí của Flora phải chạy nước rút mới theo được lời kể của Antony về chuyến đi khẩn cấp đến London, rồi sau đó là vở kịch kỳ lạ nhất mà họ sắp phải diễn. Tiếp đến cô cũng phải làm quen với quyết định của chính mình, đồng ý trở thành đồng lõa với Antony. Những sự kiện như dòng thác trôi khiến Flora không một lần nghĩ tới chuyện từ Edinburgh về Fernrigg. Họ sẽ đi bộ hay trèo lên xe ngựa? Để làm một việc lớn mà không có thời gian suy nghĩ trước sau khiến Flora cứ phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc này họ đã thực sự có mặt ở Edinburgh rồi mà tâm trạng của nàng vẫn còn quá ngỡ ngàng. Tính cách của Antony đột ngột thay đổi, như một người về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, cởi áo khoác, xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà. Anh thoải mái, thư thái và rõ ràng chẳng có tí vội vã nào trên con đường về Fernigg.
- Cô và tôi đi tìm cái gì để đi ăn đi.
Sau khi lấy được xe ra, đặt hành lý của Flora vào cốp xe và cả hai đã ngồi yên vị trong xe hơi của Antony, anh quyết định như thế. Flora ngạc nhiên nhìn anh ta.
- Ăn ư?
- Phải. Cô không đói à? Nhưng tôi thì đói mềm ra rồi thôi.
- Đó chẳng phải là bữa ăn. Đồ ăn nguội ngắt như vậy, tôi không nuốt nổi.
- Nhưng chẳng phải anh đã nói nên về nhà càng sớm càng tốt là gì.
- Nếu chúng ta đi ngay bây giờ thì sẽ về nhà vào lúc 4 giờ sáng, cửa nhà khóa. Cô và tôi sẽ ngồi ngoài cửa chờ cho đến 3 tiếng đồng hồ sau mới được vào trong nhà hoặc đánh thức mọi người trong nhà dậy làm nhốn nháo cả lên như thể có hỏa hoạn. Không, không thể thế được. – Antony khởi động xe hơi. – Chúng ta sẽ vào trung tâm Edinburgh.
- Nhưng khuya quá rồi, giờ này còn có quán nào mở của nữa đâu.
- Tất nhiên là có chứ.
Họ vào trung tâm thành phố Edinburgh, Antony đưa cô đến một câu lạc bộ nhỏ, anh là thành viên của câu lạc bộ này, do đó họ có đồ uống tuyệt hảo và một bữa tối sang trọng, sau đó là tới cà phê. Ăn uống, nghỉ ngơi kiểu đó quá là xa hoa, phung phí, chẳng hợp lí tí nào. Phải tới quá nửa đêm cả hai mới bước ra ngoài. Gió không còn thổi mạnh và những ngả đường của thành phố Edinburgh ướt đẫm trong làn mưa lất phất lạnh lẽo.
- Còn khoảng bao lâu nữa? – Flora hỏi khi cả hai đã vào trong xe, cài khóa an toàn chuẩn bị cho một cuộc hành trình dài.
- Trời mưa, đường trơn như thế này phải đi mất bảy tiếng đồng hồ. Tốt nhất, cô nên ngủ một chút đi.
- Tôi không ngủ trong xe được.
- Nếu cố thì việc gì cũng làm được.
Nhưng Flora không ngủ, cô quá phấn khích, tâm não bị kích thích cao độ nhưng đôi chân thì lạnh buốt vì giá rét, cảm giác mình đã tự chặn đứng đường lui của mình và phải chịu bó tay mặc cho bất cứ chuyện gì xảy ra để rồi âm thầm đón nhận khiến Flora phát sợ. Nếu đêm đó đẹp trời, Flora còn có thể nhìn cảnh đẹp hai bên đường hay nghiên cứu bản đồ, nhưng mưa cứ rơi triền miên, chẳng nhìn thấy gì ngoài một màn đêm đen tối, ướt át.
Con đường trước mặt với những đợt gió thổi mạnh hun hút, ánh đèn pha của Antony xuyên thủng màn đêm, nhưng cũng chỉ đủ để cho cô thấy những chỗ vòng, chỗ lượn, ngã ba không ngớt. Xe phóng nhanh trong màn đêm để lại tiếng rít khe khẽ trên đường nhựa ướt rượt. Dù thế, họ vẫn cho xe chạy mãi và quang cảnh đồng quê khiến cho người ta có cảm giác u ám, tối tăm và buồn thảm. Càng lúc, con đường càng đi vào những khu hoang vắng, biệt lập. Những thị trấn nhỏ hai bên đường càng lúc càng ít hơn và lùi dần về phía sau. Sau khi đi qua một cây cầu dài, xe họ bắt đầu băng nhanh trên con đường dốc ngày càng như thẳng đứng, gió vẫn thổi ù ù hai bên cửa kính. Cửa sổ xe họ mở hờ hờ đón nhận mùi hương của cây thạch lam tràn vào. Có dễ đến mấy lần Antony phải lẩm bẩm, thắng gấp xe hơi chờ mấy con cừu thản nhiên bước ngang qua đường tựa như cái thế giới này là của chúng vậy. Flora đã thấy dãy núi non trùng điệp phía xa, không phải là những ngọn đồi nhỏ như ở quê hương cô mà là những ngọn núi thật sự, như những hình tam giác khổng lồ, có cả hang đá sâu và những thung lũng hoang vu. Từ đây, cô có thể thấy những con đường ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi. Dương xỉ phủ đầy hai bên bờ mương và những con lạch nhỏ, lá cây được mưa cọ rửa sáng bóng lên. Nghe đâu đó có những ngọn thác đang xối nước ào ào lên những mỏm đá phía dưới. Tiếng nước chảy ầm ầm át cả tiếng động cơ của xe hơi. Bình minh của buổi sáng ướt át và xám xịt ấy đến chậm chạp đến nói Flora mới nhận ra là trời đã sáng. Đơn giản là một khối đen đặc quánh của thiên nhiên dần nhạt màu đi để con người có thể nhìn thấy những vệt sáng mờ mờ của những làng mạc trên đồi mà những đàn cừu lông ướt rượt băng ngang qua đường trước khi cửa xe của họ đâm sầm vào chúng. Suốt đêm, dòng xe cộ thưa thớt, nhưng lúc này Flora đã thấy một vài chiếc xe tải lớn đi ngược lại. Khi ngang qua họ, tiếng động cơ diesel gầm lên, làm văng những vệt nước đầy bùn dơ dáy lên tấm kính trước mặt xe của Antony. Flora hỏi:
- Mấy cái xe đó như từ trên trời rơi xuống vậy.
- Không, chúng đến từ cái nơi mà chúng ta đang đến.- Antony bảo.
- Fernrigg ư?
- Không, Tarbole. Tarbole lúc trước chỉ là một làng chài ít được người ta biết đến, nhưng bây giờ nó đã trở thành một cảng thu mua cá trích rất lớn rồi.
- Thế mấy cái xe tải ấy đi đâu thế?
- Đến Edinburgh, Aberdeen, Fraserburgh, đến bất cứ đâu có người mua cá trích. Xe còn chở tôm hùm đến Prestwick, sau đó lên máy bay thẳng tới New York, tôm càng đến London, cá trích đến Scandinavi.
- Chẳng phải xứ Scandinavi cũng có cá trích đó sao?
- Bờ biển bắc đã bị đánh bắt sạch rồi. Đó chính là lý do tại sao Tarbole lại biến thành thị trấn. Rất nhiều người ở đó đang giàu lên, ngư dân mua xe hơi mới và ti vi màu. Jason đến trường học cùng bạn bè, chúng thường chế diễu thằng bé vì nhà tụi tôi không có ti vi màu. Điều ấy khiến nó xấu hổ vì nhà mình không giàu bằng nhà của đám bạn trong trường.
- Từ Fernrigg đến Tarbole bao xa?
- Khoảng 6 dặm.
- Mỗi ngày phải đi một quãng đường xa như vậy, Jason mới đến được trường ư?
- Người làm vườn Watty của gia đình chúng tôi đưa thằng bé đi học. Jason thích tự đạp xe đi hơn, nhưng bà nội Tuppy không cho. Bà nói rất đúng, thằng bé mới có 7 tuổi nên bà sợ tai nạn xảy ra với nó thì không biết làm thế nào.
- Nó sống với bà nội Tuppy bao lâu rồi?
- Cho đến bây giờ thì mới được một năm. Tôi không biết thằng bé sẽ ở nhà bà nội bao lâu. Có thể sẽ phải phụ thuộc vào công việc của Torquil.
- Thế thằng bé không nhớ bố mẹ à?
- Tất nhiên là nó nhớ chứ, nhưng ở vịnh Ba Tư chẳng phải là thiên đường với một thằng bé. Vả lại, bà nội Tuppy muốn nó ở với bà. Bà muốn nhà của mình phải có bọn trẻ chạy loăng quăng, bừa bộn đồ đạc thì bà mới vui. Mấy thằng bé con anh chị tôi đứa nào cũng ở Fernigg một thời gian. Theo tôi, đó cũng là một trong những lý do khiến bà nội trẻ mãi. Bà bận rộn vì công việc, vì con cháu đến độ không còn thời gian để già nữa.
- Thế còn dì Isobel thì sao?
- Dì ấy là một vị thánh, một tay dì chăm sóc những thành viên trong gia đình mỗi khi có ai đó bị ốm. Sẵn sàng thức dậy vào lúc nửa đêm chỉ để rót cho người bệnh một ly nước.
- Dì chưa có chồng sao?
- Chưa, chắc ở giá luôn rồi. Theo tôi, nguyên nhân một phần cũng là do chiến tranh. Khi Đại chiến thứ hai bắt đầu, dì còn quá trẻ, nhưng khi kết thúc, mọi mong muốn của dì Isobel là quay trở về Fernigg để sống nốt quãng đời còn lại. Vùng cao nguyên phía tây ít người sống độc thân lắm. Cũng có nhiều người theo đuổi dì. Trước đây có một chủ trại cũng để mắt tới dì Isobel. Ông ta mua một khu đất trên vùng đảo Eigg vì quá nóng lòng muốn dì Isobel thấy thành công ấy của mình, rồi vội vã đưa dì lên tàu, sau một cơn say sóng kịch liệt, dì đến đó vào một ngày mưa tầm tã. Nông trại của ông ta quá hẻo lánh, quá hoang sơ, nhà vệ sinh thì ở tít cuối vườn, dì Isobel ở đó một vài ngày rồi lại tiếp tục chịu cơn say sóng để quay trở về nhà. Sau tất cả những nỗi khổ sở ấy thì sự lãng mạn cũng biến đâu mất, và tình yêu mới nhen nhóm cũng lụi tàn. Gia đình tụi tôi rất mừng bởi không ai ưa ông chủ trang trại kia. Ông ta có khuôn mặt lúc nào cũng đỏ rực như gà chọi và luôn mồm nói chuyện về những nơi chốn thần tiên của thời còn ăn lông ở lỗ. Cứ nghĩ đến ông ta cũng đủ phát ngấy lên rồi.
- Thế bà nội có thích ông ta không?
- Bà nội thì ai mà chẳng thế.
- Liệu bà nội có quý tôi không?
Antony quay đầu về phía Flora, mỉm cười với cô. Chẳng có gì vui vẻ trong nụ cười ấy. Flora cứ thấy nó u buồn và bí hiểm làm sao ấy. Antony bảo:
- Bà nội sẽ thích Rose. Nhớ không...
Nghe đến đó Flora im bặt. Tiết trời sáng rõ, mưa nặng hạt biến thành sương mù dày đặc. Lúc này gió đã mang theo hơi biển, xe đang theo con đường đi xuống đồi. Đường chạy giữa những hàng đá lởm chởm có thông và cây linh sam mọc dày đặc hai bên. Họ thường xuyên qua những ngôi làng nhỏ. Lúc này, người ta đã lục đục trở dậy chuẩn bị đón chào một ngày mới. Hết làng mạc rồi tới ao hồ, những cơn gió tây làm mặt nước hồ xao động. Cứ mỗi khi qua một chỗ cua gắt trên đường, Flora lại chứng kiến những cảnh thịnh vượng của đám ngư dân. Flora không biết rằng xe của họ đã tới bờ biển. Cô tưởng làn sóng màu bọt dưới chân những tảng đá lởm chởm kia chỉ là quang cảnh ven hồ cô đã từng chứng kiến. Phải lái xe vài dặm men theo bờ biển Flora mới nhìn thấy một lâu đài hoang vắng, cỏ mọc xung quanh tường nham nhở vì bị cừu gặm. Xung quanh lâu đài có những cây Bu lô thân màu bạc óng ánh. Những chiếc lá tròn tròn được làn mưa cọ rửa sáng bóng lên như những đồng xu xinh xắn. Quả thực là một thái ấp vùng sâu tuyệt đẹp, với những chuồng cừu có hàng rào vây kín và đám chó săn sủa inh ỏi. Flora bảo:
- Lãng mạn quá. Nói thế nghe có vẻ nhàm tai, nhưng lúc này tôi không thể nghĩ ra lời nhận xét nào hợp lý hơn. Nơi đây quả là một xứ nên thơ.
- Chắc bởi vì nơi đây là quê hương của hoàng tử Charlie, nó gợi cho người ta cảm giác nuối tiếc quá khứ và những phong tục xa xưa. Trước đây nó đã từng là vùng đất hoang vu dùng để làm nơi lưu đày các tù nhân chính trị. Mỗi năm, dân cư ngày một thưa thớt. Nhưng cũng chính nơi hoang vu này giá trị của người phụ nữ Scotland mới thực sự nổi bật.
- Anh thích sống ở đây không? Ý tôi nói là nếu ở hẳn đây, anh có thích không?
- Tôi phải kiếm sống nữa chứ.
- Ở đây anh không có cơ hội để kiếm sống sao?
- Một kế toán lành nghề không có đất dụng võ ở đây. Nếu muốn an cư lạc nghiệp ở chốn này, tôi phải là một ngư dân hay bác sĩ như kiểu Hugh Kyle vậy. Anh ấy thăm bệnh cho bà nội và sống ở đây. Cuộc sống cũng vất vả và chắc đến cuối đời cũng chỉ thế mà thôi.
- Nhưng dẫu vất vả như vậy, anh ta cũng vẫn hạnh phúc phải không?
- Không. Antony khẳng định. – Tôi không nghĩ Hugh Kyle là một người hạnh phúc đâu.
Họ đến Tarbole vào lúc 6 giờ 30 sáng. Xe chạy dọc theo đường mòn xuống chân đồi tới một cảng nhỏ, lúc này không có ai. Những chiếc xe tải khổng lồ chở cá đã đi từ rất sớm, chỉ sau nửa đêm là chúng đã khởi hành rồi. Bởi vì họ đến quá sớm nên Antony cho xe chạy dọc con đường bên cảng, đậu xe trong một khu có hàng rào gỗ bao quanh. Trước mặt nơi họ đứng lúc này là khu cầu cảng, bến tàu và những căn nhà xây chuyên biệt, chỉ dùng hun khói thịt và cá. Khi họ bước ra khỏi xe, không khí lạnh lẽo chụp xuống người họ, gió thổi mang nặng mùi biển cả. Một căn nhà nhỏ sơ sài có tấm biển đề: phục vụ trà, cà phê, ăn nhẹ, điểm tâm gắn ngay trên cửa ra vào và hiện ra trước mặt hai người. Bên trong, chiếc đèn vàng ấm áp chiếu sáng những khung cửa mờ sương. Họ bước vào trong. Từ ngoài cửa đã sực nức mùi bánh mì mới nướng, mùi thịt muối đang chiên. Sau quầy là một phụ nữ to béo, ăn mặc lòe loẹt, miệng ngoác ra cười chào đón khách khi thấy Antony.
- Ô, Antony Armstrong. Chúa ơi, cơn gió nào đưa cậu đến đây thể này. Phải tiêu đến đồng xu cuối cùng mới nhớ đến quán của tôi phải không?
- Chào Ina, tôi về nhà nghỉ cuối tuần. Xin dọn cho hai phần điểm tâm được không?