Dịu Dàng Trong Anh Là Em

Chương 10-1



Anh Châu và Tống Sa Sa đã làm hòa rồi!

Biết được tin này, đám Trịnh Lực và Béo vui mừng khôn xiết, còn đám con gái thì nhẹ cả người, nhất là La Hiểu Đường. Bây giờ Cảnh Lê không còn học chung lớp với Tống Sa Sa, sao mà biết được áp lực khi cùng lớp cùng bàn của mình chứ.

Tuy nhiên hai người chiến tranh lạnh không kịch liệt, cũng không biểu hiện rõ ràng. Song, là bạn ngồi cùng bàn của Tống Sa Sa, Cảnh Lê không còn cớ chọc ghẹo Đường Nam Châu nên mất đi nhiều niềm vui của cuộc sống học sinh lớp 11.

Nhưng mà!

Bây giờ hai người làm hòa rồi.

Đúng là một chuyện vui.

Đặc biệt là Béo, có trời mới biết Béo lo lắng cỡ nào, cứ sợ sau này không được cùng Tống Sa Sa đi ăn gà rán! Nhưng Béo không được vui vẻ bao lâu, bởi vì trước khi thi giữa kỳ, giáo viên chủ nhiệm đã báo rồi, một tuần sau khi có kết quả thi giữa kỳ, sắp sửa họp phụ huynh.

Họp phụ huynh.

Với học sinh có thành tích tốt thì chuyện này cũng không có gì, chẳng qua là thêm cơ hội để phụ huynh nở mày nở mặt, con tôi thi xếp hạng thứ mấy, xuất sắc như thế nào, nhưng với học sinh có kết quả tàm tạm thì đây lại là một cơn ác mộng.

Béo không sợ trời không sợ đất, thi kết quả không tốt cũng không sợ thầy giáo phê bình, cũng chẳng sợ bị so sánh với bạn bè nhưng lại sợ bố nhà mình nhất.

Hồi họp phụ huynh năm lớp 10, thành tích của Béo quá tệ, Béo biết bố mình thế nào cũng tẩn cho một trận, thế là Béo giấu nhẹm chuyện họp phụ huynh, cứ ngỡ rằng thoát nạn, ai ngờ tới thầy chủ nhiệm cho một cú quay đầu bất ngờ, gọi điện hỏi thăm “bệnh tình” của ba Béo. Sau khi ba của Béo biết chuyện, không nói lời nào tẩn cho Béo một trận nên thân, phạt 1 tháng tiền tiêu vặt. Tháng đó, Béo đều phải nhờ cậy vào sự cứu giúp của anh Châu.

Buổi họp phụ huynh sau đó nữa, Béo không dám giấu, thi giữa kỳ cũng rất cố gắng, song vẫn không có tác dụng.

Kiến thức cơ bản không có, bình thường hay ngủ gật trong lớp, trước khi thi toàn lo cầu trời khấn phật, vậy mà Béo vẫn ở trong top 10 tứ dưới đếm lên.

Bởi vậy, sau khi có điểm thi, Béo cứ luôn trong trạng thái thấp thỏm.

Hay là hôm họp phụ huynh mặc dày một chút? Bị ăn đòn cũng bớt đau? Mặc dù mập, người nhiều mỡ, nhưng mỡ cũng là thịt mà, đối với bất kì bộ phận nào trên cơ thể cũng như nhau, đều bị đau mà! Béo cố gắng ăn mới được như vậy, cần phải quan tâm tử tế, không được đối xử bất công.

Béo không dám đối diện với thực tế, cầm bảng điểm mà cứ ngần ngừ, Một hai ngày nữa với báo cho bố, hay là chờ đến ngày họp phụ huynh mới nói? Hoặc là thà đau ngắn còn hơn đau dài, dứt khoát hôm nay thú nhận cho xong?

Béo đang đấu tranh tâm lí.

Nhức đầu quá!

Béo dừng lại hỏi thằng bạn cùng bàn:

– Bánh Ú, họp phụ huynh khi nào vậy? Tao nên nói cho bố tao biết lúc nào là tốt nhất?

Bạch Tử Trọng lườm:

– Béo ơi, hôm nay mày đã hỏi tao cậu này cả tám trăm lần rồi đấy!

– Anh Béo đây hỏi mày là niềm vinh dự của mày! Không biết anh Béo của mày khả năng nạp dữ liệu ít hả?

Bạch Tử Trọng trả lời Béo lần thứ tám trăm:

– Ngày kia, Chủ nhật, khối 11 bắt đầu từ 2 giờ chiều.

Béo hỏi tiếp:

– Mày thấy… Tao có thể nói dối với bố là 4 giờ chiều mới bắt đầu được không? Như thế bố tao sẽ muộn giờ và không bị đả kích vì điểm số của những đứa khác giỏi hơn tao.

Bạch Tử Trọng trưng vẻ mặt vô cảm:

– Thế thì mày có mặc mười cái áo bông cũng vô ích.

Béo sầu não lắm, cứ nhìn chằm chặp bảng điểm cầm trên tay. Bánh Ú là đứa sướng nhất, bố mẹ nó không quan trọng điểm số, chỉ cần con trai mình học vui vẻ là được. Béo rất hâm mộ, cứ nghĩ đến anh Châu hồi lớp 10 còn xếp dưới mình mà bây giờ thành tích không những tiến bộ mà kì thi này còn nằm trong top 20 của lớp.Sự khác biệt rõ ràng này càng làm Béo buồn hơn.

… Không sao! Tìm người chịu tội thay vậy!

Béo chuyển sự chú ý lên Trịnh Lực.

Lớp 11 phân ban, ngoại trừ anh Châu qua ban Tự nhiên, ba người họ vẫn học chung lớp. Béo nhớ nhà Trịnh Lực cũng không khác nhà mình là bao, tuy nhiên điểm số của Trịnh Lực cũng không ổn lắm…

Béo cất tiếng gọi Trịnh Lực.

Trịnh Lực phớt lờ Béo, hình như đang ngẩn người.

Béo lại gọi thêm tiếng nữa.

Trịnh Lực mới hoàn hồn.

– Sao thế?

– Phải là tao hỏi mày mới đúng? Mày đang nghĩ cái quỷ gì mà tao gọi mấy câu không thưa. Có phải cũng đang nghĩ đến vụ họp phụ huynh như tao không? – Béo có phần mong đợi câu trả lời của Trịnh Lực.

Trịnh Lực nặng nề lắc đầu.

– Tao đang nhớ bạn gái.

Trịnh Lực còn muốn nói gì đó nữa, Béo cự tuyệt nghe.

Vốn dĩ đã chán chường lắm rồi còn bị người ta khoe khoang tình cảm, cự tuyệt, cự tuyệt, hoàn toàn cự tuyệt! Những người đã thoát khỏi kiếp độc thân mãi mãi không hiểu được tâm lí nặng nề ám ảnh của những người độc thân như Béo về ngày họp phụ huynh.

Tống Sa Sa vẫn đứng vững hạng đầu trong kỳ thi giữa kỳ.

Dĩ nhiên, với Tống Sa Sa chuyện họp phụ huynh sẽ không áp lực như Béo, cô chỉ hơi buồn là các bạn khác đều có bố mẹ đi họp phụ huynh, còn cô tì bố mẹ đã mất từ lâu.

Song nỗi buồn đó chỉ là thoáng qua, đôi khi “người buồn cảnh cũng có vui bao giờ”, sống là phải hướng về phía trước.

Suốt hai năm nay, Tống Lệ gần như đã coi cô như con gái ruột, chẳng những quan tâm việc học hành, sinh hoạt hằng ngày mà còn quan tâm đến cả cảm xúc của cháu gái, về mặt tiền bạc cũng chưa bao giờ hà tiện. Trên danh nghĩa là cháu gái, nhưng chu đáo tỉ mỉ đến mức này khiến Tống Sa Sa vô cùng biết ơn.

Cô điều chỉnh lại cảm xúc của mình, chuẩn bị báo cho cô về việc họp phụ huynh.

Thang máy mở ra.

Cô vừa đi vừa rút chìa khóa trong ba-lô, đang định mở cửa thì nghe tiếng cãi nhau, em họ cô đang hét lên.

– Không! Con không quan tâm! Mẹ hoàn toàn không hiểu con!

Tống Lệ hầm hầm giận dữ:

– Tần Lan, mẹ đã nói với con bao nhiêu lần, không được yêu sớm, không được yêu sớm. Bây giờ con mới học lớp 9, sang năm là lên lớp 10 rồi, con học hành như hiện tại có thể lên lớp 10 nổi không? Không lên được lớp 10 thì lấy gì để thi đại học? Không học đại học thì làm sao tìm được công việc tốt? Không có bằng cấp thì làm sao cạnh tranh được với người ta? Mẹ nói rồi, mẹ chỉ muốn tốt cho con, con cứ không nghe lời mẹ, còn học theo người ta yêu đương? Con mới mấy tuổi đầu mà đã học đòi yêu với đương? Học thì không lo, chỉ biết yêu đương, sau này con chịu trách nhiệm như thế nào với cuộc sống của mình? Chẳng lẽ còn chờ bố mẹ chăm sóc con cả đời sao? Con đừng cho rằng bố mẹ chỉ có mình con, sau này tất cả mọi thứ đều để lại cho con. Con không học hành đàng hoàng, không cố gắng, thì bố mẹ mang hết tài sản đi quyên góp! Một cắc  cũng không để cho con! Tiền bố mẹ vất vả kiếm được là để dành cho đứa con biết cố gắng. Con…

“Ầm” một tiếng.

Là tiếng cửa phòng đóng lại.

Nghe đến đây trong lòng Tống Sa Sa đã hiểu được bảy đến tám phần, phần còn lại vì để bảo đảm nên cô không vào trong mà báo cho Trịnh Lực. Trịnh Lực kể cho Tống Sa Sa, buổi trưa mình và em họ cô ra ngoài ăn cơm, hai người anh anh em em, không ngờ bị Tống Lệ bắt gặp tại trận. Tống Lệ lúc đó không nói lời nào, chỉ lẳng lặng nhìn cậu rồi nói một câu với em họ “Buổi tối nhớ về sớm”.

Tống Sa Sa khẽ thở dài.

Đúng năm phút sau cô mới mở cửa, vừa hay chào hỏi cô và chú.

Sắc mặt của cô không tốt, còn chú thì vẫn bình thường.

Tống Sa Sa vờ như không biết gì, nói với Tống Lệ về buổi họp phụ huynh:

– Ừm, cô sẽ đến đúng giờ. – Tống Lệ đáp.

Buổi tối em họ không ra ăn cơm, Tống Lệ cũng không gọi.

Chú cô không nỡ để con gái chịu đói bèn nói:

– Anh gọi con gái ra ăn cơm.

Vừa dứt lời chú đã bị cô lườm, rướn cao giọng:

– Gọi cái gì mà gọi, ăn nó tự biết, đều do ông bình thường chiều nó quá. Bây giờ nó coi trời bằng vung, học đã kém lại hay cãi. Nhìn gì nữa, ngồi xuống.

Bình thường cô là người làm chủ trong nhà, tình cách quyết đoán nên chú cũng không dám trái ý.

Tống Sa Sa lẳng lặng nhìn biểu cảm của cô mình.

Bữa tối xong xuôi, trong vòng chưa đầy nửa giờ, Tống Lệ đã nhìn về phía cửa phòng con gái không dưới hai mươi lần.

Nói đi nói lại bên ngoài tỏ ra dữ dằn nhưng bên trong lại rất quan tâm đến em họ.

Mà con bé cũng ngang bướng không kém, có lẽ là kế thừa từ mẹ. Bất kể cơm canh có thơm có ngon thế nào cũng không chịu ra ngoài, tự nhốt mình trong phòng, không có tiếng động nào, như thể có thể nhốt mình trong phòng đến hết đời vậy.

Tống Sa Sa hiểu rõ tính nết của hai mẹ con.

Ăn tối xong, cô lặng lẽ lấy hộp cơm, một cái đựng đầy cơm, hai cái còn lại đựng rau và thịt. Bữa tối Tống Lệ hầm canh sườn rong biển, món yêu thích của cô em, cô tìm không thấy hộp đựng canh bèn dáo dác tìm xung quanh.

Tống Lê vẫn còn giận.

– Ở bên trong máy rửa chén bát.

Tống Sa Sa tìm thấy, đựng đầy canh, lại ra phòng khách lấy thêm một quả chuối và một bát anh đào.

Lúc Tống Lệ đang rửa nồi, cô gửi nhắn tin cho con bé.

– Chị đến “cứu trợ” em đây. Yên tâm, mẹ em ở phòng bếp.

Quả nhiên tin nhắn vừa được gửi thì thì phút chốc sau cánh cửa phòng đã hé mở và một đôi mắt sưng đỏ ló ra.

Tống Sa Sa nhón chân bước vào:

– Nhanh ăn đi, còn có canh đấy. Đêm mà thấy đói thì ăn thêm trái cây.

Cô vuốt vuốt đầu em họ.

Con bé khóc òa lên, cơm chẳng ăn mà ôm chầm cánh tay Tống Sa Sa, vừa khóc vừa nói:

– Mẹ chẳng hiểu cho em gì cả, cả ngày chỉ biết điểm số với thành tích, không quan tâm em chút nào, không cho làm cái này rồi cấm cái kia. Em cũng có tự do của bản thân chứ! Em ngoan thế mà, chưa bao giờ phản nghịch, chỉ lén lút yêu đương với anh Trịnh Lực thôi, chẳng lẽ cũng không được ư? Mẹ không yêu em chút nào hết! Chỉ muốn kiểm soát em! Em muốn làm gì mẹ cũng không cho! Ước mơ của em thì không phải là ước mơ chắc. Trong mắt mẹ chỉ có học học học, lãnh đạo lãnh đạo, sao phải gò bò đi làm từ thứ Hai đến thứ Sáu chứ? Sao em phải đi làm theo quy định, kỷ luật này nọ? Em muốn mở quán trà sữa, em muốn kinh doanh.

Em họ càng nói càng bất mãn, khóc càng to hơn.

– Dừng ngay! – Tống Sa Sa đột nhiên quát lên.

Bình thường chị họ rất dịu dàng vậy mà bây giờ quát to một tiếng làm Tần Lan giật nảy mình, nín khóc hẳn.

– Chị biết em với Trịnh Lực yêu nhau lâu rồi, em tưởng hôm nay cô mới biết sao? Không, cô biết từ lâu rồi, chỉ là cô không nói thôi.

Em họ như bị đóng băng.

– Em có biết tại sao mẹ em không khơi chuyện ra không? Bởi vì cô biết nói ra em sẽ cãi lại và càng kiên quyết ở bên Trịnh Lực, thế nên cô mới chọn cách mắt nhắm mắt mở. Tuy nhiên, bây giờ em lên lớp 9 rồi, thi giữa kì mới xong mà học hành ngày càng đi xuống, cô bắt đầu lo lắng em không thi nổi lên cấp ba. Cô vẫn luôn quan tâm em, em không thấy hôm nay cãi nhau với em đến mức thổi bay cả nóc nhà xong mẹ em vẫn nấu món canh em thích nhất à? Em thích cái gì, chỉ cần làm nũng đều được mua cho. Máy tính xách tay mới nhất được mua, váy mới cũng đã được mua dù ban đầu không đồng ý, nhưng có lần em buồn cô đã âm thầm bỏ chiếc váy đó vào tủ quần áo? Không phải à?

Tần Lan dần bình tĩnh trở lại. Cô bé khịt khịt mũi, cảm xúc dịu đi đôi chút.

– Nhưng… Nhưng mà… Thành tích quan trọng đến vậy ư?

Tống Sa Sa dịu giọng xuống:

– Chị chỉ lớn hơn em mấy tuổi, nói ra thì không thuyết phục lắm, nhưng hai mươi năm sau chị gặp chuyện như vậy, chị sẽ trả lời, thành tích không phải là thứ quan trọng nhất, nhưng ở độ tuổi của em mà nói, nó là thứ duy nhất em có thể nắm bắt được. Bởi vì, em không biết tương lai em sẽ phát sinh chuyện gì, em cũng không biết trong tương lai mình sẽ suy nghĩ như thế nào, nhưng chị có thể nói cho em biết, trong giai đoạn bây giờ em bình tâm lại, học hành chăm chỉ, em có thể đạt được thành tích tốt. Việc này, đối với tương lai sau này của em mà nói, là việc nhất định sẽ không hối tiếc.

Tống Sa Sa nghĩ gì đó, nói thêm:

– Em tin chị không? Chị cứ luôn cảm thấy Lan Lan là một cô bé có tiềm lực, em có nghị lực, có quyết tâm, em dốc toàn lực để làm một việc, em nhất định sẽ làm được tốt, bao gồm cả thi cử. Thi cử thực ra không có gì khó, em cố gắng bao nhiêu thì sẽ nhận được lại từng đó thôi.

Tống Sa Sa hiểu rõ một điều, muốn thuyết phục em họ, điều quan trọng nhất là khẳng định em ấy. Dường như sợ con bé không tin, cô lại lấy một ví dụ thuyết phục khác:

– Em nhìn xem anh Châu, dành thời gian một năm, từ xếp thứ chót từ dưới đếm lên nay đã lọt danh sách top 20 của lớp chị, không phải là rất điển hình sao? Em có cảm thấy anh ấy như mở ngón tay vàng? Vậy chắc em chưa nhìn thấy cảnh anh ấy chăm chỉ học tập. Anh ấy có thể, chị chưa bao giờ nghi ngờ, chị cũng không hoài nghi cách nhìn của chị về em, chị cũng tin là em sẽ làm được.

Cô nói tiếp:

– Em có muốn biết cách để mẹ không phản đối nữa không?

Em họ gật đầu như gà mổ thóc:

– Vậy em phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ của nó, mẹ em cho rằng em lo yêu đương nên xao nhãng chuyện học hành nên mới phản đối. Mẹ em với những phụ huynh khác không cho phép con mình yêu sớm không giống nhau, mẹ em vẫn chừa đường sống cho em. Cô không thích, nhưng không có nghĩa là sẽ động tay chia rẽ.

Tần Lan nghe mà như lạc giữa cơn mơ.

– Vì vậy…

– Em nhận lỗi với cô và hứa sẽ nghiêm chỉnh học hành, chứng minh bằng kết quả kì thi tháng sau. Nếu tháng sau không có tiến bộ, em sẽ chịu phạt theo ý cô. Em phải thuyết phục mẹ va không được vùng vằng. Vì em càng tỏ thái độ, mẹ em thấy em chưa đủ lớn, làm mẹ lo lắng nhiều hơn. Em phải dùng ngôn ngữ và hành động để thể hiện, em đang dần trưởng thành, dần chín chắn hơn.

– Nhưng lỡ như không có tiến bộ thì sao ạ?

– Vậy chị hỏi em, thi giữa kỳ em có chú ý bài giảng không, có ôn tập kĩ không?

Em họ cắn môi.

Điều đó rõ ràng rồi.

Tống Sa Sa xoa đầu em.

– Tập trung vào học ắt sẽ tiến bộ, học bài chỗ nào khó hiểu, nhất là vấn đề làm em đau đầu suy nghĩ nhất sẽ trở nên dễ dàng hơn. Em nhất định sẽ tiến bộ, chị dám đảm bảo.

Như suy nghĩ ra điều gì đó, cô lại nói tiếp.

– Mặt khác, mấy suy nghĩ như mở quán trà sữa, không muốn học, không muốn lên lớp nữa em đừng có nói ra trước mặt mẹ mình. Em biết đấy, cô không thích đâu. Định nghĩa về công việc tốt của cô chú không giống như định nghĩa của chúng ta. Trước khi em chưa kiếm được tiền nuôi sống bản thân, chính mình chưa đủ trưởng thành, trong mắt bố mẹ em vẫn chỉ là một đứa trẻ to xác mà thôi. Cho dù ước mơ tương lai của em là gì, em nhất định phải học đại học, bởi lẽ chỉ khi học đại học rồi em mới hiểu rõ được tương lai mình sẽ chọn lựa là cái gì. Lúc đó em muốn kinh doanh cũng được, mở quán trà sữa cũng ổn. Học đại học giúp em có thêm kiến thức, làm giàu kinh nghiệm.

Tần Lan có vẻ ngộ ra, vẻ mặt nghiêm túc hẳn lên, như là nghe lọt hết những lời Tống Sa Sa nói nãy giờ.

Tống Sa Sa yên tâm rồi khuyên:

– Ăn cơm trước, xong xuôi thì đi xin lỗi mẹ. Cô buồn lòng lắm đấy, lúc ăn cơm mắt đỏ hoe.

Tần Lan mím môi, vẻ mặt đầy ăn năn.

Tống Sa Sa rời khỏi phòng em họ, đi tắm. Lúc tắm xong đi ra, thấy phòng em họ cửa mở he hé, cô liếc nhìn, thấy bóng dáng của cô ruột ở bên trong, mối lo trong lòng cũng được đặt xuống.

Những mâu thuẫn này nếu không giải quyết kịp thời thì càng để lâu càng khó giải quyết.

May là cô và em họ đều là kiểu ngoài cứng trong mềm.

Ngày hôm sau, hai mẹ con đã làm hòa.

Hành động của em họ rất mạnh mẽ, chẳng những làm theo lời khuyên của Tống Sa Sa mà còn biết thêm thắt, thứ Bảy hôm đó đồng ý đi học thêm. Con gái đó giơ không thích học mà bây giờ làm như vậy làm mẹ như Tống Lệ thấy vui mừng khôn xiết.

Hai mẹ con chọn lớp phụ đạo có học phí khá đắt, đăng ký mấy lớp, toàn là lớp chất lượng cao nhất nhì trong thành phố S này.

Buổi trưa Chủ nhật, trường Một mở hội phụ huynh học sinh.

Tống Lệ gọi cả con gái đi theo.

Do trong lớp có việc nên Tống Sa Sa cũng phải đến trường, thế là Tống Lệ lái xe, để hai cô con gái ngồi sau.

Tống Lệ vừa lái xe vừa nói chuyện:

– Tần Lan, từ thứ Hai tuần sau con lo mà học thêm, đắt lắm đó. Mẹ nhịn ăn nhịn mặc cho con học thêm, con còn không tiến bộ thì tiền tiêu vặt tháng sau không còn đâu. Con phải học hỏi chị họ con nhiều hơn nữa. – Nói rồi lại thở dài – Con nhìn chị mình xem, gần như năm nào cũng đứng đầu lớp, có lần bị xuống hạng buồn gần cả ngày chứ không bao giờ buồn vì mấy chuyện yêu đương nhắng nhít tuổi mới lớn như con.

Tống Sa Sa bỗng thấy chột dạ.

Hết chương 10.1

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.