Ngày 20 tháng chạp, hoàng trưởng tôn Cao Thừa An qua đời vì bệnh dịch, mất năm 5 tuổi.
Hoàng đế nghỉ triều ba ngày, lệnh tất cả vương công đại thần trong kinh mặc áo tang mười ngày, tất cả dân chúng trong hoàng thành sáu mươi ngày không được mua vui, không được cưới gả. Cùng lúc đó, trong cung có tin đồn thái tử Cao Giới bị hoàng đế giận dữ khiển trách, mắng rằng “nhà cửa còn chẳng lo nổi, lấy cái gì lo cho thiên hạ”. Cuối cùng hoàng hậu phải quỳ xuống cầu tình, bấy giờ hoàng đế mới ra lệnh cưỡng chế thái tử cấm túc một tháng, không được vào triều.
Khi tiếng bánh xe ngựa dừng lại, ta xuống xe theo Cao Yển, vì y đi đứng không tiện nên xuống vẫn phải ngồi tạm xe lăn.
Cung điện nguy nga hiện ra trước mắt, tường xây gạch đỏ ngói xanh, bảng hiệu chữ vàng trên nền đen, cung ti qua lại đều mặc quần áo trắng muốt. Đây là lần đầu tiên ta đến Đông cung, chẳng biết là do không khí bi thương bao trùm hay Đông cung trước nay vốn là như thế, giờ khắc này nơi đây chỉ khiến lòng con người ta rét lạnh.
Ta đẩy xe lăn cho Cao Yển, băng qua con đường đá rất dài và khúc khuỷu mới đến được chính điện. Thái tử một thân cẩm bào màu bạc như bao ngày bình thường, quần áo sạch sẽ ngay ngắn, không có chút biểu hiện nào gọi là chán chường, gương mặt cũng chỉ hơi tiều tụy.
Thấy chúng ta vào, hắn đứng dậy đi ra đón, đầu tiên là cất giọng hỏi vết thương trên đùi Cao Yển. Ở khoảng cách gần, ta mới nhìn rõ trên khuôn mặt tưởng như là bình thản như không ấy - dưới đáy mắt, những đường tơ máu chằng chịt đến sợ, và cả bàn tay đang đặt trên vai Cao Yển đang khẽ run lên từng hồi.
Cao Yển vẫy tay, ý bảo ta mang quà sang viện của thái tử phi Tương Nhã Đồng trước.
Lúc gần đi hình như Cao Giới muốn nói chuyện với ta, nhưng rốt cuộc vẫn nuốt ngược lời vào trong bụng, không nói được gì, ánh mắt đó khiến người ngoài nhìn vào cũng thấy xót xa cay nghẹn.
Cho tới khi ta tới tẩm điện của thái tử phi liền hiểu dáng vẻ ngập ngừng muốn nói lại thôi ban nãy của Cao Giới. Bởi lẽ hạ nhân đứng ở cửa tẩm cung thấy ta tới, sau khi gặng hỏi nhiều lần, xác định ta là người Cao Yển phái tới thì mới cho ta vào. Ta tận mắt quan sát toàn bộ, thái tử phi oán giận Cao Giới nên hạ nhân mới tiến hành tra khảo kỹ càng như vậy, chắc là do hiện giờ Tương Nhã Đồng vẫn chưa muốn gặp thái tử.
Cũng chẳng trách được nàng ta không giữ mặt mũi cho Cao Giới, dù sao nguyên nhân Cao Thừa An ốm chết… cũng có thể coi là do Cao Giới gián tiếp gây nên.
Cuộc đi săn hoàng gia mấy ngày trước, vì Cao Yển bị thương nên chúng ta về vương phủ sớm. Sau đó nghe người của thái tử kể mới biết hắn săn được một con cáo non, xách nó trên tay mang về cho Cao Thừa An, trên đường đi không hề nhờ người khác làm hộ.
Cao Thừa An mê tít con cáo non, không cho hạ nhân đụng vào. Thế nhưng loài cáo trời sinh tính khó thuần, Cao Thừa An tuổi còn nhỏ trong lúc bất cẩn để nó cào bị thương. Vốn chỉ xước da thôi, nhưng sau khi kết thúc chuyến săn, ban đêm quay về Đông cung Cao Thừa An đột nhiên lên cơn sốt cao, rồi ho và nôn mửa liên tục.
Suốt đêm Cao Giới cho gọi viện trưởng của thái y viện đến hội chẩn, lại hay tin dữ Cao Thừa An vì vết cào của con cáo non mà bị nhiễm bệnh dịch, mặc dù đã tra ra nguyên nhân gây bệnh nhưng viện trưởng dùng đủ mọi phương pháp vẫn chẳng thể xoay chuyển tình thế.
Bệnh dịch vốn khó chữa, huống chi Cao Thừa An mới chỉ là đứa nhỏ năm tuổi, sức khỏe không so được với người lớn. Từ sốt, nôn mửa rồi hôn mê, đến cuối cùng kiệt sức hộc máu mà chết, tổng cộng là một ngày hai đêm sau khi chịu đứng hết tra tấn ốm đau, một sinh mệnh bé nhỏ đang mạnh khỏe hoạt bát cứ thế rời khỏi thế gian.
Đây cũng là lý do hoàng đế nổi cơn thịnh nộ trừng phạt Cao Giới, cũng là lý do Tương Nhã Đồng không muốn gặp Cao Giới.
Tuy mọi người đều biết thái tử tuyệt đối không cố ý làm vậy, nhưng người đang thống khổ vạn phận dẫu sao cũng cần tìm đối tượng để trút giận.
Vào cung điện của thái tử phi, nhất thời mùi thuốc thoang thoảng xộc thẳng vào khoang mũi, qua khóe mắt ta trông thấy có nha hoàn bưng chén thuốc trống không đi ra ngoài.
Lên tiếng báo cáo mục đích đến đưa quà, lúc này ta mới nghe tiếng của Tương Nhã Đồng, hoàn toàn không còn kiêu kỳ ngạo mạn như lần gặp mặt trước, giọng yếu ớt ngập tràn uể oải: “Để đó đi.”
Ta đánh bạo ngẩng đầu nhìn lướt qua, Tương Nhã Đồng ngồi tựa vào tháp, nàng ta như biến thành người khác, sắc mặt phờ phạc như già đi cả chục tuổi, hai mắt sưng đỏ, vừa nhìn là biết đã khóc rất nhiều, mặt mũi chẳng chút son phấn điểm tô.
Nhìn dáng vẻ suy nhược của Tương Nhã Đồng, có lẽ thứ mà cô nha hoàn bưng ra khi nãy là chén thuốc.
Nàng ta dường như không còn sức lực nào để nói chuyện với ta, cũng không muốn khách sáo rầy rà, nhận quà xong thì nhờ nha hoàn bên cạnh tiễn ta ra ngoài luôn.
Một người là cha, một người là mẹ; một người điềm đạm như cũ, một người lấy nước mắt rửa mặt… Xem ra, cũng không biết người nào khổ tâm hơn người nào.
Linh đường của Cao Thừa An được đặt ở hậu điện, xác vẫn chưa nhập liệm. Ta kìm lòng không đậu cất bước định đi qua hướng đó, mặc dù đã tới Đông cung, ta vẫn không cách nào tin được đứa nhỏ tinh quái, ranh mãnh lại nóng nảy như thằng bé sao có thể nói mất là mất được chứ?
Mới đi được nửa đường đã bị người chặn lại. Mất hẳn một lúc lâu ta mới nhận ra đó là Hồ Nguyên Ly hay bị lạc đường. Bình thường hắn luôn mặc áo bào đỏ chói vậy mà hôm nay cũng thay sang bộ cẩm bào đen như mực chưa bao giờ mặc.
Như nhìn thấu ý đồ của ta, hắn thẳng thừng mở miệng: “Ta mới ở điện sau ra, hiện giờ nơi đó toàn quan viên lui tới tế bái, ngoài cửa còn có thị vệ canh gác, người đông phức tạp, nếu ngươi muốn đi thì chờ chiều tối hẵng tính.”
Cũng phải, ta chỉ là nô tỳ thấp kém, một mình đi đến đấy có khi thị vệ sẽ không cho vào.
Ta gật gật đầu như cái máy, cố gắng để giọng mình nghe sao cho thật bình tĩnh: “Giờ vương gia muốn đi đâu, có cần nô tỳ dẫn đường không?”
“Ta không nhớ rõ đường đến tẩm điện của thái tử.” Hồ Nguyên Ly không chút chần chừ mở miệng.
Ta bắt đầu lặng lẽ dẫn đường cho hắn.
Dọc đường đi Hồ Nguyên Ly không còn lảm nhảm ầm ĩ như trước mà chỉ trầm mặc theo sát ta, đến độ làm ta cứ tưởng người đằng sau mình biến đâu mất rồi.
Lúc gần tới cửa cung điện của Cao Giới, Hồ Nguyên Ly sau lưng bỗng dưng nâng cổ tay trái của ta lên.
Đối diện với ánh mắt sửng sốt của ta, hắn khó chịu hỏi: “Bị làm sao đây?”
Nhìn vết thương chưa kết vảy trên bàn tay, ta lúng ta lúng túng trả lời: “Không cẩn thận bị ngã.”
Ta đã đặc biệt chọn bộ đồ có phần tay áo rộng thùng thình có thể che khuất cả bàn tay, cũng chả hiểu sao hắn lại thấy được.
Hồ Nguyên Ly như thở phào một hơi, buông tay ta ra rồi trách móc: “Sao ngươi ngày nào cũng vụng về hậu đậu thế hả, hơi tí là làm mình bị thương?”
Ta không có tâm trạng cãi cọ với hắn, chỉ thản nhiên đáp một câu: “Nô tỳ biết sai rồi.”
Hồ Nguyên Ly mấp máy môi như thể vẫn muốn mắng mỏ ta, nhưng cuối cùng lại im bặt, hai chúng ta thui thủi đi vào tẩm điện của Cao Giới. Ba người bọn họ ngồi trong phòng bàn bạc, loáng thoáng nghe được giọng nói đang an ủi Cao Giới, đám nô tài đứng hết bên ngoài trông coi.
Ta ngẩng đầu nhìn trời, nền trời xanh thẳm bất tận, nhưng tại sao nơi mắt lại thấy cay cay?
Chợt có hạ nhân tiến vào thông báo, nói là họ hàng Ngô thị đến thăm hỏi.
Dưới sự chỉ dẫn của hạ nhân, một người đàn ông độ trung niên và một cô gái trẻ tuổi đi vào. Người đàn ông cao lớn thô kệch nhưng trông kỹ thì lại có vẻ hiền lành đôn hậu. Cô gái kia nhìn có vài nét giống với người đàn ông, hẳn là con gái của ông ấy, quả đúng là giai nhân xinh đẹp, có điều khi vừa bước vào phòng, ánh nhìn lén lút lập tức dán vào người Cao Yển.
Đoán chừng nàng chính là Ngô Vân Thiều - người được Cao Yển cứu trong bãi săn ngày hôm ấy.
Mặt Cao Yển lạnh tanh vẫn chưa đáp lại, như đã ở trong phòng một ngày một đêm, lúc bấy giờ y mới lấy cái cớ rồi lui ra ngoài, ta nhanh chóng đẩy xe lăn cho y cùng nhau rời khỏi. Đi được một đoạn thì Ngô Vân Thiều đã chạy ra chặn đường. Gò má nàng phiếm hồng, hơi thở dồn dập, hành lễ với Cao Yển xong thì đứng ngay ngắn lại rồi cất giọng: “Ngày ấy từ biệt ở bãi săn, ta chưa kịp nói cảm ơn, may mà được Tần vương điện hạ cứu giúp.”
Cao Yển khẽ gục gặc không muốn nhiều lời, nhưng Ngô Vân Thiều nói lắm chẳng dừng được, chẳng để cho người ta có thời gian từ chối, người sáng suốt liếc mắt cái là biết ngay lòng nàng nghĩ gì.
“Nhiều ngày nay bái thiếp đưa qua mà Tần vương điện hạ đều từ chối cả, hại ta lo lắng hồi lâu, gia phụ cũng quở trách ta nhiều lần. Hôm nay thấy Tần vương điện hạ bình an vô sự, lòng dạ ta mới xem như là an tâm.”
Đôi mắt sáng ngời của Ngô Vân Thiều hiện rõ vẻ lo lắng, giọng điệu vô cùng chân thành tha thiết, chỉ là…
Nàng tới đây để dự tang lễ, tình hình hiện giờ ra sao nàng còn không nắm được ư?
Thấy Ngô Vân Thiều tủm tỉm, tay của ta vô thức siết chặt xe lăn, Cao Yển dường như đã phát hiện ra điều đó, y quay lại nhìn lướt qua ta, nói: “Ngươi đi xuống sắp xếp phòng trước đi.”
Ta như trút được gánh nặng, nhún người hành lễ rồi tức khắc xoay người đi khỏi.
Cao Yển ở tạm trong gian phòng nhỏ cho khách, thu dọn giường chiếu cho y xong mà y vẫn chưa về, thế là ta bèn trở về thiên điện nơi mình ở.
Bên ngoài yên ắng lạ thường, cứ như cả cung điện rộng lớn thế này chỉ còn mỗi một mình ta. Ta ngửa mặt nằm trên giường, thẫn thờ nhìn trần nhà đen kìn kịt.
Cáo non, bệnh dịch… nghe như căn bệnh đến một cách “hết sức tự nhiên”, chuyện xảy ra đột ngột, hơn nữa con cáo non kia là chính tay Cao Giới bắt về, khiến người ta cảm thấy đây chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn mà thôi.
Nhưng cớ sao lòng ta lại trống vắng khôn cùng, như bị kẻ nào đó tàn nhẫn đào đi, chỉ để lại một mảng hoang hoác điêu tàn. Chắc tại vì cái chết của Cao Thừa An ập đến quá bất ngờ… phải không?
Bỗng có gương mặt hiện ra trước mắt, Hồ Nguyên Ly ló đầu ra, khi nhìn thấy nét mặt bình tĩnh của ta, hắn trông như là ngạc nhiên lắm.
Ta vội vàng xoay người ngồi dậy, chợt nghe hắn nói: “Ban nãy ta còn tưởng ngươi trốn ở đây khóc thầm chứ.”
Ta đứng thẳng lưng, đáp: “Vương gia nói đùa, nô tỳ không dám thất lễ trước người khác.”
Hồ Nguyên Ly quay đầu nói với nô tài canh giữ ngoài điện: “Các ngươi xuống trước đi, lát nữa dẫn đường cho ta về.”
Nô tài ngoài cửa “vâng dạ” một tiếng rồi lui xuống.
Ta tiếp lời: “Vương gia tới tìm Ngũ gia sao? Vậy phiền vương gia chờ một chốc, nô tỳ đi tìm ngài ấy.”
Dứt lời ta nhấc chân toan bước đi.
Thấy ta thản nhiên như không, Hồ Nguyên Ly hơi kinh ngạc, hắn ngăn ta lại, bảo: “Bình thường ngươi gần gũi với Thừa An lắm mà, thằng bé tốt với ngươi như vậy, ta còn nghĩ hôm nay gặp ngươi chắc chắn phải khóc bù lu bù loa mới đúng chứ.”
Bụng trào lửa nóng, ta chẳng có hứng nói nhiều, chỉ muốn cất bước đi thẳng, ấy nhưng hắn cứ cố tình đi theo chắn trước mặt ta. Rốt cuộc ta không kiềm chế được nữa, bức bối bật thốt lên: “Tôi có khóc hay không thì làm sao? Sao ngài cứ thích xen vào chuyện của người khác thế nhỉ?”
Hồ Nguyên Ly sững người ngơ ngác nhìn ta, tuy vậy lại không có dấu hiệu nổi trận lôi đình, thế là ta bèn nhanh chóng đi ra ngoài. Chẳng hiểu tại sao, ta cảm thấy dạo này sức chịu đựng của mình càng ngày càng yếu, lúc nào cũng có đủ mọi loại chuyện xảy đến thách thức ranh giới của ta. Nếu còn cứ tiếp tục như vậy nữa, e là ta sẽ suy sụp hoặc… bùng nổ mất thôi.
Đi nửa đường đúng lúc gặp Cao Yển và Lý Mậu Sơn, ta cũng theo bọn họ trở về. Lúc về đến cung điện, Hồ Nguyên Ly vẫn chưa rời đi, vậy mà không ngờ hắn lại chẳng hề nhắc tới những lời bất kính vừa rồi của ta.
Chả mấy chốc ngoài trời đã tối, Hồ Nguyên Ly không định ở đây, đang chuẩn bị đi thì cặp mắt tự nhiên quét đến chỗ ta. Ta cúi đầu tránh đường nhìn của hắn, vờ như đang bận bịu làm công việc trong tay, Cao Yển đằng sau bỗng lên tiếng: “Lý Mậu Sơn, ông tiễn Hồ gia ra ngoài đi, đệ ấy không nhớ đường.”
Lý Mậu Sơn nghe thế nhanh chóng chạy lên, mà ánh mắt chăm chú nhìn ta hồi lâu kia lúc này mới chuyển dời, cuối cùng Hồ Nguyên Ly cứ thế lặng lẽ đi khỏi.
Cao Yển nâng tay ý bảo ta qua, ta vội vàng tiến tới vươn hai tay, y thuận thế bám vào cánh tay ta đứng dậy, toàn bộ sức nặng đều dồn hết lên chỗ cánh tay, chân trái của y vẫn không thể dùng quá nhiều sức. Đang đi, y bỗng nhiên cúi đầu, nói vào bên tai ta: “Sống chết có số, ngươi đừng quá để tâm.”
Bấy giờ Cao Yển cách ta rất gần, bởi vậy bờ môi hắn gần như là dán cả vào vành tai ta. Năm ngón tay cuộn chặt, ta gật đầu vâng vâng dạ dạ. Đỡ y lên giường xong ta xoay gót lui ra phía sau để Hàm Ngọc lên hầu hạ.
Đêm khuya, ta và Hàm Ngọc ở chung trong một phòng. Nghe nhịp thở kéo dài đều đều của cô ấy, ta lại miên man chẳng cách nào dỗ mình vào giấc ngủ. Nằm trằn trọc lật qua lật lại, sợ đánh thức cô ấy nên bèn bước xuống giường khoác thêm cái áo rồi rón ra rón rén đi ra ngoài.
Bên ngoài trời buốt thấu xương, ta không dám đi lung tung mà chỉ dạo vài vòng quanh cung điện, linh đường ở hậu điện cách chỗ chúng ta ở rất gần, ta đi tới đi lui, rốt cuộc vẫn không kìm lòng được mà lê bước đi về nơi đó.
Bỗng, ta nhác thấy có bóng người đứng lặng ở trước rừng trúc bao quanh hậu điện, căng mắt nhìn thật kỹ thì hóa ra đó là Cao Giới mới gặp hồi sáng. Ta vốn định âm thầm xoay gót tránh đi, nhưng lại chợt nghe thấy tiếng nghẹn ngào truyền đến theo cơn gió cuốn. Nhất thời toàn thân ta cứng ngắc, không dám nhúc nhích.
Tiếng hít thở thật khó khăn mà chỉ khi con người ta khóc mới thành ra như vậy. Bóng dáng ấy đứng thẳng tắp, thoang thoáng vẫn nghe được tiếng nức nở sụt sùi. Đây là lần đầu tiên ta chứng kiến cảnh một người đàn ông rơi nước mắt, người đó lại còn là thái tử đương triều. Bốn bề chung quanh không một bóng người, hắn bên ngoài điện nơi đặt linh cữu Cao Thừa An, dường như không dám đi vào.
Chẳng rõ vì sao, cổ họng ta có hơi nghèn nghẹn, chân như chôn chặt dưới đất không nhấc lên được. Cao Thừa An từng nói với ta, cha nó quan tâm quốc gia đại sự hơn hết thảy, ấy nhưng hiện giờ có vẻ không phải như vậy.
Tất cả mọi người chỉ chăm chăm liếm láp vết thương lòng của mình mà quên đi người thống khổ nhất phải là hắn mới đúng, con cáo non gây bệnh dịch kia đã bị hắn tự tay ném ra ngoài. Ban ngày hắn làm tốt đến nỗi ai ai cũng nghĩ hắn vẫn là thái tử cao quý vững vàng, lại quên mất rằng hắn cũng là một người cha.