Độ Tươi

Chương 2



Khi máy bay sơ tán cất cánh từ sân bay quốc tế Tribhuvan ở Kathmandu, Hà Tê nửa tỉnh nửa mê trong bầu không khí hỗn loạn. Giữa giấc chập chờn, nhất thời có từng đàn diều đen rải rác như lưới đánh cá trên mái nhà khi mặt đất rung chuyển, chốc chốc lại có hàng trăm thi thể bị lửa thiêu rụi bên sông Bagmati. Bầu trời phía trên thành phố mịt mù khói tỏa, những người phụ nữ mặc sari đang bế con canh giữ giàn hỏa thiêu nạn nhân, những đứa trẻ mắt vàng da ngăm đen đang chạy chân trần trên con đường rải sỏi, xung quanh rấm rứt tiếng khóc than. Ngay cả trong giấc mơ, dường như cũng có thể ngửi thấy mùi cay nồng của thịt nướng. 

Cô giãy giụa tỉnh lại, ánh mắt mơ màng, Vưu Phong Phong ngồi bên phải vỗ vỗ mu bàn tay của cô: “Đừng sợ, là mơ thôi, tất cả qua rồi.” 

Hà Tê gật đầu, lau mồ hôi lạnh trên trán, sau đó liếc sang Vưu Tự đang chỉnh máy ảnh bên phải Vưu Phong Phong. Anh đeo một cặp kính gọng đen mỏng, ánh đèn đọc sách phản chiếu trên màn hình nên từ góc nhìn của cô không thể nhìn thấy anh đang làm gì. 

Vưu Phong Phong nhấp một ngụm cà phê hòa tan rồi nói với Hà Tê: “Cô đi du lịch một mình lại gặp phải chuyện như thế này, chắc là bố mẹ lo lắm?” 

“Tôi đã nói chuyện điện thoại với họ rồi, không sao cả. Họ cũng thường xuyên đi du lịch, nhảy dù, nhảy bungee, dù lượn rồi lặn biển đều thử qua, hồi trẻ họ còn gặp tuyết lở cơ.”

Vưu Phong Phong hơi ngạc nhiên: “Chú dì làm nghề tự do à?”

“Họ mở nhà hàng, nhưng không thích chôn chân trong tiệm, bình thường vẫn luôn vắng nhà, hình như dạo này đang bận du hí Châu Âu.”

“Nhà hàng? Ẩm thực nước nào?”

“Ẩm thực Châu Á.”

“Ẩm thực Châu Á? Toàn bộ Châu Á?”

“Ừ, cụ thể là ẩm thực kỳ diệu của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam.” Hà Tê nhún vai, mỗi lần cô giới thiệu như vậy, đối phương đều sẽ lộ ra vẻ mặt giống như Vưu Phong Phong bây giờ, có chút kinh ngạc lại có chút nghi hoặc.

Vưu Tự cũng tạm dừng động tác bấm máy ảnh, hơi quay đầu lại, không biết có phải anh đang nghe cuộc trò chuyện của họ hay không.

“Vậy nếu có cơ hội tôi nhất định phải nếm thử. Nghe tuyệt thật đấy?”

“Quay về đến luôn đi, tôi mời hai người bữa cơm, dù sao cũng có ơn cứu mạng mà.” Ánh mắt cô lơ đãng quét qua người Vưu Tự.

Vưu Phong Phong vui vẻ ra mặt, dùng khuỷu tay chọc vào Vưu Tự. Người kia lại chỉ di chuyển các khớp xương gắn vào tay rồi tiếp tục duyệt ảnh. Cô ấy chậc lưỡi, quay đầu nói với Vưu Tự: “Hà Tê nói muốn mời chúng ta về nhà ăn cơm kìa.” 

“Không cần, chỉ là tiện tay mà thôi.” Anh liếc nhìn Hà Tê một cái, mệt mỏi xoay người đóng máy ảnh, tháo kính tắt đèn rồi nhắm mắt nghỉ ngơi. 

Giọng điệu lạnh lùng và xa cách. Hà Tê thu hồi ánh mắt, uống một ngụm nước nhằm che giấu sự ngượng ngùng của mình. 

Vưu Phong Phong thở dài, đứng ra hòa giải: “Tính cậu ấy vậy đấy, cô đừng để ý, khi nào rảnh chúng tôi nhất định sẽ đến.” 

Giữa tiếng ồn ào trong cabin, Hà Tê và Vưu Phong Phong thủ thỉ tâm sự, mới biết Vưu Phong Phong là một phiên dịch viên tiếng Nhật. Mặc dù hai người bằng tuổi nhau nhưng Vưu Phong Phong đã kết hôn với một đạo diễn hơn cô ấy 10 tuổi. Hà Tê muốn hỏi anh ấy từng quay tác phẩm gì, biết đâu cô lại xem qua, nhưng Vưu Phong Phong nhỏ giọng giải thích: “Anh ấy làm phim phóng sự độc lập, khán giả thực sự ít lắm.” Nói rồi nhìn thoáng qua Vưu Tự, như thể không muốn để anh nghe thấy, “Em trai tôi là nhiếp ảnh gia. Cùng với chồng tôi Viên Dã Tuyền, là đạo diễn. Hai người họ bay nhảy khắp thế giới, hồi trước còn quay phim những đàn voi di cư. Quay một lần mất tận hai năm, còn chưa kể những tháng họ bị lạc giữa rừng.” 

Hà Tê chú ý đến điểm rất kỳ lạ: “Vậy sao anh ấy trắng hếu thế?” 

Vưu Phong Phong khinh thường trả lời: “Cậu ấy giống dì tôi, da đẹp lắm, có phơi rám mấy cũng trắng lại được.” Nói xong lại thấy không đúng, ánh mắt bỗng trở nên vi diệu: “Cô cũng có ý với cậu ấy sao?” 

Hà Tê chớp mắt mím môi, không có phủ nhận. 

“Cậu ấy trông thì ổn, nhưng không an toàn đâu. Thứ nhất, công việc của cậu ấy và Viên Dã Tuyền nói đi là đi, đôi khi họ đến những nơi có tín hiệu kém, nửa năm cũng chẳng liên lạc nổi. Thứ hai, cậu ấy có quá nhiều vệ tinh vây quanh, tôi lo cho cô thôi.” 

Hà Tê cười khì: “Đừng lo, tôi có bạn trai rồi, chỉ tiện mồm hỏi thôi.”

Quả nhiên, vừa ra đến cổng, cô liền nhìn thấy Thành Liêu đang đứng trong đám người, vươn cổ chờ cô. Thành Liêu cao hơn Hà Tê nửa cái đầu, làm việc trong một ngân hàng, trang phục yêu thích của anh ta sau khi tan sở là áo sơ mi kẻ sọc và quần jean. Hai người quen nhau tại trung tâm dưỡng lão nơi Hà Tê làm việc tình nguyện, ngày hôm đó Thành Liêu đến thăm ông nội Thành Khuyết, mà Hà Tê lại tình cờ đang học thư pháp với ông Thành. Dưới sự tác hợp của ông lão, hai người họ thường xuyên qua lại làm quen. 

Thành Liêu cầm lấy vali của Hà Tê, đang định ôm cô thì lúc quay lại vừa hay nhìn thấy Vưu Tự đi phía sau. Tuy chỉ quen biết nửa vời, nhưng anh ta vẫn muốn cùng Vưu Tự hàn huyên đôi câu, không ngờ đối phương căn bản không nhận ra mình, trực tiếp nghiêng người đi ngang qua anh ta. Thành Liêu hết sức xấu hổ, Hà Tê lại lách người đi gọi Vưu Phong Phong: “Tôi sẽ mời cô ăn cơm sau.” 

Vưu Phong Phong đang cởi chiếc áo khoác màu xanh bạc hà, nghe thế liền vui vẻ giơ điện thoại lên với cô: “Oke, nhớ giữ liên lạc nhé.” 

Trên đường đến bãi đậu xe, Thành Liêu ôm lấy bả vai Hà Tê, giọng đầy lo lắng: “Em có chắc là em không muốn đến chỗ anh không? Chú dì đều không có nhà, em ở một mình có ổn không?” 

“Em chắc.” Cô nặn ra một nụ cười khô khốc, không muốn nhấn mạnh lại. 

Rạng sáng về đến nhà, Hà Tê tắm nhanh một cái, thay bộ đồ ngủ kẻ sọc có mùi nước xả vải, nằm trên giường ngủ một giấc nhưng cứ gặp ác mộng nên dứt khoát dậy luôn. Cô hái một ít rau diếp trên sân thượng, khui hộp thịt cho bữa trưa rồi nấu một bát mì ramen sang trọng, ăn uống no nê cùng lon soda. Cuối cùng, trong phòng chỉ để lại một ngọn đèn, cô quấn chăn len bay đến chiếc ghế sô pha quen thuộc, bật TV lên, ngẩn người nhìn chương trình trò chuyện lúc nửa đêm. Trong sự ấm áp và thoải mái, khoảnh khắc đáng sợ vài ngày trước đã trở nên xa xăm, dần dần khiến người ta khó phân biệt đâu là thật đâu là giả. 

Nhưng cô biết rằng người đã cứu mạng mình trong thảm họa đó nhất định là thật. 

Cuộc sống của Hà Tê sung túc và thoải mái, không có quá nhiều thất bại, cô biết ơn sự an bài như vậy nên luôn tin tưởng và yêu thích số phận, đồng thời tràn đầy niềm tin vào sự lựa chọn của chính mình. Do đó, những sự trùng hợp vô tình xảy ra lặp đi lặp lại sẽ luôn thu hút sự chú ý của cô, nhắc nhở cô về một loại chỉ dẫn nào đó từ thuyết định mệnh, một thứ tương tự như số phận.

Nghĩ đến đây, cô nhập tên của Vưu Tự vào thanh tìm kiếm của điện thoại, sau khi nhìn thấy kết quả thật lâu sau đó cô vẫn không thể bình tĩnh lại được. Hà Tê 29 tuổi, Vưu Phong Phong bằng tuổi cô, Vưu Tự kém cô 1 tuổi, vậy mà anh đã có rất nhiều tác phẩm. Anh quay phim những ngọn núi phủ tuyết, cực quang, Tây Tạng, Châu Phi, Nam Cực, bãi rác, người nhặt rác, nông dân, trẻ em bị bỏ rơi, các bộ lạc du mục, công nhân nhà xưởng, nhà sư Miến Điện và các cựu chiến binh trong Cuộc chiến chống xâm lược của Hoa Kỳ và Viện trợ Hàn Quốc. Chỉ qua số lượng áp phích, cô cũng có thể cảm nhận được sự phong phú trong lý lịch của anh, những ngày đầu anh là trợ lý quay phim, sau đó là quay phim chính, rồi trở thành đạo diễn hình ảnh, có lẽ sự nghiệp của anh phải bắt đầu từ rất sớm. 

Sau đó, Hà Tê cả ngày thức trắng, xem qua tất cả các tác phẩm mà Vưu Tự tham gia. Có mấy tác phẩm rất cảm động, cô vừa xem đã khóc. Theo những góc nhìn khác nhau, cô phảng phất có thể hình dung ra cảnh anh vác máy đi khắp núi non, sông hồ, biển cả, chăm chú nhìn vào chiếc máy ảnh dưới nắng gió bạt ngàn, cảm nhận những góc khuất của thế giới qua ống kính nhỏ. Loại công việc này có thể khó khăn gian khổ, nhưng kết quả nhất định rất tuyệt diệu. 

Sau khi xem xong, Hà Tê cầm chai nước khoáng 1,5 lít, uống hết số nước mà cô không uống trong một ngày, sau đó vẽ một bức phác thảo bằng máy tính bảng, đeo chiếc tạp dề màu xanh nước biển, bước vào studio và trải rộng tấm vải vẽ. Cô cảm thấy Vưu Tự nên tạo thành từ màu đen, trắng xám, giống như một bộ phim phóng sự, không có quá nhiều khía cạnh khách quan của màu sắc, để giảm thiểu cảm giác tồn tại và ẩn giấu trong thực tế. 

Phủ màu lót xong, cô lại dừng tay, cảm thấy hình tượng nhân vật không đủ lập thể, chỉ dựa vào một bức ảnh mờ trên mạng và trí nhớ của cô thì gần như vô nghĩa. Sau khi suy nghĩ kỹ, cô gọi cho Vưu Phong Phong và mời cô ấy cùng Vưu Tự tới dùng bữa cơm. 

“Tôi sẽ cố hết sức lôi kéo, nhưng tôi có thể dẫn chồng theo không? Nếu Viên Dã Tuyền đi, thì Vưu Tự cũng theo thôi.” 

“Tất nhiên là được!” Cúp điện thoại, Hà Tê lập tức phóng đến nhà hàng nhà mình. Khoảng cách rất gần, ra khỏi khu chung cư rồi đi bộ qua khu vườn giữa phố, là có thể nhìn thấy bảng hiệu đèn neon có chữ “Sừ Hòa” ở khu kinh doanh kiểu nước ngoài phía đối diện. 

“Trần Kinh Trúc, hôm nay phòng bếp nhập hải sản gì?” Cô đẩy cửa vào, Trần Kinh Trúc đang nói chuyện với phục vụ, thấy cô trở lại thì có chút kinh ngạc. 

“Úi, cậu vẫn còn sống à?” Anh mặc âu phục, tóc vén đỉnh đầu, trên người không có một nếp nhăn.

Trần Kinh Trúc là bạn thuở nhỏ của Hà Tê, hai người quen nhau từ hồi mẫu giáo. Anh học chuyên ngành quản lý khách sạn ở trường đại học, hai nhà lại có quan hệ khá tốt, anh vừa tốt nghiệp liền đến làm việc ở nhà hàng nhà họ Hà, hiện là quản lý nhà hàng. Thực ra  kiểu tuyển dụng này cũng có chút đặc biệt, bố Hà nhìn trúng sự cầu toàn và đôi mắt hai mí to của Trần Kinh Trúc, ông bảo khuôn mặt như vậy có sự chân thành tự nhiên, có thể chiếm được lòng tin của khách hàng. Hơn nữa, sở thích của Trần Kinh Trúc là giáo dục nhân viên và thử các món ăn để tìm lỗi, điều này giống hệt bố Hà hồi còn trẻ. 

“Đừng nói nhảm, buổi tối tớ có khách, ân nhân cứu mạng đấy, nhất định phải chiêu đãi đàng hoàng.” 

Anh thản nhiên đáp: “Gần đây có tôm tuyết, cá hố, cá chim, cá bơn…” 

“Ngoại trừ những thứ này thì sao, đang mùa xuân mà, sò hến đâu hết rồi?” 

“Có thì cũng có, nhưng ai cho cậu tới đây ăn chùa?” 

Hà Tê trợn mắt nhìn anh, cảm thấy người này có xu hướng tu hú chiếm tổ. 

6 giờ chiều, Hà Tê ngồi trước cửa đợi. Chiếc Prado màu trắng rẽ nắng vàng mà đến, tim cô đập thình thịch, cảm giác như mình sắp tham gia kỳ thi vẽ tranh và thư pháp hồi còn nhỏ. 

Cửa xe mở ra, cô liếc mắt một cái liền thấy Vưu Tự mặc áo phông trắng và quần túi hộp, thực ra anh rất cao to, có lẽ là do tỷ lệ cân đối, nên khi mặc quần áo trông gầy đi rất nhiều. Ngoài hai người đã quen, còn có một người đàn ông thắt bím tóc và hơi mập, hẳn là Viên Dã Tuyền, chồng của Vưu Phong Phong. 

Vưu Phong Phong xông tới chào hỏi, thì thầm với Hà Tê, “Hôm nay hai người mặc cùng màu nè.” 

Hà Tê nhìn xuống chiếc sơ mi trắng và quần dài màu đen của mình, có chút xấu hổ: “Đen trắng kết hợp, màu phối cơ bản thôi. Chúng ta vào trong ngồi đã.” 

“Xin chào, tôi là Viên Dã Tuyền.” Giọng nói trầm ấm từ tính, trong lễ phép còn có chút uy nghiêm. Ban đầu Hà Tê nghĩ rằng Viên Dã Tuyền không thân thiện lắm, nhưng khi anh ấy cười, đôi mắt vùi trong nếp nhăn, cũng không nghiêm túc như cô tưởng tượng. 

“Chào anh, tôi tên là Hà Tê.” 

“Vậy cửa hàng của cô tên là Sừ Hòa, chẳng phải sẽ xui xẻo sao?” Viên Dã Tuyền bông đùa.  (*)

Vưu Phong Phong chặn miệng anh ấy: “Anh làm sao hiểu được, cái này gọi là trừ Hà ra thì không ai có thể tạo ra hương vị đó.” (**)

Hà Tê bật cười rót trà Phổ Nhĩ cho họ, rồi trả lời: “Một mặt là chơi chữ đồng âm. Một mặt là để nhắc nhở mọi người quý trọng lương thực.” (***)

(*) Hà (何) và Hòa (禾) đồng âm, Sừ (鋤) và Trừ (除) đồng âm. Hiểu vui thì tên nhà hàng Sừ Hòa đồng âm với Trừ Hà (diệt trừ nhà nữ chính)

(**) Phong Phong đang chữa cháy cho chồng, ý ông chồng là “diệt” trừ Hà, còn ý Phong Phong là “ngoại” trừ Hà

(***) Sừ hòa trích trong câu “Sừ hoà nhật đương ngọ, Hãn trích hoà hạ thổ” nghĩa là: Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

“Chú dì thật là tinh tế, Viên Dã Tuyền, em nói anh nghe, bố mẹ Hà Tê…” Vưu Phong Phong vui vẻ giới thiệu với chồng về việc bố mẹ Hà Tê đi du lịch khắp thế giới, Hà Tê trộm nhìn phản ứng của Vưu Tự. Vừa về nước anh đã cạo tóc ngắn ngủn, dáng đầu anh rất đẹp, làn da thì trắng nõn. Rõ ràng có vẻ ngoài rất hiền lành, nhưng lại không thích nói cười. Mỗi khi anh híp mắt nhìn cô, cô lại vô thức bồn chồn, giống như đang nằm dưới máy quét chụp cắt lớp, bị nhìn thấu từ trong ra ngoài. 

“Tôi nghe Phong Phong nói hai người đang quay phim phóng sự. Hôm qua tôi mất ngủ, có xem các tác phẩm của các anh và rất thích chúng.” 

“Cảm ơn cô. Có tác phẩm nào khiến cô ấn tượng nhất không?” Viên Dã Tuyền cười hỏi, đôi mắt của Vưu Tự cũng chuyển từ đồ đạc bày trí trong phòng sang khuôn mặt của Hà Tê. 

“Lang thang và chết chóc.” Khi Hà Tê nói tiêu đề của bộ phim, cô thấy rõ hàng lông mày của Vưu Tự nhướng lên. 

“Cô Hà có con mắt tinh tường thật đấy. Đây là bộ phim ít nổi tiếng nhất trong số những bộ phim chúng tôi làm.” 

“Lúc đầu tôi đã thấy rất quen thuộc, phải chăng là thơ của Pushkin?”

Viên Dã Tuyền lộ ra biểu cảm tán thưởng, như gặp được tri âm, gật gù nói: “Đúng vậy, cô Hà làm nghề gì thế? Có vẻ biết rất nhiều.” 

“Tôi vẽ tranh.”   

Vưu Phong Phong cũng mới nghe lần đầu, bèn thốt lên, “Họa sĩ?”

“Cậu khiêm tốn ghê.” Trần Kinh Trúc bưng rượu nho bước vào, phản bác, “Cậu ấy có mấy tác phẩm được treo trong phòng trưng bày đấy, nhưng bình thường chẳng chịu làm việc đàng hoàng, không đến cửa hàng giúp đỡ, cũng không chuyên tâm vẽ tranh. Lúc thì đi làm thuê ở hiệu sách, lúc lại đến viện dưỡng lão chăm sóc người già, nhiều nghề phụ lắm nhưng chẳng cái nào chín cả.” 

Hà Tê trừng mắt nhìn anh ấy, vội giải thích: “Đây là Trần Kinh Trúc, bạn nối khố của tôi, trung tâm ngôn ngữ không bình thường lắm, mọi người đừng để ý.” 

“Có thể bê các món nóng lên chưa?” Trần Kinh Trúc vừa rót rượu vừa hỏi.

Hà Tê gật đầu, bàn ăn nhanh chóng được lấp đầy đồ ăn.

“Ôi chao, toàn là đặc sản mùa này. Ngao, sò, vẹm, cá chim, úi, ốc xào bơ tỏi, món ruột của tôi.” Vưu Phong Phong liến thoắng mồm miệng, vừa ăn vừa khen ngon. 

Hà Tê nhanh chóng nhận ra Vưu Tự không động đũa nhiều bèn hỏi anh: “Vưu Tự, đồ ăn không hợp khẩu vị của anh sao?”

“À không có.” Anh gắp miếng salad, giương mắt nhìn Hà Tê, “Tôi dị ứng hải sản.” 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.