Đoàn Tàu Trong Sương Mù

Chương 15



Tuy cảm giác bất an luôn quẩn quanh trong lòng nhưng Văn Tuyết vẫn quyết định được ăn cả ngã về không, coi Tôn Hách Minh như sợi dây cứu mạng, định bụng nương nương nhờ hắn thoát khỏi lồng giam của cha mẹ.

Vậy là vào lần gặp mặt thứ hai, hai người xác định quan hệ yêu đương.

Quá trình hẹn hò cũng chẳng có gì đặc sắc ngoài đi ăn, đi mua sắm, đi xem phim.

Mới đầu, Tôn Hách Minh còn tỏ ra rất lịch thiệp, không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào quá phận.

Thỉnh thoảng táy máy tay chân cũng bị Văn Tuyết lảng đi.

Có lần nọ, hắn bất ngờ cúi đầu hôn cô ngay giữa rạp chiếu phim.

Cô nghiêng đầu né tránh, nhíu mày lấy cớ: “Xin lỗi, tôi không thích mùi thuốc lá.”

Tôn Hách Minh nhún vai, “Chịu thôi, anh làm ở công ty thuốc lá mà, khó tránh khỏi bị nhiễm chút mùi.”

“Công ty thuốc lá và nhà máy thuốc lá ở hai nơi khác nhau cơ mà?”

“Vậy sau này anh bỏ thuốc nhé.” Hắn cười khẽ ghé sát tai cô, hơi thở nóng ẩm nhẹ nhàng phả ra, tỏ vẻ mập mờ, “Vì em anh có thể bỏ hết.”

Văn Tuyết rụt cổ, hất bàn tay đặt trên vai mình ra, bình tĩnh đáp: “Thế anh bỏ cái thói động chạm đi được không? Tôi không ưa tiếp xúc với người khác.”

Tôn Hách Minh nhìn cô lăm lăm, chặp sau bật cười nắc nẻ.

“Không lẽ em vẫn là gái trinh à?”

Văn Tuyết lườm hắn.

Nghe cái giọng điệu này của hắn cứ như một tay chơi thứ thiệt.

Có gì buồn cười lắm à? Tôi chưa chê cậu bẩn thì anh làm quái gì có quyền mỉa tôi không có kinh nghiệm?

Tôn Hách Minh nhận thấy cô không vui bèn ngừng cười rồi lên tiếng giải thích: “Em thế này cũng tốt mà, rất thích hợp làm đối tượng kết hôn.”

Mặt Văn Tuyết lạnh tanh.

Thấy cô không đáp, Tôn Hách Minh hơi ủ ê, “Anh đang khen em đấy.”

Văn Tuyết quay đi, không muốn nói chuyện với hắn.

Đúng là thằng ngu, chẳng lẽ hắn thực sự nghĩ “thích hợp để kết hôn” là lời khen ngợi dành cho phụ nữ đấy phỏng?
Chuyện tình nhạt nhẽo kéo dài chừng nửa năm đến khi vào một buổi hẹn hò nọ, Tôn Hách Minh bất ngờ đề nghị sang thăm nhà Văn Tuyết.

Dĩ nhiên là Văn Tuyết cảm thấy phản cảm với lời thỉnh cầu này, song cô cũng chẳng từ chối.

Sâu thẳm trong trái tim, cô thậm chí còn hơi chút chờ mong rằng nếu làm hài lòng bố mẹ, có khả năng họ sẽ đồng ý để cô dọn ra ngoài sống.

Đến khi đó, dù có ở ký túc xá cho giáo viên ở trường hay thuê một phòng đơn nho nhỏ bên ngoài cũng tốt hơn nhiều so với bây giờ.

Ngày Tôn Hách Minh ghé thăm, bà Văn dọn dẹp nhà cửa tươm tất, ông Văn khoác một cây đồ tây chỉn chu, ngay cả thằng em trai cà lơ phất phơ Văn Đạt cũng hiếm khi nghiêm túc, còn tự giác sắp xếp đồ đạc.

Cả nhà họ vây quanh Tôn Hách Minh, rót trà, châm thuốc, gọt hoa quả, ân cần hơn cả cung nữ hầu hạ thái hậu Từ Hi ngày xưa. Chỉ thiếu điều muốn đấm tay đấm chân nữa thôi.

Văn Tuyết dửng dưng quan sát, chỉ thấy hết sức nực cười.

Người xưa có câu, con rể cũng được xem như một nửa con trai. Nhưng ở nhà họ, vị rể quý này khéo còn quan trọng hơn cả con trai con gái ruột cộng lại.

Lúc ăn cơm, Văn Tuyết vờ như vô tình nhắc tới, rằng học kỳ này sắp thi cuối kỳ, thời gian tự học buổi tối kéo dài đến chín giờ, sợ về nhà muộn sẽ làm phiền đến bố mẹ nghỉ ngơi.

Đúng lúc nhà trường đang cấp ký túc xá cho giáo viên của khối lớp sắp tốt nghiệp, cô muốn chuyển đến đó để đỡ tốn thời gian di chuyển về nhà mỗi lúc tan tầm…

Cô còn chưa nói xong đã bị bà Văn gạt phắt đi.

“Không cần thiết. Trường học đâu có xa nhà là bao, con không có ở nhà ngộ nhỡ bố mẹ ốm đau thì biết làm sao bây giờ?”

Văn Tuyết lầm bầm: “Không phải có Văn Đạt ở nhà ạ?”

“Em mày chỉ biết chơi game cả ngày, chả nhờ đỡ được gì sất.”

“Vậy bố mẹ thuê giúp việc đi.”

Mẹ Văn mỉa cô: “Một tháng mày kiếm được bao tiền mà đòi thuê giúp việc?”

Văn Tuyết cả giận: “Mỗi tháng con kiếm được bao nhiêu chẳng lẽ mẹ không biết? Tháng nào lĩnh lương mẹ chả hối con chuyển tiền, còn phải đúng hạn tới ngân hàng…”

Mẹ Văn nện đũa xuống bàn, chỉ thẳng mặt Văn Tuyết mắng xối xả: “Mày thì ngon rồi! Tao với bố mày vất vả nuôi mày cả đời mà giờ đòi tí tiền phụng dưỡng mày lại ý kiến? Tiền lương mày cũng chỉ mỗi năm ngàn, tao đâu có cần nhiều, ba ngàn là đủ. Bây giờ mày ở nhà, tiền ăn tiền ở còn nhiều hơn số đấy. Tao còn cho mày thêm hai ngàn tiêu vặt, mày còn chưa hài lòng hay gì?”

Văn Tuyết đưa mắt nhìn thằng em trai đang xem kịch vui, không phục đáp trả: “Vậy Văn Đạt thì sao ạ? Sao mẹ không hỏi tiền nó ấy?”

“Văn Đạt?” Mẹ Văn xụ mặt, dí tay vào trán Văn Tuyết, “Mày làm sao mà so được với em trai mày? Nó là con trai, tiền phải giữ lại cho nó mua nhà, cưới vợ. Còn mày á, chỉ cần lấy chồng giàu là được, mấy chuyện kia mày đâu phải nhọc lòng.”

“E hèm” –

Tôn Hách Minh đằng hắng.

Vẻ mặt mẹ Văn cứng đờ, bấy giờ mới nhớ con rể tương lai vẫn còn ở đây.

Bà ta ngượng ngịu lấy lý do: “Ôi dào lại để cháu Minh phải chê cười rồi, cái Tuyết nhà dì cứng đầu cứng cổ lắm…”

Tôn Hách Minh cười xòa, “Dì nói đúng ạ, lúc nhỏ bố mẹ nuôi con, về già con phải phụng dưỡng bố mẹ mà. Nhưng Văn Tuyết cũng có lý do riêng mới muốn dọn ra ở riêng. Sau này cô ấy lập gia đình, đâu thể cứ ở nhà mãi được? Hay thế này, cháu có một căn nhà rất gần trường, cứ để cô ấy chuyển đến sống ở đó. Môi trường lành mạnh nên chú dì không phải lo về an ninh đâu ạ.”

Văn Tuyết sửng sốt.

Mẹ Văn cũng không khác gì cô, tâm trạng vui buồn đan xen, bà ta gạn hỏi: “Đấy là nhà của cháu à? Có sống chung với gia đình không? Nhưng mà nó chưa gả qua, dọn đến sớm sợ là không tốt lắm cho danh tiếng của nó…”

Tôn Hách Minh kiên nhẫn giảng giải: “Đây là nhà cưới bố mẹ chuẩn bị cho cháu, đã trang hoàng hết rồi, bây giờ không ai sống ở đó cả.”

“Nhà cưới?” Mấy cặp mắt đồng loạt lia về phía hắn.

Tôn Hách Minh nắm tay Văn Tuyết, cười với cô xong quay đầu nhìn ông bà Văn: “Cháu và Văn Tuyết tính cuối năm cưới, hôm nay đến là muốn bàn bạc với chú dì chuyện này đây ạ.”

Hô hấp Văn Tuyết dồn dập, đầu óc rối bời.

Cuối năm nay? Chuyện này được quyết định từ khi nào thế?

Sao không hỏi ý của cô trước khi đến bàn bạc với bố mẹ cô?

Bàn ăn rất yên tĩnh, ai cũng ôm lòng riêng.

Tôn Hách Minh đứng dậy, hai tay cầm thẻ ngân hàng kính cẩn đưa cho ông bà Văn.

“Chú, dì, đây là chút tâm ý của cháu. Chú dì cứ yên tâm, cháu sẽ chăm sóc Văn Tuyết thật tốt ạ.”
Văn Tuyết thấy mẹ mình mừng húm, ỡm ờ nhận lấy tấm thẻ mới chợt vỡ lẽ mình vừa bị bán.

Một cách chính đáng, được bao bọc dưới lớp vỏ của sự hân hoan, nhận lời chúc phúc từ tất cả mọi người.

Chẳng lẽ hôn nhân vốn là một cuộc giao dịch?

Lúc tiễn Tôn Hách Minh xuống lầu, Văn Tuyết bứt rứt nện bước xuống đất. Hòn đá va vào góc tường phủ đầy rêu rồi lăn lông lốc vào cống nước.

Phía sau vang lên giọng nói ngập tràn áy náy của Tôn Hách minh: “Văn Tuyết, chuyện này lỗi do anh, anh nên bàn với em trước mới phải. Nhưng mà anh cũng bất ngờ quá… Tuần trước bà anh lên cơn đau tim, may mắn đưa đi bệnh viện kịp thời nên mới cứu được.”

Văn Tuyết quay lại nhìn hắn.

Cô biết, nếu là bạn gái, sau khi nghe những lời này vốn nên tỏ ra quan tâm lo lắng, nhưng cô không muốn cứ giả vờ giả vịt mãi nữa.

Tôn Hách Minh nghênh đón ánh mắt cô, tiếp tục phân trần: “Trước giường bệnh, bà nắm chặt tay anh bảo mình chẳng còn mấy thời gian nữa. Trước lúc lâm chung bà muốn tận mắt thấy anh lập gia đình, đây là di nguyện cuối cùng của bà nên anh đã lập tức đồng ý, trước cuối năm nay nhất định phải mang về cho bà một cô cháu dâu.”

Vốn là một câu chuyện cảm động nhưng rót vào tai Văn Tuyết lại trở nên hết sức vô vị.

“Cho nên anh tự tiện quyết định ngày cưới?”

Tôn Hách Minh vặn lại: “Sớm muộn gì chúng ta cũng kết hôn mà? Quyết định sớm chẳng phải càng tốt ư?”

Văn Tuyết cụp mắt, lảng tránh vấn đề hắn đặt ra, im lặng thật lâu mới nói: “Chưa đến hai tháng nữa là Tết rồi, không kịp đâu.”

Tôn Hách Minh thấy thái độ cô cuối cùng cũng dịu lại, bèn vội vàng phân trần: “Kịp hết. Tìm một công ty tổ chức kết hôn, họ sẽ lo hết từ A tới Z cho em.”

Lòng Văn Tuyết ngổn ngang không rõ nguyên do, nhưng cô không thể hạ quyết tâm được, chỉ đành trả lời qua quít: “Để tôi suy nghĩ đã.”

“Được!” Tôn Hách Minh đáp, hỏi cặn kẽ: “Thế khi nào thì em định chuyển?”

Văn Tuyết bất ngờ, “Chuyển đi đâu?”

“Nhà cưới của hai ta!”

“…” Văn Tuyết do dự, “Đợi kết hôn đã rồi tính sau.”

Tôn Hách Minh bị cô chọc tức, “Khó lắm mới thuyết phục được bố mẹ em, vậy mà em lại không muốn chuyển đi? Chẳng lẽ em vẫn còn muốn ở với họ?”

Dĩ nhiên dọn ra ở riêng thì thoải mái hơn. Nhưng nếu chuyển vào nhà cưới đồng nghĩa với việc phải sống chung với Tôn Hách Minh, chuyện kết hôn chắc chắn không thể thay đổi…

Văn Tuyết đột nhiên cảm thấy cáu kỉnh.

Sao phải vội?

Ngẫm nghĩ thật lâu, cuối cùng Văn Tuyết quyết định: “Trước mắt không chuyển ra ngoài. Cứ đợi chuyện kết hôn đâu vào đấy đã rồi tính tiếp.”
Suốt một tuần đó, Văn Tuyết còn chưa nghĩ ra nên trả lời Tôn Hách Minh thế nào thì đã bị giáng cho một đòn không kịp trở tay.

Sau khi tan làm, đồng nghiệp bí mật kéo cô đến văn phòng, úp úp mở mở hỏi cô có phải sắp mua nhà không.

Văn Tuyết không hiểu đầu cua tai nheo thế nào, “Đâu có.”

“Sáng nay chị gặp bố mẹ với em trai em ở công ty môi giới nhà đất Vườn Hoa Minh Phát đấy.” Vị đồng nghiệp này sống ở gần nhà Văn Tuyết nên thường hay nhìn thấy gia đình cô.

“Sao họ có tiền mua nhà được? Có khi chỉ thuận đường ghé sang xem thôi.” Khi nói những lời này, tự Văn Thuyết cũng thấy chột dạ.

Đồng nghiệp đá lông nheo với cô, cười nói: “Chẳng phải em chuẩn bị cưới à? Chắc là mua nhà cho em đấy.”

Văn Tuyết ngạc nhiên: “Sao chị biết em sắp kết hôn?”

“Mẹ em chứ ai, bà ấy gặp ai cũng nói con gái tìm được chồng tốt, chim sẻ sắp biến thành phượng hoàng tới nơi rồi.”

Văn Tuyết: “…”

Giờ nghỉ trưa, cô tranh thủ chạy về nhà, vừa vào cửa đã thấy ngay một xấp tờ rơi đặt trên bàn.

Chữ quảng cáo bên trên vô cùng bắt mắt, đứng xa vài mét vẫn nhìn rõ mười mươi: “Vườn Hoa Minh Phát, bất động sản cao cấp, giá trung bình chỉ một vạn ba…”

Văn Tuyết cầm lấy lật từng trang một, phía dưới là thư ngỏ mua nhà, ở góc phải có chữ ký của Văn Đạt.

À… Cô thầm cười khẩy.

Cô đang hy vọng gì cơ chứ?

Dĩ nhiên bố mẹ mua nhà cho Văn Đạt. Đấy là đứa con trai vàng bạc, người sẽ nối dõi tông đường của họ cơ mà. Ngay cả khi nó là một thằng vô tích sự, chỉ biết ở nhà ăn bám bố mẹ thì vẫn hơn trăm vạn lần đứa con gái là cô.

Văn Tuyết vọt vào bếp, dọa bà Văn đang xào nấu bên trong giật thót cả mình.

“Ô hay, sao tự nhiên lại về rồi? Không phải mày bảo trưa nay ở lại trường à?”

Văn Tuyết giơ thư ngỏ mua nhà trên tay, nhìn bà Văn không chớp mắt, run giọng hỏi: “Bố mẹ mua nhà rồi ạ?”

“Đúng thế.” Bà Văn yếu thế, hiếm khi không dám nhìn thẳng vào mắt cô.

“Chỉ đứng tên một mình Văn Đạt?”

“Không vậy thì thế nào?” Bà Văn tắt bếp, cất giọng gay gắt, “Xã hội này tàn khốc lắm, không có nhà thì không cưới vợ được, mày nỡ nhìn nó độc thân cả đời à?”

Văn Tuyết không buồn tiếp chuyện bà ta, “Cọc năm mươi vạn, bố mẹ lấy tiền ở đâu ra?”

Bà Văn đáp đầy tự tin: “Lần trước không phải thằng Minh cho hai mươi vạn hả, còn tiền lương tháng mày gửi tiết kiệm nữa, cũng gần mười lăm vạn đấy thây.”

Tiền cưới của cô, tiền lương mấy năm nay cô tích cóp, cuối cùng lại thành tiền cho em trai?

Văn Tuyết cố dằn lại cảm giác chua chát trong lòng, duy trì nét mặt bình thản: “Nếu đã là tiền do con bỏ ra thì căn nhà này nên đứng tên con mới phải.”

Bà Văn tròn xoe mắt như thể vừa nghe thấy chuyện gì khó chấp nhận lắm, “Cái gì mà tiền của mày cơ? Đó là tiền phụng dưỡng mày cấp cho bố mẹ, bố mẹ thích cho ai thì cho. Với lại mày đàn bà con gái, lấy nhà lấy cửa làm gì? Không phải thằng Minh nó sắm sửa nhà cưới cho mày rồi đấy sao?”

Văn Tuyết phẫn nộ không thốt nên lời, chỉ còn biết cười châm biếm, nụ cười chất chứa tuyệt vọng lẫn bi thương.

“Nói đến tiểu Tôn ấy à,” Bà Văn chợt nhớ ra gì đó, nhất thời hớn ha hớn hở ra mặt, “Nhà bên ấy là do nó giới thiệu cho. Bên kia là chỗ thân quen với nó, còn tính giá ưu đãi cho bố mẹ. Trả góp lần đầu chỉ mất ba lăm vạn! Văn Tuyết à, mày lấy được tấm chồng tốt rồi con ạ!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.