Đoạt Hồn Kỳ

Chương 81: Thành công mỹ mãn



Vị thiếu niên anh tuấn hấp dẫn này, chính là cái lốt đã hóa trang của Vương Thiên giáo chủ Tỉ Vương, A Hương cũng biết rõ như vậy, nhưng vì sự khích lệ của Hạ Quyên, nên nàng đã vững lòng tin tưởng, hơn nữa chuyến này lại vì Thôi bá bá, càng phải mạo hiểm để quay quần với ma quân này; nghĩ vậy nàng càng e lệ thẹn đỏ bừng mặt, khiến cho Tỉ Vương ngây ngất say đắm về phong độ của nàng.

Tỉ Vương lẩm bẩm rằng:

- Chút quà nhỏ nhen, mong cô nương vui lòng nhận cho!

A Hương ung dung nhận, Tỉ Vương lại mời nàng ngồi, nàng không cự tuyệt, vén ngay áo ngồi xuống đám cỏ xanh mướt.

Tỉ Vương thấy A Hương buồn rầu, khẽ thở dài hỏi ngay:

- Kìa cô nương, có chuyện gì khiến cô nương buồn?! Nếu có chuyện gì khiến cô nương vui được, dù cho là trăng sao trên trời, tiểu sinh cũng cố tìm cho bằng được để mua nụ cười vui tươi của cô...

Giọng A Hương thỏ thẻ nói:

- Xưa kia tôi không biết cảm giác buồn rầu là gì! Nhưng từ khi Thôi bá bá bị hãm trong ao Thiên Nhẫn Chiêu, tôi không thấy và không nghe được giọng ông ta, nên cái buồn ghê gớm đã xâm chiếm trọn vẹn tâm tình của tôi...

Tỉ Vương nghe xong cười nói:

- Tiểu sinh ngỡ chuyện gì đã khiến cô nương mất vui thì ra là vậy. Hà! Hà!... Việc này dễ giải quyết lắm?

A Hương vờ kinh ngạc hỏi:

- Trời ơi!... đến như anh Chu Hoàng, dì Hạ Quyên, chị Văn, anh Sở Canh,... họ đều thúc thủ chịu trận, không lý công tử lại có cách gì sao?

Tỉ Vương cười:

- Đương nhiên! Đối với sự thoát hiểm của Thôi Bác, tiểu sinh coi dễ như trở bàn tay... - mắt Tỉ Vương đảo nhanh và nói tiếp: - Nhưng... tiểu sinh có một yêu cầu nhỏ nhen, nếu cô nương vui lòng chịu sống chung với tiểu sinh cho mãn kiếp, tiểu sinh sẽ lập tức lo cứu ngay ông ta...

A Hương cố ý trầm lặng một hồi rồi nói:

- Miễn sao công tử còn sống trên đời ngày nào, tôi sẽ sát bên cạnh công tử ngày đó...

Nghe câu nói này, Tỉ Vương xao xuyến trong tâm hồn, nhưng cũng lập tức có ý nghi ngờ ngay, rõ ràng là câu nói của cô bé này có sự ám chỉ gì đây nên mới nói thế!

Nhưng Tỉ Vương lại nghĩ võ công tuyệt luân của mình, trên giang hồ, có thể nói là vô địch trong thiên hạ, huống hồ lại có Lãnh điện tỉ thủ, Tiểu Đoạt Hồn Kỳ và Lệ thủy tinh kiếm; nay lại nô dịch hầu hết anh hào trong thiên hạ để sáng lập Vương Thiên Giáo, oai thế lừng lẫy, ai sánh bì cho lại! Dưới vòm trời này, ai có thể giết nổi mình?

Bỗng Tỉ Vương lại trở về hẳn với thực tế trước mắt ràng:

- Tiểu sinh cũng chẳng cần giấu gì cô nương, nguyên dưới ao Thiên Nhẫn Chiêu ấy kỳ hiểm vô ngần, phàm người bị rớt xuống đó, tuyệt không thể nào cứu nổi, nhưng tiểu sinh đã cho dùng lưới chăng sẵn bên dưới, chỉ cần bấm nút cơ quan để thu lưới, Độc chỉ Thôi Bác có thể nhảy lên ngay. Và kẻ giữ nút cơ quan ấy là một linh hầu (khỉ khôn), tiểu sinh chỉ cần sai kim phi xà bay xuống dưới hang động bí mật ấy, linh hầu sẽ biết ngay ý định của ta và thả người ra ngay...

Nói tới đây, Vương bèn đưa ra ngay chiếc lọ nhỏ đựng rắn vàng, lẩm bẩm như đọc thần chú, rồi thả ngay kim phi xà bay vọt đi. A Hương hơi vững tâm, nàng cũng phát giác Thượng Quan Linh và Chu Hoàng đang nấp trong cánh rừng để canh chừng biến động.

Đây là kế hoạch của Hạ Quyên, nghĩa là khi thấy Thôi Bác thoát hiểm, Thượng Quan Linh và Chu Hoàng sẽ ra tay ngay với Tỉ Vương.

Quả nhiên chuyến này đã đúng như sự dự đoán của Hạ Quyên, dẫu cho khôn mười năm, đố ai tránh khỏi dại một phút, như thế cũng đủ chết người rồi... chỉ nội một phút này cũng đủ chết người rồi... Tỉ Vương ngờ đâu cô bé A Hương ngây thơ hồn nhiên này, quyết không thể nào giở được trò nguy hiểm gì với mình.

Trong lúc Tỉ Vương đang say đắm trầm lặng về sắc đẹp ngây thơ của A Hương, hai cao thủ đã lén lẻn đến trong cánh rừng.

Chỉ nghe Tỉ Vương đứng kề cạnh tuyệt thế mỹ nhân, ôn tồn hỏi:

- Cô nương, cô sẽ vui lòng sống suốt đời với tôi chứ!

A Hương hiểu ngay câu nói sống suốt đời của Tỉ Vương là ám chỉ tới sống của tình vợ chồng, nàng bất giác đỏ ửng mặt e lệ cúi đầu, Tỉ Vương đắm đuối với nét đặc sắc của nàng và lúc này đã hoàn toàn chìm trong cảm giác hạnh phúc!

Từ trong mình, Tỉ Vương lấy ngay ra lá cờ nhỏ quái dị giao cho nàng A Hương để làm lễ vật. A Hương biết ngay lá cờ này là Tiểu Đoạt Hồn Kỳ nhưng để phù hợp với kế hoạch của Hạ Quyên, nàng vẫn hỏi han về lai lịch chức cờ, Tỉ Vương bèn giải thích đây là một báu vật vô cùng quý hóa, và mười tám chữ Phạn trên cờ ấy nguyên là một võ học để tu luyện về nội công, nếu ai có thể thông hiểu, võ công kể như vào hạng tuyệt đỉnh, không còn ai sánh kịp.

A Hương cầm xem xong cười rằng:

- Trong ba thứ báu vật của công tử, tôi đã được thấy hai, nhưng còn một thứ không được xem!

Tỉ Vương tần ngần một chập nói:

- Lãnh điện tỉ thủ thả ra là giết người, xưa nay tôi chưa hề cho ai thấy bao giờ... nay... thôi vậy... cũng bởi ta đã quá mến yêu em, và trước sau gì em cũng thành người vợ yêu quí của anh, cho em xem cũng chẳng sao...

Dứt lời vén luôn cánh tay áo bên trái lên, A Hương kinh ngạc thấy một sợi xích bạc rất nhỏ dính ngay vào chuôi Tỉ thủ, óng ánh sáng chói, nhìn kỹ thấy sợi xích bạc nhỏ ấy cuốn chặt Tỉ thủ vào cánh tay!

Nhưng kỳ lạ nhất là về sợi dây xích, một đầu buộc vào chuôi ngọn dao quái gở, còn đầu xích nọ lại như bị khảm hẳn vào trong thớ thịt ở bắp tay của Tỉ Vương, trông như sợi xích đã từ trong mọc ra.

A Hương lấy làm lạ hỏi, Tỉ Vương nhìn nhận quả là sợi dây xích ấy đã khảm hẳn vào xương cánh tay của mình, và như thế ngọn Tỉ thủ mới không bao giờ rời khỏi ngay được, khi phóng ra để giết địch, chỉ trong chớp mắt lại về ngay trong tay mình; đồng thời ngọn tỉ thủ đều chế bằng thứ thép quí miền Đại Hô cực bắc sắc bén vô cùng. A Hương nghe xong nhất định nằng nặc đời cho bằng được ngọn Tỉ thủ.

Tỉ Vương tuy đắn đo, nhưng vì yêu, nên đã gật đầu bằng lòng, cũng không biết Tỉ Vương đã dùng phương pháp gì, chỉ trong chốc lát, đã tháo ngay ngọn Tỉ thủ trong cánh tay ra với sợi xích và giao ngay sang. A Hương sau khi cầm ngọn Tỉ thủ trên tay, nàng có cảm giác ngọn ỉ thủ này như muốn bay ra khỏi tay. Tỉ Vương đứng cạnh giải thích Lãnh điện tỉ thủ này gần như đã thành một linh vật, khi cắm vào thân nạn nhân đều làm cho khô máu, nên sau khi giết người xong không hề thấy máu chảy ra, và nó hành động theo ý muốn người sử dụng, ra tay không lần nào sai đích được!

A Hương tươi cười và bỗng nhiên nói:

- Anh ơi!... Em thích đóa hoa vàng đằng kia, anh lại hái cho em đi... - nói xong đưa tay chỉ sang phía trước.

Vương Thiên giáo chủ Tỉ Vương lúc này đã bị tiếng gọi anh ơi của nàng Hương bắt hết hồn vía, sự ngây thơ về ái tình của Tĩ Vương đã bắt đầu phát động một cách tuyệt độ, y không do dự gì, bước ngay ra phía đóa hoa.

Sau cùng, khi Tỉ Vương đã cầm đóa hoa trên tay, thình lình một tiếng cười lạnh, trước mặt nhoáng nhanh một bóng người, một thiếu niên công tử tay cầm kiếm chận ngay lối.

Vương Thiên giáo chủ nhận ngay ra thiếu niên là con trai của Hoàng Đạo chúa là Chu Hoàng. Nhưng Tỉ Vương vẫn ung dung rằng:

- Hừ! Ta đã biết rõ lai lịch của ngươi. Nhưng ngươi cũng đừng hoảng sợ, tuy xưa nay hễ ai nhận được ta là Tĩ Vương đều mất mạng ngay, nhưng chuyến này, bản giáo chủ đã thay đổi tính tình, đặc biệt ra ân cho các ngươi gia nhập vào Vương Thiên Giáo của ta tổ chức, cùng nhau sống cảnh thái bình vinh hoa! Vậy ta không chấp những tiểu tiết nhỏ nhen làm gì! Vậy ta mong ngươi hãy gia nhập vào Vương Thiên Giáo và ngày rằm tháng tám này được tổ chức tại Sắc Lư Tự miền Mạc Bắc, sau khi giáo phái thành lập chính thức xong, chúng ta sẽ tính đến công nghiệp phản Thanh phục Minh, và kho tàng của ngươi sẽ được sử dụng trong đại nghiệp này... những ngày phú quí vinh hoa rực rỡ sắp đến với chúng mình...

Chu Hoàng không để Tỉ Vương nói hết, bỗng lên tiếng nói lớn:

- Tỉ Vương! Nhà ngươi đã đến ngày tận số rồi, nay ta sẽ thanh toán mối thù của cha ta xưa kia!

Tỉ Vương biết ngay chuyện chẳng lành, công lực của Chu Hoàng chẳng qua được sự chân truyền của Tây đạo Thiên Si, dù cho y có được thêm chân truyền của Độc chỉ Thôi Bác, cũng không dám ngang nhiên đối địch với Tỉ Vương! Nhưng Vương Thiên giáo chủ đã nghi ngay đây là cả một âm mưu kế hoạch mà đối phương đã sắp xếp, mình sơ ý thiếu cẩn thận, nên đã mắc bẫy địch.

Tỉ Vương giật mình khi nghĩ đến ngọn Lãnh điện tỉ thủ đã nằm trong tay A Hương. Vội quay nhanh thân lại, chợt Tỉ Vương lại bắt gặp ngay chàng thiếu niên mà y vừa sợ vừa mến là Thượng Quan Linh, lúc này đứng chặn ngay lối tiến về hướng A Hương của Tỉ Vương.

Dù cho Tỉ Vương là tay lợi hại đến đâu, lúc này cũng không khỏi ý lên một tiếng. Nhưng quả y không hổ danh là vị ma quân ghê gớm, chỉ thoáng mắt, y đã trấn tĩnh được ngay tinh thần, mỉm cười hỏi:

- Thượng Quan Linh! Chuyến này chắc ngươi đã chịu phục rồi chứ? Kìa liễu Mi đâu?

Thượng Quan Linh quát:

- Tỉ Vương! Hôm nay là ngày tận số của ngươi! Vậy trước khi nhắm mắt qua thế giới u minh, hãy thưởng thức môn tuyệt học Hữu Duy Na chưởng pháp trong Vô Tướng thần công của ta cho biết.

Dứt lời, Thượng Quan Linh phát động ngay thế đánh một gối nhẹ co, song chưởng chia ra một thiên một địa, nhanh như chớp, ào một tiếng, ngọn kình phong đánh thốc ngay sang phía Tỉ Vương. Đồng thời phía sau lưng Tỉ Vương, Chu Hoàng cũng quát lên một tiếng, cây trường kiếm vung ngay ra tiến đánh; Tỉ Vương bị lưỡng đầu thọ địch (đầu đuôi bị đánh)! Tỉ Vương lạnh lùng cười thình lình nhảy tung mình lên không để tạm tránh hai thế đánh quá dũng mãnh của hai thiếu niên! Soạt một tiếng, Tỉ Vương rút luôn ngọn Lệ thủy tinh kiếm bên mình, đánh chớp nhoáng sang phía Chu Hoàng! Chu Hoàng lúc này dồn hết tinh thần để trả thù cho cha, nên không hề để ý đến ngọn Lệ thủy tinh kiếm trên tay Ti vương, bỗng cheng leng một tiếng, kiếm của Chu Hoàng bị tiện đứt đôi.

Chu Hoàng vội tung mình nhảy tránh, nhưng công lực của Tỉ Vương đâu phải hạng xoàng, chỉ nghe ào một tiếng, ngọn kình phong quất trúng ngay Chu Hoàng. chàng ngã sấp ngay dưới mặt đất.

Ngay lúc đó thì ngọn kình phong của Thượng Quan Linh cũng áp tới phía sau Tỉ Vương, Vương Thiên giáo chủ thình lình cảm thấy áp lực phía sau nặng nề, bắt buộc buông Chu Hoàng để quay về lo nghênh địch!

Thấy sư huynh Chu Hoàng bị thương ngã lăn trên mặt đất, Thượng Quan Linh hoảng hốt và đã cố gắng tung hết các oai lực trong ngọn Duy Na Chưởng ra để áp đánh kịch liệt, trong chớp mắt khiến cho Tỉ Vương không thể nào làm gì Chu Hoàng được! Thượng Quan Linh vừa đánh vừa liếc mắt nhìn Chu Hoàng, thấy chàng đã ngồi được dậy và đang cố gắng vận công để trị thương. Thượng Quan Linh hơi an tâm và vội tập trung hết tâm thần lo đối phó với kình địch ghê gớm trước mặt, chàng nhớ kỹ các thế tuyệt diệu trong Duy Na Chưởng mà đã được Bách Lỗ Thượng Quan Tứ chỉ dạy. Sau hai mươi đòn đánh như vũ bão, Thượng Quan Linh đã cảm thấy các bộ tấn của mình đã vững chắc!

Lúc này, trong trận quay cuồng sống chết với nhau, bên ngoài A Hương và Chu Hoàng hồi hộp khẩn trương tột độ mấy lần A Hương tính phóng ngọn Lãnh điện tỉ thủ, nhưng nàng lại e sợ tĩnh vật này nhận được chủ cũ thì nguy hết cho mọi người, nên thẫn thờ không dám ném ra. Còn Thượng Quan Linh lúc này thừa biết hai báu vật Tiểu Đoạt Hồn Kỳ và Lãnh điện tỉ thủ này đã không nằm trong tay vị ma quân, chàng càng tin tưởng và đánh mạnh hơn bao giờ hết!

Chớp nhoáng, chỉ còn cảm thấy những ngọn gió ào ạt do Hữu Duy Na chưởng pháp gây ra, chỉ thấy cánh rừng rào rạt nghiêng ngửa lá bay tung trời.

Vương Thiên giáo chủ đã núng thế, cảm thấy kém thế, thình lình lừa cơ tung vọt mình sang phía A Hương hấp hối nói:

- Em Hương! Mau trả ngọn Lãnh điện ti thủ cho anh đi!

Nhưng A Hương đã kinh hoàng thất sắc! Tỉ Vương đã chợt hiểu: đã mắc mưu địch, nhưng đau khổ nhất lại bị chính nàng Hương lừa luôn hai báu vật sống chết của mình, báu vật đã mất, Thôi Bác đã thả ra, trời ơi... đúng là đời tàn và anh hùng mạt lộ... Vương Thiên giáo chủ lúc này quá bi uất, hét lên một tiếng kinh khủng, giương ngay song trảo qua chụp nàng Hương!

A Hương hét rú lên một tiếng:

- Anh Linh! Hãy nhanh tay!

Dứt tiếng, nàng mạo hiểm tung ngay ngọn Tiểu Đoạt Hồn Kỳ và Lãnh điện tỉ thủ ra! Làn ánh quang nhoáng lóe mắt mọi người, chỉ thấy Thượng Quan Linh và Tỉ Vương đều tung thân pháp nhanh tuyệt lên để cướp báu vật... Tỉ Vương không hổ danh là đệ nhất cao thủ ma quân, tay y đã chụp được sợi xích bạc nhỏ trong tay, y cười đắc trí và nham hiểm, sửa soạn tung ra để đoạt mạng địch...

Trong cơn kinh hoàng ngộp thở ấy, chi nghe bụp một tiếng, nơi eo của Ti Vương đã bị một vật đen thui thủi đâm trúng toàn thân Tỉ Vương lảo đảo...

Trong chiến trận, ngọn Lãnh điện tỉ thủ đã bị Tỉ Vương quăng bung lên không, ánh chớp loang loáng; Thượng Quan Linh nắm ngay cơ hội ngàn năm một dịp này, tiến nhanh thân vào, quát lên một tiếng dữ dội, phạt bung ngay ra một chưởng!

Chính ngọn chưởng này lại đúng nhằm ngay ngọn thứ bốn mươi chín trong Duy Na Chưởng là ngọn Huyết lệ đảo lưu một ngọn chưởng lợi hại và kinh rợn nhất! Ai nấy đều nghe tiếng rú thê thảm vang lên, trên ngực Tỉ Vương đã bị ngọn Lãnh điện tỉ thủ găm ngay nơi ngực. Thì ra ngọn chưởng Huyết lệ đảo lưu của Thượng Quan Linh đã nhắm ngay ngọn Lãnh điện ti thủ phạt ra và khiến cho ngọn tỉ thủ quay ngược chiều găm vào ngực của Tỉ Vương.

Ti Vương lúc này loạng choạng với vết thương nơi eo và ngọn Lãnh điện tỉ thủ trên ngực, sau khi lui được vài bước, bỗng ngã bịch ngay xuống đất.

Thượng Quan Linh như vừa tỉnh cơn ác mộng, chàng vội bước nhanh tới, chụp ngay sợi xích bạc thu ngọn Lãnh điện tĩ thủ!

Vết thương trên ngực của Tỉ Vương không hề để lại chút máu nào, một kiếp người tàn ác đã lãnh hết những ác quả của mình, và chính lại chết về ngọn Tỉ thủ mà y vẫn tự tin!

Thượng Quan Linh khi biết chắc Tỉ Vương đã chết; chàng mới khẽ tiếng khấn vái lẩm bẩm: Kính thưa vong hồn song thân, và quí vị lão tiền bối đã bị thiệt mạng về Tỉ Vương... nay mối thù huyết hải đã được trả xứng đáng! mong sao quí vị được mỉm cười nơi chín suối... Khấn xong, chàng nghẹn ngào ứa nước mắt.

Thượng Quan Linh định thần nhìn kỹ thấy cảnh vật chung quanh mình, chợt chàng thấy A Hương đã ngất đi vì hoảng khiếp, nơi eo của Tỉ Vương lại bị găm ngọn Tiểu Đoạt Hồn Kỳ.

Thì ra, khi nàng Hương quăng hai ngọn báu vật ra, ngọn Tiểu Đoạt Hồn Kỳ đã rớt ngay cạnh Chu Hoàng, và Chu Hoàng thấy tình thế quá nguy, chụp nhanh ngọn cờ nhắm mắt phóng liền, nào ngờ lại may mắn trúng địch, nên mới cứu vãn nổi tình thế nguy nan và Thượng Quan Linh mới thành công thuận lợi được như thế!

Còn Chu Hoàng sau khi vì dùng sức quá độ nên lại ngất lăn ra mặt đất thiếp luôn.

Thượng Quan Linh vội huýt sáo đánh tiếng gọi mọi người. Chẳng bao lâu, Hạ Quyên và Chu Văn dìu đỡ Độc Chỉ Thôi Bác đến, phía sau là ba mẹ con họ Châu, Sở Canh và con thần ưng Đại Hắc.

Quần hiệp đến nơi, thấy đại công đã thành, Tỉ Vương đã đền tội ác, Thượng Quan Linh đứng ngẩn người, A Hương và Chu Hoàng hồn mê bất tỉnh dưới đất!

Thượng Quan Linh hình như đã mệt quá sức! Quần hiệp vừa kinh vừa mừng, Độc chỉ Thôi Bác vội ngồi ngay xuống lo bắt mạch cho ba người, xong phân chia công việc cho mọi người lo cứu trị nội thương cho Chu Hoàng, chẳng bao lâu họ đều tỉnh lại hết.

Quần hiệp lúc này muốn xem bộ mặt thật của Tỉ Vương, nhưng Độc chỉ Thôi Bác ngăn cản ngay, chắc khuôn mặt của Tỉ Vương có khuyết điểm kinh tởm ghê gớm, nên đã không muốn để cho người đời biết đến, hơn nữa, ở đây phần đông là các nữ hiệp, thế nào cũng kinh hoàng không ít, tốt hơn đừng xem làm gì. Dứt lời sai Đại hắc tha ngay xác thết của Tỉ Vương quăng ngay xuống ao thung lũng của Thiên Nhẫn Chiêu. Quần hiệp lo nghỉ ngơi mấy ngày để khôi phục sức khỏe, rồi bàn tính lên miền Mạc Bắc để trừ tiệt luôn bè đảng của Tỉ Vương là nhóm âm ty tú tài Trần Thân và Lân vương Cổ Thái Huyền.

Độc chỉ Thôi Bác bèn thúc lãnh quần hiệp và Đại Hắc bắt đầu khởi trình đi Mạc Bắc. Đầu tháng tám, quần hiệp đã đến Sắc La Tự Mạc Bắc, ai nấy hồi hộp không biết tình hình ra sao. Họ chỉ nghe tiếng chuông văng vẳng vọng từ Sắc La Tự ra, quần hào đều lo chuẩn bị khí giới sẵn sàng. Trong tiếng chuông ngân vang ấy, một đoàn Lạt ma sư sãi tiến ra nghênh đón, người dẫn đầu Lạt ma là Pháp Sơn lạt ma. Tiếng hoan hô vui mừng vang, ai nấy vui vẻ tay bắt mặt mừng, hỏi han rối rít, đưa nhau vào Sắc La đại tự, các tăng lữ trong tự đều cung kính nghênh đón quần hiệp, khi đến ngôi đại điện, thấy bốn vị xếp thành hàng ngang đứng đón ngay cửa điện.

Thượng Quan Linh vui mừng reo lên, thì ra bốn vị đó là Càn Khôn Tứ Tuyệt Bắc Kiếm, Tây Đạo, Đông Tăng, Nam Bút!

Hạ Quyên thấy mặt phu quân may mắn thoát nạn, nàng cũng quên mất lễ phép của cửa Phật, chạy ngay lại rúc ngay vào lòng Nam Bút mừng mừng tủi tủi, cười khóc lẫn lộn, Chu Hoàng dắt ngay em gái lại thăm hỏi sức khỏe của ân sư Tây đạo Thiên Si, còn Thượng Quan Linh thì bị vị sư bá say Đông Tăng ôm chầm lấy cười híp mắt lại vì sung sướng được thấy vị sư điệt đáng yêu. Bắc Kiếm tươi tỉnh niềm nở với khắp mọi người, trong bầu không khí nhộn vui ấy, Pháp Sơn lại báo cho mọi người sửa soạn nhập tiệc chay của nhà chùa để tẩy trần. Mọi người vui cười đưa nhau vào đại sảnh dùng tiệc chay.

Trong bữa tiệc, Nam bút Gia Cát Dật kể ra đầu đuôi câu chuyện: hóa ra Tả Pháp Thụ tôn giả quả là một tay cừ khôi xuất chúng, sau khi đơn thân độc mã đến Mạc Bắc, dò la được nơi giam giữ bốn vị Càn Khôn Tứ Tuyệt đã giết luôn đám Kê Vĩ Bang để cứu bốn vị thoát nạn, và tiến thẳng ngay về Sắc La Tự.

Trong khi đó đám chó săn của Tỉ Vương, Âm ty tú tài Trần Thân, Lân vương Cổ Thái Huyền, và cả nhóm Thái Hành Lục Khấu, Điểm Thương Hoàng Kha, cha con Chung Thiên Thu đều đang sửa soạn cuộc tiến đánh Sắc La Tự, mục đích chính là để mở cuộc khai đàn lập giáo lần thứ hai; phần đông các quần hào lại ngán sợ oai quyền của Tỉ Vương, không ai dám cãi lệnh, đang lúc nguy cấp thì nhờ Tả Pháp Thụ và Càn Khôn Tứ Tuyệt đến kịp, thoạt tiên là ra hiểu dụ cho mọi người đừng nên để Tỉ Vương lợi dụng, nên mau cải tà qui chính để sống một đời với sự nghiệp chính đáng trong võ lâm.

Nhưng quần hào e ngại thế lực của Tỉ Vương, phần lại có Trần Thân và Cổ Thái Huyền nắm quyền sát sinh trong tay, nên không ai dám ngang nhiên đứng ra phản đối đôi bên đành phải giải quyết dứt khoát bằng võ lực.

Thế là cuộc đại chiến ở Sắc La Tự nổ ra, Tả Pháp Thụ và Càn Khôn Tứ Tuyệt đành dọn hết các ngọn tuyệt kỹ bình sinh của mình ra tung hoành với dư đảng của Tỉ Vương, đồng thời Pháp Sơn cũng lo thúc lãnh các Lạt ma trợ chiến hăng hái, kết quả tà khó thắng chánh, số tử vong bên quần ma mỗi lúc một tăng thêm, chỉ riêng Phi ngô tiêu Lỗ Tiến và Thiên thủ quan âm Từ Lai trong nhóm Thái Hành Lục Khấu biết đường lo rút lui tẩu trước.

Nhưng có chuyện đáng buồn nhất là trong lúc Càn Khôn Tứ Tuyệt lo càn quét tận diệt đám tử đảng Trần Thân, thì cũng phát hiện Tả Pháp Thụ đã hạ sát được Lân vương Cổ Thái Huyền, nhưng trước khi chết, Cổ Thái Huyền đã kịp ném ra một Hỏa đạn gây thương tích trầm trọng cho Tả Pháp Thụ.

Trong cơn sám hối, Tả Pháp Thụ đã nhờ quần hiệp lo tìm cách để đưa cốt hôi (xương đã đốt thành tro) về Thiên Trúc Bàn Na Tha để hợp với ước nguyện lá rụng về gốc.

Càn Khôn Tứ Tuyệt vừa lo đám tang cho Tả Pháp Thụ mới hai ngày, thì đoàn Độc chỉ Thôi Bác đã đến, mọi người đều cảm thấy ngậm ngùi cảm động cuộc ra đi của Tả Pháp Thụ.

Vị chủ trì của Sắc La Tự và Tang Kim đại lạt ma, hai vị cao tăng này đều thân hành ra cảm tạ hết quần hiệp đã cố công tiêu diệt đám quần ma! Quần hiệp ở lại nghỉ ngơi vài hôm rồi lên đường và đem luôn cốt hôi và thần kiếm của Tả Pháp Thụ về Trung Thổ, khi tạt ngang Bắc Ưng trang viện phát hiện những người trong này đã trốn bỏ đi hết, Thượng Quan Linh phá cửa hầm vào lo chôn cất thi hài của vị tiền bối Bắc Ưng Lãnh Lạc, quần hiệp đều làm lễ trước mộ một vị đại hiệp để tỏ lòng kính mến.

Xong xuôi quần hiệp đưa nhau về miền Trung Nguyên thì đã vào tháng chín, cũng là kỳ ước của Bách Lỗ Thượng Quan Tứ và Thượng Quan Linh, suốt dọc đường chàng buồn rầu lo nghĩ về người vợ chưa cưới của mình là Liễu Mi, những khi quá khủng hoảng về tâm thần, chàng thường lẩm bẩm lo cầu nguyện cho Liễu Mi tai qua nạn khỏi. Trong những lúc này, nàng A Hương lại luôn sát cánh bên cạnh Thượng Quan Linh để an ủi, khiến chàng cũng khuây khoả được phấn nào.

Chẳng bao lâu, Thanh Thông Cốc đã hiện trước mặt. mọi người, Đại Hắc lo bay đi trước báo tin! Được tin, mọi người trong cốc mở cuộc đón rước tưng bừng.

Thượng Quan Linh không sao cầm lòng nổi, chàng co giò chạy như bay vào cốc và đến thẳng ngay khuê phòng của thứ nữ Thanh Thông.

Đến nơi, chàng thấy một trang tuyệt thế giai nhân, toàn thân một màu trinh trắng, đang đứng cửa lầu ngóng đợi..

Thượng Quan Linh kêu lớn tiếng:

- Liễu Mi em...

Chàng chạy bay ôm chặt lấy người yêu vào lòng! Những cảm xúc lộn xộn đã khiến chàng ngớ ngẩn và ngây ngất! Đôi bên chỉ còn thốt một tiếng: Anh và em, và cuối cùng là chìm lắng trong sự vuốt ve trìu mến...

Khá lâu Thượng Quan Linh mới nói:

- Em,... từ nay chúng mình đã tai qua nạn khỏi rồi, anh nguyện sẽ không bao giờ bị xa em nữa!...

Liễu Mi nghẹn ngào sung sướng:

- Anh yêu quí! Anh hãy mau mau sang cám ơn Bách Lỗ đại sư Thượng Quan Tứ của anh đi, nếu không có anh ấy Liễu Mi đâu còn sống được đến ngày nay để được đoàn tụ sung sướng như thế này...

Bách Lỗ đại sư tươi cười bước lại gần rằng:

- Anh chúc mừng hai em tai qua nạn hết... và cũng chúc hai em sẽ bách niên giai lão, hạnh phúc khang ninh...

Thượng Quan Linh nắm chặt tay trưởng huynh Bách Lỗ, xúc động ứa nước mắt, nghẹn ngào không thốt ra được câu gì.

Trong Thanh Thông Cốc, không khí tưng bừng náo nhiệt, Lão bang chủ Liễu Khải và Sở Canh lo khoản đãi quí khách, yến tiệc linh đình, pháo đốt mừng vang khắp trong cốc.

Quần hiệp an cư một thời gian trong cốc, các vị lão tiền bối như Độc chỉ Thôi Bác, bang chủ Liễu Khai, Nam Bút tiên sinh, Hạ Quyên... ai nấy lo thương nghị để giải quyết luôn ba đám mừng của nhóm hậu bối tại Thanh Thông Cốc luôn.

Một là thứ nữ Thanh Thông Bang Liễu Mi và A Hương cùng thành hôn với Thượng Quan Linh, vì chính Thôi Bác đại hiệp tìm không ra vị rể lý tưởng nào cho hợp, dù cho làm lẽ Thượng Quan Linh cũng xứng, huống hồ cô bé A Hương cũng phải lòng vị thiếu hiệp tài sắc văn võ cừ khôi này! Liễu Mi cũng không phản đối, càng được mọi người tán thành triệt để.

Hai là Chu Hoàng và hai chị em Châu Điệp, nay cũng cử hành ngay lễ cưới tại đây, cho yên chuyện lòng của bậc già cũng như các đương sự.

Còn một đôi hôn nhân ngoài sức dự đoán của mọi người cũng như quí vị độc giả, đó là cô em gái của Chu Hoàng là Chu Văn cùng với anh chàng tính thẳng như ruột ngựa là Sở Canh, đôi bên tình đầu ý hiệp, nên lão bang chủ đứng ra làm chủ xin ngay với Độc chỉ Thôi Bác để hợp tác cuộc lương duyên này cho đôi trẻ hữu tình, Thôi Bác cười ha hả nhận lời ngay.

Đúng ngày mười chín tháng chín, với toàn nhân lực và tài lực của Thanh Thông Bang, ba đám cưới được tổ chức linh đình, kèn trống, chiêng, pháo, thi nhau mang lại các niềm vui cho mọi người trong cốc! Trong ba cuộc động phòng tuy có khác nhau bề ngoài, nhưng bề thầm kín chắc là hái được hạnh phúc hết!

Sau cuộc lễ vài hôm, bang chủ bèn cho người lên núi Mặc Phụ Sơn dời mộ con gái lớn về huyệt mộ họ Liễu, vì Liễu bang chủ nghĩ ràng Liễu Văn hư như thế cũng tại trách nhiệm mình một phần nào, nên không muốn để mộ con mình bị hoang lạnh bơ vơ...

Quần hiệp sửa soạn ai về xứ nấy, nhóm thứ nhất là Bắc kiếm Phổ Côn, Thiên Si Tây Đạo, Đông tăng Túy Đầu Đà lo kết bạn về Ngao Sơn an nhàn tuổi vãn niên, và để chuộc các lỗi lầm của mình, Bắc Kiếm đã quyết về đó diện bích khổ tu mãn kiếp luôn! Trước khi ra đi, đều tỏ ý cho Thôi Bác rõ nếu sau này có phục hưng nhà Minh để diệt Thanh, họ sẽ xuống núi ra tay trợ giúp triệt để.

Nam Bút lo về quê vợ miền Giang Nam sống một cuộc đời thần tiên. Còn Bách Lỗ Thượng Quan Tứ lo đem chiếc cờ Tiểu Đoạt Hồn Kỳ và cốt hôi của sư bá Tả Pháp Thụ về Thiên Trúc, trước khi khởi trình chàng sẽ ghé qua Ai Lao Sơn tỉnh Vân Nam để thăm mộ thân mẫu là Lỗ Yểu Nương, đồng thời sẽ nói rõ cho Tra Phong hay về mối oan thù đã hết, và nếu Tra Phong thích, chàng có thể đưa luôn Tra Phong xuất gia đầu phật luôn cho có bạn thâm giao ở xứ Thiên Trúc! Vợ chồng Thượng Quan Linh gạt lệ tiễn đưa người trưởng huynh. Còn nhóm Thôi Bác, vợ chồng Chu Hoàng và mẹ vợ Chu Phụng cũng khởi trình lại Hoàng Đảo của cha xưa kia để mưu đồ cuộc đại nghĩa phục Minh diệt Thanh.

Chu Văn đã thành vợ Sở Canh, mà Sở Canh lúc này Liễu bang chủ gian hết quyền hành trong Thanh Thông Cốc và chỉ định sẽ là người nối nghiệp lão bang chủ luôn! Nên vợ chồng Sở Canh không thể bỏ cơ nghiệp đi được.

Sau khi vui thêm với nhạc phụ mấy ngày, Thượng Quan Linh bèn đưa hai vị ái thê của mình về Nhạc Châu thăm quê giỗ mả các thân nhân, xong sẽ đưa nhau về Ngọc Thụ định cư và trông giữ kho tàng vô giá để chuẩn bị ứng dụng cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đạo sau này.

Một cuộc chia tay Phong hổ vân long tạm yên trong một thời gian để lo cuộc phục hưng của nhà Minh... và không ai được biết ngọn cờ đại nghĩa ấy sẽ được phát động vào lúc nào. Và ngọn bút cùn của tại hạ cũng xin tạm kết thúc nơi đây luôn!

Hết

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.