Chốn giang hồ xưa này khá nhiều ban phái. Có những phái mang lịch sử lâu dài từ thuở sáng lập, võ công quang minh chính đại, tiếng tăm nổi bậc như thái dương giữa bầu trời, trong đó gồm lục đại môn phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Nga Mi, Hoa Sơn, Côn Luân, Không Động. Lại có các tổ chức gia tộc cha truyền con nối, tạo nên các võ lâm thế gia.
Còn các ban phái vừa thành vội tan thì nhiều vô kể.
Ngoài ra, có những tiêu cục vừa có tiếng trong giang hồ lại có liên hệ đến quan phủ, và nhóm thuộc vệ môn, tức người của triều đình, tuy không thuộc giới giang hồ nhưng thường đi lại trong giang hồ.
Tuy nhiên rất ít người biết rằng ban phái có thế lực vĩ đại nhất chẳng phải là các loại nói trên. Ban phái thần bí này thực sự tồn tại nhưng không ai thấy hoặc nắm bắt được, chỉ vì số người biết có ban phái này rất ít. Đó là “Vô Nhai giáo”.
Vô Nhai giáo, như tên gọi, không ai biết nó khởi thủy từ năm nào, cũng chẳng biết đến bao giờ sẽ mất! Khắp vùng đại Giang Nam Bắc, Quang Đông Thiểm Tây, Liêu Bắc tận ra ngoài biên ải... bất luận góc bể chân trời nào đều có thế lực của Vô Nhai giáo ẩn mình. Do đó nên gọi là “Vô Nhai”.
Thành phần nhân sĩ trong Vô Nhai giáo cực kỳ phức tạp, kết nạp đủ loại, tam giáo cửu lưu, tăng, đạo, nho sĩ, kẻ thợ. Nói cách khác, đây không còn đơn thuần là một ban phái giang hồ, bởi những phương diện mà Vô Nhai giáo bao trùm đã vượt quá vòng giang hồ.
Vô Nhai giáo vẫn tồn tại âm thầm không tiếng tăm là vì người trong giáo chỉ lo việc mình, không ra mặt gánh việc hành hiệp trượng nghĩa, cũng không tỏ ra mưu đồ nghiệp bá.
Điểm này được thể hiện qua cách tổ chức phân đường. Trong Vô Nhai giáo chia ra chín Phân đường: Vô Kinh, Vô Bồi, Vô Phiêu, Vô Thai, Vô Phong, Vô Giải, Vô Thuấn, Vô Hí, Vô Ảo.
Như thành viên Vô Phiêu đường là do các lãng tử phiêu bạc thiên nhai trong giang hồ hợp thành; còn Vô Phong đường kết nạp những kẻ phong lưu chuyên lừa đảo, mà thanh lâu là một trong những chiêu bài của họ. Hoặc như Vô Giải đường bao gồm các nhóm võ nghệ tạp nhạp hành nghề mãi võ mưu sinh.
Như vậy có thể nói người trong Vô Nhai giáo đa số thuộc tầng lớp thấp kém, phần đông không biết võ, tuy nhiên cũng không thiếu người tài. Do đó Vô Nhai giáo vừa là nơi tàng long ngọa hổ, vừa có đủ thành phần cặn bã. Các Giáo chủ Vô Nhai giáo đều có võ công siêu phàm, trí tuệ siêu quần!
Vô Nhai giáo đã âm thầm tồn tại như thế nhiều trăm năm, vì không tranh dành cùng người ngoài nên vẫn bị lãng quên.
Cũng ví như một cái lưới giăng rất rộng, đến độ những người đứng trong cũng không biết có lưới giăng quanh. Kỳ thực, nội bộ Vô Nhai giáo rất có tổ chức, có cách liên lạc bằng ám ngữ và ra dấu tay, có sơ đồ, có kỷ luật, bao gồm ba mươi sáu câu thề, hai mươi mốt điều luật, mười điều cấm kỵ, cùng mười loại hình phạt.
Bốn mươi năm trước, Vô Nhai giáo do “Điên Đảo Khách” Hồ Bất Qui chấp chưởng. Cũng giống như các tiền nhậm Giáo chủ, Hồ Bất Qui võ công trác tuyệt, kiến thức và đảm lược hơn người, trong vòng hai mươi năm dưới quyền chấp chưởng của ông, thế lực Vô Nhai giáo càng âm thầm bành trướng thêm, nhất là về sau, ông tuyển chọn những thanh niên có tài thay thế cho lớp già yếu, nên Vô Nhai giáo càng thêm lớn mạnh.
Mầm rối loạn cũng bắt đầu từ lúc lớp thanh niên được trọng dụng ấy.
Trong chín vị Đường chủ, có ba Đường chủ các phân đường Vô Phiêu, Vô Giải, và Vô Phong là xuất chúng nhất.
Theo qui củ Vô Nhai giáo, đệ tử của Giáo chủ không được đảm nhiệm chức vị Đường chủ, song ngôi Giáo chủ kế vị thì phải chọn lựa trong nhóm đệ tử của Giáo chủ. Như vậy dù ba vị Đường chủ kia thuộc hạng cực kỳ ưu tú, nhưng vẫn không thể nào với tới ngôi Giáo chủ được.
“Điên Đảo Khách” Hồ Bất Qui chỉ có hai đệ tử, sư huynh Mặc Vũ, và sư đệ Tống Mễ, ngôi Giáo chủ tương lai chỉ chọn lựa giữa hai người mà thôi.
Theo luật tổ truyền của Vô Nhai giáo, hai người phải thi thố tài nghệ phân cao thấp, để quyết định ai kế vị Giáo chủ. Tuy nhiên để tránh cảnh đồng môn tương tàn, Vô Nhai giáo không dùng cách quyết đấu diệt nhau.
Lần này, Hồ Bất Qui ra nan đề như sau: hạn định trong vòng năm tháng, Mặc Vũ và Tống Mễ phải tìm cách lấy được các vật chí bảo của lục đại môn phái và Cô Tô Mộ Dung thế gia, tổng cộng là bảy món, phần thắng phụ tùy theo ai đoạt được nhiều hơn. Trong thời gian hạn định, hai người có thể dùng bất kỳ phương pháp nào, kể cả lừa gạt và cướp đoạt. Nhưng nếu bị thất thủ, tuyệt không được bộc lộ thân thế của mình để tránh gây thù oán cho Vô Nhai giáo. Xong việc, phải đem bảo vật âm thầm hoàn lại cố chủ.
Điều kiện này xem ra có vẻ không hợp lý, song thực ra rất phù hợp với tình hình bên trong Vô Nhai giáo. Lục đại môn phái và Cô Tô Mộ Dung thế gia có không biết bao nhiêu cao thủ, do đó muốn đoạt được bảy bảo vật ấy chắc chắn phải có võ công trác tuyệt!
Hồ Bất Qui không giới hạn cách thức hành động của mỗi bên vì ông có nghĩ đến điểm đặc biệt trong tổ chức của mình. Vô Nhai giáo có đủ các phường trộm cướp lừa đảo, do đó muốn thắng ngôi vị Giáo chủ, không phải chỉ có võ công trác tuyệt là được, mà còn phải đấu trí.
Ngoài ra, Hồ Bất Qui cho phép Mặc Vũ, Tống Mễ sử dụng môn hạ trong giáo để giúp họ đoạt mục tiêu, đây là một cách để ông xem thử cả hai sư huynh đệ có được lòng giáo chúng chăng.
Bảy bảo vật Vô Nhai giáo muốn đoạt gồm :
Tẩy Tủy Tâm Kinh của Thiếu Lâm; Lưỡng Nghi kiếm phổ của Võ Đương; Bồ Đề Thần Châu của Nga Mi; Vô Vĩ Phất Trần của Hoa Sơn; Tử Trúc Ngọc Tiêu của Côn Luân; Như Ý Thủ của Không Động; Thanh Long Bôi của Mộ Dung thế gia.
Lục đại môn phái và Mộ Dung thế gia đều xem đó là các vật chí bảo, do đó muốn lấy được bất kỳ món nào cũng khó như lên trời.
Làm được điều này sẽ thể hiện được thực lực và đảm khí của Vô Nhai giáo.
Tống Mễ và Mặc Vũ khởi sự hành động theo điều kiện trên.
Trong chín vị Đường chủ, số người ủng hộ Tống Mễ cũng ngang ngửa với số ủng hộ Mặc Vũ. Duy chỉ có Vô Giải đường Đường chủ Phục Ngưỡng vốn trầm mặc ít lời, vẫn điềm tĩnh không nghiêng về phe nào.
Còn hai Đường chủ xuất sắc kia, Vô Phiêu đường Đường chủ hỗ trợ sư huynh Mặc Vũ, Vô Phong đường Đường chủ Lữ Nhất Hải thì theo phò sư đệ Tống Mễ.
(nghe đến đây, Hàn Tiểu Tranh đoán chắc Đường chủ Vô Phiêu đường chính là Mộc thúc thúc?)
Lúc ấy, lực lượng đôi bên ngang nhau nên quyết định của Phục Ngưỡng rất quan trọng, nhưng ông thủy chung không muốn nghiêng về phe nào. Đối với hai bên, như thế cũng chẳng phải điều xấu.
Tháng đầu tiên, Tống Mễ từ Côn Luân sơn lấy về Tử Trúc Ngọc Tiêu.
Tháng thứ nhì, Tống Mễ lấy được Bồ Đề Thần Châu của Nga Mi, trong khi Mặc Vũ đoạt được Như Ý Thủ của phái Không Động.
Tháng thứ ba, Mặc Vũ dùng trí lấy được Thanh Long Bôi của Mộ Dung thế gia.
Tháng thứ tư, lúc Mặc Vũ đột nhập tàng kinh các tại Thiếu Lâm Tự, thì bị tứ đại trưởng lão canh giữ các bao vây tấn công, lực đấu không bằng, về sau bị đánh nát tâm mạch, phế võ công rồi quăng ra khỏi Thiếu Thất Sơn, may được Đường chủ Vô Phiêu đường cứu đem về.
Tháng thứ năm, Tống Mễ lại đoạt Lưỡng Nghi kiếm phổ của Võ Đương cùng Vô Vĩ Phất Trần của Hoa Sơn!
Như vậy tính ra Tống Mễ đoạt được nhiều món hơn, nên được kế vị Giáo chủ Vô Nhai giáo.
Mặc Vũ sau khi bị tâm mạch chấn đoạn, không ngừng thổ huyết, hơi thở yếu như sợi tơ, Hồ Bất Qui nóng lòng vì quá thương đệ tử nên dùng “Vô Nhai đại pháp” chữa thương cho Mặc Vũ! Hồ Bất Qui tốn ba ngày ba đêm, cuối cùng cũng bảo toàn tính mạng của Mặc Vũ, nhưng cũng vì đó mà ông hao tổn rất nhiều công lực.
Sau khi Mặc Vũ được cứu sống, Hồ Bất Qui phong cho y chức “Minh Sát sứ”, chức này đối với giáo chúng không có quyền sinh sát trực tiếp, nhưng thực chất là để giám sát cách cư xử của Tống Mễ trong thời gian nhận chức. Tuy nhiên võ công Mặc Vũ đã bị phế, do đó chức ấy cũng chỉ là hư vị.
Hai năm sau, lão Giáo chủ Hồ Bất Qui mệnh chung tuy không có bệnh gì. Địa vị của Giáo chủ mới Tống Mễ càng được củng cố. Tống Mễ có can đảm cùng kiến thức hơn người, hành sự phân minh quyết đoán, Vô Nhai giáo được y điều chỉnh ngày một phát triển, do đó Mặc Vũ cũng vui vẻ yên tĩnh qua ngày, rất ít khi hỏi về các việc trong Vô Nhai giáo. Về phần Tống Mễ cũng rất tôn trọng vị sư huynh này, mọi việc đều thảo luận với Mặc Vũ, tuy rằng quyết định sau cùng là của y, nhưng đối đãi như thế với một vị sư huynh đã mất võ công, kể cũng là điều hiếm có và đáng quý.
Riêng Đường chủ Vô Phong đường Lữ Nhất Hải, vì tự hào lúc trước phò chủ lập công nên ngày một ngang tàng, việc gì cũng muốn vượt quá quyền hạn phân đường của y, gây nên bất mãn từ các phân đường khác, nhưng vì kiêng sợ Giáo chủ Tống Mễ nên không ai nói gì. Chỉ có Đường chủ Vô Phiêu đường cùng Lữ Nhất Hải nhiều lần đấu khẩu, lúc lo việc trong giáo thường đối lập với Lữ Nhất Hải, chẳng ai nhường ai.
Tống Mễ thấy Lữ Nhất Hải ỷ có công mà tự phụ, ngày thêm tung hoành, để lâu như thế e có thể bị thuộc hạ nói là dung túng cho Lữ Nhất Hải, nên từng nhiều lần chỉ trích Lữ Nhất Hải giữa đại hội toàn giáo.
Lữ Nhất Hải dần dà sinh lòng oán hận.
Lúc ấy, trong giang hồ từ từ hiện thân một giáo phái thần bí tên gọi là “Vong Ưu cung”, họ dám gây hấn khắp thiên hạ, khiêu chiến cả võ lâm chính đạo, không ngừng tập kích các đại môn phái, gây nhiễu loạn võ lâm, và vì thế dẫn đến sự công phẫn của mọi người. Nhưng vì Vong Ưu cung hành tung bất định nên các đại môn phái sau nhiều lần tảo trừ vẫn chưa thành công, mà ngược lại ngọn lửa tà ác của Vong Ưu cung ngày càng sáng rực.
Có một lần, Lữ Nhất Hải và Vô Phiêu đường chủ vì tranh cãi về cách xử trị một kẻ phạm giáo quy, đến độ tuốt kiếm quyết đấu chẳng nhường bước nhau, rốt cuộc Tống Mễ đến kịp thời ngăn chận cuộc xung đột, y ra lệnh cho hình đường xử lý phạm nhân theo lời Vô Phiêu đường chủ. Điều này càng làm xấu thêm mối liên hệ giữ hai Đường chủ.
Ba tháng sau, Lữ Nhất Hải bỗng cấu kết cùng người trong Vong Ưu cung, đương đêm đánh lén Vô Phiêu đường, cơ hồ như tiêu diệt toàn bộ Vô Phiêu đường! Song trong lúc nguy cấp, một nhân vật thần bí xuất hiện, võ công cực cao, nhờ y tương trợ Vô Phiêu đường chủ may mắn trốn thoát, nhưng thủy chung vị khách thần bí kia vẫn không cho người thường biết mặt.
Tống Mễ được tin Lữ Nhất Hải cấu kết ngoại địch thảm sát đồng môn, giận không thể tưởng, lập tức tuyên bố khai trừ Lữ Nhất Hải khỏi giáo, lại ra lệnh cho Vô Phiêu đường chủ dẫn binh mã theo tróc nã để thanh lý môn hộ và báo thù cho các huynh đệ trong Vô Phiêu đường. Để trừ tuyệt hậu hoạn, theo giáo quy phải giết hết ba đời thân tộc kẻ tạo phản.
Vô Phiêu đường chủ lãnh trách nhiệm lớn lao ấy, ngày đêm rong rủi được nửa năm, cuối cùng bắt được cả nhà Lữ Nhất Hải giải về giam trong ngục, chờ đến sáng sẽ chiếu theo giáo quy xử tử.
Ngờ đâu đêm hôm ấy Lữ Nhất Hải trốn thoát khỏi địa lao như một kỳ tích! Rõ ràng hẳn có người bên trong dấu mặt ra tay!
Tống Mễ trong cơn thịnh nộ, một mặt ra lệnh hành hình cả nhà Lữ Nhất Hải, một mặt truy tầm nội gian nhưng vẫn không có manh mối nào cả. Còn Lữ Nhất Hải sau khi trốn đi, thì như trâu đất chìm đáy bể, khó tìm được tung tích.
Vào đêm Lữ Nhất Hải trốn thoát, là đúng phiên Vô Giải đường chủ Phục Ngưỡng canh giữ, do đó y bị cách chức Đường chủ, giáng xuống làm giáo chúng tầm thường. Vô Phiêu đường chủ cùng Phục Ngưỡng có giao tình rất lâu, nên cũng không vì đó mà tình bằng hữu giảm đi, y thường ghé nhà Phục Ngưỡng uống rượu hoặc luyện võ.
Phục Ngưỡng có một người vợ, nhan sắc lộng lẫy, phong tư ẩn ý lẳng lơ, mà võ công lại trên cả Phục Ngưỡng. Người trong Vô Nhai giáo vẫn thường lấy làm lạ tại sao Phục Ngưỡng, một kẻ dung mạo tầm thường mà cũng tìm được một phu nhân xuất sắc như thế!
Vô Phiêu đường chủ rất tôn trọng vợ bạn, coi như tẩu tẩu.
Một ngày nọ, Phục Ngưỡng nhờ người nhắn rằng y mới có thịt nai tươi, kêu Vô Phiêu đường chủ qua nhà cùng thù tạc. Vô Phiêu đường chủ biết dạo này Phục Ngưỡng tâm tình không vui, nên muốn mượn rượu thịt giải sầu, do đó vui vẻ nhận lời ghé qua.
Lúc y theo giờ hẹn buổi hoàng hôn ghé đến Phục gia, chỉ thấy vợ Phục Ngưỡng nói :
- Phục đại ca nhất thời bận việc, đi xong về ngay.
Vô Phiêu đường chủ Diệp Thích bèn nói :
- Đại ca không có nhà, vậy để ngày khác đệ ghé lại.
Vợ Phục Ngưỡng, tức Thu Kỳ vội nói :
- Nếu Diệp thúc bỏ về như vậy, Phục đại ca sẽ trách tôi chiêu đãi không vẹn, chẳng lẽ tiểu thúc có điều gì cố kỵ chăng?
Kỳ thực trong lòng Diệp Thích có úy kỵ, y hơi sợ một mình bên cạnh Thu Kỳ. Phục Ngưỡng lớn hơn Diệp Thích bốn năm tuổi, còn Thu Kỳ xấp xỉ tuổi Diệp Thích, lúc ấy đều cỡ hai mươi tám, hai mươi chín tuổi. Tư sắc của Thu Kỳ từ khi làm vợ càng hiển lộ nét thành thục như đóa hoa đương nở rộ, tuy Diệp Thích chẳng hề dám tơ tưởng đến vợ bạn, nhưng y cũng chỉ là một nam nhân khí huyết phương cương, nên thường cảm thấy nóng cả người khi nhìn vào ánh mắt hữu tình của Thu Kỳ hoặc lúc ngửi thấy mùi hương thoảng như cơn mơ của nàng.
Cũng vì lý do đó, Diệp Thích một mực không muốn trò chuyện cùng Thu Kỳ khi Phục Ngưỡng không có mặt, y không mấy tin tưởng sức tự chế của mình.
Nhưng lần này Thu Kỳ đã nói vậy, nếu Diệp Thích nhất định đòi đi về thì tỏ ra nhỏ mọn quá. Thế là y nán lại.
Thu Kỳ dọn đủ rượu thịt cho Diệp Thích, lại ân cần rót rượu gắp thức ăn cho y.
Diệp Thích vốn tửu lượng khá cao, nhưng chẳng hiểu sao hôm ấy lại say rất mau, mới uống ba, bốn chén y đã cảm thấy đầu lâng lâng, suy nghĩ chẳng còn rõ ràng nữa, y chừng như nghe Thu Kỳ nói :
- Diệp đại ca sao vậy? Sắc mặt sao khó chịu thế?
Sau đó nàng đưa tay sờ trán Diệp Thích. Y cảm nhận sự ấm áp từ bàn tay Thu Kỳ, trong lòng bỗng trổi dậy một cảm giác phiền não bất an, bất chợt y kéo lấy tay Thu Kỳ!
Thu Kỳ như loạng choạng đứng không vững liền té nhào về phía Diệp Thích, một thân thể ấm áp thơm tho ngã vào lòng Diệp Thích. Y cảm thấy Thu Kỳ đang run nhẹ, ngửi thấy mùi hương hấp dẫn phát ra từ mái tóc, từ thân thể của nàng. Y nhìn thấy trong mắt Thu Kỳ một ánh sáng kỳ dị như mắt hồ ly!
Diệp Thích cảm thấy máu huyết trong người mình như đang sôi sục, y ôm gọn eo Thu Kỳ, nàng cũng không chống cự chỉ khẽ kêu một tiếng và từ từ khép mắt lại...
Mọi việc cứ như thế diễn ra...
Kỳ thực, những điều này sau này Diệp Thích mới từ từ nhớ ra, đêm ấy linh hồn và lý trí của y như bay bổng lên chín tầng mây, chỉ còn lại phần nhục thể và dục vọng không cưỡng lại được.
Nói cách khác, Diệp Thích ở trong trạng thái như nằm mộng, và y đã làm một việc khiến mình hối hận cả đời!
Một gáo nước lạnh tạt vào làm Diệp Thích tỉnh lại, y mở bừng mắt, và nhìn thấy một lưỡi đao kề cổ cùng với người cầm đao.
Phục Ngưỡng! Một Phục Ngưỡng đang bị lửa giận đốt cháy! Ánh mắt của y khiến người chẳng dám nhìn lại, đôi mắt chứa đầy sự đau khổ, thất vọng, phẫn hận, và khinh bỉ...
Thân mình họ Phục run rẩy như một chiếc lá thu, trong tình trạng đó Diệp Thích thừa cơ trốn thoát hoặc trở tay sát hại Phục Ngưỡng.
Nhưng Diệp Thích chẳng làm gì cả, y đã nhìn thấy Thu Kỳ nằm bên cạnh y, chiếc áo trên mình nàng không che đủ những chỗ cần che. Ngay giây phút nhìn thấy Thu Kỳ, máu trong người Diệp Thích như đông cứng lại, y biết chẳng còn cách gì để biện bạch.
Diệp Thích từ từ nhắm mắt lại, y cảm thấy mình đáng chết, nếu không chết thì chẳng còn đạo lý gì nữa.
Lưỡi đao dần dần ấn sát vào, đem băng giá và tử vong vào trong thân thể y.
Lúc ấy là Thu Kỳ cứu Diệp Thích, nàng bỗng nói :
- Tại tôi dụ dỗ tiểu thúc, tôi hạ độc trong rượu.
Lưỡi đao ngừng lại, nhưng không được thu hồi. Cả ba người im lặng, cả không gian như chết lặng, vẻ mặt Thu Kỳ rất bình thản, chẳng ai hiểu tại sao nàng làm thế, càng không rõ tại sao xong việc lại còn có thể thốt ra lời.
Đột nhiên ánh đao lóe lên! Lưỡi đao nhúng máu nên phát ra tiếng ngân, máu tươi bắn ra!
Là máu của Phục Ngưỡng, đao của y cắm sâu vào đùi mình!
Diệp Thích sững sờ.
Phục Ngưỡng đưa tay rút đao ra khỏi đùi mình, sau đó quay mình chậm rãi bước ra ngoài, máu tươi từ trên chân y chảy xuống tạo nên một vệt máu dài dưới đất...
Diệp Thích thừ người nhìn theo lưng Phục Ngưỡng, đến khi bóng dáng đau khổ tuyệt vọng kia khuất dạng trong tầm mắt, y mới hoàn hồn.
Diệp Thích biết từ nay y sẽ sống trong dằn vặt, y nên trách nữ nhân bên cạnh, nhưng y chẳng trách, chỉ hận chính mình.
Nam nhân là thế, thường chỉ yêu nữ nhân mà trách chính mình.
Diệp Thích không hiểu nổi Thu Kỳ, chuyện nàng làm thực quá sức tưởng tượng!
Sau khi Phục Ngưỡng bỏ đi, y hoàn toàn biến mất từ đấy, biến mất như sương thu.
Diệp Thích cũng âm thầm bỏ Vô Nhai giáo ra đi, y không ngừng tìm kiếm Phục Ngưỡng. Vì muốn Phục Ngưỡng đừng tránh né y, Diệp Thích ẩn tính mai danh hóa trang, giả dạng làm thợ mộc phiêu bạt khắp nam bắc, nhưng cũng chẳng tìm được chút tăm hơi của Phục Ngưỡng.
Một năm sau, đột nhiên có một nữ nhân tìm đến căn nhà nhỏ của Diệp Thích, một nữ nhân khiến y suốt đời không quên được, chẳng phải vì hận.
Đó là Thu Kỳ, trong tay bồng một đứa bé, nàng nói :
- Con gái Diệp ca đó.
Cảm giác lúc ấy của Diệp Thích như trống rỗng, nhất thời y không phản ứng được vì sao mình bỗng có thêm một đứa con gái, y ngơ ngác đón lấy hài nhi xong, Thu Kỳ bèn bỏ đi, đứa bé trong tay y cất tiếng khóc lớn.
Diệp Thích chẳng ngờ mình lại thương đứa con gái tự dưng đưa đến như vậy, y mau chóng học cách nuôi dưỡng con trẻ. Lúc bé bắt đầu tập nói, Diệp Thích quyết định từ đấy ẩn mình làm một thợ mộc bình thường, làm một người cha tốt. Y cảm thấy dù có tìm được Phục Ngưỡng thì chuyện giữa hai người cũng không giải quyết được. Dù y muốn dùng cái chết để tạ tội, cũng không giải trừ được nỗi hận ấy. Huống chi thời gian qua đã lâu, Phục Ngưỡng nhất định cũng đã thử quên đi quá khứ, nếu Diệp Thích lại xuất hiện trước mặt y, sẽ khơi lại vết thương lòng.
Vả lại, Diệp Thích hãy còn A Vân, con gái y không cho phép y tìm cái chết.
Trong lòng y thầm xin Phục Ngưỡng thứ lỗi :
- Vì một con trẻ vô tội, xin đại ca cho phép đệ sống đời thợ mộc tầm thường.
Diệp Thích quả thực sống như thế hơn mười mấy năm, đối với một người thuộc giới giang hồ, những ngày rời xa đao quang kiếm ảnh là một nỗi thống khổ, song dần dà y cũng thích ứng với đời sống phẳng lặng này.
Thế nhưng Lữ Nhất Hải cứ như con chó săn tinh khôn đã tìm ra Diệp Thích, lại dùng thủ đoạn ác độc để báo thù y. Diệp Thích không ngờ vị lão gia đại phú tại Hoa Thạch Thành lại là Lữ Nhất Hải!
Lữ Nhất Hải và Diệp Thích đều đã thay hình đổi dạng, nhưng Lữ Nhất Hải nhận ra họ Diệp, mà Diệp Thích lại không nhận ra Lữ Nhất Hải. Cũng có thể đó là vì y đã hơn mười năm rời xa giang hồ!
Những việc xảy ra sau đó, Hàn Tiểu Tranh biết rõ hơn Diệp Thích.
Hàn Tiểu Tranh ít nhiều đã hiểu những oán cừu giữa Lữ Nhất Hải và Diệp Thích, song hai bên đã ẩn mình nhiều năm, tại sao Lữ Nhất Hải dùng trăm phương ngàn kế mưu hại Diệp Thích? Hận vì Diệp Thích bắt toàn gia họ Lữ về chịu tội? Nhưng người ra lệnh giết toàn gia họ Lữ là Vô Nhai giáo chủ Tống Mễ, cho dù Diệp Thích không ra tay, thì các Đường chủ khác cũng tìm cách lùng bắt Lữ gia, Diệp Thích chẳng qua chỉ phụng mệnh hành sự mà thôi.
Vả lại, sau khi trốn khỏi Vô Nhai giáo, chẳng phải Lữ Nhất Hải lại có vợ con sao?
Động cơ của Lữ Nhất Hải có phải thực là vì báo thù chăng? Trừ y ra không ai biết rõ.
Diệp Thích kể xong chuyện xưa, im lặng một lúc lâu, chợt lên tiếng :
- Ta đoán đêm hôm trước người cứu ta chắc là Phục đại ca.
Hàn Tiểu Tranh giựt mình :
- Đêm nào?
- Đêm hôm trước lúc Lữ Nhất Hải lão tiện bao vây tấn công ta, ta đã trúng phải độc “Thất Hồn Thất Phách” của Tiếu Hành Giả, nhưng nhờ ta dùng nội lực ép lại không cho chất độc phát tác. Để đánh lạc hướng đối phương, ta cố ý nói mình chưa trúng độc. Nhưng loại độc này khiến ta không thể phát huy võ công, do đó Lữ Nhất Hải chưa ra tay mà ta đã trúng thương không ít. Sau khi Lữ Nhất Hải xuất thủ, tình thế càng nguy hiểm hơn, lúc ngươi cùng A Vân nhảy xuống sông, đột nhiên xuất hiện một người cùng ta liên thủ đối phó Lữ Nhất Hải, người này dùng một ngọn roi mềm, toàn thân hắc y.
Hàn Tiểu Tranh “à” một tiếng, Diệp Thích nhìn gã nói :
- Bây giờ ta đương nhiên biết người này với người hai lần cứu ngươi là một, nhưng lúc ấy ta chưa nghĩ ra, nhìn thân thủ của y chừng như rất quen thuộc nhưng ngọn roi mềm và thủ pháp dùng roi của y thì ta chưa thấy qua. Lữ Nhất Hải không chống nổi hai ta liên thủ, sắp thua đến nơi, ngay lúc ấy lại có đệ tử Vô Nhai giáo tràn đến, dẹp hết tay chân của Lữ Nhất Hải, y thấy tình thế bất lợi vội nhân cơ hội trốn mất!
Hàn Tiểu Tranh kinh ngạc :
- Người của Vô Nhai giáo? Nhưng Mộc thúc thúc đã bảo ra khỏi Vô Nhai giáo mười mấy năm rồi mà? Sao còn kêu người trong giáo đến được?
Diệp Thích nói :
- Còn nhớ thúc thúc bảo ngươi đốt pháo bông chăng? Pháo bông ấy là tín hiệu báo nguy của Vô Nhai giáo, người trong giáo ở gần đó khi nhìn thấy tín hiệu sẽ mau chóng đến tương trợ, bởi đồng môn gặp nạn, thấy chết mà không cứu là phạm tội phản giáo. Chỉ tiếc rằng những người đêm ấy đến cứu, võ công không cao, nhất thời không lưu ý để Lữ Nhất Hải trốn mất.
Hàn Tiểu Tranh lại hỏi :
- Gặp lại Mộc thúc và Lữ Nhất Hải, làm sao họ biết phải giúp ai?
Diệp Thích lấy trong mình ra một vật cổ quái màu xanh sáng, như ngọc mà chẳng phải ngọc :
- Vật này là tín vật của Vô Nhai giáo, nhìn thấy vật này cũng như nhìn thấy Đường chủ. Lữ Nhất Hải đã bị khai trừ khỏi Vô Nhai giáo, trước khi bị giam trong địa lao, tín vật của lão dĩ nhiên đã bị thu hồi, còn ta thì khác, chỉ âm thầm bỏ đi, do đó tín vật hãy còn, vật này có tên là “Vô Nhai Phiêu Lệnh”.
Hàn Tiểu Tranh nói :
- Thúc thúc kể tiếp chuyện hắc y nhân đi.
Diệp Thích nói :
- Ta còn nhớ người ấy mang vải che mặt, nhưng vũ khí y xài không nằm trong mười tám loại binh khí, hiển nhiên là y nhất định không muốn kẻ khác đoán ra tung tích qua vũ khí của mình. Do đó, ta đoán y là Phục Ngưỡng đại ca.
Hàn Tiểu Tranh hỏi :
- Sao lúc đó Mộc thúc không hỏi rõ?
- Lúc ấy tình thế nguy hiểm trùng trùng, ta chưa nghĩ ra được, mà y thì sau khi đánh lui Lữ Nhất Hải liền lập tức bỏ đi, không kịp cho ta phản ứng gì cả, việc này ta giờ mới nghiệm ra, chắc đúng chứ không sai.
- Nếu đã chịu ra tay cứu Mộc thúc, hẳn trong lòng y đã tha thứ cho thúc thúc.
Diệp Thích thở dài :
- Cũng mong là như vậy.
Hàn Tiểu Tranh bỗng lại hỏi :
- Chẳng biết người cứu A Vân là ai? Có ác ý gì với A Vân chăng?
Diệp Thích không giấu được vẻ lo lắng :
- Đã cứu chắc không có ác ý đâu.
Câu nói để trả lời Hàn Tiểu Tranh, nhưng nghe như an ủi chính mình.
Hàn Tiểu Tranh nghĩ bụng :
- Mộc thúc lại phải đi tìm người nữa, cả đời thúc thúc đã vì tìm người mà bỏ ra nhiều điều quý giá, như thời gian mười mấy năm quý giá nhất đời người, bây giờ thúc thúc lại phải bắt đầu đi tìm con gái.
Hàn Tiểu Tranh cảm thấy mệnh vận thực bất công đối với hán tử trước mặt mình.
Diệp Thích bỗng lên tiếng :
- Nếu trong vòng một tháng A Vân cũng chưa trở về, A Tranh có sẵn lòng tìm nó về giùm Mộc thúc chăng?
Hàn Tiểu Tranh tỏ ra kinh ngạc, gã không ngờ Diệp Thích lại yêu cầu gã làm việc này, chẳng phải thương thế Mộc thúc đã đỡ hơn sao?
Nhưng gã ra sức gật đầu, chẳng phải bị bắt buộc, mà lần này gã quả thực tình nguyện.