Đổi Mệnh

Chương 37: Âm mưu dương mưu



Cuộc thi săn bắn kết thúc trong không khí u ám. Sau khi hoàng đế cho người phong tỏa cả khu vực săn bắn, việc canh phòng trở nên nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.

Thất hoàng tử và Cáp Nhĩ Lân may mắn được cứu trở về, cả hai chỉ bị xay xát nhẹ, vì họ không có ý định tranh giành hạng nhất nên thong thả đi phía sau, cách đoàn người càng ngày càng xa, khi nghe động tĩnh của thích khách đã sớm tìm nơi ẩn nấp.

Một nhà An Quốc Công và Uyển Lâm cũng trải qua một ngày kinh hồn tán đảm, đợi đến khi nhìn thấy An Duyệt Hiên, trái tim treo lơ lửng mới buông xuống.

Qua lời kể của An Duyệt Hiên, đám thích khách đó mặc quần áo của bộ tộc Cát Nhĩ, xem ra lần này bộ tộc họ không khỏi liên quan. Còn việc điều khiển thú dữ tấn công mọi người, từ trước đến nay chỉ có duy nhất một bộ lạc nhỏ tên Vô Danh, nằm giữa ranh giới Đại Xuyên và Cát Nhĩ làm được.

Bộ lạc này rất ít người, nhưng lại sở hữu những năng lực khiến ai cũng phải kiêng dè, ngoài thuần thú, họ còn nuôi cổ trùng, dùng độc,... Bởi thế mà bộ lạc này vẫn độc lập, sống an ổn suốt nhiều năm không bị xâm chiếm.

Lần này hoàng đế Đại Xuyên quyết tra tới cùng, vua Cát Nhĩ Tân sau khi kiểm tra thị vệ mang theo liền tức không chỗ phát, giỏi lắm, hóa ra bên người ông có một con rắn độc ẩn nấp sâu như vậy.

Cát Nhĩ Tân vốn đàm phán với bộ lạc Vô Danh, muốn giết chết vài hoàng tử xuất sắc của nước Đại Xuyên, nào ngờ gậy ông đập lưng ông, bộ tộc Cát Nhĩ chẳng những tổn thất một nhóm thị vệ tài giỏi, còn có tính mạng của Cát Nhĩ Cổn. Kế hoạch ban đầu ông muốn giá họa cho đứa con trai ngu ngốc này, để hắn gánh chịu, kết quả bây giờ bản thân ông lại bị liên lụy.

Nhìn đám lính gác bên ngoài, ánh mắt vua Cát Nhĩ Tân lóe lóe, hoàng đế Đại Xuyên lấy cớ muốn bảo đảm an toàn cho ông mà bố trí thị vệ dày đặc, nếu lỡ như không chứng minh được sự trong sạch, hoặc giả hoàng đế Đại Xuyên cố ý muốn đổ tội cho ông, sợ rằng khó mà bảo toàn tính mệnh.

Ngay trong đêm hôm đó, vua Cát Nhĩ Tân cùng thị vệ bên cạnh liều chết xông ra, muốn trở về bộ tộc Cát Nhĩ, trong lúc loạn lạc bị một mũi tên bắn chết, trùng hợp là mũi tên ấy cũng bắn xuyên tim, chết giống hệt vương tử Cát Nhĩ Cổn.

Kẻ điều khiển thú dữ bị bắt sống, sau khi tra khảo đã khai ra vua Cát Nhĩ Tân, cái chết của hắn không có gì oan ức, bởi vì hắn không biết rằng đứa con trai không tranh giành Cát Nhĩ Lân sớm đã tham dự vào kế hoạch, thuyết phục bộ lạc Vô Danh, mật báo cho hoàng đế Đại Xuyên, mục đích là ngôi vị đứng đầu bộ tộc Cát Nhĩ.

Hoàng đế hết sức hài lòng với kết quả này, trong vòng 10 năm hai nước xem như yên ổn. Cát Nhĩ Lân cũng không phải kẻ an phận, hoàng đế quyết định sẽ gả một nữ tử của Đại Xuyên sang kiềm chế Cát Nhĩ Lân, mà nữ tử này gia thế phải đủ cao để đại diện cho vương triều của ông. 

Bộ lạc Vô Danh là những kẻ được lợi lớn nhất, ngoài sáng họ được hoàng đế Đại Xuyên bảo vệ, trong tối họ còn được hứa hẹn của Cát Nhĩ Lân, bộ lạc của họ chỉ muốn an ổn sống, nếu thật bị nước khác tấn công, dù họ có thể thoát khỏi vẫn khó tránh tổn thất mạng người.

Chuyến đi săn kết thúc sớm, Cát Nhĩ Lân trở về bộ tộc Cát Nhĩ, thuận lợi lên ngôi vua, đợi vài tháng nữa sẽ sang Đại Xuyên kết thân.

Mọi chuyện diễn ra quá bất ngờ, Đại công chúa chưa kịp khiến phụ hoàng chỉ hôn cho Uyển Lâm và Nguyệt Lan sang bộ tộc Cát Nhĩ hòa thân đã phải lên đường trở về, trong lòng nàng ta thầm nghĩ, nhất định phải thành công, bởi vì nàng là công chúa hoàng gia, bất kỳ thứ gì, chỉ cần nàng muốn đều phải đạt được.

...

Vừa về đến nơi, ngay ngày hôm sau Phạm Trác đã đích thân đến An Quốc Công phủ, muốn đón Uyển Lâm trở về. 

Chuyến đi này giúp ông nhận ra, con gái lớn của mình rất có khả năng gả vào hoàng gia, chỉ bằng mối quan hệ với các vị hoàng tử, công chúa, thậm chí ba thứ muội của nàng muốn gả cao cũng không phải là khó.

Uyển Lâm ngoan ngoãn trở về, trước hết thỉnh an tổ mẫu, ánh mắt Đông thị nhìn Uyển Lâm phải nói là từ ái hết sức, bà cảm thấy cô cháu gái này sẽ giúp thay đổi địa vị Phạm gia, liền hóa thân thành tổ mẫu hiền lành.

Bạch di nương vẫn còn bị nhốt lại, thời gian qua bà đã suy nghĩ kỹ, đã không làm thì thôi, một khi đã làm thì nhất định phải đạt được mục đích.

Bạch di nương được thả ra liền xin phép về nhà mẹ đẻ, tức Thừa Tướng phủ, thăm di nương của bà ta.

...

Phủ Thừa Tướng không quá xa hoa lộng lẫy, chỉ có vào sâu bên trong, đặc biệt là thư phòng Thừa Tướng mới biết, không có thứ nào không phải là trân phẩm. Vị Thừa Tướng đương triều đã giữ chức vụ này nhiều năm, bề ngoài thì khiêm tốn, cẩn thận, nhưng thực chất lại mang tham vọng rất cao. Sở dĩ chưa đứng vào hàng của các hoàng tử là vì ông muốn quan sát thái độ đương kim hoàng thượng, một khi bắt được chút manh mối, ông nhất định sẽ đem cháu gái, gả cho vị hoàng tử đó.

Bạch di nương thực sự không muốn trở về, bởi vì mỗi lần trở về bà đều cảm thấy mình là người thấp hèn, ngay cả di nương của bà, nếu không phải có thủ đoạn, được phụ thân sủng ái đôi chút thì sớm đã bị mẫu thân đại nhân xử lý. Dù vậy, di nương bà ở trong phủ cũng khó khăn mọi bề, chỉ cần phụ thân có chút không hài lòng với di nương, mẫu thân sẽ viện cớ cắt xén chi tiêu, trách phạt, hay thậm chí là để nô tài chà đạp di nương của bà.

Bạch di nương được mama bên cạnh mẫu thân dẫn vào, ánh mắt mẫu thân nhìn bà đầy trào phúng, bà ta chắc hẳn đã biết chuyện Bạch di nương thất sủng, lần này trở về là có chuyện muốn nhờ, nên bà ta không chút khách khí. Trước hết quở trách một trận, sau là nói về tam tòng tứ đứa, cuối cùng còn chốt lại một câu “Thiếp thất phải biết an phận”, dạy bảo hai canh giờ mới cho bà đi gặp di nương. Phụ thân thì không cần nói, ông suốt ngày bận rộn, không có thời gian gặp bà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.