Thời điểm Nhậm Kha vừa đến Mỹ, vì không thành thạo ngoại ngữ nên suốt thời gian dài sau đó, cô không dám ra ngoài. Cũng từ đó trở đi, Nhậm Kha bắt đầu trở nên im lặng, thậm chí là lẻ loi cô quạnh. Cho đến khi cô tốt nghiệp lớp tiếng, tình hình mới chuyển biến tốt hơn.
Ban đầu khi bác chủ nhà gọi cho mẹ Nhậm, nói trạng thái của Nhậm Kha không ổn, mẹ Nhậm đã gọi điện thoại cho cô. Nhưng Nhậm Kha chỉ bảo vì áp lực học tập lớn nên cô ngủ không ngon giấc thôi. Vì vậy mẹ Nhậm cũng không hỏi nhiều nữa.
Trong khoảng thời gian đó vì khủng hoảng tài chính khiến công việc làm ăn của ba Nhậm không quá thuận lợi nên kế hoạch sang Mỹ thăm con gái của hai vợ chồng cũng bị trì hoãn lại.
Mãi đến năm đầu tiên cô học nghiên cứu sinh, bác chủ nhà lại gọi đến một lần nữa nhưng lần này là để thông báo với họ, Nhậm Kha ở phòng thí nghiệm của trường uống thuốc ngủ quá liều dẫn đến hôn mê, đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc này hai vợ chồng mới nhận thức được mức độ nghiêm trọng, vội vàng bỏ hết mọi việc bay sang Mỹ.
Khi thực sự nhìn thấy con gái mình, mẹ Nhậm mới biết sự việc nghiêm trọng hơn những gì họ đã nghĩ.
“Con bé bị mất ngủ, mất ngủ thường xuyên rất nghiêm trọng, nếu không uống thuốc sẽ không cách nào ngủ được. Những lúc không ngủ được, con bé sẽ ở lại phòng thí nghiệm để nghiên cứu không màng ngày đêm. Lúc dì thấy con bé, cả người nó đã gầy như bộ xương khô.”
Mẹ Nhậm nước mắt đầm đìa nói: “Môi trường học tập ở Harvard đều là sinh viên tài năng. Kha Kha không tài giỏi bằng họ nên đành phải cố gắng gấp mười, gấp trăm lần. Hơn nữa ở Mỹ, con bé phải ưu tú, phải xuất sắc hơn những thiên tài kia thì mới được đối xử bình đẳng. Mấy năm đó, con bé rất cực khổ, chú dì không thể nào tưởng tượng nổi. Mức độ đào thải của khoa y rất kinh khủng, một mình con bé cắn răng cố gắng, chưa từng than phiền câu nào với chú dì. Nếu không phải lần đó xảy ra chuyện, có lẽ con bé sẽ không bao giờ kể cho chú dì nghe.”
Mặc dù lần đó Nhậm Kha đã giải thích với mẹ Nhậm rằng cô chỉ mệt mỏi quá, muốn uống chút thuốc ngủ để nghỉ ngơi một lúc, song lại bất cẩn xem nhầm liều lượng nên mới uống quá liều như vậy.
Nhưng mẹ Nhậm không dám nhẹ dạ cả tin những lời cô nói, hai vợ chồng vội vàng đưa cô đi khám bác sĩ tâm lý.
Cuối cùng khi bác sĩ tâm lý chẩn đoán Nhậm Kha mắc chứng trầm cảm nhẹ và trạng thái tinh thần đang có chiều hướng xấu đi, mẹ Nhậm cảm thấy cả bầu trời như sụp đổ.
“Dì thật sự rất sợ, sợ một ngày nào đó con bé nghĩ quẩn lại làm ra chuyện gì đó ngu xuẩn!”
Từ đó về sau, mẹ Nhậm ở lại Mỹ chuyên tâm chăm sóc con gái. Ông bà nội ở trong nước đã lớn tuổi nên hai vợ chồng không dám nói chuyện này cho họ biết nhưng sợ về lâu về dài không giấu được nên ba Nhậm đã chuyển một số công việc ở quốc nội ra nước ngoài. Vì vậy mới có thể giấu ba mẹ ở nhà nhiều năm nay.
“Vậy bây giờ cô ấy sao rồi ạ?”
Thời điểm hỏi câu này, trong lòng Trình Đẳng đang run sợ. Mỗi một vị trí đều đau đến chết lặng, không thể ngừng rỉ máu.
Cuối cùng anh đã hiểu tại sao Nhậm Kha luôn ngủ không sâu giấc, chỉ cần bên cạnh gió thổi cỏ lay nhẹ thôi cũng có thể đánh thức cô dậy. Sắc mặt cô luôn tái nhợt, quầng thâm mắt đậm đến nổi không thể giấu đi hết.
Bảo sao mỗi lần tỉnh lại, anh luôn thấy được cô đầu tiên bên cạnh mình, thật ra cô vẫn luôn trông chừng anh cả đêm, chưa bao giờ rời đi.
Trình Đẳng không dám nghĩ, trong cuộc sống ở quá khứ kia, những lúc Nhậm Kha không thể ngủ được, cô đã phải trải qua những đêm tối dài đằng đẵng mà đầy mệt mỏi kia thế nào.
Trái tim anh đau, rất đau, đau đến độ khiến anh không thể hít thở như bình thường.
Nhưng càng đau hơn khi mẹ Nhậm nói với anh rằng bệnh của Nhậm Kha — không thể chữa khỏi.
“Năm đó khi từ Mỹ về nước, bác sĩ nói với chú dì rằng ông ấy đã cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ có thể khiến bệnh tình của Kha Kha không trở nặng mà thôi, những chuyện khác ông ấy không chữa dứt điểm được.”
Nói xong, mẹ Nhậm bật khóc không thể kìm nén: “Nhưng dì biết, chấp niệm của Kha Kha là con!”
“Hai đứa từ nhỏ đã chơi thân, năm đó con đã cứu con bé khiến bản thân bị thương. Từ đó con bé luôn áy náy tự trách, chỉ ước thay con nhận hết những đau khổ kia. Đây là gông xiềng mà con bé tự đeo lên chính bản thân nó!”
Mẹ Nhậm khóc không thành tiếng, tay nắm chặt ống tay áo của Trình Đẳng, nhìn anh với ánh mắt gần như van nài cầu khẩn.
“Đẳng Đẳng à, dì biết con rất tốt với Kha Kha, có lẽ trên đời này ngoài con ra sẽ không ai có thể tốt với con bé được như vậy nữa. Nhưng con cũng thấy đấy, hai đứa không hợp. Dì chỉ có một đứa con gái này thôi, dì không thể nhìn nó tự ép buộc bản thân đến mức không sống nổi như vậy được.”
Trình Đẳng là chấp niệm trong lòng con gái bà, cũng là gông xiềng trái tim cô.
Mỗi một lần anh đến gần, đối với Nhậm Kha mà nói đó đều là sự khiển trách lương tâm và đòn roi tội ác.
Vui vẻ thì ngắn ngủi mà hành hạ lại dài đằng đẵng.
Nếu muốn sống sót, số trời đã định sẵn hai người không thể ở bên nhau.
Có một câu hát thế này — Oán hận sâu đậm nhất thế gian là hữu duyên vô phận.
Nhưng Trình Đẳng không hiểu, rõ ràng giữa anh và Nhậm Kha chỉ có yêu không có hận, tại sao lại không tránh được lời nguyền tàn nhẫn này.
“Dì, xin dì hãy tin con một lần.”
Nói đến cuối cùng, Trình Đẳng cong gối quỳ xuống trước mặt mẹ Nhậm, trịnh trọng đưa ra lời thề: “Con nhất định sẽ chăm sóc A Kha thật tốt, chắc chắn ạ!”
Trước đây không hiểu thấu tình cảm của cô, anh không thể giữ cô lại bên mình. Những năm qua vô tri vô giác, trông thì sáng ngời rạng rỡ nhưng suy cho cùng vẫn thiếu đi một chút hồn phách.
Cho đến khi gặp lại cô, cuối cùng cũng viên mãn.
Hôm nay hiểu rõ những việc đã qua, anh sẽ không buông tay, cũng không thể buông tay.
Giữa Nhậm Kha và anh, là bắt buộc, cũng là vận mệnh.
Cả đời này đã định trước sẽ sát cánh bên nhau, không ai rời bỏ ai.
Nếu như vậy thì bất kể là ngày lành tháng tốt hay nghiệt duyên, sinh tử vẫn luôn có nhau.
Điều đó vẫn tốt hơn sống xa cách, đến chết mang ân hận.
__
Ngày đó sau khi rời nhà họ Nhậm, Trình Đẳng đã nhờ Đinh Thành liên hệ với bác sĩ tâm lý tốt nhất giúp mình.
Hôm sau, anh ở nhà gọi video trao đổi với bác sĩ tâm lý gần năm tiếng.
Sau đó, không một ai biết nội dung cuộc trò chuyện giữa họ.
Trình Đẳng bảo với Đinh Thành, khi gặp Nhậm Kha cứ xem như không có gì xảy ra, mọi thứ vẫn bình thường như cũ.
Đinh Thành đồng ý, cũng nói với Trình Đẳng Trần Cương sẽ đến thành phố B vào chủ nhật tuần này, dặn anh hãy chuẩn bị sẵn sàng.
Trình Đẳng nghe tin này xong lại im lặng chốc lát, trong lòng bỗng có ý tưởng.
“Anh Đinh, nói với đạo diễn Trần giúp em, chủ nhật này chúng ta sẽ gặp nhau ở nhà họ Tô.”
Dứt lời, Trình Đẳng không chờ Đinh Thành hoàn hồn lại đã cầm điện thoại bấm số: “Chị, em cần chị giúp một việc.”
Chị mà Trình Đẳng gọi kia chính là Thịnh Hạ.
Sau khi gặp tai nạn xe, trời xui đất khiến thế nào Trình Đẳng lại được thầy thanh nhạc – Mạc Lão nhận làm học trò thân thiết, từ đó trở thành bạn học với nhóm Thịnh Hạ, Lục Tử Nam.
Ngày chủ nhật chẳng mấy chốc đã đến.
Sáng sớm Trình Đẳng đến đón Nhậm Kha rồi lái xe đến nhà họ Tô.
Chặng đường đi ngập tràn sắc xuân, phong cảnh tuyệt đẹp. Ngắm nhìn đất trời cũng đủ khiến tâm trạng dần thoải mái hơn.
“Tại sao lại đến nhà ông nội Tô vậy anh?” Nhậm Kha khó hiểu.
Dù Thịnh Hạ và Trần Cương có quen biết nhau thì Trình Đẳng đi thử vai cũng phải đến nhà chị Thịnh mới đúng chứ.
“Anh đến nhờ ông nội Tô khám tai.” Trình Đẳng xoa xoa tóc Nhậm Kha, hờ hững nói: “Anh Đinh nói, Tây y trị vết thương, Trung y điều dưỡng. Bây giờ bệnh của anh cũng gần khỏi rồi nên đi khám Trung y để điều dưỡng sức khỏe.”
Nghe vậy, Nhậm Kha không nghi ngờ gì nữa.
Ông nội Tô rất xuất chúng trong giới Trung y, có ông ấy khám tai cho Trình Đẳng đương nhiên là quá tốt rồi.
Cô ở nước ngoài lâu quá, vô tình quên hết mọi thứ tốt đẹp mà tổ tiên để lại.
Hai người nhanh chóng đến nhà họ Tô.
Trong phòng khách, Thịnh Hạ đang đánh cờ với chồng mình – Tô Mộc. Cô ấy thấy hai người đi từ xa xa đến thì khẽ mỉm cười, cất tiếng gọi.
Họ đều quen biết nhau cả nên Trình Đẳng không tỏ ra khách sáo khép nép, kéo Nhậm Kha ngồi một bên xem hai vợ chồng đánh cờ.
Hồi lâu sau, một ván cờ kết thúc.
Tô Mộc ngước lên nhìn qua, nhưng ánh mắt lại bỏ qua Trình Đẳng mà nhìn thẳng về phía Nhậm Kha.
Nhậm Kha bị anh ấy nhìn thẳng như vậy cũng thầm hoảng loạn, vội vàng cười nói: “Chị Thịnh, anh rể, sở thích của hai người không tệ ha.”
Nói rồi cô đảo ánh mắt khắp phòng khách, rầu rĩ hỏi: “Thất Hỉ với Khả Lạc đâu rồi ạ?”
Thất Hỉ và Khả Lạc là nhũ danh của con gái đầu và con trai của Thịnh Hạ.
“Đang luyện chữ với ông nội ở thư phòng đó.”
Thịnh Hạ cười khẽ, kéo tay Nhậm Kha véo nhẹ một cái rồi mới quay qua tức giận trừng mắt nhìn Trình Đẳng: “Được lắm thằng nhóc thối. Người bận rộn như em không có việc gì sẽ không đến gõ cửa. Có việc mà sao ko đến lấy lòng chị đi hả?”
“Chị à, chị nói như vậy không đúng rồi?” Trình Đẳng vừa cười vừa đứng lên: “Có lần nào em ra ngoài về không mua quà cho chị đâu? Nào là túi xách, giày dép, đồ chơi trẻ con, mua nhiều đến nỗi người trong giới còn tưởng em đã kết hôn ngầm, còn có con riêng đấy. Như vậy còn chưa đủ lấy lòng chị à?”
“Cả năm trời chẳng thấy người đâu, mới tặng một món quà đã bắt người ta niềm nở ân cần sao?” Thịnh Hạ nheo mắt cười, ánh mắt bỗng trở nên hơi nguy hiểm: “Chồng ơi, có phải thằng nhóc kia đang bảo anh không mua nổi túi xách, giày dép với đồ chơi trẻ con cho em không?”
Tô Mộc mỉm cười uống một ngụm trà, từ tốn nói tiếp: “Hình như là thế, vậy đi ra ngoài đi, ba năm tới không được bước vào cửa nhà họ Tô.”
Hai vợ chồng hợp sức diễn khiến Trình Đẳng chỉ biết trợn mắt chẳng nói nên lời.
Cuối cùng Thất Hỉ đi ra cứu anh khỏi tình thế dầu sôi lửa bỏng.
Cô bé bảy tuổi xinh xắn lại lanh lợi, nhoài người trên lan can gỗ ở tầng hai, cười hì hì kêu: “Cậu Đẳng Đẳng, ông nội bảo chờ cậu lâu rồi đó, sao cậu lại chậm chạp như vậy ạ?”
Thịnh Hạ đưa Trình Đẳng lên lầu tìm ông nội Tô để khám tai.
Trong phòng khách chỉ còn lại Tô Mộc và Nhậm Kha.
Lát sau, người giúp việc bưng trà đến cho Nhậm Kha nhưng bị Tô Mộc cản lại: “Đổi ly sữa đi, cô ấy không uống được cái này.”
Sau khi người giúp việc rời đi, Tô Mộc đặt tách trà xuống, ngoắc ngoắc tay gọi Nhậm Kha, cười nhẹ bảo: “Đừng trốn nữa Nhậm Tiểu Kha, đến đây để anh bắt mạch cho em.”
Nhậm Kha thấy không trốn được nữa, đành ngoan ngoãn đổi chỗ ngồi đến vị trí chỉ cách Tô Mộc một chiếc bàn trà gỗ đỏ.
Tô Mộc đẩy tách trà trên bàn ra xa, tỏ ý bảo Nhậm Kha đưa cổ tay ra. Khi chạm vào cổ tay nhỏ nhắn không chút huyết sắc nào của cô, Tô Mộc bỗng nhíu mày.
“Em đúng là không biết thương xót bản thân.” Anh ấy khẽ “hừ” một tiếng: “Muốn chết sớm à?”
Tuy lời nói cay nghiệt nhưng anh ấy không hề có ác ý.
Nhậm Kha bị Tô Mộc quở trách nên chột dạ không dám nói năng gì.
Một lúc sau, Tô Mộc rụt tay về, trên mặt không còn là vẻ ôn hòa như ban đầu.
“Bao lâu rồi?” Anh hỏi.
“Gì cơ ạ?” Nhậm Kha cụp mắt, vờ không hiểu.
“Giả ngốc với anh à?” Tách trà gừng bị đặt mạnh xuống bàn phát ra tiếng “cạch” giòn giã: “Anh hỏi em, tình trạng mất ngủ cả đêm này đã kéo dài bao lâu rồi?”
Thời điểm mới về nước, Nhậm Kha đã từng đến thăm Thịnh Hạ.
Lúc ấy Tô Mộc có bắt mạch cho Nhậm Kha, tuy biết trạng thái của cô không tốt nhưng khi đó, tình trạng mất ngủ của cô đã được cải thiện phần nào, thậm chí đã từng có lần được kiểm soát ổn định. Tình hình sức khỏe chắc chắn không tồi tệ như hiện tại.
“Về nước chưa đến một năm thì tình trạng mất ngủ bắt đầu tái phát.” Nhậm Kha nói: “Bác sĩ phẫu thuật đòi hỏi sự khéo léo linh hoạt của tay, em không dám uống thuốc nên ngủ không được ngon giấc lắm.”
Thực tế chứng mất ngủ của cô bắt đầu lặp lại vào cái đêm đột ngột nhìn thấy Trình Đẳng sau nửa năm về nước.
Đêm ấy, sau khi Trình Đẳng kéo vali rời đi, cô một mình về nhà, nằm bẹp trên giường mở to mắt nhìn trần nhà tối đen như mực. Rõ ràng đầu óc cô trống rỗng nhưng lại thức trắng đêm bởi không thể chợp mắt nổi.
Nghe cô nói vậy, đôi mắt đen nhánh của Tô Mộc nheo lại, hỏi: “Lượng thuốc hiện tại là bao nhiêu?”
Nghe được con số Nhậm Kha nói ra, Tô Mộc thảng thốt nhưng nghĩ đến những người trên tầng, anh chỉ đành đè nén giọng, tức giận nói: “Nhậm Kha! Em cứ như vậy sẽ tự hủy hoại chính mình!”
Bản thân là một bác sĩ ngoại khoa, đối với cô, đôi bàn tay là món quý báu nhất trong sự nghiệp.
Dùng thuốc ngủ lâu dài sẽ tổn thương đến hệ thần kinh, hơn nữa lượng thuốc cô sử dụng không phải là lượng thuốc mà một người bình thường có thể chịu đựng.