Đơn Kiếm Diệt Quần Ma

Chương 15: Ma tăng thiên trúc tới - Tuyệt bích hộ thiềm kinh



Cạnh dòng nước Tấn Thủy, cách phía tây huyện Tấn Xuyên mười hai dặm, có một cái miếu nhỏ tên là Tấn Từ, dựa núi tựa nước, bên trong lại có đền đài lầu các, một hoa viên u tĩnh, hoa mọc thanh lệ, quả thật là một thắng địa, hàng ngày sĩ tử hai tỉnh Tấn Xuyên thường lui tới du ngoạn cũng vì cảnh đẹp đẽ và lộng lẫy mà nên.

Hôm ấy, trên Thủy Các Đình nghỉ mát trong Tấn Từ có một thư sinh trung niên đang nhỏ to chuyện trò cùng một lão ăn xin già quần áo rách rưới, đầu bù tóc rối.

Thư sinh nọ là Dư Vân và lão ăn xin là Mạnh Trọng Kha. Dư Vân đang lắng nghe Tam Tuyệt Quái Khất kể...

Ba tháng trước đây, Tam Tuyệt Quái Khất Mạnh Trọng Kha đi lang thang vào sâu trong Thái Nhạc Sơn, cách Miên Sơn không xa lắm, trông thấy một ngọn núi rất kỳ dị, trên lớn dưới thon, xa xa trông như lọ rượu vậy, xung quanh còn có rất nhiều núi nhỏ lởm chởm, nhưng núi nào cũng trơ trụi không có một cành cây, một ngọn cỏ nào mọc bên trên cả.

Lão ăn xin động lòng hiếu kỳ, liền tới gần để xem, xuyên đi xuyên lại trong vùng núi non đó nhanh như bay, bỗng nghe thấy tiếng niệm Phật đưa tới, kinh ngạc vô cùng, liền nghĩ:

- Trong thâm sơn này làm gì có chùa miếu gì đâu, vả lại lối đi thì không, một bóng người không có thế này, thì tiếng niệm Phật ở đâu đưa tới thế?

Y lại lắng tai nghe, mới hay tiếng đó ở phía đông đưa tới, liền chạy thẳng về hướng đó, mấy lần leo núi cao xem mấy trăm trượng xa không thấy một hình bóng chùa miếu nào cả, trong lòng sinh nghi, tưởng là nghe lầm. Bỗng lại có gió đưa tiếng niệm kinh tới nữa, không cần suy nghĩ gì, chạy tiếp về hướng đông, đi được bốn năm mươi trượng, thoáng thấy chỗ góc sườn núi có một cái hang đá đen ở trên lưng chừng sườn núi cô độc, hình như bên trong rất sâu, cửa động chỉ có một lối đi nhỏ bé ngang rộng độ nửa thước và cạnh lối đi đó là vực thẳm sâu khôn lường.

Mạnh Trọng Kha nhận định tiếng niệm Phật ở trong động vọng ra nhưng muốn vào trong động thì phải đi qua lối đi nhỏ mấy trượng xa, mà sườn núi lại bóng loáng, không sao bám víu vào đâu được, như vậy chỉ có chim chóc mới có thể bay vào trong động được, chớ người và thú khó mà qua được lối đi nhỏ và nguy hiểm ấy để vào trong động được. Tam Tuyệt Quái Khất thấy vậy nghĩ thầm:

- Thế này thì lạ thật, cứ xem tình thế của sơn động này thì chim thú cũng khó sinh sống bên trong được, như vậy thì làm gì có người ở trong đó nữa? Nhưng rõ ràng mình nghe thấy tiếng niệm kinh ở trong động đưa ra thật? Hay là ta đã nghe lầm chăng?

Nghĩ đoạn, Quái Khất lại lẩm bẩm tự nói:

- Sơn động này kỳ quái thật, nhưng chắc thế nào bên trong cũng có người, vậy người ta vào bằng lối nào? Hay là phía sau có một lối vào nữa?

Trong lòng sinh nghi như vậy, Mạnh Trọng Kha bèn leo lên đỉnh núi và hai bên sườn núi xem. Sau khi đã khám xét rất kỹ lưỡng, Tam Tuyệt Quái Khất mới thấy xung quanh không còn một lối đi nào khác nữa, lại quay lại chỗ cũ, tính toán xem có cách gì qua được lối đi bé nhỏ ấy không?

Bỗng trong động lại có tiếng tụng kinh rất nhỏ, chỉ nghe:

- ... Đắc A, Nhục Đa La Tam Mạo Tam Bồ Đề... Thuyết chúng sinh đoạn diệt... Ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng...

Tam Tuyệt Quái Khất mới hay người đó đang đọc chương vô đoạn vô diệt trong Kim Cương Kinh, và đoán chắc người trong động thể nào cũng là một vị đắc đạo cao tăng, liền lên tiếng hỏi rằng:

- Trong động là vị cao nhân nào thế?

Ngừng giây lát, một tiếng yếu ớt đáp:

- Lão tăng Bảo Đàm, nếu thí chủ có Lưng Hư Khí Công (khinh công có thể đi lơ lửng trên không vài trượng) và Thất Cầm Thân Pháp (thân pháp bảy loại chim) mới có thể vào trong động này được. Bằng không, thí chủ chớ có mạo hiểm vô ích. Bần tăng bị mấy tên nghiệt đồ hãm hại, khiến bán thân bị tẩu hỏa, hai chân cứng đờ không thể nào rời động này được, mong thí chủ lượng thứ cho.

Tiếng nói càng nói càng yếu dần, hầu như không sao nghe rõ vậy.

Mạnh Trọng Kha ngẩn người ra trong giây lát, hình như cái tên Bảo Đàm đã nghe nói ở đâu rồi?

Quái Khất lại đi ra mỏm núi, chỗ ngay cửa động, đứng nhìn thẳng sang, định từ nơi đó nhảy sang cửa động nhưng cách xa những mười bảy, mười tám trượng, ở giữa là vực thẳm sâu không đáy, liền nghĩ:

- Khinh công của mình có giỏi tới đâu cũng chỉ nhảy qua được năm sáu trượng là cùng, còn cách xa những mười trượng nữa mới tới được, giữa đường lại không có chỗ nào nghỉ chân và đổi hơi, dù ta có Lưng Hư Khí Công đi chăng nữa, cũng khó mà một hơi phi sang và giữa đường thay đổi thân hình để tréo thân hình mới len vào cửa động được. Ngay như các vị cao thủ nhất võ lâm hiện thời cũng chưa chắc đã có công lực vượt qua nổi.

Quái Khất càng nghĩ càng kinh ngạc, không hiểu Bảo Đàm thiền sư dùng phương pháp gì mà vào được trong động và thiền sư đã có võ học cao thâm như vậy, tại sao lại còn bị đồ đệ hãm hại đến nỗi bán thân tê liệt như thế? Không hiểu đồ đệ của thiền sư lại là ai thế?

Bỗng lại nghe thấy Bảo Đàm thiền sư khẽ nói:

- Thí chủ đã đến được nơi đây, cũng là người hữu duyên rồi, có thể cho bần tăng biết tên hiệu là gì không?

Tam Tuyệt Quái Khất vội tiếp lời đáp:

- Lão ăn xin là Mạnh Trọng Kha.

Lát lâu, Bảo Đàm thiền sư lại nói:

- Thì ra là Cái Bang Mạnh thí chủ đấy. Nếu Mạnh thí chủ không hiềm bẩn tai, thì hãy cho phép bần tăng được kể lại chuyện xưa, thí chủ mới không nghi ngờ được. Lão tăng xuất thân ở Thiên Trúc, hơn sáu mươi năm trước đây, lão tăng có thâu ba đứa đồ đệ, tên chúng là Kim Nguyệt, Ngân Nguyệt và Minh Nguyệt, ngoại hiệu của chúng là Thiên Ngoại Tam Tôn Giả.

Chúng đã học được tám chín thành võ công của lão tăng. Sau đó chúng nó dần dần đi vào đường tà, lão tăng hay tin cả giận, định xuống núi kiếm chúng để quét sạch nhơ bẩn ấy cho môn phái khỏi phải mang tiếng.

Ngờ đâu, ba tên nghiệp đồ ấy võ công tinh tiến nhiều lắm. Lão tăng đã giở hết công lực bình sinh mà không sao thắng nổi chúng, trái lại còn bị tên Ngân Nguyệt dùng thế Xích Ty Ma Gia in cho một chưởng, vết thương khá nặng, tự biết không thể ở lại đất Thiên Trúc nên mới lén tới Trung Thổ.

Ngờ đâu ba tên nghiệp đồ hay chuyện, cũng tới Trung Thổ này tìm kiếm lão tăng. Hành cước (đi bộ, dùng riêng cho nhà sư thôi) tới Thiên Sơn, lão tăng vô hình trung kiếm thấy một cuốn Phật Môn Chân Kinh ở trong Tuyết Nhai động trên đỉnh núi, bên trong có đăng tải nhiều môn thiền công tuyệt truyền võ học. Lão tăng hân hoan lượm được thiền môn tuyệt học đó, nếu luyện thành, thể nào cũng khắc chế nổi ba tên nghiệp đồ.

Không ngờ chúng cũng vừa kiếm tới, lão tăng phải vừa đánh vừa chạy, lại bị thêm một chưởng Xích Ty Ma Gia của Kim Nguyệt đánh phải. Xích Ty Ma Gia là một môn võ học tuyệt độc mà lão tăng đã học được, ai bị đánh trúng chưởng đó, phải có nội công tinh thâm, dùng bổn thân tam vị chân hỏa từ từ luyện hóa độc lực của Xích Ty Ma Gia mới mong khỏi được.

Bằng không, rút cục người bị chưởng đó sẽ thành huyết thủy mà chết. Thoạt tiên lão tăng đã không định học môn võ công ấy đâu. Có ngờ đâu, chính mình lại bị võ công đó hãm hại, thật là tự mình trồng nên ác quả. Sau, lão tăng mới phát hiện cái động này, rất hợp tỵ thân bèn giở toàn thân chân lực ra mới vào được trong động, suýt bị chôn thây dưới vực thẳm này.

Ba tên nghiệp chướng cũng theo sau tới nhưng bị chưởng lực của lão tăng đánh lui. Rồi lão tăng cứ giữ lấy nơi hiểm yếu này mà canh thủ, nhờ vậy bọn nghiệp chướng không làm gì nổi. Chúng hậm hực trở về Thiên Trúc.

Vào tới trong động, lão tăng mới hay đã dùng sức quá mạnh, vết thương càng trầm trọng thêm, nửa người bên dưới không sao cử động được nữa, mất bao công phu cũng không lành mạnh lại như cũ được và không sao sử dụng được cuốn chân kinh đã kiếm thấy.

Chính ra với công lực của bản thân, lão tăng có thể luyện bí học Phản Bổn Hoàn Nguyên ghi trong Chân Kinh mà chữa khỏi hoàn tật nhưng ba tên nghiệp chướng năm nào cũng tới đây quấy nhiễu hai lần, lần nào lão tăng cũng phải dùng hết chân lực.

Tuy nhờ có nơi nguy hiểm này, lão tăng mới khỏi bị độc thủ của chúng, nhưng từ đó tới giờ, ngày nào cũng bị cái khổ ma hỏa tấn công trái tim. Có mấy lần lão tăng định tự mình giải thoát lấy nhưng chỉ sợ lão tăng chết đi, không ai có thể kềm chế nổi ba tên nghiệp đồ nữa. Vì vậy lão tăng cứ phải sống khổ thế này...

Mạnh Trọng Kha mới hiểu sự thể đầu đuôi là thế. Thì ra Bảo Đàm thiền sư cũng là một ma đầu rất có tiếng tăm ở Thiên Trúc, lại có đủ sở trường của Phật, Ma hai môn phái.

Năm xưa, Quái Khất đã nghe thấy sư phụ Kim Minh Thái nói tới một lần. Bảo Đàm thiền sư tuy ít tác oai tác quái nhưng tánh rất hiếu thắng, xuất gia mà chưa bỏ được hai chữ “hờn và tham”, hơi tí là gây gổ tranh giành với người ta liền, cho nên võ lâm ở Trung Thiên Trúc đặt cho thiền sư cái tên Đệ Nhất Ma Đầu, không ngờ bây giờ lại bị môn hạ đánh đuổi tới Trung Thổ này. Như vậy có ai dám ngờ lại có chuyện kỳ lạ như thế này không?

Mạnh Trọng Kha nghe nói trong lòng áo não vô cùng, lại nghe thấy Thiên Ngoại Tam Tôn Giả không ai có thể kiềm chế nổi, trong lòng có vẻ tức giận liền lên tiếng hỏi:

- Cảnh ngộ của thiền sư hẩm hiu thật, tại hạ cũng phải ái ngại thay nhưng cái thuyết lệnh đồ không ai kiềm chế nổi, lão ăn xin e chưa chắc đã đúng như lời nói của thiền sư?

Lát lâu, Bảo Đàm thiền sư khẽ cười nhạt một tiếng và đáp:

- Mạnh thí chủ cho lời nói của lão tăng không đúng sự thật hay sao? Hiện nay trong võ lâm Trung Thổ hoặc giả còn có thiền môn cao nhân nào có thể kiềm chế được chúng nhưng lão tăng chắc những cao thủ đó rất hiếm và không thể vì việc riêng của bần tăng mà khiến gây nên chiến họa, quả thật lão tăng không muốn tí nào. Vả lại mấy tên nghịch đồ đó tối kỵ là lão tăng vẫn còn sống, bằng không chúng đã quấy nhiễu đến trời long đất lở, cả thất đại môn phái trong Trung Thổ đây cũng bị tan vỡ nốt.

Tam Tuyệt Quái Khất Mạnh Trọng Kha tánh rất ương ngạnh, nghe nói tức giận vô cùng, liền lớn tiếng nói:

- Võ học bổn môn của thiền sư tuy cao siêu thật nhưng không thể khinh thường võ lâm Trung Thổ đến thế được?

Bảo Đàm thiền sư khẽ cười một tiếng rồi nói:

- Có lẽ Mạnh thí chủ cho lời nói của lão tăng không đúng sự thật phải không? Lão tăng năm nay tuổi đã một trăm lẻ bảy rồi, tuy hai chữ “Hờn và Tham” chưa tiêu diệt hết thật nhưng không bao giờ lại nói dối thí chủ đâu! Nói tóm lại, chỉ tại lão tăng nhiều lời cả, nhưng thí chủ có dám cuộc với lão tăng không?

Tam Tuyệt Quái Khất thấy buồn cười, nghĩ thầm:

- Nhà sư ở trong hang động, ta ở bên ngoài thế này thì đánh cuộc sao được?

Nhưng lòng hiếu kỳ thúc đẩy, Quái Khất liền cười và hỏi:

- Xin hỏi thiền sư, chúng ta đánh cuộc bằng cách nào?

Lát lâu sau, Bảo Đàm thiền sư mới đáp:

- Lão tăng rất hối hận đã trót nói những lời vừa rồi cho thí chủ hay, nay thí chủ đã ra lời hỏi như vậy, lão tăng cũng động lòng hiếu thắng mới rủ thí chủ đánh cuộc là thế. Hàng năm ba tên nghiệp đồ tới đây quấy nhiễu hai lần, lần sau đây chỉ cuối năm là cùng. Nếu trước tết, thí chủ mà kiếm được một vị cao thủ nào có thể địch nổi mấy đứa nghiệp đồ ấy, tới đỉnh núi này hộ pháp cho bần tăng, thì nửa năm sau lão tăng sẽ ra khỏi được chỗ bị quẫn bấy lâu nay.

Bần tăng xin tặng cuốn chân kinh đã lượm được ở Thiên Sơn cho người hộ pháp đó, và bần tăng cũng xin giúp cho Cái Bang võ học phát dương quang đại. Trái lại, Mạnh thí chủ phải đi Trung Thiên Trúc một phen, tìm kiếm sư đệ của lão tăng tới đây giúp sức mới xong. Chẳng hay thí chủ có đi hộ cho không?

Tam Tuyệt Quái Khất khó nghĩ quá, chưa biết trả lời làm sao cho phải, nghĩ thầm:

- Đánh cuộc như vậy, đúng thiền sư muốn dụ mình vào tròng đây!

Quái Khất chưa kịp trả lời, đã nghe thấy Bảo Đàm thiền sư cười nhạt một tiếng và nói rằng:

- Lúc nãy lão tăng nói trong võ lâm Trung Thổ không có người, đúng là sự thật, chớ không tại sao thí chủ lại do dự như vậy làm gì? Thôi chúng ta bỏ chuyện đánh cuộc ấy đi vậy. Năm năm nay, nơi đây chỉ có ba tên nghiệp đồ của lão tăng lui tới, chớ không có ai dám qua đây cả. Hôm nay may thí chủ tới, lão tăng mới có dịp thổ lộ tất cả những sự uất ức bấy lâu nay ra.

Mạnh Trọng Kha cả cười rồi nói:

- Thiền sư, tại hạ biết thiền sư đã khiêu khích cho vào tròng nhưng lão ăn xin này cũng cam tâm tình nguyện, quân tử nhất ngôn, tại hạ đi ngay đây.

Nói xong Quái Khất quay người đi liền.

Trong hai tháng liền, Mạnh Trọng Kha bôn ba khắp giang hồ, muốn mời một vị võ lâm cao thủ, quả thật khó quá. Người trong phái tà mà nhận lời, chỉ sợ chúng lại bắt tay vào hùa với Thiên Ngoại Tam Tôn Giả, có phải là thêm cánh cho hổ không? Mà người trong phái chính, đã chắc đâu có ai chịu giúp?

Thật khó nghĩ cho Quái Khất quá! May mắn thay, một hôm Quái Khất gặp Cửu Chỉ trưởng lão Thương Tỷ ở trên đường đi Thiểm Nam, nói tới việc này.

Thương Tỷ cả kinh nói:

- Sao chú lại hứa với lão thiền sư làm gì? Thiên Ngoại Tam Tôn Giả võ công cao khôn lường, ngay như lão đây cũng không dám dây dưa với chúng. Như vậy, chú đã bị mắc hỡm Bảo Đàm rồi. Nhưng chú đã trót nhận như vậy, đành phải nghĩ cách đối phó cho xong, chớ biết sao bây giờ?

Mạnh Trọng Kha ngẩn người ra, không nói nửa lời. Một lát sau, Thương Tỷ lại nói:

- Chú mau trở về Sơn Tây ngay, họa chăng còn gặp được chú em kết nghĩa của tôi là Tạ Vân Nhạc. Chú cầu chú ấy giúp cho may ra mới giải quyết được việc này. Bây giờ tôi có việc bận phải đi ngay, chớ không có thể giúp chú đi Sơn Tây kiếm chú Vân Nhạc hộ cho.

Mạnh Trọng Kha thấy Thương Tỷ nói như vậy, vội vàng quay trở lại Thái Nguyên tức thì, nhưng tìm kiếm không thấy Vân Nhạc đâu cả, thoáng cái gần hết năm đến nơi rồi, thất vọng vô cùng, đang định khởi hành đi Trung Thiên Trúc, nhưng người Trung Thiên Trúc tối khinh thị nhân vật võ lâm Trung Thổ. Như vậy chưa biết chừng cái thân già này sẽ bị phơi xác ở đất khách cũng nên.

Không ngờ, Quái Khất lại gặp gỡ Tạ Vân Nhạc nơi đây, (lúc ấy vẫn lấy tên Dư Vân) liền yêu cầu Dư Vân đi hộ pháp cho Bảo Đàm một phen.

Dư Vân nghĩ ngợi lát lâu, nghĩ thầm:

- Trung Thiên Trúc xưa tên là Thiên Phương Quỷ Quốc, nghe nói những người và vật nơi đó hành sự kỳ dị lắm, khiến người ta không sao tưởng tượng nổi. Bảo Đàm khen ngợi mấy tên đồ đệ như vậy, chưa chắc đã là chuyện hư. Nhưng bất cứ sao, ta đã nhận việc của

Thương đại ca ký thác cho, cứ phải đi một phen xem sao đã. Và Mạnh Trọng Kha còn nói, Bảo Đàm thiền sư lượm được một cuốn chân kinh ở núi Thiên Sơn, không biết cuốn ấy có phải là di vật của Tổ Sư Vô Vi Thượng Nhân di tích lại không, nếu thật là chân kinh của Tổ Sư mình thì bảo vệ trọng báu của sư môn, ta càng phải đi một phen.

Nghĩ đoạn, chàng liền cười và nói:

- Mạnh đường chủ, ngày mai chúng ta đi ngay nhưng sơn mạch của dãy Thái Nhạc muôn vạn ngọn núi lởm chởm như vậy thì tôi tìm kiếm làm sao được?

Thoạt tiên Tam Tuyệt Quái Khất Mạnh Trọng Kha thấy Dư Vân trầm ngâm không nói, tưởng chàng không nhận lời đi lên núi Thái Nhạc, tỏ vẻ lo ngại vô cùng, sau thấy Dư Vân nhận lời mới hớn hở khôn tả, vội nói:

- Thưa Tạ đại hiệp, lúc Mạnh Trọng Kha ra khỏi dãy núi Thái Nhạc đã ghi hết những đường lối trên đó và đã vẽ thành một bức địa đồ. Đại hiệp cứ đi từ Hoàn Trang, huyện Linh Thạch vào núi rồi theo đường lối vẽ trong địa đồ mà đi là có thể tìm kiếm ra ngay. Bây giờ Mạnh Trọng Kha tôi phải đuổi theo hộ vệ hai chị em Phó tiểu thư, lúc về sẽ thỉnh an Tạ đại hiệp sau.

Dư Vân gật đầu mỉm cười, Tam Tuyệt Quái Khất Mạnh Trọng Kha vái lạy rồi từ biệt đi ngay. Ngày hôm đó là ngày hai mươi bốn tháng chạp, Dư Vân đang ngồi trên thủy các, ngẩn người nhìn ra hồ ao sen đã tàn bên ngoài cửa sổ, hồi tưởng lại từ lúc hạ sơn đến phủ Nam

Xương cho tới ngày hôm nay vừa đúng một năm trời, du tử đi khắp chân trời làm khách lạ quê người, không biết bao giờ mới xong việc của mình.

Vì vậy chàng tỏ vẻ âu sầu, vươn vai một cái rồi đứng dậy thủng thẳng ra khỏi Tấn Từ đưa mắt nhìn xung quanh không thấy một bóng người nào, mới dở khinh công ra đi như bay về thẳng thành Thái Nguyên.

Tiết trời rất xấu, khác hẳn mấy hôm trước, mây đen phủ kín mặt đất u ám, gió thổi mạnh như dao cắt, may mà không mưa tuyết nên đường lối còn dễ đi. Dư Vân vào thẳng cửa nam thành Thái Nguyên, lúc này chàng mới đi thủng thẳng như người thường.

Chàng thấy người đi đông đúc vô cùng, chàng bèn xen cánh vào trong đám đông theo làn sóng người mà đi bước một, nhìn về phía đông, lại trông sang phía tây, thấy có nhiều nhà bày ở trước cửa hương nến và tam xên, chàng không hiểu họ làm như thế để làm gì.

Bỗng trông thấy giữa đường cái, người qua lại vội tránh sang hai bên lề đường và phía xa có tiếng chuông ngựa vang tới, chàng trợn mắt lên nhìn kỹ bỗng thất thanh kêu lên “ủa” một tiếng, thì ra chàng thấy người cỡi trên ngựa là Lan cô nương cách biệt đã lâu ngày. Ngụy Uyển Lan mặc một áo màu thủy lục, lưng buộc thắt lưng màu đen viền trắng, lại khoác ngoài một chiếc áo lông màu đỏ trông rất sáng mắt, lại thêm bộ mặt hồng hào, môi son nhỏ tí càng tăng thêm vẻ đẹp vô cùng.

Con ngựa của nàng cởi là một con ngựa thần, ngày chạy ngàn dặm, lông trắng như tuyết từ đầu chí cuối không có một lông tạp nào xen vào cả. Lan cô nương múa chiếc roi kêu “Bộp! Bộp!” đang thúc ngựa chạy ra cửa nam thành, nàng không trông thấy Dư Vân đang trố mắt nhìn mình nhưng dù nàng có trông thấy đi chăng nữa, chắc cũng không nhận được vì lúc này Dư Vân đang đeo mặt khác. Mặt Dư Vân tỏ vẻ kinh ngạc nhìn theo phía sau Lan cô nương, ngẩn người ra nghĩ thầm:

- Chẳng hay nàng tới Sơn Tây này có việc gì thế?

Không hiểu tại sao bỗng dưng chàng lại quan tâm đến Lan cô nương như vậy, nhưng sực nghĩ tới tánh ương ngạnh bướng bỉnh của nàng, cơn tức giận đưa lên liền quay đầu bỏ đi tức thì.

Dư Vân thoáng trông thấy trước mặt có một tửu lầu tên là Lưu Hương Cư, cái bảng hiệu đang phất phới trước gió, vội rảo cẳng bước vào và lên ngay lầu tức thì, vừa lên tới trên gác thấy một bộ mặt đẹp một cách hồn nhiên lộ ra, tiếp theo tới toàn thân hiện ra nốt, quần áo đen bóng, chân đi giày da lộp cộp cắm đầu chạy xuống thang gác. Dư Vân vội đứng né sang một bên để nhường cho hắc y cô nương đó xuống trước.

Nàng bỗng thấy Dư Vân, đứng ngẩn người ra giây lát lại tủm tỉm cười một cái, rồi tựa như một luồng gió biến đi mất và văng vẳng nghe thấy nàng tự nói rằng:

- Đeo cái bộ mặt quỷ trông thật chán mắt!

Dư Vân nghe thấy nàng nói như vậy, sực nghĩ đến đêm mưa gió nọ bị người cướp mất hạt châu, tên giặc ấy nhất định là nàng này chớ không sai, không nghĩ ngợi gì nữa liền cắm đầu đuổi theo, không ngờ đụng phải một người ở ngoài đi vào, chỉ nghe “bùng” một tiếng, người nọ đã bị bắn ra xa sáu bước ngã ngồi phịch xuống đất, la lớn rằng:

- Khốn nạn thật! Làm ta đau chết thôi!

Người nọ mồm méo xệch, hai tay ôm lấy ngực và bụng. Dư Vân nhìn kỹ mới hay người đó là một tên phổ ky thì ân hận vô cùng liền chạy lại đỡ dậy. Lúc ấy người đi đường đã quay lại xem đông nghẹt.

Thì ra lúc Dư Vân vào khách sạn, tên phổ ky theo sau định tiếp đãi, không ngờ gặp hắc y cô nương xuống lầu, Dư Vân né sang bên tránh, tên phổ ky cũng né tránh theo. Sau khi hắc y cô nương đi rồi, phổ ky tưởng chàng lên thẳng trên lầu chớ có ngờ đâu chàng lại quay trở xuống nên mới va đụng như vậy. Thấy Dư Vân đỡ mình lên như vậy, tên phổ ky không dám oán trách nửa lời, trái lại vẫn tươi cười, mời chàng lên lầu.

Thấy bị phổ ky vướng cẳng, Dư Vân chắc không sao đuổi kịp nàng áo đen nữa nên đành phải lên lầu. Cơm nước xong, trời đã tối sầm. Chàng lững thững tản bộ trong các phố to, hẻm nhỏ ở thành Thái Nguyên một hồi lâu mới về ngủ.

Sáng sớm hôm sau đã thấy những người ngoài phố phao đồn một tin kinh hãi vô cùng là tại hẻm Tam Nguyên ở phía bắc thành, có một nhà của Lý Thừa Kính là quan Hộ Bộ Thị Lang hồi hưu, đêm hôm qua bị mất trộm những vàng bạc châu báu cất giấu trong kho sau vách sắt mà nửa số không cánh mà bay mất.

Đó là việc nhỏ nhưng còn tám tên hộ viên của Lý phủ đều bị chặt đứt chân tay vứt vào trong vườn hoa, nên trong Lý phủ đâu đâu cũng có vết máu trông thật rùng rợn, còn Lý Thị Lang và phu nhân cũng bị cạo trọc mất đôi lông mày, tên gian tặc đó còn táo gan hơn nữa, dám viết lại trên tường mấy chữ “Thanh Phong Bang Phong Long” và một bàn tay máu ai trông thấy cũng phải sờn lòng. Vì Lý Thị Lang là kẻ giàu có bất nhân, nên dân chúng trong thành Thái Nguyên nghe thấy tin đó ai nấy đều tỏ vẻ hân hoan, chỉ bận rộn cho bọn chó săn của phủ Thái Nguyên.

Tên trùm bọn bổ khoái (mật thám hồi xưa) là Thiểm Đao Thù Tôn Hạc Minh biết không phải là Phong Long của Thanh Phong Bang lấy trộm đâu, nhưng tên trộm đó là ai thì không ai biết cả. Vì vậy mới khổ cho bọn bổ khoái.

Lúc này Dư Vân đang đi Linh Thạch huyện, thúc ngựa phóng như bay, chưa tới giờ Mùi đã tới Hoàn Trang rồi, bèn gởi ngựa cho một nhà nông rồi căn cứ theo tấm bản đồ Tam Tuyệt Quái Khất mà đi vào trong núi.

Từ Hoàn Trang lên núi, chàng đi mấy mươi dặm đường núi khấp khểnh. Đoạn đường này là đoạn đường khó đi nhất của Thái Nhạc Sơn Mạch.

Dư Vân giở khinh công tuyệt đỉnh ra đang bay từ đồi này sang núi nọ, bỗng thấy tiết trời thay đổi, mây đen phủ kín, gió bắc thổi mạnh, những mảnh tuyết như lông ngỗng lác đác rơi xuống. Chàng vừa lên tới một đỉnh núi, bỗng thấy trên ngọn núi phía trước mặt có mấy cái hình bóng thấp thoáng, biết ngay những người đó đều có khinh công tuyệt đỉnh.

Dư Vân nghĩ thầm:

- Trong dãy núi thâm sơn cùng cốc này sao còn có người đi vào làm gì, chẳng lẽ họ cũng biết chuyện Bảo Đàm thiền sư hay sao?

Nghĩ đoạn, chàng nhún vai một cái đã phi ra ngoài năm trượng rồi nhảy liên tiếp hai ba cái như thế nữa đã đuổi gần kịp bọn người kia, chỉ cách nhau có bảy tám trượng thôi.

Chàng định thần nhìn kỹ mới hay trong bảy người đó có cả Hồng Kỳ Bang chủ Bát Ty Kim Cương Vũ Văn Lôi, chàng ngạc nhiên vô cùng nhưng bảy người đó đều là những tay võ lâm cao thủ.

Lúc ấy Vũ Văn Lôi và một người già râu đen, tóc đen đã phát giác phía ở sau có tiếng động. Hai người đồng thời xoay người nhảy trở lại, động tác đột nhiên và nhanh như điện ấy nếu là người khác thì đã bị Vũ Văn Lôi và ông già râu tóc đen đánh trúng rồi, nhưng Dư Vân khôn ngoan lắm, thân pháp lại hơn bảy người kia rất nhiều cho nên chàng vừa thấy hai người đó xoay mình liền nhảy vào trong đống đá lởm chởm mà ẩn nấp.

Tảng đá nào cũng cao hơn người hai thước nên Dư Vân cứ đi quanh trong đó, không bao lâu đã vượt qua đầu bảy người kia rồi.

Hãy nói Vũ Văn Lôi và ông già râu tóc đen quay trở lại định đánh người theo sau một cách đột nhiên, ngờ đâu không thấy hình bóng người nào hay vật nào cả.

Cả hai cùng ngẩn người ra nhìn nhau cười gượng một tiếng rồi vội chạy theo năm người kia đang đi ở phía trước.

Chưa rõ mục đích của những người này vào trong núi làm gì, Dư Vân không tiện lộ diện gây hấn với chúng làm gì. Chỉ giở khinh công tuyệt thế ra nhảy một cái đã đi xa được bảy tám trượng.

Một tiếng đồng hồ sau, Dư Vân ngạc nhiên vô cùng thấy dọc đường còn có hai ba tốp người nữa, biết chúng không phải là một nhóm với nhau, nhưng chúng rủ nhau lên trên này có mục đích gì thì chàng vẫn chưa được hiểu rõ, chẳng lẽ chúng cũng vì bộ chân kinh của Bảo Đàm thiền sư chăng? Nếu không phải thì còn cái gì hấp dẫn được lắm cao thủ võ lâm như thế?

Càng nghĩ càng không hiểu, vì theo lời nói của Tam Tuyệt Quái Khất Mạnh Trọng Kha thì từ khi Bảo Đàm thiền sư vào núp trong hang động đó đã năm năm nay, ngoài Thiên Ngoại Tam Tôn không còn có người nào khác đi qua nơi đó cả.

Nghĩ như vậy chàng càng nghi mấy bọn người này này chắc vì việc khác mà ngẫu nhiên lên đây. Việc đó không ăn thua gì tới mình thì hà tất phải nghĩ ngợi đến làm gì cho mất công.

Thì là chàng tiếp tục đi như bay vào sâu trong rừng núi Kỳ Phong mà Bảo Đàm thiền sư ẩn núp, chỉ còn cách chỗ đang đi của Dư Vân chừng độ hai ba cái đồi nữa mà thôi. Trong lúc chàng đang lướt xuống đỉnh phong, bỗng đột nhiên nhìn thấy bên trái, ngoài ba bốn mươi trượng có bóng người nhảy nhót và có tiếng binh khí va chạm nữa. Chàng liền lén mình nhảy đến gần xem thì thấy có hai người đang tranh đấu nhau kịch liệt ở trong mưa tuyết, chàng đứng lên một tảng đá để ý quan sát.

Hai người ấy vì cứ mải miết chém giết nhau nên không ai biết được rằng ngoài năm sáu trượng lại có Dư Vân đang đứng rình xem trận đấu.

Chàng thấy một người râu vàng tuổi trạc ngũ tuần, đôi mắt quái dị, tay cầm một thanh kiếm kỳ lạ đang phi múa, còn người kia mặt giận dữ, tay trái cầm kiếm, còn tay phải thì buông thõng xuống không cử động, nhưng những thế kiếm của chàng lại tinh kỳ vô cùng.

Tuy nhiên có lúc thật là lợi hại, cũng có lúc lại tỏ ra rất suy nhược. Dư Vân thấy vậy không hiểu tại sao bèn nghĩ thầm:

- Kiếm pháp của thiếu niên này quả thật là do danh gia truyền thu và trông hình như là môn hạ của phái Côn Luân thì phải, nhưng thế Kim Yến Tam Hoàn (con én vàng lượn ba vòng) oai dũng vô cùng mà tựa như không đủ sức sử dụng thì phải!

Chàng lưu ý nhìn kỹ mới nhận thấy lúc mới đánh, thiếu niên nọ không phòng bị nên đã bị ông già râu vàng điểm trúng yếu huyệt. May mà chàng thiếu niên nọ đã phát giác nhanh mới tự bế yếu huyệt lại để khỏi bị toàn thân tê liệt không cử động được, nhưng chàng bị ông già râu vàng tấn công luôn luôn không có thì giờ điều hòa chân khí nên mới có những hiện tượng như trên, cho nên thế kiếm của thiếu niên lúc mạnh lúc yếu là như vậy.

Thấy vậy, Dư Vân muốn nhảy vào giúp sức cho thiếu niên nọ một tay vì ra tay giúp đỡ kẻ hèn yếu thế cô là thường tình của người đời.

Đấu thêm mười mấy miếng nữa mặt đã đỏ, tai tía, đờm đưa lên nghẹt cả cổ họng nên giọng nói bắt đầu thấy khàn đi, hiển nhiên là vì bị tức giận quá nỗi. Ông già râu vàng thấy thiếu niên nọ sắp thua đến nơi, thế kiếm tấn công càng mạnh hơn trước nhiều, miệng cứ thốt ra những tiếng cười quái dị tỏ vẻ đắc chí vô cùng.

Thấy vậy thiếu niên nọ càng tức giận thêm, nghiến răng mím môi cố chịu đựng, hình như trong người rất đau đớn mà không nói ra được, đôi mắt trợn tròn xoe, tay trái lại múa kiếm lên theo kiểu chữ “Chi” liên tiếp tấn công một lúc khiến ông già râu vàng phải lùi lại bảy tám bước, thế kiếm đó chàng sử dụng rất tinh xảo nhưng múa xong thế kiếm đó đã thấy sắc mặt biến đổi hẳn, há mồm phun ra một đống máu đen.

Thấy vậy, ông già râu vàng lẳng lặng nhảy lên phi kiếm đâm tới. Lúc ấy thiếu niên đã loạng choạng sắp ngã, chàng có vẻ tuyệt vọng vô cùng khi trông thấy chỉ còn hai tấc là kiếm của địch đã giết chết mình rồi.

Dư Vân thấy vậy, hết sức lo ngại vội thét lớn lên một tiếng, nhảy lên cao như một con hổ vồ tới xông vào ông già râu vàng.

Ông già râu vàng thấy mình sắp sửa giết được địch thủ đến nơi, bỗng nghe thấy phía sau có tiếng gió mạnh, thì biết ngay là có kẻ đánh lén mình, nên đành phải quay lại để bảo vệ lấy tánh mạng trước, ông ta giơ trường kiếm lên chém ngang vào thân mình của Dư Vân.

Dư Vân muốn cứu chàng thiếu niên nọ chớ không có ý định đánh ông già bị thương vì trong lúc này chàng không biết ai là phải, còn ai là trái, ai là kẻ chính và ai là kẻ tà cả.

Tánh chàng cũng như cha, dù cho người chính phái mà làm việc trái cũng không bao giờ nhúng tay vào giúp cả.

Lúc ấy Dư Vân vừa hạ thân xuống trước mặt thiếu niên, hai ngón tay nhanh như gió điểm vào Khí huyệt ở ngang lưng của thiếu niên nọ, chỉ trong chớp mắt hai ngón tay chàng đã búng luôn ba cái, rồi thân hình lại lộn trở về trên tảng đá vừa đứng hồi nãy tức thì.

Thủ pháp điểm huyệt và giải huyệt của Dư Vân có thể nói là độc bộ thiên hạ.

Thiếu niên được chàng búng liền cho ba cái, khắp người dễ chịu ngay, chân khí lại điều hòa như trước nên tinh thần phấn chấn tức thì, thanh kiếm từ tay trái đổi sang bên tay phải.

Ông già râu vàng bị gạt một cái đã lướt ra ngoài ba trượng, quay đầu lại trông thấy thiếu niên nọ đã nhờ một chàng đồ hủ tuổi trạc trung niên giải huyệt cho, mặt bỗng lộ vẻ biến sắc, tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng.

Vì thủ pháp của y khác hẳn với người thường, nay bỗng thấy chàng đồ hủ giải được và biết thiếu niên nọ đã giải được yếu huyệt đó, sợ mình không sao kềm chế nổi, liền đem lòng tức giận chàng đồ hủ nọ vô cùng.

Lúc ấy, thần oai của thiếu niên nọ bộc phát sinh, thân hình phi lên không, bẻ lưng một cái, cánh tay vượn bỗng giơ ra, “soẹt, soẹt, soẹt” ba thế kiếm liền đâm thẳng vào ngực ông già râu vàng, thế kiếm kỳ dị và lợi hại vô cùng, khác hẳn hồi nãy nhiều.

Ông già râu vàng không ngờ thiếu niên nọ ra tay lại nhanh nhẹn như vậy, lùi lại không kịp, chỉ có thể giơ kiếm lên đỡ “keng” một tiếng, hai kiếm đụng nhau bật đom đóm lửa ra.

Kiếm của ông già râu vàng không sao rút lại được, bị đè cong xuống, hình như bị kiếm của thiếu niên phát ra một sức hút dính chặt, và thoáng một cái, kiếm của thiếu niên đã mượn thân kiếm của đối thủ lướt về phía trước nhanh nhẹn vô cùng. Mũi kiếm sắp tới Nhũ Trung huyệt trên ngực bên trái của ông già liền ngừng ngay lại, nếu chàng chỉ đưa về phía trước ba phân nữa là thế kiếm đó đã kết quả tính mạng của ông già râu vàng liền.

Thấy thiếu niên sử dụng thế kiếm Phi Yến Tam Triển Xí (én bay giương cánh ba lần) rất thuần thuộc, Dư Vân cũng phải khen thầm và nhận thấy kiếm học của thiếu niên còn trên cả Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu hai người nhiều.

Lúc ấy, lại nghe thấy thiếu niên nọ quát lớn một tiếng rồi nói:

- Tên Mục Hồn Kiếm Hồ Phẩm Võ kia không biết xấu hổ tí nào, đương nhiên giở trò đánh trộm như vậy, thật mi đã làm nhục hết thanh danh Hoa Hạ Tứ Ác sư môn của mi rồi. Bây giờ mi còn nói gì nữa không?

Mục Hồn Kiếm Hồ Phẩm Võ đã bị chàng kiềm chế, còn biết nói năng gì nữa? Nhưng lòng mong đợi sống ai mà chẳng có, y cứ xoay chong chóng hai mắt, vội nói:

- Cát thiếu hiệp, không phải võ công của tôi kém bạn và cũng là bạn đánh lén mới kềm chế được tôi như thế này. Như vậy, chúng ta xử hòa, còn có điều gì đáng nói nữa? Nếu bạn có gan, buông tay ra chúng lại tái đấu, nếu tôi thua lần nữa, sẽ tự vận ngay trước mặt bạn, chẳng hay bạn nghĩ sao?

Thiếu niên họ Cát vì lòng hiếu thắng xui khiến, hất mũi kiếm lên, ha hả cười đáp:

- Được, chắc mi không chạy thoát nổi bàn tay của thiếu gia này đâu?

Nói đoạn, chàng liền nhảy ra xa hơn trượng, Mục Hồn Kiếm Hồ Phẩm Võ cười nhạt một tiếng rồi đáp:

- Thằng nhãi kia, mi đã bị ta lừa gạt rồi, có biết không?

Nói đoạn, y quay mình, người hơi khom về phía trước, dùng thế Thanh Đình Tam Tiềm Thủy (chuồn chuồn nhảy trên mặt nước ba cái) ra, chỉ nhún nhảy ba cái đã chạy ra xa mười mấy trượng rồi. Thiếu niên họ Cát không ngờ Hồ Phẩm Võ lại vô liêm sỉ đến thế, đang ngẩn người ra, hai mắt chớp nháy mấy cái, huýt lớn một tiếng đang định đuổi theo, đã thấy Hồ Phẩm Võ đau khổ đứng ngừng lại nơi đó rồi.

Thì ra Mục Hồn Kiếm Hồ Phẩm Võ đang yên trí đã thoát khỏi miệng hùm, ba cái nhún nhảy ra xa xong, lại nhún mình nhảy tiếp, bỗng thấy đồ hủ trung niên nọ đã nhảy tới đón ngay lối đi, kinh hãi vô cùng, đang định né mình lén chạy nhưng đã muộn rồi, chỉ nghe thấy hai tiếng “Bốp, Bốp” y đã bị ăn hai tát liền, hai má đau đớn vô cùng, đầu óc choáng váng, tối tăm cả mặt mũi.

Dư Vân cười nhạt một tiếng và nói:

- Thảo nào, Cát thiếu hiệp bảo mi là kẻ vô sỉ thật không sai tí nào. Nay ta thấy mi, thật là vô sỉ cực điểm... Có mau ngoan ngoãn lăn trở về đằng kia không? Quý hồ mi thắng nổi Cát thiếu hiệp một thế thôi, ta sẽ tha cho bước ngay.

Nói xong, chàng trợn trừng đôi mắt nhìn thẳng vào mặt Hồ Phẩm Võ.

Hồ Phẩm Võ thở dài một cái, lại quay trở lại trước mặt thiếu niên nọ. Y đi tới cách thiếu niên họ Cát hơn trượng, đứng lại liền.

Không ngờ lại có chi tiết khác xảy ra. Thì ra, lúc ấy Dư Vân đã phát giác ba bốn bọn người đi tới trên mỏm đá cạnh đó rồi, một người trong bọn họ bỗng kinh ngạc kêu ủa một tiếng và nói:

- Có phải Hồ huynh đấy không?

Vừa dứt lời, một đại hán râu xồm phi thân tới trước mặt Hồ Phẩm Võ rồi. Thấy có cứu tinh tới, Hồ Phẩm Võ cả mừng, vội nói:

- Doãn huynh, tên kia là Cát Thiên Hào, thằng nhỏ của phái Côn Luân. Chính nó đã dùng kiếm bổ chết lệnh điệt đấy. Tiểu đệ đang định bắt nó hộ cho huynh, không ngờ bị tên đồ hủ kia phá bĩnh.

Đại hán râu xồm nghe thấy Hồ Phẩm Võ nói như vậy, nhanh bước tiến tới phía trước mặt Cát Thiên Hào, giận dữ hỏi:

- Cát tiểu tử, năm ngoái cháu ta chết một cách thảm thương dưới lưỡi kiếm của mi, chắc mi vẫn còn nhớ. Doãn mỗ đi khắp nơi tìm kiếm, không gặp đâu cả, không ngờ trời xanh dung rủi, ngày hôm nay mi lọt vào tay Doãn mỗ ở nơi đây, hà hà...

Y vừa cười vừa giơ năm ngón tay nhắm đầu Cát Thiên Hào chộp luôn...

Thấy tên đại hán râu xồm ra tay đánh một thế, Cát Thiên Hào nhận ra ngay, y dùng thế Huyền Âm Quỷ Trảo của phái Không Động liền giơ kiếm lên đỡ liền và dùng thế kiếm chữ “Chi”, chỉ nháy mắt một cái đã xuyên ra phía sau đại hán nọ rồi, mồm quát lớn:

- Doãn Đại Hồng, mi nói như vậy thật không biết xấu hổ tí nào. Cháu mi Doãn Hoa chuyên môn đi hiếp phụ nữ, bại đức như thế nhân thần cũng giận, dù có bị giết dưới lưỡi kiếm của thiếu gia đây cũng không phải là thái quá mà!

Doãn Đại Hồng đánh hụt thế đầu, lại thấy phía sau có tiếng gió động, vội quay mình lại đánh luôn ba thế Huyền Âm Quỷ Trảo (móng tay ma Huyền Âm) ra một lúc. Thanh kiếm trên tay của Cát Thiên Hào cũng bị Huyền Âm chân khí đẩy bắn sang bên, cánh tay cũng cảm thấy hơi tê, thân hình cũng bị đẩy lui hai bước, liền nghĩ thầm:

- Không ngờ Huyền Âm Quỷ Trảo lại lợi hại đến thế?

Lúc này Dư Vân nghe thấy hai người đối đáp, đã biết thiếu niên nọ là Tiểu Bạch Long Cát Thiên Hào, một nhân tài kiệt xuất của bọn môn hạ phái Côn Luân, chớ không làm gì có công lực giỏi như vậy, lại thấy mấy bọn người kia có một vài người cứ ngắm nhìn mình luôn, trong lòng cười thầm và nghĩ:

- Chúng bây là những quân hồ ly, chuột nhắt, chỉ dám ra tay đánh Cát Thiên Hào thôi.

Đã thế ta để cho các mi ở lại đây tất cả.

Hãy nói Cát Thiên Hào bị Huyền Âm Chân Khí của Doãn Đại Hồng hất kiếm sang bên và thân hình bị đẩy lui về phía sau mấy bước, xấu hổ vô cùng, liền giở ngay Thần Yến Kiếm Pháp tuyệt kỹ của phái Côn Luân ra, vây chặt lấy thân hình Doãn Đại Hồng.

Nhưng Doãn Đại Hồng đã là tam sư đệ của Chưởng Giáo phái Không Động, môn Huyền Âm Quỷ Trảo rất độc đáo, trên giang hồ các tay hảo thủ trông thấy võ công này cũng biến sắc mà bỏ chạy cho nên y mới có biệt danh là Quỷ Ma Thủ (tay ma quỷ). Lúc này, y thấy Cát Thiên Hào giở tuyệt kỹ của phái Côn Luân ra, cười nhạt mấy tiếng và nói:

- Tiểu tử, người khác có sợ Thần Yến Kiếm Pháp của mi thật đấy nhưng cản trở sao nổi Doãn mỗ đây! Thôi được, hãy để cho mi nếm mùi Quỷ Trảo Đoạt Mệnh xem có chịu nổi không đã?

Nói đoạn, chỉ thấy song chưởng của y khua mấy cái, liền hóa ngay ra tay ma khắp trời.

Lúc ấy trời đang mưa tuyết đã đủ hoa mắt rồi, bây giờ lại thêm bóng tay thấp thoáng luôn luôn, càng khiến người ta tối tăm cả mặt mũi.

Cát Thiên Hào bỗng thấy chân lực của hai bàn tay Doãn Đại Hồng đánh ra khác hẳn người thường nhiều, tay phải y cứ nhắm chỗ sơ hở của mình tấn công, còn tay trái của y dùng để bảo thủ, thấy kiếm của mình tới gần là dùng Huyền Âm Chưởng đẩy bật kiếm ra.

Cát Thiên Hào không ngờ công lực của đối phương lại tuyệt đến mức ấy. Phải biết chân lực luyện tới mức to, nhỏ, thâu, phát tùy theo ý muốn của mình và có thập thành hỏa hầu không khó lắm. Riêng có hai tay cùng đánh ra, đồng thời phát ra một tay chân lực mạnh, một tay chân lực yếu như vậy mới khó.

Chàng tự biết thế kiếm của mình tuy thần kỳ nhanh nhẹn thật nhưng khó lòng địch nổi chân lực của Doãn Đại Hồng đã luyện tới mức thượng thừa, liền thay đổi kiếm pháp, giở Vô Thượng Tâm Pháp (tâm pháp nội tức) của phái Côn Luân, là chín thế tuyệt cứu mạng khỏi nguy ra. Chỉ trong chốc lát, kiếm quét nghìn quân, lợi hại vô cùng, đẩy lui Quỷ Ma Thủ Doãn Đại Hồng về phía sau luôn luôn.

Lúc ấy trong đám đông có một người quát lớn một tiếng “Hãy khoan”, tiếp theo đó, một cái thân hình đồ sộ từ trên không đâm bổ xuống, Cát Thiên Hào đang kinh dị vì thấy thân pháp của người đó nhanh quá, bỗng thâu ngay thế kiếm lại, nhảy lùi về phía sau.

Nhìn rõ mặt người đó, Dư Vân mới hay y là Bang chủ của Hồng Kỳ Bang, Vũ Văn Lôi. Y nhìn Cát Thiên Hào cả cười và nói:

- Công lực của Cát thiếu hiệp tinh thâm lắm, Vũ Văn Lôi đây cũng phải khâm phục, nhưng lúc này nơi đây quả thật chúng ta không nên tranh đấu nhau làm gì, xin thiếu hiệp nể mặt mỗ hãy tạm ngừng tay lại.

Không cần đợi Cát Thiên Hào trả lời, Vũ Văn Lôi lại quay trở lại nói với Doãn Đại Hồng rằng:

- Doãn huynh, chúng ta còn có việc cần phải đi làm ngay, việc gì cũng nên để lại một ngày khác hãy tính toán sau. Thôi, chúng ta đi đi!

Y quay trở lại chắp tay chào Cát Thiên Hào và nói tiếp:

- Xin cho phép tái ngộ một ngày gần đây.

Nói đoạn, y giơ tay phải ra kéo Doãn Đại Hồng, nhún mình một cái đã nhảy ra xa tức thì.

Năm người cùng đi với y cũng đi theo liền nhưng trước khi lên đường, cả năm đều nhìn Cát Thiên Hào với vẻ mặt căm hờn một cái rồi mới dắt tay đi luôn. Cả hai ba bọn khác cũng đi theo nốt, cả tên Mục Hồn Kiếm Hồ Phẩm Võ cũng đi theo bọn Vũ Văn Lôi biến dạng từ lâu rồi.

Cát Thiên Hào đứng cô đơn một mình, đưa mắt nhìn theo bọn người kia đi thật xa, mới sực nhớ tới còn phải cảm ơn Dư Vân đã ra tay giải huyệt cho mình đã. Ngờ đâu quay nhìn cũng không thấy một bóng người nào đứng quanh đó cả, mới hay ân nhân của mình đi đã lâu rồi, liền thở dài một cái cũng bước đi theo lối đi của Vũ Văn Lôi mà tiến.

Sự thật lúc ấy Dư Vân vẫn đứng núp ở đằng sau tảng đá, không muốn gặp mặt Cát Thiên Hào là sợ lỡ mất việc của Mạnh Trọng Kha nhờ vả, nên chờ tới khi Cát Thiên Hào đi xa rồi mới ló đầu ra, hai tay giũ những mảnh tuyết phủ đầy trên mình mẩy.

Lúc ấy, sắc trời càng u ám hơn, gió bắc thổi mạnh vô cùng, tuyết trên núi đã phủ đầy hơn thước. Xa xa trông thấy, chỉ thấy trắng xóa không sao phân biệt trời và núi. Dư Vân lấy hơi nhún vai chạy thẳng nhưng chàng không đi theo đường lối của Vũ Văn Lôi, mà đi chéo sang phía tay phải.

Dư Vân phi thân trên các ngọn núi, mới lướt khỏi chỗ cũ hơn trăm trượng, bỗng trông thấy một cái lệnh bài hình quái dị hiện ra ở phía trước chừng hai trượng, tựa như một bàn tay, có cán như cổ tay, đen như mực nằm trên mặt tuyết rất là choáng mắt.

Tấm lệnh bài ấy hấp dẫn Dư Vân phải ngừng chân lại, liếc nhìn một cái, bỗng dùng chân phải hất lên một cái. Lệnh bài kia đã rời khỏi mặt đất bay lên, tay phải bắt luôn cái cán, thấy cán đó còn hơi ấm, biết lệnh bài này dắt trong lòng người mới đánh rớt không lâu.

Chàng đoán chắc vật này không phải của mấy bọn người kia vì mấy bọn người đó không đi qua lối này, nhưng ai đã đánh rơi như vậy?

Chàng đưa lên mũi ngửi, thấy có mùi hương xông lên liền đoán chắc lệnh bài này của một người đàn bà đánh rơi và giấu kín trong lòng chỗ sát với da thịt...

Chàng lại liên tưởng đến lệnh bài thể nào cũng có lai lịch, liền nhìn kỹ xem, mới hay có năm cái đầu quỷ ở giữa bàn tay, nhe nanh trợn mắt, xung quanh năm cái đầu ấy lại có rất nhiều đường chỉ như những đường chỉ của bàn tay người vậy. Chàng quan sát hồi lâu mới định bỏ lệnh bài vào trong túi.

Đang lúc ấy, bỗng có một bàn tay mềm mại thò tới định cướp cái lệnh bài đó. Dư Vân giật mình, ngửng đầu lên nhìn mới hay người đó là mỹ nhân áo đen gặp trên tửu lầu trong thành Thái Nguyên bữa nọ, ngẩn người ra hồi lâu.

Nàng nọ tuy đã nắm được thẻ lệnh bài rồi nhưng vẫn chưa cướp được, vì tay Dư Vân vẫn nắm chặt.

Thiếu nữ hắc y không cướp lệnh bài nhưng không tiện thâu tay lại, ngượng quá mặt đỏ bừng lên, trợn tròn hai mắt, hờn giận nói:

- Sao ông lại làm thế? Người ta vất vả biết bao mới lấy được vật này, ông lại định nuốt chửng mất, không biết xấu hổ. Chẳng hay ông có chịu trả lại bổn cô nương không?

Lúc này Dư Vân mới nhìn kỹ, cảm thấy nàng hắc y này còn đẹp hơn Triệu Liên Châu và Phó Uyển nhiều, từ trong xương đẹp ra, không một nơi nào là không đẹp cả, thật là trời sanh ra vẻ đẹp nhu mì.

Tuy Dư Vân không phải là kẻ hiếu sắc nhưng ái mỹ là thiên tánh của con người, chàng vẫn biết lệnh bài quái dị này là của nàng nọ đánh rơi, đáng lẽ trao trả ngay nhưng sợ trả rồi nàng sẽ biến đi mất cho nên không nỡ buông tay ra, liền vừa cười vừa nói:

- Ối chà, lệnh bài này tại hạ lượm được trên mặt tuyết, sao lại bảo là vật của cô nương đã đánh rơi được? Và cô nương cũng không thể nói tại hạ định nuốt chửng như thế được? Cô nương nói như vậy có phải làm nhục cả con người tư văn này không?

Cô nương nọ phải phì cười một tiếng, buông tay ra, tỏ vẻ tươi cười, bỗng lại biến sắc mặt, giận dữ nói:

- Ông có chịu trả không? Nếu không chịu bổn cô nương phải hạ sát ngay đấy!

Nói đoạn, nàng rút ngay thanh kiếm ra.

Dư Vân sợ hãi vừa xua tay vừa cười và nói:

- Hãy khoan, hãy khoan, có chuyện gì cô nương cứ nói, hà tất phải giở võ ra như thế? Vẫn biết vật này cô nương đánh rơi thật tại hạ cũng tin lắm, nhưng dù sao cũng phải nói cho minh bạch đã...

Hắc y cô nương lại tủm tỉm cười, nghe chàng nói xong lại hậm hực nói:

- Việc gì, nói mau lên? Cô nương đang có việc bận, không thể chờ đợi được.

Dư Vân cố làm ra vẻ khó nghĩ, mỉm cười nói:

- Cô nương quý danh là gì? Có thể cho tại hạ biết hay không?

Hắc y thiếu nữ cười một tiếng, nói:

- Chỉ việc ấy thôi sao? Cô nương họ...

Bỗng nàng ngừng tiếng, dùng giọng mũi hừ một tiếng mới nói tiếp:

- Cô nương có làm thân với người đâu mà người hỏi tên họ để làm gì?

Nhưng nàng lại nhận thấy lời nói của mình hơi dại dột, hai má đỏ bừng lên, Dư Vân chỉ cười thôi. Hắc y thiếu nữ thấy vậy nghiến răng hờn giận nói:

- Ngươi dám cười nhạo báng cô nương phải không? Cô nương cấm người không được cười như thế đấy.

Nàng múa kiếm định đâm lại rụt lại. đưa mắt lườm Dư Vân hai cái.

Dư Vân cũng cảm thấy cô nương nọ ngây thơ một cách khả ái quá, không những thấy nàng làm làm như thế không đáng ghét mà lại còn nhu mì thêm nữa, nên động lòng say mê tức thì.

Lúc ấy, chàng cầm lệnh bài giơ lên như đùa chơi. Cô nương liền phi thân lên cướp nhưng chỉ cách độ hai phân là giật được, chàng lại vội thâu tay lại giấu về phía sau. Nàng nọ không thâu lại đà, đâm bổ vào sát người Dư Vân và má của hai người đụng vào nhau. Hắc y thiếu nữ xấu hổ quá, hờn giận mắng rằng:

- Đồ chết bầm! Người định làm trò quỷ gì thế?

Dư Vân vừa cười vừa đáp:

- Tại hạ có dám làm gì đâu? Dù có gan tày trời cũng không dám vô lễ với người đẹp như tiên thế này. Tại hạ chỉ mong được biết phương danh là xin hoàn trả lại thẻ lệnh bài ngay.

Thấy chàng nói ngọt ngào quá, Hắc y thiếu nữ cũng phải xiêu lòng, cười rất nhu mì và đáp:

- Cô nương họ Cố, tên là Yên Văn.

Nói xong, nàng giơ luôn tay ra đòi liền:

- Đưa đây!

Dư Vân vừa cười vừa nói:

- Ủa, thế ra là Cố cô nương đấy, cái tên cũng nhã nhặn lắm. Cái thẻ lệnh bài này...

Chàng vừa nói vừa đưa tay phải ra, bỗng lại rụt ngay lại. Cố Yên Văn thấy vậy nổi giận nói:

- Chẳng hay người định tâm làm trò gì thế? Có phải nói rồi lại định thất tín hay sao?

Dư Vân vừa cười vừa đáp:

- Đâu dám thế? Tại hạ còn có một việc muốn thỉnh cầu, mong cô nương trao đổi lại hạt châu mà tại hạ đã rơi mất.

Chàng đã nhận định người cướp giật hạt châu đêm nọ đúng là nàng.

Cố Yên Văn trợn mắt nói:

- Người này kỳ quái thật. Ngươi mất châu báu thì việc gì tới cô nương này? Và người có trông thấy cô nương nhặt hạt châu ấy không? Sao người cứ nói bừa như thế?

Dư Vân nghĩ thầm:

- Đúng đấy, đêm hôm bị mất hạt châu, ta có trông thấy rõ là nàng đâu? Trước tửu lầu nàng nhận ra ta đeo cái mặt nạ mới nói như vậy. Ta không thể vịn vào lời nói đó mà đổ vạ cho nàng được!

Càng nghĩ chàng càng ngượng nghịu vô cùng, ngẩn người ra như tượng gỗ vậy.

Cố Yên Văn trông thấy bộ mặt ngớ ngẩn của chàng, cũng phải phì cười một cách hồn nhiên, trông lại càng kiều diễm hơn nữa, rồi vừa cười vừa nói:

- Ngươi đeo cái mặt nạ quỷ này trông thật tởm quá. Vậy bao giờ ngươi mới chịu bỏ ra thế?

Dư Vân ngạc nhiên vô cùng, liền hỏi:

- Cố cô nương, bộ mặt nạ của tại hạ đây, không ai biết là giả cả, sao chỉ thoáng thấy một cái mà cô nương đã biết ngay được? Chẳng lẽ cô nương có đôi mắt sắc hơn người chắc?

Cố Yên Văn vẫn cười khúc khích và đáp:

- Đêm hôm nọ...

Dư Vân vội nắm lấy cổ tay nàng giật mấy cái, thái độ như một đứa trẻ vậy, vậy hỏi:

- Đêm hôm nọ chính là cô nương đấy à? Nếu vậy tôi không đổ oan cho cô nương tí nào nhé?

Cố Yên Văn hối bất cập, vì nhanh mồm nhanh miệng đã trót thốt ra như vậy, hai má đỏ bừng, bĩu môi nói:

- Phải thì sao? Không phải thì sao? Người ta có lòng tốt giúp cho, chớ không khi nào ngươi lại đuổi theo ta như vậy?

Nói xong nàng rụt tay lại nhưng sức lực của Dư Vân khỏe như thế thì nàng thâu lại sao nổi. Thấy chàng cứ nắm chặt tay mình mãi, nàng hờn giận nói:

- Ngươi... có buông tay ra không?

Dư Vân vẫn cười, khẽ buông tay nàng ra, đưa mắt nhìn xung quanh rồi nói:

- Cố cô nương này, sơn cốc phía đằng kia có một cái hang núi tránh tuyết và gió lạnh rất tốt. Chúng ta hãy sang bên đó chuyện trò một lát đã.

Chàng không cần để ý tới Cố Yên Văn có gật đầu bằng lòng hay không, quay người đi liền.

Cố Yên Văn nhìn theo hình bóng chàng, bịt mồm cười một hồi rồi cũng giở khinh công ra đi theo sau.

Cái hang núi đó không lớn lắm, chỉ đủ hai người ngồi co gối lại thôi. Hai người chui vào bên trong ngồi sát cạnh nhau. Dư Vân nghe hơi thở của nàng thơm như hoa lan, trong người lại có một mùi thơm khác đưa ra khiến chàng cứ ngây ngất mê say vô cùng, cứng cả lưỡi lại, cứ ngắm nhìn vẻ đẹp tuyệt trần mà không sao nói nên nửa lời.

Thấy chàng như kẻ mất hồn vía như vậy, Cố Yên Văn cũng mãn ý lắm, tủm tỉm cười, hai má lại càng lõm sâu thêm, giả bộ giận dữ đấm Dư Vân một cái, nũng nịu nói:

- Người này kỳ thật, cứ ngẩn người ra như tượng gỗ thế này? Gọi người ta ra tới đây sao không nói chuyện đi?

Dư Vân như người nằm mơ thức tỉnh, thấy mình thất thường như vậy hổ thẹn vô cùng, một lát lâu mới định thần lại được, rồi vừa cười vừa nói:

- Tại hạ quả thật không hiểu, tại sao cô nương lại biết Khấu Kỳ và Lý Thiếu Lăng đi cùng với tôi? Và sao cô nương lại biết hai người đó bị Ngụy Nhạn người của Thanh Phong Bang cõng đi mất? Xin cô nương cho hay sự thể.

Cố Yên Văn không trả lời, chỉ liếc đôi mắt phượng nhìn Dư Vân, bật lên một tiếng cười và nũng nịu nói:

- Muốn cho cô nương này nói ra cũng không khó nhưng trước hết người phải bỏ cái mặt nạ ra đã, chớ cái bộ mặt lì lì như người chết thế kia thì thật khó coi quá.

Dư Vân ha hả cười rồi liền bỏ chiếc mặt nạ da người ra, để lộ bộ mặt thật của chàng đẹp như ngọc, đôi lông mày xếch lên như kiếm, mũi mặt lớn, răng đều và trắng như như ngọc ngà càng tỏ ra tuấn tú vô cùng.

Cô nương nọ ngây ngất một hồi vì thấy mặt chàng còn đẹp hơn đêm nọ nhiều.

Dư Vân vừa cười vừa nói:

- Cô nương thử xem tôn dung này có hơn người hay không?

Cố Yên Văn liếc mắt nhìn chàng một cái rồi trả lời rằng:

- Người này không biết xấu hổ, đẹp đẽ cái gì đâu nào? Trông thật xấu không khác gì bộ mặt của Trư Bát Giới cả. Này, cô nương còn chưa hỏi quý tánh danh của người là gì, vậy thì người hãy nói ra trước đi chớ!

Dư Vân vừa cười vừa đáp:

- Tôi ấy à? Tạm thời thì tên tôi là Dư Vân.

Cố Yên Văn giả bộ hờn giận nói:

- Tên họ làm gì có tạm thời như thế? Chẳng hay người định giở trò quỷ quái gì ra thế?

Dư Vân mặt đỏ bừng, ngập ngừng đáp:

- Tại hạ thật có nỗi khổ tâm khó bề nói ra cho ai hay được. Cô nương sau này sẽ tự biết, vậy xin cô nương cho tôi biết thân thế của cô nương ra sao?

Cố Yên Văn trợn to đôi mắt đen nhánh nhìn thẳng vào mặt Dư Vân, một lát lâu mới đáp:

- Năm nay người bao nhiêu tuổi rồi?

Dư Vân vừa cười vừa giơ hai ngón tay lên lắc qua lắc lại một cái, Cố Yên Văn vừa cười vừa nói:

- Hai mươi phải không...? Như vậy lớn hơn cô nương một tuổi, bổn cô nương phải gọi người là Vân đại ca nhé!

Dư Vân cả cười nói:

- Cô nương gọi tôi là Vân đại ca như vậy, tôi xin cam đoan cô sẽ không bị thiệt thòi chút nào đâu!

Cố Yên Văn lườm một cái, thái độ ấy nhu mì vô cùng và nói tiếp:

- Vân đại ca, trong giang hồ có một người gọi là Thất Cô, đại ca có biết hay không?

Dư Vân lắc đầu ra chiều không biết, Cố cô nương lại nói:

- Nhâm Thất Cô có tiếng là người độc ác vô cùng mà võ nghệ thì lại học được gần hết võ công của Quỷ Ma Đạo Nhân...

Dư Vân ồ một tiếng mới tiếp lời nói:

- Quỷ Ma Đạo Nhân có phải là người năm mươi năm trước đây đại náo Tung Sơn Thiếu Lâm La Hán Đường và một chưởng đánh chết ba vị La Hán không?

Cố Yên Văn gật đầu đáp:

- Gia mẫu được Nhâm Thất Cô đem về thâu làm đồ đệ, sau gia mẫu thấy Nhâm Thất Cô trái với đạo trời: dâm, hung, tàn ác, lại còn bắt ép gia mẫu phải lấy con trai bà ta là Nhâm Long nữa. Nhâm Thất Cô có tất cả năm người con trai, bọn tặc phỉ trên giang hồ thường gọi là Long Môn Ngũ Quái...

Lúc này Dư Vân mới sực nhớ đến ngày nọ ở Dương Gia Tập có năm anh em nọ đã liên hiệp tấn công Ải Phương Sóc Kinh Phương tức là Long Môn Ngũ Quái đấy liền gật đầu và tự nói ồ một tiếng.

Cố Yên Văn vừa cười vừa đáp chàng một cái nũng nịu nói:

- Anh đừng có phá bĩnh bằng không tôi không nói nữa đâu!

Nàng vừa nói vừa làm ra vẻ hờn giận, Dư Vân vội nói:

- Cô nói đi, tôi hứa là không phá bĩnh nữa đâu!

Cố cô nương lại nói tiếp:

- Mẹ tôi là người thanh bạch, đời nào chịu lấy Nhâm Long một người độc ác bạo tàn, nhưng đang phải nương nhờ dưới mái hiên của người ta, không nhận lời cũng không xong. Chỉ thoái thác bằng cách hãy còn ít tuổi quá, chờ ít năm sau hãy hay. Như vậy qua được hai năm, ngày nào Nhâm Long cũng tìm cơ hội để chọc ghẹo mẹ tôi. Tội nghiệp cho mẹ tôi chỉ suốt ngày khóc thầm hậm hực ở trong lòng chứ biết làm sao được, Nhâm Thất Cô lại ra lệnh phải thành hôn ngay tức thì. Gia mẫu đành phải nhận lời nhưng chưa tới ngày thành hôn đã kiếm được một dịp may tẩu thoát khỏi miệng hùm. Hai tháng sau, gia mẫu gặp tiên phụ, hai người liền ẩn cư dưới Nhạn Ngam. Năm sau sanh ra tôi, không ngờ tên tặc phỉ Nhâm Long lại cũng vẫn còn say mê mẹ tôi, đi khắp nơi để tìm tung tích. Năm tôi lên năm tuổi, cha tôi địch không nổi bị chúng giết chết, mẹ tôi thì bị Nhâm Thất Cô bắt đi, còn tôi thì may được ân sư cứu thoát.

Nói tới đó nàng nức nở khóc, Dư Vân nghe thấy nghĩ thầm:

- Thảo nào! Người ta nói trong giang hồ là cái hang sâu của tội ác, như vậy cuộc đời bi đát không riêng gì mình ta đâu.

Nghĩ đoạn chàng liền an ủi Cố Yên Văn mãi nàng mới hết khóc, nàng lại nói tiếp:

- Tôi được ân sư đem về nuôi nấng dạy bảo nhưng ngày nào cũng vẫn thương nhớ tới mẹ tôi, bây giờ tôi cũng không hiểu là mẹ tôi có còn sống hay không?

Dư Vân bật cười, Cố Yên Văn trợn mắt nhìn chàng một cái rồi nói tiếp:

- Tôi biết anh cười mẹ tôi phải không? Sự thật mẹ tôi năm nay mới ngoài ba mươi, tới năm ngoái tôi mới nghe thấy ân sư nói. Sau khi bị Nhâm Thất Cô bắt đi, ép mẹ tôi phải tái giá cùng Nhâm Long nhưng mẹ tôi nhất định phản đối tới cùng. Nhâm Thất Cô cả giận nhốt mẹ tôi vào địa lao để hành hạ, tới giờ có lẽ gầy còm ốm yếu, không còn ra hình người gì nữa.

Nói tới đây hai dòng nước mắt của nàng lại chảy ròng ròng xuống hai má. Dư Vân móc túi lấy khăn ra lau nước mắt cho nàng. Cố Yên Văn nhếch môi cười, cô nam quả nữ ẩn núp trong cái hang động nho nhỏ, không biết cố tình hay hữu ý, Dư Vân choàng tay qua ôm ngang lưng Cố cô nương. Cố cô nương chỉ đỏ bừng mặt lên chớ không phản đối, trái lại còn ngồi khít lại cho thân mật thêm rồi nói:

- Tôi hay tin đó liền vội đi cứu mẹ tôi.

Ân sư liền bảo:

- Võ học của Nhâm Thất Cô hiện nay có thể xưng là Giang Hồ Thái Đẩu, đến như ân sư tôi cũng không địch nổi, như vậy tôi có đi cũng như mang trứng chọi với đá thôi.

Nên người khuyên tôi cố nhẫn nại thêm thời gian nữa, cho tới chín năm nay ân sư tôi lại nói:

- Nếu muốn cứu được mẹ tôi phải lấy được Ngũ Quỷ Thiết Thủ Lệnh, một tín bùa độc môn của Ma Quỷ Đạo Nhân mới mong thành công được, nhưng tín bùa độc môn đó chỉ có hai cái.

Một cái hiện ở trong tay Nhâm Thất Cô, còn cái kia thì ở trong tay Cô Lâu Tiên (cái roi làm bằng xương người) Lỗ Kỳ vì năm xưa Cô Lâu Tiên Lỗ Kỳ đã cứu Quỷ Ma Đạo Nhân thoát nạn một lần cho nên mới được tặng cái Ngũ Quỷ Thiết Thủ Lệnh (Thủ lệnh bằng sắt, trên khắc năm cái mặt ma). Ai được cái thủ lệnh này bất cứ có việc thực tày đình mà chìa Ngũ Quỷ Thiết Thủ Lệnh ra là môn hạ của Quỷ Ma Đạo Nhân phải tuân theo mà làm ngay.

Nhưng hiện giờ Lỗ Kỳ ẩn cư ở đâu không ai hay biết, mà đã có kiếm được Lỗ Kỳ đi nữa đã chắc y lại thuận cho mượn cái thủ lệnh đó?

Nói tới đây, ngừng lại giây lát, đầu tựa vào vai Dư Vân, duỗi chân ra thuận thế nàng nằm ngả luôn vào lòng chàng rồi ngẩng mặt lên vừa cười vừa nói:

- Tôi đi lên trên Bắc Kinh, vô hình chung giữa đường nghe thấy người ta nói hiện giờ Cô Lâu Tiên Lỗ Kỳ đang ở ngoại ô thành Thái Nguyên, tôi liền đi theo thẳng tới đó.

Dọc đường lại phát hiện Khấu Kỳ, Lý Thiếu Lăng hai người, trong người mang theo Thiên Niên Hà Thủ Ô và chuỗi hạt châu quý giá. Lúc trước tôi không hay biết gì, sau ở trong khách sạn nghe thấy bọn phỉ tặc nói tới mới hay liền đi theo dõi chúng, sau lại nghĩ hà tất phải kết oán hờn với bọn chúng làm gì.

Thực ra võ nghệ của tôi cũng không hơn gì ai cho nên ở Dương Gia Tập tôi cứ nằm ở thư phòng không hề dám lộ diện ra là thế. Sau thấy anh giúp Khấu, Lý hai người, khi thấy bọn Hắc Long Hội tới, tôi vờ rời khỏi nơi đó ngay không ngờ tôi lại thấy Ngụy Nhạn vào khách sạn và thấy mấy tên giặc bắt Khấu, Lý hai người đi.

Lòng hiếu kỳ thúc đẩy tôi liền đi theo dõi chúng xem, cho tới khi bọn giặc vào trong gian nhà lớn tôi mới dừng bước định vào cứu hai người thoát nạn nhưng tự nghĩ một mình thì làm sao cho nổi nên tôi bỏ trở về khách sạn vừa gặp anh ra khám xét. Sau lại thấy anh hấp tấp trở về phòng, tôi liền núp ở cửa sổ xem trộm bỗng thấy anh cởi mặt nạ ra. Ngẫm nghĩ, tôi liền vào lấy trộm viên hạt châu của anh. Hừ! Anh không cám ơn tôi thì chớ lại còn mở mồm đòi lại hạt châu đó, thực không biết xấu hổ tí nào!

Dư Vân vội đáp:

- Tôi có bảo không cám ơn cô đâu, tôi đâu dám cản trở cô, sau rồi thế nào nữa?

Cố cô nương vuốt tóc và nói:

- Sau tôi về phòng ngủ, sáng dậy thấy ba người đã đi rồi và những người trong khác sạn ồn ào bàn tán về cái tin Ngụy Nhạn đã chết, tôi cũng không muốn biết rõ chuyện đó làm gì liền thúc ngựa đi luôn. Khi tới Thái Nguyên, đêm lẻn vào nhà Lỗ Kỳ, mất ba đêm đợi chờ tôi mới lấy được Thiết Thủ Lệnh này ra, Cô Lâu Tiên Lỗ Kỳ thật là lạ kỳ, tôi tuy chạy thật nhanh mà vẫn bị y điểm trúng một roi, bây giờ vẫn còn hơi đau.

Dư Vân thấy nàng nói vậy kinh hãi hỏi:

- Văn muội bị thương ở đâu? Mau đưa đại ca xem. Cô phải biết những thủ pháp điểm huyệt của các nhân vật đạo ma quái thủ, đã bị điểm phải mà không chữa ngay sẽ bị đau khổ suốt đời đấy!

Cố Yên Văn nghe nói có vẻ xấu hổ vô cùng, hai má đỏ bừng, bẽn lẽn nói:

- Tôi không chịu đâu, xem cái gì cơ chứ?

Dư Vân biết vết thương của Cố cô nương bị nhằm chỗ kín, cũng tỏ vẻ lo buồn và xoa tay nói:

- Không chữa làm sao được?

Cố Yên Văn thấy chàng quan tâm như vậy trong lòng khoan khoái vô cùng bèn ngẩng đầu lên hỏi:

- Vân đại ca! Anh có yêu em không?

Dư Vân không ngờ lúc này, nơi đây nàng lại hỏi như vậy, ngẩn người ra giây lát mới thở dài một tiếng rồi đáp:

- Em Văn! Anh rất yêu em. Nhưng anh đã đính hôn với hai người vợ rồi đành phải phụ tấm lòng yêu quý của em.

Ngờ đâu, Cố Yên Văn không những không kinh ngạc mà còn cười khúc khích và nói rằng:

- Anh này lạ thật! Tôi chỉ hỏi anh có yêu tôi không chớ tôi có hỏi anh đã đính hôn bao gờ đâu?

Sự thật lòng nàng lúc nào mà chẳng lo ngại đến vấn đề đó, nay nghe thấy chàng đã đính hôn với hai vợ, trong lòng khoan tâm vô cùng vì chàng đã lấy được hai phòng thì cũng có thể lấy được ba, bốn phòng.

Nàng chỉ thấy Dư Vân lẩm bẩm tự nói rằng:

- Tạ Vân Nhạc ơi! Thù lớn của ngươi chưa trả mà đã gây ra biết bao nhiêu tình thế này?

Xem ngươi xử trí ra sao?

Cố Yên Văn trợn tròn xoe đôi mắt, vừa mừng rỡ vừa hỏi:

- Ai là Tạ Vân Nhạc? Tạ Vân Nhạc là ai vậy anh?

Nghe nàng hỏi như vậy, Dư Vân bật buồn cười, rồi chỉ vào mũi mình đáp:

- Tạ Vân Nhạc tức là tại hạ đây.

Cố Yên Văn vội ngồi ngay dậy hỏi:

- Vậy một bàn tay giết chết Thất Sát Thủ tức là anh đấy à?

Dư Vân gật đầu mỉm cười, cô nương lại trợn thêm đôi mắt rồi hỏi tiếp:

- Vậy Quái Thủ Thư Sinh ở... Cao Bưu oai trấn Hồng Kỳ Bang cũng là anh nữa phải không?

Dư Vân vừa cười vừa đáp:

- Không ngờ em lại biết được nhiều chuyện đến thế!

Cố Yên Văn lắc đầu đáp:

- Nhưng người ngoài đồn Quái Thủ Thư Sinh là một người mặt lầm lì, ghê tợn. Vậy thì có phải là anh đâu, sao anh lại dám nhận bừa như thế, như vậy không phải là quân tử đâu nhé!

Dư Vân không trả lời, móc túi lấy cái mặt nạ da người ra đeo, vừa cười vừa nói:

- Đây em xem có phải là Quái Thủ Thư Sinh không?

Cố Yên Văn ngắm nhìn một lúc, rồi nhanh tay lột cái mặt nạ đó xuống, giận hờn nói:

- Ai bảo anh đeo cái của nợ này lên làm gì? Anh là anh, chớ có ai mạo danh đâu, thật tức chết đi được... Này Vân đại ca! Anh đeo cái mặt nạ này là có dụng ý gì thế?

Dư Vân thầm nghĩ một lúc rồi mới đem chuyện năm xưa kể lại cho nàng nọ nghe, Cố Yên Văn nghe đến ngẩn người ra rồi cười khúc khích, vừa cười vừa nói:

- Vân đại ca, anh khiếp thật! Đã đính hôn với Triệu, Chu hai cô nương, lại còn Giang cô nương, Uyển cô nương...

Dư Vân tiếp lời nói:

- Bây giờ lại là Cố cô nương!

Cố Yên Văn nũng nịu hờn giận nói:

- Anh không lấy gương soi thử xem, bộ mặt thế này thì ai thèm cơ chứ?

Nói xong, nàng không nhịn được, lại cả cười một hồi.

Dư Vân thấy nàng ngây thơ và xinh đẹp quá, không sao nhịn được, liền ôm ngay vào lòng, hôn lên mái tóc nàng, bỗng sực nghĩ một việc, mới hỏi nàng:

- Tại sao em lại tới nơi hoang sơn dã lãnh này?

Cố cô nương bĩu môi đáp:

- Cũng như anh vậy, muốn lấy được cuốn Phật Môn Chân Kinh đó, nếu em học được võ môn trong cuốn chân kinh đó thì chả còn sợ hãi Nhâm Thất Cô nữa.

Dư Vân vừa cười vừa hỏi:

- Nghe em nói thì bản lĩnh Nhâm Thất Cô cao cường lắm phải không?

Cố Yên Văn đáp:

- Ai mà chả biết anh tài ba, nếu không phục thì anh cứ đi đấu với mụ ấy thử xem!

Dư Vân cả cười đáp:

- Em Văn khỏi phải thách anh, dù sao anh cũng giúp em cứu lệnh đường ra.

Cố Yên Văn mừng rỡ nói:

- Có thật không anh? Nếu thế thì còn gì bằng!

Dư Vân mỉm cười:

- Như vậy em lấy gì tạ ơn cho anh nào?

Cố Yên Văn lườm chàng một cái, mình ngọc giãy mạnh một cái, không đáp lại bằng lời nhưng nó đã có sức mạnh còn hơn thiên ngôn vạn ngữ nhiều.

Giây phút âu yếm đã qua, Cố cô nương liền định đứng dậy nói:

- Thôi, chúng ta đi đi, kẻo cuốn chân kinh đó bị người khác lấy mất!

Dư Vân trái lại, ôm lấy người nàng càng chặt hơn nữa vừa cười vừa nói:

- Vội vàng như thế làm gì? Theo anh đoán thì Bảo Đàm thiền sư và Thiên Ngoại Tam Tôn Giả thế nào cũng có mưu mô gì đây, vừa rồi anh đã thấy có ba bốn bọn người đi rồi, cả Bang chủ Hồng Kỳ Bang Vũ Văn Lôi ở trong đó nữa. Có khi nào Bảo Đàm thiền sư lại để cho chúng lấy cuốn chân kinh một cách dễ dàng như vậy, chúng ta đi sớm anh cũng vào tròng của họ cũng chưa biết chừng. Ngựa trời bắt ve sầu có biết đâu phía sau lại có con chim vàng đang rình, chúng ta hãy tạm làm người chăn lưới để bắt chúng đi.

Cố Yên Văn vừa cười vừa đáp:

- Ai chẳng biết định tâm của anh!

Nàng nói tới đây bỗng nhiên cau mày lại, Dư Vân vội hỏi:

- Có phải vết thương bị đau đó không?

Cố Yên Văn không nói, chỉ khẽ gật đầu, sắc mặt nhợt nhạt, mồ hôi lạnh toát ra như mưa.

Dư Vân vội la lớn:

- Biết làm sao bây giờ đây?

Chàng tâm thần rối loạn, cuống cả tay chân lên, lát lâu mới nghĩ ra vội móc túi lấy hai viên Trường Xuân Đơn ra cho Cố Yên Văn nuốt.

Linh dược vừa vào tới bụng thì sắc mặt của nàng đã hồng hào trở lại.

Phải biết Trường Xuân Đơn là do Minh Lương đại sư đã tốn công năm năm thu thập các thuốc quý của danh sơn trong thiên hạ tất cả ba mươi ba món hợp chế mà thành, luyện được hai lò tất cả. Bất cứ ai bị bệnh nặng đến đâu, quý hồ tạng phủ như thối nát, uống đơn dược này trong bảy ngày là khỏi liền.

Lúc ấy, Cố cô nương đã thấy đỡ nhiều, Dư Vân khẽ bảo:

- Em hãy ngồi xếp bằng lại để ngu huynh giúp cho em đả thông kỳ kinh bát mạch.

Cố Yên Văn tỏ vẻ cảm ơn, liếc mắt nhìn Dư Vân một cái rồi nghe lời ngồi xuống.

Dư Vân để hai bàn tay lên lưng nàng, nhắm mắt vận công. Cố cô nương lúc đầu cảm thấy hai bàn tay của chàng hơi nóng, dần dần nóng hơn lên cho đến khi nóng như lửa thiêu mới cảm thấy có một hơi nóng thấu xương sống tựa như một con rắn chui vào trong người, thông qua tâm huyệt vậy, lúc thì nóng, lúc thì đau, lúc thì buồn, lúc thì khó chịu vô cùng. Cố cô nương chỉ nghiến răng chịu, không nói nửa lời.

Nửa giờ sau, nàng mới cảm thấy dễ chịu dần, tựa như một luồng chân khí dương hòa chạy khắp mình mẩy, cả hai bàn tay của Dư Vân nàng cũng cảm như không có vậy.

Nàng tự vận khí thử xem, thấy khí huyết không bị cản trở, tự biết vết thương đã khỏi hẳn. Nhâm, Đốc hai huyết mạch đã xuyên thông, nội lực còn mạnh hơn trước, trong lòng cả mừng vô cùng. Chờ tới lúc vận hành ba trăm sáu mươi chu thiên rồi mới đình chỉ, quay lại trông thấy Dư Vân đang nhắm mắt ngồi yên, sắc mặt hơi nhợt nhạt, mới hay chàng vì đả thông kỳ kinh bát mạch cho mình mà đã tổn thương nguyên khí như vậy, cảm động cô cùng và tỏ vẻ thương mến hết sức nên cũng không quấy nhiễu chàng làm gì, cứ ngồi cạnh chờ.

Một lát lâu, mặt đã đỏ hồng như trước, Dư Vân mở mắt ra vừa cười vừa nói:

- Văn muội, em ra ngoài động múa thử những kiếm và chưởng của em học được, xem có khác trước không?

Cố Yên Văn vừa cười vừa đi ra động. Lúc ấy trời vừa sẩm tối, gió bắc thổi ào ào làm tóc nàng bay bổng lên mà tuyết vẫn chưa vẫn ngừng rơi. Cố cô nương giở hết tuyệt kỹ của sư phụ dạy cho ra, mới hay có những chỗ mà xưa kia mình không sao luyện được, bây giờ lại thấy dễ dàng vô cùng, đồng thời chưởng lực cũng mạnh hơn trước nhiều...

Khinh công của cô nương rất giỏi, chỉ thấy bóng người như bay, nhanh nhẹn lạ lùng.

Dư Vân thấy vậy cũng phải khen ngợi, bỗng tự nhiên cũng thấy ngứa nghề vừa cười vừa nói:

- Văn muội, chưởng pháp Thái Ất Kỳ Môn rất tinh diệu và quái dị nhưng sức em vẫn chưa đủ thi thố hết môn chưởng pháp đó, hay là hai chúng ta ra tay cùng một lúc thử chơi, em cứ đánh như thật đừng ngại gì cả, còn ngu huynh đây thì sẽ không đánh trả lại đâu, chỉ dùng thân pháp Thái Ất Kỳ Môn này né tránh. Nếu em in được một chưởng vào người anh thì ngu huynh đây xin chịu thua ngay.

Cố cô nương ngừng tay lại, nghe chàng nói như vậy liền cười đáp:

- Anh đừng có tự phụ quá, em không tin là em không thể đánh trúng vào người anh một chưởng như lời anh vừa nói.

Dư Vân mỉm cười đáp:

- Em không tin và khẩu quyết vô bằng, chi bằng chúng ta cứ thử một phen sẽ hay liền.

Cố cô nương là người rất hay ương ngạnh, thấy Dư Vân nói như vậy thì trong lòng không phục, liền cười nhạt một tiếng giơ tay ra đánh luôn một chưởng, nàng dùng luôn thủ pháp Kim Giao Tiển (cái kéo hình con cáo vàng) hai tay đánh chéo vào ngực Dư Vân nhưng chàng vẫn đứng yên không tránh né gì cả.

Cố cô nương thấy ngón tay mình sắp sửa đụng tới áo trước ngực chàng rồi bỗng thấy hoa mắt một cái, tung tích của Dư Vân đã vụt mất liền. Nàng giật mình ngẩn người ra vội quay lại phía sau, đã thấy Dư Vân đang đứng sau lưng mỉm cười nhìn mình rồi. Cố cô nương khẽ quát một tiếng:

- Vân đại ca! Xin thứ cho tiểu muội vô lễ nhé!

Nói đoạn nàng liền giở Thái Ất Kỳ Môn chưởng pháp ra.

Phải biết môn chưởng pháp này cần phải mình mẩy, tay chân đều hợp nhất thì biểu diễn mới đạt tới mức thần quỷ cũng không biết trước được, chỉ trong nháy mắt nàng đã tấn công liền chín miếng rồi. Chưởng phong của nàng mạnh hơn trước nhiều, chính nàng cũng thấy làm lạ nhưng Dư Vân cứ xuyên qua những khe tay khe chân của nàng mà tránh né tựa như con bướm xuyên qua vườn hoa vậy, trông đẹp mắt vô cùng.

Cố cô nương càng đánh nhanh bao nhiêu thì chàng lại tránh nhanh bấy nhiêu, có nhiều lúc rõ ràng trông thấy nàng đánh trúng phải nhưng không hiểu sao chàng lại có thể lướt khỏi được.

Thân hình của chàng thật là xảo diệu thần tốc, bất cứ thế nào tay chân đánh ra của Cố cô nương cũng vẫn chậm hơn thân hình tránh né của chàng.

Hai người đấu hơn trăm hiệp, Cố cô nương đã mỏi mệt, mồ hôi đã ướt đẫm hết quần áo mà vẫn chưa đụng được tà áo của Dư Vân, càng thế Cố cô nương lại càng không chịu phục.

Dư Vân vừa cười vừa nói:

- Cũng may tôi đã đả thông Huyền Quan giúp cô, nhờ thế mà công lực của cô đã tăng lên gấp bội, bằng không cô đã phải chịu thua từ sớm kia rồi.

Cố cô nương không trả lời, chỉ liếc mắt tỏ vẻ tức giận. Dư Vân biết nàng sắp giở tánh ương ngạnh ra rồi nên vội vừa cười vừa nói:

- Văn muội đừng giận nữa, ngày mai ngu huynh xin truyền cho cô ba môn võ học là bộ pháp, kiếm pháp và chưởng pháp, và lại có thể chỉ trong một thời gian rất ngắn là học thành. Với trí thông minh của cô như vậy, tôi chắc không bao lâu cô sẽ tinh xảo ngay, sau này cô có gặp Nhâm Thất Cô hay bất cứ một cao thủ nào đi nữa, dẫu không thắng được cũng không đến nỗi bị thua đâu!

Cố cô nương nghe thấy chàng nói như vậy, vẻ mặt hớn hở lại ngay, liền kéo tay chàng nũng nịu nói:

- Vân đại ca! Anh nói có thật không? Hay đại ca lại dối em đấy?

Nói đến đây nàng bỗng ngừng lại, ngẩn người ra tỏ vẻ nghi ngờ vội hỏi:

- Vân đại ca, theo lời đại ca nói thì đại ca không giúp em đi đánh Nhâm Thất Cô hay sao?

Dư Vân biết nàng đã hiểu lầm lời nói của mình vội lắc đầu đáp:

- Không phải thế đâu! Cô đã hiểu lầm rồi.

Lúc ấy trời đã bị màn đen che lấp, mảnh tuyết bay hắt vào mặt giá lạnh buốt thấu xương, chàng liền kéo Cố cô nương và nói:

- Ngoài này lạnh lắm, ta hãy vào trong động đi!

Nói xong chàng không cần chờ xem nàng có ưng ý hay không đã kéo nàng vào thẳng trong động. Cố cô nương vừa đi vừa cười khúc khích.

Vào tới trong động, hai người lại ngồi bó chân vào một xó, Dư Vân lấy lương khô ra rồi hai người ung dung ngồi ăn.

Lúc ấy, ngoài động gió thổi tuyết bay, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng chó sói tru, đêm tối trong hoang cốc lại càng rùng rợn thêm...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.