Không có ai bằng lòng mạo hiểm biện hộ cho Lương Tự, vì vậy thủ tục rất đơn giản và nhanh chóng.
Ban đầu cũng do cậu đánh người trước, hơn nữa đối phương còn cố ý để cậu gánh chắc chuyện này, phải chi trả tổng cộng bốn mươi nghìn tệ phí chữa bệnh, hai năm tù.
Chính thức thi hành vào ngày 17 tháng này.
Ngày chủ nhật thứ hai sau khi được chuyển từ trại tạm giam đến nhà tù, Trần Bì nhờ vả để đến Lâm Giang thăm tù, Lương Tự bước ra trong bộ đồ tù nhân. Cậu đã cạo đầu, sống mũi thẳng thớm, cái vẻ lạnh nhạt thờ ơ đó làm Trần Bì rất ngạc nhiên, khi nhắc đến Dư Thanh thì im lặng một lúc.
Khuôn mặt cách tấm cửa kính đó không giống một thiếu niên 18 tuổi.
“Dư Thanh vẫn khỏe hả?” Lương Tự hỏi.
“Mẹ chưa nói con thế này.” Thẩm Tú chỉ nói với người khác rằng cậu đi làm xa.
Trần Bì kể từng chuyện một về Dư Thanh sau khi Lương Tự xảy ra chuyện, “Mấy hôm trước nghe nói cậu ấy đến Bắc Kinh học đại học.”
Lương Tự vẫn cúi gằm đầu.
“Chị Kính nghỉ học rồi.” Sau quá nhiều ngày kìm nén, cuối cùng Trần Bì cũng hỏi, “Rốt cuộc hôm đó xảy ra chuyện gì?”
Ánh mắt của Lương Tự bình tĩnh không chút gợn sóng, như thể đó chỉ là một chuyện râu ria. Ngay lúc đó cậu chỉ nhớ tới bố mình, khi bà nội bệnh nặng nhưng không có tiền, Lương Binh đã phải liều đến mức nào mới dám cầm súng cướp ngân hàng.
“Đừng hỏi nữa được không.” Cậu nói.
Trần Bì thở dài gật đầu, nói đùa mấy câu an ủi như “Thời gian qua lẹ lắm” rồi “Không phải lo lắng về dì”, nhưng cũng biết bạn mình ở trong đó phải trải mỗi một ngày khốn khổ.
Cây dây leo trinh đằng giăng đầy ắp mặt tường ngoài nhà tù như vũ bão.
Lúc đó Dư Thanh đã đến trường đại học, một mình cô đi nhận quân phục và trải chăn đệm, xong xuôi hết mọi thứ thì kiệt sức gục xuống giường. Phương Dương gọi đến dặn cô nhớ mua kem chống nắng, Dư Thanh vừa nghe vừa ngủ thiếp đi.
Những ngày đầu tiên đó, cô thực sự không quen lắm.
Dù là việc nhỏ hay việc lớn, cô cũng chỉ cảm thấy lực bất tòng tâm. Ngày nào cũng một mình đi tìm lớp học, đến căn tin ăn cơm, vùi đầu trong thư viện và phòng vẽ, nhưng vì một mình lâu rồi nên thích những lúc như thế. Chỉ là thi thoảng sẽ ngây người, còn về nhớ gì, cô không muốn thừa nhận.
Dạo này Bắc Kinh lại u ám.
Có lẽ vì đến kỳ kinh nguyệt, dạo này Dư Thanh hay thấy mệt. Mấy ngày nay ngoài đi học thì cô chỉ nằm trên giường ngủ, người gầy đi hẳn. Đang là buổi sáng nên trong phòng ký túc xá không có ai, Dư Thanh đến siêu thị mua đường đỏ, không mang đủ tiền lẻ nên tay không đi về.
Đến tối, bụng đau đến mức lăn qua lăn lại.
Nước mắt rơi lã chã, nhưng cô nhẫn nhịn không rên một tiếng nào. Hôm sau thức dậy, đôi mắt sưng húp cũng không ai hỏi han, vẫn đi học như chưa chuyện gì xảy ra. Không tham gia bất cứ câu lạc bộ nào, không hưởng ứng bất kỳ chuyện gì.
Có vài lần, bạn cùng phòng rủ cô đi chơi.
Dư Thanh lấy đủ các kiểu lý do để từ chối, sau này không ai rủ cô đi cùng nữa, lủi thủi một mình là chuyện thường ngày.
Phương Dương khuyên cô phải hòa đồng với tập thể, cô chẳng nghe theo, nhưng lại nhớ đến trước đây cậu từng nói ‘im ỉm riết thành bệnh luôn rồi sao’.
“Mày muốn tới trường tao không?” Một ngày nọ, Phương Dương hỏi cô.
“Không muốn.” Dư Thanh đang ngồi trong thư viện đọc sách giết thời gian, “Lười nhúc nhích.”
Sau đó không chịu nổi mấy câu “vừa đấm vừa xoa” của Phương Dương, cuối cùng vẫn đi. Cả hai vào căn tin gọi một bàn đồ ăn ăn mãi không hết. Phương Dương dẫn cô vào phòng ký túc xá của mình, tám người một phòng, tiếng nói chuyện phải nhỏ hơn cả muỗi kêu.
“Sao trên giường mày nhiều sách vậy?” Dư Thanh lật đại một quyển nào đó.
“Này là đề thật cấp bốn, này là Kế toán cơ bản, còn này là Toán thạc sĩ.” Phương Dương cười đắc ý, “Tao mua lại của một đàn chị, rẻ hơn mua mới mấy chục tệ lận.”
“Mày mới năm nhất mà đã chuẩn bị thi thạc sĩ?”
“Nói đúng hơn,” Phương Dương nói, “tao đã quyết định từ hồi lớp 12 rồi.”
Cuộc trò chuyện của hai cô bị mấy cô bạn giường xung quanh nghe thấy, vài cặp mắt cùng đổ dồn sang đây, Dư Thanh mới dần nhận ra rằng những cuốn sách này không liên quan đến chuyên ngành của Phương Dương.
“Còn thi ngành khác?”
“Không thì sao, điểm đại học có đủ đâu mà chọn.” Phương Dương lấy lại từng quyển trong tay bạn mình, “Đi thôi, dắt mày đi vài vòng.”
Trường học tuy nhỏ nhưng có mọi thứ.
Dường như chỉ khi nghe Phương Dương nói chuyện hay khi cả hai đi với nhau, Dư Thanh mới cảm nhận được độ ấm còn vương của thôn Tiểu Lương, đó là cảm giác an yên và thoải mái tận đáy lòng, vô cùng ấm cúng.
Thỉnh thoảng Phương Dương sẽ đến tìm cô chơi.
Một ngày nọ sau lễ Quốc khánh, cô đang đi về sau khi ra trạm xe buýt tiễn Phương Dương, chợt bị một chiếc xe Cayenne màu đen chặn lại ở cổng trường. Trương Ngụy Nhiên đã lâu không gặp bước xuống xe, Dư Thanh ngạc nhiên nhìn người trước mặt mình.
Hai người vào quán ăn bên đường ngồi một lúc.
“Tôi cứ nghĩ em sẽ đi du học.” Trương Ngụy Nhiên nhấp một ngụm trà, “Mấy ngày trước nghe thầy nói mới biết em đến Bắc Kinh học.”
Dư Thanh nhàn nhạt đáp “Ừm”.
“Học Hội họa truyền thống?”
Dư Thanh nói: “Nghệ thuật kiến trúc.”
“Tôi còn tưởng em sẽ…” Trương Ngụy Nhiên chần chừ một lúc.
“Đó là mẹ tôi thích.” Dư Thanh ngắt lời, “Không phải tôi thích.”
Cô nói một cách hết sức bình tĩnh, làm Trương Ngụy Nhiên hơi ngạc nhiên. Thực ra bản thân Dư Thanh cũng ngạc nhiên lắm, lúc trước vì chuyện này mà suýt nữa cô và Lục Nhã đã cãi nhau. Đó là lần đầu tiên cô trực tiếp có mâu thuẫn với Lục Nhã, khăng khăng đòi phải đến Bắc Kinh. Lần đó cũng là lần đầu tiên Lục Nhã chứng kiến sự phản kích mạnh mẽ của con gái, vì con gái quá giống mình lúc còn trẻ.
Sau khi suy nghĩ suốt cả đêm, Lục Nhã thỏa hiệp.
Thậm chí Lục Nhã còn bắt đầu ngẫm lại về sai lầm của chính mình, bởi vì đêm đó Dư Thanh đã gọi cho Dư Tằng một cuộc gọi hiếm hoi. Cô chỉ nhớ hôm đó bố mẹ nói chuyện với nhau gần một tiếng. Khi Lục Nhã ra khỏi phòng ngủ, khuôn mặt của Dư Thanh gần như đẫm nước mắt.
Cô cúi đầu, cầm ly trà lên uống hết trong một hơi.
Trong quán ăn cực kỳ yên tĩnh, bầu không khí giữa hai người lặng đi mười mấy giây. Dư Thanh nhìn Trương Ngụy Nhiên, sau đó đứng dậy, lịch sự gật đầu nhẹ. Dường như trong giây phút đó, một ảo ảnh như chợt xuất hiện trước mắt Trương Ngụy Nhiên.
“Lát nữa tôi có lớp.” Cô nói xong thì đi ngay.
Nhìn bóng dáng cô đi xa, Trương Ngụy Nhiên lắc đầu cười, ngồi ở đó thêm một lúc mới lái xe đi. Dòng xe đông đúc ở Bắc Kinh như sóng biển bao phủ lấy anh, rồi biến mất trong tích tắc.
Đến khi vào cổng trường, Dư Thanh mới quay đầu lại nhìn.
Liên tục có mấy đôi nam nữ đi ngang qua, không hiểu sao mắt cô ươn ướt. Trong tầm nhìn mờ mịt, cô nhớ tới khu chợ ở thôn Tiểu Lương, nhớ tới hội chợ ở bãi Xanh, vừa lau mặt vừa đi về.
Đến ngã tư phía trước, Trương Ngụy Nhiên quay đầu xe.
Trong kính chiếu hậu là bóng dáng gầy gò mảnh khảnh, nhưng sống lưng lại vô cùng thẳng thớm. Trương Ngụy Nhiên nhìn đến khi không thấy cô nữa, sau đó châm một điếu thuốc, khởi động xe rời khỏi đó.
…
Dãy phòng khách sạn vắng tanh, chỉ có hơi lạnh ùa đến.
Tắm rửa xong, Trương Ngụy Nhiên mặc áo choàng tắm dài đứng bên cửa sổ sát đất ngắm cảnh đêm, có phục vụ gõ cửa mang lên rượu vang đỏ mà anh gọi. Có vẻ là người mới nên bất cẩn làm ồn, đến khi người phía sau rời đi, anh quay đầu lại nhìn thoáng qua, chỉ cảm thấy quen thuộc một cách khó hiểu.
Ngoài cửa có tiếng ai đó hét lên.
Trương Ngụy Nhiên nhíu mày mở cửa phòng, có hai người phụ nữ đứng ở hành lang. Một người đang cúi đầu ngoan ngoãn nghe mắng, người còn lại lớn tuổi hơn có lẽ là quản lý. Anh liếc nhìn sang đó, lời mắng mỏ chuyển thành xin lỗi.
“Khoan đã.” Anh gọi lại người đang cúi đầu, sau đó nói với quản lý, “Cô không cần ở đây.”
Ngoài hành lang chỉ còn lại hai người, Trương Ngụy Nhiên quan sát với vẻ hứng thú. Anh đang định lên tiếng, chợt phòng kế bên có người bước ra, Hứa Kính như bắt được một cọng rơm cứu mạng, cúi chào một cái rồi vội bỏ đi ngay.
Cô hoảng loạn chạy vào trốn trong nhà vệ sinh.
Khoảng thời gian qua Hứa Kính không có lấy một phút giây nào sống thoải mái, trong lòng cứ như có một tảng đá đè chặt. Cô nhìn gương mặt trắng bệch của mình trong gương, giơ tay lên tự cho mình một cái tát thật mạnh khiến đầu tóc lộn xộn.
Di động trong túi đổ chuông.
Giọng nói của bố mang lại cho cô chút an ủi trong đêm cô đơn này, cuối cùng Hứa Kính cũng không kìm được mà bật khóc. Có lẽ vì từ nhỏ đã không có mẹ, trong mắt Hứa Kính, bố là trời là đất.
Hứa Kính gọi một tiếng “Bố”, nước mắt chảy dài.
“Khóc gì mà khóc, thà khổ ở ngoài còn hơn khổ trong thôn này.” Hứa Vi Dân nói, “Chịu đựng rồi sẽ qua thôi.”
Hứa Kính cắn chặt môi khóc nức nở, cố đè nén nỗi chua xót trong lòng. Một lần sảy chân cả đời ân hận, kết cục là không đi học được nữa. Rơi vào bước đường hôm nay chẳng phải do bất kỳ ai, mà do bản thân cô từ nhỏ khổ cực nhưng vẫn muốn bay lên cành cây làm phượng hoàng.
“Bố thăm Lương Tự giúp con với.” Hứa Kính nhắm mắt lại nhưng nước mắt vẫn chảy, “Con liên lụy cậu ấy.”
“Bố biết.” Hứa Vi Dân thở dài, “Tóm lại là nhà mình có lỗi với nhà người ta.”
Sợ mình lại khóc ra tiếng, Hứa Kính lấy cớ phải làm việc rồi cúp máy. Cô đứng trong nhà vệ sinh trang điểm sửa sang lại một lúc lâu mới bước ra, không ngờ lại nhìn thấy Trương Ngụy Nhiên thong dong đứng dựa vào bức tường đối diện.
Ánh mắt đó hệt như cái đêm ở quán bar.
Hứa Kính rụt cổ lại, hơi sợ người đàn ông này. Trương Ngụy Nhiên nhìn vào đôi mắt đỏ hoe đó, sau đó dời ánh mắt xuống bộ ngực đang phập phồng nhẹ, cuối cùng lười nhác ngước mắt lên.
“Dọn đồ đạc rồi đi đi.” Trương Ngụy Nhiên nói, “Cô không ở chỗ này lâu dài được đâu.”
Nói xong, anh đứng thẳng người, xoay người bỏ đi.
“Tại sao.” Hứa Kính nhìn bóng lưng anh hỏi.
Trương Ngụy Nhiên không dừng bước mà đi thẳng về phòng, để lại một mình Hứa Kính ngoài hành lang. Khi đó cô nghĩ, Bắc Kinh rộng lớn là thế, nhưng lại chẳng có lấy một nơi để dung thân, kiếm miếng ăn sao lại khó khăn đến mức này.
Trong đêm khuya tĩnh lặng, Hứa Kính nhớ đến Dư Thanh.
Cũng không biết tại sao lại nhớ tới cô gái đó, có lẽ vì tính tình điềm đạm nhã nhặn, cũng có thể là vì ngưỡng mộ. Nằm trong phòng ký túc xá nhân viên đơn sơ, Hứa Kính nhìn màn đêm đen ngòm bên ngoài, không tài nào chợp mắt nổi.