Hang động sâu thẳm, tối tù mù, yên ắng đến mức chẳng một tiếng vang, tối tăm đến mức không một ánh sáng. Chỉ cần bước vào rồi sẽ hệt như bước vào hư không, rõ ràng chân đã dẫm lên đất bằng, qua không bao lâu lại trở nên mềm ướt. Trần Dương biết đây là do môi trường xung quanh khiến anh nảy sinh ảo giác.
Trong hang có mấy lối rẽ thông vào bụng núi, tiếp nữa chẳng biết sẽ thông đến đâu. Sắc mặt hơi tái nhợt, Trần Dương lần mò trong bóng tối. Nói cũng lạ, ở nơi tối tăm đến chẳng thấy rõ gì thế này mà anh vẫn bước đi vững vàng, không hề đụng phải tường đá hoặc vấp phải đá mà sẩy chân té ngã.
Những con gió âm u giá lạnh từ tốn thổi tới, mỗi lần như thế chẳng khác nào có con quỷ đang kêu rít bên tai anh khiến Trần Dương lạnh cả sống lưng. Đồng thời, càng bước sâu vào hang, âm thai trong bụng anh lại càng nhộn nhạo.
Nhộn nhạo đến mức cảm nhận được rất rõ có thứ gì đang duỗi tay đưa chân trong bụng, vì vậy mà Trần Dương đau vô cùng, sắc mặt anh càng thêm khó chịu. Mọi chuyện cùng hợp lại, lúc không thể làm gì thì chỉ có thể lấy sự nhẫn nhịn làm đầu, dù phải nhịn thành con rùa rút đầu cũng phải nhịn, rồi môt ngày nào đó anh sẽ trả lại hết.
Trần Dương đi theo cơn gió ấy, đi một chốc sẽ ngừng, sau khoảng mười mấy phút thì phía trước trở nên trống trải, một hang động ngầm xuất hiện. Thạch nhũ mọc lên như rừng, trong động có động, trên thạch bích còn cả ánh sáng xanh biếc. Tuy ánh sáng ấy không sáng lắm, nhưng cũng đủ để Trần Dương đã ở lâu trong bóng đêm nhìn rõ phần nào hang động.
Trần Dương nghe thấy cách đó không xa có người đang trò chuyện, giọng thì thầm rất khẽ. Bởi lẽ do thạch bích trong hang phản xạ lại, anh vẫn nghe loáng thoáng được. Tiếng nước tí tách rơi xuống đáp lời càng tạo vẻ mờ ám và thần bí.
Trần Dương biết, kẻ trò chuyện này chính là kẻ ép anh tới đây.
Anh vòng qua mấy cột thạch nhũ, một màn trước mắt khiến anh nheo mắt lại ngay lập tức. Cách đó không xa là một dàn tế cao ba mét, hình thức khá giống dàn tế anh đã thấy vào lần tế tổ tiên ở thôn Ngụy, nhưng quy mô nhỏ hơn.
Dàn tế dùng trong lễ tế tổ của thôn Ngụy là một đài tròn rộng cỡ hai mươi mét vuông, bên cạnh đài là mười tám cột đá chọc trời phía trên có khắc mãnh thú, ác quỷ. Còn bên cạnh dàn tế này chỉ có chín cột đá, bàn đá cũng chỉ khoảng cỡ mười mét vuông, phía trên là nhiều giường đá và một máng nước.
Trên thạch bích nối liền với bàn đá kia là một dòng nước ngầm chảy vào trong máng nước, tiếng nước nhỏ giọt trở nên âm vang vô cùng trong hang động.
Dù đứng cách xa, Trần Dương vẫn cảm giác được dòng nước đó không bình thường.
Âm khí quá nặng, loại nước này đừng nói uống, dù chỉ chạm vào một ít thôi thì với người bình thường mà nói, nhẹ sẽ bệnh đau ốm một hồi, nặng thì bệnh tật quấn thân. Loại nước âm này chỉ có thể xuất hiện cạnh âm quan, cũng từng có kẻ bảo, loại nước âm này là thứ nước chảy ra từ địa phủ.
Cho nên, người sống không chạm vào được.
Trần Dương liếc hai kẻ đứng bên bờ sông âm, lại là Ngụy Thất gia và Đông lão tiên, hai người đưa lưng về phía Trần Dương như thể chẳng hề phát hiện ra anh mà đang đứng đây ung dung trò chuyện.
Ngụy Thất gia gập cong người, nói một câu ông sẽ ho hai tiếng, cứ như hai chân đã xuống mồ chỉ còn lại cơ thể tàn tạ bên ngoài. Trần Dương biết, mấy kẻ nhìn càng như người sắp chết sẽ càng không chết được. Còn Đông lão tiên biên kia, dù đó là người từ họ Trần mà ra, nhưng đừng mong đến chuyện lão ta sẽ nương tay với mình.
Trong dòng tộc họ Trần có câu, vào nhóm đạo sĩ nhận tấm biển Đông lão tiên rồi sẽ không còn là người họ Trần nữa. Mà cũng phải thôi, đã đổi họ lại chẳng thể có hậu nhân, nên phải phân rõ giới tuyến với hồng trần thế tục, tựa như hòa thượng xuất gia, đạo sĩ lên núi.
Trần Dương không vội, anh cứ đứng chờ như thế.
Trên bàn đá kia là một bộ xương khô, bên cạnh ngổn ngang đá. Bộ xương ấy méo mó lệch xệch, tựa như mới vừa thu dọn xương cốt xong. Trần Dương không biết hai ông già kia định làm gì, song chắc sẽ chẳng phải chuyện gì tốt.
Ngụy Thất gia như đang van xin Đông lão tiên gì đó, “Khụ, khụ, mấy thứ ấy ta đã chuẩn bị đầy đủ, chuyện ông đã hứa với ta thì nhất định phải làm, mấy lão kia cứ đợi xem trò hề của ta, khụ ——” Vừa nói đến đó, Ngụy Thất gia lại lập tức kích động, ho sù sụ đến mức cả người run lên liên hồi.
Đông lão tiên vỗ bộ đạo phục trắng bạc màu vá chằng vá đụp, dường như đang thấp thỏm, “Đó là chuyện tất nhiên.”
Bọn họ thấp giọng bàn bạc sự tình. Hai kẻ ấy đứng sát rạt nhau, đầu gần như chạm vào nhau, thấp giọng thì thào, những câu kế tiếp Trần Dương nghe không rõ.
Đến khi hai kẻ ấy thương lượng âm mưu đâu vào đó rồi, cơn ho khan kịch liệt của Ngụy Thất gia giảm hẳn như thể những lo âu trong lòng đã vơi bớt. Cuối cùng cả hai như nhớ ra Trần Dương, sau đó cùng xoay người nhìn về phía anh.
Trần Dương vốn cho rằng họ đang nhìn mình, nào ngờ anh nghe thấy phía sau truyền đến tiếng sột sà sột soạt. Theo tiếng động anh quay đầu, lại có hai người bước vào trong hang. Trong số hai người ấy có một người anh đã gặp vài lần, là cháu trai của cụ Ngụy đã từng đẩy xe lăn cho anh, tên gì nhỉ, à phải, là A Phong.
Cậu ấy đi cùng một người trẻ tuổi của thôn Ngụy, họ từng bước từng bước hướng về chiếc bàn đá, hai mắt vô thần, ánh mắt dại ra. Trần Dương biết hồn hai kẻ ấy đã bị người khác không chế, họ đi dọc theo thềm đá bước lên đài, đứng tách ra ở hai bên góc.
Đông lão tiên lấy một cái chuông đồng từ trong ngực ra rồi nhẹ nhàng lắc lắc. Âm thanh vừa vang lên, hại người bọn A Phong tức thì té xuống đất, chẳng động đậy nữa.
Tiếp theo, Đông lão tiên xoay người nhìn Trần Dương, thở dài một hơi, “Cậu sao lại cũng bị kéo vào đám nước đục này.” Lão vẻ mặt tiếc hận, lắc đầu liên tục, như đang cảm thấy Trần Dương đã làm ra chuyện sai tày trời, như con thiêu thân tự lao đầu vào lửa.
Trần Dương cười khẽ, “Tôi vốn chẳng biết chuyện gì.”
Ngụy Thất gia che miệng ho đến thở không nổi, ông ta chẳng thèm liếc Trần Dương, như thể Trần Dương là thứ chẳng đáng để ông quan tâm. Ông quay đầu nói với Đông lão tiên, “Mau bắt đầu đi, ta giật mắt liên hồi, lòng thấp thỏm chẳng yên, cứ như sẽ xảy ra chuyện.”
Đông lão tiên liếc ông đầy khinh thường, lão già này muốn con mình trở về mà lại nhát như cáy, bình thường ỷ vào vai vế ở thôn Ngụy mà hét tới hét lui, uy phong khắp chốn, thực tế lại chẳng là cái đếch gì. Nếu không phải ta còn có tính toán khác thì sao lại giúp ông ta nhiều năm như thế, cùng lắm chỉ lúc này nữa thôi. Sau hôm nay, ta sẽ chẳng cần xem sắc mặt lão già này nữa.
Ngụy Thất gia bước xuống đài, đi đến cạnh thạch nhũ, nhìn động tĩnh của đài tế.
Còn bên này Đông lão tiên đang kéo mấy lá cờ rách cắm bên góc bàn đá. Trần Dương đếm thử, tổng cộng mười hai lá cờ, ứng với mười hai ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu. Lão ta lại dùng mười hai nhành cây đào ứng với mười hai địa chi
[1], thành một bàn cờ, còn bọn hai người A Phong và bộ xương kia thì ở trong ván cờ ấy.
Sắp đặt đâu đó xong, Đông lão tiên mới ngẩng đầu, trên gương mặt vàng vọt khô đét đó hiện ra nụ cười bí hiểm, lão rướn con mắt hình tam giác rồi vẫy tay với Trần Dương, “Nào, lại đây ——”
Giọng lão êm dịu như thể có gì đó hấp dẫn vô cùng, lập tức thần trí Trần Dương như bị mê hoặc. Anh bị lôi cuốn từng bước từng bước tới gần lão, sau đó ngừng phắt lại, Trần Dương đã tự cắn môi khiến mình tỉnh táo lại.
Thấy hành động của anh, con mắt tam giác của Đông lão tiên rướn lên rất cao. Chiếc chuông chiêu hồn trong tay lão bỗng chuyển động phát ra một chuỗi tiếng chuông kéo dài rồi vọng lại từ thạch bích, ong ong chui vào não bộ con người.
Trần Dương nhíu mày, bất giác trong lòng anh có cảm giác rất kỳ lạ. Không phải sợ cũng không hoảng hốt, đó như một loại siêu thoát, như thể vạn vật trong thế giới này không hơn được điều ấy, sống không mừng vui, chết không hãi sợ, sống chết chỉ là chuyện bình thường. Anh biết rõ đi qua sẽ là cái bẫy nhưng lại chẳng hề chi, nội anh đang vẫy gọi anh, “Cháu à, lại đây, lại đây, đến với bà nội nào ——” Bên cạnh còn cả cha mẹ anh đang đứng đó cười nhìn anh.
Trần Dương mê mê hoặc hoặc bước tới rồi lại bước tới, bước mãi đến khi lên những nấc thang kia và đứng cùng hai người bọn A Phong. Giữa ba người họ là bộ xương khô, bộ xương chẳng biết đã bao năm tuổi mà vẫn sáng bóng như ngọc, không hề thối nát hay dơ bẩn.
Lúc này, trong hang bỗng truyền đến một tiếng rít kỳ quái.
Sắc mặt Trần Dương rất khó xem. Dưới ánh sáng hiu hắt lập lòe nên Đông lão tiên không nhìn rõ, ánh mắt anh không đờ đẫn mà mang theo chút sục sôi. Xung quanh tối tù mù, bất chợt, một tiếng rít cao vút từ dòng sông truyền tới.
Theo tiếng nước ào ào rung động, một vật gì đó chậm chạp bò ra khỏi nước. Thấy đó là một thứ lông lá bù xù đen sạm, đồng tử Trần Dương không thay đổi mà hơi co lại. Thế mà lại là một con khỉ nước. Con khỉ kia lên bờ, lắc lắc bộ lông xù khiến nước văng tung tóe khắp nơi. Rồi nó ngẩng đầu, gương mặt nửa giống người nửa giống khỉ nhìn lướt qua Đông lão tiên rồi lại lướt tới Ngụy Thất gia.
Thấy con khỉ nước ấy, Ngụy Thất gia lập tức vội vàng bước về phía nó.
Con khỉ nước lại ngẩng đầu rít lên một tiếng, âm thanh đó như tiếng móng tày cào kèn kẹt lên mặt kính, buốt nhọn đến mức màng tai người đau đớn. Mắt Trần Dương giật giật, còn bọn hai người A Phong bên cạnh lại không chút thay đổi, mắt vẫn ngây ra ngơ ngác tựa như chẳng hề nghe thấy âm thanh này.
Mới vừa chạm đất, con khỉ nước kia đã nhảy lên phóng thẳng tới chỗ Đông lão tiên. “Nghiệt súc ngươi dám!” Đông lão tiên không chút hoang mang trốn ra sau, ngón tay kháp quyết. Ngay tức khắc một cơn gió lạnh thổi tới, con khỉ nước ấy như bị vật gì bắt được, nó dùng sức vùng vẫy nhưng không thể thoát ra, chỉ có thể giương nanh múa vuốt rít lên không ngừng.
Đông lão tiên lại có thể sai khiến bọn hồn ma, quả nhiên không thể xem thường.
Con khỉ kia càng không ngừng giãy giụa. Đông lão tiên tuy già cả nhưng hành động nhanh nhẹn hệt người trẻ tuổi. Lão bước dài tới dán lá bùa vào con khỉ, nó bất động ngay lập tức. Tiếp đó Đông lão tiên bấm tay lầm rầm mấy câu chú đuổi quỷ, thứ vô hình gì đó trong không trung ném con khỉ nước xuống.
Đông lão tiên liếc con khỉ nước kia, lão khoác lên mặt vẻ thương xót vờ vĩnh, “Ngươi cũng đáng thương lắm, chừng ấy năm trời chỉ có thể ở trong con khỉ nước này, sau cùng quên mất thật ra mình là ai, chao ôi ——”
Ngụy Thất gia bước xuống đài tế nhìn con khỉ nước kia, lúc lộ vẻ quan tâm khi thì oán hận lúc lại chán ghét, biểu tình đổi tới đổi lui như chiếc kính vạn hoa, không biết rốt cuộc trong lòng ông ta đang thế nào.
Thứ này, mặc dù là quái vật ghê tởm, nhưng trên người nó lại là hồn phách con mình.
Đông lão tiên cạy miệng con khỉ nước ra rồi đổ thứ gì vào ép nó nuốt xuống. Chỉ chốc lát sau cổ họng con khỉ nước phát ra tiềng ọc ọc, nó tỉnh lại mở mắt ra. Con khỉ nước này có đôi mắt như con khỉ bình thường, vừa to vừa tròn và có cả hàng mi dày và dài lắm, da mắt nhăn nheo như đắp lên cả mấy tầng da, đáng sợ vô cùng.
Lúc mới tỉnh lại, con khỉ nước nhảy chồm lên định tiếp tục tấn công Đông lão tiên, Đông lão tiên chỉ vào nó, hét lớn một tiếng, “Ngươi thật đã quên mình là ai?”
Bị tiếng quát tháo ấy làm khựng lại, con khỉ nước xoay tới xoay lui, vò đầu bứt tóc như thể chẳng biết làm gì. Nó ngó nghiêng khắp mọi người quanh đây, đôi mắt khi thì tỉnh táo lúc lại u mê, nó đi tới đi lui, sau cùng hét lớn một tiếng, môi mấp máy ra hai tiếng. Hai tiếng ấy có thể được xem như câu chữ.
Đông lão tiên nghe thế bèn sờ râu mép, vui mừng gật đầu, “May là vẫn chưa hoàn toàn đánh mất bản tính.”
Nhét hồn phách người vào cơ thể con khỉ nước này là ý kiến của lão đưa ra cho Ngụy Thất gia vào ngày đó. Con trai Ngụy Thất gia – Ngụy Đông Lai bỏ trốn khỏi nhà lấy người vùng khác cả chục năm không tin tức gì, sau thì vợ gã ta bỏ đi chỉ để lại con trai, Ngụy Đông Lai một mình nuôi con khôn lớn. Đến lúc con trai trưởng thành và đã có bạn gái rồi định kết hôn, gã mới nhớ tới cha mẹ già trong nhà nên tính về nhà ăn nói một lần, ai ngờ được trên đường về lại xảy ra tai nạn giao thông.
Không riêng gì gã, mà ngay cả con trai và con dâu tương lai đều chết trong vụ tai nạn xe ấy.
Lúc đầu Ngụy Thất gia vốn nguyền rủa thằng con không nghe lời này, sau đó lâu ngày thì tất nhiên vẫn quan tâm nhiều hơn. Huống chi vợ ông cứ hay oán trách ông lẽ ra đừng nên cãi nhau với con trai, đừng nên ngăn cản con mình cùng bên nhau với cô gái kia, không thì con trai sẽ không bỏ nhà đi mất.
Ngụy Thất gia mắng thầm trong bụng đàn bà thì biết gì, mấy lề lối cũ bà biết đấy chắc, nếu không phải do quy củ tổ tiên để lại, con nó thích lấy người nào thì lấy người đó, miễn có cháu bồng là được.
Ông nói toạc hết những nguyên nhân chồng chéo bên trong cho con trai, nhưng con ông sống chết không nghe, kết quả lại xảy ra sự tình như thế. Ngụy Thất gia chỉ có một người con trai độc nhất, hiện lại chết đi cùng với cháu ông, tim ông đau đến rỉ máu.
Chi này đến ông thì tuyệt hậu rồi! Ông làm sao có mặt mũi gặp liệt tổ liệt tông đây!
Lúc đi gom nhặt thi thể con trai, Ngụy Thất gia vừa khéo gặp phải Đông lão tiên đang đến thôn Ngụy lập đàn. Nghĩ rằng con đã chết khi lập đàn cũng phải mời Đông lão tiên, ông bèn kể với Đông lão tiên chuyện ấy.
Sau khi xem kỹ thi thể máu thịt lẫn lộn của Ngụy Đông Lai, Đông lão tiên bảo Ngụy Thất gia rằng Ngụy Đông Lai dương thọ chưa hết, tuy hiện đã chết nhưng thực tế vẫn có cơ hội cứu vãn, song chuyện này hơi khó làm.
Vừa nghe thế, Ngụy Thất gia lại có gì không dám, dù khó làm đến mấy cũng phải làm, thế này thì quá tốt. Ông lập tức nghe theo lời Đông lão tiên, dời xác cả nhà con trai giấu ở lâm trường, theo cách nói của Đông lão tiên thì chuyện này càng ít người biết càng tốt.
Chuyện hoàn dương phải tránh để chốn âm ty biết, bởi một khi có người biết rồi thì âm ty cũng sẽ biết theo.
Ngụy Thất gia thầm may mắn trong lòng, bởi lẽ vì chuyện xấu hổ mất mặt Ngụy Đông Lai gây ra trước kia, nên chuyện con ông nhắc đến sẽ trở về trong thư chỉ có hai vợ chồng già ông biết. Nói tiếp cũng kỳ lạ, trên con đường thông đến trấn trên của thôn Ngụy tuy không thể nói rằng tấp nập kẻ đến người đi nhưng vẫn có người hoặc xe đi tới. Vậy mà lúc xảy ra tai nạn xung quanh không một bóng người, chỉ có hai vợ chồng Ngụy Thất gia đang chờ ở ven đường.
Đêm hôm ấy, Ngụy Thất gia và Đông lão tiên chuyển thi thể con ông đến bên dòng suối cạnh thôn Ngụy, họ dõi theo con khỉ nước đáng tởm kia lên bờ kéo xác con ông xuống, còn cháu trai và bạn gái cậu ấy thì được chôn qua loa ở ngọn núi dọc đường.
Ngụy Thất gia và Đông lão tiên đợi bên dòng suối cả một hai tiếng đồng hồ, sau đó trông thấy một con khỉ nước bước ra khỏi con suối.
./.
[1] Địa chi, gồm 12 chi, tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi.