Tôi giật mình thảng thốt, ngẩn ngơ nhìn Khabi. Trước giờ tôi chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để nhanh chóng tu luyện thành người, đó là mối bận tâm lớn nhất của tôi, thế nên tôi chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề tuổi tác. Nhưng hôm nay, những lời của Khabi đã thức tỉnh tôi, tôi chợt nhận ra rằng, còn một cửa ải gian nan nữa đang chờ đợi mình. Tạm thời chưa bàn đến việc sau khi tôi tu luyện thành người, liệu Bát Tư Ba có nảy sinh tình cảm với tôi hay không? Bản thân tôi thì sao, liệu tôi đã sẵn sàng đánh đổi mấy trăm năm cô độc lấy mấy mươi năm ân ái hay chưa?
Đêm đó, sau khi thẫn thờ rời khỏi tẩm cung của Khabi, tôi trở về lán trại của Bát Tư Ba, đến ngồi cạnh giường và ngắm nghía gương mặt đang say giấc nồng của cậu ấy đến khi những tia sáng ban mai đầu tiên của ngày mới ló rạng.
Ăn Tết xong, Hốt Tất Liệt lên đường trở về phủ Khai Bình như kế hoạch đã định. Khabi đề nghị để cô ấy và Chân Kim ở lại. Bề ngoài thì cô ấy muốn ở lại hầu hạ Hoàng hậu của Mông Kha Hãn và để Chân Kim có cơ hội học tập cùng các anh em họ, nhưng thực chất là ở lại làm con tin.
Hốt Tất Liệt sao có thể để vợ yêu và con yêu của mình ở lại chứ? Nhưng Khabi đã ra sức thuyết phụ ngài, nói lấy đại sự làm trọng. Ai cũng biết Khabi và Chân Kim có ý nghĩa quan trọng nhường nào đối với Hốt Tất Liệt, thế nên để mẹ con cô ấy ở lại, Mông Kha Hãn mới tin tưởng Hốt Tất Liệt triệt để.
Ngày lên đường, Hốt Tất Liệt cứ đi một bước lại ngoảnh đầu nhìn lại, ánh mắt lưu luyến không rời vợ và con trai. Người đàn ông bốn mươi ba tuổi ấy hai mắt đỏ hoe, lần đầu tiên trong đời ngài đã rơi lệ, những giọt lệ tủi nhục. Trải qua thử thách lần này, tình cảm Hốt Tất Liệt dành cho Khabi sâu đậm bội phần. Ngày sau, khi trở thành hoàng đế chí tôn, Hốt Tất Liệt đã không do dự trao cho người vợ đã cùng ngài trải qua những năm tháng hoạn nạn có nhau ấy địa vị cao quý nhất mà mọi phụ nữ trong thiên hạ đều tôn sùng.
- Tiểu Lam, lần này em đến chỉ hôn mê có một ngày thôi, nhưng vì sao lại bị chảy máu mũi?
Thấy tôi tỉnh lại, Kháp Na nhấc tôi ra trước mặt, quan sát tỉ mỉ. Tôi ngạc nhiên, lấy móng vuốt cọ vào mũi, đúng là có vệt máu dính trên lông. Tôi giật mình sợ hãi, nhưng ngay lập tức đã tìm ra cách tự an ủi, tôi xua tay:
- Không sao, không sao! Chắc tại bếp than trong phòng cậu nóng quá thôi.
Nhưng Kháp Na vẫn chưa thôi lo lắng, tôi bèn chuyển đề tài:
- Kháp Na à, sắp tới sinh nhật lần thứ hai mươi của cậu rồi đó. Lâu Cát định tới Lương Châu chúc mừng cậu, nhưng Hốt Tất Liệt đột ngột phái cậu ấy đến Ngũ Đài Sơn. Hốt Tất Liệt không nguôi lo sợ Mông Kha Hãn sẽ ra tay với mình nên thời gian gần đây ông ấy đặc biệt mê tín, ngày ngày cầu thần khấn Phật phù hộ, còn thường xuyên yêu cầu Lâu Cát cử hành pháp hội cầu phúc cho ông ấy, và bây giờ lại cử cậu ấy hành hương về Ngũ Đài Sơn làm lễ cầu an. Lâu Cát không thể trái lệnh nên nhờ tôi đến hỏi cậu xem cậu thích quà gì.
Kháp Na gõ gõ vào đầu mũi tôi, cưng nựng:
- Ta không cần gì cả, chỉ cần hôm đó em đến chung vui với ta là đủ.
- Không thể thế được. Sinh nhật tròn hai mươi tuổi là dấu mốc rất quan trọng của một người đàn ông. Các gia đình quyền quý thường bày cỗ, có thể là vài chục mâm đến hàng trăm mâm mời mọi người đến chúc mừng.
- Kháp Na, tôi biết phải tặng cậu món quà gì rồi, chờ tôi nhé!
Kháp Na cuống cuồng gọi với theo:
- Tiểu Lam, em đi đâu vậy?
Tôi quay đầu lại căn dặn:
- Đừng lo, nhất định tôi sẽ quay về đúng dịp sinh nhật cậu.
~.~.~.~.~.~
Trong lò sưởi, than đã tàn quá nửa, tôi tập tễnh ra ngoài lấy thêm than, chàng trai trẻ đi theo phụ giúp. Ngoài trời gió vẫn ù ù thổi, những bông tuyết lớn cuốn trong gió, trút ràn rạt xuống người chúng tôi, chỉ một lát, trên vai đã phủ một màu trắng xóa. Chúng tôi khiêng bao than vào nhà, giậm chân giũ sạch tuyết trên vai. Chàng trai trẻ gặp vài viên bỏ vào lò:
- Tôi cứ băn khoăn mãi, vì sao Phật giáo Tây Tạng lại lựa chọn phương thức tìm kiếm linh đồng chuyển thế để kế thừa pháp thống?
Tôi hơ tay sưởi ấm:
- Phương thức lựa chọn linh đồng chuyển thế làm người kế thừa xuất hiện khi rất nhiều giáo phái của Phật giáo Tây Tạng đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Trước đó, hầu hết các giáo phái đều phải áp dụng phương thức cha truyền con nối hoặc sư phụ truyền cho đệ tử. Nhưng phương thức truyền thừa kiểu huyết thống và thầy trò đều tồn tại những hạn chế nhất định.
Than cháy càng đượm, căn phòng càng trở nên ấm cúng, hệt như thời tiết lúc sang xuân. Tôi cởi áo khoác ngoài, tiếp tục câu chuyện:
- Phái Sakya chính là ví dụ điển hình của phương thức kế thừa kiểu huyết thống. Và vấn đề khiến giáo phái này đau đầu nhất từ xưa đến nay là: không có con trai nối dõi. Nếu nguy cơ này xảy ra thì việc kế thừa giáo phái sẽ không có cách nào giải quyết.
Chàng trai trẻ gật đầu:
- Vậy nên rất ít giáo phái Phật giáo Tây Tạng lựa chọn phương thức kế thừa này. Nhưng vì sao không áp dụng phương thức sư phụ truyền lại cho đệ tử?
Tôi đáp:
- Trước khi phương thức tìm kiếm linh đồng chuyển thế xuất hiện, đại đa số các giáo phái đều áp dụng phương thức đệ tử kế nghiệp sư phụ. Nhưng hạn chế của phương thức này là ở chỗ: sư phụ không thể chỉ thu nạp một đệ tử. Đệ tử càng đông, sự tranh chấp lợi ích càng quyết liệt, nó sẽ làm nảy sinh hệ lụy là, các đệ tử chia vây tạo cánh, khi thấy đủ mạnh thì tách ra khỏi hệ phái ban đầu, tạo lập chi phái mới, từ đó khiến sức mạnh của toàn bộ giáo phái bị xé lẻ, chia rẽ, dẫn đến suy yếu. Ví dụ điển hình là phái Kagyu. Giáo phái này ban đầu là một giáo phái có thực lực mạnh nhất Tây Tạng, nhưng nội bộ không thống nhất về vấn đề kế thừa nên các đệ tử lũ lượt tách ra, lập chi phái mới khiến giáo phái Kagyu vốn lớn mạnh là thế bỗng chốc bị chia năm xẻ bảy, sau cùng phân chia thành hơn mười chi phái lớn nhỏ, thậm chí trong một chi phái cũng phân chia thành các nhánh nhỏ hơn. Sức mạnh phân tán, không tập trung khiến giáo phái Kagyu mất đi vai trò quyết định trong hệ thống giáo phái Phật giáo Tây Tạng về sau.
Chàng trai trẻ vỗ tay, bật cười ha hả:
- Thế nên họ mới quyết định chọn phương thức tìm kiếm linh đồng chuyển thế để kế thừa pháp thống, thế là các đệ tử khỏi nhọc công tranh giành!