Năm 1260 - tức năm Thìn, Dương Thiết theo lịch Tạng (Canh Thìn) - tức năm đầu tiên niên hiệu Cảnh Định nhà Nam Tống - tức năm đầu tiên niên hiệu Trung Thống, Hốt Tất Liệt, Mông Cổ
Bát Tư Ba hai mươi sáu tuổi, Kháp Na hai mươi hai tuổi.
Lương Châu cách Yên Kinh hơn ba nghìn dặm, ngồi xe ngựa phải hai tháng mới tới nơi.
Suốt hai tháng trời, tôi chuyện trò giết thời gian với Kháp Na trên xe ngựa. Và lúc này, vẫn còn khoảng ba ngày nữa chúng tôi mới tới Yên Kinh.
- Cậu không biết hiện giờ ở Yên Kinh, quyền lực của Lâu Cát lớn đến mức nào đâu. Hốt Tất Liệt ban cho cậu ấy phủ Quốc sư, rộng gấp mười lần phủ đệ của các hộ dân thường. Cậu ấy mới hai mươi sáu tuổi nhưng các tăng nhân đáng tuổi cha chú cũng lũ lượt kéo đến Yên Kinh bái cậu ấy làm sư phụ. Phủ Quốc sư ngày nào cũng tấp nập, huyên náo. Tôi cứ băn khoăn, sao đột nhiên cậu ấy lại có nhiều bạn bè ở Yên Kinh đến thế?
Tôi chu mỏ bày tỏ nỗi bức xúc. Kể từ khi được phong làm quốc sư, Bát Tư Ba bận rộn tối tăm mặt mũi, ngày nào cũng mệt rã rời vì phải tiếp đón đám người thấy người sang bắt quàng làm họ, không có nhiều thời gian trò chuyện với tôi. Điều đó khiến tôi không vui chút nào.
Kháp Na tươi cười phấn chấn, gương mặt sáng bừng, thư thái khác lạ:
- Đại ca được Đại hãn nể trọng, bọn họ xúm lại lấy lòng huynh ấy cũng dễ hiểu mà. Nhưng em yên tâm, quyền lực và của cải chưa bao giờ là điều huynh ấy mong muốn, huynh ấy sẽ không bị lung lạc.
- Không chỉ đám người xa lạ đó, hai anh trai của cậu cũng từ Sakya đến nương náu trong phủ Quốc sư đấy. – Tôi giơ ngón chân lên nhẩm tính. – Mùa hè năm ngoái, anh hai Rinchen Gyaltsen và anh ba Yeshe Bernas của cậu đã khởi hành từ Sakya. Theo thư họ gửi cho Lâu Cát thì có thể họ sẽ đến Yên Kinh cùng thời gian với cậu. Lâu Cát muốn cậu về Yên Kinh là để gặp lại họ, anh em sum họp.
Bát Tư Ba có tất cả tám anh chị em, cậu ấy là con bà cả, cậu hai Rinchen Gyaltsen là con dì hai, cậu ba Yeshe Bernas là con dì năm, ba người sinh cùng năm, khác tháng. Dì tư chỉ sinh được ba cô con gái, không có con trai. Một năm trước khi Kháp Na chào đời, dì năm đã sinh thêm một cô con gái nữa. Sau khi Kháp Na ra đời, cha cậu bị dì hai hạ độc rồi qua đời.
Dì hai bị thả trôi sông vì tội sát hại chồng. Lên bốn tuổi, Rinchen Gyaltsen được giao cho dì ba nuôi dưỡng, năm mười hai tuổi, xuống tóc đi tu, hiện là cao tăng chủ trì luật pháp của phái Sakya. Các bậc đại đức của Sakya gửi thư cho Bát Tư Ba đều nhận xét rằng, những năm qua, Rinchen Gyaltsen đã trưởng thành và chín chắn trong mọi sự. Đại sư Shakya Zangpo hiện giữ chức bản khâm của giáo phái dành nhiều lời khen ngợi và quả quyết cậu ấy là một nhân tài, với đầy đủ các tố chất để đảm nhiệm trọng trách lớn. So với cậu ba Yeshe thì cậu hai Rinchen thân thiết với Bát Tư Ba hơn. Những năm gần đây, thư từ qua lại giữa hai người ngày càng nhiều. Tuy không còn nhớ rõ hình dáng của người em này nhưng Bát Tư Ba ngày càng có cảm tình với cậu ấy.
Cậu ba Yeshe không xuất gia mà trở thành trợ thủ đắc lực của viên tổng quản Chongnari trong việc cai quản các điền trang lớn của giáo phái Sakya. Nghe nói cậu ta cũng rất tài ba, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, tinh thông thơ phú, có thể đọc thuộc bộ sử thi Đức vua Gelsall [1]. Ở nơi mà chín mươi chín phần trăm dân số mù chữ thì trình độ học vấn như của cậu ba Yeshe là rất đáng nể. Tuy không xuất gia nhưng vì sinh ra trong bối cảnh đặc biệt với sự gắn kết khăng khít giữa giáo phái và dòng họ nên những kiến thức về Phật giáo Hiển Tông, Mật Tông mà giáo phái Sakya được truyền bá rộng rãi, Yeshe đều thông tỏ, cậu được người dân xứ Sakya ngợi ca là “Phật sống”.
- Anh em sum họp ư? – Kháp Na cười buồn, cậu tựa lưng vào tấm đệm lông cừu mềm mại, vẻ mặt âu sầu. – Ta vừa chào đời đã không còn cha, lên bốn tuổi thì mất mẹ, sáu tuổi rời quê hương, mười ba tuổi bác ruột qua đời. Những người thân thiết nhất của ta giờ đây chỉ còn anh trai và em. Trong trí nhớ của ta, Sakya chỉ là những hồi ức hết sức mơ hồ. Thực lòng mà nói, ta không còn nhớ bất cứ điều gì về người anh thứ hai, thứ ba và bốn người chị gái đã lấy chồng, hiện đang sống ở Sakya. Nếu như gần đây không thường xuyên thư từ qua lại với họ, có lẽ ta chẳng nhớ nổi tên họ nữa.
Trước đây, tôi từng nghe Bát Tư Ba kể về gia đình phức tạp của cậu, về phương thức thừa kế đặc biệt của giáo phái Sakya, về việc cha cậu đã sắp xếp để những người vợ lẽ sống ở những nơi khác nhau, tránh mâu thuẫn, xung đột. Anh chị em cậu mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần nên tình thân không khăng khít như những gia đình khác. Bát Tư Ba và Kháp Na lại xa quê từ nhỏ. Nếu Bát Tư Ba không trở thành người quyền quý, có lẽ những người anh em kia sẽ chẳng tốn công tốn sức, lặn lội đường sá xa xôi đến nương nhờ làm gì.
Chúng tôi đang trò chuyện thì nghe thấy tiếng vó ngựa áp sát xe ngựa. Ai đó chào hỏi người hầu cận của Kháp Na bằng tiếng Tạng:
- Anh bạn cho hỏi, ta thấy các vị ăn mặc rất giống người Tạng, có phải cũng là người Tạng không?
Kunga Zangpo trả lời:
- Dạ đúng, đây là xe ngựa của Phò mã Kháp Na Đa Cát, em trai quốc sư Bát Tư Ba. Các vị đến từ đất Tạng phải không?
Giọng nói của người kia bỗng trở nên hào sảng, hân hoan lạ thường:
- Ha ha, thật đúng là, người nhà ra ngõ tưởng người dưng, chẳng ngờ lại gặp nhau ở đây thế này!
Kháp Na băn khoăn vén rèm cửa ngó ra ngoài, thấy một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, vừa cười lớn vừa thúc ngựa tiến lên. Anh ta đội mũ lông cừu, mặc áo khoác lông cừu dệt thủ công, nước da sạm đen, thô ráp, gò má cao với hai đốm tròn đỏ nổi bật, vốn là nét đặc trưng của cư dân vùng núi tuyết, lông mày rậm, nếp nhăn chồng chéo nơi đuôi mắt, tuổi chừng ba mươi.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Sử thi Đức vua Gelsall là bộ sử thi anh hung vĩ đại nhất, có lịch sử lâu đời nhất, cấu trúc đồ sộ nhất, nội dung phong phú nhất và được lưu truyền rộng rãi nhất của người Tây Tạng. Cuốn sử thi cung cấp cho chúng ta nguồn tư liệu quý báu về hình thái xã hội nguyên thủy. Đây là tác phẩm văn học thành công nhất về văn hóa Tạng nguyên thủy, hàm chứa giá trị học thuật, mỹ học và giá trị thưởng thức rất cao. Kể từ khi ra đời cho đến nay, cuốn sử thi này vẫn luôn được diễn tấu không ngừng, là cuốn sử thi “sống” duy nhất trên thế giới, nó cũng được xem là cuốn bách khoa toàn thư về xã hội Tạng nguyên thủy và được đánh giá là Sử thi Homer của phương Đông. (DG)