- Người Mông Cổ chúng ta có thông lệ cử các vương gia đi trấn giữ vùng biên cương trọng yếu để đảm bảo sự ổn định của quốc gia. Cậu là Bạch Lan Vương được đích thân ta sắc phong, lại là con rể của quý tộc Mông Cổ. Ta cử cậu đến đất Tạng chính là cử vương gia của mình trấn giữ vùng đất quan trọng, trên danh nghĩa, cậu là người đứng đầu của cả vùng Tufan. Như vậy, nếu có kẻ nào dám chống lại anh trai cậu, cậu có thể thay ta trừng trị kẻ đó. – Ngừng lại một lát, Đại hãn tiếp tục vỗ vai Kháp Na mà rằng. – Kháp Na, anh trai cậu trở về đất Tạng với trách nhiệm nặng nề, chắc chắn sẽ gặp phải sự cản trở quyết liệt của các giáo phái và thế lực chống đối ở đó. Cậu hãy trở thành cánh tay phải đắc lực của anh trai cậu!
Kháp Na gật đầu cả quyết, nhìn về phía Bát Tư Ba:
- Thưa Đại hãn, Kháp Na nhất định sẽ ghi lòng tạc dạ lời người! Kháp Na nguyện sát cánh bên đại ca, dù phải mất cả tính mạng cũng không từ nan!
Tuy gương mặt nhuốm vẻ mệt mỏi nhưng ánh mắt cậu ấy sáng lên vẻ kiên định lạ thường. Không hiểu sao, tôi cảm thấy ánh mắt Kháp Na nhìn anh trai mình rất phức tạp. Dường như những điều muốn nói, cậu ấy đều giấu trong đáy đôi mắt sâu hun hút ấy.
Trong suốt mười ngày tiếp theo, tôi không tìm được dịp nào để nói chuyện riêng với Bát Tư Ba. Ban ngày, chàng bận không hết việc, lúc nào cũng có rất nhiều người vây quanh chàng, buổi tối thì Kháp Na lại ngủ trong phòng chàng. Cậu ấy bảo rằng, đã hơn một năm rồi không sống trong phủ Bạch Lan Vương, vả lại cũng chẳng còn mấy ngày nữa là lên đường nên không muốn dỡ hành lý ra làm gì cho phiền phức.
Thế là, cho đến lúc xuất phát, tôi cũng không có cơ hội để hội Bát Tư Ba về chuyện đêm hôm đó. Nỗi băn khoăn, trăn trở cứ giày vò tâm can tôi.
Ngày mồng Một tháng Năm năm 1264, hai anh em Bát Tư Ba khởi hành về Sakya. Hôm đó, trời trong, gió mát, nắng mai rực rỡ, hoa mẫu đơn khoe sắc khắp ngoại thành Trung Đô. Hốt Tất Liệt vùng văn võ bá quan và vương tôn quý tộc ra tận cửa Sùng Thiên đưa tiễn Bát Tư Ba.
Người ta trải thảm đỏ dài mấy trăm mét đến tận cửa Sùng Thiền. Hốt Tất Liệt đứng trên bục cao, long trọng trao chiếu thư cho Bát Tư Ba. Bản chiếu thư do đích thân Hốt Tất Liệt soạn thảo, nền giấy màu xanh, chữ được đắp nổi bằng bột vàng, lụa trắng thêu lên trên và được phủ một lớp lưới goomg hàng nghìn hạt trân châu lớn nhỏ khác nhau. Người ta khâu san hô đỏ thành hình con dấu của Nhà vua. Bát Tư Ba trải rộng chiếu thư, dưới ánh nắng mặt trời, những viên trân châu lấp lánh tuyệt đẹp. Bức chiếu thư giá trị đến mức tất cả quan viên có mặt ở đó phải kinh ngạc không thốt nên lời.
Từ đó về sau, ban chiếu thư trân châu cho bậc đế sư trở thành thông lệ của các hoàng đế triều Nguyên. Niềm vinh dự lớn lao này trở thành tiêu chí để xác lập quyền lực và địa vị của phái Sakya ở Tây Tạng. Sử sách chép rằng: “Các bậc hoàng đế khi mới lên ngôi đều bố cáo thiên hạ, để mọi người được hay. Riêng đối với vùng Tây Phiên thì lập riêng một chiếu thư. Chiếu thư được viết trên nền giấy màu xanh, thêu sợi lụa trắng, phủ lưới đính trân châu, dùng san hô khâu thành con dấu. Cử sứ giả mang chiếu thư đến Tây Phiên, chiếu thư sẽ được treo tại nơi ở của đế sư.”
Đền Sakya vẫn còn lưu giữ khá nhiều chiếu thư trân châu, đáng tiếc là trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến nay, các bản chiếu thư đã không còn. Người đời sau chỉ có thể hình dung sự cao quý và vinh dự tột cùng mà bản chiếu thư ấy mang lại thông qua những ghi chép của sử sách.
Tiếng tù và vang động cả nền trời xanh thẫm. Chiêng trống nổi lên rộng ràng, đoàn xe lần lượt diễu qua cổng thành nguy nga, tráng lệ. Vó ngựa lộc cộc, cỗ xe chầm chậm lăn bánh đưa hai anh em họ trở về miền núi cao tuyết phủ, trở về quê nhà xa xôi, nơi họ đã ly biệt nhiều năm.
Bát Tư Ba lặng lẽ ngồi trong xe ngựa, mắt nhìn phía trước, gương mặt khoan hòa, an nhiên. Kháp Na vén rèm cửa, ngó lại phía sau, bóng dáng Hốt Tất Liệt cùng các thần từ nhỏ dần rồi mất hút. Bầu trời trong xanh, trải muôn dặm không một gợn mây, ánh mắt của Kháp Na cũng trong vắt, không một vẩn đục như nền trời ấy. Làn gió nhẹ tháng Năm thoảng đưa hương hoa hòe ven đường, khe khẽ thổi bay mái tóc dài, đen óng ả của Kháp Na.
Tôi không bao giờ quên ánh mắt buồn xa xăm của Kháp Na trong khoảnh khắc ấy. Đó là lần cuối cùng trong đời, cậu ấy được ngắm nhìn bầu trời xanh của kinh thành.
~.~.~.~.~.~
Tôi xúc động nói:
- Tuy không được lưu giữ hoàn chỉnh cho đến ngày nay nhưng nội dung của của bức chiếu thư trân châu vô cùng quý giá ấy đã được ghi lại trong sách sử.
“Đây là thánh chỉ của Hoàng đế, các tăng nhân và dân chúng hay nghe cho rõ:
Chúng ta có được đời sống ấm no, viên mãn như ngày nay, tất cả đều nhờ vào đức độ và trí tuệ của Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn. Người đời sau phải học lấy tấm gương của Người để tích lấy phúc đức. Hiểu rõ điều này, tức là chúng ta đã nhìn nhận một cách đúng đắn con đường mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ ra cho chúng sinh. Vậy nên, trẫm đã thuận theo chỉ ý của Phật Tổ, tiếp nhận lễ quán đỉnh nơi Thượng sư Bát Tư Ba – người thông tỏ mọi sự - và phong ngài làm quốc sư để ngài thống lĩnh tăng chúng trong thiên hạ. Thượng sư từng ban bố nhiều pháp chỉ về việc cúng bái Phật pháp, quản lý tăng chúng, giảng kinh, nghe thuyết pháp và tu tập. Tăng nhân trong cả nước không được phép làm trái các pháp chỉ của thượng sư. Người hiểu về giáo pháp hãy chuyên tâm giảng kinh, người trẻ tuổi, thành tâm kính Phật hãy chăm chỉ học đạo, người am hiểu giáo pháp nhưng không có khả năng thuyết giảng hãy miệt mài tu tập. Có như vậy, mời phù hợp với những điều răn dạy của Phật Tổ, mới thỏa ý nguyện cúng dường Tam bảo, làm tốt trách nhiệm của một tín đồ của trẫm.
Nếu các tăng nhân và tín đồ không miệt mài giảng kinh, nghe thuyết pháp và tu tập thì Phật pháp sao có thể phát triển? Phật Tổ từng dạy rằng: “Giáo pháp của ta giống như Chúa tể của rừng xanh, nội lực mạnh mẽ vô song, kẻ địch bên ngoài chẳng thể xâm phạm, phá hoại.” Trẫm ngự trên con đường thông tới các ngã của đời sống, đối với những người nghiêm chỉnh tuân thủ thánh chỉ, những tăng nhân thấu suốt các giáo pháp thì bất luận người đó ở giáo phái nào, cũng sẽ được trẫm trọng dụng. Và như vậy, đối với những tăng nhân này, dù là quân quan, quân nhân, quan giữ thành, đạt lỗ hoa xích [2] hay sứ giả mang kim bài cũng không được phép ức hiếp, không được bắt bớ họ đi sai dịch, không được trưng thu thuế má, để họ có thể yên tâm thực hiện các giáo pháp của đức Thích Ca Mâu Ni, tạo phúc cho thiên hạ của trẫm. Trẫm cũng sẽ ban thánh chỉ để những người này thu nhận và lưu giữ. Sứ giả mang kim bài không được phép vào sống trong Phật điện và tịnh xá của sư sải, cũng không được tùy tiện đòi hỏi lương thực ở những nơi này, không được bắt bớ sư tăng đi lao dịch. Không được phép chiếm dụng, thu giữ hay mua bán đất đai, nguồn nước của nhà chùa. Các tăng nhân cũng không được lạm dụng thánh chỉ mà làm trái với giáo luật của Đức Thích Ca Mâu Ni.
Chiếu thư này được thảo vào ngày mồng Một tháng Năm, năm Tý, tại Trung Đô.”
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Chỉ nơi làm việc của cơ quan nhà nước thời xưa. (DG)
[2] Chức quan đứng đầu, giám sát các quan lại, quân đội và nha phủ địa phương, được lập ra vào triều Nguyên, Mông Cổ. (DG)