Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 3 - Chương 4: Thánh địa của miền núi tuyết



“Không cần chỉ dẫn tận tường,

Bậc tri giả vẫn thấu tỏ mọi sự;

Quả hồng có hương vị thế nào,

Chỉ nhìn vỏ của nó là biết.”

(Cách ngôn Sakya)

Năm 1265 – tức năm Ất Sửu, Âm Mộc theo lịch Tạng – tức niên hiệu Hàm Thuần thứ nhất, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ hai, Mông Cổ.

Bát Tư Ba ba mươi mốt tuổi, Kháp Na hai mươi bảy tuổi.

Bát Tư Ba và Kháp Na đã ăn Tết năm 1265 theo lịch của người Hán trong ngôi đền Drikung Thil ở Modrogongkar, cách La-ta chừng một trăm dặm. Đây là ngôi đền chính của phái Drikung, một trong những giáo phái lớn ở đất Tạng. Hai giáo phái Drikung và Sakya ra đời cùng thời điểm nhưng trong khi phái Sakya chật vật “trở mình” ở vùng Hậu Tạng nghèo nàn thì phái Drikung lại thảnh thơi phát triển ở vùng Tiền Tạng giàu có, phì nhiêu. Trong vòng hơn một trăm năm, phái Drikung đã phát triển thành giáo phái lớn mạnh nhất đất Tạng, thánh địa La-ta cũng thuộc phạm vi thế lực của giáo phái này.

Tin tức Bát Tư Ba trở về quê hương từ lâu đã được truyền tới các giáo phái lớn trên khắp đất Tạng nên phái Drikung, từng là kẻ thù lớn nhất của phái Sakya, cũng chuẩn bị nghi lễ nghênh đón Bát Tư Ba rất mực long trọng. Pháp vương Chung Dorje Rinpoche [1] năn nỉ Bát Tư Ba và Bạch Lan Vương ngự lại trong ngôi đền Drikung Thil. Dù rất muốn nhanh chóng đến La-ta nhưng không tiện từ chối lời mời nhiệt tình của Chung Dorje, Bát Tư Ba đành ở lại trong đền Drikung Thil khoảng chục ngày.

Mối mâu thuẫn giữa phái Drikung và phái Sakya bắt đầu từ thời đại của đại sư Ban Trí Đạt. Mấy chục năm trước, phái Drikung cử một số nhà tu hành đi Kora [2] vòng quanh núi thiêng Kailash [3] để cầu phúc. Trên đường đến Kailash, đoàn người có ghé thăm đền Sakya và gặp đại sư Ban Trí Đạt. Đám người này ỷ mình là người của giáo phái Drikung hùng mạnh nên đã cả gan buông lời xấc xược, tỏ thái độ kiêu căng, ngạo mạn trước mặt đại sư. Đại sư thẳng thắn phản bác, phê phán khiến đám thầy tu vô cùng tức tối. Sau đó, phái Drikung ỷ vào thế lực của Mông Kha Hãn, đưa người đến Sakya, cho ngựa giẫm nát khu vườn thiền tịnh của ngài Ban Trí Đạt, dỡ tung mái nhà, biến chỗ ở của ngài thành khu phố chợ khiến các tín đồ Sakya vô cùng căm phẫn.

Mối xung đột của hai giáo phái bị đẩy lên cao trào khi biến thành vụ kiện tụng đình đám. Bản khâm của Sakya khi đó là ngài Shakya Zangpo đã phải đeo gông, vượt núi cao đến La-ta để đối chất với phái Drikung. Khi ấy Bát Tư Ba vừa mới quyết định đi theo Hốt Tất Liệt, Mông Kha Hãn vẫn tại vị nên tất nhiên sẽ nghiêng về phái Drikung. Vụ án đó kết thúc một cách không rõ ràng, minh bạch, phái Sakya thua đơn thiệt kép. Nhưng sau đó, Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại hãn, địa vị của Bát Tư Ba ngày càng được nâng cao, phái Sakya không phải chịu lép vế như xưa nữa, phái Drikung buộc phải cúi đầu làm hòa. Trở về quê hương lần này, Bát Tư Ba mang trên vai trọng trách lớn lao, quy hoạch lại đất Tạng theo chế độ cai quản vạn hộ hầu, chia lại đất đai và dân cư của các ngôi đền. Những việc làm này có liên quan mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các giáo phái nên phái Drikung sao dám thất lễ với Bát Tư Ba? Sự tiếp đón long trọng này chính là cách phái Drikung bày tỏ thái độ cúi đầu làm hòa.

Điều này vừa đúng ý Bát Tư Ba vì chàng không muốn gây xung đột với bất cứ giáo phái nào. Từ lâu chàng đã có ý định xóa bỏ mối hằn thù kéo dài mấy chục năm qua của hai phái Sakya và Drikung. Không chỉ vậy, ngay cả với phái Phaktru thường xuyên tranh chấp với Sakya, Bát Tư Ba cũng đã gửi thư cho họ, biểu thị thiện ý hàn gắn và chung sống hòa bình.

Chúng tôi đã có một cái Tết náo nhiệt tại ngôi đền Drikung Thil với sự tiếp đón nhiệt tình của phái Drikung. Ngày mùng Hai Tết Tạng, chúng tôi lên đường. Chung Dorje còn bố trí cả một đội quân long trọng tiễn chúng tôi đi La-ta. Bát Tư Ba muốn tới nơi trước dịp Tết của người Hán, vì chàng phải gửi thư chúc Tết Hốt Tất Liệt từ La-ta.

Thế là vào một buổi sáng mùa đông tươi đẹp của ngày Ba mươi Tết (theo lịch Hán), đoàn chúng tôi hùng dũng tiến vào cố đô La-ta một thời vàng son của vương triều Tufan. Nơi đây chính là thánh địa Phật giáo mà ngày nay chúng ta gọi là Lhasa.

Đền Jokhang lộng lẫy, nguy nga được Tán phổ Tùng Tán Cán Bố xây dựng từ thời cũng triều Tufan. Ngôi đền lấp lánh ánh vàng trên nền tuyết trắng xóa hiện ra sống động trước mắt chúng tôi. Vừa tới nơi, Bát Tư Ba chẳng kịp đến chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mười hai tuổi mà Công chúa Văn Thành rước từ Trường An xa xôi đến đây, vội vã ăn bữa trưa qua loa rồi giam mình trong Phật điện Jokhang, đây là nơi ở dành riêng cho Bát Tư Ba, được các nhà sư chuẩn bị hết sức chu đáo.

Hằng năm, theo thông lệ, Bát Tư Ba đều viết thư chúc Tết Hốt Tất Liệt. Với tài văn chương, thơ phú của chàng, một bức thư chúc mừng năm mới có gì khó khăn, nhưng không hiểu sao, lần này rất lạ lùng, chàng chỉ cho phép Senge theo hầu. Bát Tư Ba lưu lại trong Phật điện rất lâu khiến tôi tò mò quá đỗi.

Tôi bèn lẽn vào Phật điện để rồi há hốc miệng, tròn mắt quan sát mọi thứ xung quanh. Phật điện được trang hoàng nguy nga, lộng lẫy không kém gì cung điện của Hốt Tất Liệt ở Trung Đô. Xem ra, các thế lực ở đất Tạng đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc để lấy lòng Bát Tư Ba. Nhưng chàng đâu có để tâm đến sự sang trọng, xa hoa của nơi ăn chốn ở này, chỉ lẳng lặng ngồi xếp bằng, chăm chú viết thư, chốc chốc lại dừng bút ngẫm ngợi, không hề ngẩng lên. Sau khi hạ bút thảo những nét cuối cùng, chàng cẩn trọng xem xét lại một lượt rồi mới bỏ vào phong thư, đóng con dấu của riêng chàng, xong xuôi mới gọi Senge tới:

- Hãy cử người cấp tốc chuyển thư này về Trung Đô. Nhớ kĩ, chỉ Đại hãn mới được phép mở thư!

Senge không khỏi ngạc nhiên:

- Thưa thầy, đây vốn là thư chúc Tết hằng năm thầy vẫn gửi Đại hãn kia mà, vì sao phải gấp gáp như vậy?

Thần sắc nghiêm nghị, Bát Tư Ba đứng lên cử động đôi chân đã tê dại của mình:

- Trong thư này, ngoài lời chúc mừng năm mới, ta còn trình bày những dự định bước đầu về kế hoạch phân chia thường dân và tín đồ ở đất Tạng, ta gọi là kế hoạch phân chia cư dân Mid và Lad. Việc này phải được sự đồng ý của Đại hãn.

Senge càng ngạc nhiên hơn:

- Mid và Lad ư? Thưa thầy, đệ tử chỉ biết Lad là cư dân thuộc quyền cai quản của các tu viện lớn ở đất Tạng. Họ trồng cấy trên đất đai thuộc sở hữu của các tu viện nên chỉ cần nộp thuế cho tu viện. Đây là quan hệ phổ biến ở đất Tạng sau khi vương triều Tufan sụp đổ. Còn Mid thì đệ tử không biết.

Bát Tư Ba gõ nhẹ những ngón tay xuống mặt bàn, vẻ đăm chiêu, tư lự:

- Bốn trăm năm qua, đất Tạng bị chia năm xẻ bảy, các tu viện cắt đất, khoanh vùng cai quản, hầu hết các hộ dân trên đất Tạng đều thuộc quyền cai quản của tu viện. Nhưng nay, đất Tạng đã quy thuộc Mông Cổ, dân cư nơi đây buộc phải gánh trách nhiệm và nghĩa vụ lao dịch với quốc gia. Ta gọi những người dân phải đóng thuế cho nhà nước là Mid.

Senge nhíu mày, phân tích sắc sảo:

- Nhưng các tu viện lớn đã chiếm một số lượng lớn đất đai và dân cư suốt nhiều năm qua, hầu hết tài sản của đất Tạng đều thuộc về tu viện. Nếu buộc các tu viện trao trả các cư dân Lad của họ, để biến những người này thành cư dân Mid của nhà nước, chắc chắn họ sẽ phản đối.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Rinpoche trong tiếng Tạng có nghĩa là “bậc thượng tôn chuyển thế”, được dịch sang tiếng Hán là “Phật sống”.

[2] Vòng Kora quanh Kailash, tổng cộng 52 km, còn gọi là cuộc hành thiền quanh núi thiêng – theo chiều kim đồng hồ đối với tín đồ Phật giáo và ngược chiều kim đồng hồ đối với môn đồ đạo Bon. Với người Tây Tạng, cuộc hành thiền được xem là hành trình đi từ vô minh đến khai sáng, từ kiêu mạn và tham đắm vật chất đến nhận thức thấu đáo về nghiệp duyên cuộc đời. Khách hành hương có dịp đối diện với tâm thức mình, chứng nghiệm những đổi thay trong tâm hồn mình. (DG)

[3] Trong dãy Himalaya, tuy không cao như Everest (8848m) nhưng Kailash (6714m) là ngọn núi linh thiêng nhất trong lòng hàng tỷ tín đồ Phật giáo, Hindu giáo, đạo Jains và đạo Bon. Người Tây Tạng gọi Kailash là Kang Rinpoche – viên ngọc quý trong tuyết. Theo Tạng kinh, đó là một quần thể gồm năm đỉnh núi đại diện cho năm loại trí của Phật mà Kailash – pháp giới trí, là trung tâm. Kailash còn được mệnh danh là “vũ trụ tâm linh”. Kinh Tạng Phật giáo gọi Kailash là núi Tu Di, nơi có hang động của Tổ sư Milarepa, đạo tràng của Tổ sư Liên Hoa Sanh và hang động của Bồ Tát Quan Âm. (DG)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.