Đến Yanqi, Lữ Quang
được quốc vương nước này đón tiếp rất long trọng. Khi đội quân Tây chinh của Lữ
Quang tiến qua Yanqi, Quốc vương Niliu đã dẫn theo các tiểu quốc lân cận
tới xin hàng. Lần này, Lữ Quang quay lại đây, Vua Yanqi đã tiếp đón hết sức chu
đáo, nên Lữ Quang đã dừng lại ở Yanqi khoảng năm ngày, và nhận được rất nhiều
lễ vật từ Vua nước này. Phong tục tập quán của người Yanqi rất giống với người
Khâu Từ, nên trong năm ngày ở đây, chúng tôi như được trở về quê cũ. Cảm giác
thân thuộc này khiến Rajiva vui mừng khôn xiết.
Ra khỏi Yanqi, đoàn
chúng tôi tiếp tục men theo hồ Bosten đi tiếp vài ngày nữa. Đây là hồ nước ngọt
nằm sâu trong lục địa lớn nhất của Trung Quốc. Mặt hồ cuộn sóng mênh mông, nước
xanh như ngọc, lau sậy và cỏ nến mọc um tùm ven hồ. Từng đàn cò, vịt trời là là
bay trên mặt nước, tấp nập, rộn ràng. Thấp thoáng một vài chiếc tuyền đánh cá
của ngư dân Yanqi trên mặt hồ. Hàng ngày, sau khi dựng trại xong, rất nhiều
binh sĩ xuống hồ bắt cá, cải thiện bữa tối của chúng tôi. Tháng năm, đoàn chúng
tôi tiến vào một trong những bồn địa thấp nhất thế giới – bồn địa Turpan.
Turpan là tiếng Uygur và nó chưa xuất hiện ở thời đại này. Vào thời Ngụy Tấn
Nam Bắc triều, bồn địa này thuộc địa phận của tiểu quốc Cheshi. Khí hậu khô
hạn, oi bức, chưa bước vào mùa hạ nhưng Hỏa Châu – Turpan đã nóng lòng thị uy
với chúng tôi. Nhiều ngày trôi qua, cảnh tượng duy nhất hiện ra trước mắt chúng
tôi là một vùng khô cằn sỏi đá, vắng bóng sự sống trải rộng mênh mông. Chốc
chốc lại nổi lên một trận cuồng phong khiến cả đoàn người, ngựa, lạc đà liêu
xiêu, lảo đảo. Mặt đất phủ đầy những hạt muối li ti, lớp vỏ ngoài của chúng như
thể có khả năng hấp thụ ánh sáng, nhấp nháy, lấp lánh liên hồi. Phía chân trời
thấp thoáng hình của hồ nước, rừng cây, hết sức kỳ quái, đó chính là nguyên
nhân tạo ra ảo ảnh trên sa mạc.
Chúng tôi tiến vào
hoàng thành Cheshi. Thành phố này được xây dựng trên một gò đất cao khoảng ba
mươi mét, là nơi giao nhau của các dòng sông tương đối dốc và chỉ có một con
đường nhỏ hẹp duy nhất dẫn đến cổng thành, địa hình rất độc đáo, thú vị. Ở thời
hiện đại, tôi từng tới đây, nhưng chỉ được chứng kiến khung cảnh
thành quách hoang phế. Nơi đây chính là thành cổ Giao Hà nổi tiếng vào thế kỷ
XXI, người ta đánh giá đây là thành cổ được xây dựng hoàn toàn bằng đất lớn
nhất, lâu đời nhất và được bảo tồn tốt nhất.
Sách “Hán thư”, phần
Tây vực truyện chép như sau: “Nước Cheshi có hoàng thành Giao Hà. Tên gọi này
bắt nguồn từ việc hoàng thành được xây dựng trên điểm giao nhau của các con
sông”. Quốc gia Cheshi thống trị khu vực này đã được hơn năm trăm năm. Nhưng
chưa đầy tám mươi năm nữa, khi vị vua Cheshi cuối cùng băng hà, tộc người
Rouran lập Khanbozhou làm vua, Cheshi đổi tên nước thành Gaoxhang (Cao Xương), dời đô đến thành cổ Cao Xương, cách Giao Hà vài chục ki lô mét. Huyền
Trang, trên đường đi Tây Thiên đã ngang qua nơi đây và kết nghĩa anh em với vua
Cao Xương là Juwentai (Cúc Văn Thái), tên hiệu Ngự đệ của Huyền
Trang trong “Tây Du Ký” bắt nguồn từ câu chuyện kết nghĩa này.
Cheshi là một trong số
các tiểu quốc đã từng cử người đến Trường an thỉnh cầu Phù Kiên Tây chinh và
cũng chính tiểu quốc này đã tình nguyệt làm “hoa tiêu” cho quên đội của Lữ
Quang. Bởi vậy, họ đã tiếp đón Lữ Quang hết sức long trọng. Trong ánh hoàng hôn
cuối ngày, chúng tôi tiến vào cổng thành Cao Xương giữa tiếng nhạc rộn vang và
hoa tươi rực rỡ, nghi thức trọng thể ấy khiến tôi không khỏi bất ngờ. Bởi vì,
thành quách hoang phế tiêu điều mà cách đây không lâu tôi được chứng kiến bỗng
chốc biến thành một thành phố phồn hoa đô hội, sống động trước mắt tôi. Làm sao
tôi có thể không xúc động trước nỗi thương hải tang điền diễn ra chỉ trong chớp
mắt.
Thành phố này vẫn tiếp
tục phát triển cho đến cuối thế kỹ XIII, khi Haidu, một quý tộc Mông Cổ làm
phản và tiến hành cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài nhiều năm, sau cùng đã
chiếm được Cao Xương, Giao Hà, đồng thời cưỡng bức người dân khu vực này từ bỏ
tín ngưỡng theo đạo Phật truyền thống, chuyển sang theo đạo Hồi. Khi cuộc chiến
tranh kết thúc, người Cheshi đã dìm chết toàn bộ phụ nữ và trẻ em trong những
giếng nước, để tránh cho họ khỏi bị làm nhục và bị nô dịch. Những giếng
nước này vẫn tồn tại cho tới tận thế kỷ XXI. Và giờ đây, khi bước đi trên đường
phố Giao Hà, tôi lại nhìn thấy chúng một lần nữa. Sau khi công phá thành, người
Mông Cổ đã thực hiện chính sách đốt, cướp, giết tàn bạo mà họ vẫn thường sử
dụng, thành phố hơn một nghìn năm trăm năm lịch sử đã bị họ hủy hoại hoàn toàn.
Nơi tôi đang đứng là ngôi chùa Đại Phật Tự nằm ở trung tâm thành phố, bên cạnh
là hoàng cung đã được xây dựng hoàn toàn bằng đất, và những dãy nhà nghỉ dành
cho quan lại. Đến thế kỷ XXI, tàn tích của vụ hỏa hoạn thảm khốc vẫn còn lưu
lại dấu vết.
Giao Hà là thành phố
lớn cuối cùng trước khi chúng tôi đến Đôn Hoàng (Dunhuang), vì vậy Lữ Quang đã
hạ lệnh nghỉ ngơi dăm bữa nửa tháng. Nhờ thân phận cao quý của Rajiva,
chúng tôi không phải sống trong nhà trọ, mà được đích thân vua Cheshi sắp xếp
chỗ ở trong cung. Tối hôm đó, Nhà vua còn tổ chức một buổi dạ tiệc lớn trong
đại điện, Rajiva và tôi đều được mời tới dự. Trong buổi tiệc, Vua Cheshi ngỏ lời mời Rajiva đến chùa Đại Phật Tự thuyết giảng giáo lý Đại Thừa Bát
Nhã, Lữ Quang dù không muốn, nhưng vẫn phải đồng ý. Câu trả lời của Rajiva là
chàng cần chuẩn bị một ngày, hôm sau sẽ bắt đầu thuyết pháp.
Tôi tròn xoe mắt nhìn
chàng, thuyết pháp là công việc hàng ngày của chàng kia mà, có khi nào chàng
phải chuẩn bị đâu! Chỉ cần nói với chàng, cần tìm kinh văn gì, cần giải thích
giáo lý Phật pháp nào, là chàng thậm chí không cần suy nghĩ, vẫn có thể trả lời
trôi chảy, mạch lạc và hấp dẫn. Bộ não chàng, giống như một tàng kinh các toàn
diện. Tôi cảm thấy hồ nghi khi bắt gặp nụ cười đầy ẩn ý của chàng âm thầm hướng
về phía mình. Kết thúc yến tiệc, trở về phòng, tôi nóng lòng muốn chàng giải
đáp thắc mắc, nhưng chàng chỉ tủm tỉm cười, điệu bộ bí mật.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh
lại đã không thấy chàng đâu. Chàng thường dậy sớm hơn tôi, có lẽ đang tụng kinh
ngoài kia, tôi không lấy làm lạ. Và còn bởi vì, hôm nay tôi có việc quan trọng
phải làm, công việc tôi đã chờ đợi rất lâu từ trước khi đến thành Giao Hà này.
Đối với tôi, được khảo sát thực địa thành cổ Giao Hà vào thời kỳ rực rỡ nhất
của thành phố này là công việc cực kỳ ý nghĩa. Mặc dù tôi không định quay về
thời hiện đại, nhưng niềm đam mê khảo cổ và lịch sử đã ăn vào máu, tôi muốn bỏ
cũng không được. Bởi vậy, sau khi rửa mặt đánh răng xong, tôi hớn hở chuẩn bị
ra phố. Nhưng vừa bước qua cửa cung, tôi bỗng sững người lại.
Một người đàn ông cao
gầy đang xoay lưng về phía tôi, người đó mặc một chiếc áo màu ngà, mái tóc xoăn
màu nâu thả ngang vai, từ người đàn ông đó toát ra khí chất thoát tục của bậc
tiên nhân. Nhận ra động tĩnh phía sau, người đó quay lại, đôi mắt long lanh tựa
dòng sông mùa xuân.
Người đó ngắm nghía là
trang phục của bản thân, đưa khuỷu tay về phía tôi, tươi cười rạng rỡ:
- Hôm nay ta không
phải bậc cao tăng Kumarajiva, mà là một người chồng bình thường, đưa vợ
đi dạo phố.
Tôi đang ngẩn ngơ, đắm
đuối ngắm nhìn bậc tiên nhân trác tuyệt bằng đôi mắt mang hình trái tim, nghe
chàng nói vậy, đâm ra bực bội: - Em đi làm việc chứ không phải đi chơi đâu nhé!
Chàng phì cười, lắc
đầu:
- Được rồi, vậy người
chồng này xin được theo vợ đi làm việc, vợ cứ tùy ý sai khiến.
Chả trách tối hôm qua
chàng tỏ ra bí mật như vậy, thì ra đã có tính toán từ trước! Chàng đã để tâm
đến cả sở thích, đam mê của tôi! Cứ nghĩ đến điều này, tôi lại vui sướng bật
cười khúc khích. Lồng tay vào cánh tay chàng, cùng chàng bước đi. Đột nhiên nhớ
tới một chuyện cũ, tôi hỏi:
- Nói thật cho em
biết, ngày cuối cùng của lễ hội Sumuzhe năm đó, chàng đã đến tìm em phải không?
- Bởi vì hơn mười năm
rồi mà phong cách hóa trang của chàng vẫn không hề thay đổi!
Tôi bật cười sảng
khoái, nhớ về chuyện xưa, không khỏi xúc động, bồi hồi. Tôi ngừng lại, quay
sang nhìn chàng:
- Lần trước không kịp
nói với chàng, nhưng lần này em nhất định phải nói.
Chàng hướng ánh mắt
băn khoăn về phía tôi, bộ dạng sợ hãi ấy khiến tôi không nhịn nổi, ôm bụng cười
khoái trí:
- Em muốn nói rằng,
chàng ăn mặc như vậy trông rất đẹp trai!
Thu lại tiếng cười,
đón lấy ánh mắt ấm áp của chàng, trái tim tôi cất lời:
- Rajiva, chàng
là người đàn ổng điển trai và nam tính nhất mà em từng gặp.
Chàng bất ngờ, nụ cười
bẽn lẽn nở trên môi, nụ cười dung dị ấy khiến cả con người chàng tỏa sáng:
- Ta chưa bao giờ để
tâm đến vẻ ngoài của mình. Vả lại, ta đã ba mươi sáu tuổi rồi, còn điển trai gì
nữa!
Tôi lắc đầu:
- Trước tuổi ba
mươi, tướng mạo của con người là do cha mẹ ban tặng. Nhưng sau ba mươi, là do
tự người đó tạo nên. Thành ngữ có câu: Tướng do tâm sinh. Khí chất, phong độ và
sự từng trải của con người đều là kết quả của sự trải nghiệm tự thân. Diện mạo
của một người có thể phản ánh tâm hồn phóng khoáng, rộng mở của người đó. Một
số nam giới quá ư ỷ lại vào vẻ ngoài trời phú, càng ngày họ càng trở nên tẻ
nhạt. Bụng bia tròn trùng trục nhưng không chịu ăn kiêng, chỉ biết kêu trời oán
đất thiếu công bằng. Những người đàn ông đó, dù có đẹp trai đến mấy, chỉ vài
năm sau bộ mặt đáng ghét của họ sẽ lộ tẩy. Nhưng có những người đàn ông giống
như hơi men, càng ủ lâu càng thơm. Năm tháng phủ lên họ lớp hương thời gian
nồng đượm, những nếp nhăn trên trán toát lên khí chất và sức hấp dẫn, vì nó đại
diện cho sự lĩnh hội và trí tuệ trau dồi từ đời sống.
Lẳng lặng ngắm nhìn
khuôn mặt từng trải quyến rũ của chàng, tôi nhận xét:
- Rajiva, chàng giống
như một vò rượu quý, dù chàng 50 tuổi, 60 tuổi hoặc già hơn nữa, em vẫn luôn
yêu dung mạo của chàng như thuở ban đầu.
Tôi cúi xuống, quan
sát bản thân, hít một hơi thật sâu, tự động viên:
- Còn em, em cũng sẽ
cố gắng rèn luyện bản thân, tu tâm dưỡng tính, để ngày càng trở nên hấp dẫn, có
như vậy mới xứng đáng đi bên cạnh chàng.
- Nàng lúc nào cũng biết
cách làm ta vui lòng.
Đôi mắt chàng long
lanh tươi sáng niềm hân hoan rạng rỡ, chàng cốc nhẹ vào trán tôi:
- Đói bụng chưa? Ta nghe nói mì vằn thắn của Giao Hà rất ngon…
Chàng đưa tôi đi dạo
phố, vì mặt thường phục nên tôi chẳng ngại ngùng nắm tay chàng
trước bàn dân thiên hạ. Lúc đầu, chàng có vẻ không được tự nhiên cho lắm, nhưng
tôi kiên trì nắm tay chàng vài lần, dần dà, chàng đành chiều theo ý tôi. Chúng
tôi thưởng thức món bánh bao nướng, vốn là đặc sản của vùng này. Không phải
loại bánh bao thông thường, mà nhân thịt dê được bọc bằng một lớp bột mì
mỏng, sau đó đặt vào trong lò nướng bánh. Khi vỏ bánh vàng rượm mới nhấc ra, ăn
ngay lúc nóng, vỏ giòn, thịt mềm, thơm mà không ngấy. Tôi vừa nhảy tưng tưng vì
nóng vừa cắn, nhai, nuốt liên hồi, chàng đứng bên lắc đầu, thở dài.
Thịt xiên nướng cũng
là món ăn vặt không thể thiếu. Nhớ lại ngày trước, trong lễ hội Sumuzhe tôi
từng mường tượng ra cảnh hai chúng tôi ngồi xổm bên vệ đường ăn thịt nướng, tôi mỉm cười nham hiểm quay ra nhìn chàng. Nhận ra điềm họa, chàng lùi
lại, kéo tôi đi ăn mì vằn thắn, nhưng đã bị tôi giữ lại. Ha ha, cừu vào hang
cọp, muốn chạy thoát ư, đừng hòng!
Kết quả sau cùng là,
một bậc danh sư cao ngạo thoát tục, đỏ mặt ngồi cạnh tôi nơi góc phố, cắn thịt
dê nướng. Cũng may chàng chưa từng đến Giao Hà, lại mặc thường phục, nên không
bị ai nhận ra. Nếu không, chẳng đời nào chàng chịu để tôi hủy hoại hình ảnh của
mình như thế!
Đi đến một quán ăn
nhỏ, tôi ngồi xuống, gọi hai bát mì. Chàng chần chừ khi nhìn thấy những vết dầu
mỡ bám trên bàn ghế. Tôi biết từ nhỏ chàng đã quen với cuộc sống có kẻ hầu
người hạ, nên rất sạch sẽ, tôi mỉm cười nói với chàng: muốn ăn món mì chính
cống thì phải tìm đến những quán hàng nhỏ như thế này. Tôi đã quen với việc lê
la thưởng thức đồ ăn vặt trong các chuyến du lịch. Món mì của quán này
quả thật rất ngon, mềm, dai, vừa miệng. Sau khi quan sát điệu bộ hoan hỉ của
tôi, cuối cùng chàng cũng chịu động đũa và sau một hồi tận hưởng, chàng cũng
phải gật đầu đồng tình với quan điểm của tôi.
Hôm đó, chúng tôi đã lang thang mọi ngóc ngách trong thành Giao Hà, đến tận khi sẩm tối
mới ra về. Tôi đã quên sạch mục đích ban đầu là ra ngoài làm việc. Vì ăn nhiều
quá, tôi ôm bụng suốt trên đường về. Trước đây, tôi cứ cho rằng, đi chơi phố
phải đi cùng những người hài hước, ưa huyên náo như Pusyseda mới vui, nhưng hôm
nay, quan điểm đó đã đổ vỡ triệt để. Bởi vì trước đây, tôi chưa từng được cùng
người mình yêu đi dạo phố. Cho dù chàng không biết nói đùa, không hài hước, cho
dù trước lúc nắm tay tôi chàng phải đưa mắt quan sát xung quanh xem có ai nhìn
thấy không, cho dù chàng thích quản thúc tôi, không cho tôi ăn quá nhiều và chạy
đi lung tung, nhưng cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi được đi bên chàng, Pusyseda không thể mang lại cho tôi.
Buổi tối, lúc đi ngủ,
chàng vẫn ngả tay cho tôi gối đầu như thường lệ, rồi khẽ thủ thỉ bên tai tôi:
- Nếu nàng muốn, sau
này ta sẽ thường xuyên đưa nàng đi chơi. - Chàng là nhà sư, không thể làm vậy.
Tôi vùi đầu vào ngực
chàng, áp má lên má chàng:
- Em không mong cầu gì
nhiều, chỉ cần mỗi năm, chàng chịu đưa em đi chơi một ngày, cùng em tận hưởng
cuộc sống của người thường như hôm là em mãn nguyện lắm rồi!
Một nụ hôn êm ái đặt
lên môi tôi, giọng nói ấm áp thoảng bên tai tôi:
- Ừ.
Những ngày sau đó,
Rajiva ở miết trong chùa giảng kinh cho đến một ngày trước khi chúng tôi lên
đường. Còn tôi, giống như ở các điểm dừng chân khác, ra ngoài khảo sát, ghi
chép. Chỉ có điều, mỗi khi đi qua cửa hàng bán bánh bao nướng, góc phố nơi
chúng tôi từng đứng ăn thịt, và quầy hàng mì vằn thắn đó, tôi lại tủm tỉm cười.
Lúc rời khỏi Giao Hà, tôi cứ ngoái đầu nhìn lại thành phố trên gò đất bên sống
ấy đang dần khuất xa khỏi tầm nhìn. Thành phố này khiến tôi lưu luyến hơn bất
cứ nơi nào tôi từng ở lại, bởi vì kỉ niệm đẹp của buổi rong chơi ấy.
Dọc đường từ Giao Hà
đến Shanshan (Thiện Thiện), trên những cánh đồng mênh mông, bà con dựng lên rất
nhiều giàn nho, có lúc chúng tôi đã đi dưới những giàn nho ấy. Nhà nào nhà nấy
đều bắc những giàn phơi nho. Đi được nửa đường thì Hỏa Diệm Sơn xuất hiện trước
mắt chúng tôi. Nền trời xanh ngăn ngắt, mây trắng bồng bềnh trôi, dưới đất lại
là một màu đỏ quạch chì chiết. Mặc cho bạn có nhắm mắt lại để tránh nó, sắc đỏ
gai góc ấy vẫn xuyên qua màng mắt bạn. Mồ hôi đầm đìa, chúng tôi ra khỏi bồn
địa Turpan và đến Shanshan.
Shanshan là một quốc
gia nhỏ, không thể sánh với Giao Hà. Chúng tôi chỉ dừng chân tại đây ba ngày
rồi tiếp tục lên đường, để đến tiểu quốc cuối cùng của Tây vực – Yiwu. Tên của
quốc gia này rất nổi tiếng vào thời hiện đại, bởi vì nhờ có giống dưa vàng
tuyệt hảo, cả thế giới đều biết đến vùng đất này với cái tên: Hami. Nhưng vào
thời điểm tôi có mặt ở đây, Yiwu không hề có chút tiếng tăm nào, chỉ là một
quốc gia nhỏ bé, nhưng lại ở vào vị trí hiểm yếu trên con đường tơ lụa.
Sở dĩ tiểu quốc này có
thể tồn tại độc lập giữa sự kìm kẹp của các nước lớn đều nhờ ở sự may mắn và
chính sách ngoại giao mềm mỏng. Bởi vậy, tuy Yiwu không tham dự vào cuộc Tây
chinh của Lữ Quang, nhưng vẫn đón tiếp đoàn chúng tôi rất chu đáo, nồng hậu. Chúng
tôi nghỉ ngơi ở Yiwu nhiều ngày hơn ở Shanshan, vì đoàn quân cần chuẩn bị đầy
đủ lượng nước và lương thực cần thiết để đối mặt với cơn ác mộng mang tên tám
trăm dặm sa mạc Hạ Diên Tích[1]. Vào thời nhà Đường, Sa mạc Hạ Diên Tích
gọi là Sa Hà, vốn là một vùng đất mênh mông, hoang vu, không có bóng dáng của
sự sống. Muốn vượt qua sa mạc này, người xưa chỉ có thể men theo những bộ hài
cốt của người đi trước và xương hóa thạch của động vật. Trên đường có thể
thường xuyên bắt gặp những bộ xương khô của cổ nhân. Nghe nói, có người cứ đi
mãi, đi mãi, rồi ngã xuống và bỏ mạng. Qua nhiều năm tháng, thi thể người
chết bị phong hóa, biến thành xác khô và vẫn giữ nguyên hình hài lúc chết.
[1]Còn gọi là Sa Hà: tức dòng sông cát, hay sa mạc Gobi
Trên đường Tây chinh
qua đây, trải qua hơn ba trăm dặm không một giọt nước, tướng sĩ của Lữ Quang ai
nấy đều mặt mày biến sắc. Nhưng Lữ Quang đã rất may mắn vì đoàn quân của ông ta
đã gặp được trận mưa hàng trăm năm mới có một lần trên sa mạc này. Tuy nhiên,
Lữ Quang hiểu rằng, ông ta không thể lần nào cũng may mắn như thế, nên đã đã
đích thân kiểm tra công tác chuẩn bị nước uống và lương thực, hẳn là trải
nghiệm của lần vượt sa mạc thập tử nhất sinh trước đó đã khiến ông ta lo sợ và
cảnh giác.
Cuối tháng sáu, chúng
tôi bắt đầu tiến vào sa mạc tử thần Hạ Diên Tích dài tám trăm dặm. Từ Yiwu đến
Ngọc Môn Quan, sẽ không có bất cứ điểm tiếp tế nào. Sư phụ Huyền Trang đã vô
cùng vất vả khi phải vượt qua sa mạc này chỉ với một mình một ngựa. Ngài lại lỡ
tay làm đổ túi nước, nên suốt bốn ngày năm đêm ngài phải chịu khát, chút nữa đã
bỏ mạng. Chúng tôi may mắn hơn ngày rất nhiều, vì chúng tôi có người dẫn đường, lại được tiếp tế lương thực. Nhưng tiến vào sa mạc Hạ Diên Tích trong
thời tiết oi bức, nắng như đổ lửa thế này vẫn hết sức gian khổ. Nhiệt độ buổi
trưa có thể lên đến hơn 45oC, vô cùng khô hạn, mỗi người chỉ được chia một
lượng nước rất hạn chế, không ai dám uống nhiều, vậy nên miệng môi ai nấy đều
nhanh chóng bị nứt nẻ..
Trong “Đại Đường Tây
vực ký”, sư phụ Huyền Trang mô tả như sau: “Ban đêm, yêu ma đốt lửa, những đốm
sáng lập lòe ma mị, ban ngày gió cát mịt mù, vần vũ như mưa bão”. Những miêu tả
sống động ấy, nếu không đích thân đặt chân vào sa mạc này, sẽ chẳng thể có được
sự trải nghiệm khắc cốt ghi tâm. Ban ngày, không một gợn gió, nhưng có thể ngay
lập tức tối tăm mặt mày vì gió cát, bụi đá, với những thanh âm rú rít ghê rợn
như tiếng ma quỷ. Bụi cát bị gió lốc cuốn tung, bay mù mịt khắp trời hệt như
mưa rào, dù quấn khăn bịt mặt rất dày, vẫn có thể bị cát xâm nhập vào tận cuống
họng.
Ban đêm, bầu trời ngàn
sao lấp lánh, mặt đất chập chờn những bóng ma trơi. Đây là lần đầu tiên tôi
trông thấy “ma trơi”, hình ảnh đó phát ra từ hài cốt của con người và động vật
đã chết trong điều kiện tự nhiên khắc nhiệt này từ hàng ngàn năm qua. Ở thế kỷ
XXI, sa mạc Hạ Diên Tích không còn đáng sợ như vậy nữa, đường sắt xuyên qua sa
mạc, trước mặt hành khách sẽ chỉ là một khoảng không hoang vu, tẻ nhạt mà thôi.
Ai có thể ngờ rằng, một nghìn năm trước, nơi đây từng được xem là vùng đất chết
kia chứ!
Sau nửa tháng trời,
khi phong hỏa đài của Ngọc Môn Quan hiện ra trước mắt, ai nấy đều reo hò mừng
rỡ, cuối cùng chúng tôi đã vượt qua tám trăm dặm sa mạc Hạ Diên Tích. Nhưng tôi
biết, con đường phía trước không hề thuận lợi như mọi người nghĩ. Một thứ khác
đáng sợ hơn cả vùng đất chết đang chờ đợi chúng tôi.