Tôi nhờ người làm công của tiệm bánh bao khiêng một sọt bánh đến nơi
tập trung đông dân chạy nạn nhất ở ngoại thành Guzang. Đó là một ngọn
đồi khuất gió với hơn chục hang động, bên trong tập trung hàng nghìn
người từ khắp các vùng ở Lương Châu lưu lạc đến Guzang.
Tôi cất cao giọng, hô hoán:
- Xin mời bà con đến nhận bánh bao! Pháp sư Kumarajiva giàu lòng nhân ái, thương bà con phải chịu cảnh đói khổ, đã cử người đến
viện trợ.
Tôi cố ý gọi tên Rajiva, mong có thể gây dựng hình ảnh tốt đẹp của chàng trong lòng dân chúng.
Những hình hài gầy guộc, những thân xác héo hon, áo quần rách rưới
ùn ùn kéo ra cửa hang động, vẻ mặt còn đang băn khoăn không hiểu chuyện
gì đang xảy ra, nhưng ánh mắt nhìn chằm chằm vào sọt bánh bao, miệng
nuốt nước bọt.
Tôi cầm chiếc bánh, đưa cho cậu bé đứng gần nhất, em đón lấy, nhai nuốt ngấu nghiến, chớp mắt, chiếc bánh đã nằm gọn trong bụng.
Đám đông xôn xao, ánh mắt sáng rực đổ dồn về phía tôi, không phải,
đúng hơn là đổ dồn vào chiếc sọt bánh bao bên cạnh tôi. Tôi hô hào yêu
cầu mọi người xếp hàng, nhưng vô ích. Rồi tôi nhận ra, mình đang bị chen lấn và bị đẩy ra ngoài, tôi cố gào thét khản cả cổ cũng không thể duy
trì được trật tự. Sọt bánh bị lật đổ, những chiếc bánh lăn lông lốc trên mặt đất, tiếng phụ nữ và trẻ em gào khóc vì bị chen lấn xô đẩy, còn có
cả những cuộc xô xát, ẩu đả vì tranh nhau bánh. Cảnh tượng nhốn nháo,
hỗn loạn ấy khiến tôi sợ hãi. Lần đầu làm công việc cứu đói này, nên tôi chưa có kinh nghiệm cũng phải thôi. Sớm biết sẽ xảy ra tình trạng này,
tôi đã thuê thêm vài người giúp việc rồi.
Tôi tìm được một gian miếu hoang, thực ra nên gọi là đạo quán[1] mới đúng, bởi vì tôi nhìn thấy tượng Thái Thượng Lão Quân phủ một lớp bụi dày trên bàn thờ, tuy nhiên các ban bên cạnh lại là tượng Phật
tổ, nhưng tất cả đều đã hoang tàn vỡ nát. Tôi vừa xem xét gian miếu
hoang, vừa suy nghĩ xem có nên đặt “bộ chỉ huy” cứu trợ ở đây không.
Bỗng tôi nghe thấy tiếng khóc thút thít của trẻ em vẳng ra từ phía sau
bàn thờ.
[1] Điện thờ của đạo sỹ.
Bước ra sau lưng tượng Thái Thượng Lão Quân, tôi nhìn thấy một bé
trai chừng ba, bốn tuổi, quần áo tả tơi, đang ôm gối khóc lóc. Dáng vóc
gầy guộc đáng thương ấy cho thấy đứa trẻ này thiếu dinh dưỡng nghiêm
trọng. Thấy có tiếng động, đứa bé giật mình ngẩng lên, tuy mặt mũi lấm
lem nhưng vẫn hiện rõ đôi mắt to, sáng long lanh. Tôi mủi lòng, lôi
chiếc bánh nướng dành cho bữa trưa cất trong túi ra, chia cho chú nhóc
một nửa. Chú nhóc có vẻ do dự, mặc dù miệng nuốt nước bọt ừng ực, nhưng
chỉ trong giây lát, đã vội vã đón lấy, vừa định cắn một miếng, lại chần
chừ, sau đó thận trọng giấu miếng bánh vào lòng. - Sao cháu không ăn?
Chú nhóc nhìn tôi, vừa nuốt nước bọt vừa ra sức kìm chế nỗi thèm thuồng:
- Cháu muốn mang về cho tổ mẫu, mẫu thân và chị Tĩnh.
Đứa bé này ngoan quá, em mới vài tuổi đầu. Nhưng tôi hơi băn khoăn,
vì sao em không gọi là bà nội và mẹ mà lại gọi một cách trịnh trọng là
“tổ mẫu” và “mẫu thân”. Em có phải trẻ lang thang cơ nhỡ không? Đưa nốt
cho chú bé miếng bánh còn lại, tôi nói:
- Để dành miếng kia cho họ, cháu ăn miếng này đi.
Hai mắt chú bé rực sáng, nhìn chăm chăm vào miếng bánh, em nuốt nước
bọt ừng ực khiến tôi buồn cười, nhưng em lại ngẩng đầu lên hỏi:
- Cô chỉ còn một miếng này thôi, cô không ăn sao?
Tôi sững người! Đứa bé này đáng yêu quá!
- Cô không đói, cháu ăn đi.
Lúc ấy, chú nhóc mới đón lấy miếng bánh, nhai nuốt ngấu nghiến, kết quả bị nghẹn và ho sặc sụa. Tôi vội vỗ lưng cho em, em gầy quá. Tôi đưa túi nước cho em uống, em vừa uống nước vừa chén sạch miếng bánh chỉ trong chốc lát. Sau khi đã lấy lại sức, chú nhóc đột ngột quỳ
sụp xuống trước mặt tôi, khiến tôi được phen hốt hoảng.
- Mẫu thân cháu dạy rằng, uống nước nhớ...
Đôi mắt to đưa đi đưa lại, có vẻ như đang tìm kiếm trong kho từ vựng, rồi em tươi cười:
- Đúng rồi, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Mộ... Mục
Siêu lạy tạ đại ân đại đức của cô cô. Ngày sau, cô cô cần sai bảo cháu
lảm bất cứ việc gì, cháu cũng xin xả thân báo đáp.
Nhìn điệu bộ nghiêm túc và lắng nghe ngôn ngữ văn hoa của chú nhóc,
có thể khẳng định mẹ chú là một người rất có cốt cách. Tôi thầm nghĩ,
phải chăng là công tử con nhà không may gặp nạn. Có điều chú nhóc gọi
tôi là cô cô làm tôi buồn cười, vì nó khiến tôi liên tưởng tới Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Tôi đỡ chú bé dậy, chưa kịp nói gì thì bên ngoài chợt
có tiếng bước chân đang đến gần. Chú nhóc tỏ ra bối rối, chui tọt xuống
dưới bàn thờ. Tôi không hiểu đầu cua tai nheo ra sau, nhưng cũng chui
vào theo.
- Ai thế?
- Suỵt!
Chú bé ghé sát vào tai tôi, thì thào:
- Là mẫu thân của cháu và chú Hô Diên Bình.
Tôi thở phào tưởng là ai chứ! Định bước ra thì bàn tay nhỏ nhắn giữ
tôi lại. Tôi thấy vẻ khẩn cầu trong đôi mắt mở to của chú bé. Thế là
lòng hiếu kỳ lại chiến thắng, tôi ngoan ngoãn ngồi yên dưới bàn thờ đầy
bụi bẩn cùng chú nhóc.
- Siêu ơi, con có trong đó không? Mau ra đây đi!
Đó là giọng nói êm ái, dịu dàng của một người phụ nữ, có lẽ là mẹ chú nhóc.
- Chủ mẫu!
Giọng nói thâm trầm của một người đàn ông.
- Cháu Siêu còn bé, không nên hà khắc quá. Huống hồ, chỉ là một chiếc bánh bao.
- Anh Hô Diên!
Giọng nói của người phụ nữ đột ngột lên cao:
- Không phải vì chuyện một chiếc bánh bao, mà là hành vi ăn trộm của
nó khiến tôi đau lòng. Lúc nhỏ chỉ ăn trộm bánh bao, nhưng nếu không có
người quản thúc, dạy bảo, lớn lên sẽ thành tên trộm lành nghề. Nhà Mộ
Dung sinh ra một đứa con hư đốn như vậy, tôi biết ăn nói ra sao với
người cha đã khuất của nó, với tổ tiên đây?
Mộ Dung ư? Cái tên khiến tôi giật mình. Họ có quan hệ gì với nhà Mộ
Dung, người Tiên Tì đã liên tiếp lập nên bốn nước Yên thời Thập lục
quốc?
- Vậy còn việc ngày hôm nay chủ mẫu đến Vạn hoa lầu thì sao, chị làm vậy cũng là có lỗi với tổ tiên nhà Mộ Dung!
Người đàn ông dường như rất giận, nắm lấy cánh tay người phụ nữ, khiến cô giật mình.
- Anh...
Người phụ nữ nghẹn ngào, vẻ yếu đuối tội nghiệp của cô khiến người ta phải mềm lòng.
- Sính Đình không xứng được ghi tên trong gia phả nhà Mộ Dung, nhưng
mong là sau khi bán thân, sẽ có đủ tiền nuôi dưỡng con trai, để ngày sau nó được gặp lại chú và bác nó. Rồi Sính Đình sẽ lấy cái chết để tạ tội!
- Chủ mẫu...
Người đàn ông nghẹn ngài, tiếng gọi ấy chứa chan bao ân tình.
- Ngày mai tôi sẽ đi xin đi lính, chắc chắn sẽ đổi được ít lương thực...
- Không được!
Người phụ nữ hốt hoảng, giọng nói chứa đầy nỗi chua xót:
- Vì chúng tôi mà cả nhà anh bị chém đầu, gia đình anh tan nát, anh
chỉ còn cô con gái duy nhất là cháu Tĩnh. Bây giờ, anh lại muốn bỏ mấy
người mẹ goá con côi chúng tôi ở lại ư? Đi lính đồng nghĩa với việc chín phần chết một phần sống, nếu anh có mệnh hệ gì, chúng tôi biết phải trả nợ gia đình anh ra sao? - Chủ mẫu...
Người đàn ông cố kìm nén tiếng nức nở, nhưng không ngăn được những giọt nước mắt.
- Vậy chị hãy hứa với tôi, không được nhắc đến việc bán thân nữa. Chị là tiểu thư con nhà trâm anh thiết phiệt, phải biết trân trọng bản thân chứ! Dù cuộc sống gian lao đến đâu, còn có tôi chống đỡ kia mà...
Họ đang khóc, tôi không dám thở mạnh vì sợ họ phát hiện thấy có người nghe trộm sẽ khó xử. Sau khi họ đi khuất, tôi mới kéo chú nhóc từ gầm
bàn thờ ra. Chúng tôi đến bên con suối nhỏ bên ngoài miếu hoang, tôi vò
sạch khăn, lau mặt cho đứa bé, vì mặt mũi nó lấm lem nhìn không ra sao.
Sau khi lau rửa sạch sẽ, một gương mặt xinh xắn, đáng yêu hiện ra trước
mắt tôi. Tôi thầm xuýt xoa trước làn da trắng mịn, chiếc cằm nhọn duyên
dáng, đôi mắt hai mí thanh tú đen lay láy ấy. Quả nhiên là con cái của
gia đình Mộ Dung vốn nổi tiếng là dòng tộc sinh ra toàn mỹ nam mỹ nữ.
- Siêu ơi, mẫu thân cháu nói đúng đó. Dù chỉăn trộm một chiếc bánh
bao thì vẫn là ăn trộm. Người ta ai nấy đều khinh ghét những kẻ ngồi
chơi ăn sẵn. Sau này, nhớ không được làm những việc khiến mẫu thân cháu
buồn lòng nữa!
- Mộ Dung Siêu, đi nào, đưa cô đến gặp mẫu thân cháu và chú Hô Diên. - Cô... Sao cô biết cháu tên là Mộ Dung Siêu?
Chú bé kinh ngạc, lùi lại phía sau, vẻ mặt cảnh giác nhìn ra bốn phía.
- Nhóc con! Khi nãy mẹ cháu nhắc đến nhà Mộ Dung, lại gọi cháu là Siêu, vậy thì tên cháu chắc chắn phải là Mộ Dung Siêu.
Tôi phì cười, trong lòng thầm nghĩ, ta không những biết cháu tên là
Mộ Dung Siêu, ta còn biết ông nội Mộ Dung Hoàng của cháu là vị vua đầu
tiên của nước Tiền Yên, người bác Mộ Dung Thùy của cháu thừa lúc nhà
Tiền Tần chia năm sẻ bảy đã khôi phục nước Yên, sử gọi là nhà Hậu Yên.
Cháu còn có một người anh họ từng làm mưa làm gió chốn hậu cung của Phù
Kiên, là Mộ Dung Xung. Người chú Mộ Dung Đức của cháu đã xưng vương sau
khi nhà Hậu Yên của Mộ Dung Thùy bị tiêu diệt, sử gọi là nhà Nam Yên.
Chỉ có người cha Mộ Dung Nạp của cháu không có tiếng tăm gì, vì đã bị
Thái thú Trương Dịch nhà Tiền Tần giết chết.
- Vậy cô ơi, cô có thể hứa là chỉ mình cô biết họ tên thật của cháu
được không? Và nếu có mặt người khác, cô hãy gọi cháu là Mục Siêu được
không?
Chú nhóc ngẫm ngợi một hồi, quay ra mặc cả với tôi. Điệu bộ ông cụ
non ấy khiến tôi bất ngờ. Mới ba tuổi mà Mộ Dung Siêu đã già dặn và thận trọng nhường vậy! Người ta nói: trẻ sao già vậy. Liên tưởng tới ngày
sau, vì muốn che mắt Diêu Hưng ở Tràng An, cậu ta đã giả điên suốt ba
năm trời, mới thấy sức chịu đựng và nhẫn nhục ở con người này lớn đến
mức nào. Những đứa trẻ ba tuổi trong thời hiện đại mới khác làm sao,
chúng là cục cưng của ông bà cha mẹ, lúc nào cũng được nâng niu chiều
chuộng hết mức. Mộ Dung Siêu thì khác, từ khi ra đời, cậu ta đã phải nếm đủ mùi đói khát. Những năm tháng vì thiên tai địch hoạ mà phải lang bạt kỳ hồ sẽ khiến người ta trưởng thành sớm hơn trong bất cứ bối cảnh
nào.
Vị vua sau cùng của nhà Mộ Dung dắt tay tôi, dẫn vào một hang động
tối tăm, bên trong có rất nhiều người đang nằm co ro. Mộ Dung Siêu đưa
tôi đến trước mặt một người phụ nữ đã nhiều tuổi, một bé gái đang cho
người phụ nữ ấy uống nước. Mộ Dung Siêu lấy chiếc bánh giấu trong người
ra, chia cho bà một miếng, chia cho cô bé khoảng tám, chín tuổi kia một
miếng. Họ nhai nuốt ngấu nghiến. Ai có thể ngờ rằng người phụ nữ khốn
khổ, trông không khác gì một người ăn xin, sống trong hang động tồi tàn
này lại là một Vương phi. Bé gái này hẳn là Hô Diên Tĩnh, con gái của Hô Diên Bình, người mà sau này sẽ trở thành vợ của Mộ Dung Siêu.
Sau khi tiêu diệt Tiền Yên, Phù Kiên vẫn rất hậu đãi nhà Mộ Dung. Mộ Dung Đức được Phù Kiên phong làm Thái thú Trương Dịch, đã đưa mẹ là
Công Tôn Thị và người anh trai Mộ Dung Nạp tới Trương Dịch. Trước ngày
diễn ra trận Phi Thủy, Mộ Dung Đức lên đường ra trận, trước khi đi có để lại một con dao nạm vàng. Con dao vàng này đã trở thành tín vật để sau
này hai chú cháu Mộ Dung Siêu nhận nhau. Và cũng chính nó đã tạo nên
cuộc đời đầy bi kịch, sóng gió, thăng trầm của vị vua cuối cùng của nước Yên, hệt như cuộc đời bi thương của “người con côi họ Triệu”[2]. [2]
Tên một vở kịch lịch sử.
Sau khi nghe Mộ Dung Siêu thuật lại, Công Tôn Thị gượng dậy nói lời
cảm ơn, tôi vội đáp lễ. Thời trẻ hẳn là bà rất xinh đẹp. Tuy nay sa cơ
thất thế, tóc bạc trắng đầu, mặt mày lấm lem, nhưng ở bà vẫn toát lên
khí chất của một quý tộc. Người phụ nữ này đã phải sống những năm tháng
cuối đời khổ cực, con trai cả bị chém đầu, con trai út Mộ Dung Đức kể từ khi ly biệt cho đến lúc qua đời, bà không được gặp mặt. Công Tôn Thị
qua đời khi Mộ Dung Siêu tròn mười tuổi, bà đã trao lại con dao vàng cho Mộ Dung Siêu, đồng thời khoác lên vai đứa cháu khát vọng phục quốc cháy bỏng của dòng họ.
Tôi ở lại trong hang đá chờ một lúc thì mẹ của Mộ Dung Siêu và người
ân nhân Hô Diên Bình trở về. Vừa gặp mặt, tôi đã muốn thốt lên: cô ấy
đẹp quá! Cho dù quần áo rách rưới, cho dù sắc mặt vàng vọt, cũng không
làm lu mờ dung nhan kiều diễm của cô ấy. Có được một người mẹ
xinh đẹp nhường vậy, lại được di truyền bởi dòng dõi Mộ Dung, chả trách, sách “Tấn thư” đã miêu tả Mộ Dung Siêu: “Thân cao tám thước, đai buộc
chín vòng, tóc dài thanh tú, dung mạo ưa nhìn?” Còn người ân nhân đã cứu cả gia đình họ, Hô Diên Bình, năm nay chừng ba mươi bảy, ba mười tám
tuổi, cao lớn tráng kiện, tuy dung mạo không có gì nổi bật, nhưng gương
mặt trung hậu, đứng đắn.
Mộ Dung Thùy khởi binh phản Tần, cả nhà Mộ Dung đều bị tội chém đầu.
Thái thú Trương Dịch thời Tiền Tần đã bắt tất cả người thân của Mộ Dung
Đức lôi ra xử trảm, trong số đó chỉ có hai người thoát nạn. Đó là Công
Tôn Thị, vì tuổi đã cao, nên được miễn tội. Người kia là Đoàn Thị, vợ Mộ Dung Nạp, bây giờ tôi đã biết cô ấy tên là Đoàn Sính Đình. Khi ấy Đoàn
Thị đang mang bầu nên không bị xử ngay, mà bị giam vào nhà lao của quận. Quan cai ngục Hô Diên Bình từng là cấp dưới của Mộ Dung Đức. Sử sách
ghi chép rằng, Hô Diên Bình từng phạm tội chết, nhưng đã được Mộ Dung
Đức xá miễn. Để báo đáp ơn đức đó, Hô Diên Bình đã hy sinh cả gia đình,
cứu mạng Đoàn Thị. Hô Diên Bình đưa Công Tôn Thị, Đoàn Thị và con gái út bỏ trốn đến bộ lạc của người Khương May thay khi ấy nhà Tiền Tần đang
trong cơn đại loạn, không ai quan tâm việc truy bắt họ, nên Đoàn Thị đã
sinh hạ Mộ Dung Siêu thuận lợi ở bộ lạc của người Khương.
Nhưng theo như những gì tôi nghe được từ cuộc đối thoại trong miếu
hoang, tôi cảm thấy Hô Diên Bình liều mạng cứu giúp Đoàn Thị không phải
chỉ vì muốn trả ơn. Lý do quan trọng hơn, có lẽ là vì anh ta đã đem lòng yêu người phụ nữ dịu hiền lại rất có cốt cách – Đoàn Sính Đình ấy. Tôi
không biết họ có nên vợ nên chồng hay không, nhưng có thể thấy rõ lòng
biết ơn của Đoàn Sính Đình dành cho Hô Diên Bình qua việc Đoàn Thị đã
tác hợp cho Mộ Dung Siêu và Hô Diên Tĩnh về sau này.
Tôi cùng Hô Diên Bình và Đoàn Sính Đình đứng bên ngoài hang động trò chuyện. Tôi đã nói rõ với họ ý định của mình khi đến đây:
- Tôi là vợ của pháp sư Kumarajiva, người Khâu Từ. Pháp sư giàu lòng
từ bi, muốn cứu giúp nạn dân[3]. Nhưng số lượng nạn dân quá đông, để
tránh rối loạn, chúng tôi cần người giúp sức. Không biết anh đây có thể
tìm giúp hơn chục thanh niên vạm vỡ khoẻ mạnh và chị đây có thể giúp tôi chia lương thực hay không? Tôi không thể trả công nhưng có thể đảm bảo
cho cả nhà các vị được no bữa.
[3] Chúng tôi dùng tên gọi này để chỉ tất cả những người dân vương triều tại địch hoạ, phải bỏ xứ lưu lạc đến nơi khác.
Họ nhìn nhau ngạc nhiên, rồi nhìn tôi đầy vẻ cảm kích. Hô Diên Bình chắp tay, quỳ một bên gối xuống:
- Tấm lòng của pháp sư và phu nhân thật rộng rãi, Hô... Nghiêm Bình
vô cùng cảm kích. Tôi xin tận tâm tận lực, xin pháp sư và phu nhân cứ
giao việc cho tôi.
Vừa suy nghĩ về việc bố trí công việc cứu trợ của ngày mai, tôi vừa
sải bước thật nhanh về phía hoàng cung. Giờ này, chắc Rajiva đã được
nghỉ, tôi phải trở về trước chàng. Tôi đã bàn bạc xong xuôi
với Hô Diên Bình, anh ta sẽ đi tìm người giúp sức, sáng sớm mai tất cả
sẽ tập trung tại ngôi miếu hoang, sau đó chúng tôi sẽ đến tiệm bánh bao
lấy bánh. Tôi đi đặt hàng bánh bao tại tất cả các tiệm bánh trong thành
căn cứ vào số lượng nạn dân thống kê được, nên chỉ trong chớp mắt, khoản tiền tôi mang theo bên mình đã hết nhẵn. Mất mùa nên giá lương thực đội lên rất cao, có lẽ phải gấp đôi ngày thường. Và tôi biết, giá lương
thực hiện thời vẫn chưa phải mức giá đỉnh điểm mà sử sách chép lại. Lịch sử không ghi chép về việc Lữ Quang có mở kho lương phát chẩn hay không, với tài sản và năng lực hữu hạn của chúng tôi, sẽ không thể giải quyết vấn đề. Đang mải suy nghĩ, không để ý phía trước, tại góc đường rẽ vào
cửa cung, tôi đâm sầm vào một người. Người đó mặc giáp sắt, nên đầu
tôi bị một trận va đập đau điếng. Tôi đưa tay xoa đầu, miệng suýt xoa
đau đớn, khi ngẩng đầu lên nhìn thì cả tôi và người ấy đều sững lại.
Khuôn mặt vuông vức, cục mịch ấy, đôi mắt chim ưng khó đoán ấy, không của ai khác, chính là Thư Cừ Mông Tốn, anh ta dẫn theo một toán lính,
chuẩn bị xuất cung. Chưa kịp than thở vì vận xui này, cả người tôi đột
ngột bị một cánh tay thép kéo vào giữa một bờ vai rộng lớn. Anh ta thấp
hơn Rajiva một chút, nhưng khoẻ hơn và thô bạo hơn rất nhiều.
- Người đẹp ơi, không ngờ lại gặp nàng ở chốn này! Ta đang muốn tìm nàng đây!
Anh ta chỉ khống chế tôi bằng một tay, nhưng những thớ thịt săn chắc
trên cánh tay của anh ta tựa như một gọng kìm, ghìm chặt tôi tới mức
khiến tôi đau đớn. Tôi như thể một con kiến đáng thương, dù ra sức giằng co, vùng vẫy cũng chỉ như gãi ngứa cho anh ta.
- Thả tôi ra, tôi là người đã có chồng!
- Hả? Vậy ư? Đáng tiếc quá nhỉ?
Khoé môi anh ta lộ vẻ bỡn cợt, anh ta ngửa đầu cười vang:
- Nhưng người Hung Nô chúng ta không để bụng chuyện đó. Có chồng thì
sao nào? Ta cướp lại là được chứ gì! Chồng nàng có giỏi thì đến đây mà
cướp nàng về! Anh ta vừa nói vừa kéo tôi đi, tôi cố vùng vẫy thế nào
cũng không ăn thua, anh ta đã kéo tôi đến cửa cung điện. Trong lúc cấp
bách, tôi ghé sát tai anh ta, nói khẽ:
- Vở kịch lần trước diễn xong rồi, lần này định diễn cho ai xem đây?
Cả con người anh ta như đông cứng lại, bước chân dừng đột ngột, nhíu
mày nhìn tôi, ánh mắt kinh ngạc. Tôi không thể tỏ ra yếu thế trong lúc
này được, thế nên tôi trừng mắt nhìn anh ta, không hề sợ hãi. Anh ta kéo tôi sát lại, vẻ mặt cười cợt, vờ như chuẩn bị hôn tôi, nhưng thực chất là kề miệng sát vào tai tôi, thì thào:
- Cô là ai?
Giọng nói lạnh lùng khiến tôi gai người, đúng lúc ấy một giọng nói trầm ấm từ phía sau vọng lại:
- Không biết tướng quân Thư Cừ có điều gì muốn chỉ bảo phu nhân của ta?