Dung Nham

Chương 91: Ngoại truyện 6: Như Ý công chúa (4)



Thà chết không phục?”, Hạ vương cười hung ác, một cái bạt tai rơi trên mặt nàng. Như Ý bị đánh hai tai ù ù, giọng nói của Hạ vương như từ một chân trời xa xôi: “Ta và ngươi thế mà lại là một cặp trời sinh, ta thích nhất nhìn bộ dạng người ta thà chết không phục mà lại cứ nằng nặc cầu xin được sống”.



Như Ý nghiến răng, giơ tay định đáp lễ lại Hạ vương, nhưng vừa vung lên cổ tay đã bị tóm chặt, nàng đau đớn tới mức hai dòng nước mắt rơi xuống.

Hạ vương bẻ gãy tay nàng, kéo tóc nàng đập xuống đất. Thôi công công ở bên cạnh thấy vậy không thèm để ý phạm tội chết hay còn đường sống hay không, nhặt chiếc ghế đánh về phía Hạ vương để cứu Như Ý công chúa.

Nhưng Hạ vương là ai chứ? Hắn chinh chiến nam bắc, dựa vào võ lực mà kiếm được hoàng quyền, nào đâu sợ một người sức bằng nửa thùng nước như Thôi công công. Hắn dùng một quyền đánh nát chiếc ghế thuận thế đánh một chưởng trên ngực Thôi công công. Thôi công công bị đánh bay ra ngoài, miệng phun một búng máu, đập vào cái cột rồi ngã xuống đất.

Hạ vương không thèm nhìn ông, một cái tát lại rơi trên mặt Như Ý, hắn nhìn khuôn mặt toàn là máu cộng với bộ dạng đau đớn khôn cùng của Như Ý, đắc ý cười: “Thà chết không phục? Ngươi tưởng tượng hay lắm, ngươi tưởng mình vẫn còn ở Tiêu quốc? Ngươi tưởng rằng người còn là Như Ý công chúa mà người người cưng chiều?”.

Trước mắt Như Ý mơ hồ, hai tai như không nghe thấy nữa, giọng nói của Hạ vương như từ chân trời xa xăm truyền đến. Nàng chẳng nhìn thấy gì hết nhưng lại nhìn thấy rất rõ đôi mắt của Hạ vương, trong đó có sự ác độc, thô bạo nhưng cũng hưng phấn dị thường. Đó là đôi mắt làm người ta sợ hãi nhất mà đời này nàng được nhìn thấy.

Sau đó có chuyện gì xảy ra Như Ý cũng không biết, nàng thậm chí còn không biết tại sao mình lại sợ hãi đến mức ngất đi, chắc hẳn là do Hạ vương hành hạ hung ác quá nên mới ngất đi. Tới lúc có ý thức trở lại chỉ còn nhớ toàn thân mình là đau đơn và nỗi sợ hãi vô cùng vô tận.

Thôi công công và mấy người đó bị thương khắp người, vậy mà ban đêm vẫn canh chừng nàng, sợ rằng phía Hạ vương lại làm khó dễ.Nhưng Hạ vương không hề dùng vũ lực với Như Ý nữa, hắn chỉ thường qua để hỏi thăm nàng. Sau đó thành một câu chuyện cười vô cùng châm chọc và trào phúng. Như Ý nghe được hắn ta nói với thị vệ và ngự y: “Chỉ cần không chết là được, bổn vương còn chờ cùng nàng qua đêm động phòng hoa chúc nữa”.

Lòng Như Ý lạnh như băng, nàng nằm trên giường nghĩ nếu như mình thật sự chết đi rồi thì đoạn đời ngắn ngủi này đã trải nghiệm được những gì? Nàng nhớ tới mẫu phi, phụ vương, nhớ tới những phi tần và người hầu nàng đã từng đánh mắng, nhớ tới Nhiếp Thừa Nham, nhớ tới những công chúa khác tìm phò mã sống ở trong thành.

Nàng nghĩ tới bản thân, nghĩ tới từng việc mình đã làm cùng với mỗi một chuyện đen đủi nàng đã gặp.

Nàng hỏi mình: “Vì sao nàng lại như bây giờ?”

Nàng lại hỏi mình: “Nàng có còn cần phải sống nữa không?”

Ngày đại hôn của Như Ý công chúa và Hạ vương ngày càng gần, nhưng những vết thương của nàng hồi phục rất chậm, ăn không ngon ngủ không yên, cơ thể ngày càng suy nhược, cứ như vậy ngay cả nằm dậy cũng không nổi. Hạ vương thường uống say qua đó làm loạn nhìn thấy bộ dạng đó của nàng cũng không hề gấp gáp mà coi như không có gì, nói về chuyện đại hôn với nàng, nói rằng hắn rất mong đợi được mở mang một chút thứ “Thà chết bất phục” mà nàng nói. Hắn cười ha ha hết sức giễu cợt. Như Ý hiểu rõ hắn điều hắn muốn không phải là một phi tần mà là một món đồ chơi.

Sống tiếp hay không? Câu hỏi này như một tảng đá nặng nề ép buộc Như Ý. Mãi cho đến một hôm nàng nghe Tiểu Mễ Tử và Hỉ Nhi khóc ở ngoài, Như Ý gắng gượng ngồi dậy len lén đi đến bên cửa nghe ngóng.

“Thúy Nhi chết thảm quá, tên Hạ vương đó đúng là không phải người”. Đây là giọng Hỉ Nhi.

Tiểu Mễ Tử vừa khóc vừa gấp gáp: “Hỉ, Hỉ Nhi, ngươi không được nói xấu Hạ vương, nếu ông ta nghe thấy giết ngươi thì làm thế nào? Giờ công chúa không bảo vệ được chúng ta nữa”.

“Giết thì giết, dù sao ta cũng không muốn sống nữa”. Hỉ Nhi khóc vô cùng thê lương: “Những ngày ở đây sống còn không bằng chết, công chúa cũng bị hành hạ đến mức ấy, những người hầu như chúng ta thì làm gì có đường sống, sớm muộn cũng phải chết”.

“Ngươi đừng nói như vậy, còn ở núi Thanh Sơn thì không sợ thiếu củi đốt. Ngươi đừng tưởng chết mà được thoải mái, nếu như giống Thúy Nhi, làm ngươi như thế… Ngươi, ngươi lẽ nào không sợ?”.

Hỉ Nhi lập tức im lặng. Như Ý nghe đến đó thì không nghe nổi nữa, nàng lê người về phía chiếc giường.Nhưng chỉ một đoạn đường ngắn như vậy mà nàng cảm thấy như thiên sơn vạn thủy, trước mắt tối đen không thấy bất kì hi vọng nào.

“Bịch” một cái, Như Ý ngất ở trên giường.

Thôi công công và bọn Hỉ Nhi trung thành túc trực bên giường Như Ý, không dám cho nàng biết Hạ vương đã sai người gửi hỉ phục sang. Thôi công công dập đầu cầu xin nói rằng thương tích của công chúa còn chưa khỏi, còn không xuống giường được nữa là đến hôn lễ? Nhưng đáng tiếc chẳng ai thèm để ý đến ông, chỉ nói một câu: “Đây là căn dặn của vương”. Thế là những lý do của Thôi công công đều bị gạt hết đi.

Như Ý tỉnh, không nói không rằng đã ba ngày bỗng gọi Thôi công công đến bên giường. Nàng nói: “Công công, ông nhìn ta từ nhỏ mà trưởng thành, ông hãy nói thật cho ta biết ta là một cô công chúa hư hỏng đúng không?”.

“Công chúa”. Thôi công công quỳ xuống, ngữ khí này của Như Ý làm ông lo lắng.

“Công công”. Như Ý yếu ớt nói: “Lúc mẫu thân sinh ra ta, người lớn và đứa nhỏ chỉ có thể chọn một, sao bà ấy lại chọn sinh ta ra cơ chứ?”.

Thồi công công vẫn quỳ không nói gì.

Như Ý tự nói: “Trong lòng bà ấy biết rõ không sinh được con nối dõi cho phụ vương cuộc sống sau này sẽ không dễ dàng, bà không muốn sống khó khăn như thế nên mới cho ta ra ngoài đối mặt với cuộc sống mà bà không muốn đối mặt, phải không?”.

Thôi công công không đáp, ông biết bao nhiêu năm nay Như Ý sống ở trong cung đã được mắt thấy tai nghe, trải quá nhiều việc thế nên những việc trong cung nàng đều thấu rõ, có điều dù có thấu rõ đến chừng nào thì cũng không hòa nhập được. Nàng chỉ như một đứa trẻ kiêu căng tự đại sống trong thế giới của riêng mình.

Như Ý trầm mặc hồi lâu bỗng nói với Thôi công công: “Công công, ta biết các người theo ta chịu đựng nhiều đắng cay. Nhưng mà ta muốn được tùy hứng thêm một lần cuối cùng”. Thôi công công ngẩng đầu nhìn nàng, nghe nàng nói tiếp: “Công công, ta khó thoát khỏi cái chết, nhưng ta không muốn chết ở chỗ này”.

Thôi công công giật nảy người: “Công chúa…”.

Như Ý nói rất nhẹ nhành nhưng vô cùng kiên định: “Công công, nơi đây quá bẩn thỉu, Như Ý không muốn chết ở đây. Kể cả vùi xác nơi biển cát hay phơi thây ngoài gió bão cũng còn hơn kết thúc ở một nơi như thế này”.

Thôi công công há hốc mồm sững sờ. Như Ý nằm trên giường quay đầu lại nhìn vào mắt Thôi công công: “Công công, cầu xin ông đấy, chúng ta bỏ trốn đi”.

Vì câu nói này của Như Ý công chúa, Thôi công công đánh cược cái mạng già này.

Dưới dự chèn ép của Hạ vương thì rất khó tin nếu đem theo hết tất cả người hầu kẻ hạ, Thôi công công chỉ dẫn Hỉ Nhi và Tiểu Mễ Tử, và còn một thị vệ họ Mã chạy trốn. Bọn họ âm thâm chuẩn bị, lặng lẽ giấu diếm, kiểm tra mọi thứ vô cùng cẩn thận. Cuối cùng trong ngày hôn lễ của Hạ vương và Như Ý bọn họ đã có cơ hội trốn đi.

Hôm đó các ma ma, bà tử, cung nữ, công công tạo thành một đám lớn vây quanh tẩm cung của Như Ý. Bọn họ muốn hầu hạ Như Ý chải tóc, thay y phục, trang điểm chuẩn bị hành lễ. Vì quá đông người nên những binh tướng của Hạ vương vốn canh giữ ngoài tẩm cung hầu hết đều rút đi. Sự canh phòng ở chỗ Như Ý thả lỏng đi rất nhiều.

Khi Như Ý trang điểm xong nàng liền ngất đi. Vì thế Thôi công công bắt mọi người ra ngoài để công chúa nghỉ ngơi một lúc trước khi xuất phát, nếu không lúc hành lễ công chúa bất tỉnh lại làm Hạ vương mất hứng, mọi người đều gặp bất trắc. Mọi người nghe thấy vậy rối rít đi ra ngoài.

Không ngờ rằng lúc Như Ý đang nghỉ ngơi thì một cung nữ vấp ngã làm đổ lư hương trong tẩm cung, mành lụa trong cung chẳng mấy chốc bị đốt cháy. Hôm nay vốn là ngày vui mừng, gấm vóc lụa là có rất nhiều, chỉ cần nhóm một tí trong nháy mắt gần như cả phòng đã cháy hừng hực. Mấy ma ma, công công cả kinh thất sắc, lớn tiếng gọi người tới cứu hỏa.

Thôi công công dẫn theo công chúa mặc hỉ phục che mặt chạy ra ngoài.

“Mau dập lửa!”. Thôi công công hét to, nói với một nhũ mẫu bên cạnh: “Công chúa hít phải khói, không được khỏe, mau tìm một nơi an tĩnh cho công chúa nghỉ ngơi”.

Ma ma đó nghe xong sợ hãi, vội vàng dẫn bọn họ tới một căn phòng khác để nghỉ, rồi lại gọi thêm mấy người tới hầu hạ. Thôi công công hầu công chúa nằm xuống giường, buông rèm, nhẹ giọng nói với ma ma: “Để công chúa nghỉ ngơi yên tĩnh một lát để nhỡ làm lỡ việc hành lễ, bây giờ tới giờ lành còn một chút thời gian, mọi người đừng làm lớn chuyện kẻo chọc giận nhà vua thì không hay đâu”.

Các ma ma gật đầu lia lịa đi theo Thôi công công ra ngoài. Thôi công công lại nói: “Ta đi xem xét tình hình hỏa hoạn, công chúa xin nhờ các vị ma ma chăm sóc”. Ông nói xong lại chạy đến chỗ hỏa hoạn.

Ai cũng không biết được rằng Thôi công công đốt tẩm cung xong chạy đến rừng trúc tụ họp cùng với Như Ý, Hỉ Nhi và mọi người, mấy người thay y phục của tiểu công công. Ai nấy đều rất thận trọng, nhân lúc mọi người bận rộn cứu hỏa mà chạy đến bên tường cung điện. Ở đó có một lỗ chó mà Thôi công công đã đào trước đó.

Như Ý sau một hồi lôi lôi kéo kéo cuối cùng cũng chui ra được cái lỗ. Thời khắc đó nàng bỗng nhiên cảm thấy thì ra thế giới này lại to lớn như vậy.

Đường chạy trốn của Như Ý thật không dễ dàng gì, thương thế của nàng nặng, lại mang bệnh, đường đi nhọc nhằn, thiếu ăn thiếu uống, thường xuyên ngất đi. Nàng thấy đại nạn của mình đã tới rồi. Nàng gọi Thôi công công đến trước mặt, chia đồ trang sức và của cải ra từng phần: “Ta làm chủ tử của các người lâu như vậy, kết quả lại là không cho các người được gì cả. Mọi người chớ trách ta, những thứ này cũng không biết có đủ cho mọi người tìm được một chốn yên ổn mà sống không…”.

“Công chúa, người thế này là có ý gì?”. Thôi công công hoảng hốt.

Như Ý cười cười: “Thôi công công, các người đừng để ý đến ta, hãy mang những thứ này đi đi”.

“Công chúa!”. Mọi người đồng thanh gọi. Nơi đây là một hoang mạc, để công chúa ở đây thì chẳng phải nàng chỉ còn đường chết hay sao?

“Cứ cho là ta có thể rời khỏi hoang mạc này thì cũng chết mà thôi. Cơ thể ta thế nào ta tự biết, có thể kéo dài được đến mấy ngày? Mọi người đưa ta theo cũng như mang theo gánh nặng, sợ là khó trốn thoát khỏi sự truy bắt của Hạ vương. Ta từng nói rằng chỉ cần không chết ở nơi dơ dáy, chết ở trong tay tên cầm thú ấy thì nơi nào cũng được. Hôm nay sa mạc này khó qua thì ta cứ từ biệt ở đây vậy, chôn vùi ở nơi trời xanh cát trắng này cũng có thể coi là chết một cách sạch sẽ. Các người cũng đừng trở về cung nữa, tận dụng cơ hội này tìm một nơi tốt mà buôn bán nhỏ, sống tốt nửa đời còn lại”.

“Công chúa…”. Hỉ Nhi, Tiểu Mễ Tử nghe Như Ý nói một nửa đã khóc không thành tiếng, Thôi công công nước mắt người già rơi lã chã, liên tục dập đầu: “Lão nô đã từng thề, cái mạng này là của công chúa, xin công chúa đừng vứt bỏ. Chúng ta đã có thể chạy trốn đến hôm nay có nghĩa là ông trời đã cho chúng ta con đường sống, không thể để công chúa đi như vậy. Chúng ta nhất định sẽ có cách thoát khỏi Hạ vương, cho công chúa có thể lại nhìn thấy ánh mặt trời”.

Như Ý nghe lời an ủi rồi mỉm cười yếu ớt. Bóng tối cứ bủa vây nàng, nàng như nhìn thấy mẫu phi chưa từng gặp mặt, nàng nghĩ mọi chuyện chính mình thế là xong, nàng cho rằng thế là mình đã được giải thoát.

Nhưng hóa ra không phải vậy!

Lúc Như Ý có ý thức trở lại phát hiện ra bản thân đang nằm trong một căn phòng, Hỉ Nhi nói một tiếng với nàng rằng họ đã đến thành Cố Sa, tới địa phận của nước Tiêu.

Như Ý chỉ cảm thấy hít thở nặng nề, cơ thể như lửa đốt. Nàng không quan tâm mình đang ở đâu mà chỉ muốn thoát khỏi sự đau đớn này. Đầu óc mê man, không biết có chuyện gì xảy ra, lúc mở mắt ra, nàng tưởng mình bị hoa mắt khi trông thấy Hàn Tiếu, y bộc cưng trong tim của Nhiếp Thừa Nham kia.

Như Ý cảm thấy cái tên “Nhiếp Thừa Nham” này đã cách nàng rất xa, người đó cũng cách nàng rất xa rồi. Hôm nay nghĩ về hắn nhưng lại không có cảm giác gì nữa. Nhưng nàng vẫn rất để ý Hàn Tiếu, đây chính là cô gái khiến Nhiếp Thừa Nham cự tuyệt nàng, nàng rất để ý đến bộ dáng chật vật hiện giờ của mình lại bày trước mặt Hàn Tiếu.

“Công chúa, Thôi công công nói Hàn cô nương là thần y, ông ấy mời đến cứu người”.

Cứu nàng? Như Ý cười khổ, nàng đã đến nông nỗi này rồi làm sao cứu được? Nàng không tin Hạ vương sẽ tha cho nàng, cũng không biết phụ vương sẽ đối xử với nàng thế nào. Thương thế của nàng cho dù có chữa khỏi thì cuối cùng cũng vẫn chỉ có một con đường chết.

Nhưng Hàn Tiếu vẫn cứu nàng. Y thuật của Hàn Tiếu rất tốt, không biết dùng cách gì mà nàng đã hạ sốt. Như Ý cảm thấy lửa trên người đã được dập tắt, nàng mê mê man man, toàn thân uể oải đến nỗi không nhấc nổi một ngón tay.

Lúc này bên ngoài đột nhiên có tiếng động lớn, thì ra đúng là binh mã của Hạ vương đã đuổi giết tới đây. Hàn Tiếu, Hỉ Nhi, Tiểu Mễ Tử ở trong phòng gấp gáp, cơ thể Như Ý bây giờ không được gặp gió, lại cực kì suy yếu, không có cách nào chuyển đi. Cuối cùng Hàn Tiếu nghĩ ra một cách, bảo Hỉ Nhi dùng chăn bọc Như Ý lại, cột trên lưng rồi bọn họ sẽ đi thu hút sự chú ý của đám binh mã Hạ vương, còn Hỉ Nhi nhân cơ hội cõng Như Ý chạy.

Bọn họ hẹn là tụ họp ở trong sân nhà khách của Nhiếp Thừa Nham.

Hỉ Nhi đồng ý, cõng Như Ý trên lưng thừa cơ lúc mọi người náo loạn bên ngoài phòng, chạy theo hướng tiểu viện.

Thành Cố Sa lúc này đang trong trạng thái chuẩn bị chiến đấu, Như Ý hòa thân không hề đem lại sự an bình cho Tiêu quốc, Hạ vương rục rịch động thủ, Tiêu quốc trận địa sẵn sàng đón địch. Như Ý không hề biết những điều này, nhưng nàng biết binh mã đã đuổi tới sau lưng rồi, nàng biết một cô nương như Hỉ Nhi dù chân có khỏe hơn nữa cũng không thể bì được với những binh tướng đã được huấn luyện của Hạ vương.

Quả nhiên, Hỉ Nhi cõng nàng đến chợ đã không còn sức chạy tiếp, Hạ binh trong trang phục của Tiêu quốc đằng sau đuổi tới, dám cả gan động thủ ở trong chợ. Hỉ Nhi nhanh nhạy chui vào đống người, nhưng chân mềm oặt ngã nhào xuống đất, nàng sợ đè lên người Như Ý nên đành gắng gượng cắm mặt xuống đất.

Như Ý nước mắt như mưa, Hỉ Nhi run run cởi dây buộc cho Như Ý để có thể đứng dậy được. Nàng an ủi: “Công chúa đừng sợ, đừng sợ, đây là đị giới của Tiêu quốc, là địa giới Tiêu quốc của ta, bọn chúng không thể bắt chúng ta được”.

“Ngươi đi mau!”. Như Ý khi ấy không biết lấy được dũng khí ở đâu ra, lại có thể hét lớn: “Đừng để ta làm liên lụy đến ngươi, mau chạy đi, người bọn chúng muốn bắt là ta, chúng ta chỉ có một người có thể sống”.

Khi Như Ý đang hét, mấy tên Hạ binh cải trang đã đuổi tới, bọn chúng cũng biết nơi này không ở lại lâu được, muốn thật nhanh chóng tóm gọn Như Ý công chúa.

Hỉ Nhi bất chấp sống chết hét lớn, mạnh mẽ lao tới đó cắn một miếng lớn vào tay một tên Hạ binh trong số đó. Tên Hạ binh đó giận dữ, cho Hỉ Nhi một cái bạt tai, hung ác đánh nàng sang một bên.

Như Ý nằm trên mặt đất nhìn Hỉ Nhi bị đánh, ngoài khóc lóc và đau đớn thì nàng không còn có thể làm gì khác.

Một tên Hạ binh dữ dằn lôi Như Ý từ dưới đất lên, Như Ý nước mắt đầy mặt, nhưng hai mắt lại mở to trừng mắt hung dữ nhìn hắn, nàng quyết không thể tỏ ra yếu ớt trước mặt lũ cẩu binh này, một chút cũng không thể.

Chính trong lúc này, một thanh đại đao quét qua, hướng về phía sau lưng tên Hạ binh, hắn giật mình vội bỏ Như Ý xuống, nhanh chóng trốn đi.

Một giọng nói vừa trẻ trung vừa vô cùng uy nghiêm vang lên: “Kẻ nào dám cả gan làm loạn, lại dám bắt bớ con gái ở đây”.

Như Ý ngã trên mặt đất, giương mắt nhìn về phía ấy, đó là một người trẻ tuổi mặc y phục tướng quân, cưỡi một con hắc mã cao lớn, oai phong lẫm liệt.

Mục Viễn không hề biết rằng trong thời khắc ấy hắn ở trong lòng của Như Ý giống như thiên thần vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.